Trang

Thứ Năm, 29 tháng 3, 2012

TÌNH TA

TÌNH TA
13:11 29 thg 3 2012Công khai46 Lượt xem 10






                           tình ta


ngày bé thơ, em thích bài ca “Hoa Biển”
với ca từ:
 “ trùng khơi nổi gió, lênh đênh trên sóng, thấy lung linh rừng hoa”
 và em cũng hay hát bài ca “Người yêu thủy thủ”
vì thích câu
“nhớ đại dương ngát xanh muôn trùng”


ngày xưa ấy,
dù chưa một lần đến biển,
nhưng với em
biển
bức tranh tuyệt mỹ
bao la

giờ đã hai thứ tóc
em vẫn thích
ngắm những chiếc thuyền chài
được biển đong đưa
hàng dừa lung linh dưới nắng
khoe dáng cùng biển xanh…

Vũng tàu hướng ra Biển Đông
ngút tầm mắt là chân trời
như tình em với anh…

Thứ Ba, 27 tháng 3, 2012

GIÁ TRỊ VÔ HÌNH CỦA CÂY DỪA VIỆT NAM


GIÁ TRỊ VÔ HÌNH CỦA CÂY DỪA VIỆT NAM
VÀ ĐỊNH HƯỚNG KHAI THÁC
Với diện tích gần 150 ngàn ha, dừa là loại cây công nghiệp lâu năm được trồng với diện tích lớn thứ tư trong cả nước, sau cao su, cà phê và điều. Cùng sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, giá trị của cây dừa ngày càng được nâng cao và công nghiệp chế biến dừa cũng đã trở thành ngành kinh tế đang được quan tâm phát triển, đặc biệt là ở Bến Tre.
Là loại cây truyền thống lâu đời phục vụ cho cuộc sống hằng ngày, cây dừa không được đầu tư trồng theo đồn điền, trang trại mà phần lớn được trồng quanh nhà, trong vườn nhà. Giống như tre, cây dừa có mặt hầu hết ở các vùng quê Việt Nam, trải dài từ Bắc chí Nam, từ duyên hải đến cao nguyên, nơi nào cũng có. Chỉ khác là nơi nhiều nơi ít do điều kiện thổ nhưỡng. Ngoài lợi ích kinh tế sau thu hoạch, cây dừa còn tiềm ẩn khối tài sản vô giá nhưng vô hình của nó.
Giá trị vô hình chính là giá trị không thể nhìn thấy cụ thể, nhưng nó được ẩn chứa tiềm tàng trong mỗi loại vật chất theo bề dày của thời gian.
Việt Nam có lịch sử hơn bốn ngàn năm giữ nước, dựng nước và mở mang bờ cõi, cùng bao thăng trầm biến đổi. Đã có một thời, cây dừa là biểu tượng tâm linh (linh vật) của thị tộc Chăm Dừa. Đến giữa thế kỷ thứ sáu, vào kỷ Tiền Lê, cây dừa chính thức có mặt ở Vạn Xuân, sau cuộc dẹp loạn quân Lâm Ấp (thuộc thị tộc dừa) dưới triều Lý Nam Đế. Bắt hơn năm ngàn tù binh Lâm Ấp đưa về Vạn Xuân, một phần được cho xây dựng thành Tô Lịch (tiền thân của thành Đại La), phần khác danh tướng Lý Mục Man đưa về quê hương mình tại làng Yên Sở, nay thuộc huyện Hoài Đức, Hà Nội, nổi tiếng với đặc sản bánh gai và những cái giếng Chăm không bao giờ cạn nước. Và hoàng thành Thăng Long có một cửa ô mở về phía Tây mang tên Nôm (tên có từ trước khi xây dựng hoàng thành Thăng Long) là Chợ Dừa. Địa danh ấy đến giờ vẫn tồn tại và đã được đưa vào bản đồ hành chính của thủ đô Hà Nội. Sau những cuộc dẹp loạn quân Chiêm Thành của các thời đại thì tù bình Chiêm Thành có mặt nhiều nơi ở các tỉnh phía Bắc, nên cây dừa cũng có mặt ở khắp nơi. Và nơi đâu trồng nhiều dừa thì nơi ấy bánh gai trở thành đặc sản. Chiếc bánh gai có nguồn gốc từ bánh ít lá gai của người Chăm dâng cúng trời đất, thần linh và dần hòa tan để Việt hóa thành những chiếc bánh tròn, gói lá vuông mà không còn mang hình chóp nữa.
Dừa là loại cây cho trái ăn được, cùng nhiều công dụng trong đời sống của người Việt Nam hàng ngàn năm nay, vì thế dừa mang trong mình một giá trị văn hóa lâu đời, từ ẩm thực, tâm linh, cho đến công cụ hàng ngày nên cũng đã hiện diện trong ngạn ngữ, thi, ca, nhạc, họa.
Không biết từ bao giờ thành ngữ “Lành làm gáo, vỡ làm muôi” đã được ông cha ta dạy con cháu hãy biết sống làm người và biết sống thực với giá trị của chính mình. Triết lý sống thì tương tự với câu “Gừng càng già càng cay” ông cha ta còn có câu “Dừa già, bà lim” xuất phát từ nghĩa đen của độ cứng cây dừa già sẽ cao hơn gấp nhiều lần gỗ lim, điều này hẳn cho đến giờ, trong chúng ta ít ai biết được giá trị này của dừa. Hoặc trong ẩm thực xưa, các cụ cũng có câu: “Đánh chết chẳng chừa, cùi dừa bánh đa”. Thực tế xuất phát câu tục ngữ này là khi ăn bánh đa thì nhất thiết phải có cùi dừa mới ngon, nếu không có dừa, bánh đa sẽ kém phần hấp dẫn. Ẩn trong đó, ông cha ta muốn nói lên sự gắn bó không thể tách rời những mối quan hệ cộng đồng trong cuộc sống hằng ngày và gái trai trong tình yêu đôi lứa. Trong ca dao có câu: “Công ai, công uổng công thừa/ Công ai gánh nước tưới dừa Tam Quan” để nói lên sự bạt ngàn của dừa Tam Quan ngày xưa. Tiếc rằng, ngày nay cây dừa Bình Định cũng đã mất dần vị thế do cơ chế thị trường.
Trong thi ca, bài thơ Dừa ơi của Lê Anh Xuân nối tiếng với trăn trở về kỷ niệm tuổi thơ với cây dừa
...“Tôi lớn lên đã thấy dừa trước ngõ
Dừa ru tôi giấc ngủ tuổi thơ
Cứ mỗi chiều nghe dừa reo trước gió
Tôi hỏi nội tôi: dừa có tự bao giờ?”…
Còn Trần Đăng Khoa thì mô tả cây dừa với những ví von trong trẻo rất dễ thương
“ Cây dừa xanh toả nhiều tàu
Dang tay đón gió, gật đầu gọi trăng
Thân dừa bạc phếch tháng năm
Quả dừa - đàn lợn con nằm trên cao
Đêm hè hoa nở cùng sao
Tàu dừa - chiếc lược chải vào mây xanh.”…
Nguyễn văn Tý cũng đã có bài hát “Dáng đứng Bến Tre” nổi tiếng một thời khi lồng cây dừa vào chân dung yêu kiều của người phụ nữ: “ Ai đứng như bóng dừa, tóc dài bay trong gió…”.
Và cảnh hái dừa cũng đã hai lần được đưa vào giòng tranh dân gian Đông Hồ để mô tả cảnh sinh hoạt của cư dân Bắc bộ.
 

Dừa cũng đã được dùng làm nhạc cụ truyền thống của Việt Nam như: đàn gáo, đàn bầu với những âm thanh đặc trưng của tiếng vọng từ sự đanh chắc của gáo dừa.
Trong đời sống tâm linh có nhiều nơi dừa được dùng làm lễ vật dâng lên trời đất vào thời khắc giao thừa để tiễn đưa năm cũ và đón chào năm mới, thể hiện sự trong sạch tinh khiết. Và ngày nay, trái dừa không thể thiếu trong mâm ngũ quả ngày Tết của người Việt Nam với cầu mong sự vừa đủ. Và trong hầu hết những bánh trái được dâng lên ông bà tổ tiên vào các ngày giỗ chạp, cưới xin, hoặc tiến vua cũng đều có dừa như: bánh gai, bánh xu xê (có nơi gọi bánh phu thê), bánh cốm, xôi dừa,… và hết sức thú vị là ở Yên Sở còn có một món ăn truyền thống ấy là ruốc dừa, món này được làm như sau: dừa khô được cắt mỏng, rang khô và giã nhuyễn, giống như cơm dừa nạo xấy mà ngày nay các doanh nghiệp chế biến dừa ở Bến Tre đang xuất khẩu. Trong món ăn hằng ngày của cư dân xứ dừa cũng không thể không nhắc đến những món ăn truyền thống nổi tiếng như: Thịt kho dừa, tép rang dừa, chuối xào dừa, chè đậu nước dừa,…và đặc biệt nước màu dừa là 1 trong những phụ gia bất cứ người nội trợ nào cũng muốn được dùng để tăng thêm màu sắc và độ bóng cho các món kho của mình. Dừa còn là nguồn nhiên liệu và thực phẩm “vô giá” cho người dân nông thôn miền Bắc. Nhà ai có dăm ba cây dừa, thì coi như yên tâm về phần chất đốt và thức ăn hằng ngày. Vì thế tục ngữ có câu: “thiếu đất trồng dừa, thừa đất trồng cau”.
Đã từ xa xưa, dân ta cũng đã hiểu được những dược tính trong dừa: nước dừa thanh nhiệt giải độc cơ thể, giải cảm nắng khi vắt chút chanh và cho thêm ít muối, thay huyết thanh truyền vào máu và cũng là chất điện giải tốt nhất nhờ những khoáng chất từ thiên nhiên. Than gáo dừa có khả năng hút độc tố tốt nhất, nên đã được dùng làm thuốc trị nhiễm độc đường tiêu hóa và làm mặt nạ chống độc. Cơm dừa có khả năng nhuận trường, tấy giun sán. Dầu dừa, ngoài việc sử dụng cho chữa bệnh ngoài da, còn được dùng để tái tạo da trong quá trình trị bỏng,…
Bó đuốc lá dừa cũng chính là nét đẹp nhân văn trong văn hóa ứng xử của người dân xứ dừa thời khẩn hoang với nhau khi bước lỡ đường khuya.
Tục nhuộm răng đen của người Việt xưa cũng đã dùng than gáo dừa, cho đến các loại bánh dân gian truyền thống như bánh đa, bánh đúc, cũng đều có dừa.
Cổng chào ngày cưới, ngày hội cũng từ dừa, rồi chiếc gáo múc nước từ thuở xa xưa mà nhà nhà đều có, ấy chính từ sọ dừa, chiếc chổi quét bếp xơ dừa đến chiếc chổi chà như người phụ nữ Việt Nam lam lũ sớm hôm cũng từ cọng lá dừa …
Chiếc gáo dừa ngày xưa chỉ dùng để múc nước bởi sự bền chắc của nó, nay cũng đã trở thành nguồn nguyên liệu cho tranh, cho những sản phẩm thủ công mỹ nghệ có giá trị lên tới bạc tỷ, như chiếc tàu du lịch từ gáo dừa ở Phú Yên. Điều đó nói lên tâm huyết và sự sáng tạo của nghệ nhân Việt Nam.
Và hẳn trong chúng ta, ít tai nghĩ rằng cây dừa hóa giải được nộ cuồng của gió. Do cấu tạo của lá dừa ở dạng thùy lông chim, vì thế trước bão giông, dừa không hề gãy đổ. Và sau khi bão tố đi qua rừng dừa, gió sẽ ít hung hãn hơn. Dừa cho ta bóng mát cùng bao kỷ niệm tuổi thơ trong lời ru của mẹ trên chiếc võng xơ dừa, những trò cút bắt, bắn bi,… Và dây thừng dừa cũng là vật dụng không thể thiếu với những ngư dân giăng buồm ra khơi. Những thiếu phụ ngày xưa muốn có mái tóc dài đen mượt cũng cần đến dầu dừa, và sau khi từ giã cuộc đời, ngọn đèn dầu dừa chính là biểu tượng mong manh của đời người như là một triết lý sống. Dừa luôn bên ta như người mẹ hiền. dừa còn điểm tô cho quê hương nét đẹp của sự duyên dáng thướt tha,…Câu chuyện về dừa, nếu kế hết sẽ có biết bao điều trở thành huyền thoại. Đặc biệt hơn là sự góp sức của cây dừa trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ thật là to lớn.
Nhờ sự cần cù chịu khó và không ngừng sáng tạo, từ vùng đất hoang tàn sau chiến tranh do bom đạn và chất khai quang, người nông dân Bến Tre đã làm nên những điều kỳ diệu. Giờ đây, Bến Tre đứng đầu cả nước về sản lượng và ngành công nghiệp chế biến dừa với đa dạng sản phẩm. Bến Tre ngày nay xứng đáng được gọi là thủ phủ của cây dừa Việt Nam
Ngoài ra, Bến Tre còn có 18 làng nghề truyền thống, trong đó có 10 làng nghề chuyên sản xuất những sản phẩm từ dừa với đa dạng sản phẩm, từ bánh tráng, bánh phồng, kẹo dừa, thạch dừa, đến những mặt hàng thủ công mỹ nghệ với nhiều mẫu mã lạ mắt, sáng tạo.
Mỗi làng nghề đều có lịch sử và những tập quán riêng với những câu chuyện riêng của nó rất đa dạng, phong phú.
Bến Tre còn là quê hương Đồng Khởi với những câu chuyện chiến đấu liên quan tới dừa và những nhân chứng, nhân vật lịch sử vẫn còn khỏe mạnh.
Đây chính là những giá trị vô hình mà dừa đang có. Nó tiềm ẩn trong chuỗi giá trị của dừa cần được khai thác. Muốn khai thác được gía trị vô hình này, chúng ta phải làm gì?
Điều trước tiên ta phải hiểu rõ được giá trị này, biến giá trị ấy thành sản phẩm và đặt tên cho nó. Khi sản phẩm đã có tên, ta phải biến nó thành thương phẩm và xây dựng thương hiệu cho nó bằng chất lượng và tính đặc thù.
Với góc nhìn này về dừa, hẳn mỗi chúng ta sẽ yêu hơn cây dừa quê mình và muốn làm điều gì đó để giá trị vô hình này sẽ hữu hình bằng sản phẩm mang đậm nét văn hóa Việt Nam. Muốn làm được điều đó, chúng ta cần những người hết sức tâm huyết để định hình được nó bằng những câu chuyện thực tế diễn ra hằng ngày theo tập quán truyền thống của dân tộc. Hay nói cách khác là hệ thống lại tập quán của cư dân xứ dừa một cách khoa học cùng những giai thoại về dừa. Đây chính là sản phẩm văn hóa đặc trưng về dừa mà không một loại cây cho quả nào có được.
Từ nguồn “nguyên liệu” này, có thể tập hợp để in thành sách tư liệu phục vụ cho ngành Việt Nam học, văn hóa học, dân tộc học và cho cả những người muôn tìm hiểu về văn hóa Việt Nam.
Và điều thiết thực hơn, ấy chính là mở ra cho ngành công nghiệp không khói của Việt Nam thêm sản phẩm DU LỊCH DỪA với nội dung hấp dẫn và độc đáo bởi chiều sâu văn hóa và lịch sử của nó.
Đến với DU LỊCH DỪA, khách du lịch sẽ hiểu hơn về cây dừa Việt Nam, văn hóa Việt Nam, lịch sử Việt Nam (hiện còn rất nhiều nhân chứng sống), tính cách hào sảng của người Việt Nam cùng những món ăn dân dã truyền thống cũng như hiện đại và hết sức độc đáo từ dừa từ ngàn đời. Kết hợp cùng tham quan làng nghề dừa: làm bánh tráng, bánh phồng, kẹo dừa, thủ công mỹ nghệ,…và ở lại cùng cộng đồng để hiểu được tập quán sinh hoạt của cư dân địa phương. Điều này sẽ nâng cao được đời sống văn hóa của cư dân địa phương đồng thời du khách có được những trải nghiệm thực tế về cuộc sống nơi đồng quê thôn dã. Với những buổi chợ quê, những ngày giỗ chạp, cưới hỏi,…
Khai thác được giá trị vô hình của dừa để biến thành sản phẩm, chính là hình thức quảng bá cho cây dừa Việt Nam, văn hóa Việt Nam, lịch sử Việt Nam với bạn bè năm châu và hơn hết là để cho người Việt Nam hiểu được thêm một phần giá trị văn hóa dân tộc chưa được quan tâm nghiên cứu bảo tồn và phát triển. Và mọi người hiểu được thêm rằng, giá trị thực của một dân tộc chính là văn hóa.

Thứ Năm, 22 tháng 3, 2012

MÀU TÌNH YÊU

MÀU TÌNH YÊU

tình yêu có màu gì
trong đêm dài vô tn
con tim có hình gì
trong tn cùng ni đau?

xin hãy c trao nhau
bng tn cùng thương nh
đ nng mưa bão tr
Ta vn hoài bên nhau

Đọc bên nhà cụ Nô bàì màu tự do, bỗng nhớ bài "Màu tình yêu" của mình. Bèn chạy dzìa lục ra post lên (cái bài ni mần hồi nẵm, đã được post lên rồi, nhưng mới được gia cố thêm đoạn 2 sau khi xem xét lại vốn thơ ít ỏi của mình)

Thứ Tư, 21 tháng 3, 2012

VỀ MỘT NGƯỜI BẠN

      Anh báo tin đã chính thức nương nhờ cửa Phật, để chuyên hành Phật sự.
      Tôi cười hỏi: anh đã xuống tóc chưa?
      Anh bảo có cách tu riêng của mình.
     Đây không phải là lần đầu tiên anh nói với tôi điều này, nhưng hôm nay giọng nói của anh mang âm hưởng khác. Và tôi tin đây là quyết định quan trọng của cuộc đời anh.
    Tôi được giới thiệu để làm việc với anh, vì anh là họa sỹ VN duy nhất chọn giòng tranh thiền cho sự nghiệp sáng tác của mình. Bởi tôi hết sức quan tâm tới thiền, và luôn hướng về nó để tâm hồn tĩnh lặng sau những biến cố cuộc đời. Và tôi nghĩ gáo dừa chính là chất liệu mang tính thiền, bởi sự mộc mạc và thô mộc của nó.
     Sau những lần tiếp xúc với anh, thì những quan điểm trong cuộc sống đã khiến tôi và anh không thể hợp tác được. Tuy nhiên giữa tôi và anh cũng có được sự đồng cảm nhất định. Thỉnh thoảng chúng tôi cũng ngồi uống cà phê, chia sẻ cùng nhau những khó khăn trong công việc và hưu vượn về cuộc đời.

      Anh bức xúc khi nghe tôi kể về cuộc đời mình. Việc đi bộ đội từ năm 13 tuổi của tôi, với anh đó là một tôi ác. Tội ác của chiến tranh. Bởi trong lịch sử loài người, không ai chấp nhận nổi một sự thật mà những đứa trẻ 13, 14  bị đẩy ra khỏi gia đình để bước vào cuộc chiến. Dù có nói kiểu gì, anh cũng một mực trách ba tôi sao nỡ bứt tôi ra khỏi vòng tay yêu thương của mẹ. Hơn hết, tôi lại là con gái.

      Anh đã khóc khi đọc cho tôi nghe bài thơ anh viết cho mẹ tôi, sau khi nghe tôi kể cuộc đời và sự âm thầm chịu đựng khi lần lượt tiễn ba đứa con gái yêu của mình rời Saigon vào chốn đạn bom. Rồi những tháng năm bị tù đày tra tấn đến mù cả đôi mắt.

      Anh kể cho tôi nghe về bất hạnh của cuộc đời anh, về nguyên nhân cái chết của mẹ anh, do bị con chồng đầu độc. Anh kể về sự độc ác của những anh chị cùng cha khác mẹ với anh, chỉ vì muốn tranh dành tài sản, rồi đến sự khinh rẻ của bè bạn khi anh mới bước vào nghề,…

      Tôi quý trọng sự trong trẻo của tâm hồn anh, nhưng cũng lên án sự vô tình của anh trước trách nhiệm làm chồng, làm cha. Anh đã sống cho những đam mê của mình mà vô tình tạo nên sự thù hận trong lòng vợ anh. Người đàn bà cả cuộc đời chỉ biết tìm hạnh phúc nơi những đứa con của mình. Cũng chính vì điều này mà tôi và anh thường kết thúc buổi nói chuyện bằng một trận cãi vã.

      Mỗi người một cá tính, một đam mê, đến cuối cuộc đời thì anh chọn cửa Phật để nương thân. Âu cũng là số phận!

      Qua những câu chuyện của cuộc đời anh, tôi rút ra được những điều răn cho mình:

1. Đừng bao giờ cho rằng ta luôn biết phải làm gì;

2. Đừng bao giờ nghĩ những lời phê phán của bạn bè là sự ganh ghét đố kỵ, mà hãy biết trân trọng nó;

3. Đừng bao giờ nghĩ những lời khuyên của người khác là những lời dạy dỗ ta;

4. Hãy trân trọng và quý giá những gì mình đã có;
        
                                         
                               ________________________
Bài được viết từ 8/8/2011. Lưu lại và quên bẵng. Nay lục tìm tư liệu, tình cờ thấy nó. Dù bây giờ không còn phù hợp, bởi cuộc sống của anh dã thay đổi. Cứ post lên, có thể khi đọc được bài này từ những người bạn, anh sẽ vô cùng tức giận, bởi trong anh, tôi luôn là kẻ phá đám. Dù rằng đã có lúc anh bật khóc khi đọc cho tôi nghe những vần thơ anh viết về mẹ tôi. Tôi luôn trân trọng những gì tốt đẹp anh đã dành cho tôi, và trân trọng cả thái độ khiếm nhã của anh khi mọi người nhắc đến tôi, bởi anh không thể che dấu cảm xúc của mình. Mỗi người có một cá tính, một tư duy và lối hành xử riêng. Ai tinh tế thì sẽ có cuộc sống an lành, hạnh phúc. 
Cầu chúc anh may mắn.

Thứ Bảy, 17 tháng 3, 2012

MÊNH MÔNG ĐỜI

MÊNH MÔNG ĐỜI
Nắng mưa hương vị của trời
Mênh mông theo gió mây trôi
Mênh mông sóng biếc
Mênh mông tình người
Mênh mông cửa biển lòng tôi
Mênh mông ngụp lặn
Bụi trần thế gian
Mênh mông mộng tưởng bình an
Mênh mông mải miết
Bến bờ mênh mông…

Thứ Sáu, 16 tháng 3, 2012

NHỮNG ĐIỀU RẤT THẬT TỪ THẾ GIỚI ẢO


Rất tình cờ, tôi được quen biết với nhóm bạn Nha Trang. Rất trân trọng sự sâu sắc và tư duy của họ. Mỗi người một vẻ, họ kết lại thành một nhóm, như những đóa hoa khoe sắc và tỏa hương từ cách nghĩ, cách nhìn nhận cuộc đời.
Dù chỉ là những bài viết, nhưng cũng thể hiện được tính cách của mỗi người. Những bài viết ấy không phải để mua vui cho ai, không để được nổi tiếng mà là những điều rất thật tự đáy lòng họ muốn sẻ chia.
Người tôi quý nhất là “nó”, bởi cá tính và cách nhìn cuộc đời (hơn nữa, nó lại là phụ nữ). Tôi nể phục “nó” ở sự nhạy cảm và óc khôi hài. Nếu không có được óc khôi hài đó, "nó" sẽ vô cùng bất hạnh.
Những bài thơ đọng lại trong tôi nhiều nhất nói lên sự “bất lực” của một ông anh trước cuộc đời, do bị nhốt trong chiếc lồng của quá khứ. Nhiều khi tôi nghĩ, giá mà anh không tự nhốt mình trong chiếc lồng ấy, với tri thức và tài năng của mình, anh đã tỏa sáng.
Những bài viết sinh động và luôn có những câu rất đắt của một người tự nhận mình là cậu bé hậu đậu cũng làm cho tôi rất thú vị. Anh cho tôi thấy được sự thông minh, sắc xảo và hết sức hóm hỉnh trong tư duy.
Lời “còm” gây sốc của một ông anh khác cũng rất thú vị, bởi anh đã mở ra thêm một góc nhìn khác cho người viết. Anh thường mang đến cho mọi người những góc nhìn mới và đặc biệt bằng sự ví von hài hước nhưng rất sâu sắc.
Mới đây tôi lại được quen với một “o ” (nhân vật ấn tượng nhất trong chuỗi bài của cô ). Qua cách của “o” thì tôi thấy “o” rất tình cảm và hồn nhiên. Cái sự hồn nhiên này, không phải ai cũng có. Đó là ưu điểm và cũng là nhược điểm của “o”. Hãy cứ hồn nhiên em nhé (nhưng cũng phải biết tiết chế),đó là nét rất đáng yêu nơi em.
Ngoài nhóm bạn này ra, tôi còn chơi với một cô bạn ở KTV. Cô cũng rất cá tính. Thơ của cô là những bài thơ đầy ắp đam mê.
Đây là những người bạn từ thế giới ảo, nhưng rất thật, bởi họ không cần phải che dấu bản thân mình. Họ rất đáng yêu.

Thứ Ba, 13 tháng 3, 2012

DỪA TRONG TÔI

DỪA TRONG TÔI

phuthuygaodua | 04 February, 2010 10:30
                  

                                 
          DỪA TRONG TÔI

đứng trên cầu Rạch Miễu
dưới ráng chiều
tôi nghe trong xào xạc
vọng xa

dừa kể tôi nghe về đất
ấp ủ rễ dừa
như người mẹ
dành tất cả ngọt bùi
mong con lớn khôn

dừa nói với tôi về nắng, về mưa
nắng cho dừa biếc xanh sóng lá
để dừa đậm ngọt tình quê
mưa cho dừa mùa sau trĩu quả
tắm mát dừa xanh
tưới đất đỡ khô cằn

dừa đưa tôi về miền ký ức
của một thời chiến tranh
bom đạn
đi - ô - xin
máu và nước mắt
quyện vào dừa
đớn đau

dừa khoe tôi những viên kẹo ngọt
chiếc bánh phồng
chiếc chổi góc sân
dừa khoe tôi bóng mát
trước sân nhà trẻ nhỏ đùa vui
dừa cho tôi nghe lời ru
ầu ơ,... có cây cầu dừa
và rằng
chiếc gáo dừa
đã là dấu ấn thời gian

chiếc cầu như đong đưa
dừa oằn mình hứng chịu
giông gió ập về
mưa rơi...

dừa đưa tôi về thực tại
với cái nghèo
của người trồng dừa
đầu trần chân đất
để lòng trăn trở
khôn nguôi...

                                        Saigon 10:30. 04.02.2010

Chủ Nhật, 11 tháng 3, 2012

NGƯỜI ĐÀN ÔNG BẤT HẠNH


NGƯỜI ĐÀN ÔNG BẤT HẠNH
Ông kể rất nhiều về cuộc đời mình. Nỗi bất hạnh cùng những mối tình đã biến gia đình ông trở thành địa ngục. Ông kể về lòng tốt của mình với bạn, với mọi người. Ông kể về sự thăng hoa trong sự nghiệp của ông cùng sự ứng xử tinh tế trong những tình huống nhạy cảm.
Bà nghe qua, kính nể và thương cảm. Cả đêm thao thức và nguyện chia sẻ cùng ông nỗi bất hạnh của cuộc đời bằng tình bạn chân thành.
Ông có thể ngày này sang ngày khác nói về triết lý nhà Phật, về đạo pháp. Ông có thể dẫn chứng bất kỳ câu nói nào của các triết gia, trong từng tác phẩm và cũng đã giúp cho nhiều người thoát khỏi bế tắc của sự hiềm khích sân si (theo lời ông nói). Cũng có những lúc tâm hồn ông thật trong trẻo và đầy ắp những ý tưởng đẹp giúp cho cộng đồng. Ông tin vào những lời hứa cho tương lai sự nghiệp của ông và không ít lần mất mát. Ông không dám nghĩ đến sự dối trá của cuộc đời, bởi ông không có khả năng đối kháng với nó,vì thế có nhiều người tin ông, thực lòng muốn giúp ông phát triển sự nghiệp. Cái sự nghiệp mà mệnh trời mang đến cho ông.
Và rồi bà dần nhận ra trong ông đầy ắp hỉ nộ ái ố. Những điều làm cho những người thân yêu đau khổ, ông luôn gói chặt và nhét nó vào góc tối của tâm hồn. Ông sẵn sàng nổi khùng và vứt bỏ bạn mình trơ trọi trên con đường xa lạ, vắng vẻ chỉ vì bất đồng 1 quan điểm nào đó. Ông chưa bao giờ ngọt ngào với những người thân yêu của mình, nhưng lại luôn dịu dàng với những người mới quen. Ông thích được ngợi khen tán tụng và rất sợ những lời góp ý cho những tật xấu bản thân mình. Ông dấu sự nhu nhược trong tấm áo của lòng vị tha.
Và điều đáng sợ nhất trong ông là sự tráo trở. Chính vì điều đó mà ông bất hạnh.

Thứ Năm, 8 tháng 3, 2012

NGƯỜI ĐÀN ÔNG BIẾN MẤT
15:04 8 thg 3 2012Công khai40 Lượt xem 6

     Sau khi đóng hộp thư, trên trang tin tức của Yahoo, tôi đọc một bài viết về thân phận phụ nữ miền Tây. Rồi lan man qua tới bài viết của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư (Tư): Tôi thích phụ nữ coi như đàn ông biến mất. (http://vn.nang.yahoo.com/nguy%E1%BB%85n-ng%E1%BB%8Dc-t%C6%B0--t%C3%B4i-th%C3%ADch-ph%E1%BB%A5-n%E1%BB%AF-coi-nh%C6%B0-%C4%91%C3%A0n-%C3%B4ng-bi%E1%BA%BFn-m%E1%BA%A5t.html) , trong đó có đoạn “Tôi thích những người phụ nữ tự tại và tự trọng đến mức coi như đàn ông biến mất rồi. Họ làm đẹp vì chính họ chứ không vì ánh nhìn của đàn ông, để quyến rũ đàn ông; họ làm việc vì họ muốn chớ không phải chứng tỏ mình cũng mạnh mẽ”.

     Qua bài viết, thì nhà Tư có hai người đàn bà tuyệt vời, ấy là mẹ và chị của Tư. Nhưng theo tôi là còn thiếu, nếu không cộng thêm Tư.
     Vâng, Tư có lý của nàng. Cái lý ấy được rất nhiều người tán dương.

     Và tôi cũng muốn chia sẻ cùng Tư và các bạn về cái sự không thể “coi như đàn ông biến mất”.


    Phụ nữ làm đẹp, khi ra đường, có ai đó ngắm nhìn và ngưỡng mộ, ta thấy vui và hạnh phúc, vì ít ra mình cũng thấy được sự tồn tại của bản thân. Và theo bản năng, ta cũng muốn mình đẹp hơn để thu hút ánh nhìn của người khác, dù rằng ta chẳng có ý muốn quyến rũ ai. Nếu như có 1 người đàn ông lịch lãm đến bên ta để làm quen. Chắc chắn ta sẽ rất vui, mặc dù có thể ta sẽ ra vẻ không cần họ. Nhưng nếu thế thì ta thật khiếm nhã, và sẽ tệ hơn, nếu không có lời cám ơn và nhỏen với họ 1 nụ cười.


    Là phụ nữ, nhưng tôi là người kiếm sống chính trong gia đình. Người đàn ông của tôi không phải bất tài, nhưng anh hết sức mẫu mực trong công việc, nên cuộc sống gia đình sẽ hết sức khó khăn, nếu chỉ dựa vào đồng lương công chức. Và chúng tôi cùng thống nhất: “anh lo phần hồn, em lo phần xác”, khi anh chuyển hẳn công tác về Vũng Tàu.


      Bươn trải với cơm gáo gạo tiền, tôi luôn tự hào rằng mình mạnh mẽ, vén khéo. Do tính chất công việc, không chỉ 1 lần tôi thèm được mình là đàn ông. Nhiều lần, hơn 9 giờ đêm tôi mới rời khỏi xưởng, một mình trên đường quốc lộ hơn 40 cây số để về nhà. Không lo sợ cho bản thân mình, nhưng tôi xót xa khi chốc chốc con lại gọi điện: mẹ về tới đâu rồi mẹ? Sự quan tâm của con trẻ khiến lòng tôi chùng xuống và mắt nhòe đi…


    Tôi có 1 trái tim đủ khỏe để vững nhịp trên đường mưu sinh, nhưng nó cũng đã mềm đi trong cô độc và sự lo lắng của các con. Là người, tôi có nhu cầu được yêu thương, được chia sẻ và người chia sẻ trọn vẹn nhất không ai khác, ấy chính là người đàn ông và gia đình yêu quý của tôi.


    Vì thế, tôi không dại để coi như đàn ông của tôi biến mất.

Thứ Ba, 6 tháng 3, 2012

NGÀY ĐẦU TIÊN...ÔN TẬP


Chiều qua đang họp thì nhận được tin nhắn: lịch ôn tập cho môn Triết vào các ngày 3,5,7.
Thưa ba, khi ba mẹ còn sinh thời, con chẳng được ở gần để chăm sóc. Vì thế, con đã luôn cố làm những việc để ba mẹ luôn tự hào khi nghĩ đến con. Tuy nhiên, những việc làm ấy, đôi khi cũng là nỗi lo của mẹ cha trước sự thành công, thất bại của một đời người. Và ba mẹ luôn là người động viên và theo sát từng bước đi của con bằng sự hỏi han chia sẻ.
Sáng nay con trở lại giảng đường để chuẩn bị cho chương trình sau đại học. Con đường mà con sẽ tiếp tục cho cuộc đời mình. Ngành con sẽ thi vào ấy là Việt Nam học. Và con luận văn của con sẽ là DỪA. Một đề tài còn bỏ ngỏ, chưa ai nghiên cứu.
Cháu Đoan Trang (con chị Phú con) đã là đứa đầu tiên trong nhà thực hiện điều ba mong muốn. Cháu đã là thạc sỹ quản trị kinh doanh tại Mỹ và sẽ tiếp tục lấy bằng tiến sỹ sau 3 năm làm việc ở bên đó.
Và hôm nay là ngày bắt đầu ôn thi của con.
Con tin rằng với sự quyết tâm, con sẽ làm được điều ba mong muốn: nhà ta sẽ có 1 đứa con tiến sỹ.

Thứ Sáu, 2 tháng 3, 2012

YÊU ĐỂ CHẾT

YÊU ĐỂ CHẾT
Bạn bè tôn anh
"Hoàng đế của Tình yêu"
Và họ nói:
"Anh yêu là để chết!"
Em thầm hỏi
yêu chi để chết?
Và nghĩ rằng
ấy chuyện
bạn bè vui

Em đã thấy
Tình yêu cuồng dại
Anh đã yêu
Quên cả  chính mình
Anh đã yêu
Hơn cả thế gian yêu
Tim ứa máu
Ái oan tình tuyệt vọng

Khi anh yêu
Đêm thường hóa trắng
Bởi nhớ thương
Đau đớn
Ghen hờn

Khi anh yêu
Chiều luôn tím xẫm
Gió nộ cuồng
Xao xác bóng chim côi

Anh đã yêu
Bằng con tim bổi hổi
Như chưa một lần yêu
Yêu để chết
Vì yêu

Thứ Hai, 27 tháng 2, 2012

TỰ THƯỞNG

Mấy ngày qua bận quá, tối cả mắt mũi. Đọc lại, khá hài lòng với những nhận định và đề xuất ý kiến cho cây dừa. Gửi đi và tự thưởng cho mình khoảng thời gian cho một ẻn mới mà ta có thể gọi đó là thư giãn.
Viết gì? Viết linh tinh để giải stress.
Hôm thứ 6, đi Bến Tre, theo lời mời của một thày giáo già (thầy Ngô Ngọc Xuân) để dự buổi lễ tuyên dương những gia đình hiếu học xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm.
6g sáng bắt đầu rời khỏi cửa, sau hơn 2 tiếng đồng hồ thì 2 cô cháu ( tôi và cô bé sinh viên thực tập) đến nơi an toàn và vừa kịp khai mạc buổi lễ.
Thật cảm động với những chia sẻ từ bà mẹ nghèo góa bụa khi đứa con Út vừa mới sanh, đứa lớn 6 tuổi, đứa nhỏ  bốn tuổi. Một mình nuôi 3 đứa con tốt nghiệp đại học.
Rồi 1 mạnh thường quân, hàng năm gửi về cho quê nhà 8 chiếc xe đạp và sẽ tăng gấp đôi vào năm tới, để tiếp sức tới trường cho học sinh nghèo hiếu học. Cậu trai gần 40 tuổi thành đạt này hiểu giá trị của chiếc xe đạp với học sinh nghèo ra sao, bởi cậu cũng 1 thời khốn khó. Đã có một thời cậu phải đi học “lụi” và không ít lần bị đuổi khỏi lớp ngoại ngữ. Bởi cậu hiểu, chiếc cầu bắc đến sự thành công của cậu chính là ngoại ngữ. Và cậu đã thành công.
Mỹ Thạnh không chỉ có những gia đình hiếu học mà còn có cả những dòng hiếu học với nhiều người thành danh. Quỹ khuyến học còn vân động được 2 suất học bổng từ cộng đồng người Việt tại Pháp cho 2 em sinh viên của Mỹ Thạnh đang du học tại Pháp với mỗi suất là 5.000 Euro và tìm việc làm thêm cho 2 em này vào những ngày nghỉ.
Sau buổi lễ là bữa cơm thân mật. Thật ngạc nhiên khi chủ tịch xã là 1 cô gái mới ngoài 20 tuổi, phó chủ tịch xã phụ trách văn xã là 1 thiếu phụ tròn 30 tuổi. Các cô đều xinh đẹp, duyên dáng và thông minh. Họ là chị chồng em dâu.
Buổi cơm thân mật cũng kết thúc, chúng tôi về nhà thầy giáo Xuân để trao đổi 1 số công việc. Được nghe những lời tâm huyết về sự nghiệp giáo dục của ông cùng những thăng trầm của cuộc sống, chúng tôi vỡ ra được nhiều điều. Và câu nói thú vị nhất tôi được nghe từ thầy ấy là: “So le kiến thức” (thực chất câu nói này là của bác sỹ Lương Phán, cựu giám đốc bệnh viện Nguyễn Trãi – TP HCM).
Chính sự “so le kiến thức” này mà một số bác sỹ Bến Tre không được ra nước ngoài tu nghiệp và đoàn bác sỹ Pháp trước khi trở về chính quốc đã lắc đầu ngán ngẩm.
Hệ quả của sự “so le” này, là rất nhiều nhân tài Bến Tre lần lượt cuốn gói ra đi.
Không dám bình luận điều chi, tôi chỉ lắng nghe và thầm rút cho mình bài học kinh nghiệm. Ấy chính là hãy biết lắng nghe và chọn đúng thời điểm để nói lên suy nghĩ của mình một cách chừng mực, nếu muốn làm được việc.

Thứ Năm, 23 tháng 2, 2012

HƯỚNG ĐI NÀO CHO DU LỊCH PHÚ YÊN ( Phần hai)

KT rất xin lỗi vì post thiếu phần hai của Du lịch Phú Yên (xin mời ai quan tâm có thể đọc phần 1 ở mục tham luận) Cám ơn anh HN đã nhắc nhở.
ây là 1 tham luận, nhưng không được duyệt anh ạ)

DỪA PHÚ YÊN, TIỀM NĂNG VÀ THÁCH THỨC
Nhắc đến Phú Yên mà không nói đến dừa thì quả là 1 thiếu sót lớn. Vì thế, với Hiệp hội Dừa Việt Nam, câu chuyện về cây dừa Phú Yên là điều vô cùng hấp dẫn. Bởi Phú Yên là tỉnh lớn thứ hai có diện tích trồng dừa của khu vực miền Trung sau Bình Định. Ngoài ra, Phú Yên có những nghệ nhân đã từng lập nhiều kỷ lục về mỹ nghệ dừa và tạo ra những sản phẩm từ dừa đa dạng nhưng hết sức độc đáo. Rồi những món ăn đặc sản nổi tiếng về dừa của Phú Yên như: Chuột dừa, tôm hấp nước dừa, cháo dừa, bánh su sê, … Đây cũng chính là một trong những thành tố tạo nên nét đặc thù cho du lịch Phú Yên, nếu biết đầu tư khai thác. Và dừa dùng cho giải khát là thức uống không thể thiếu trong ngành du lịch. Hiệp hội Dừa Việt Nam đang xây dựng sản phẩm Du lịch Dừa, mô hình du lịch lịch sử văn hóa mang tính cộng đồng. Tại sao du lịch dừa lại mang tính lịch sử văn hóa cộng đồng? Bởi đã từ ngàn đời nay, đời sống văn hóa và tập tục của dân tộc Việt Nam đã gắn bó với cây dừa.
 Từ tục nhuộm răng đen của người Việt xưa cũng dùng than gáo dừa cho đến các loại bánh dân gian truyền thống như bánh đa, bánh đúc, cũng đều có dừa, lễ vật dâng lên tổ tiên ông bà vào những ngày lễ tết cũng có dừa như xôi chè, bánh gai, bánh cốm, bánh su sê. Cổng chào ngày cưới, ngày hội cũng từ dừa, rồi chiếc gáo múc nước từ thuở xa xưa mà nhà nhà đều có, ấy chính từ gáo dừa và chiếc chổi chà  như người phụ nữ Việt Nam lam lũ sớm hôm cũng từ dừa …Thiêng liêng hơn là vào thời khắc giao thừa tiễn đưa năm cũ, trái dừa tươi tượng trưng tấm lòng thanh bạch của loài người của con cháu dâng lên cho trời đất, tổ tiên… Ấy là chưa nói đến những câu ngạn ngữ mà ông cha ta truyền dạy cho cháu cháu hãy biết sống làm người qua câu: “Lành làm gáo, vỡ làm muôi”, rồi dừa trong thơ ca, hò vè, trong điện ảnh sân khấu, cảnh hứng dừa cũng đã 2 lần được đưa vào dòng tranh dân gian Đông Hồ.
Và hẳn trong chúng ta, ít tai nghĩ rằng cây dừa đã hóa giải được nộ cuồng của gió. Cấu tạo của lá dừa ở dạng thùy lông chim, vì thế trước bão giông, dừa không hề gãy đổ. Và sau khi bão tố đi qua rừng dừa, gió sẽ ít hung hãn hơn. Dừa cho ta bóng mát cùng bao kỷ niệm tuổi thơ trong lời ru của mẹ trên chiếc võng xơ dừa, những trò cút bắt, bắn bi,… Dừa còn cho ta những bài thuốc trị giun sán, giải cảm, nước dừa tơ đã thay huyết thanh truyền vào máu cho bao thương binh ngoài mặt trận. Và dây thừng dừa cũng là vật dụng không thể thiếu với những ngư dân giăng buồm ra khơi. Những cô gái muốn có mái tóc dài đen mượt cũng cần đến dầu dừa, và sau khi từ giã cuộc đời, ngọn đèn dầu dừa chính là biểu tượng của sự mong manh của đời người như là một triết lý sống. Dừa luôn bên ta như người mẹ hiền. dừa còn điểm tô cho quê hương nét đẹp của sự duyên dáng thướt tha,…Câu chuyện về dừa, nếu kế hết sẽ có biết bao điều trở thành huyền thoại. Đặc biệt hơn là sự góp sức của cây dừa trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ thật là to lớn.
Du lịch dừa, chính là đưa chúng ta về lại với cội nguồn dân tộc, cũng chính là cách ta tôn vinh sự cống hiến của dừa cho cuộc sống, đồng thời giới thiệu cho du khách hiểu được nét đẹp truyền thống trong tập quán của dân tộc ta. Ngoài ra, đến với du lịch dừa, du khách còn hiểu thêm được sự thông minh sáng tạo của nghệ nhân Việt Nam thông qua những sản phẩm độc đáo mà không phải nơi nào cũng có. Bên cạnh đó, ẩm thực từ dừa cũng là điều vô cùng hấp dẫn với du khách gần xa.
Và ấy chính là câu trả lời: Tại sao mô hình du lịch dừa lại là du lịch cộng đồng?
Bởi song hành cùng sự phát triển du lịch cộng đồng, ấy chính là khôi phục, bảo tồn để phát huy những tập quán tốt đẹp từ ngàn đời của tổ tiên ta. Để mọi người biết trân quý hơn giá trị nhân văn của tình nghĩa xóm làng, để tất cả mọi người đều có thể cùng tham gia chuỗi giá trị gia tăng dưới bóng dừa này, từ cụ già cho đến em nhỏ, ai cũng đều có thể là người dẫn chuyện, là hướng dẫn viên, là người bạn thân thiết của du khách.
Phú Yên có sẵn sàng cho Du lịch Dừa phát triển không?
Tiềm lực về dừa đã có, chỉ cần Phú Yên có dám đi đầu để thực hiện hay không mà thôi.
Câu trả lời này thuộc về chủ trương phát triển du lịch của tỉnh.
Chúng tôi, những người yêu dừa, đang tiếp tục tìm hiểu để tôn vinh những giá trị thực của dừa trong văn hóa Việt Nam, sẵn sàng đồng hành cùng Phú Yên kể chuyện về dừa để thu hút các nhà đầu tư và khách du lịch đến với Phú Yên nói riêng và các tỉnh có dừa nói chung, để mọi người cùng hiểu hơn về CÂY DỪA VIỆT NAM.

Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2012

ANH HIỂU


Và để tiếp thêm câu chuyện cho nỗi khắc khoải, thì

 ANH HIỂU
Nhìn ánh mắt em cười
Tim anh như ngừng đập
Phải chăng mất cả rồi
Tình yêu anh vun đắp
Nhưng em ơi, anh đã thấy lại rồi
Và anh hiểu vì sao đôi mắt ấy
Lại ánh cười trong hoang vắng xa xôi
Lại thoáng buồn đau khi đón nhận những lời
Anh sắp nói từ con tim tha thiết
Vì anh hiểu, lòng em đang tiễn biệt
Mối tình đầu trong khắc khoải đau thương
Một tình yêu từ thuở đến trường
E đã nhận,
                  yêu thương
                                     xây mộng
Song cuộc sống, nào phải đâu chỉ tưởng
Chỉ ước mơ, chỉ mơ ước đạt thành
Mà đường đời cũng lắm lúc chênh vênh
Lúc hụt hẫng
Lúc âm thầm đau khổ

Anh đã hiểu, yêu ở em điều đó
Ở ước mơ, ở  tấm lòng thành
Và cả nụ cười hoang vắng trao anh
Anh đã hiểu
yêu em
và yêu mãi
...

Thứ Ba, 14 tháng 2, 2012

KHẮC KHOẢI

Khắc khoải
Hoàng hôn dn buông
Ráng chiu dn tt
Anh vn âm thm
đếm bước chân hoang
Lòng khc khoi âm thm ch đợi
 Mt tình yêu
anh chưa dám ng li
Dù vn hiu phi có gì để li
Cho lòng em
ch mt chút thôi
Nhưng anh đây
ch có bi hi
Ch im lng bên em
lòng bi ri
Em có hiu tình anh mun nói
Vi em yêu bao vn ln ri
Trong lòng anh thương nh đầy vơi
Em có hiu
Em ơi
Em có hiu . . .

Thứ Tư, 8 tháng 2, 2012

SINH NHẬT ĐẢNG NGHĨ VỀ MẸ (tt)

Còn đồng đội của chúng con thì nói: Không gia đình nào như gia đình em, trong chiến tranh mấy chị em đều ở tuyến đầu (chị Hai con là sỹ quan quân y chiến trường, Chị Ba con là trinh sát kỹ thuật, còn con thì điện báo viên). Hòa bình lập lại, khi mọi người còn đeo bám nhà nước thì mấy đứa đều bỏ ra ngoài làm kinh tế. Lúc nào cũng là những người lính xung kích.
Con nghe và cười rằng: Bọn em giống ba, khẳng khái và luôn tự tin vào bản thân, nên biết mình cần phải làm gì.
Và chúng con còn giống mẹ ở nết chịu thương, chịu khó, luôn biết đứng sau chồng. Nhưng con giống ba nhiều hơn ở sự “liều mạng” và tiêu hoang. Có lần ba đã bênh con và nói với mẹ rằng: “Nó làm ra tiền phải cho nó tiêu. Bà thấy nó tiêu cho ai nào?” . Khi báo đài viết nhiều về con, các chị con mắng con ham nổi tiếng, vì thực chất hiệu quả kinh tế đem lại so với tiền con bỏ ra cho nghiên cứu chẳng thấm vào đâu. Nhưng ba mẹ đã động viên, khích lệ và tin rằng con sẽ thành công, bởi con biết đam mê và cháy với đam mê đó, dù rằng con luôn đơn độc. Con vẫn luôn cố gắng quyết tâm biến đam mê thành sự nghiệp để nơi suối vàng ba mẹ có thể mãn nguyện. Và bắt đầu từ năm nay, con cố gắng để mong ước của ba là có 1 đứa con tiến sỹ là sự thật.
Con nhớ, ngày bé, có lần con đánh em. Ba bắt con cúi xuống đánh đòn và dạy: "Con như thế thì sau này sao có thể là người mẹ hiền được!" Và 1 lần, con to tiếng với ông xã con, thì ba vội mắng ngay: "Ơ, cái con này! mày mắng chồng mày đấy à? Xấu chàng thì hổ ai?!"
Những điều ba mẹ dạy, chúng con luôn khắc ghi.
Khi các con trưởng thành thì cũng là lúc mắt mẹ mất dần ánh sáng. Mẹ không thể nhìn thấy những đứa cháu yêu của bà xinh xắn ra sao, nhưng mẹ luôn tự hào: “Chỉ có cháu bà Kiệu (tên ba con) là đẹp nhất xóm Long Vân Tự!”. Các con của chúng con luôn sung sướng khi ở bên cạnh mẹ. Chúng luôn được nghe bà kể chuyện cổ tích, kể chuyện về cha mẹ chúng ngày còn thơ, và luôn cười vui thích thú, khi nghe mẹ mắng  yêu “Tiên sư bố mày nhé!” mỗi khi hôn vào tai mẹ với tiếng kêu thật to và bất ngờ khiến mẹ giật mình.
Giờ đây mẹ đã mãi đi xa, nhưng sao con vẫn cứ muốn nhắc đến mẹ, dù mỗi lần nhắc đến mẹ, là mắt con lại nhòe đi. Con đã lạc mất mẹ rồi mẹ ơi…

Thứ Bảy, 4 tháng 2, 2012

SINH NHẬT ĐẢNG NGHĨ VỀ MẸ

Nhân ngày sinh nhật đảng, nghĩ nhiều đến mẹ.
Sống tại Saigon mà 4 lần mẹ tiễn các con vào lửa đạn . May mà sau ngày giải phóng, chúng con đều trở về, chỉ mỗi chị Hai con là mang trong mình dấu tich chiến tranh.  Những tưởng gia đình mình sẽ đoàn tụ đầy đủ sau cuộc chiến, nào ngờ, con là đứa trở về sau cùng, nên không dự được đám tang của em Bình con vào ngày thứ 20 sau giải phóng. Một cái chết oan nghiệt giữa những ngày tranh tối tranh sáng sau chiến tranh vì sự lộng quyền của một tên cơ hội. Mẹ đã nghẹn ngào mà rằng: Một mình mẹ đau cũng đã đủ, em các con đã bất hạnh rồi, mẹ không muốn người mẹ khác lại mất đi 1 đứa con yêu, dẫu rằng nó không xứng đáng được sống.
Ngồi im và lắng lại, sau khi mẹ trả lời câu hỏi của con: rồi ban quân quản xử sao hả mẹ?
Câu nói của mẹ nhẹ nhàng là thế, nhưng đã là bài học sâu sắc cho con về nỗi đau trần thế. Nỗi đau mà trong đó mẹ đã âm thầm chịu đựng trong 10 năm cuối cùng của cuộc chiến, ấy là lần lượt tiễn những đứa con thơ vào chốn đạn bom, chỉ vì ba sợ các con gái của ba lớn lên sẽ lấy chồng sỹ quan (vì chúng con đều xinh xắn), mà các anh con lại đang còn ở ngoài Bắc. Ấy là cảnh nồi da xáo thịt. Lòng yêu nước của ba cùng những suy nghĩ sâu xa của ba đã đưa đến hệ quả là sau khi con đi được 2 năm ba mẹ đều bị bắt giam, mà đau đớn hơn hết là cứ mỗi lần thấy những đoàn xe nhà binh chở lính đi ngang nhà mình, nghe tiếng bom từ xa vọng lại là mẹ con đứt cả ruột gan. Rồi ba mẹ được thả và ba con lại bị bắt khi trên đường đưa em Bình con vào chiến khu,… Năm 1978, lại 1 lần nữa mẹ đứt ruột tiễn em Định con tham gia bảo vệ biên giới Tây Nam. Con hiểu lòng mẹ với non sông đất nước mình…
Còn các con thì chỉ biết hết sức nỗ lực, để không làm hổ danh cha mẹ. Vì thế mà mỗi khi nhắc đến mấy chị em con, đồng đội ai cũng đều yêu quý và trân trọng. Ba đã không dạy chúng con vì lợi danh, mà hãy sống để đừng làm cha mẹ xấu hổ. Và chúng con đều đã làm được điều này.
Chú Chín Lộc, Chính ủy phòng quân báo trong 1 lần họp mặt đã nói với con rằng: Lực lượng biệt động thành, gia đình ta là 1 gia đình tiêu biểu về sự cống hiến.
                                                                                                                                                                                                                                              (vẫn còn)

Thứ Năm, 2 tháng 2, 2012

SINH NHẬT ĐẢNG

Oh yeah!
Mai là ngày 3 tháng 2, thế là Đảng Cộng Sản Việt Nam đã được bát thập nhị niên, nếu tính luôn tuổi mụ thì bát thập tam. Mà các cụ xưa thì có câu “nhân sinh thất thập cổ lai hy” (khì khì…). Cầu mong đảng khỏe mạnh, minh mẫn để lo cho dân ta ấm no, hạnh phúc (!?)

Mẹ mình sinh năm 1929 và mất năm 2011. Vậy là sau khi ngoại sinh mẹ được 1 năm thì đảng ra đời, và mẹ đã không được chứng kiến sự kiện này, bởi lúc đó đảng ra đời trong bí mật. Mà có chứng kiến thì đứa trẻ mới được 1 tuổi cũng không thể nhớ nổi. Tuổi 17, mẹ tham gia kháng chiến, còn ba thì dạy lớp y tá (trong đó có mẹ). Đến năm 19 tuổi, mẹ về quê ba ở Vĩnh Bảo để sinh chị Hai và sau đó thì mở nhà buôn thuốc tây trong vùng tự do. Mẹ đã kể rất nhiều chuyện trong những ngày mẹ tham gia kháng chiến và những nhọc nhằn vất vả trong những ngày chạy tản cư với 1 nách 2 con nhỏ, cha mẹ già và đàn em thơ 6 đứa cùng cậu cả con chồng (thời đấy, vẫn còn chế độ đa thê). Còn ba thì vẫn miệt mài kháng chiến. Nhưng lạ là chưa bao giờ nghe mẹ nói gì đến ngày 3 tháng 2 cả (có lẽ vì mẹ không làm cán bộ văn xã). Rồi đến năm 1954, để tránh bị đấu tố (bởi ông cố và ông nội mình đều là quan và ba đã từng là y tá trưởng trong một bệnh viện của Pháp), ba đã đưa mẹ và gia đình nhỏ của mình vào Saigon lập nghiệp.
Còn mình lại nhớ rằng từ  năm 16 tuổi (cuối năm 1971, mình được đưa ra Bắc theo diện “Hạt giống đỏ miền Nam”, sau 2 năm lăn lóc nơi rừng xanh núi đỏ ở đơn vị quân báo Miền với nghề “điếc tai chai đít, công ít tội nhiều” và những trận sốt rét rừng đến đi không nổi), đã rất nhiều lần, nhân sự kiện này, mình dạy cho lớp, cho chi đoàn hát  bài “Đảng đã cho ta một mùa xuân” và làm rất nhiều thơ ca ngợi đảng vì mình luôn phụ trách văn thể mỹ của lớp và của chi đoàn. 1 thời phấn đấu hết mình để mong được kết nạp đảng và nguyện trọn đời cống hiến. Vậy mà rồi mình đã 2 lần từ chối làm lý lịch kết nạp đảng (1992, 1993), trong giai đoạn nghị quyết của đảng có chủ trương “cần làm trong sạch hàng ngũ của đảng”. Và mình vẫn đang tiếp tục cống hiến cho dừa, để mong tạo ra những sản phẩm giá trị từ gáo dừa, một loại vật liệu được xếp ở dạng: chất thải rắn. Mình hiểu và muốn tôn vinh cây dừa, bởi những cống hiến của dừa cho cuộc đời này mà không hề đòi hỏi được chăm sóc nâng niu như những loài cây khác. Nào mấy ai hiểu, mỗi tháng dừa vẫn âm thầm cho người trồng nó 1 quầy (buồng) trái ngọt  và luôn quanh quẩn bên ta để cho bóng mát cùng những triết lý nhân sinh...
 Giờ đây, đang ngồi trước màn  hình TV nghe ông Vũ Quang Phúc phát biểu ca ngợi “ĐƯỜNG LỐI LÃNH ĐẠO ĐÚNG ĐẮN” của Đảng qua các thời kỳ. Và bài hát mở đầu cho chương trình ca nhạc chào mừng 82 năm ngày thành lập Đảng cũng bắt đầu là bài hát “Đảng đã cho ta một mùa xuân”.
Chợt nhớ tới “mùa xuân” của gia đình anh Đoàn Văn Vươn (may mà thủ tướng chính phủ đã kịp thời yêu cầu lập đoàn thanh tra cho vụ việc này). Và cũng chính vụ việc này mà 1 vị tướng đã nói: ...Đây là 1 tổn thất chính trị lớn...
Huyện Tiên Lãng sát ngay huyện Vĩnh Bảo nhà mình và cũng đều nổi tiếng đặc sản thuốc lào. Vậy mà mình chẳng hiểu chi về thuốc lào mà lại trở thành “Phù Thủy Gáo Dừa” mới kinh!
Dù rằng trước khi đến với dừa (trước năm 2.000), mình chưa 1 ngày sống ở Bến Tre và cũng chả biết chi về dừa. Có thế mới hiểu “THÀNH SỰ TẠI THIÊN”!
Lan man chút từ cái sự truyền hình trực tiếp ca nhạc mừng sinh nhật lần thứ 82  của đảng khi nghe lại bài hát "Đảng đã cho ta một mùa xuân" mà đắng lòng (thường người đời cái chi tốt thì hay quên, mà cái chi xấu thì cứ găm hoài, mình cũng không ngoại lệ. hic hic)
Lại nhớ chuyện xảy ra cách nay gần 30 năm. Trái tai khi nghe lời miệt thị của ông dượng chồng (lúc đó đang là phó chủ tịch huyện) về tiếng kèn đám ma từ xa vọng lại. Mình có nói: “Con người ta sống phải có đức tin. Dượng tin ở đảng, còn dân thì tin ở Trời Phật. Đảng mình tự do tín ngưỡng mà dượng!”. Ông lập tức bỏ đi sau khi thả câu: “Tao không thèm nói chuyện với mày!”. Và chiều hôm sau, khi đang nấu cơm dưới bếp thì dượng gọi giật ngược: “Thanh! Mày lên đây tao biểu!”. Con bé vội chạy lên tưởng có chuyện chi. “Đêm hôm tao không ngủ được. Tao là thằng hồi nào giờ không thua ai, hổng lẽ giờ thua mày! Nếu không có đảng thì mày chết cha rồi nghe con!”. Tôi liền thưa: “Dạ, chuyện hôm qua, nếu dượng không đồng ý thì con xin lỗi dượng chớ có gì đâu”. Ông dượng có vẻ hài lòng, tôi lặng lẽ xuống bếp mà cười thầm. Chẳng lẽ mình lại nói: “Dạ, nếu không có dân thì đảng đâu tồn tại!”. Lúc đó chắc ổng đứt mạch máu não mất.
Oh yeah!  hu hu ...

Chủ Nhật, 29 tháng 1, 2012

Tết 2012

Chiều 28 Tết, chúng con ra thăm mộ bamẹ. Vậy là mẹ đã xa chúng con 7 tháng 24 ngày. Mỗi lần ra thăm mộ bamẹ, con lại se sắt trong lòng. Tuy nỗi đau đã dần nguôi, nhưng …

Lại nhói lòng khi năm nay con không về đón giao thừa cùng mẹ. Mẹ ơi, năm nay là năm đầu tiên sau gần 30 năm chúng con không đón giao thừa cùng mẹ. Từ khi em Út con có nhà riêng, năm nào gia đình con cũng về đón giao thừa cùng ba mẹ, bởi chúng con không thể cam lòng khi thấy ba mẹ lặng lẽ vào lúc giao thời giữa năm cũ và năm mới. Và năm nay, chúng con đã không còn mẹ để về, mẹ ơi…
Sau khi thắp hương cúng giao thừa ở nhà, con đã ngồi đó mà đầu óc trỗng rỗng…
Sáng mùng một, vợ chồng con đi đón Cô-ca và Pép-si. Ở nhà Su su và Cà Rốt được ba mẹ và cô Út chúng “tự xử”. Quy định sao đến 10 giờ cả nhà phải có mặt bên ngoại thắp hương bàn thờ tổ tiên và bamẹ.Để sau đó còn sang nhà chị Phú (chị Ba) cùng đại gia đình đón năm mới, vì năm nay có suôi gia của chị từ nước ngoài về ra mắt họ nhà gái. Cứ ngỡ những nước có truyền thống văn hóa theo Nho giáo thì mới ham con trai, nào ngờ Đông Âu cũng mê con trai phết. Cháu nội trai là niềm ước ao và tự hào của ông bà nội, vì thế cháu ngoại trai của bà chị được mang tên họ tên ông nội. 

Và ông nội rưng rung nước mắt cám ơn gia đình suôi gia đã cho ông bà nội 1 thằng cháu “tây lai mũi tẹt” bụ bẫm hay cười, khiến bà nội cứ mê mẩn.
Sau buổi tiệc ra mắt suôi gia nhà chị Ba thì 2 giờ chiều cả nhà lên xe về Đất đỏ (quê nội sắp nhỏ) ăn Tết như mọi năm. Năm nay ba má đã gần 90 rồi. Trí nhớ đã suy giảm nhiều, mọi sinh hoạt cũng đã chậm chạp hơn năm ngoái. Nhìn cử chỉ chậm chạp và sự lo lắng thái quá của ba má cho con cháu mà con xót cả ruột gan. Dẫu rằng rồi ai cũng đến ngưỡng này, nhưng khi nhìn thấy ba má như thế, chúng con nào yên lòng.
Tối mùng 2, cháu con tập họp đông đủ, để mừng tuổi ba má.
Cười vui mừng tuổi ba má mạnh khỏe, con cháu xum vầy. Nhưng trong lòng hết sức  xót xa khi thấy ba má mới Tết năm ngoái còn dặn dò con cháu hết sức minh mẫn, năm nay đã quên trước quên sau… Không biết thủ tục này, chúng con còn được làm mấy lần nữa.
Cầu mong ba má mạnh khỏe để con cháu đều được mỗi năm mừng tuổi ba má.
Tết năm rồi, mẹ con cũng vui vầy cùng con cháu, nhưng năm nay thì mẹ con đã mãi mãi đi xa…
Và hôm nay đã là mùng 7 tết rồi, chúng con phải về Saigon để chuẩn bị cho cho 1 năm mới với dự đoán của các chuyên gia kinh tế thì thật là khó khăn.
Con cũng đã cho xưởng mở máy vào sáng thứ bảy (mùng 6 tết) để chuẩn bị làm hàng mẫu cho khách hàng. Hi vọng năm nay công việc của con được thuận lợi.
Cầu mong một năm an lành, thuận lợi đến với tất cả mọi người.

Thứ Hai, 23 tháng 1, 2012