Trang

Thứ Hai, 26 tháng 12, 2011

KHÔNG ĐỀ 2

Không đề 2

Đã sắp hết năm
Một con Zéro thật to
Tất cả đều vô nghĩa
khi không còn mẹ trên đời
Bão hòa trong đau đớn
bão hòa với đam mê
thực hư danh lợi
Vẫn phải làm
vẫn phải tồn tại

Dừa khô lên giá
Thuyền buôn China
tấp nập.
Người chế biến đau đầu
Không còn nguyên liệu
Nhà vườn hăm hở
xuống giống đầu tư

Khi đoàn liên ngành kiểm tra
Khệnh khạng ông chủ lớn,
thương lái China
tuyên bố giảm giá dừa

Dừa khô tụt giá
Hoang mang
Nhà vườn hụt hẫng
Lo ngày mai
sao trả hết nợ nần

Xót xa
phận dừa
Phải làm
Không vì lợi danh
mà vì
trăn trở với dừa
khôn nguôi…

Thứ Ba, 1 tháng 11, 2011

KHÔNG ĐỀ 1

KHÔNG ĐỀ

phuthuygaodua | 23 October, 2011 22:48
KHÔNG ĐỀ 1

Em
Như bông hoa dại
Giữa cuộc đời
Âm thầm
Điểm tô.
Cớ sao
Trốn chạy
Lời nồng nàn.
Sợ soi vào
Đôi mắt ai
Đắm đuối…

Và ta hiểu
Em
Con tim mong manh
Sẽ vỡ tan
Thành mảnh vụn
Nếu chạm vào
Tình yêu…

Thứ Hai, 24 tháng 10, 2011

CUỘC SỐNG

Mấy hôm nay Susu sốt siêu vi, Carot chảy mũi,  me Thủy thì viêm họng , còn bà nội thì mồm đắng nghét và không nói ra lời. Ba Trung và Út Nhi cũng khụt khà khụt khịt.
Cả nhà đều bệnh, chỉ có Susu là được nghỉ học. Carot thì lúc nào cũng cười. Mẹ Thủy, bà nội ba Trung và Út Nhi thì việc ai nấy làm.
Té ra cái sự nghỉ ngơi bi chừ thực xa xỉ. Tối nào bà nội cũng phải đi học, nên ban ngày dù có bệnh, cũng phải ráng học bài. Bảng chữ cái Arap chữ thì dễ, mà đọc thì khó ơi là khó. Có những âm gần nhau đến khó phân biêt. Nên cứ phải căng tai ra mà nhận biết. Út Nhi thì vào 12, lại học thêm Anh văn, nên cũng bận rộn.  
Ba Trung thì lo đi cày để lấy tiền nuôi con. Giám sát an toàn lao động là công việc đòi hỏi trách nhiệm cao, nên Ba Trung dẫu bệnh, cũng không dám nghỉ ngày nào.
Chủ nhật, như thường lệ, ông nội từ Vũng Tàu về. Thấy cháu bệnh sốt ruột nhắc đưa đi khám bệnh. Đã khám rồi đấy chứ, nhưng sốt siêu vi thì chỉ uống hạ nhiệt và C  chứ đâu còn gì nữa. Mà cái con siêu vi này cứng đầu thật. Cả tuần rồi, dứt được 2 ngày lại sốt lại.
Ông bà nội tranh thủ đi thăm cặp Coca – Pepsi. Hai đứa nay cũng kháu phết. Nhìn bọn trẻ lại nhớ lời bà cố: Chỉ có cháu bà Kiệu là đẹp nhất Long Vân Tự.
Mẹ ơi, mỗi lần nhớ đến mẹ là tim con lại bồi hồi đau thắt. Các chị và em con đã làm tròn hiểu nghĩa. Chỉ mỗi mình con là đau đáu vì chưa làm được gì cho mẹ. Những khó khăn nhọc nhằn trong công việc của con, luôn làm mẹ lo lắng trở trăn. Giá mà con đừng cố chấp, giá mà con đừng quá đam mê,…
Cuốc sống xoay vòng với những công việc lặp đi lặp lại và những biến động đôi khi làm ta mệt mỏi. Mệt mỏi thôi chứ đừng ngã gục nhé!

Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2011

ĐOẢN KHÚC MỘT CUỘC TÌNH


                                   ĐOẢN KHÚC MỘT CUỘC TÌNH



 Anh đã nhiều lần nói với cô: E là người anh đã chọn cho cuộc đời mình.

Anh đã yêu cô bằng con tim cuồng nhiệt và chỉ mong có được cô sớm nhất.

Những ngày cuối tuần họ thường cùng nhau ra ngoại ô, cà phê cùng nhau, cùng nhau lang thang trên những con đường ngập nắng vàng với những câu chuyện buồn vui của cuộc đời, hoặc cùng dầm mưa bên nhau run rẩy. Và trong các buổi đi chơi ấy, xen lẫn nụ cười luôn là nước mắt. Bởi anh luôn xót xa cho tuổi thơ của cô bị chiến tranh đánh cắp. Anh đau đớn khi cô kể về những khốn khó trong đời. Vì những điều đó mà anh luôn điên cuồng phỉ báng những gì làm cho cô đớn đau và cả những gì cô trân trọng. Cô trân trọng những năm tháng chiến tranh mà cô từng đi qua. Cô trân trọng sự cống hiến không vụ lợi của mình cho đời. Và cũng như anh, cô cũng đã nhiều lần rơi nước mắt vì những bất hạnh mà anh đã trải qua và nguyện cùng chia sẻ với anh suốt cuộc đời này. Vì quá yêu cô, anh nguyện sẽ làm tất cả để cô vơi bớt nhọc nhằn. Cô đã tin điều đó, bởi cô nhìn thấy sự đau đớn dày vò trong nhung nhớ của  anh hằng đêm vì họ không được ở bên nhau, cùng những lời thơ không tròn vần nhưng đầy ắp yêu thương. Họ cũng đã từng nói với nhau rất nhiều cho tương lai, nơi có một túp lều tranh với hai tâm hồn trong trẻo luôn yêu thương cuộc đời.

Tưởng mọi việc sẽ có một kết quả tốt đẹp, nhưng…

Liên tục mấy ngày, cứ khoảng 6g30 sáng và 9g30 tối, cô không thể nào gọi được cho anh, vì đầu bên kia liên tục “tút tút tút…”. Linh tính cho cô biết có những điều không bình thường. Và rồi, chỉ trong hơn nửa tháng đi công tác, anh đã vội quên những lời tưởng chừng đã vắt từ trong máu hứa hẹn cùng cô mà thản nhiên tuyên bố đã yêu người khác. Vì đó mới chính là anh!

Trong nước mắt, cô đã cay đắng nhắn tin: Em sẽ thông báo cho gia đình anh biết tất cả mọi sự việc.

Vội rút lại lời tuyên bố hùng hồn của mình, anh viện lý do công việc để lẩn tránh cô, không nghe điện thoại của cô.

Còn cô, đau đớn đến điên cuồng và không tiếc lời cay đắng với anh. Cô tự phỉ báng cười cợt bản thân để nuốt nước mắt vào trong. Dù vậy, cô vẫn dõi theo anh. Lòng quặn thắt khi nghe anh bị xua đuổi. Vẫn luôn bồi hồi mỗi khi đi trên những con đường họ đã từng qua. Tim cô vẫn thổn thức khi nghe báo đài nhắc đến quê anh. Bởi trong cô, anh vẫn còn hiện hữu, dù đang méo mó dần vì tính cách của anh.

Thứ Ba, 18 tháng 10, 2011

Nhàn đàm về hai chữ "VĂN HÓA"

NHÀN ĐÀM HAI CHỮ “VĂN HÓA”
 
Hình ảnh từ báo mạng
Có lẽ không có đất nước nào khi ra khỏi nhà lại thấy nhiều chữ văn hóa như ở nước ta. Nào là thôn Văn Hóa, Ấp Văn Hóa, Xã Văn Hóa, Tổ Dân Phố Văn Hóa, Khu Phố Văn Hóa và bây giờ trên đường phố lại thấy thêm những băng rôn có từ “Văn Hóa Giao Thông”. Trên các phương tiện thông tin đại chúng thì có: “Văn Hóa Vỉa Hè”, “Văn Hóa Từ Chức”, “Văn Hóa Xe Bus”, “Văn Hóa Công Sở”, “Văn Hóa Công Chức”, “Văn Hóa Công Quyền”,… Và thực sự, tôi cũng đã từng bối rối trước bản kê khai lý lịch ở mục: Trình độ văn hóa (?!)
Không định nghĩa hay giải nghĩa, mà tôi chỉ dám “trộm” nghĩ về hai chữ “VĂN HÓA”. Phàm là người được sinh ra để sống, đi học và làm việc. Muốn sống tốt, học tốt và làm việc tốt, điều đầu tiên cần nhất, ấy chính là ý thức. Ý thức quyết định hành vi đạo đức và sự trưởng thành của mỗi người. Những hành vi ấy được lập đi lập lại nhiều lần tạo thành tập quán, phong tục và chuẩn mực của hành vi được thiết lập để cấu thành văn hóa.
Ý thức là gì? Nói một cách nôm na, ý thức chính là hệ quả của sự hiểu biết. Khi hiểu biết rõ bản chất vấn đề, người ta khắc có ý thức. Ý thức giúp con người ta thực thi một cách tốt nhất sự hiểu biết ấy. Sự thực thi ấy chính là hành vi ứng xử. Ý thức ban đầu, chính là sự hiểu biết về bản thân. Có nghĩa, ta phải biết ta là ai, ta đang ở đâu và ta làm gì. Khi hiểu được điều đó, khắc ta sẽ biết mình cần phải ứng xử như thế nào.
Ví dụ: Một người có địa vị trong xã hội, đứng trước ông bà cha mẹ, hoặc trong lớp học, người ấy phải hiểu mình là ai và đang làm gì, thì ắt sẽ có những hành vi ứng xử đúng mực, bằng ngược lại thì người ấy sẽ không được đón nhận và còn bị coi là hỗn láo, vô văn hóa.
Xã hội băng hoại chính là ý thức của mỗi cá nhân không cao. Vì thế, trước khi nói đến hai chữ “văn hóa”, chúng ta hãy xem lại mình đã có đủ ý thức về bản thân hay chưa.  Và điều đó không chỉ thuộc trách nhiệm giáo dục từ gia đình, nhà trường, xã hội mà ngay chính bản thân mỗi người phải hiểu được mình là ai, đang ở đâu và đang làm gì, để có cách ứng xử đúng mực. Và khi mọi người đều có ý thức thì hai chữ VĂN HÓA không cần phải “phô trương rầm rộ” như bây giờ.

Thứ Tư, 21 tháng 9, 2011

GÓC NHÌN KHÁC VỀ DỪA

GÓC NHÌN KHÁC VỀ DỪA
07:52 21 thg 9 2011Công khai9 Lượt xem 3
GÓC NHÌN KHÁC VỀ TRÁI DỪA VỚI TRIẾT LÝ NHÂN SINH
Trong quá trình nghiên cứu vật liệu gáo dừa, chúng tôi đã tìm ra được nguyên lý phát triển của gáo dừa trong quá trình sừng hóa ở dạng vết đầu loang. Từ đó rút ra được triết lý của gáo dừa:
Hãy tự khám phá bản thân, bạn sẽ biết được mình có được khả năng gì.
Hay nói cách khác: Hãy tự đánh thức bản thân, bạn sẽ biết mình thức dậy như thế nào.
Vì sao chúng tôi lại có được triết lý đó?
Từ chiếc gáo dừa thô mộc, khi được sự đầu tư nghiêm túc về ý tưởng, chúng tôi đã làm ra nhiều sản phẩm khác nhau. Trên bề mặt của từng sản phẩm, chúng tôi có thể tạo ra nhiều dạng bề mặt khác nhau mà theo ngôn ngữ hội họa đó là ma-che.
Ví dụ: Trên một mặt bàn, với kết cấu đồng nhất, muốn tạo nên ấn tượng cho người tiêu dùng ở sự đa dạng hóa, chúng tôi có thể tạo ra ít nhất là hai ma-che khác nhau: sần và bóng. Cách thể hiện này hoàn toàn đơn giản, chỉ cần sử dụng dụng cụ, hay nói cách khác là đồ nghề khác nhau, ta có thể tạo ra được sự đa dạng phong phú của bề mặt sản phẩm.
Đó chính là cách thể hiện bản thân của một con người. Trong cùng một hoàn cảnh, và ngữ cảnh, ta có nhiều cách thể hiện bản thân để tạo nên sự khác biệt về tính cách. Mỗi tính cách thể hiện một khả năng tư duy sáng tạo của con người ấy.
Muốn có được tư duy sáng tạo, mỗi chúng ta đều phải hết sức chăm chỉ lao động và luôn cố gắng làm sao để kết quả đạt được tốt nhất, từ đó hình thành tư duy sáng tạo. Tư duy sáng tạo đó được hình thành theo nguyên lý vết dầu loang để cuối cùng có thể đạt được đó là nền tảng của kiến thức. Hay nói xa hơn, đó chính là bản lĩnh của mỗi con người.
Từ những đúc kết đó, chúng tôi đã định hướng thêm cho ý tưởng nghiên cứu của mình ngoài nghiên cứu ứng dụng cho ra đời những sản phẩm với những giá trị khác nhau, chúng tôi còn hướng đến lĩnh vực xã hội nhân văn và giáo dục nhân cách. Do gáo dừa từ xưa tới nay, bị xem như 1 loại vật liệu vứt đi, không được trọng dụng, nên khi muốn đưa khả năng ứng dụng phong phú của gáo dừa vào giáo dục nhân cách một cách chính thống, sẽ có nhiều ý kiến cho đó là khiên cưỡng và áp đặt, thậm chí còn bị cho là lố bịch. Để thay đổi 1 suy nghĩ ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người, chúng ta cần phải có những lý luận sắc bén và thực tế cụ thể sinh động có sức thuyết phục. Chúng tôi tin rằng vấn đề được nêu ra trên đây sẽ được chấp nhận, dù rằng từ ngàn xưa ông cha ta đã dùng chiếc gáo dừa để dạy bảo con cháu rằng dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, làm người phải có ích cho xã hội. Tuy rằng cách nhìn của cha ông ta ngày xưa chỉ bằng trực quan mà chưa quan tâm tới quá trình sừng hóa của gáo dừa
Sau khi phân tích tỷ mỷ từng ý, từng lời của câu ngạn ngữ “lành làm gáo , vỡ làm muôi” mà ông bà ta đã dạy cho con cháu, chúng tôi đã đặt ra nhiều giả thiết và câu hỏi: Tại sao ông cha ta không dùng loại vật liệu nào khác để dạy dỗ cháu con rằng hãy sống cho xứng đáng. Từ đó chúng tôi đã xem xét kỹ cấu trúc của trái dừa bằng trực quan và nhận thấy có sự tương quan đặc biệt độc đáo và lý thú giữa con người và trái dừa với hệ thống triết lý Âm dương – Ngũ hành của triết học Phương Đông.
Và đề tài nghiên cứu này của chúng tôi cũng nhằm vào 2 lĩnh vực: Khoa học ứng dụng và Khoa học xã hội
Qua những đúc kết và suy luận trên, chúng tôi có được một góc nhìn khác về trái dừa liên quan tới âm dương ngũ hành và triết lý nhân sinh.
Theo hệ thống triết lý âm dương tam tài, ngũ hành thì: Thái cực sinh tam tài, sinh ngũ hành, nghĩa là vũ trụ sinh ra trời đất và con người ( thiên - địa - nhân) để tồn tại và phát triển ngũ hành ( kim, mộc , thủy , hỏa, thổ) chính là năm dạng vật chất được vận hành của vũ trụ. Giữa chúng còn có một quy luật tương sinh, tương khắc tuần hoàn không dứt.
a. Luật tương sinh trong trái dừa
Trái dừa cũng chính là một tiểu vũ trụ, khi nhìn vào trái dừa đã bóc hết lớp vỏ và sơ, ta thấy dừa có 3 mắt.
Nếu không có 3 mắt này thì trái dừa không thể phát triển, vì nó chính là bộ phận duy trì sự sinh trưởng và phát triển duy trì nòi giống của trái dừa. Và đó chính là hệ thống triết lý tam tài, ngũ hành ứng với trái dừa. Hai mắt được xem là “thiên” và “địa”, có nhiệm vụ hút nước và chất dinh dưỡng vào trái dừa thông qua hai ống dẫn nằm dọc theo hai mắt dừa và mắt còn lại ứng với “nhân” làm nhiệm vụ tổng hợp, sinh trưởng và phát triển trái dừa.
Bằng trực giác cảm quan, quan sát trái dừa, ta thấy trái dừa có 5 lớp và thể hiện luật tương sinh của ngũ hành rất rõ:
a.1. Nước dừa  Thủy: có tính chất tàng chứa
Nước được hút từ thân dừa lên cuống dừa để vào sơ dừa. Vỏ dừa có nhiệm vụ quang hợp để tổng hợp dinh dưỡng cho nước dừa qua sơ dừa, nước sẽ được hút vào bên trong gáo dừa bằng hai ống dẫn nằm dưới hai mắt dừa (kim sinh thủy)
a.2. Cơm dừa  Mộc: có tính chất động, khởi đầu
Cơm dừa được hình thành trong quá trình nhũ hóa của nước dừa. Khi mới hình thành, cơm dừa mềm, sau đó cứng dần lên đến khi già và từ đó lên mộng để nảy mầm (thủy sinh mộc)
a.3. Gáo dừa  Hỏa: có tính chất nhiệt, phát triển
Gáo dừa phát triển song hành với cơm dừa từ dạng bột, chuyển hóa sang dạng sừng nên gáo dừa cứng dần để trở thành chất liệu quý mà không một loại gỗ nào sánh được. Khi gáo dừa hình thành có tác dụng cho cơm dừa bám vào thì nó lại tiếp tục nhận phần dầu từ cơm dừa để hóa sừng (mộc sinh hỏa)
a.4. Sơ dừa  Thổ: có tính chất nuôi dưỡng, sinh sản
Khi trái dừa hình thành, nó chỉ có phần vỏ và sơ và phôi dừa. Sơ dừa có nhiệm vụ hút nước và nhựa để nuôi cho phôi dừa phát triển thành gáo (hỏa sinh thổ)
a.5. Vỏ dừa  Kim: có tính chất thu lại
Vỏ dừa giữ cho trái dừa có 1 sự ổn định về hình dáng và có nhiệm vụ bảo vệ cho nước trong sơ dừa không bị thoát ra ngoài và chính lượng nước của xơ cũng đã nuôi cho vỏ dừa có màu xanh bóng (thổ sinh kim)
Như đã được trình bày khái quát ở phần cấu trúc của trái dừa, ta thấy có năm phần, tương ứng với ngũ hành bởi nó thể hiện sự tương sinh tương khắc của học thuyết này qua sự hỗ trợ, áp chế và cân bằng lẫn nhau để trái dừa tồn tại và phát triển. Mối tương khắc trong trái dừa chính là sự áp chế để cân bằng lẫn nhau và để tồn tại.
b. Luật tương khắc trong trái dừa
Trái dừa phát triển theo quy luật tự nhiên cũng không nằm ngoài luật tương khắc. Ta hãy xem sự tương khắc của nó sau đây:
b.1. Thủy (nước dừa) khắc hỏa (gáo dừa): Nước dừa được nhũ hóa để tạo thành cơm dừa, nhưng không tiếp xúc trực tiếp tới gáo dừa vì đã có lớp vỏ lụa ngăn cách và là nơi để cơm dừa bám vào trong quá trình nhũ hóa. Nếu không có lớp vỏ lụa này, quá trình nhũ hóa sẽ không thể xảy ra hoàn toàn. Gáo dừa khi còn non, cấu trúc rất mềm, nước dừa thấm vào, sẽ làm cho gáo dừa bị hỏng làm trái dừa bị thối.
b.2. Hỏa (gáo dừa) khắc kim (vỏ dừa): Khi gáo dừa bắt dầu chuyển sang giai đoạn sừng hóa, thì vỏ dừa cũng bắt đầu khô đi và mất dần sự bóng láng
b.3. Kim (vỏ dừa) khắc mộc (cơm dừa): Khi vỏ dừa khô đi là khả năng hút nước từ cuống dừa không còn nữa, nên lúc đó cơm dừa không còn phát triển mà bắt đầu ổn định để tích lũy dầu
b.4. Mộc (cơm dừa) khắc thổ (sơ dừa): Khi cơm dừa tích lũy dầu cũng là lúc sơ dừa khô dần, vì lúc đó trái dừa đã ngưng hoàn toàn quá trình hút nước.
b.5. Thổ (sơ dừa) khắc thủy (nước dừa): Sơ dừa khô đi là khả năng cung cấp nước cho trái dừa không còn xảy ra nữa, nước dừa lúc đó sẽ được tích vào cơm dừa để tích lũy dầu và chuẩn bị cho sự lên mầm, để tiếp tục cho 1 vòng sinh trưởng mới.

Thứ Sáu, 19 tháng 8, 2011

DẤU LẶNG CUỘC ĐỜI

DẤU LẶNG CUỘC ĐỜI

Tình cờ vào trang nhà của BS Đỗ Hồng  Ngọc:  http://www.dohongngoc.com/web/category/mot-chut-toi/mot-chut-tieu-su/
Lướt nhanh qua phần tự giới thiệu của ông. Tôi thấy mình thật kệch cỡm và xấu hổ bởi cái tôi quá lớn trong mớ kiến thức cỏn con về dừa. Quả thực, một người có nhân cách lớn thì cái tôi của họ không cần phải cứ phải hô thật to. Không cần phải tự xưng mình là ai. BS Đỗ Hồng Ngọc là vậy.
Làm sao tôi có được điều đó, khi lúc nào cũng muốn mọi người biết đến chút nhỏ nhoi kiến thức về dừa của mình? Tôi muốn quảng bá hình ảnh cây dừa hay muốn khoe khoang bản thân?
Cũng không biết nữa! Và tôi đang đứng trước ngã ba đường.
Im lặng để tiếp tục nghiên cứu và lặng lẽ đưa bài để chia sẻ cùng mọi người những thông tin về dừa hay vẫn yên vị chức Chủ tịch HH Dừa Việt Nam?
Quả thực, sau khi mẹ mất, tôi thấy mình cần phải xem xét lại bản thân. Tôi cần phải tĩnh lại để hiểu mình.
Sự ra đi của mẹ là một biến cố lớn trong đời tôi.
Nay vào trang nhà của BS Đỗ Hồng Ngọc, như 1 dấu lặng để tôi tĩnh lại, để hiểu mình là ai và phải làm gì.
Mẹ ơi, cuộc đời của mẹ là bài học lớn cho con, con đã hết sức cố gắng để sống được như mẹ, nhưng …
Vâng, chữ nhưng này lớn lắm, nó là rào cản để con từ bỏ lợi danh, chữ nhưng này khiến con bỏ quên nguyện ước của mình, đó là: trở thành 1 cô giáo dạy các em biết sống làm người.
Ngày ở Liên Xô (1976 - con được chuyển ngành, sau 7 năm trong quân ngũ), môi trường học nghề với những người bạn vừa rời cuộc chiến có lối sống tạm bợ, toan tính, vụ lợi đầy ắp tỵ hiềm nhỏ nhoi, con chỉ mong sao mau được về nước, học hết phổ thông để được trở thành cô nuôi dạy trẻ, dạy từng lời ăn tiếng nói, để hình thành nhân cách trong các em. Rồi cuộc sống bộn bề đưa đẩy, con không thực hiện được ước nguyện của mình.
Đến khi học Đông Phương (30 năm sau), con lại trăn trở điều lớn hơn, với các câu hỏi của các bạn về tương lai của mình sau khi tốt nghiệp (khi ấy con đã hơn 40 tuổi). Lúc đó con mới hiểu rằng, các em hoàn toàn không xác định được mình là ai trong cuộc đời này với mớ kiến thức nhỏ nhoi của giảng đường đại học.
Và giờ đây, con cần thời gian để tĩnh lại, để hiểu mình…

Thứ Tư, 17 tháng 8, 2011

LẠI THÊM 2 CON MÈO

LẠI THÊM 2 CON MÈO
 Chiều 10/6/2011, vừa dắt xe vào nhà thì điện thoại reo
-          Mẹ ơi, Dung vào cấp cứu Chợ Rẫy! Con trai lớn gọi điện báo tin.
-          Sao lại vào Chợ Rẫy? Tôi ngạc nhiên hỏi lại.
-          Dạ, bác sỹ nói sợ bị tai  biến, nên phải vào Chợ Rẫy để CT scanner (chụp cắt lớp), vì nó bị co giật, nhưng bây giờ thì ổn rồi.
-          Được rồi, để mẹ vào!
Nói xong, tôi vội soạn quần áo đi tắm, miệng nhai nhanh mẩu bánh mỳ để nạp năng lượng sau 1 ngày đi Tây Ninh gặp khách hàng.
-          Thai phụ bị tiền sản giật, từ cung đã bị liệt, huyết áp tụt, cuống nhau thiếu oxy. Phải kết thúc thai kỳ, nếu cứu được cũng phải cắt bỏ tử cung. Tình hình rất nguy cấp, có khả năng không cứu được. Người nhà ra ngoài, chúng tôi sẽ gọi sau.
Như kẻ mất hồn, tôi cùng con trai bước ra khỏi phòng cấp cứu của bệnh viện Chợ Rẫy. Chỉ biết thông báo với gia đình sui gia rằng con dâu có thể bị cắt bỏ tử cung. Khi con trai đang mếu máo lau nước mắt, tôi vội bấm máy cho thầy Nhân điện mà giọng run lên trong xúc động
-          Em ơi, con dâu chị bị tiền sản giật. Cháu đang rất nguy kịch. Em giúp chị với!
-          Chị cúp máy đi, truyền điện cấp cứu chị nhé!
Tôi vội cúp máy và ngay lập tức ngồi tĩnh lại để cùng truyền điện cho cháu.
Một phút trôi qua, chợt bừng tỉnh, tôi cùng con trai chạy vội vào phòng cấp cứu thì thấy con dâu đang quằn quại trong đau đớn và vỡ ối. Vậy là thoát rồi. Tôi thầm nghĩ và lo thay đồ cho cháu.
Hộ lý lại đuổi ra, sau khi tôi làm xong việc của mình. Ngồi 1 lúc, tôi mới định thần lại được và gọi điện cho thầy.
-          Em ơi, cháu đã qua được rồi!
-          Mẹ tròn con vuông rồi chị ạ! Em chúc mừng chị nhé! Chị đã biết cháu trai hay gái chưa?
-          2 trai em ạ!
-          Ừ, đúng rồi, 2 trai. Chị yên tâm nhé! Nhờ THẦY (linh hồn thầy Lương Minh Đáng) trợ duyên, nên cháu qua khỏi rồi.
-          Chị cám ơn em!
Khoảng gần tiếng đồng hồ sau thì bác sỹ gọi người nhà bệnh nhân vào để hỏi thăm về cháu, trước khi nhập viện. Mẹ cháu vào trả lời, vì cháu về nhà mẹ đẻ gần 2 tháng nay để khỏi phải lên xuống lầu khi bầu quá to.
Chuyển sang mổ cấp cứu bên Hùng Vương, để chăm sóc tốt hơn cho mẹ và bé! Ấy là thông tin tốt nhất trong ngày mà tôi nhận được.
Và 23g30ph thì chúng tôi được gọi vào để nhận bé.
-          Trai 1: 2,5kg. lúc 23g15ph. Trai 2: 2,4kg, lúc 23g16ph.
DSC_5351.JPG
 COCA và PEPSI
Nhìn 2 “con mèo” con  mới được lau sơ, sống mũi cao thẳng, cái miệng chúm chím bé xíu, sau khi rời khỏi mẹ, tôi và con trai như tỉnh cơn mê.
Lại “được” mời ra ngoài. Tôi thông báo tình trạng của 2 cu tý cho sui gia nghe!
Cả nhà ai cũng đều thở phào.
Quả là 1 buổi tối đầy ắp lo âu hoảng hốt bởi sự tắc trách bác sỹ T. Anh của bệnh viện Y Dược TP HCM. Biết cháu sinh lần đầu, thai đôi, huyết áp không ổn định. Cháu đã xin chủ động lấy thai từ ngày 5/8, vì sức khỏe không tốt. BS bảo, thai phát triển tốt, k nên lấy ra sớm. Thứ sáu tuần sau, tái khám sẽ lấy bé ra luôn. Và khi sự cố xảy ra, cháu bị co giật, cô bs  này  bảo vào cấp cứu Chợ Rẫy, để CT scanner, xem có bị tai biến không.
Không biết vì chuyên môn kém hay hay vì muốn tham lam 1 ca mổ dịch vụ mà cô T. Anh này suýt giết chết 3 sinh mạng.
Sáng hôm đó, trước khi đi công tác, tôi đã gọi điện cho con dâu hỏi thăm tình hình sức khỏe của cháu. Cháu nói đã 2 đêm không ngủ được, đang rất đau đầu. Đã gọi điện báo cho bác sỹ, thì bs bảo đi mua thuốc Panadol, loại không có Clorapheramin để uống, cố chờ thêm 2 ngày đến tái khám sẽ mổ lấy em bé luôn, vì cô ấy đang bận. Và nói rằng muốn ngủ.
-                Ừ, tối mẹ sang! Tôi nói vội, để cháu ngủ và tranh thủ đi công tác Tây Ninh.

Thứ Năm, 4 tháng 8, 2011

CÓ PHẢI CON BỊ LẠC MẸ?

DSC03939.JPG
Có phải con bị lạc mẹ?
Hôm nay là đúng 65 ngày mẹ mất. Sáng hôm nay của 9 tuần trước đây mẹ hơi mệt. Tối con cùng cháu Bi qua thăm mẹ. Thấy mẹ đã khỏe và đang ăn cơm. Con tranh thủ sang nhà em Định trao đổi mấy việc. Khi về lại thì Bi đã đưa mẹ lên phòng, 2 bà cháu mỗi người 1 giường im lặng.
Con mở màn, xoa lên bụng mẹ hỏi: Sao mẹ lại phơi bụng ra thế này? Mẹ cười nói: phơi ra cho mát. Con đâu hiểu ấy là lần cuối cùng con nói chuyện với mẹ.
Chiều hôm sau thì mẹ đột ngột ra đi. Mẹ đi nhanh đến mức cho đến giờ con vẫn chưa thể quen với cảm giác mất mẹ. Nghĩ đến mẹ, cảm giác của con vẫn cứ thảng thốt như lần ba con bị đi lạc. Mẹ ơi, con vẫn đang bị lạc mẹ phải không?
Mẹ ơi, mẹ ơi!...

Thứ Sáu, 15 tháng 7, 2011

49 NGÀY CỦA MẸ



Mộ mẹ được làm xong sau 4 tuần mẹ mất bên cạnh mộ Ba
6g15 chiều, cách nay 49 ngày là ngày chúng con vĩnh viễn mất mẹ.
Giờ đây, mắt con vẫn nhòe đi và lồng ngực nghẹn lại.
Con vẫn chưa quen được cảm giác không còn mẹ.
Mẹ ơi, mẹ ơi….
Cảm giác lạc mẹ vẫn còn thảng thốt trong con.
Hôm qua cả nhà vào chùa làm lễ cầu siêu cho mẹ. Vậy mà con lại thui thủi 1 mình trong bệnh viện.
Thiếu máu cơ tim, hồng cầu nhược sắc - đó là lý do con phải nhập viện.
Thay mẹ, con cám ơn tất cả các anh chị, bạn bè trên thế giới ảo này đã ghé thăm và chia buồn cùng gia đình ta.
Em cám ơn anh chị CC đã có mặt ngay sau khi nghe em báo tin.
Chị đã luôn bên em khi em gặp khó khăn nhất. Tình nghĩa này em không biết phải đáp đền thế nào.
Chị ơi, em tin rằng chị hiểu và thông cảm cho sự chưa thuận lợi của em trong công việc….

Thứ Năm, 2 tháng 6, 2011

MẸ ĐÂU?

MẸ ĐÂU?

phuthuygaodua | 02 June, 2011 08:33

Súng 001.JPG
Ba ngày hậu sự của mẹ là 3 ngày chúng con đón tất cả láng giềng, suôi gia các bên, bạn bè và bà con thân quyến đến chia sẻ nỗi đau lớn này.
Láng giềng ai cũng tiếc thương và kể nhiều về mẹ. Lúc sinh thời, khi mắt còn sáng, mẹ là thầy thuốc giỏi có tiếng trong vùng, nhờ mát tay và hiền lành nhân hậu. Mỗi khi bệnh đau, trẻ nhỏ đều được cha mẹ hoặc ông bà dắt qua bà Kiệu (tên ba con) để chích (tiêm) hoặc mua thuốc. Mẹ luôn ân cần với mọi người. Ai nghèo thì mẹ biếu thuốc, ai thiếu tiền mẹ cho nợ, người không đi được thì mẹ đến tận nhà,… Qua chữa bệnh, mẹ có rất nhiều chị em kết nghĩa, để hôm nay, khi mẹ mất rồi, mọi người đều  khóc thương và có người xin được để tang cho mẹ. Những câu chuyện về mẹ qua láng giềng kể lại không xa lạ gì với tụi con, và đó chính là niềm tự hào và là tấm gương lớn cho chúng con noi theo.
Hôm trước Têt, mẹ nói cô giúp việc dắt mẹ đi thăm và cho tiền những gia đình nghèo cố cụ trong xóm và ra cả xóm cũ nhà mình ở ngoài đường. Chị Mai con bác Tích (nhà ngoài đường) vào viếng mẹ cũng đã kể trong nước mắt: Tội nghiệp, mẹ không thấy đường mà cũng ráng ra thăm và cho tiền má chị ăn Tết.
Trước hôm mẹ mất 1 ngày, chú Năm Nông (em kết nghĩa của ba con) từ Phan Thiết gọi vào cho con để hỏi thăm sức khỏe của mẹ. Chú nói, nhớ mẹ, sẽ đến thăm mẹ khi chú vào Saigon khám bệnh. Vợ chồng anh Khanh (con của bạn ba) lâu ngày cũng ghé thăm mẹ, hứa rằng sẽ thường xuyên thăm mẹ hơn. Rồi dì Hai Anh từ Trảng Bàng (Tây Ninh) về thăm mẹ và cũng là người cuối cùng chuyện trò cùng mẹ.
Mẹ ơi, có phải trước lúc mẹ đi xa, nhiều người có linh cảm và hướng về mẹ không? Và hôm 30/4 mẹ cũng đã kịp đọc cho bé Nhi nhà con ghi lại những ngày giỗ chạp của gia đình để khi mẹ mất các con còn biết mà làm (đó là lời của mẹ)
Các dì và các cháu từ  Quảng Ninh, Hải Phòng, Hòa Bình, đã bay vào, ngay sau khi được tin mẹ mất. Từ Daklak, La Ngà, Biên Hòa, Nhơn trạch, Tây Ninh, Bình Dương, Long An,  con cháu đều tụ về. Họ hàng nội ngoại, xa gần không thiếu ai, bởi mẹ là “trưởng lão” của cả giòng họ. Thương nhất là Du và Mai, con  rể cả và con gái thứ của anh Cả từ Vĩnh Bảo - Hải Phòng, vì không đủ điều kiện nên phải ngồi xe gần 2 ngày mới vào được đến nơi.
Anh Thừa, con bác Quyết bên Thị Nghè qua, nhìn ảnh mẹ hỏi:
-          Hình thím chụp  hồi nào?
-          Da, mới chụp mấy năm nay.
-          Trong anh, thím luôn rất đẹp, anh không nghĩ rằng hình này của thím.
Vâng, ngày xưa mẹ nổi tiếng hiền thục và xinh đẹp. Chúng con luôn tự hào về điều đó.
Nhà thơ Trụ Vũ đến chia buồn cùng gia đình đã nói: Tôi đến để chia buồn, và cũng là để chia vui cùng gia đình, vì không phải ai cũng được ra đi trong tâm trạng vui vẻ như cụ nhà.
Ngày di quan của mẹ, xóm chợ ai cũng nghẹn ngào, đoàn người tiễn đưa mẹ dài gần trăm mét. Bạn con từ Hà Nội bay vào đưa mẹ, đã phải thốt lên: Chị ơi, bác thật may mắn! Các anh chị phải hết sức tự hào. Em ít thấy nhà ai có được diễm phúc thế này!
Con muốn khóc thật to, nhưng không thể. Tim thắt chặt, người lơ lửng. Cố gắng cho đến lúc lên xe, con mới òa lên được. Sự vỡ òa ấy đã cân bằng được con. Sau khi làm lễ ở nghĩa trang, mẹ được đưa ra huyệt, cảm giác lạc mất mẹ khiến con ngây dại. Mẹ đâu? Mẹ đâu? Con cố tìm mẹ trong đám đông giữa mọi người. Mẹ ơi, mẹ ơi, mẹ đâu rồi? Qua khỏi góc khuất, con đã lại được nhìn thấy mẹ, rồi mẹ lại mất. Mẹ đã được đưa vào lòng đất.
-          Cho em ra với mẹ, cho em ra với mẹ, mẹ ơi, mẹ ơi…! Con lạc giọng trong thất thanh để xin được đến gần mẹ. Nhưng khi đến được gần mẹ thì con chỉ còn nghe được tiếng gọi mẹ của mình…

14 tuổi, con đã xa mẹ. Hòa bình lập lại, ở nhà với mẹ chưa giáp năm, con đã lại phải đi học xa. Khi về nước, công tác tận Long Bình, rồi đi học, lập gia đình, ra riêng. Thời gian ở bên mẹ không được là bao, so với các chị và các em. Vậy mà điều duy nhất con nguyện trong lòng: mỗi ngày sang thăm mẹ, nghe mẹ nói chuyện, con vẫn chưa làm được.
Con đã lạc mẹ mất rồi, mẹ ơi …

Thứ Tư, 1 tháng 6, 2011

BÀ NGOẠI MẤT RỒI!


Mẹ và gia đình con tết Tân Mão 2011
Vừa đi Đồng Nai về, mở máy chuẩn bị làm việc thì con dâu gọi điện
-          Mẹ đang ở đâu vậy mẹ?
-          Mẹ ở dưới nhà? Có chi không con?
-          Ngoại mất rồi mẹ ơi!
-          Ai nói? Thảng thốt, tôi hỏi lại.
-          Hướng (con trai cậu em kế) nói mẹ ơi!
-          Để mẹ hỏi mẹ Hạnh!
Dứt lời, tôi gọi ngay điện thoại cho chị Hai: “Mẹ sao rồi chị?”
-          Mẹ mất rồi! Chị nói trong nức nở.
-          Mẹ sao mất hả chị?
-          Về đi rồi biết!
Tôi gọi ngay cho ông xã trong nghẹn ngào: Anh ơi, mẹ mất rồi!
-          Sao? Anh thảng thốt hỏi lại.
-          E không biết, em về mẹ đây!
Tôi vội gọi cho con trai
-          Bi ơi! Đưa mẹ về ngoại, ngoại mất rồi!
Tôi không biết mình có khóc hay không, chỉ biết rằng tâm trạng hoảng loạn trong tận cùng đau đớn.
Về đến nhà, cô hàng xóm đã kịp mua cho mẹ nải chuối xanh. Chạy vội lên lầu. Mẹ đang nằm đó, bình yên như ngủ, da mẹ tái xanh, môi tím ngắt. Chị Hai và cháu gái đang soạn quần áo thay cho mẹ. Vừa cùng soạn quần áo cho mẹ, vừa nghe chị kể. Mẹ đi bất ngờ đến nỗi chị cũng còn bàng hoàng.
Ăn cơm xong, mẹ cùng dì Hai Anh (người liên lạc của ba mẹ với đơn vị trong thời gian ba mẹ công tác biệt động thành, nay đang ở Trảng Bàng) lên lầu nói chuyện, vì đã lâu dì Hai không ghé thăm nhà. Dì Hai muốn tắm, mẹ nói dì chờ mẹ đi tiểu chút. Hai chị em, người trong, kẻ ngoài vẫn đang trò chuyện. Thấy mẹ yên lặng, dì liền hỏi:
-          Ủa! Sao e hỏi mà chị Ba hổng trả lời? Miệng hỏi, chân bước, đến cửa nhà vệ sinh thì dì thấy mẹ đã nghoẹo đầu sang bên rồi.
Hốt hoảng dì ra balcon thất thanh: Bà ngoại bị gì rồi!
Đang đánh cờ dưới sân, anh Hai con cùng bạn và cả nhà chạy lên, khiêng mẹ sang giường. Mạch mẹ còn rất yếu. Xoa bóp và hô hấp nhân tạo cho mẹ một  lúc, thì tim mẹ ngừng đập hẳn. Mẹ đã ra đi nhẹ nhàng thanh thản như mẹ vẫn thường cầu xin trời Phật  để đừng làm khổ con cháu…
Cùng soạn quần áo cho mẹ, bé Thoa (con chị Hai) vừa khóc vừa nói: Chọn cho bà bộ đồ thật đẹp để bà đi gặp ông (ba con mất đã được gần 7 năm), bà sợ xấu khi gặp ông lắm!
Mẹ ơi, con đang chọn  những bộ đồ đẹp nhất để mẹ đi gặp ba đây mà.
Chúng con hiểu tình yêu  mẹ dành cho ba lớn thế nào. Lúc sinh thời, mẹ vẫn thường than rằng: Từ ngày ba đi, ba chẳng bao giờ cho mẹ gặp nữa!
Những lúc mẹ nói thế, chúng con chỉ biết lặng thinh chứ nào dám nói gì. Và bây giờ mẹ đã đoàn tụ cùng ba rồi phải không mẹ?
Thay quần áo cho mẹ xong, Thoa lại vừa khóc vừa hỏi: Chai dầu thơm của bà đâu? Sức cho bà! Bà lúc nào cũng muốn thơm tho.
Chị Hạnh con cản không cho xịt nước hóa vào người bà, sợ kiêng kị chi đó. Nhưng con vẫn xịt. Không có điều gì có thể cấm mẹ không được mặc đẹp và thơm tho khi đi gặp ba phải không mẹ?
Mắt mẹ khô ráo, môi mẹ đã được con thoa chút son để được thắm hồng.
Chú ba Linh (ba vợ của cầu em Út) nghe tin mẹ mất, liền ghé thăm và nói: Mẹ con mất tốt lắm, mặt mũi khô ráo, thanh thản thế này là không còn vướng bận gì.
6g15ph sáng hôm sau (29/5/2011), sau 12 tiếng mẹ ra đi, trước khi đội mai tang đến làm nhiệm vụ tẩn liệm, con sờ vào má mẹ, ngạc nhiên khi thấy má mẹ vẫn mềm. Con vội nắn tay nắn tay chân mẹ. Chỉ có cổ chân mẹ là cứng, còn tất cả vẫn mềm mại. Khi khiêng mẹ xuống nhà, người mẹ võng xuống. Nhưng lúc ấy, con không nghĩ được gì, chỉ biết nhìn người ta làm thủ tục nhập quan trong đau đớn.
Giờ đây ngồi nghĩ lại, con ray rứt quá! Biết đâu mẹ của con vẫn chưa thật sự ra đi?
Mẹ ơi, liệu chúng con có gì sai sót không?