Trang

Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2007

Nhà dừa


Nhà dừa
18/04/2007 (GMT+7)
Từ điển Wikipedia thống kê có đến vài chục sản phẩm của các phần trên cây dừa. Dừa làm thực phẩm, làm thuốc, làm vật liệu… Có lẽ các sản phẩm từ dừa không còn lạ. Nhưng gặp một người yêu dừa đến mê mẩn, bỏ ra nhiều năm tháng “theo đuổi”, tìm tòi cây dừa thì có lẽ ít người biết. Đó là câu chuyện của chị Nguyễn Thị Kim Thanh, người hiện sống trong một căn nhà dừa ở Củ Chi với rất nhiều vật dụng làm từ dừa. Suốt thời thơ ấu và cả tuổi trẻ bôn ba vào Nam ra Bắc, chị Thanh luôn có hoài niệm, ước mơ về một miền quê thanh bình. Miền quê trong tâm tưởng của chị không có địa danh, không phải là một khung cảnh cụ thể. Nó len lỏi ở đâu đó, rất sâu trong suy nghĩ của chị, khi có điều kiện, nó lại hiện ra.

Những vật dụng làm từ dừa: hộp đựng bánh mứt, giá để gia vị, tranh cẩn vỏ dừa
Tích cóp nhiều năm, đến khi có điều kiện, chị quyết định thực hiện ước mơ của mình. Chị tâm sự với bạn bè thân về cái vùng quê riêng của mình. Vùng quê mà chị mơ ước được một người bạn làm hoạ sĩ “cụ thể hoá” bằng những nét vẽ sinh động, trong đó không thể thiếu ngôi nhà vườn đặc trưng của vùng quê Nam bộ với vật liệu hoàn toàn được trưng dụng từ cây dừa.
Chị đã đi tìm nhiều nơi nhưng cuối cùng chọn mua 2.000m 2 đất ở Củ Chi để làm quê của mình.
Năm 1999, ngôi nhà được khởi công, người hoạ sĩ đứng ra làm thầu với một nhóm thợ chuyên nghiệp tuyển chọn từ Bến Tre.

Bộ bàn ăn kiểu dáng hiện đại làm từ gỗ dừa
Sau một năm, ngôi nhà mới chỉ dừng lại ở mức hoàn thiện được 36 cây cột dừa. Gia đình phản ứng vì thấy chẳng có ai lại bỏ số tiền lớn để mua dừa làm nhà. “Ông xã tôi ngay từ đầu khi nghe về ngôi nhà làm bằng dừa đã không đồng ý, nhưng tôi cứ lẳng lặng mà làm. Cũng có khó khăn nhưng đã làm thì chẳng thể bỏ nửa chừng”, chị kể về những ngày chị tự đứng ra tiếp tục hoàn thiện căn nhà.
Muốn sử dụng dừa làm nhà, ít nhất thân dừa cũng phải có độ tuổi từ 30 năm trở lên. Muốn dùng làm cột thì dừa phải có tuổi 60 - 70 năm mới đủ độ cứng và bền. Những lúc rảnh rỗi, chị theo chân nhóm thợ xuống Bến Tre săn lùng những cây dừa đủ tuổi. Ròng rã nhiều tháng trời chị mới tìm mua đủ số lượng dừa cần thiết. Tổng cộng chị đã phải mua 130 cây dừa để hoàn tất ngôi nhà trên 100m 2 . Trong quá trình tìm dừa đủ tuổi, chị đã đặt lòng tin vào nhóm thợ. “Kỹ năng đoán tuổi dừa phải dựa vào người nhiều kinh nghiệm”, chị Thanh kể.
Những người thợ phải lặn lội nhiều khu vực của Bến Tre. Họ phải xem từng chút những mắt dừa để tính tuổi cho cây. Rồi phải ngâm dừa vào nước ròng rã vài tháng để tránh những rủi ro sau khi cưa xẻ thành phẩm. Việc cưa xẻ thân dừa cũng không phải dễ. Để có được những thành phẩm đẹp, láng, cả nhóm phải ngồi tính, tuỳ theo “mặt dừa” mà họ quyết định xẻ thân theo chiều nào. Tất cả những công đoạn này đều phải thực hiện theo cách làm thủ công, những thiết bị cưa xẻ chuyên nghiệp ở đây trở nên mất công dụng.

Mặt trước của ngôi nhà và hệ thống cột, kèo bằng dừa
Xong được phần ván, đến cưa xẻ gỗ để thực hiện các vật dụng khác còn tỉ mỉ hơn nữa. Muốn hoàn thiện một chiếc ghế, ngoài các công đoạn tạo khung sườn, cái khó là tạo những hoa văn trên mặt ghế, lưng ghế tay nắm, những bức tranh treo vách… Vật liệu sử dụng chính của phần trang trí là gáo dừa, những miếng gáo dừa không đồng đều màu sắc được thợ ép ra cho phẳng, phối màu, dán kết lại với nhau, rồi mài giũa từng chút để tạo phẳng và độ láng chẳng khác gì công đoạn công phu của người làm tranh sơn mài.
Khi hoàn tất, ngôi nhà trở thành niềm tự hào của vợ chồng chị. Ngôi nhà kiểu nhà ngói ba gian dung dị bình thường như bao ngôi nhà thường gặp ở Nam Bộ. Bạn bè đến chơi ai cũng ngạc nhiên khi thấy toàn bộ ngôi nhà từ rường, cột, vách, bàn ghế… nhất nhất đều được làm từ dừa.
“Tôi đã có một chốn quê bình yên cho mình từ ngôi nhà này. Thật ra, trong lúc làm ngôi nhà, theo đuổi vật liệu bằng dừa như một ý thích, tôi đã bị dừa... đeo dính luôn vào, gỡ chẳng ra”, chị Thanh cười.
Đó là giải thích lý do cho việc lập công ty Trúc Phương, chuyên sản xuất, gia công những sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm từ dừa như tranh dừa, bàn ghế dừa, kệ dừa… Trụ sở công ty đặt ngay trong khoảng sân vườn ngôi nhà dừa của chị.
Việc kinh doanh còn hạn chế, chưa tìm được thị trường, nhưng chị vẫn không thể dứt ra được. Chị nói, “dừa nó như cái nghiệp gắn chặt vào tôi rồi”.
Bộ salon gỗ dừa đặt trên nền lót ván dừa ở trung tâm nhà, nằm giữa hai cây cột bằng dừa.
Mặt trước của ngôi nhà và hệ thống cột, kèo bằng dừa
theo Minh Triết - Ảnh Phan Quang (SGTT)
Căn nhà này đã đưa cuộc đời tôi vào 1 ngã rẽ mới, đó là ngã rẽ "gáo dừa"

Thứ Tư, 28 tháng 11, 2007

GÁO DỪA LIỆT TRUYỆN


Gốc Hải phòng, sinh ra ở Saigòn, tuổi thơ của tôi đã gắn liền với những địa danh theo lời kể mà mẹ đã từng chạy tản cư trong những ngày kháng Pháp như: Nho quan, Ninh bình, Đông triều, Thái nguyên, ……… Cho đến khi được đi học, tôi mới thực sự hiểu rằng quê hương không chỉ là đồi núi, làng mạc ngập tràn khói lửa loạn ly, mà còn có những dòng sông, điệu hát, câu hò với đồng lúa chín vàng thơm ngát,…….Như bước sang 1 thế giới khác với những thèm khát được về thăm quê, thăm ông bà, được chạy tung tăng trên những con đường rợp bóng dừa xanh uốn lượn theo những dòng kênh nhỏ, tôi thèm thuồng hỏi mẹ: Mẹ ơi, thế bao giờ mình được về quê hả mẹ? Một thoáng im lặng nhìn tôi, mẹ bảo: bao giờ đất nước thông nhất, mình mới được về quê. Thật hồn nhiên vô tư, tôi lại hỏi: thế đến bao giờ mơí thống nhất hả me? Giọng xa xôi mẹ nói: mẹ cũng không biết nữa! Và thế là tôi nuôi mãi trong lòng mình một khát khao cháy bỏng để có ngày được về quê.
Đến năm 13 tuổi, khi thoát ly gia đình tham gia cách mạng tôi mới chợt hiểu rằng, khi còn chiến tranh thì quê hương nào cũng ngập tràn khói lửa. Và tôi lại tiếp tuc ước ao có một làng quê thanh bình với khói lam chiều, với những hàng dừa xanh ngát mang đậm câu hò mênh mang, …….
Hoà bình lập lại, tôi được chuyển ngành đi học CNKT nước ngoài. Chúng tôi đi bằng chuyên xa qua những làng mạc xa xôi của những miền quê nghèo Trung quốc, trông thấy những em bé gầy còm quắt queo trên tay mang nặng băng tang Mao chủ tịch, đi qua thảo nguyên mênh mông của đất nước Mông cổ, tôi càng thấy yêu hơn đất nước mình qua những hình ảnh con sông, ruộng lúa, câu hò,….
Bay từ Moscow về, trung chuyến qua 1 số quốc gia như Kuwet, Bombay, Miến điện, Viên chăn và cuối cùng khi máy bay hạ độ cao ở Thủ đức, nhìn ra ngoài cửa sổ, đất nước mình rực rỡ sau cơn mưa với những hàng cau, những khói lam chiều, những cây rơm xũng nước, tim tôi thắt lại, đau nhói và tôi như ngừng thở. Quê hương tôi đây, quê hương của những ngày ấu thơ mà tôi thường ước ao được về là đây….Nhưng rồi những cảnh vật ấy nhanh chóng mất đi khi máy bay dần hạ độ cao để đáp xuống. Tôi như hụt hẫng …
Cuộc sống thời bao cấp với bao thiếu thốn lo toan, ngay cả khi cai sữa cho con cũng không có tiền mua nổi chiếc bình thuỷ, trong tôi chẳng còn 1 chút khái niệm gì về quê hương cả. Cho đến một hôm, tình cờ lên phòng nghiệp vụ (phòng kinh doanh gỗ), tôi chợt nhìn thấy 1 thanh ván sàn với hoa văn lạ mắt, tò mò hỏi, được biết, đây là gỗ dừa và tôi thầm nghĩ: sau này có tiền, mình sẽ cất 1 căn nhà bằng gỗ dừa.
Và rồi ước mơ trở thành sự thật khi cơ quan có nhiều thay đổi. Tôi xin đi học, vừa học, vừa tranh thủ làm thêm bên ngoài, có chút đỉnh tiền, tôi tìm người để hỏi ý kiến về một căn nhà dừa, nhưng ai cũng lắc đầu cho là vô tưởng, vì cây dừa mà ở Saigon, làm gì ai dùng để cất nhà. Hỏi thăm mãi, cuối cùng chị bạn cũng giới thiệu cho tôi 1 hoạ sỹ “dám cả gan” nhận làm 1 căn nhà 3 gian 2 chái bằng gỗ dừa cho tôi. Mừng còn hơn bắt được vàng, tôi đã nhanh chóng thoả thuận ký hợp đồng và về Bến tre để xem mẫu nhà mình muốn làm. Và cũng từ đó, cuộc đời tôi bắt đầu một lối rẽ.
Sau khi căn nhà được cất xong, tôi sung sướng và tìm về Bến tre để mua những vật dụng bằng dừa cho nhà mình, và thật bất ngờ khi tôi được nhìn thấy 1 con rùa được làm từ gáo dừa, trông rất sinh động, thoạt nhìn tôi cứ ngỡ mai của nó là thật. Và như số phận, tôi không thể nào không nghĩ về nó, và quyết định cho một cuộc chơi bắt đầu.
Khi nghe nói tôi mở xưởng, trong gia đình sợ tôi mua thêm vất vả đã không đồng ý. Nhưng với 1 quyết tâm tôi đã tự mở xưởng mà chưa có 1 ý niệm gì về chất liệu cả, và chính vì điều đó mà các bạn tôi đã cười và cho tôi là khùng điên, còn gia đình thì lắc đầu mà xót xa.
Và cũng chính vì sự không đồng ý đó của gia đình, mà lòng quyết tâm của tôi càng lớn hơn. Đã bao đêm gần như thức trắng chỉ để nhìn ngắm chiêc gáo dừa hoặc 1 sản phẩm mới được hình thành. Càng nhìn , tôi càng mụ mị đi vì nét đẹp tiềm ẩn của nó và quyết tâm càng cao hơn , 1 quyết tâm mà chưa có một điểm khởi đầu, nghĩa là tôi chưa biết mình sẽ làm gì với nó. Nói ra thì thật là mâu thuẫn. nhưng sự thật lại chính là đây
Với tôi, chiếc gáo dừa là 1 vật liệu rất xa lạ, chỉ thân quen vì nó là tên goị của 1 vật dụng dùng để múc nước mà bất kỳ vùng quê nào ở Viêt nam cũng sử dụng và sự lao động nghiêm túc nào cũng có kết quả nhất định của nó, khi ý tưởng đưa gáo dừa trở về mặt phẳng ra đời, tôi hăm hở, trở trăn để làm thế nào sản phẩm của mình phải được công nhận.
Những khó khăn bắt đầu từ đây, vì là 1 ý tưởng hoàn toàn mới, để nghĩ ra 1 loại sản phẩm ứng dụng được nó đã khó rồi, nay xác lập quy trình sản xuất hợp lý lại càng khó khăn gấp bội, khi tôi vừa phải đi làm kiếm tiền lo cho xưởng, vừa phải mày mò, nghiên cứu ứng dụng và xác lập quy trình hợp lý để hạ giá thành sản phẩm, trong khi xưởng sx cách nhà hơn 40 cây số. Đã vậy nhân sự lại không ổn định, những người tôi mời về hợp tác đều có trong đầu suy nghĩ: sẽ khống chế và chi phối tôi bằng nhiều hình thức, hòng quyết định sự sống còn của xưởng. Và họ đã không nghĩ rằng, nếu không có sự lao tâm khổ trí và tiền của tôi bỏ ra, thì họ là ai (?!) Vì thế kỹ thuật viên do tôi đào tạo đã lần lượt ra đi và tôi lại tiếp tục đào tạo người mới, cho đến hôm nay thì nhờ vào sự nỗ lực của mình, tôi đã truyền được niềm say mê vào cho đội ngũ kỹ thuật của mình và họ đã nhìn thấy tương lai của sản phẩm chứ không phải nhìn thấy quyền lực của một trưởng xưởng, 1 kỹ thuật viên.
Từ vẻ môc mạc, khô ráp của mình, gáo dừa đã hút tôi vào vòng xoáy của nó, như có 1 ma lực, tôi đã như con thiêu thân, quên cả không gian, thời gian, cũng như sức lực và tiền của để hăm hở, trở trăn và đôi khi muốn ngã quỵ, để tìm hiểu sắc độ, nguyên lý phát triển của nó để tìm ra 1 quy luật và hơn nữa, đó chính là 1 triết lý sống cho mình, khi tôi đã đánh thức được nó. Và đó chính là: hãy tự đánh thức chính mình
Những lúc đi về sớm khuya, tôi thèm mình được là 1 người đàn ông để không bị không gian và thời gian trở thành sự cản trở. Cũng thật may mắn cho tôi là ông xã đi làm xa, nên mỗi tuần vào ngày chủ nhật chúng tôi vẫn có 1 sinh hoạt bình thường như bao gia đình khác.

Thứ Ba, 20 tháng 11, 2007

Bức tranh DỪA được chào bán khi chỉ là ý tưởng


Thật vinh dự khi được Ban tổ chức Sàn GD Ý tưởng VN đã tạo điều kiện cho tôi được lên sàn giao dịch Ý tưởng VN lần đầu tiên tổ chức tại Hà nội để giới thiệu ý tưởng và mời gọi đầu tư cho ý tưởng. Sản phẩm lên sàn của tôi hôm nay là bức tranh “Chân dung Bác Tôn và quê hương An Giang” đăng ký kỷ lục Việt nam: Bức tranh bằng gáo dừa về Bác Tôn đầu tiên và lớn nhất Việt Nam, nhân kỷ niêm 120 năm ngày sinh của Chủ tịch Tôn Đức Thắng.
Là người được sinh ra và lớn lên ở Saigon, chỉ biết đến cái gáo dừa qua tên gọi, nhưng khi được nhìn thấy và cầm chiếc gáo dừa đã được chế tác thành hàng mỹ nghệ trong tay, tôi như bị hút hồn vào nó như 1 kẻ si tình và đã gần 10 năm tôi lăn lóc miệt mài để cố gắng đánh thức nó dậy bằng nhiệt huyết của lòng mình và sự nỗ lực đó đựợc đánh dấu bằng 2 giải thưởng sáng tạo KHKT tp HCM 2 năm 2003 và 2004 cho đến hôm nay, chỉ xuất được những lô hàng nội thất trị giá hơn trăm triệu chứ chưa có những lô hàng lớn, và bước đầu đã được các thị trường: Mỹ, Singapore, Đức và Pháp chấp nhận. Trong quá trình nghiên cứu vật liệu phẳng từ gáo dừa, tôi đã tình cờ phát hiện ra sự lung linh huyền ảo và sống động của sự chuyển đổi sắc độ trong quá trình sừng hoá của chiếc gáo dừa và cũng từ đó tôi phát hiện ra rằng chiếc gáo dừa cũng có triết lý riêng của nó, một triết lý của sự sống và phát triển.Tuổi đời của trái dừa từ khi ra hoa cho đến khi chín già rụng xuống là 1 năm, trong 1 năm đó sự chuyển mình hoá sừng của nó không khác gì sự phát triển của 1 đời người cả. Vòng đời của trái dừa cũng như vòng đời của mỗi người chúng ta, cũng non tơ nhạt nhẽo, cũng đậm đà béo thơm, cũng nồng nàn men say, cũng lung linh huyền diệu và cuối cùng sẽ vững bền theo thời gian khi đã chín và hoá sừng hoàn toàn.
Gáo dừa là 1 loại gỗ đặc biệt ở dạng sừng hoá, không bị mối mọt, không bị mục ruỗng trong môi trường ẩm thấp mà các loại vật liệu khác (trừ đá) đều bị hư hại. Giai đoạn sừng hoá của chiếc gáo dừa ở từng thời kỳ chính là căn cứ để xác định độ tuổi của trái dừa, sự phân định màu sắc của chiếc gáo dừa từ màu trắng ngà cho đến nâu sậm cho thấy rằng sự chuyển đổi màu sắc của chiếc gáo dừa để thể hiện tranh hết sức mong manh, vì nó được chuyển hoá theo nhịp sinh học phát triển của trái dừa theo nguyên tắc vết dầu loang. Đó chính là yếu tố tạo nên sự huyền ảo đáng kinh ngạc của gáo dừa cho sự ứng dụng vào tranh nghệ thuật.
Và đây cũng chính là phần quan trọng nhất trong bộ ý tưởng “Đánh thức gáo dừa” của chúng tôi nhằm tôn vinh sự thức dậy của chiếc gáo dừa, qua những đôi tay tài hoa khéo léo của các nghệ nhân và hoạ sỹ VN. Một ý nghĩa lớn hơn đó là thông qua sự thức dậy này của chiếc gáo dừa, chúng tôi muốn đựơc giới thiệu với chúng ta một dòng tranh mới của Việtnam, đó là tranh gáo dừa, nét đắc sắc của một chất liệu mang tính văn hoá truyền thống và nhân văn sâu sắc của Dân tộc Việt nam. Tính nhân văn đây chính là sự nghiên cứu và sáng tạo không ngừng bởi đôi tay khéo léo của các nghệ nhân và sự bóc tách tìm sắc độ của hoạ sỹ cho loại chất liệu mộc mạc quý giá này. Bên cạnh đó, chúng tôi vô cùng mong muốn có được sự ủng hộ của quý vị cho sự đánh thức gáo dừa này của chúng tôi để sản phẩm gáo dừa trở thành sản phẩm đặc trưng cho văn hoá Việt mà đã từ lau rồi nó bị bỏ quên.
Thông thường để thực hiện 1 bức tranh, người hoạ sỹ dùng bút, dùng cọ và phần lớn không động đến máy móc. Nhưng để làm 1 bức tranh dừa ngoài việc dùng bút để phác thảo, phần còn lại phải sử dụng cưa, kềm và 1 số thiết bị khác. Khi tạo hồn cho bức tranh, đòi hỏi người hoạ sỹ phải sử dụng thành thạo những loại máy cầm tay và biết ứng dụng từng loại mũi phay, mũi khoan, . . .như thế nào để phù hợp với chi tiết cần thể hiện.
Tuy nhiên quan trọng hơn hết vẫn là sự xác định sắc độ chất liệu, bởi tranh gáo dừa không có sự can thiệp của bất cứ 1 loại màu sắc nhân tạo nào từ bên ngoài mà chỉ dùng màu sắc gáo dừa thiên nhiên ở từng độ tuổi khác nhau sẽ có những sắc độ, hoa văn khác nhau để chuyển tải nội dung tranh mà hoạ sỹ cần thể hiện.
Với hàng vạn mảnh gáo dừa đủ màu sắc độ tuổi qua bàn tay nghê thuật của các nghệ nhân, vùng quê thân yêu An Giang với thiên nhiên phóng khoáng, trù phú truyền thống lịch sử lâu đời, sự phát triển vững mạnh của công nghiệp hoá, hiện đại hoá đi lên hội nhập được tái hiện rõ nét. Đặc biệt hình ảnh chân thật bình dị nhưng cũng rất hào hùng của Cố Chủ tịch Tôn Đức Thắng chiếm một vị trí quan trọng trên toàn bộ tác phẩm, hình ảnh Người như một nguời cha, nguời Anh đang vẫy gọi, thúc giục, nhắc nhỡ lớp lớp con cháu : Hãy phát huy truyền thống cách mạng của cha anh, khắc phục khó khăn gian khó, phát huy truyền thống cách mạng quyết tâm xây dựng miền quê An Giang thành một vùng quê giàu đẹp, yên bình.