Trang

Thứ Ba, 27 tháng 3, 2012

GIÁ TRỊ VÔ HÌNH CỦA CÂY DỪA VIỆT NAM


GIÁ TRỊ VÔ HÌNH CỦA CÂY DỪA VIỆT NAM
VÀ ĐỊNH HƯỚNG KHAI THÁC
Với diện tích gần 150 ngàn ha, dừa là loại cây công nghiệp lâu năm được trồng với diện tích lớn thứ tư trong cả nước, sau cao su, cà phê và điều. Cùng sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, giá trị của cây dừa ngày càng được nâng cao và công nghiệp chế biến dừa cũng đã trở thành ngành kinh tế đang được quan tâm phát triển, đặc biệt là ở Bến Tre.
Là loại cây truyền thống lâu đời phục vụ cho cuộc sống hằng ngày, cây dừa không được đầu tư trồng theo đồn điền, trang trại mà phần lớn được trồng quanh nhà, trong vườn nhà. Giống như tre, cây dừa có mặt hầu hết ở các vùng quê Việt Nam, trải dài từ Bắc chí Nam, từ duyên hải đến cao nguyên, nơi nào cũng có. Chỉ khác là nơi nhiều nơi ít do điều kiện thổ nhưỡng. Ngoài lợi ích kinh tế sau thu hoạch, cây dừa còn tiềm ẩn khối tài sản vô giá nhưng vô hình của nó.
Giá trị vô hình chính là giá trị không thể nhìn thấy cụ thể, nhưng nó được ẩn chứa tiềm tàng trong mỗi loại vật chất theo bề dày của thời gian.
Việt Nam có lịch sử hơn bốn ngàn năm giữ nước, dựng nước và mở mang bờ cõi, cùng bao thăng trầm biến đổi. Đã có một thời, cây dừa là biểu tượng tâm linh (linh vật) của thị tộc Chăm Dừa. Đến giữa thế kỷ thứ sáu, vào kỷ Tiền Lê, cây dừa chính thức có mặt ở Vạn Xuân, sau cuộc dẹp loạn quân Lâm Ấp (thuộc thị tộc dừa) dưới triều Lý Nam Đế. Bắt hơn năm ngàn tù binh Lâm Ấp đưa về Vạn Xuân, một phần được cho xây dựng thành Tô Lịch (tiền thân của thành Đại La), phần khác danh tướng Lý Mục Man đưa về quê hương mình tại làng Yên Sở, nay thuộc huyện Hoài Đức, Hà Nội, nổi tiếng với đặc sản bánh gai và những cái giếng Chăm không bao giờ cạn nước. Và hoàng thành Thăng Long có một cửa ô mở về phía Tây mang tên Nôm (tên có từ trước khi xây dựng hoàng thành Thăng Long) là Chợ Dừa. Địa danh ấy đến giờ vẫn tồn tại và đã được đưa vào bản đồ hành chính của thủ đô Hà Nội. Sau những cuộc dẹp loạn quân Chiêm Thành của các thời đại thì tù bình Chiêm Thành có mặt nhiều nơi ở các tỉnh phía Bắc, nên cây dừa cũng có mặt ở khắp nơi. Và nơi đâu trồng nhiều dừa thì nơi ấy bánh gai trở thành đặc sản. Chiếc bánh gai có nguồn gốc từ bánh ít lá gai của người Chăm dâng cúng trời đất, thần linh và dần hòa tan để Việt hóa thành những chiếc bánh tròn, gói lá vuông mà không còn mang hình chóp nữa.
Dừa là loại cây cho trái ăn được, cùng nhiều công dụng trong đời sống của người Việt Nam hàng ngàn năm nay, vì thế dừa mang trong mình một giá trị văn hóa lâu đời, từ ẩm thực, tâm linh, cho đến công cụ hàng ngày nên cũng đã hiện diện trong ngạn ngữ, thi, ca, nhạc, họa.
Không biết từ bao giờ thành ngữ “Lành làm gáo, vỡ làm muôi” đã được ông cha ta dạy con cháu hãy biết sống làm người và biết sống thực với giá trị của chính mình. Triết lý sống thì tương tự với câu “Gừng càng già càng cay” ông cha ta còn có câu “Dừa già, bà lim” xuất phát từ nghĩa đen của độ cứng cây dừa già sẽ cao hơn gấp nhiều lần gỗ lim, điều này hẳn cho đến giờ, trong chúng ta ít ai biết được giá trị này của dừa. Hoặc trong ẩm thực xưa, các cụ cũng có câu: “Đánh chết chẳng chừa, cùi dừa bánh đa”. Thực tế xuất phát câu tục ngữ này là khi ăn bánh đa thì nhất thiết phải có cùi dừa mới ngon, nếu không có dừa, bánh đa sẽ kém phần hấp dẫn. Ẩn trong đó, ông cha ta muốn nói lên sự gắn bó không thể tách rời những mối quan hệ cộng đồng trong cuộc sống hằng ngày và gái trai trong tình yêu đôi lứa. Trong ca dao có câu: “Công ai, công uổng công thừa/ Công ai gánh nước tưới dừa Tam Quan” để nói lên sự bạt ngàn của dừa Tam Quan ngày xưa. Tiếc rằng, ngày nay cây dừa Bình Định cũng đã mất dần vị thế do cơ chế thị trường.
Trong thi ca, bài thơ Dừa ơi của Lê Anh Xuân nối tiếng với trăn trở về kỷ niệm tuổi thơ với cây dừa
...“Tôi lớn lên đã thấy dừa trước ngõ
Dừa ru tôi giấc ngủ tuổi thơ
Cứ mỗi chiều nghe dừa reo trước gió
Tôi hỏi nội tôi: dừa có tự bao giờ?”…
Còn Trần Đăng Khoa thì mô tả cây dừa với những ví von trong trẻo rất dễ thương
“ Cây dừa xanh toả nhiều tàu
Dang tay đón gió, gật đầu gọi trăng
Thân dừa bạc phếch tháng năm
Quả dừa - đàn lợn con nằm trên cao
Đêm hè hoa nở cùng sao
Tàu dừa - chiếc lược chải vào mây xanh.”…
Nguyễn văn Tý cũng đã có bài hát “Dáng đứng Bến Tre” nổi tiếng một thời khi lồng cây dừa vào chân dung yêu kiều của người phụ nữ: “ Ai đứng như bóng dừa, tóc dài bay trong gió…”.
Và cảnh hái dừa cũng đã hai lần được đưa vào giòng tranh dân gian Đông Hồ để mô tả cảnh sinh hoạt của cư dân Bắc bộ.
 

Dừa cũng đã được dùng làm nhạc cụ truyền thống của Việt Nam như: đàn gáo, đàn bầu với những âm thanh đặc trưng của tiếng vọng từ sự đanh chắc của gáo dừa.
Trong đời sống tâm linh có nhiều nơi dừa được dùng làm lễ vật dâng lên trời đất vào thời khắc giao thừa để tiễn đưa năm cũ và đón chào năm mới, thể hiện sự trong sạch tinh khiết. Và ngày nay, trái dừa không thể thiếu trong mâm ngũ quả ngày Tết của người Việt Nam với cầu mong sự vừa đủ. Và trong hầu hết những bánh trái được dâng lên ông bà tổ tiên vào các ngày giỗ chạp, cưới xin, hoặc tiến vua cũng đều có dừa như: bánh gai, bánh xu xê (có nơi gọi bánh phu thê), bánh cốm, xôi dừa,… và hết sức thú vị là ở Yên Sở còn có một món ăn truyền thống ấy là ruốc dừa, món này được làm như sau: dừa khô được cắt mỏng, rang khô và giã nhuyễn, giống như cơm dừa nạo xấy mà ngày nay các doanh nghiệp chế biến dừa ở Bến Tre đang xuất khẩu. Trong món ăn hằng ngày của cư dân xứ dừa cũng không thể không nhắc đến những món ăn truyền thống nổi tiếng như: Thịt kho dừa, tép rang dừa, chuối xào dừa, chè đậu nước dừa,…và đặc biệt nước màu dừa là 1 trong những phụ gia bất cứ người nội trợ nào cũng muốn được dùng để tăng thêm màu sắc và độ bóng cho các món kho của mình. Dừa còn là nguồn nhiên liệu và thực phẩm “vô giá” cho người dân nông thôn miền Bắc. Nhà ai có dăm ba cây dừa, thì coi như yên tâm về phần chất đốt và thức ăn hằng ngày. Vì thế tục ngữ có câu: “thiếu đất trồng dừa, thừa đất trồng cau”.
Đã từ xa xưa, dân ta cũng đã hiểu được những dược tính trong dừa: nước dừa thanh nhiệt giải độc cơ thể, giải cảm nắng khi vắt chút chanh và cho thêm ít muối, thay huyết thanh truyền vào máu và cũng là chất điện giải tốt nhất nhờ những khoáng chất từ thiên nhiên. Than gáo dừa có khả năng hút độc tố tốt nhất, nên đã được dùng làm thuốc trị nhiễm độc đường tiêu hóa và làm mặt nạ chống độc. Cơm dừa có khả năng nhuận trường, tấy giun sán. Dầu dừa, ngoài việc sử dụng cho chữa bệnh ngoài da, còn được dùng để tái tạo da trong quá trình trị bỏng,…
Bó đuốc lá dừa cũng chính là nét đẹp nhân văn trong văn hóa ứng xử của người dân xứ dừa thời khẩn hoang với nhau khi bước lỡ đường khuya.
Tục nhuộm răng đen của người Việt xưa cũng đã dùng than gáo dừa, cho đến các loại bánh dân gian truyền thống như bánh đa, bánh đúc, cũng đều có dừa.
Cổng chào ngày cưới, ngày hội cũng từ dừa, rồi chiếc gáo múc nước từ thuở xa xưa mà nhà nhà đều có, ấy chính từ sọ dừa, chiếc chổi quét bếp xơ dừa đến chiếc chổi chà như người phụ nữ Việt Nam lam lũ sớm hôm cũng từ cọng lá dừa …
Chiếc gáo dừa ngày xưa chỉ dùng để múc nước bởi sự bền chắc của nó, nay cũng đã trở thành nguồn nguyên liệu cho tranh, cho những sản phẩm thủ công mỹ nghệ có giá trị lên tới bạc tỷ, như chiếc tàu du lịch từ gáo dừa ở Phú Yên. Điều đó nói lên tâm huyết và sự sáng tạo của nghệ nhân Việt Nam.
Và hẳn trong chúng ta, ít tai nghĩ rằng cây dừa hóa giải được nộ cuồng của gió. Do cấu tạo của lá dừa ở dạng thùy lông chim, vì thế trước bão giông, dừa không hề gãy đổ. Và sau khi bão tố đi qua rừng dừa, gió sẽ ít hung hãn hơn. Dừa cho ta bóng mát cùng bao kỷ niệm tuổi thơ trong lời ru của mẹ trên chiếc võng xơ dừa, những trò cút bắt, bắn bi,… Và dây thừng dừa cũng là vật dụng không thể thiếu với những ngư dân giăng buồm ra khơi. Những thiếu phụ ngày xưa muốn có mái tóc dài đen mượt cũng cần đến dầu dừa, và sau khi từ giã cuộc đời, ngọn đèn dầu dừa chính là biểu tượng mong manh của đời người như là một triết lý sống. Dừa luôn bên ta như người mẹ hiền. dừa còn điểm tô cho quê hương nét đẹp của sự duyên dáng thướt tha,…Câu chuyện về dừa, nếu kế hết sẽ có biết bao điều trở thành huyền thoại. Đặc biệt hơn là sự góp sức của cây dừa trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ thật là to lớn.
Nhờ sự cần cù chịu khó và không ngừng sáng tạo, từ vùng đất hoang tàn sau chiến tranh do bom đạn và chất khai quang, người nông dân Bến Tre đã làm nên những điều kỳ diệu. Giờ đây, Bến Tre đứng đầu cả nước về sản lượng và ngành công nghiệp chế biến dừa với đa dạng sản phẩm. Bến Tre ngày nay xứng đáng được gọi là thủ phủ của cây dừa Việt Nam
Ngoài ra, Bến Tre còn có 18 làng nghề truyền thống, trong đó có 10 làng nghề chuyên sản xuất những sản phẩm từ dừa với đa dạng sản phẩm, từ bánh tráng, bánh phồng, kẹo dừa, thạch dừa, đến những mặt hàng thủ công mỹ nghệ với nhiều mẫu mã lạ mắt, sáng tạo.
Mỗi làng nghề đều có lịch sử và những tập quán riêng với những câu chuyện riêng của nó rất đa dạng, phong phú.
Bến Tre còn là quê hương Đồng Khởi với những câu chuyện chiến đấu liên quan tới dừa và những nhân chứng, nhân vật lịch sử vẫn còn khỏe mạnh.
Đây chính là những giá trị vô hình mà dừa đang có. Nó tiềm ẩn trong chuỗi giá trị của dừa cần được khai thác. Muốn khai thác được gía trị vô hình này, chúng ta phải làm gì?
Điều trước tiên ta phải hiểu rõ được giá trị này, biến giá trị ấy thành sản phẩm và đặt tên cho nó. Khi sản phẩm đã có tên, ta phải biến nó thành thương phẩm và xây dựng thương hiệu cho nó bằng chất lượng và tính đặc thù.
Với góc nhìn này về dừa, hẳn mỗi chúng ta sẽ yêu hơn cây dừa quê mình và muốn làm điều gì đó để giá trị vô hình này sẽ hữu hình bằng sản phẩm mang đậm nét văn hóa Việt Nam. Muốn làm được điều đó, chúng ta cần những người hết sức tâm huyết để định hình được nó bằng những câu chuyện thực tế diễn ra hằng ngày theo tập quán truyền thống của dân tộc. Hay nói cách khác là hệ thống lại tập quán của cư dân xứ dừa một cách khoa học cùng những giai thoại về dừa. Đây chính là sản phẩm văn hóa đặc trưng về dừa mà không một loại cây cho quả nào có được.
Từ nguồn “nguyên liệu” này, có thể tập hợp để in thành sách tư liệu phục vụ cho ngành Việt Nam học, văn hóa học, dân tộc học và cho cả những người muôn tìm hiểu về văn hóa Việt Nam.
Và điều thiết thực hơn, ấy chính là mở ra cho ngành công nghiệp không khói của Việt Nam thêm sản phẩm DU LỊCH DỪA với nội dung hấp dẫn và độc đáo bởi chiều sâu văn hóa và lịch sử của nó.
Đến với DU LỊCH DỪA, khách du lịch sẽ hiểu hơn về cây dừa Việt Nam, văn hóa Việt Nam, lịch sử Việt Nam (hiện còn rất nhiều nhân chứng sống), tính cách hào sảng của người Việt Nam cùng những món ăn dân dã truyền thống cũng như hiện đại và hết sức độc đáo từ dừa từ ngàn đời. Kết hợp cùng tham quan làng nghề dừa: làm bánh tráng, bánh phồng, kẹo dừa, thủ công mỹ nghệ,…và ở lại cùng cộng đồng để hiểu được tập quán sinh hoạt của cư dân địa phương. Điều này sẽ nâng cao được đời sống văn hóa của cư dân địa phương đồng thời du khách có được những trải nghiệm thực tế về cuộc sống nơi đồng quê thôn dã. Với những buổi chợ quê, những ngày giỗ chạp, cưới hỏi,…
Khai thác được giá trị vô hình của dừa để biến thành sản phẩm, chính là hình thức quảng bá cho cây dừa Việt Nam, văn hóa Việt Nam, lịch sử Việt Nam với bạn bè năm châu và hơn hết là để cho người Việt Nam hiểu được thêm một phần giá trị văn hóa dân tộc chưa được quan tâm nghiên cứu bảo tồn và phát triển. Và mọi người hiểu được thêm rằng, giá trị thực của một dân tộc chính là văn hóa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có thể dùng thẻ sau để:
- Post hình : [img] link hình [/img]
- Post video: [youtube] link youtube [/youtube]