Trang

Thứ Năm, 23 tháng 2, 2012

HƯỚNG ĐI NÀO CHO DU LỊCH PHÚ YÊN ( Phần hai)

KT rất xin lỗi vì post thiếu phần hai của Du lịch Phú Yên (xin mời ai quan tâm có thể đọc phần 1 ở mục tham luận) Cám ơn anh HN đã nhắc nhở.
ây là 1 tham luận, nhưng không được duyệt anh ạ)

DỪA PHÚ YÊN, TIỀM NĂNG VÀ THÁCH THỨC
Nhắc đến Phú Yên mà không nói đến dừa thì quả là 1 thiếu sót lớn. Vì thế, với Hiệp hội Dừa Việt Nam, câu chuyện về cây dừa Phú Yên là điều vô cùng hấp dẫn. Bởi Phú Yên là tỉnh lớn thứ hai có diện tích trồng dừa của khu vực miền Trung sau Bình Định. Ngoài ra, Phú Yên có những nghệ nhân đã từng lập nhiều kỷ lục về mỹ nghệ dừa và tạo ra những sản phẩm từ dừa đa dạng nhưng hết sức độc đáo. Rồi những món ăn đặc sản nổi tiếng về dừa của Phú Yên như: Chuột dừa, tôm hấp nước dừa, cháo dừa, bánh su sê, … Đây cũng chính là một trong những thành tố tạo nên nét đặc thù cho du lịch Phú Yên, nếu biết đầu tư khai thác. Và dừa dùng cho giải khát là thức uống không thể thiếu trong ngành du lịch. Hiệp hội Dừa Việt Nam đang xây dựng sản phẩm Du lịch Dừa, mô hình du lịch lịch sử văn hóa mang tính cộng đồng. Tại sao du lịch dừa lại mang tính lịch sử văn hóa cộng đồng? Bởi đã từ ngàn đời nay, đời sống văn hóa và tập tục của dân tộc Việt Nam đã gắn bó với cây dừa.
 Từ tục nhuộm răng đen của người Việt xưa cũng dùng than gáo dừa cho đến các loại bánh dân gian truyền thống như bánh đa, bánh đúc, cũng đều có dừa, lễ vật dâng lên tổ tiên ông bà vào những ngày lễ tết cũng có dừa như xôi chè, bánh gai, bánh cốm, bánh su sê. Cổng chào ngày cưới, ngày hội cũng từ dừa, rồi chiếc gáo múc nước từ thuở xa xưa mà nhà nhà đều có, ấy chính từ gáo dừa và chiếc chổi chà  như người phụ nữ Việt Nam lam lũ sớm hôm cũng từ dừa …Thiêng liêng hơn là vào thời khắc giao thừa tiễn đưa năm cũ, trái dừa tươi tượng trưng tấm lòng thanh bạch của loài người của con cháu dâng lên cho trời đất, tổ tiên… Ấy là chưa nói đến những câu ngạn ngữ mà ông cha ta truyền dạy cho cháu cháu hãy biết sống làm người qua câu: “Lành làm gáo, vỡ làm muôi”, rồi dừa trong thơ ca, hò vè, trong điện ảnh sân khấu, cảnh hứng dừa cũng đã 2 lần được đưa vào dòng tranh dân gian Đông Hồ.
Và hẳn trong chúng ta, ít tai nghĩ rằng cây dừa đã hóa giải được nộ cuồng của gió. Cấu tạo của lá dừa ở dạng thùy lông chim, vì thế trước bão giông, dừa không hề gãy đổ. Và sau khi bão tố đi qua rừng dừa, gió sẽ ít hung hãn hơn. Dừa cho ta bóng mát cùng bao kỷ niệm tuổi thơ trong lời ru của mẹ trên chiếc võng xơ dừa, những trò cút bắt, bắn bi,… Dừa còn cho ta những bài thuốc trị giun sán, giải cảm, nước dừa tơ đã thay huyết thanh truyền vào máu cho bao thương binh ngoài mặt trận. Và dây thừng dừa cũng là vật dụng không thể thiếu với những ngư dân giăng buồm ra khơi. Những cô gái muốn có mái tóc dài đen mượt cũng cần đến dầu dừa, và sau khi từ giã cuộc đời, ngọn đèn dầu dừa chính là biểu tượng của sự mong manh của đời người như là một triết lý sống. Dừa luôn bên ta như người mẹ hiền. dừa còn điểm tô cho quê hương nét đẹp của sự duyên dáng thướt tha,…Câu chuyện về dừa, nếu kế hết sẽ có biết bao điều trở thành huyền thoại. Đặc biệt hơn là sự góp sức của cây dừa trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ thật là to lớn.
Du lịch dừa, chính là đưa chúng ta về lại với cội nguồn dân tộc, cũng chính là cách ta tôn vinh sự cống hiến của dừa cho cuộc sống, đồng thời giới thiệu cho du khách hiểu được nét đẹp truyền thống trong tập quán của dân tộc ta. Ngoài ra, đến với du lịch dừa, du khách còn hiểu thêm được sự thông minh sáng tạo của nghệ nhân Việt Nam thông qua những sản phẩm độc đáo mà không phải nơi nào cũng có. Bên cạnh đó, ẩm thực từ dừa cũng là điều vô cùng hấp dẫn với du khách gần xa.
Và ấy chính là câu trả lời: Tại sao mô hình du lịch dừa lại là du lịch cộng đồng?
Bởi song hành cùng sự phát triển du lịch cộng đồng, ấy chính là khôi phục, bảo tồn để phát huy những tập quán tốt đẹp từ ngàn đời của tổ tiên ta. Để mọi người biết trân quý hơn giá trị nhân văn của tình nghĩa xóm làng, để tất cả mọi người đều có thể cùng tham gia chuỗi giá trị gia tăng dưới bóng dừa này, từ cụ già cho đến em nhỏ, ai cũng đều có thể là người dẫn chuyện, là hướng dẫn viên, là người bạn thân thiết của du khách.
Phú Yên có sẵn sàng cho Du lịch Dừa phát triển không?
Tiềm lực về dừa đã có, chỉ cần Phú Yên có dám đi đầu để thực hiện hay không mà thôi.
Câu trả lời này thuộc về chủ trương phát triển du lịch của tỉnh.
Chúng tôi, những người yêu dừa, đang tiếp tục tìm hiểu để tôn vinh những giá trị thực của dừa trong văn hóa Việt Nam, sẵn sàng đồng hành cùng Phú Yên kể chuyện về dừa để thu hút các nhà đầu tư và khách du lịch đến với Phú Yên nói riêng và các tỉnh có dừa nói chung, để mọi người cùng hiểu hơn về CÂY DỪA VIỆT NAM.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có thể dùng thẻ sau để:
- Post hình : [img] link hình [/img]
- Post video: [youtube] link youtube [/youtube]