Trang

Thứ Hai, 20 tháng 5, 2013

Du lịch Campuchia (2009)

HÀNH TRÌNH THĂM ĐẤT NƯỚC CHÙA THÁP - NGÀY THỨ MỘT


Công ty ba tổ chức đi du lịch sứ sở chùa tháp. Ba bèn đăng ký thêm cho 2 mẹ con đi cùng, sau khi bé Thanh Trúc kiểm tra giữa học kỳ.
Chiều 11.11 sau khi học xong, mẹ và bé tranh thủ sắp xếp đồ đạc và ra xe xuống Vũng Tàu để kịp 4g sáng (12.11) xuất hành. Gần 10g khuya xe mới tới Vũng Tàu, 2 mẹ con mệt nhoài. Sau khi nghỉ ngơi, khoảng 10g30, Ba chở 2 mẹ con đi ăn tối. Về tới nhà đã hơn 11g, bé và ba sắp xếp lại đồ đạc, còn mẹ thì đuối quá nên ngủ khò.
3g sáng 12.11, đồng hồ báo thức, 3g45 thì xe tới đón nhà mình ra công ty ba. 4g15 xe bắt đầu khởi hành. Sau khoảng 5 phút nghe phổ biến thời gian và chương trình tham quan đất nước chùa tháp, mẹ và bé lăn quay ra ngủ không biết trời đất là đâu. 
7g15 thì xe dừng lại ăn sáng ở Trảng Bàng để chuẩn bị cho cuộc hành trình tiếp theo khoảng 400km để tới Siêm Riệp, nơi có Angkor Wat hùng vĩ.
 
 Làm thủ tục xuất cảnh tại cửa khẩu Mộc Bài thiệt là lâu,vì hôm ấy là thứ năm, các đoàn từ Việt Nam sang tham quan Campuchia khá đông. Nhà mình tranh thủ trong thời gian chờ đợi ra ngoài chụp mấy kiểu ảnh

 

 
 Cột mốc biên giới Việt Nam - Campuchia. Ba và con đang rảo bước về phía cửa khẩu Bà Quách

Cũng tại cửa khẩu này hơn 40 năm trước, khi mới vào bộ đội, mẹ đã được 1 chú giao liên tên Đảo (giờ chú đã hi sinh) chở bằng xe đạp sang Cần giò. Tại Cần Giò, không hiểu sao mẹ lại gặp mẹ Hạnh (chị Hai của PT). Hai chị em mừng mừng tủi tủi, mẹ kể cho mẹ Hạnh nghe chuyện gia đình, rằng mọi người vẫn bình yên. Rồi kể chuyện năm ngoái (mậu thân 1968), quân giải phóng về đóng quân tại cầu chùa  Long Vân Tự (phía bên trong nhà mình) sau đó lính thủy quân lục chiến dùng nhà mình (trong khu ấy, chỉ nhà mình là có lầu cao nhất) để đặt súng bắn qua bên kia cầu, may là không chết ai, chỉ cháy mấy căn nhà sát bờ sông. Đợt đó, nhiều người lính thủy quân lục chiến thích mẹ Phú (chị kế PT), nên mỗi lần hành quân đi đâu đều viết thư về kể chuyện cho mẹ Phú nghe. Thế là có thêm những thông tin chính xác về tiểu đoàn thủy quân lục chiến nọ. Mẹ Hạnh nghe và cười chứ không nói gì thêm. 2 chị em gặp nhau khoảng 20ph thì mẹ Hạnh phải đi. Thêm 1 chặng đường xe đạp khoảng hơn nửa tiếng thì sang căn cứ của  tiểu đoàn quân báo A54 tại Bò Húc. Sáng hôm sau, lại thêm 1 bất ngờ, đó là lớp học quân y sỹ của mẹ Hạnh lại sát ngay cạnh đơn vị của mẹ. Thế là 2 chị em lại gặp nhau mỗi ngày, nếu mẹ Hạnh không đi thực tập trong bệnh viện. Những ngày ấy, mẹ còn trẻ con và vẫn hay uýnh lộn với chú Minh Sơn, mỗi khi chú trêu mẹ giận. Năm ấy chú Minh Sơn cũng vừa từ Saigon lên chiến khu, sau khi bị lộ. Cả đơn vị, ai cũng thương mẹ quá bé, quá hồn nhiên trong trẻo, nên mọi người đều vui theo những trò đùa của mẹ và chú Minh Sơn. Rồi những ngày tháng ngắn ngủi ấy cũng qua đi, khoảng 1 tháng sau, mẹ lên đường đi học lớp điện báo viên với những tín hiệu "tịch - tà" dài ngắn.
Sau khi làm thủ tục xuất nhập cảnh tại 2 cửa khẩu này, đoàn tiếp tục lên xe đi Xiêm Riệp.
 
Trên đường, cô hướng dẫn viên giới thiệu qua đất nước Camphuchia nghèo nàn lạc hậu với nền kinh tế nông ngiệp không phát triển, với mức thu nhập bình quân đầu người không tới 500 đô la Mỹ  1 năm. Quả thực, vào sâu trong đất nước Campuchia mới thấy rõ sự nghèo nàn ấy, bởi những đồng lúa ngát xanh xen lẫn những cây thốt nốt thưa thớt và những căn nhà sàn thưa thớt quạnh quẽ. Xoài riêng là 1 trong 4 tỉnh nghèo nhất Campuchia giáp ranh Việt Nam tại Tây Ninh. Hơn 15% dân Camphuchia mù chữ. Phụ nữ ít ai học tới đại học, vì tập quán của người dân Campuchia là phụ nữ chỉ ở nhà làm nội trợ, nên phần lớn không muốn học cao. Nghe giới thiệu sơ bộ về đất nước Campuchia khoảng 10 phút thì PT lại tiếp tục "phê".
Tới hơn 12 giờ, xe dừng lại tại ăn trưa tại 1 ngôi nhà mà công ty bạn đặt nấu, vì trên dọc tuyến đường không có hàng quán chi hết. Thức ăn thật tuyệt với món khô cá trèn chiên giòn, gà nướng, rau muống xào, canh chua các lóc, sườn cháy. Nói chung là ngon, vì tiêu chuẩn tới 7USD cho 1 bữa. Ở nhà với 7USD, mình sẽ có 1 bữa huy hoàng. Sở dĩ giá 1 bữa ăn cao như vậy, là do ở Campuchia, rau quả hầu như đều phải nhập từ Việt Nam hoặc Thailand, người dân Campuchia chủ yếu là trồng lúa với 1 mùa duy nhất, và phần lớn dựa vào thiên nhiên. Vì vậy cũng dễ hiểu, tại sao hằng năm cứ vào mùa nước nổi thì cá linh non từ Biển Hồ lại về. Phân bón hầu như chỉ sử dụng phân chuồng, nên cá tép ở Campuchia hầu như nguyên vẹn. Và cứ đầu mùa mưa, mùa cá đẻ thì chính phủ Campuchia cấm không cho khai thác cá, để bảo tồn tài nguyên thiên nhiên. Ôi giá mà ...
Ở Campuchia còn có đặc sản côn trùng, đó là thức ăn từ nhện và dế. Nhện thì khai thác quanh năm, bởi khi nông nhàn, người dân Campuchia ở Pra via đi đào nhện để ngâm rượu và chiên giòn để bán cho du khách, còn dế thì vào đầu mùa mưa và lai rai cho tới bây giờ vẫn còn.
Khi nghe tới món đặc sản này, các "bợm" nhà ta có vẻ hứng thú lắm.
Hỏi thăm về nhà vua Campuchia Norodom Sihamoni thì cả đòan ồ lên và gán ghép ngay cho 1 cô bạn chưa chồng cùng đoàn, bởi quốc vương Campuchia nay đã 56 tuổi rồi mà vẫn còn trai tân. Vua Campuchia do Hội đồng tôn vương bầu lên với 4 tiêu chuẩn:
1.      Không được tham gia chính trường;
2.      Gốc gác hoàng gia;
3.      Người Khmer;
4.      Phải có vợ;
Vì vua hiện tại do không có vợ, chỉ đạt được 3 tiêu chuẩn nên tuy làm vua, nhưng không được mặc long bào và đội vương miện.
          

GỌI DỪA DỪA SẼ HIỂU LÒNG TA

Thứ Tư, 1 tháng 5, 2013

HOÀNG HÔN SAIGON



HOÀNG HÔN SAIGON

Gần 60 mình mới có cảm giác yêu Saigon, bởi trong mình cứ mong ngóng về 1 chốn quê, nơi ấy là ký ức mà mẹ đã gieo vào mình qua những câu chuyện thuở ấu thơ. 
Gần 60 mình mới có cảm giác yêu Saigon, nơi mình được sinh ra. Bởi mình luôn thèm những điệu hát, câu hò của miền quê yên tĩnh.
Gần 60 mình mới có cảm giác yêu Saigon, bởi nơi đây các con mình được sinh ra và lớn lên.
Gần 60 mình mới thật sự yêu Saigon, vì mình không còn sống lâu hơn với nó.
Saigon ơi, chỉ giờ đây ta mới thấy mi đẹp khi ta được nhìn Saigon từ xa


NGÀY 30/04/1975


Hình ảnh: Sen giấy sản xuất tại làng Thanh Tiên Huế

Ngày 30/4 /1975, con đang thi học kỳ II. 
Sau khi nộp bài xong thì cả trường vỡ òa trong tiếng reo vui: chính quyền Saigon tuyên bố đầu hàng.
Điều đầu tiên con nghĩ là sẽ được về nhà. Về bên ba mẹ sau 6 năm đằng đẵng xa nhà.
Ngày ấy, đã quá đủ cho những đứa trẻ như chúng con phải rời xa tổ ấm. Thương cho các bạn mồ côi cha mẹ không biết sẽ về đâu. Lúc bấy giờ, nếu có đôi cánh, con sẽ bay ngay về cái xóm Long Vân Tự nhà mình để rúc vào lòng mẹ, để khóc cho vơi nỗi nhớ nhà. 
Chiến tranh đã cướp mất của con tuổi thơ, bắt đầu từ khi ba quyết định cho con sang Cabodia học 6 tháng. Ba đâu biết đã đem con mình vào chốn đạn bom. Chỉ đơn giản 1 điều ba nghĩ: cách mạng cần 1 điện báo viên cho đơn vị biệt động Saigon. Chỉ mẹ mới hiểu nỗi đau mất con từ tình mẫu tử, nên đã phải trốn con lúc sắp ra đi...
Ngày ấy, 1 cô bé 13 sống giữa Saigon đô hội nào hiểu được phía trước của mình là gì? Hồn nhiên chạy đi tìm mẹ để chào, thấy những giọt nước mắt tràn mi mẹ mà con nào có hiểu...
Mẹ ơi, sự hi sinh của mẹ thật là vĩ đại. May mắn thay sau 3 lần tiễn chúng con đi, mẹ đều đón lại đủ 3 đứa trở về, nhưng lại mất đi em con chỉ sau 20 ngày chấm dứt chiến tranh vì những kẻ cơ hội, xuẩn ngốc khi cầm trong tay khẩu súng để giữ trật tự công cộng. Mẹ đã đề nghị không truy tố nó, vì mẹ nói: chỉ 1 mình mẹ mất con là quá đủ.
Lòng mẹ bao la, không cần biết đến công lý mà chỉ sợ có thêm 1 người mẹ mất con...
Mẹ ơi, tấm lòng của mẹ, tính bao dung của mẹ chỉ chúng con mới hiểu, chỉ hàng xóm quanh nhà mình mới hiểu. Cái Tết cuối cùng trước khi đi xa, mẹ sai cô giúp việc dắt đi khắp xóm để thăm những gia đình nghèo, cho tiền họ ăn Tết. Mẹ ra cả xóm cũ nhà mình ngoài đường Bạch Đằng để thăm và cho tiền bác Tích, người hàng xóm già duy nhất còn lại của mẹ. 
Mọi người ra tiễn mẹ đi xa, từ bà bán tàu hũ, đến bà bán bánh canh, bác thợ hồ,... khóc kể về những lúc ốm đau chỉ cần vài viên thuốc mẹ cho là khỏi bệnh. Họ đâu biết bên trong những viên thuốc ấy là 1 tình thương bao la mẹ đã dành cho họ. 
Mẹ là tấm gương trong suốt để chúng con soi lại mình... 


NGÀY QUỐC TẾ LAO ĐỘNG




1/5 là ngày Quốc tế lao động.
Vậy mà nhân dân lao động toàn thế giới vẫn cứ đầu tắt mặt tối. Lại còn mất cả việc làm trong thời buổi suy thoái.
Với các ông chủ thì nhiều ông lâm cảnh nợ nần, lắm ông phá sản, một số ông thừa nước đục thả câu,...
Ông ấm nhất là cái ông quản lý nhà nước. Càng suy thoái, các ông càng nhiều đặc quyền...