Tại Hà Nội ngày nay, ở
chùa Liên Phái, trong nhà Tổ bên cạnh các tượng Phật còn có tượng Nguyễn Đăng
Giai, một danh thần triều Nguyễn quê ở làng Phù Chánh, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng
Bình. Xuất thân từ gia đình quí tộc, Ông là con trai Hiệp biện đại học sĩ Nguyễn
Đăng Tuân, là bố của tiến sỹ Nguyễn Đăng Hoành. Năm 1825, dưới thời Minh Mạng,
năm Minh Mạng thứ nhất, Nguyễn Đăng Giai đỗ cử nhân, rồi làm quan, từng giữ chức
Tổng đốc Hà Ninh (Hà Nội – Bắc Ninh), Thượng thư bộ Hình, Kinh lược sứ Bắc Kỳ…
Ông làm quan dưới 3 đời vua: Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức, được vua Thiệu Trị
và vua Tự Đức hết lời khen ngợi vì ở chức vụ nào, ông cũng hoàn thành sứ mạng
một cách vẻ vang.
Dưới triều Minh Mạng, Nguyễn Đăng
Giai được bổ vào làm ở Hàn lâm viện, rồi thăng Lang trung bộ Hộ, làm Tham hiệp
trấn Nam Định, làm Hộ lý quan phòng cửa Tuần Phủ, Thanh Hóa. Với tài điều binh
khiển tướng, nhiều mưu lược và vì an nguy xã hết lòng tắc, Đăng Giai được điều
động đi khắp nơi từ Nam ra Bắc để bình định phiến loạn và chăm sóc đời sống dân
lành.
Dưới triều Thiệu Trị, năm đầu
Thiệu Trị (1841), Nguyễn Đăng Giai làm Tổng đốc Ninh Thái (tức Bắc Ninh
và Thái Nguyên). Với tài thao lược, 3 năm sau ông làm Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên
(Sơn Tây, Hưng Hóa, Tuyên Quang), rồi làm Tổng đốc Hà Ninh (Hà Nội và Ninh
Bình).
Dưới triều Tự Đức, năm Tự Đức thứ
nhất (1848), Nguyễn Đăng Giai làm thự Hiệp biện đại học sĩ, sau đó thì làm
Thượng thư bộ Hình kiêm sung Quốc sử quán Tổng tài. Ông dâng sớ điều trần 10
khoản về việc hình, 13 khoản về các việc đúc tiền, tuyển lính, khẩn hoang, vỗ
yên dân...Tất cả đều được nhà vua nghe theo.
Khi ấy, vì mới lên ngôi, nhà vua
muốn sai sứ sang nhà Thanh cầu phong. Nguyễn Đăng Giai liền dâng sớ can ngăn,
đồng thời đề xuất ý kiến là nên mời sứ thần nhà Thanh sang làm lễ bang giao tại
kinh đô Huế, vừa giữ được lễ, vừa ít tốn kém. Sách Đại Nam chính biên liệt
truyện chép:
...Vua cho lời nói (của ông) là
phải, sai phát quốc thư đệ đạt đi. Đến khi sứ nước Thanh là Lao Sùng Quang đến
Kinh, làm lễ bang giao, tình ý thỏa hợp, Vua cho Đăng Giai (là người) đầu tiên
kiến nghị ra, giữ được quốc thể lắm, thưởng (cho ông) một đồng kim tiền có chữ
“Long vân khế hội” và ba tấm nhiễu màu.
Tuy được nhà vua khen và tin cậy,
nhưng Nguyễn Đăng Giai không được lòng các quan đồng triều. Cho nên khi khuyết
chức Tổng đốc Nghệ An, nhiều người đã đồng đề cử ông đi, buộc ông phải dâng sớ
xin từ chối. Mùa xuân năm Canh Tuất (1850), vùng Hữu Kỳ (gồm Thanh Hóa, Nghệ An,
Hà Tĩnh) mất mùa, nhà vua bèn chọn Nguyễn Đăng Giai làm Hữu Kỳ Kinh lược đại sứ
lĩnh chức Tổng đốc An Tĩnh (Nghệ An và Hà Tĩnh), kiêm coi đạo Thanh Hóa. Đến
nơi, ông gửi sớ về xin vua cho sắp đặt lại nhiều việc, trong đó có việc cho bãi
lệnh cấm bán gạo, hoãn thu thuế, tha cho các khoản thiếu, mở các cửa quan và
đình đặt đồn để cho dân tự do đi lại giao thương...Lời tâu của ông lại được vua
khen, và sai đình thần chọn lấy để thi hành.
Mùa đông năm ấy, ông lại tâu xin
truy phong các bề tôi tiết nghĩa ở cuối đời Hậu Lê, lại được vua nghe theo. Xét
công, nhà vua thưởng cho ông một cái bài đeo bằng ngọc tốt chạm khắc hoa mai,
một đồng tiền hạng lớn có chữ "Vạn thế vĩnh lại".
Năm Tân Hợi (1851), tàn dư của các
cuộc nổi dậy chống Thanh nhưng đã biến chất, từ Quảng Tây (Trung Quốc) xiêu dạt
tới cướp phá đất Cao Bằng. Nhà vua liền đổi Nguyễn Đăng Giai đi làm Tổng đốc Hà
Ninh (Hà Nội và Ninh Bình) kiêm sung Kinh lược các tỉnh là: Ninh Thái (Bắc Ninh
và Thái Nguyên) và Lạng Bằng (Lạng Sơn và Cao Bằng).
Sau khi đi xem xét các nơi, ông
dâng sớ lên vua trình bày 5 điều về sự trù tính công việc ở biên giới. Được nhà
vua chấp thuận, ông liền lệnh cho các tỉnh chọn lính (tuyển thổ binh, tuyển cả
phạm nhân tội lưu), bãi chức lưu quan, đặt lại thổ quan...để cho cương giới được
bền vững. Tiếp theo, ông gửi thư cho Tuần phủ Quảng Tây để nhờ yễm trợ, rồi đốc
quân đến Lạng Sơn, đánh bắt được ba viên chỉ huy của đội quân xiêu dạt trên là
Trần Trường, Hoàng Ngọc Quang, Đặc Kim Long. Hoảng sợ, Lý Văn Xương, thủ lĩnh
quân Tam Đường (Lai Châu) bèn cử người đến xin hàng.
Năm 1854, khi là Kinh lược sứ Bắc
Kỳ, giặc Tống sang quấy nhiễu, cướp bóc ở Cao Bằng, ông chỉ huy quân sĩ đánh
dẹp. Đang ở trận địa, ông bị bệnh phải về Hà Nội điều trị, rồi mất vào mùa thu
năm ấy.Nguyễn Đăng Giai lâm bệnh nặng rồi chết tại Hà Nội. Thương tiếc, vua Tự
Đức sai truy tặng ông hàm Thiếu bảo, ban tên thụy là Văn Ý. Năm Mậu Ngọ (1858),
nhà vua cho thờ ông trong đền Hiền Lương tại Huế.
Không như thần thoại Hy Lạp, không
như các dạng tôn giáo, tín ngưỡng khác, danh thần Việt Nam là người thực, là
những nhân vật lịch sử có công lớn với dân tộc trong chiến đấu bảo vệ và mở rộng
biên cương bờ cõi, chăm lo đời sống nhân dân, được sử sách lưu danh, được nhân
dân thờ cúng ghi ơn. Truyền thống uống nước nhớ nguồn được lưu truyền từ đời này
sang đời khác cũng là một dạng tín ngưỡng dân gian, được gọi là tục thờ cúng ông
bà không phải quốc gia nào cũng có. Đây là một nét văn hóa, một tập quán đẹp,
rất đáng trân trọng, cần được bảo tồn và phát huy. Và đây cũng là một dạng thức
của tâm linh, cũng rất dễ bị thần thánh hóa dẫn đến tình trạng mê tín dị đoan
của những kẻ trục lợi từ thánh thần bằng những chiêu trò lừa mị.
Với bề dày lịch sử, chống giặc
ngoại xâm, mở mang bờ cõi, Quảng Bình là vùng đất có nhiều danh thần nhất Việt
Nam. Đây chính là niềm tự hào của người dân Quảng Bình. Dưới góc nhìn về lịch
sử, văn hóa, Danh thần là khối tài sản mà Quảng Bình được sở hữu mà không phải ở
đâu cũng có.
Khí hậu khắc nghiệt
tạo nên những hoang mạc bỏng cát đầy nắng gió; núi non hiểm trở, với nhiều hang
động nổi tiếng thế giới, cùng nhiều tộc người thiểu số vẫn còn giữ được nét
hoang sơ trong đời sống cộng đồng cùng những tập tục mang bản sắc văn hóa huyền
bí của núi rừng chính là lợi thế phát triển du lịch của Quảng Bình.
Những
điều trên đã tạo nên sự khác biệt và sẽ tạo nên những sản phẩm độc đáo cho ngành
Công nghiệp không khói Quảng Bình. Có được tầm nhìn chiến lược và định hướng
phát triển tốt, Quảng Bình sẽ là nơi cực kỳ hấp dẫn với khách du
lịch./.