Trang

Thứ Tư, 8 tháng 8, 2012

DANH THẦN QUẢNG BÌNH


Và đây là "món" thứ 2 KT đem đến hội thảo. Cũng chỉ mang tính lược kê, nhưng ở 1 góc nhìn khác về DANH NHÂN QUẢNG BÌNH, đó là góc nhìn tâm linh.
Mời các bạn thưởng thức tiếp!

DANH THẦN QUẢNG BÌNH
 Không chỉ là nơi giao thoa của các nền văn hóa cổ đại Hòa Bình, Đông Sơn và Sa Huỳnh, Quảng Bình còn là nơi có nhiều danh nhân võ tướng được phong thần nhất Việt Nam. Không nói đến những di chỉ khảo cổ về các nền văn hóa được khai quật, mà căn cứ vào những điều sử sách đã ghi, từ ngàn đời nay Quảng Bình luôn là mảnh đất thuộc tuyến đầu tổ quốc, nơi diễn ra nhiều trận chiến ác liệt để giữ yên bờ cõi. Vì thế danh nhân Quảng Bình phần lớn đều xuất thân từ võ tướng, họ có công gìn giữ và mở mang bờ cõi. Với những công lao to lớn của mình, nhiều người trong họ được phong thần có những vị đã trở thành thần thành hoàng ở những nơi họ lập ấp chiêu dân. Ngoài ra, tên tuổi của họ cũng đã gắn liền với những di tích lịch sử văn hóa của Quảng Bình cũng như cả nước.
Vị thành hoàng của cả một vùng rộng lớn của huyện Lệ Thủy ngày nay là Quận công Hoàng Hối Khanh (1362 - 1407). Nguyên quán của ông ở xã Bái Trại, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá, đỗ khoa thi Thái học sinh (Tiến sĩ) năm Giáp Tý, niên hiệu Xương Phù 8 (1384) đời vua Trần Phế Đế.
Hoàng Hối Khanh là một danh tướng, một con người tài hoa nhân đức và hết sức đặc biệt của lịch sử dân tộc những năm cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV. Từ khi ra làm quan (1384) đến khi tuẫn tiết (1407), trên 23 năm làm quan dưới hai vương triều, trong đó có 16 năm dưới triều Trần Mạt và 7 năm ở vương triều Nhà Hồ, ông đã có những đóng góp rất lớn trên các lĩnh vực chính trị, quân sự, ngoại giao và kinh tế. Điểm nổi bật trong cuộc đời làm quan của Hoàng Hối Khanh là luôn thanh liêm, chính trực, yêu thương nhân dân và được nhân dân vô cùng yêu mến. Ông thường xuyên đi xuống địa phương kiểm tra tình hình, răn dạy quan lại phải lấy lòng dân làm gốc, thông cảm với đời sống đói khổ của nhân dân, nghiêm trị bọn quan lại sách nhiễu dân lành, phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân. Ông dùng chính sách khuyến nông, khuyến khích mọi ngươi cùng làm cùng hưởng, tích trữ quân lương để đề phòng khi có chiến tranh. Ông thường xuyên chăm lo tập luyện quân lính trong toàn dân, để khi có chiến tranh tất cả sẽ là chiến sỹ. Bằng những chính sách này ông đã biến tất cả mọi người thành người lính trung thành, sẵn sàng bảo vệ tổ quốc.
Hoàng Hối Khanh đã tham gia giữ nhiều chức vụ quan trọng trong triều, nên hiểu rất rõ điểm mạnh điểm yếu của bộ máy Nhà nước. Ông cũng rất am hiểu tình hình xã hội, đời sống nhân dân suốt từ Bắc vào Nam, do từng làm việc ở rất nhiều địa phương trong cả nước. Khi làm An Phủ sứ Lộ Tam Đái, Hoàng Hối Khanh cho mở xưởng rèn đúc vũ khí, tuyển các thợ giỏi vào các công xưởng quân sự, chỉ huy đắp thành Đa Bang và đóng cọc ở sông Bạch Hạc để án ngữ quân Minh từ Tuyên Quang tiến sang. Thành Đa Bang hợp với hệ thống công trình thành luỹ dài gần 400km, kéo dài từ núi Tản Viên, men theo sông Đà, sông Hồng, sông Luộc đến sông Thái Bình làm thành hệ thống phòng thủ quy mô lớn. Khi xây dựng thành Đa Bang, Hoàng Hối Khanh đã kế thừa những kinh nghiệm xây dựng các hệ thống phòng thủ của tổ tiên. Có thể nói đối với lịch sử quân sự, đây là một công trình phòng thủ có quy mô lớn nhất, trên một bình diện rộng, đồ sộ gấp nhiều lần phòng tuyến Như Nguyệt thời Lý chống Tống. Với công trình phòng thủ này ông đã lưu tên mình vào danh sách những nhà quân sự tài ba của dân tộc. Ngoài tài năng chính trị, quân sự, ngoại giao, Hoàng Hối Khanh còn là nhà cải cách kinh tế táo bạo như bỏ phép đánh thuế ruộng đất và dân đinh, tăng cường dự trữ ngân khố quốc gia… Những chính sách tiến bộ này đã cứu vãn được một cuộc suy thoái tài chính trầm trọng do nhà Trần để lại.
Vị thành hoàng thứ hai làTrần Bang Cẩn (1314-1357). Trần Bang Cẩn là Thượng thư Đại Hành Khiển thuộc dòng tộc nhà Trần. Dưới thời vua Trần Minh Tông là người nhiều lần đánh thắng và dẹp yên quân Chiêm Thành, có công trấn giữ mảnh đất phía Nam của Đại Việt, chiêu dân lập ấp, xây dựng vùng đất mới, hướng dẫn khai phá đất đai, lập ra hai xứ Đông, Đoài của xã Quảng Lộc và một phần xã Quảng Hòa bây giờ. Với những đóng góp cực kỳ to lớn, được đánh giá là công thần đối với đất nước quê hương, phúc thần với nhân dân, Ông được phong các tước vị như: Bản thổ bình Lồi (dẹp giặc Chiêm Thành). Gia vương Trần Hành Khiển tăng Vĩnh Lộc Thành hoàng. Gia tăng Chính trực Hữu thiện Đôn ngưng.
Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, quyển II, kỷ nhà Trần, Ngô Sĩ Liên chép: ''Trần Bang Cẩn là vị Đại Hành Khiển thượng thư tả bộc xạ, là người tin thực, giữ gìn, giản dị, điềm tĩnh, không xa hoa”. Ngài khi còn sống được vua Trần ban cho bức tượng vẽ và bài thơ ca ngợi như sau:

“Dạng hình cốt cách nại đông hàn,
Tướng mạo đình đình diệc khả khan,
Phong lưu nhất đoạn hồn miêu tận,
Tâm lý nan miêu cánh cánh đan”.
Dịch thơ:
Dạng hình cốt cách tựa cây thông
Tướng mạo nghiêm trang cũng đáng trông
Mọi vẻ phong lưu tô được hết
Khôn tô choi chói tấm son lòng
Thành hoàng Trần Bang Cẩn không có hậu duệ, nhưng được dân làng hết lòng tôn kính, sự tôn kính đó được biểu hiện ở hai câu đối trong điện:
“Khai thác hình huân tồn giả sử
Công hoàng long cảo điệp triều ân”.
(Công ngài khai thác còn ghi nhớ
Ơn triều đình mãi mãi còn ghi).
Thành hoàng Trần Bang Cẩn là người có công đối với đất nước, quê hương; vì thế, qua các triều đại phong kiến đều được phong sắc và phong sắc nhiều lần. Hàng năm vào ngày giỗ Ông, tại làng Vĩnh Lộc, xã Quảng Lộc, huyện Quảng Trạch tổ chức lễ hội cúng Ông tại điện thờ. Đặc biệt, bên cạnh việc cúng tế, rước sắc, dân làng còn diễn lại sự tích lịch sử của Ông, để cho con cháu hiểu được công lao của tổ tiên. Theo đó còn có nhiều trò vui chơi giải trí và hát xướng. Việc thờ cúng này diễn ra rất lâu đời và vẫn bảo lưu cho đến ngày nay. Đây là một dạng tín ngưỡng khá đặc biệt mang nhiều yếu tố dân giã và cũng là môi trường tốt góp phần làm cho những xu hướng nghệ thuật dân gian nảy nở và phát triển, làm đậm đà bản sắc văn hóa địa phương. Điện thờ của ông còn là điểm tham qua du lịch văn hóa tín ngưỡng dân gian của Quảng Trạch nói riêng và Quảng Bình nói chung.
(Còn nữa đó nghe )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có thể dùng thẻ sau để:
- Post hình : [img] link hình [/img]
- Post video: [youtube] link youtube [/youtube]