Trang

Thứ Năm, 23 tháng 8, 2012

MẸ ƠI!



                                                                                          MẸ ƠI...!
                                                        Saigon 22/8/2010 - 5:00 AM
Bài được chuyển từ Mulitifly sau khi được biết bên nớ sắp cáo chung


  Mẹ cùng 2 trai, 3 rể Tết 2010
“Mỗi mùa xuân sang, mẹ tôi già thêm một tuổi. Mỗi mùa xuân sang, ngày tôi xa mẹ càng gần” …
Cứ mỗi lần nghe những ca từ này, con lại tự trách mình nhiều hơn và thấy lỗi với mẹ ngày càng dày hơn.
Lỗi của con là ít về thăm mẹ, bởi nhiều sự, nhưng cái sự lớn nhất ấy chính là sự lười biếng. Bởi sau 1 ngày mải mê với công việc, con lại tất tả về với tổ ấm của mình để được ngả lưng thư giãn. Áp lực công việc khiến con ít dành thời gian cho mẹ. Những hôm nào làm việc ở nhà thì thậm chí con cũng quên cả ăn cơm. Mải miết trên mạng tìm tư liệu để đọc, để viết, để gom nhặt kiến thức, hoặc đôi khi thăm thú bạn bè đến khi mệt quá thì trời cũng đã khuya rồi.
Cứ hẹn lần, hẹn lửa, đôi khi cả 10 ngày con không về thăm mẹ.
Chiều nay chủ nhật, trời mưa, nhưng con sẽ về thăm mẹ.
Mẹ lại sẽ hỏi khi nghe thấy tiếng con:
-           Đứa nào đó? Thanh hả con?
-           Dạ.
Và con lại xà vào hôn lên đôi mắt chỉ còn phân biết sáng tối của mẹ.
Đã hơn 20 năm rồi, sau hơn 10 lần giải phẫu, ghép giác mạc, lại giải phẫu, nhưng rồi y học phải chịu thua vì không thể nào cứu nổi.
Con còn nhớ lần mẹ mổ mắt đầu tiên vào năm 1968. Sau những ngày Tết đau đớn lăn lộn, ba cùng con đưa mẹ vào phòng mạch của Thạc sỹ Cát tại đường Bà Huyện Thanh Quan để khám. Con ở lại để chuẩn bị cho ca mổ của mẹ. Ba về nhà chuẩn bị mọi thứ.
Ngày ấy, một cô bé 12 tuổi vẫn còn mải chơi nào biết chi đến tai họa sắp giáng xuống gia đình mình. Sáng hôm sau, rất hồn nhiên, con đưa mẹ vào phòng mổ và ra ngoài ngồi chờ. Chờ mãi, không biết bao lâu nữa, con thấy số ruột, thế là lững thững ra ngoài phố tìm nhặt me rụng. Có trái me nào đâu vào những ngày sau Tết. Lầm lũi 1 lúc, con quay về phòng mổ. Lại ngồi chờ, ngồi chờ… Và rồi y tá cũng đã gọi con. Cùng y tá đưa mẹ về phòng, con nào biết việc gì đã xảy ra. 3 hôm sau mắt mẹ cắt băng. Chỉ thấy mẹ thầm thì với ba con điều gì đó, làm ba lặng người đi. Sau đó con được biết, lần mổ mắt ấy của mẹ bị thất bại, và có thể mẹ sẽ bị mù vĩnh viễn.
Mắt mẹ đã ổn, nhưng mẹ phải đeo thêm kính…
Rồi con đi bộ đội.
Sáu năm, sau ngày giải phóng, con từ miền Bắc trở về, thị lực của mẹ giảm đáng kể sau những đòn tra tấn của cảnh sát và khóc thương các em trong những ngày không có mẹ cha.
Năm 1972, ở tù ra, mắt mẹ đã hoàn toàn không thấy gì nữa. Bà con chòm xóm và khách hàng nghe tin mẹ về đã lần lượt đến thăm và thanh toán nợ nần để mẹ có tiền đi mổ mắt. Phải qua 4 lần phẫu thuật mắt mẹ mới bắt đầu trông thấy. Và mẹ lại tiếp tục chích thuốc, chữa bệnh cho bà con chòm xóm nhưng mắt mẹ luôn phải đeo kính và bên mẹ luôn phải có loại thuốc đặc trị dành cho mắt nhỏ mỗi ngày. Đầu mẹ luôn đau nhức bởi nhãn áp luôn tăng.
Năm 1986, ba mẹ cùng nhau ra Bắc để đăng ký ghép giác mạc cho mẹ. Sau gần 4 tháng chờ đợi và may mắn thay, mẹ trở về với đôi mắt đã có được ánh sáng. Nhưng rồi cứ ngày 1 tối dần đi, mẹ lại tiếp tục thêm những lần mổ mắt bởi những chuyên gia về mắt hàng đầu thế giới đến Việt Nam, cho đến lần cuối cùng là năm 1990. Mẹ lại tiếp tục chờ ca phẫu thuật mới từ 1 đoàn bác sỹ từ Mỹ. Họ khám mắt cho mẹ xong và hết sức ngạc nhiên vì sao mắt mẹ với từng ấy năm mà vẫn còn trong suốt, chỉ tiếc, gai thị đã teo mất rồi. Họ đâu biết mẹ đã liên tục trải qua hơn chục cuộc phẫu thuật hòng lấy lại ánh sáng cho đôi mắt với đau đớn hằng ngày do nhãn áp liên tục tăng.
Họ từ chối mổ, bởi không thể giúp gì được cho mẹ.
Và từa đó tới nay, mắt mẹ mờ dần cho đến nay, chỉ còn sáng tối mà thôi.
Ngày ba con mất, mẹ đã cố nuốt nước mắt vào trong để các con yên tâm lo cho ba. Mọi việc xong xuôi, mẹ gọi các con lại bảo: Ba đã mất rồi, nay chỉ còn có mẹ, mẹ phải cố sống để các con còn có chỗ đi về. Lời mẹ nhẹ nhàng đơn giản chỉ có thế, nhưng chúng con hiểu, từ trong tận sâu thẳm, với mẹ, ấy chính là mệnh lệnh của trái tim. Bởi tuổi kề 80 với căn bệnh tim mạch và tiểu đường, mẹ phải ngày đêm chống chọi.
Mẹ đã hằng ngày tập thể dục, đi lại hàng trăm vòng trong nhà, tập Dịch chân kinh để giảm đau nhức và tăng cường sức khỏe để chống chọi với bệnh tật. Mẹ không bỏ 1 cữ thuốc nào, mẹ cố ăn kiêng, mẹ không bỏ 1 buối tập thể dục nào và cũng không hề trách cứ khi các con muộn về thăm.
Bạn của mẹ nhiều bác bị tiểu đường sau mẹ đã lần lượt ra đi, bởi họ không bền bỉ như mẹ, bởi họ không sợ rằng: Nếu mẹ mất đi, các con sẽ không còn chỗ đi về.
Mẹ ơi, chiều nay con sẽ về thăm mẹ. Nhất định là thế!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có thể dùng thẻ sau để:
- Post hình : [img] link hình [/img]
- Post video: [youtube] link youtube [/youtube]