Trang

Thứ Tư, 15 tháng 8, 2012

DANH THẦN QUẢNG BÌNH (TT)


Cũng huyện Lệ Thủy, còn có Khâm sai tuần hành ngũ phủ Thỏa Lộc hầu Đặng Đại Độ. Ông là vị danh thần dưới thời chúa Nguyễn Phúc Khoát, quê ở làng Cư Triền - huyện Đăng Phong - phủ Quảng Bình, nay là làng Quảng Cư - huyện Lệ Thủy - tỉnh Quảng Bình.
Đặng Đại Độ nổi tiếng thông minh từ thuở nhỏ. Là người văn võ song toàn, Ông lại rất mực khiêm nhường, chăm chỉ học hành nên rất uyên thâm. Ông đỗ khoá thi Hương Tiến - học vị cao nhất xứ Đàng Trong bấy giờ - lúc còn rất trẻ, được bổ vào Văn Chức viện. Năm 1761, người Man (Chăm) dựa vào núi Thạch Bích cheo leo đầy lam sơn chướng khí để để chống lại triều đình. Đây cũng là đội quân có tổ chức, thiện chiến với lối đánh du kích thoắt, ẩn thoắt hiện làm quan quân vô cùng khiếp sợ. Chúa phong cho Ký lục dinh Bình Khang Đặng Đại Độ (được bổ quan năm 1748) làm tướng cầm quân đánh dẹp. Sau khi xem xét cẩn thận, nhận thấy họ chống lại triều đình do sự hà khắc, tham ô, nhũng nhiễu của quan lại địa phương nên ông lệnh cho quân sĩ không được lạm sát rồi bất ngờ đem quân chiếm lấy sào huyệt của họ. Quân Man choáng váng, khắp nơi bỏ chạy tan tác. Ông đóng quân ở lại rồi tiến hành chấn chỉnh quan lại địa phương và phủ dụ người Man. Chẳng bao lâu, họ kéo nhau ra hàng. Chúa khen ngợi, bổ làm Ký lục dinh Quảng Nam. Thời gian sau, lại bổ làm Ký lục dinh Trấn Biên - một trung tâm văn hoá, giáo dục, thương mại của chúa Nguyễn ở phía Nam. Giống như Hoàng Hối Khanh, Đặng Đại Độ làm quan nổi tiếng công minh, chính trực. Ở những nơi ông làm việc, quan tham và cường hào ác bá không chốn dung thân. Nhờ có tài điều tra nên ông tìm ra thủ phạm của nhiều vụ án phức tạp, đưa ra xét xử nghiêm minh theo phép nước, hợp lòng dân. Nhân dân tôn kính, ngợi ca:
Danh chính trực rạng ngời quan Ký lục
Đuốc công minh sáng rọi chốn quan đường
                                                                       (Dũng khí Đặng Đại Độ, Đinh Bằng Phi)
Ông là tấm gương sáng ngời về đức tính thanh liêm, luôn giữ cho nhân cách được vẹn toàn, không lợi dụng địa vị để chiếm công vi tư. Nhiều câu chuyện về ông được nhân dân ngưỡng mộ lưu truyền và đi vào sử sách. Nổi tiếng nhất là sử trạng được . Quốc sử quán triều Nguyễn Đại Nam nhất thống chí ngợi khen là người “nổi tiếng về học hạnh”, Quốc sử quán triều Nguyễn Đại Nam liệt truyện ghi lại, nội dung như sau:
Vào lúc Đặng Đại Độ làm Ký lục dinh Trấn Biên, có hai viên quan cai đội hầu cận chúa từ Phú Xuân đến Biên Hòa tìm ca nhi để đưa về kinh đô biểu diễn cho chúa xem. Chúng cậy thế là người tâm phúc của chúa nên hống hách, làm nhiều điều trái phép. Đặng Đại Độ tiến hành điều tra rồi thăng đường xử án. Với chứng cứ rành rành, chúng phải cúi đầu nhận tội. Yêu dân phải lấy việc trừ cái ác làm đầu nên ông đã ra lệnh giết rồi “bêu lũ tanh hôi hại dân giữa chợ” (Văn bia Biên Hòa – Đồng Nai 300 năm, Huỳnh Ngọc Trảng). Biết mình đã xử trọng án vượt quyền thiên tử nên ông tự mặc áo đơn, đeo gông ngắn, đi bộ về kinh xin nhận tội. Người con đi theo, thấy cha dãi nắng dầm sương muốn thuê võng cáng nên nói:
- Chừng nào về đến kinh đô sẽ hay, còn bây giờ cha nên lên võng mà đi.
Ông nói:
- Lại có hạng tội nhân mong được nhàn hạ ư ?
Đi ròng rã hơn một tháng trời mới về đến kinh đô Phú Xuân với thân phận tội nhân. Ông đến Bộ Hình trình bày sự việc rồi xin vào ngục đợi tội. Bộ Hình đem việc tâu lên, chúa xem xét xong cho mời vào ra mắt. Thấy mặc áo tội nhân, chúa cấp cho triều phục. Ông xin chịu tội, chúa ủy lạo, dụ rằng:
- Khanh có tội gì, mà tự lao khổ thế ? Trước kia ta sai đi chọn một vài con hát để tiêu khiển lúc rỗi, không ngờ lũ tiểu nhân đi ra, cậy thế ức hiếp người ! Khanh giết đi là phải. Có tội gì đâu. Vậy bỏ qua việc ấy đi.
Lập tức, chúa phong Đặng Đại Độ làm Khâm sai tuần hành ngũ phủ - Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Phú Yên, Bình Khang, Bình Thuận - kiêm Tuần phủ Gia Định, được quyền “bãi hay thăng chức các quan lại” ở sáu phủ này. Lúc này, Đàng Trong kéo dài từ Quảng Bình đến Cà Mau, chia làm 12 dinh và một trấn. Mỗi dinh quản lý một phủ (riêng dinh Quảng Nam quản ba phủ). Điều đó cho ta thấy niềm tin của chúa Nguyễn đối với ông lớn biết chừng nào.
Uy danh lừng lẫy nhưng Đặng Đại Độ vẫn rất mực khiêm nhường, hết lòng tận tụy vì dân, vì nước, đến nỗi gục lên bàn làm việc mà chết. Hai con đưa ông về quê nhà, dọc đường quan lại và nhân dân bày hương án đón, bái biệt vị quan đáng kính. Chúa Nguyễn Phúc Khoát tiếc thương, ban thụy Trung Cần và cho dựng bia ca ngợi công đức (lăng mộ ông đã được di dời về khu lăng mộ cổ của dòng họ).
Xưa nay vẫn có không ít những vị quan dũng cảm, dám vì công lý mà to gan đụng độ với các đấng quan trên, nhưng nghiêm với chính mình và tự xử chính mình như Đặng Đại Độ, quả thật là rất hiếm. Cuộc đời của ông đã vĩnh viễn khép lại từ lâu, nhưng khí khái của ông thì vĩnh tồn với đất Biên Hòa - Gia Định, với tất cả những ai khao khát quốc thái dân an”.
(Vẫn còn ạ )

Thứ Hai, 13 tháng 8, 2012

DANH THẦN QUẢNG BÌNH (TT)


Vị thứ ba, tuy không là thành hoàng, nhưng được coi là ông tổ vùng Lý - Nhân – Nam, đó là  Dực Bảo Trung Hưng Tôn Thần - Hồ Cưỡng. Hồ Cưỡng sinh vào khoảng niên hiệu Đại Trị (1358 - 1369), đời Trần Dụ Tông. Ông đã từng làm Giám Quân Tả Thánh Dực và Đại Trị châu lộ Diễn Châu. Cuối thế kỷ XIV, Hồ Cưỡng được Lê Quý Ly (Hồ Quý Ly) lúc bấy giờ với tước Đại Vương phong làm Chánh đội trưởng chỉ huy một đạo quân trên 2.400 quân vào đánh Chiêm Thành. Ông là vị tướng tài, đánh giặc nhiều nơi, thắng nhiều trận giòn giã ở cửa sông Nhật Lệ, Bàu Tró, Phú Hội... Nơi đây, Ông đã chiêu dân lập ấp, khai khẩn đất đai và đã trở thành ông tổ họ Hồ khai canh vùng Lý - Nhân – Nam. Do lấy thêm một người vợ lẻ và sinh con, nên dòng họ Hồ ở Nhân Trạch từ đó được sinh sôi đông đúc. Ông đã được vua Khải Định phong sắc là “Dực Bảo Trung Hưng Tôn Thần” (Khải Định năm thứ 9 ngày 25 tháng 7, tức năm 1924). Sau khi sắc phong nhà Vua cho xây thành, cổng, lăng mộ (lăng mộ của ông ở đầu làng Nhân Trạch cách huyện lộ Bố Trạch chừng 3 km) và đề tặng bốn câu thơ trước bình phong lăng mộ ở Quảng Bình:
’’Ngũ giới nam dương quý khí ngọc cửa thần
Thiên văn uy lệ quý hiền dâng chi mục
Huyết hoàng quy thủy quý thiết ví lâm vi
Nhật nguyệt như oai quý nhân trường thủy địa’’
Trong miếu thờ ở khuôn viên mộ họ Hồ còn có câu: “Thần Hiền khai khẩn Lý - Nhân – Nam”.
Danh thần Đào Duy Từ (1572 - 1634), được chúa Nguyễn truy phong công thần, đặc tiến Kim tử vinh lộc đại phu. Do có công lớn giúp chúa Nguyễn xây dựng cơ nghiệp ở Đàng Trong. Ông là nhà quân sự và nhà văn hoá đại tài thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên. Năm Canh Ngọ 1630, ông chủ xướng việc thiết kế và chỉ đạo xây dựng hai công trình phòng thủ quan trọng là Lũy Trường Dục ở huyện Phong Lộc, tỉnh Quảng Bình (1630) và Lũy Thầy từ cửa sông Nhật Lệ đến núi Đâu Mâu (Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình). Đây là chiến lũy quan trọng, giúp chúa Nguyễn có thể phòng thủ hiệu quả trước nguy cơ tấn công của quân Trịnh.
Đào Duy Từ, hiệu là Lộc Khê, quê ở làng Hoa Trai, huyện Ngọc Sơn (nay là Vân Trai, Tĩnh Gia, Thanh Hoá). Là người tinh thông sử sách, có tài văn võ nhưng không được đi thi, do xuất thân từ con nhà ca kỹ. Ông uất ức rời quê hương vào Nam lập nghiệp. Ban đầu ông phải đi ở chăn trâu cho nhà chủ giàu có ở Bình Định. Ông chủ là người ham mê văn chương, thấy Đào Duy Từ có tài, nên đã tiến cử  ông cho quan Khám lý Trần Đức Hòa. Mến tài của Đào Duy Từ, Trần Đức Hòa đã gả con gái cho Ông, đồng thời tiến cử Ông cho Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên. Sau cuộc gặp gỡ, trò chuyện, thấy được tài đức của Đào Duy Từ, Chúa Sãi đã phong cho Ông làm Nha uý Nội tán. Được Chúa Nguyễn tin tưởng, trọng dụng, Ông đã hết lòng tận tụy giúp chúa Nguyễn về tổ chức quân sự, chính trị, văn hóa.
Sinh thời, Đào Duy Từ sáng tác nhiều tác phẩm văn, thơ, và nhiều ca khúc rất giá trị; biên đạo một số điệu múa được lưu truyền rộng rãi. Ông là người Việt đầu tiên làm thơ lục bát và là người có công phát triển nghề hát bội ở Đàng Trong, là người khởi thảo tuồng Sơn Hậu. Ông đồng thời là tác giả bộ sách quân sự đặc biệt "Hổ trướng khu cơ" và "Ngọc Long cương vãn" (văn học). Năm 1634, ông bị ốm nặng và mất. Mặc dù không phải là người Quảng Bình, nhưng là người có công rất lớn nơi vùng đất này, nên được nhân dân yêu quý, tôn trọng và được xếp vào danh nhân tiêu biểu của Quảng Bình
Cùng thời với Đào Duy Từ còn có Phật Bồ Tát Nguyễn Hữu Dật (1604–1681) là đại công thần của chúa Nguyễn ở Đàng Trong thời Trịnh Nguyễn phân tranh. Cha ông là quan tham chiến Triều Văn Hầu Nguyễn Triều Văn, vì bất mãn với chúa Trịnh tiếm quyền vua Lê, nên theo phò chúa Nguyễn vào Đàng trong. Bước dừng chân đầu tiên của dòng Nguyễn Hữu vào năm 1609 do Triều Văn Hầu định hướng là đất Quảng Bình. Khi ấy người con trai thứ năm của Triều Văn Hầu là Chiêu Vũ Hầu Nguyễn Hữu Dật mới được 6 tuổi. Ông là người có công phò tá chúa Nguyễn, đánh thắng nhiều cuộc nam tiến của chúa Trịnh, giữ vững lãnh thổ Đàng Trong, được phong chức Chiêu Vũ hầu. Nguyễn Hữu Dật quê ở Gia Miêu, huyện Tống Sơn, Hà Trung, Thanh Hoá. Thuở nhỏ Nguyễn Hữu Dật thông minh, trí nhớ hơn người. Lớn lên Ông giỏi văn chương, lại thích võ nghệ. Cha ông thấy được năng khiếu của con muốn được phát huy, nên mời thầy về dạy học. Được võ sư tận tâm truyền thụ các binh thư, binh pháp cũng như võ nghệ, 16 tuổi Ông đã lừng danh văn chương võ lược nên được Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên  (1613-1635) bổ nhiệm làm chức quan văn trong triều, sau trở thành vị tướng xuất sắc có nhiều mưu lược. Do có tài, được bổ nhiệm giữ chức vụ sớm nên ông nảy sinh tính tự cao, Chúa Sãi cho bãi nhiệm rời Triều. Nhưng sau xét thấy tài năng của ông cần được sử dụng, nên Chúa vời lại Triều và cho giữ chức vụ cũ. Sau đó, ông được thăng chức Tham cơ vụ, được tham dự các cuộc họp bàn việc cơ mật và đã đóng góp nhiều ý kiến có lợi cho việc triều chính. Khi được chuyển làm Giám chiến, Ông nhiều lần chỉ huy nghĩa quân liên tiếp đánh quân Trịnh và dành được nhiều thắng lợi. Năm Mậu Tý (1648) nhận chức Cai cơ lãnh ký lục dinh Bố Chính, sau thăng Đốc chiến, tước Chiêu Vũ hầu, cùng Nguyễn Hữu Tiến đem quân ra Bắc Hà, chiếm được đất hai huyện thuộc Nghệ An; rồi đem quân về vẫn trấn đạo Lưu Đồn (nay là Dinh Mười, xã Gia Ninh).
Nguyễn Hữu Dật đã dùng thư giả để ly gián, làm cho nội tình quân Trịnh không tin tưởng lẫn nhau. Tuy nhiên, cũng chính từ đây đã dẫn đến việc Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần nghi Ông có ý đồ, mưu hàng Chúa Trịnh và bị tống giam vào ngục. Trong ngục ông đã sáng tác tập Hoa vân cảo thị lồng tâm trạng của mình vào cốt truyện. Chúa Hiền đọc được hiểu tấm lòng trung thành của ông, bèn cho ra khỏi ngục, phục hồi chức tước như cũ.
Đào Duy Từ biết Nguyễn Hữu Dật là người tài giỏi, có con mắt chiến lược của nhà quân sự nên đã cùng Ông bàn luận và được Chúa Sãi chuẩn y, hạ lệnh cho quân dân phủ Quảng Bình đắp lũy đắp Lũy Thày, một chiến lũy quan trọng giúp quân Nguyễn, vốn có lực lượng mỏng hơn, cầm cự được với quân Trịnh trong các cuộc giao tranh. Năm 1635, Đào Duy Từ mất, Nguyễn Hữu Dật tiếp tục trùng tu Lũy Thày và Lũy Trường Dục. Ông tiếp tục xây dựng thêm Lũy Động Cát (tức Lũy Trường Sa) để củng cố tuyến phòng thủ, lũy An Náu năm 1661 . Chiêu Vũ Hầu Nguyễn Hữu Dật văn võ toàn tài, lúc làm tướng có nhiều công lớn, đánh đâu được đấy, ví như Khổng Minh nhà Thục Hán và Lưu Bá Ôn nhà Minh vậy.
Mùa xuân, năm Tân Dậu (1681), Nguyễn Hữu Dật mất tại đạo Lưu Đồn, thọ 78 tuổi. Chúa Nguyễn thương tiếc truy tặng ông là Chiêu quận công, thuỵ là Cần Tiết. Nguyễn Hữu Dật là người có công lớn đối với Quảng Bình, được nhân dân Quảng Bình tin yêu, cảm động đức độ của ông, gọi ông là Phật Bồ Tát, lập đền thờ ở Xóm Bến, Vạn Xuân (huyện Phong Lộc), gọi là đền Tĩnh Quốc công.

(vẫn còn... )

Thứ Tư, 8 tháng 8, 2012

DANH THẦN QUẢNG BÌNH


Và đây là "món" thứ 2 KT đem đến hội thảo. Cũng chỉ mang tính lược kê, nhưng ở 1 góc nhìn khác về DANH NHÂN QUẢNG BÌNH, đó là góc nhìn tâm linh.
Mời các bạn thưởng thức tiếp!

DANH THẦN QUẢNG BÌNH
 Không chỉ là nơi giao thoa của các nền văn hóa cổ đại Hòa Bình, Đông Sơn và Sa Huỳnh, Quảng Bình còn là nơi có nhiều danh nhân võ tướng được phong thần nhất Việt Nam. Không nói đến những di chỉ khảo cổ về các nền văn hóa được khai quật, mà căn cứ vào những điều sử sách đã ghi, từ ngàn đời nay Quảng Bình luôn là mảnh đất thuộc tuyến đầu tổ quốc, nơi diễn ra nhiều trận chiến ác liệt để giữ yên bờ cõi. Vì thế danh nhân Quảng Bình phần lớn đều xuất thân từ võ tướng, họ có công gìn giữ và mở mang bờ cõi. Với những công lao to lớn của mình, nhiều người trong họ được phong thần có những vị đã trở thành thần thành hoàng ở những nơi họ lập ấp chiêu dân. Ngoài ra, tên tuổi của họ cũng đã gắn liền với những di tích lịch sử văn hóa của Quảng Bình cũng như cả nước.
Vị thành hoàng của cả một vùng rộng lớn của huyện Lệ Thủy ngày nay là Quận công Hoàng Hối Khanh (1362 - 1407). Nguyên quán của ông ở xã Bái Trại, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá, đỗ khoa thi Thái học sinh (Tiến sĩ) năm Giáp Tý, niên hiệu Xương Phù 8 (1384) đời vua Trần Phế Đế.
Hoàng Hối Khanh là một danh tướng, một con người tài hoa nhân đức và hết sức đặc biệt của lịch sử dân tộc những năm cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV. Từ khi ra làm quan (1384) đến khi tuẫn tiết (1407), trên 23 năm làm quan dưới hai vương triều, trong đó có 16 năm dưới triều Trần Mạt và 7 năm ở vương triều Nhà Hồ, ông đã có những đóng góp rất lớn trên các lĩnh vực chính trị, quân sự, ngoại giao và kinh tế. Điểm nổi bật trong cuộc đời làm quan của Hoàng Hối Khanh là luôn thanh liêm, chính trực, yêu thương nhân dân và được nhân dân vô cùng yêu mến. Ông thường xuyên đi xuống địa phương kiểm tra tình hình, răn dạy quan lại phải lấy lòng dân làm gốc, thông cảm với đời sống đói khổ của nhân dân, nghiêm trị bọn quan lại sách nhiễu dân lành, phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân. Ông dùng chính sách khuyến nông, khuyến khích mọi ngươi cùng làm cùng hưởng, tích trữ quân lương để đề phòng khi có chiến tranh. Ông thường xuyên chăm lo tập luyện quân lính trong toàn dân, để khi có chiến tranh tất cả sẽ là chiến sỹ. Bằng những chính sách này ông đã biến tất cả mọi người thành người lính trung thành, sẵn sàng bảo vệ tổ quốc.
Hoàng Hối Khanh đã tham gia giữ nhiều chức vụ quan trọng trong triều, nên hiểu rất rõ điểm mạnh điểm yếu của bộ máy Nhà nước. Ông cũng rất am hiểu tình hình xã hội, đời sống nhân dân suốt từ Bắc vào Nam, do từng làm việc ở rất nhiều địa phương trong cả nước. Khi làm An Phủ sứ Lộ Tam Đái, Hoàng Hối Khanh cho mở xưởng rèn đúc vũ khí, tuyển các thợ giỏi vào các công xưởng quân sự, chỉ huy đắp thành Đa Bang và đóng cọc ở sông Bạch Hạc để án ngữ quân Minh từ Tuyên Quang tiến sang. Thành Đa Bang hợp với hệ thống công trình thành luỹ dài gần 400km, kéo dài từ núi Tản Viên, men theo sông Đà, sông Hồng, sông Luộc đến sông Thái Bình làm thành hệ thống phòng thủ quy mô lớn. Khi xây dựng thành Đa Bang, Hoàng Hối Khanh đã kế thừa những kinh nghiệm xây dựng các hệ thống phòng thủ của tổ tiên. Có thể nói đối với lịch sử quân sự, đây là một công trình phòng thủ có quy mô lớn nhất, trên một bình diện rộng, đồ sộ gấp nhiều lần phòng tuyến Như Nguyệt thời Lý chống Tống. Với công trình phòng thủ này ông đã lưu tên mình vào danh sách những nhà quân sự tài ba của dân tộc. Ngoài tài năng chính trị, quân sự, ngoại giao, Hoàng Hối Khanh còn là nhà cải cách kinh tế táo bạo như bỏ phép đánh thuế ruộng đất và dân đinh, tăng cường dự trữ ngân khố quốc gia… Những chính sách tiến bộ này đã cứu vãn được một cuộc suy thoái tài chính trầm trọng do nhà Trần để lại.
Vị thành hoàng thứ hai làTrần Bang Cẩn (1314-1357). Trần Bang Cẩn là Thượng thư Đại Hành Khiển thuộc dòng tộc nhà Trần. Dưới thời vua Trần Minh Tông là người nhiều lần đánh thắng và dẹp yên quân Chiêm Thành, có công trấn giữ mảnh đất phía Nam của Đại Việt, chiêu dân lập ấp, xây dựng vùng đất mới, hướng dẫn khai phá đất đai, lập ra hai xứ Đông, Đoài của xã Quảng Lộc và một phần xã Quảng Hòa bây giờ. Với những đóng góp cực kỳ to lớn, được đánh giá là công thần đối với đất nước quê hương, phúc thần với nhân dân, Ông được phong các tước vị như: Bản thổ bình Lồi (dẹp giặc Chiêm Thành). Gia vương Trần Hành Khiển tăng Vĩnh Lộc Thành hoàng. Gia tăng Chính trực Hữu thiện Đôn ngưng.
Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, quyển II, kỷ nhà Trần, Ngô Sĩ Liên chép: ''Trần Bang Cẩn là vị Đại Hành Khiển thượng thư tả bộc xạ, là người tin thực, giữ gìn, giản dị, điềm tĩnh, không xa hoa”. Ngài khi còn sống được vua Trần ban cho bức tượng vẽ và bài thơ ca ngợi như sau:

“Dạng hình cốt cách nại đông hàn,
Tướng mạo đình đình diệc khả khan,
Phong lưu nhất đoạn hồn miêu tận,
Tâm lý nan miêu cánh cánh đan”.
Dịch thơ:
Dạng hình cốt cách tựa cây thông
Tướng mạo nghiêm trang cũng đáng trông
Mọi vẻ phong lưu tô được hết
Khôn tô choi chói tấm son lòng
Thành hoàng Trần Bang Cẩn không có hậu duệ, nhưng được dân làng hết lòng tôn kính, sự tôn kính đó được biểu hiện ở hai câu đối trong điện:
“Khai thác hình huân tồn giả sử
Công hoàng long cảo điệp triều ân”.
(Công ngài khai thác còn ghi nhớ
Ơn triều đình mãi mãi còn ghi).
Thành hoàng Trần Bang Cẩn là người có công đối với đất nước, quê hương; vì thế, qua các triều đại phong kiến đều được phong sắc và phong sắc nhiều lần. Hàng năm vào ngày giỗ Ông, tại làng Vĩnh Lộc, xã Quảng Lộc, huyện Quảng Trạch tổ chức lễ hội cúng Ông tại điện thờ. Đặc biệt, bên cạnh việc cúng tế, rước sắc, dân làng còn diễn lại sự tích lịch sử của Ông, để cho con cháu hiểu được công lao của tổ tiên. Theo đó còn có nhiều trò vui chơi giải trí và hát xướng. Việc thờ cúng này diễn ra rất lâu đời và vẫn bảo lưu cho đến ngày nay. Đây là một dạng tín ngưỡng khá đặc biệt mang nhiều yếu tố dân giã và cũng là môi trường tốt góp phần làm cho những xu hướng nghệ thuật dân gian nảy nở và phát triển, làm đậm đà bản sắc văn hóa địa phương. Điện thờ của ông còn là điểm tham qua du lịch văn hóa tín ngưỡng dân gian của Quảng Trạch nói riêng và Quảng Bình nói chung.
(Còn nữa đó nghe )

Thứ Ba, 7 tháng 8, 2012

THƯ CÁM ƠN CỦA BAN TỔ CHỨC


THƯ CÁM ƠN
Hội thảo khoa học quốc gia về Danh nhân Quảng Bình do Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam đồng tổ chức ngày 30 tháng 7 năm 2012 tại thành phố Đồng Hới đã thành công tốt đẹp.
Hội thảo đã nhận được 88 bài tham luận chính thức và đã hội tụ được 88 nhà khoa học, nhà nghiên cứu, tác giả từ 6 Viện khoa học quốc gia, 12 trường đại học, nhiều cơ quan tổ chức khoa học ở các địa phương trong cả nước.
Hội thảo đã được Lãnh đạo và nhân dân tỉnh Quảng Bình đặc biệt quan tâm và đánh giá cao.
Ban tổ chức hội thảo trân trọng cám ơn Hội khoa học lịch sử Vệt Nam, Viện Văn hoá Nghệ thuật Việt Nam đã cùng UBND tỉnh Quảng Bình đồng tổ chức sự kiện đặc biệt quan trọng này. Trân trọng cám ơn Nhà Sử học Dương Trung Quốc - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội khoa học lịch sử Vệt Nam, PGS. TS. Nguyễn Chí Bền - Viện trưởng Viện Văn hoá Nghệ thuật Việt Nam đã tham gia đồng chủ tọa hội thảo.
Hội thảo trân trọng cám ơn GS. TSKH. Nguyễn Hữu Đức - PGĐ. Đại học Quốc gia Hà Nội, GS. NGND. Lê Mậu Hãn, GS. NGND. Vũ Dương Ninh, Thiếu tướng, PGS.TS. Trịnh Vương Hồng - Nguyên Viện trưởng Viện LSQSVN, PGS.TS. Nguyễn Hữu Chí - nguyên Vụ trưởng, Ban Khoa giáo Trung ương, PGS. TS. Phạm Xanh - Đại học Quốc gia Hà Nội, PGS. TS. Ngô Minh Oanh - Viện trưởng Viện Nghiên Giáo dục đã đến dự bằng tấm lòng nhiệt huyết đối với Quảng Bình và góp phần quan trọng vào sự thành công của hội thảo.
Ban tổ chức Hội thảo trân trọng cám ơn GS. NGND. Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội KHLSVN, GS.NGND. Đinh Xuân Lâm - PCT. Hội KHLSVN, GS. TS. Nguyễn Quang Ngọc - Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại tá, PGS. TS. Trần Ngọc Long - Phó Viện trưởng Viện LSQSVN đã rất quan tâm đến Hội thảo ngay từ ban đầu, nhưng do điều kiện công tác không tham dự được.
Trân trọng cám ơn TS. Nguyễn Khắc Thái - Cố vấn Nội dung Hội thảo và các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các tác giả đã đến với Quảng Bình từ các cơ quan Trung ương đến địa phương, từ khắp mọi miền của Tổ Quốc bằng các công trình nghiên cứu, tham luận và tham gia Hội thảo.
Ban Tổ chức hy vọng sau Hội thảo, các nhà khoa học vẫn tiếp tục nghiên cứu về vùng đất và tiến trình lịch sử Quảng Bình phục vụ cho các hoạt động khoa học thiết thực chào mừng kỷ niệm 410 năm Quảng Bình hình thành và phát triển (1604-2014).
Trong quá trình tổ chức hội thảo, nếu có gì thiếu sót, bất nhã...kính mong các quý vị niệm tình lượng thứ bỏ qua.
Xin trân trọng cám ơn.
                                           TM. BAN TỔ CHỨC HỘI THẢO
           TS. Nguyễn Đức
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ

Thứ Bảy, 4 tháng 8, 2012

VỀ MỘT NGƯỜI KHẢ KÍNH


Đứng cùng mọi người ôôn cũng rứa, nhưng khi đứng 1 mình, thấy ôôn ngắn ngủn.
Trang phục đã kéo thước tấc của ôôn xuống. Có ý đồ chi không? Bởi có những lúc ôôn tự nhận mình là lão lùn trong thiên hạ cố tình cao.
Biết ôôn, quý trọng sự uyên thâm của ôôn, nghe ôôn kể về những thăng trầm của cuộc đời, tôi càng nể phục. Có phải vì những thăng trầm ấy mà ôôn biết điều tiết trong ứng xử? Điều đó không phải ai cũng làm được.

Thứ Sáu, 3 tháng 8, 2012

SAU HỘI THẢO


Thế là đã về đến nhà. Đói và mệt cho 1 khoảng thời gian hết sức thú vị và ý nghĩa.
1 ngày hội thảo, 1 buổi thăm động Thiên Đường. Giá trị như nhau.
                 1.  Hội thảo: được nghe những ý kiến và tham luận của các nhà khoa học với những nội dung hết sức bổ ích về giao thoa và va đập giữa các tầng văn hóa, các biến động của lịch sử để tạo nên tố chất của danh nhân Quảng Bình…
TS Nguyễn Khắc Thái ( cố vấn hội thảo)
(ảnh "chôm" bên nhà Sen)
                  2.  Thăm động Thiên Đường: Kỳ quan của thiên nhiên. Lộng lẫy, kỳ vĩ bởi những dải, những dây thạch nhũ, những tháp, những linga, uni, những linh thú được tao nên từ thiên nhiên như trong thần thoại.
1 ngày nghỉ ngơi, thăm nhà tướng Giáp, 1 ngày cho quãng đường Đồng Hới - Đà nẵng để gặp bạn hiền sau 12 năm  tại Đà Nẵng  và 1 ngày rã rời (hôm nay), sau khi đặt chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất đã vội cùng khách hàng xuống xưởng đến không kịp cả ăn uống.
Gần 1 tuần xa nhà. Nhớ tất cả những người thân yêu và cũng đầy ắp những ân tình với bạn bè mới quen. Nhất là cô “con  gái” Hà Sương hồn nhiên (giảng viên khoa Sử mới 24 tuổi, nguyên là sinh viên tài năng của ĐH Nhân văn TP HCM) đã cùng “mẹ” 1 đêm trắng với bao chuyện vui, ròn rã cả đêm đầy ắp tiếng cười. Ban đầu nói chuyện qua lại, con khen cô quá teen bởi sự hồn nhiên trong trẻo tiếng cười, khi được ban tổ chức tiếp đón nồng hậu với phần giao lưu “ôôn, mệ”. Cô khen con xinh xắn dễ thương, hồn nhiên trong sáng… Rồi câu chuyện nổ ra như bỏng ngô sau 2g sáng và mối quan hệ cũng thăng hoa lúc nào không biết, để biến thành "mẹ con" ngon lành, sau khi cả 2 cùng xong việc viết lách ("mẹ" làm tóm tắt tham luận cho buổi hội thảo Quốc Tế về Việt Nam Học sắp diễn ra tại Hà Nội, "con" làm báo cáo khoa học giúp bạn). 
Hai "mẹ con"
5 giờ sáng 2 “mẹ con” mới chợp mắt 1 chút, để 7g xuống ăn sáng và vào hội thảo. 2 cốc café sữa đậm cho 2 mẹ con giúp cho sự cân bằng “tâm thức” sau tô phở bò.
(Viết như đánh đố nhau. Ghét! )

Thứ Năm, 26 tháng 7, 2012

TẶNG ĐỒNG ĐỘI CŨ


Anh (mặc áo đen) từ Úc về dự buổi họp mặt đơn vị hồi tháng 4/2009
                                                

Khi anh gọi e
Từ nghìn trùng xa cách
Chia sẻ
Về bế tắc vợ con.


Em lắng nghe,
Trêu chọc
Để anh cười.
Bảo đừng nóng,
Bảo tự rủa mình:
Sao anh quá đỗi ngu ...


Anh thở dài
Cay đắng,
Em cụt hứng chọc trêu
Lái qua chuyện chúng mình
Thuở nhỏ...

Tuổi 13
Em mới vào bộ đội,
Anh 18
Vừa rời phố thị,
Nên dễ gần
Dễ chia sẻ buồn vui...


Anh kể lại
Chuyện ngày xưa uýnh lộn,
Vật đè em
Xuống bụi rơm khô.
Em vùng vẫy
Mắt hằn tia giận
Cái ông này,
Sao ghét quá đi thôi!
Anh năn nỉ:
Bé ơi, thôi nhé!
Em mệt nhoài.
Im lặng.
Chớp thời cơ.
Anh chưa kịp quay lưng,
Em úynh tiếp bất ngờ
Anh bỏ chạy
Ôm vai
Kêu đau quá.
Em hả hê cười
Đắc thắng
Trẻ con
Vui


Sáu năm sau
Em trở về đơn vị
Anh ngỡ ngàng
Hồi hộp gọi
Bé ơi!
Ngoảnh mặt lại
Em cười vui hơn hở
Thật bất ngờ,
Ôi lâu quá đi thôi
Em hồn nhiên
Cười nói chẳng ngớt lời
Anh im lặng,
Bồi hồi
Tim xao động


Ngày xưa đó,
Em sao quên được
Khi tỏ tình
Anh bối rối vòng quanh...
Em thản nhiên
Từ chối,
Thản nhiên về.
Thản nhiên cầm bánh
Anh mua em ăn tối.
Thản nhiên cười
Khi anh xé lòng đau


Ngày xưa đó
Em đâu hiểu được
Nhức nhối lòng
Của kẻ đang yêu.
Ngày xưa đó
Em hồn nhiên
Như cỏ
Chẳng ấp e
Chẳng biết đòng đưa ...


Giờ cũng vậy,
Với anh như thuở ấy,
Vẫn tuổi 13
Nghịch ngợm
Trêu đùa
Dẫu già rồi
Sao cứ mãi tuổi thơ...

____________________________________

Tặng anh Minh Sơn, đồng đội cũ (Sau khi nghe anh chia sẻ chuyện gia đình. KT làm thơ gửi tặng
, anh đã rất vui).
Saigon: 12/12/2009

Thứ Tư, 25 tháng 7, 2012

QUẢNG BÌNH TỪ GÓC NHÌN ĐỊA VĂN HÓA (Phần Ba)


          3.        VỊ THẾ QUẢNG BÌNH
Tuy là vùng đất cực hẹp của đất nước, có điều kiện khí hậu cực kỳ khắc nghiệt, nhưng Quảng Bình ôm trong lòng biết bao điều thú vị về giá trị khảo cổ, lịch sử, văn hóa hết sức đa dạng và phong phú. Quảng Bình có một vị thế quan trọng trong lịch sử phát triển và giao thoa văn hóa của các tộc người từ thời tiền sử cho đến ngày nay. Nếu được quan tâm nghiên cứu, khai thác, Quảng Bình sẽ còn nói lên được nhiều điều ẩn chứa tiềm tàng có giá trị.
Để khẳng được vị thế của mình trên khối tài sản vô giá này, Quảng Bình phải biết bắt đầu từ đâu và như thế nào.
Sự bắt đầu, ấy là tầm nhìn chiến lược và định hướng khai thác khối tài sản này.
Muốn khai thác được nó, Quảng Bình cần phải có những bước căn bản như sau:
-         Kiểm kê và phân loại tài sản: hữu hình và vô hình;
-         Chiến lược khai thác của từng nhóm tài sản;
-         Ghi chép, nghiên cứu, bảo tồn;
-         Với nhóm tài sản hữu hình, Quảng Bình nên gìn giữ và bảo tồn những nét hoang sơ hiện hữu;
-         Với nhóm tài sản vô hình điều vô cùng quan trọng ấy là việc quy hoạch lại cộng đồng. Quy hoạch ở đây, không chỉ đơn giản về địa lý và dân số mà còn là quy hoạch từ góc nhìn văn hóa. Tuyên truyền cho cộng đồng hiểu được giá trị bản sắc văn hóa dân tộc mình để gìn giữ và khôi phục và xây dựng cộng đồng theo nguyên tắc bảo tồn và phát huy hết nét đẹp văn hóa truyền thống. Ấy chính là phương thức “bảo tàng” cộng đồng dựa theo tập quán truyền thống.
 Làm được những điều trên, Quảng Bình sẽ là viên kim cương lấp lánh tỏa sáng…

___________________
 * Ngoài phần ba, các phần 1 và 2 đều là tư liệu có sẵn. KT chỉ có công ngồi đọc và chắt lọc lại.
Hy vọng  đem đến cho các bạn những thông tin thú vị về Quảng Bình, vùng đất tôi yêu.

Thứ Ba, 24 tháng 7, 2012

QUẢNG BÌNH TỪ GÓC NHÌN ĐỊA VĂN HÓA (Phần Hai tt)


-               NGƯỜI MA COONG




Lễ hội đập trống.
Người Ma Coong thuộc tộc Bru Vân Kiều, cư trú thành từng bản làng nhỏ, rải rác từ biên giới Việt-Lào. Bản Cà roòng (xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) mảnh đất linh thiêng của người Ma Coong. Nơi đây còn lưu giữ nhiều phong tục, tập quán mang đậm bản sắc văn hóa như lễ hội đâm trâu, lễ hội đập trống (đánh trống)... Lớn nhất là lễ hội đập trống.

Ngoài ý nghĩa cầu mùa màng bội thu, lễ hội này còn có một tập tục tương tự như đêm chợ tình Khâu Vai, là nơi giao duyên, gặp gỡ của đôi lứa nên có sức hấp dẫn rất lớn. Hằng năm vào ngày 16 thánh giêng, người Ma Coong cả già lẫn trẻ, diện những bộ áo quần đẹp nhất, ở khắp các bản gần xa, thậm chí đồng bào Ma Coong ở tận nước bạn Lào cũng kéo nhau về bản Cà roòng tham gia lễ hội đập trống.
Công việc mất nhiều thời gian nhất, đó là chuẩn bị chiếc trống lễ hội. Mỗi năm da bịt mặt trống được thay một lần. Người ta chọn những tấm da trâu đẹp, phơi khô rồi đem cất ở gác bếp, ngày tổ chức lễ hội mới đem ra bịt, tang trống thì được lưu giữ nhiều năm, khi hư hỏng mới thay thế cái khác.
Lễ hội đập trống được thực hiện vào thời điểm dưới ánh trăng tròn đầu năm (16 tháng Giêng âm lịch), trong sự thiêng liêng và sâu thẳm của núi rừng, thành viên ban chủ lễ trong bộ lễ phục truyền thống, áo mầu đen cài khuy bạc, váy màu đen gấu viền đỏ, vòng bạc... (bộ lễ phục này chỉ được mặc trong dịp lễ hội đập trống và được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác), với tâm niệm thành kính, khẩn cầu thần linh phù hộ, che chở cho con cháu của tộc người Ma Coong. Mở đầu buổi lễ, già làng phải thắp sáng những cây nêu làm bằng sáp ong và khấn mời “Giàng và con ma mót” về ăn xôi, uống rượu, chứng kiến lễ hội, phù hộ cho người Ma Coong có cuộc sống yên lành, làm ăn no đủ, mùa màng bội thu. Các thành viên khác của ban chủ lễ lần lượt thay nhau vào cầu khấn. Lễ cúng kết thúc khi chủ lễ bốc từng nắm lúa gạo ném ra nhiều phía.
Lễ cúng kết thúc cũng là lúc tiếng trống vang lên, từng nhịp trống dồn dập vang xa, vọng vào vách núi, phá tan sự tĩnh lặng của núi rừng. Tiếng trống và men rượu cần như tiếp thêm sức mạnh cho những người tham gia lễ hội. Từng tốp người cầm tay nhau nhảy múa, thay nhau đánh trống dưới ánh trăng, vừa đánh họ vừa hô to “roa lữ giàng ơi” (sướng quá trời ơi), mà phải đánh làm sao cho mặt trống nứt vỡ trước khi trời sáng. Người Ma Coong tin rằng, năm nào trống đánh kêu to và vang xa, nứt, vỡ sớm thì năm đó dân bản sẽ gặp nhiều điều may mắn, mùa màng bội thu.
Ai cũng được tham gia đánh trống, nhưng hăng nhất là lớp thanh niên, họ muốn mặt trống sớm nứt vỡ, để dẫn bạn tình vào rừng tình tự.
Ngoài ra, người Ma Coong còn có một luật tục ngàn đời rất kinh khủng, ấy là trong 5 năm đầu đời, đứa trẻ phải chết theo mẹ để phục vụ mẹ nếu mẹ chúng chẳng may bị chết. Tuy nhiên những luật tục này ngày đã được giảm bớt.

-               NGƯỜI KHÙA

 
Người Khùa sống hòa mình với thiên nhiên và vẫn duy trì được nhiều tục lệ riêng hết sức nhân văn nơi những triền núi phủ lau ngút ngàn ở miền tây huyện Minh Hóa, Quảng Bình.
Tộc người Khùa rất coi trọng việc ứng xử với tự nhiên. Với rừng, họ thờ thần rừng, với sông suối họ thờ thần nước... Các loại thần, với người Khùa đều đồng nghĩa với ma. Một người am hiểu dân tộc mình, nói rằng: “Cái nơi ta sống có nhiều ma, nên nhà ai cũng có bậc cửa vào ra để thờ ma. Ma làm cho người của ta sợ, ma cũng làm cho người của ta thích kể chuyện, ma làm cho người Khùa biết hát, biết uống rượu, ma làm cho người Khùa biết sinh con đẻ cái,…”. Những hiện tượng thiên nhiên, ốm đau, bệnh tật, không lý giải được người Khùa cho đó là ma và tổ tiên người Khùa đã sáng chế ra một vật thiêng, được coi như vị thần tối thượng điều khiển được ma, ấy là “tà riềng”. Tà riềng là một loại khèn có tiếng nỉ non được thổi lên từ lồng ngực những người thông thái nhất bản sẽ đưa lại sự bình an cho người dân. Khèn Tà riềng làm từ cây lồ ô nhỏ của vùng núi cao nhất bản, thanh âm trong vắt vỗ về ma trú ngụ trong từng căn nhà, để ma phù hộ cho người Khùa tai qua nạn khỏi, mùa màng khấm khá. Ngoài ra tiếng nỉ non của Tà riềng còn làm cho những món ăn aboong, adoong, abiing ngon hơn từ cá suối, cá khe.
Làng bản của người Khùa
Quan niệm mộc mạc ấy rất nhân văn và đầy mơ mộng. Có lẽ cũng vì thế mà mọi thành quả từ chăn nuôi, trồng trọt, người Khùa dùng chủ yếu vào cúng bái, lễ lạc hơn là mưu sinh. Với người Khùa, phần hồn quan trọng hơn phần xác. Con người chết đi, hồn được lên cõi trời và ở đó mới có cuộc sống bất tử.
Người Khùa có một luật tục là tục cưới vợ ba lần. Tục này chắc rằng trên thế giới không có tộc người nào có, đó là đàn ông phải cưới vợ đúng ba lần. Đây không phải là cưới 3 người vợ mà chia giai đoạn cưới vợ ra làm 3 kỳ.
-    Lần thứ nhất (được gọi là “bắt vợ”). Nói là bắt vợ nhưng không phải dùng vũ lực, bởi diễn ra nhẹ nhàng. Chàng trai cùng ông cậu đến nhà gái, đập mạnh vào chân cầu thang nhà sàn, bố mẹ cô gái sẽ ra canh cửa. Ông cậu của chàng trai đưa qua khe cửa một thanh kiếm, một con gà, một chai rượu. Khi bố mẹ cô gái uống rượu với ông cậu, chàng trai len lén vào phòng đưa cô gái về nhà làm vợ. Một tuần sau, chàng trai đưa cô dâu về lại nhà bố mẹ vợ để làm lễ cơm thưa trình thành con rể, ở lại một ngày đốn củi đầy bếp mới về, như là cách trả ơn bố mẹ đã sinh ra cô gái cho mình lấy làm vợ.

 Đám cưới của người Khùa

-         Lần thứ ha: (được gọi là lễ cưới ngãi). Vợ chồng cật lực làm lụng, đến khi tích lũy được gia sản thì làm lễ cưới thứ hai, mời bà con xóm bản đến ăn uống chung vui. Nhưng cũng có người cưới ngãi chỉ sau vài năm.
-         Lần thứ ba: là lễ cưới quan trọng, rôm rả và long trọng nhất để chứng tỏ là một người đàn ông Khùa thực thụ. Đám cưới đó còn thể hiện uy lực của người Khùa khi quanh họ có con đàn, cháu đống về bên sân nhà sàn, bưng đầy từng ché rượu, cổ áo đính dày đồng bạc. Heo, bò được mổ, gạo nếp được nấu, khách khứa vào ra ăn uống tấp nập.
Đám cưới lần ba này rất tốn kém, nhưng đó là phong tục phải làm. Tốn kém như vậy nên nhiều người Khùa khi lớn tuổi vẫn không tổ chức nổi lễ cưới lần thứ ba. Họ chết đi, con trai trưởng phải gánh vác trọng trách làm đám cưới ấy cho cha mẹ, gọi là “đám cưới ma”. Người Khùa không thể bỏ đám cưới ma được. Họ quan niệm đây là luật tục đặc trưng quan trọng nhất của tộc người Khùa, để chứng minh sự thành đạt của đàn ông Khùa, nếu bỏ đám cưới này thì tộc người Khùa không còn là người Khùa nữa.
  Ngoài ra, người Khùa còn có tục giữ lửa
 Với quan niệm, dãy núi Giăng Màn trước mặt các bản Hà Vy, Dộ, Loòm, Cà Ai, Tà Vờng, Cà Chăm là nơi tiếp sinh khí, sinh ra trí tuệ, sinh ra cái chữ, sinh ra tiếng nói, sinh ra niềm vui, nỗi buồn và cũng là nơi sinh ra nỗi sợ của người Khùa, sinh ra ma cho người Khùa. Vì núi Giăng Màn quanh năm phủ đầy mây, người Khùa phải có trách nhiệm vun vén cho ma núi nhiều khói sương hơn nữa để giữ gìn hồn cốt tộc người mình, nên già trẻ, gái trai đều hút thuốc. Hút thuốc là cách mà người Khùa giữ lửa cho tộc mình.
Người Khùa tự trồng lấy thuốc lá, điếu thuốc người Khùa hút to như ngón chân cái, nhả đầy khói, vướng vất quanh bản. Người Khùa tin khói thuốc của họ càng làm núi Giăng Màn mờ ảo hơn, và cho họ nhiều sức mạnh hơn. Họ nói, hút thuốc là cách để dân bản nhớ đến núi Giăng Màn, nhớ đến gốc gác, tổ tiên người Khùa. Cái bếp của người Khùa cũng không bao giờ tắt lửa, âm ỉ cháy để khói bay vào núi. Đấy là cách để nhắc nhớ cháu con người Khùa biết rõ nguồn gốc mà giữ gìn bản sắc của mình….
Nói đến những phong tục tập quán nhiều màu sắc của các cộng đồng thiểu số, không có nghĩa là tất cả đều đẹp, mà họ chính là những cộng đồng hiện có đời sống nghèo nàn lạc hậu với không ít hủ tục cần phải loại bỏ. Những tập quán muôn màu này chính là những bảo vật quốc gia cần phải được nghiên cứu, bảo tồn và phát triển. Bảo vật này sẽ làm giàu cho kho tàng văn hóa Việt Nam, nếu ta biết cách bảo tồn và phát huy nó. Ở một góc độ nào đó, nếu được quan tâm đầu tư đúng mức, đây chính là tài sản vô giá của Quảng Bình mà ít nơi nào có được.
 Chỉ điểm qua một vài tộc người tiêu biểu của cộng đồng thiểu số Quảng Bình, ta đã thấy được sự đa dạng phong phú của những nét văn hóa truyền thống lâu đời. Nếu được nghiên cứu, bảo tồn và phát huy những luật tục mang đậm nét nhân văn, Quảng Bình sẽ là một địa chỉ mà ai ai cũng muốn tìm đến để được tìm hiểu và chiêm ngưỡng.
Ngoài những cộng đồng thiểu số đặc trưng, Phong Nha - Kẻ Bàng từng là nơi tá túc của Vua Hàm Nghi trong phong trào Cần Vương ở địa bàn xã Hoá Sơn (nay thuộc huyện Minh Hoá).
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, rừng Phong Nha - Kẻ Bàng còn lưu lại nhiều dấu tích lịch sử oai hung như: đường mòn Hồ Chí Minh Đông Trường Sơn, các di tích Hang Tám Cô, hang Chín Tầng, bến phà Nguyễn Văn Trỗi, các kho hàng hoá trong hệ thống hang động ở Tuyên Hoá, Minh Hoá... Động Phong Nha cũng có một thời được bộ đội đoàn 559 dùng làm nơi cất giấu hàng hoá và những chiếc phà sắt cồng kềnh để vận chuyển xe, hàng ra tiền tuyến.
Dưới góc nhìn của một người nghiên cứu về văn hóa, tôi nhận ra nhiều điều vô cùng quý giá nơi vùng đất này. Quảng Bình đang ôm trong lòng khối tài sản vô giá về lịch sử, văn hóa và thiên nhiên. Nói cách khác, Quảng Bình đang là viên kim cương thô chưa được nghiên cứu chế tác để rực sáng.
                                                                    (còn phần ba "đủ đọc" )