Trang

Thứ Hai, 20 tháng 5, 2013

Du lịch Campuchia (2009)

HÀNH TRÌNH THĂM ĐẤT NƯỚC CHÙA THÁP - NGÀY THỨ MỘT


Công ty ba tổ chức đi du lịch sứ sở chùa tháp. Ba bèn đăng ký thêm cho 2 mẹ con đi cùng, sau khi bé Thanh Trúc kiểm tra giữa học kỳ.
Chiều 11.11 sau khi học xong, mẹ và bé tranh thủ sắp xếp đồ đạc và ra xe xuống Vũng Tàu để kịp 4g sáng (12.11) xuất hành. Gần 10g khuya xe mới tới Vũng Tàu, 2 mẹ con mệt nhoài. Sau khi nghỉ ngơi, khoảng 10g30, Ba chở 2 mẹ con đi ăn tối. Về tới nhà đã hơn 11g, bé và ba sắp xếp lại đồ đạc, còn mẹ thì đuối quá nên ngủ khò.
3g sáng 12.11, đồng hồ báo thức, 3g45 thì xe tới đón nhà mình ra công ty ba. 4g15 xe bắt đầu khởi hành. Sau khoảng 5 phút nghe phổ biến thời gian và chương trình tham quan đất nước chùa tháp, mẹ và bé lăn quay ra ngủ không biết trời đất là đâu. 
7g15 thì xe dừng lại ăn sáng ở Trảng Bàng để chuẩn bị cho cuộc hành trình tiếp theo khoảng 400km để tới Siêm Riệp, nơi có Angkor Wat hùng vĩ.
 
 Làm thủ tục xuất cảnh tại cửa khẩu Mộc Bài thiệt là lâu,vì hôm ấy là thứ năm, các đoàn từ Việt Nam sang tham quan Campuchia khá đông. Nhà mình tranh thủ trong thời gian chờ đợi ra ngoài chụp mấy kiểu ảnh

 

 
 Cột mốc biên giới Việt Nam - Campuchia. Ba và con đang rảo bước về phía cửa khẩu Bà Quách

Cũng tại cửa khẩu này hơn 40 năm trước, khi mới vào bộ đội, mẹ đã được 1 chú giao liên tên Đảo (giờ chú đã hi sinh) chở bằng xe đạp sang Cần giò. Tại Cần Giò, không hiểu sao mẹ lại gặp mẹ Hạnh (chị Hai của PT). Hai chị em mừng mừng tủi tủi, mẹ kể cho mẹ Hạnh nghe chuyện gia đình, rằng mọi người vẫn bình yên. Rồi kể chuyện năm ngoái (mậu thân 1968), quân giải phóng về đóng quân tại cầu chùa  Long Vân Tự (phía bên trong nhà mình) sau đó lính thủy quân lục chiến dùng nhà mình (trong khu ấy, chỉ nhà mình là có lầu cao nhất) để đặt súng bắn qua bên kia cầu, may là không chết ai, chỉ cháy mấy căn nhà sát bờ sông. Đợt đó, nhiều người lính thủy quân lục chiến thích mẹ Phú (chị kế PT), nên mỗi lần hành quân đi đâu đều viết thư về kể chuyện cho mẹ Phú nghe. Thế là có thêm những thông tin chính xác về tiểu đoàn thủy quân lục chiến nọ. Mẹ Hạnh nghe và cười chứ không nói gì thêm. 2 chị em gặp nhau khoảng 20ph thì mẹ Hạnh phải đi. Thêm 1 chặng đường xe đạp khoảng hơn nửa tiếng thì sang căn cứ của  tiểu đoàn quân báo A54 tại Bò Húc. Sáng hôm sau, lại thêm 1 bất ngờ, đó là lớp học quân y sỹ của mẹ Hạnh lại sát ngay cạnh đơn vị của mẹ. Thế là 2 chị em lại gặp nhau mỗi ngày, nếu mẹ Hạnh không đi thực tập trong bệnh viện. Những ngày ấy, mẹ còn trẻ con và vẫn hay uýnh lộn với chú Minh Sơn, mỗi khi chú trêu mẹ giận. Năm ấy chú Minh Sơn cũng vừa từ Saigon lên chiến khu, sau khi bị lộ. Cả đơn vị, ai cũng thương mẹ quá bé, quá hồn nhiên trong trẻo, nên mọi người đều vui theo những trò đùa của mẹ và chú Minh Sơn. Rồi những ngày tháng ngắn ngủi ấy cũng qua đi, khoảng 1 tháng sau, mẹ lên đường đi học lớp điện báo viên với những tín hiệu "tịch - tà" dài ngắn.
Sau khi làm thủ tục xuất nhập cảnh tại 2 cửa khẩu này, đoàn tiếp tục lên xe đi Xiêm Riệp.
 
Trên đường, cô hướng dẫn viên giới thiệu qua đất nước Camphuchia nghèo nàn lạc hậu với nền kinh tế nông ngiệp không phát triển, với mức thu nhập bình quân đầu người không tới 500 đô la Mỹ  1 năm. Quả thực, vào sâu trong đất nước Campuchia mới thấy rõ sự nghèo nàn ấy, bởi những đồng lúa ngát xanh xen lẫn những cây thốt nốt thưa thớt và những căn nhà sàn thưa thớt quạnh quẽ. Xoài riêng là 1 trong 4 tỉnh nghèo nhất Campuchia giáp ranh Việt Nam tại Tây Ninh. Hơn 15% dân Camphuchia mù chữ. Phụ nữ ít ai học tới đại học, vì tập quán của người dân Campuchia là phụ nữ chỉ ở nhà làm nội trợ, nên phần lớn không muốn học cao. Nghe giới thiệu sơ bộ về đất nước Campuchia khoảng 10 phút thì PT lại tiếp tục "phê".
Tới hơn 12 giờ, xe dừng lại tại ăn trưa tại 1 ngôi nhà mà công ty bạn đặt nấu, vì trên dọc tuyến đường không có hàng quán chi hết. Thức ăn thật tuyệt với món khô cá trèn chiên giòn, gà nướng, rau muống xào, canh chua các lóc, sườn cháy. Nói chung là ngon, vì tiêu chuẩn tới 7USD cho 1 bữa. Ở nhà với 7USD, mình sẽ có 1 bữa huy hoàng. Sở dĩ giá 1 bữa ăn cao như vậy, là do ở Campuchia, rau quả hầu như đều phải nhập từ Việt Nam hoặc Thailand, người dân Campuchia chủ yếu là trồng lúa với 1 mùa duy nhất, và phần lớn dựa vào thiên nhiên. Vì vậy cũng dễ hiểu, tại sao hằng năm cứ vào mùa nước nổi thì cá linh non từ Biển Hồ lại về. Phân bón hầu như chỉ sử dụng phân chuồng, nên cá tép ở Campuchia hầu như nguyên vẹn. Và cứ đầu mùa mưa, mùa cá đẻ thì chính phủ Campuchia cấm không cho khai thác cá, để bảo tồn tài nguyên thiên nhiên. Ôi giá mà ...
Ở Campuchia còn có đặc sản côn trùng, đó là thức ăn từ nhện và dế. Nhện thì khai thác quanh năm, bởi khi nông nhàn, người dân Campuchia ở Pra via đi đào nhện để ngâm rượu và chiên giòn để bán cho du khách, còn dế thì vào đầu mùa mưa và lai rai cho tới bây giờ vẫn còn.
Khi nghe tới món đặc sản này, các "bợm" nhà ta có vẻ hứng thú lắm.
Hỏi thăm về nhà vua Campuchia Norodom Sihamoni thì cả đòan ồ lên và gán ghép ngay cho 1 cô bạn chưa chồng cùng đoàn, bởi quốc vương Campuchia nay đã 56 tuổi rồi mà vẫn còn trai tân. Vua Campuchia do Hội đồng tôn vương bầu lên với 4 tiêu chuẩn:
1.      Không được tham gia chính trường;
2.      Gốc gác hoàng gia;
3.      Người Khmer;
4.      Phải có vợ;
Vì vua hiện tại do không có vợ, chỉ đạt được 3 tiêu chuẩn nên tuy làm vua, nhưng không được mặc long bào và đội vương miện.
          

GỌI DỪA DỪA SẼ HIỂU LÒNG TA

Thứ Tư, 1 tháng 5, 2013

HOÀNG HÔN SAIGON



HOÀNG HÔN SAIGON

Gần 60 mình mới có cảm giác yêu Saigon, bởi trong mình cứ mong ngóng về 1 chốn quê, nơi ấy là ký ức mà mẹ đã gieo vào mình qua những câu chuyện thuở ấu thơ. 
Gần 60 mình mới có cảm giác yêu Saigon, nơi mình được sinh ra. Bởi mình luôn thèm những điệu hát, câu hò của miền quê yên tĩnh.
Gần 60 mình mới có cảm giác yêu Saigon, bởi nơi đây các con mình được sinh ra và lớn lên.
Gần 60 mình mới thật sự yêu Saigon, vì mình không còn sống lâu hơn với nó.
Saigon ơi, chỉ giờ đây ta mới thấy mi đẹp khi ta được nhìn Saigon từ xa


NGÀY 30/04/1975


Hình ảnh: Sen giấy sản xuất tại làng Thanh Tiên Huế

Ngày 30/4 /1975, con đang thi học kỳ II. 
Sau khi nộp bài xong thì cả trường vỡ òa trong tiếng reo vui: chính quyền Saigon tuyên bố đầu hàng.
Điều đầu tiên con nghĩ là sẽ được về nhà. Về bên ba mẹ sau 6 năm đằng đẵng xa nhà.
Ngày ấy, đã quá đủ cho những đứa trẻ như chúng con phải rời xa tổ ấm. Thương cho các bạn mồ côi cha mẹ không biết sẽ về đâu. Lúc bấy giờ, nếu có đôi cánh, con sẽ bay ngay về cái xóm Long Vân Tự nhà mình để rúc vào lòng mẹ, để khóc cho vơi nỗi nhớ nhà. 
Chiến tranh đã cướp mất của con tuổi thơ, bắt đầu từ khi ba quyết định cho con sang Cabodia học 6 tháng. Ba đâu biết đã đem con mình vào chốn đạn bom. Chỉ đơn giản 1 điều ba nghĩ: cách mạng cần 1 điện báo viên cho đơn vị biệt động Saigon. Chỉ mẹ mới hiểu nỗi đau mất con từ tình mẫu tử, nên đã phải trốn con lúc sắp ra đi...
Ngày ấy, 1 cô bé 13 sống giữa Saigon đô hội nào hiểu được phía trước của mình là gì? Hồn nhiên chạy đi tìm mẹ để chào, thấy những giọt nước mắt tràn mi mẹ mà con nào có hiểu...
Mẹ ơi, sự hi sinh của mẹ thật là vĩ đại. May mắn thay sau 3 lần tiễn chúng con đi, mẹ đều đón lại đủ 3 đứa trở về, nhưng lại mất đi em con chỉ sau 20 ngày chấm dứt chiến tranh vì những kẻ cơ hội, xuẩn ngốc khi cầm trong tay khẩu súng để giữ trật tự công cộng. Mẹ đã đề nghị không truy tố nó, vì mẹ nói: chỉ 1 mình mẹ mất con là quá đủ.
Lòng mẹ bao la, không cần biết đến công lý mà chỉ sợ có thêm 1 người mẹ mất con...
Mẹ ơi, tấm lòng của mẹ, tính bao dung của mẹ chỉ chúng con mới hiểu, chỉ hàng xóm quanh nhà mình mới hiểu. Cái Tết cuối cùng trước khi đi xa, mẹ sai cô giúp việc dắt đi khắp xóm để thăm những gia đình nghèo, cho tiền họ ăn Tết. Mẹ ra cả xóm cũ nhà mình ngoài đường Bạch Đằng để thăm và cho tiền bác Tích, người hàng xóm già duy nhất còn lại của mẹ. 
Mọi người ra tiễn mẹ đi xa, từ bà bán tàu hũ, đến bà bán bánh canh, bác thợ hồ,... khóc kể về những lúc ốm đau chỉ cần vài viên thuốc mẹ cho là khỏi bệnh. Họ đâu biết bên trong những viên thuốc ấy là 1 tình thương bao la mẹ đã dành cho họ. 
Mẹ là tấm gương trong suốt để chúng con soi lại mình... 


NGÀY QUỐC TẾ LAO ĐỘNG




1/5 là ngày Quốc tế lao động.
Vậy mà nhân dân lao động toàn thế giới vẫn cứ đầu tắt mặt tối. Lại còn mất cả việc làm trong thời buổi suy thoái.
Với các ông chủ thì nhiều ông lâm cảnh nợ nần, lắm ông phá sản, một số ông thừa nước đục thả câu,...
Ông ấm nhất là cái ông quản lý nhà nước. Càng suy thoái, các ông càng nhiều đặc quyền...

Thứ Ba, 23 tháng 4, 2013

THÈM...


THÈM...
Hình ảnh: THÈM...

cho tôi xin một vé
trở về với tuổi thơ
được mẹ ôm vào lòng
được cha hôn lên trán
được nô cùng chúng bạn
được lò cò nhảy dây

cho tôi xin một vé
trở về với tuổi thơ
để được mộng được mơ
được nằm ôm chân mẹ
được vỗ về yêu thương

cho tôi xin một vé
trở về với tuổi thơ
cho tôi xin một vé
để về với tuổi thơ...

cho tôi xin một vé
trở về với tuổi thơ
được mẹ ôm vào lòng
được cha hôn lên trán
được nô cùng chúng bạn
được lò cò nhảy dây

cho tôi xin một vé
trở về với tuổi thơ
để được mộng được mơ
được nằm ôm chân mẹ
được vỗ về yêu thương

cho tôi xin một vé
trở về với tuổi thơ
cho tôi xin một vé
để về với tuổi thơ...

Thứ Hai, 22 tháng 4, 2013

MẸ ƠI...

MẸ ƠI...

Giật mình thức giấc, không thể dỗ được giấc ngủ, bởi bao ký ức cứ ùa về.

Dù rằng con đã nhiều lần dạy các cháu: báo hiếu cho cha mẹ, chính là sự ngoan ngoãn và thành đạt của các con. Ba mẹ chỉ cần các con trưởng thành là đủ.
Vậy mà,...
Mẹ ơi, vậy mà con vẫn ray rứt vì chưa làm tròn chữ hiếu với mẹ. Tâm nguyện, mỗi ngày con sẽ dành 1 tiếng đồng hồ bên mẹ để nghe mẹ nói, dù rằng những điều mẹ nói đôi khi chẳng ăn nhập gì với nhau, bởi đó chính là dấu hiệu của tuổi già...Vậy mà con đã không làm được...
Hơn 20 năm trước khi ra đi, đôi mắt của mẹ chỉ còn phân biệt được sáng tối, bởi di chứng của bệnh glocom, dù đã hơn chục lần mổ và 1 lần ghép giác mạc, nhưng tất cả hoàn toàn vô vọng. Vì thế trong mẹ, chúng con vẫn trẻ mãi ở độ tuổi 30. các cháu của mẹ thì luôn trẻ thơ, dù rằng chúng đã cho mẹ những đứa cháu cố xinh xắn dễ thương như chính ba mẹ chúng...Mẹ yêu tất cả và luôn tự hào rằng: cả xóm Long Vân Tự, không đứa nào đẹp bằng cháu bà Kiệu. Câu nói ấy của mẹ là niềm tự hào của chúng con, vì sự thật cũng gần như thế...
Dù chỉ phân biệt được sáng tối, nhưng trong phòng mẹ, chẳng bao giờ có lấy 1 hạt bụi. Tất cả đều bóng loáng, bởi sự tỉ mẩn của mẹ. Suốt ngày mẹ lau chùi, dọn dẹp và làm đổ vỡ không biết bao nhiêu là ly tách.
Dù chẳng bao giờ xem TV, nhưng tất cả mọi biến động của xã hội, dịch bệnh, thiên tai, mẹ đều vanh vách, bởi chiếc radio của mẹ gần như suốt ngày đêm không nghỉ. 
Mẹ chăm chỉ tập thể dục, vì sợ nếu mẹ mất đi, các con sẽ không còn chỗ đi về...
Mẹ ơi,...làm sao con quên được, làm sao con an lòng, khi chỉ 1 điều duy nhất là về với mẹ mỗi ngày để mẹ có người nói chuyện, làm sao con yên được khi mẹ lúc nào cũng lo lắng cho sự vất vả của con, làm sao con yên được khi con còn tất tả ngược xuôi...
Chữ hiếu con vẫn chưa tròn. Mẹ ơi...

MẸ

MẸ



Gần đến ngày giỗ mẹ, lòng con xốn xang.
Nhớ mẹ, nhớ lời ru vềi những chú mèo mà con rất yêu: chị ơi em có con mèo,...rồi con mèo mày trèo cây cau... và cả bài hát Dư âm, Ngậm ngùi, để giờ vẫn còn đọng mãi trong con. Nhớ cả cảm giác mát lạnh khi con gối đầu và ôm chân mẹ mỗi khi mẹ kể chuyện đời xưa...

Mẹ đi rồi, con như gà con lạc mẹ, táo tác hơn cả tháng trời trong thảng thốt. Giờ nghĩ lại, con vẫn thảng thốt, nghẹn ngào. Mẹ ơi...

Đêm nay con lại đi Nha Trang, việc vẫn chưa xong mẹ ạ.

Ba má con thì đang ở Biên Hòa với vợ chồng Trinh để chữa bệnh cho má. Má con nay cũng như ngọn đèn hiu hắt, ba con thì đỡ hơn chút, nhưng không tinh anh như ba mình trước khi ra đi. Anh Thành con vừa ở quê lên, báo tin dượng Năm con cũng yếu lắm rồi. Cô Năm vẫn gầy gò, với vốc thuốc sau mỗi bữa ăn. Năm nay ruộng nhà không cho thuê nữa mà cùng hùn với họ để làm, nên "công tử Bạc Liêu" của ba da bắt đầu xạm nắng...

http://phuthuygaodua.vnweblogs.com/post/14438/301984

Thứ Bảy, 23 tháng 3, 2013

BÀI CŨ UP LÊN

BÀI CŨ UP LÊN
Hình ảnh: BÀI CŨ UP LÊN      


Ngày 20/10/ 2009, vừa tròn 486 tháng, tức 40 năm 6 tháng, kể từ ngày tôi thoát ly gia đình tham gia cách mạng. Cái ngày mà mẹ phải bế cậu em trai Út của tôi sang nhà hàng xóm để không nhìn thấy ba chở tôi đi...

Hồn nhiên vô tư, tôi sang nhà thím Sáu chào mẹ và hôn em. Thấy mắt mẹ đỏ hoe ngấn lệ, tôi vội vã chạy đi mà nào biết phía trước mình là bom đạn và chia xa không biết ngày gặp lại...
        Lúc đó, tôi chỉ được biết mình sang Cam-bốt học 6 tháng thì về (tôi được đưa sang Camphuchia học lớp điện báo viên để trở về Saigon hoạt động. Năm 1970 Ba mẹ ở Saigon bị bắt. Đến năm 1971 thì được đưa ra miền Bắc học). Rồi hơn 6 năm sau tôi mới được gặp lại ba mẹ sau ngày Miền Nam giải phóng.

Từ khách sạn Arcenciel (ở đường Trần Hưng Đạo, Quận 5), tôi tự tin lên xe bus để về Hàng Sanh, nơi tôi được sinh ra và ở tới năm 13 tuổi.

Hơn 6 năm xa Saigon, ngồi trên xe bus nhìn đường xá chẳng chút thân quen, tôi không hình dung được mình đã đến đâu, nếu qua mỗi góc ngã tư tôi không xem tên đường. Cũng những tên đường đó, mà nay sao xa lạ quá,  nhà cửa được xây to hơn, có những nơi nhà mới mọc lên san sát. Cho tới khi lơ xe bảo: Ngã tư Hàng Sanh, có ai xuống không?

Bước xuống xe, tôi ngỡ ngàng không biết mình phải theo đường nào để về nhà. Hỏi thăm người đi đường lối về ngã ba Hàng Sanh. Tôi tự tin thả bộ về nhà. Ngã ba Hàng Sanh không còn trại cưa Nguyễn Văn Nho mà thay vào đó là những bảng hiệu "cờ tây", "A, nó đây rồi!" ,  " nai đồng quê",... (đó là tên những quán bán thịt cầy)Đại lộ Bạch Đằng, con đường mà 6 năm về trước còn nhiều nhà tôn vách ván, nay đã trù phú hơn với những căn nhà xây san sát. Đi chưa được trăm mét thì trời bỗng đổ mưa. Bước vội vào 1 hiên nhà, ngắm đường phố qua cơn mưa bóng mây mà lòng bồi hồi xao động. Chỉ còn vài trăm mét nữa thôi, tôi sẽ được ngả vào lòng mẹ sung sướng. Cảm giác nôn nao cứ dâng lên dồn dập, đến tôi không thể thở được nữa. Chưa đầy 5 phút mưa vừa ngớt hạt, vậy mà tôi có cảm giác như rất lâu rồi vậy. Mưa lâm râm, tôi vội bước xuống đường, mà chân như muốn lạc trên không.

-          Mẹ ơi, mở cửa cho con!

-          Phú đấy hả con? Giọng mẹ vọng ra

-          Dạ con Thanh đây! (Kim Thanh là tên cha mẹ đặt)

-          Ông ơi cái Thanh nó về này! Cuống quýt, ba mẹ tôi từ trong nhà vội bước ra. Mẹ không thể mở nổi chốt cửa mà hằng ngày chỉ cần ấn nhẹ là cửa đã tự động mở.

-          Ông ơi, mở cửa cho con này! Mẹ luống cuống bảo ba. Ba bước tới ấn nhẹ vào chốt khóa, cửa được mở và tôi ôm choàng lấy mẹ. Mẹ ôm tôi vào lòng cuống quýt giọng lạc đi trong nước mắt

-          Con về đấy à? Sao con về mà không báo để ba mẹ đi đón?

-          Dạ, tụi con đi tàu biển về đến cảng Nhà Rồng trưa hôm qua, nhưng phải về tập trung ở khách sạn, nên hôm nay mới xin phép về nhà được.

-          Ôi con gái của tôi! Mẹ đưa tôi vào ngồi xuống bộ salon và vén tóc tôi lên để nhìn cho rõ mặt. Con đã lớn thế này rồi!

Ba nhìn tôi lặng lẽ, không nói lời nào.

Những phút giấy ấy mới thiêng liêng làm sao, những phút giây mà hơn 6 năm trời tôi mong có được, những phút giây mà những năm tháng xa nhà ấy, chúng tôi không biết bao giờ mình mới có.

Tôi hỏi mẹ về các chị và các em tôi. Mẹ lặng đi trong nước mắt, nghẹn ngào nói về cái chết của cậu em trai kế tôi do còn tranh tối tranh sáng của 20 ngày sau giải phóng. Các chị tôi đều đã trở về đơn vị, em trai thứ hai ra Vũng tàu thăm cậu em Út mới 10 tuổi của tôi đang học trường thiếu sinh quân...

Kể cho mẹ nghe những ngày lênh đênh trên biển, tôi say sóng nằm liệt không biết ngày đêm. Chỉ biết có lúc bạn bè lay gọi: Trúc Phương! Trúc Phương! (Trúc Phương là tên trong kháng chiến được đặt lại theo yêu cầu của công tác bí mật thời ấy)Tôi chỉ mở được mắt nhìn và lại lịm đi với loáng thoáng câu nói: Làm sao cho nó ăn đây? Cho đến khi tàu thả neo ở Vũng Tàu 1 đêm chờ hoa tiêu dắt vào Saigon, tôi mới hồi tỉnh và nôn thốc tháo toàn mật đắng khi ngửi thấy mùi mì tôm. Các bạn xót xa cho tôi mấy ngày không ăn uống được gì, nhưng không thể làm sao được, vì trên tàu cũng chẳng có gì để ăn, nên đã xin chút đường pha cho tôi ly trà đường uống tạm...

Chiều hôm đó, chị tôi từ đơn vị về và chở tôi đến chỗ tập trung xin cho tôi được về nhà. Mấy hôm sau, đang lơ mơ nghỉ trưa ở phòng khách, nghe giọng mẹ thì thầm với ba: Ông này, mắt ông sáng, ông ra xem có phải cái Thanh nhà mình không? Cái Thanh nhà mình có nốt ruồi dưới mi mắt ấy.

Ngạc nhiên, ba nói: Bà này lạ thật, không con mình chứ con ai?

Mẹ lại nói: Sao cái Thanh nhà mình, ngày còn bé ở nhà nói tiếng Bắc mà sao bây giờ ra Bắc về lại nói tiếng Nam.

Chao ơi! Hèn gì mấy hôm nay, mỗi khi nói chuyện, mẹ nhìn tôi rất chăm chú, để xem có cái nốt ruồi dưới mi mắt không, nhưng do thị lự kém sau nhiều lần phải mổ do chứng glocom (cườm nước), nên dù có cố thế nào mẹ vẫn không thể nhìn thấy được, vì khi nói chuyện với mẹ, lúc nào tôi cũng tít mắt cười. Đôi mắt mà ngày xưa mẹ vẫn thường mắng yêu tôi: cười mắt cứ tít, lại còn có đuôi thế này thì sau này chỉ chết trai thôi con ạ!...
________________

Lục lại hình mình, chợt thấy ảnh cùng với con gái yêu đi họp mặt đơn vị, bèn giở ra đọc. Thấy kèm bài viết này cách đây gần 4 năm, nhân ngày Phụ nữ Việt Nam. Bèn copy cho vào đây. Hình này con gái chụp sau khi hết bệnh được vài tháng, nên tóc chưa mọc dài.


Ngày 20/10/ 2009, vừa tròn 486 tháng, tức 40 năm 6 tháng, kể từ ngày tôi thoát ly gia đình tham gia cách mạng. Cái ngày mà mẹ phải bế cậu em trai Út của tôi sang nhà hàng xóm để không nhìn thấy ba chở tôi đi...

Hồn nhiên vô tư, tôi sang nhà thím Sáu chào mẹ và hôn em. Thấy mắt mẹ đỏ hoe ngấn lệ, tôi vội vã chạy đi mà nào biết phía trước mình là bom đạn và chia xa không biết ngày gặp lại...
Lúc đó, tôi chỉ được biết mình sang Cam-bốt học 6 tháng thì về (tôi được đưa sang Camphuchia học lớp điện báo viên để trở về Saigon hoạt động. Năm 1970 Ba mẹ ở Saigon bị bắt. Đến năm 1971 thì được đưa ra miền Bắc học). Rồi hơn 6 năm sau tôi mới được gặp lại ba mẹ sau ngày Miền Nam giải phóng.

Từ khách sạn Arcenciel (ở đường Trần Hưng Đạo, Quận 5), tôi tự tin lên xe bus để về Hàng Sanh, nơi tôi được sinh ra và ở tới năm 13 tuổi.

Hơn 6 năm xa Saigon, ngồi trên xe bus nhìn đường xá chẳng chút thân quen, tôi không hình dung được mình đã đến đâu, nếu qua mỗi góc ngã tư tôi không xem tên đường. Cũng những tên đường đó, mà nay sao xa lạ quá, nhà cửa được xây to hơn, có những nơi nhà mới mọc lên san sát. Cho tới khi lơ xe bảo: Ngã tư Hàng Sanh, có ai xuống không?

Bước xuống xe, tôi ngỡ ngàng không biết mình phải theo đường nào để về nhà. Hỏi thăm người đi đường lối về ngã ba Hàng Sanh. Tôi tự tin thả bộ về nhà. Ngã ba Hàng Sanh không còn trại cưa Nguyễn Văn Nho mà thay vào đó là những bảng hiệu "cờ tây", "A, nó đây rồi!" , " nai đồng quê",... (đó là tên những quán bán thịt cầy)Đại lộ Bạch Đằng, con đường mà 6 năm về trước còn nhiều nhà tôn vách ván, nay đã trù phú hơn với những căn nhà xây san sát. Đi chưa được trăm mét thì trời bỗng đổ mưa. Bước vội vào 1 hiên nhà, ngắm đường phố qua cơn mưa bóng mây mà lòng bồi hồi xao động. Chỉ còn vài trăm mét nữa thôi, tôi sẽ được ngả vào lòng mẹ sung sướng. Cảm giác nôn nao cứ dâng lên dồn dập, đến tôi không thể thở được nữa. Chưa đầy 5 phút mưa vừa ngớt hạt, vậy mà tôi có cảm giác như rất lâu rồi vậy. Mưa lâm râm, tôi vội bước xuống đường, mà chân như muốn lạc trên không.

- Mẹ ơi, mở cửa cho con!

- Phú đấy hả con? Giọng mẹ vọng ra

- Dạ con Thanh đây! (Kim Thanh là tên cha mẹ đặt)

- Ông ơi cái Thanh nó về này! Cuống quýt, ba mẹ tôi từ trong nhà vội bước ra. Mẹ không thể mở nổi chốt cửa mà hằng ngày chỉ cần ấn nhẹ là cửa đã tự động mở.

- Ông ơi, mở cửa cho con này! Mẹ luống cuống bảo ba. Ba bước tới ấn nhẹ vào chốt khóa, cửa được mở và tôi ôm choàng lấy mẹ. Mẹ ôm tôi vào lòng cuống quýt giọng lạc đi trong nước mắt

- Con về đấy à? Sao con về mà không báo để ba mẹ đi đón?

- Dạ, tụi con đi tàu biển về đến cảng Nhà Rồng trưa hôm qua, nhưng phải về tập trung ở khách sạn, nên hôm nay mới xin phép về nhà được.

- Ôi con gái của tôi! Mẹ đưa tôi vào ngồi xuống bộ salon và vén tóc tôi lên để nhìn cho rõ mặt. Con đã lớn thế này rồi!

Ba nhìn tôi lặng lẽ, không nói lời nào.

Những phút giấy ấy mới thiêng liêng làm sao, những phút giây mà hơn 6 năm trời tôi mong có được, những phút giây mà những năm tháng xa nhà ấy, chúng tôi không biết bao giờ mình mới có.

Tôi hỏi mẹ về các chị và các em tôi. Mẹ lặng đi trong nước mắt, nghẹn ngào nói về cái chết của cậu em trai kế tôi do còn tranh tối tranh sáng của 20 ngày sau giải phóng. Các chị tôi đều đã trở về đơn vị, em trai thứ hai ra Vũng tàu thăm cậu em Út mới 10 tuổi của tôi đang học trường thiếu sinh quân...

Kể cho mẹ nghe những ngày lênh đênh trên biển, tôi say sóng nằm liệt không biết ngày đêm. Chỉ biết có lúc bạn bè lay gọi: Trúc Phương! Trúc Phương! (Trúc Phương là tên trong kháng chiến được đặt lại theo yêu cầu của công tác bí mật thời ấy)Tôi chỉ mở được mắt nhìn và lại lịm đi với loáng thoáng câu nói: Làm sao cho nó ăn đây? Cho đến khi tàu thả neo ở Vũng Tàu 1 đêm chờ hoa tiêu dắt vào Saigon, tôi mới hồi tỉnh và nôn thốc tháo toàn mật đắng khi ngửi thấy mùi mì tôm. Các bạn xót xa cho tôi mấy ngày không ăn uống được gì, nhưng không thể làm sao được, vì trên tàu cũng chẳng có gì để ăn, nên đã xin chút đường pha cho tôi ly trà đường uống tạm...

Chiều hôm đó, chị tôi từ đơn vị về và chở tôi đến chỗ tập trung xin cho tôi được về nhà. Mấy hôm sau, đang lơ mơ nghỉ trưa ở phòng khách, nghe giọng mẹ thì thầm với ba: Ông này, mắt ông sáng, ông ra xem có phải cái Thanh nhà mình không? Cái Thanh nhà mình có nốt ruồi dưới mi mắt ấy.

Ngạc nhiên, ba nói: Bà này lạ thật, không con mình chứ con ai?

Mẹ lại nói: Sao cái Thanh nhà mình, ngày còn bé ở nhà nói tiếng Bắc mà sao bây giờ ra Bắc về lại nói tiếng Nam.

Chao ơi! Hèn gì mấy hôm nay, mỗi khi nói chuyện, mẹ nhìn tôi rất chăm chú, để xem có cái nốt ruồi dưới mi mắt không, nhưng do thị lự kém sau nhiều lần phải mổ do chứng glocom (cườm nước), nên dù có cố thế nào mẹ vẫn không thể nhìn thấy được, vì khi nói chuyện với mẹ, lúc nào tôi cũng tít mắt cười. Đôi mắt mà ngày xưa mẹ vẫn thường mắng yêu tôi: cười mắt cứ tít, lại còn có đuôi thế này thì sau này chỉ chết trai thôi con ạ!...
________________

Lục lại hình mình, chợt thấy ảnh cùng với con gái yêu đi họp mặt đơn vị, bèn giở ra đọc. Thấy kèm bài viết này cách đây gần 4 năm, nhân ngày Phụ nữ Việt Nam. Bèn copy cho vào đây. Hình này con gái chụp sau khi hết bệnh được vài tháng, nên tóc chưa mọc dài.

Thứ Hai, 18 tháng 3, 2013

VÀ ĐÓ LÀ EM


 Hình ảnh: thơ em 
không đam mê
không đăm đắm
không khắc khoải
nhạt tình

đời em
trăn trở
vùi mình
mưu sinh
tất bật

quấn lấy em
cô độc
mệt nhoài


VÀ ĐÓ LÀ EM


thơ em


không đam mê


không đăm đắm


không khắc khoải


nhạt tình




đời em


trăn trở


vùi mình


mưu sinh


tất bật




quấn lấy em


cô độc


mệt nhoài

Thứ Năm, 28 tháng 2, 2013

Mời xem VTV9

Mời các anh chị và các em mình trưa mai (thứ sáu: 11 giờ mở TV bắt đài VTV9, chương trình Tôi, người Việt Nam về "Người đánh thức gáo dừa".
Bạn mô giỏi vi tính, xin chép lại link "tặng" mình để lưu mần kỷ niệm.
Cám ơn nhiều nhiều.

Giỗ tổ NGHỀ TÓC


Vợ chồng cậu em Út đứng giữa
Mai (20 tháng Giêng), giỗ tổ Nghề tóc. E dâu Út mình là nhà tạo mẫu tóc nổi tiếng Mylien Mymy đồng chủ trò của ngày mai tại nhà hàng Sinh Đôi. Em vừa sáng tác ca khúc "Tôi và tóc", hôm qua ghé sang em để "tút" lại "nhơn séc", em hào hứng kể và cho mình nghe bài hát trên. Gia điệu vui, trẻ trung, nhí nhảnh, lời cũng tuyệt vời không kém.
Em nhỏ hơn mình 1 con giáp nên ở tuổi Mậu thân. Nhà mình có tới 1 bầy khỉ. còn 1 cô cháu tuổi Canh thân hiện là thạc sỹ quản trị bệnh viện đang làm việc tại Mỹ (khoe hàng) Thêm 2 con khỉ nhỏ cháu nội của ông anh và cháu ngoại của bà chị, năm nay được 9 tuổi, nghịch phá và lý sự kinh hồn (chắc giống mình, hihi)
Em về làm dâu nhà mình khi vừa tốt nghiệp 12 (em trai mình có tài cua "gớ" bằng ngón đờn và cái sự im im nhưng đầy hóm hỉnh). Nhập gia tùy tục, về nhà mình đc hơn tháng, ba mình bắt đầu dạy em chích thuốc, chữa bệnh (ba mẹ mình là y tá tư, nổi tiếng 1 vùng). Em cũng mát tay chẳng thua gì mình (cả nhà mình ai cũng có tay phục dược). Được hơn 2 năm thì ba mẹ và mấy chị em, mỗi người 1 ít, góp lại để mở tiệm làm tóc cho em. Lúc đó cơ quan mình đến ủng hộ em rất nhiều. Y như ba, em trai mình đứng đằng sau vợ, lo hết mọi việc về vật tư, thiết bị ngành tóc, em thì như mẹ mình, hồn nhiên, chỉ biết làm, gom tiền đưa chồng để lên kế hoạch tương lai.
Em trai mình được cái rất cẩn trọng trong đầu tư làm ăn, nên tính đâu thắng đó. Em dâu thì đạt ngay giải cây kéo vàng đầu tiên của Việt Nam, nên công việc ngày càng phát triển. Nay "tiệm" tóc của em được hãng L'oreal đầu tư độc quyền và là "tiệm" tóc đầu tiên của Việt nam đạt chuẩn quốc tế.


P/s: Ngày xưa, nghề tóc chỉ đủ sống. Nay ai có nghề giỏi cũng khá hơn nhiều. Vợ chồng em Út mình "trai tài, gái cũng tài luôn", nên đã đầu tư tài chính vào Mỹ. Em dâu và các cháu chuẩn bị qua Mỹ, nhưng không định cư, chủ yếu cho các cháu học hành, nên phải nhập quốc tịch Mỹ. Em trai thì kiểu mô cũng không đi, vì nó có quá nhiều cơ hội làm ăn ở Việt Nam với cái đầu lạnh ngắt.


Thứ Tư, 27 tháng 2, 2013

NGÀY THẦY THUỐC VIỆT NAM

Ba mẹ mình đều là y tá, nổi tiếng 1 thời khắp vùng nhờ mát tay và lòng nhân hậu.
Chị Hai mình là bác sỹ, đã có lần lên báo nhờ có chương trình cai nghiện tại gia, nhưng giờ thì khách khứa vắng òm, vì tối ngày đi khám từ thiện, chẳng màng tới lợi danh.
Chị Ba mình thì có nhà thuốc tây, nhìn vào khách lưa thưa, nhưng nhân viên không bao giờ được nghỉ, bởi cứ người này ra thì người khác vào, đủ để 3 nàng dược tá loay hoay cả ngày. Nhà thuốc của chị được các hãng dược phẩm cho vào danh sách "đỏ" và được chăm sóc thường xuyên (mình có bạn  làm trình dược viên nói thía). Bởi ngoài chức danh dược sỹ, chị còn là 1 bác sỹ thực thụ, bởi chị đã từng suốt thời con gái phụ mẹ chữa bệnh cho mọi người. Cái sự mát tay của chị cũng được mọi người hết sức tín nhiệm. Mọi người nói, chỉ cần ra nhà cô Phú (tên chị mình) là hết bịnh, khỏi đi bác sỹ. Cả nhà mình, ai cũng có tay phục dược. Nhớ ngày mới giải phóng, từ miền Bắc về, thấy mẹ không lúc nào ngơi tay, ba dạy mình chích thuốc và mình cũng đã phụ mẹ chích thuốc và chữa bệnh. Các em bé, chỉ đòi chị Thanh chích thuốc; có chàng, sau mấy ngày vào chích thuốc đã nói mẹ vào đặt vấn đề với mẹ mình để xin tìm hiểu. Mẹ mình thì vui tính lắm, nhưng chuyện này hổng đùa được, nên từ chối ngay, vì sợ mình dang dở chuyện học hành. Thế là từ đó, mẹ hạn chế, không để mình chích thuốc cho các chàng trai nữa.
Giờ có những lúc nằm bệnh viện, thấy mấy cô điều dưỡng chích thuốc cho mọi người, mình hiểu tại sao họ chích đau và vì sao khi mình chích thuốc lại được mọi người thích và khi mình bán thuốc, thì mọi người rất nhanh khỏi bệnh. Ấy là trước tiên, ba mình "giáo huấn" (chả gì ba cũng từng là y tá trưởng của bệnh viện thời Pháp): Trước khi tiêm thuốc cho người bệnh, phải nghĩ mình đang là bệnh nhân, mệt mỏi, đau đớn và con cần gì? Trước tiên là sự cảm thông và ân cần nơi người thầy thuốc, vì thế, khi cầm ống tiêm, con hãy để họ tập trung vào sự ân cần hỏi han của con mà quên rằng họ sắp phải bị tiêm và quan trong hơn là kỹ thuật tiêm. Con phải biết đưa kim vào đúng vị trí để tránh tai nạn nghề nghiệp là làm bệnh nhân bị thọt chân, và đưa kim thế nào để bệnh nhân không có cảm giác đau, hoặc sợ hãi. Khi tiêm thuốc phải tiêm rất chậm, nếu thuốc nào đau, phải biết cách để thuốc vào mà họ không cảm thấy đau đớn. Kỹ thuật tiêm rất quan trọng và quan trọng hơn chính là cái tâm của người thầy thuốc phải không các bạn? Ba mình đã dạy rất nhiều học trò và ai cũng thành đạt. Mình chỉ phụ để mẹ đỡ vất vả, nhưng với sự chỉ dạy của ba, mình hiểu rằng sự ân cần, tận tâm của người thầy thuốc cũng chính là 1 phương thuốc nhiệm màu. Và mình cũng đã làm được điều đó.
Hôm nay ngày Thầy thuốc Việt Nam. Nhớ ba mẹ, nghĩ đến 2 chị, mình viết bài này, để các bạn cùng chia sẻ với mình. Một thầy thuốc không chuyên trong 1 gia đình thầy thuốc chuyên nghiệp.

P/S: Ba dạy mình cả cách cầm ống cặp nhiệt cho vào nách bệnh nhân như thế nào, cả cách vẩy ống cặp nhiệt ra sao. Giờ thấy kỹ năng chuyên môn của các cô điều dưỡng kém quá, từ cách vẩy ống cặp nhiệt, nhất là kỹ thuật tiêm. Có lẽ họ không được dạy tính ân cần, tận tâm trong y đức... Buồn!

Thứ Ba, 26 tháng 2, 2013


HƯƠNG CÀ PHÊ – HƯƠNG ĐỜI

HƯƠNG CÀ PHÊ – HƯƠNG ĐỜI

    
      (Nhà thơ - nhà thư pháp Trụ Vũ rất uyên bác và lịch duyệt, PTGD đứng cạnh ông)

Cảm nhận đầu tiên của tôi khi được nhìn bản thảo tập thơ Hương Cà phê của bác Trụ Vũ, ấy là sự chăm chút hết sức cẩn thận về hình dáng bên ngoài qua gam màu mận chin thật dung dị với những vân màu đậm nhạt. Thong thả lât giở từng trang, bác đọc cho tôi nghe từng bài thơ một. Tôi thực sự choáng ngợp bởi những dòng thư pháp như hương cà phê đang tỏa lên thơm lựng từ những tách cà phê đậm nhạt vị đời. Bằng giọng đọc truyền cảm và lắng đọng, bác chầm chậm dắt tôi vào giữa cuộc đời thăng trầm, nhưng rất thú vị qua những bài thơ mà theo bác là “nhỏ” nhưng tròn đầy triết lý.
Từng giọt đen
Từng giọt đen
Đời mình
Với Trụ Vũ, “từng giọt đen” này là gì (?!), để khi rơi vào cuộc đời đã  “Vùng vẫy/ Biển hư vô”. Và rồi  kết tinh lại để thành:
Kim cương đen
Ngời ngời
Thơm chảo lửa
Có phải chăng chảo lửa của Trụ Vũ ở đây chính là cuộc đời mà trong  “Mọi cái có/ Đều không/ Và ngược lại” để qua chảo lửa ấy “Giọt cà phê/ Vô ngại”.
Nghe thơ Trụ Vũ, tôi không thể không ngừng suy ngẫm, bởi mỗi giọt cà phê của ông chính là mỗi giọt đời đọng lại “Giữa đôi bờ/ Không sắc” giọt cà phê biết “Đứng lại/ Giữa đường rơi” để “Kê vầng trán/Lên sợi cà phê/ Đắng”. Vị đắng của cà phê mà ông nói lên ở đây là gì? Có phải chăng đấy chính là hương vị cuộc đời của những người từng trải? Từ cái vị đắng ấy của cuộc đời, đã tạo nên sắc thái riêng của Trụ Vũ để rồi:
Giọt cà phê
Long lanh
Tròn nhật nguyệt
Và trong những “giọt” đời không ngừng suy ngẫm và trải nghiệm ấy, thì: “Tách cà phê/ San sẻ/ Vị thăng trầm”. Vâng, khi những giọt đời rơi vào cùng một chốn, chúng sẽ hòa quyện cùng nhau bằng sự chia sẻ cảm thông để cùng tỏa hương. Những “giọt” đời ấy, đâu chỉ là những thăng trầm của cuộc sống, mà nó còn có cả “Đợi em/ Từ bao kiếp/ Giọt tri âm”
“Giọt cà phê” của Trụ Vũ còn là “Sợi tóc/ Ngát hương em”.  Em của Trụ Vũ ở đây là ai? Có phải là một nửa thế giới đã làm điêu đứng bao tâm hồn “Em nồng nàn/ Tỏa đắng/ Giọt cà phê” hay Trụ Vũ xem “giọt cà phê” như người bạn tri kỷ, tri âm để “Em nằm đó/ Hiện thân đời/ Giọt đắng ơi”…
Qua 99 bài thơ “nhỏ”, tập thơ Hương cà phê với bút pháp tự do, ngôn từ mộc mạc, Trụ Vũ đã nhấn nhá từng câu chữ  như những lời trần tình với cuộc đời bằng chính sự thâm trầm của mình. Và tuy không hiểu nhiều về Phật pháp, nhưng từ tập thơ này, tôi cảm nhận được sự sâu xa của triết lý nhà Phật, của sự giải thoát bởi sự vô hình tướng “Giọt cà phê/ Vô tướng/ Đức Mầu ni” cùng  “ Giữa đôi bờ/Không sắc/ Giọt cà phê”. Và hơn hết, tôi có được bài học ở cuộc đời, chính là:
Giọt cà phê
Đứng lại
Giữa đường rơi…
Cảm ơn Bác Trụ Vũ, nhà thơ, nhà thư pháp đã để lại cho đời một tập thơ rất đẹp về cả nội dung lẫn hình thức mà khi đọc qua, không ai không khỏi lắng lại để thưởng thức, suy ngẫm và cảm nhận…

* Tập thơ được ra mắt tại nhà riêng của Giáo sư - Tiến sỹ Trần Văn Khê


Thứ Tư, 23 tháng 1, 2013

EM

Em có cái tên nghe thảm, nhưng vào thăm nhà cũng như khi em ghé thăm ai đó, em đều tếu táo, trêu chọc mọi người thiệt là vui.
Ngày xưa, thấy tên em và tính cách em chẳng có gì giống nhau, tôi chán không muốn vào, vì tính tôi vốn dĩ ghét điều giả dối.
Tuy nhiên, khi ghé thăm các nhà, thấy em tếu, hóm hỉnh, dễ thương, hết trêu ghẹo người này đến người khác, tôi bắt đầu có cảm tình với em. Vì thế, cái tên và sự thể hiện tính cách của em không còn là điều tôi quan tâm nữa. 
Nghe tôi ra NT, từ phương xa em gọi điện về, nói hoài không hết chuyện. Tôi cảm động lắm.
Công việc lu bù, tôi ít có thời gian vào blog để viết lách và thăm ai. Qua điện thoại vẫn thấy mail báo có tin của em, không vào blog, tôi đọc tin nhắn của em qua mail. Em chăm chỉ thăm hỏi tôi, lo lắng khi tôi gặp tai nạn, nhưng do bận rộn, tôi vẫn không thể vào blog để cám ơn em.
Sự chân tình và tính liến lắc của em làm tôi có cảm giác cứ mắc nợ em hoài lời cám ơn, cái ôm thiệt chặt cùng nụ hôn trìu mến

Chủ Nhật, 20 tháng 1, 2013

BẠN TÔI

Bạn mình thật đa đoan. Sự đa đoan này xuất phát từ tình yêu thương và chân tình đến với mọi người.
Mình không được như bạn, không siêng năng như bạn, không rông lượng như bạn, không tân tụy như bạn, nên mình hết sức nề phục tính cách của bạn.
Bạn hồn nhiên trong mọi cuộc chơi và luôn đùa vui tếu táo. Mình thì phần lớn chỉ lắng nghe và ngắm nhìn  bạn. Bạn có rất nhiều, nhưng không phải tất cả. Bạn có những gì người khác ao ước, ấy là xinh đẹp, ấy là tài năng, ấy là nhiệt thành, ấy là nhà cửa khang trang, ấy là những đứa con trai tuy chưa thật hoàn hảo, nhưng rất yêu mẹ và ngoan ngoãn, và hơn hết là đức hi sinh và sự thẳng thắn của bạn.
Mình yêu quý và nể phục bạn lắm, bạn có hiểu?

Thứ Năm, 17 tháng 1, 2013


Mỗi lần vào nhà "nó" là tim mình lại nhói lên. Chỉ có nơi đây, "nó" mới bộc lộ mình, chỉ có nơi đây "nó" mới nói lên được khát khao bị nỗi cô đơn giằng xé.
Viết ra được là tốt, nói ra được là tốt, để nhẹ lòng "nó" nghe!
Thương em lắm!

TÌM VỀ NGUỒN GỐC TÊN GỌI Ô CHỢ DỪA NHÂN ĐẠI LỄ NGÀN NĂM


TÌM VỀ NGUỒN GỐC TÊN GỌI Ô CHỢ DỪA
NHÂN ĐẠI LỄ NGÀN NĂM
                                                                                              
Đồng hành cùng cả nước đón mừng đại lễ Ngàn năm Thăng Long, thủ đô Hà Nội đang gấp rút hoàn thành những công trình văn hoá, lịch sử.....trong đó có việc lập lại 5 cửa Ô. Ban Văn hóa - Du lịch của Hiệp hội dừa Việt Nam xin góp thêm phần tư liệu về địa danh Ô Chợ Dừa nhân Đại lễ Ngàn NămThăng Long.
Lần theo lịch sử, khảo cứu, được biết và hiểu thêm bao điều về  Hà Nội xưa với những biến đổi thăng trầm của La Thành, Hoàng thành Thăng Long , 5 cửa Ô . Đặc biệt tên  Ô Chợ Dừa, một cái tên rất dân dã nhưng cũng đầy kỳ thú. 
Theo Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ Toàn Thư Quyển II, Kỷ Nhà Lý, trước khi có 2 chữ cửa ô thì Thăng Long thành (hoàng thành) được xây dựng và mở ra 4 cửa theo 4 hướng:
1.     Đông là cửa Tường Phù
2.     Tây là cửa Quảng Phúc
3.     Nam là cửa Đại Hưng
4.     Bắc là cửa Diệu Đức.
    Tư liệu của bộ Văn Hóa, Thể Thao và Du lịch, từ nguồn   http://www.cinet.gov.vn/sukienVH/hoangthanh/hoangthanh.htm#coinguon, ngoài hoàng thành còn có lớp thành khác ấy là thành Đại La vừa là đê bao ngăn lũ, vừa để bảo vệ cho Hoàng thành, thành Đại La có 5 cửa:
1.     Triều Đông (dốc Hòe Nhai)
2.     Tây Dương (Cầu Giấy)
3.     Trường Quảng (Ô Chợ Dừa)
4.     Cửa Nam (Ô Cầu Dền)
5.     Vạn Xuân (Ô Đống Mác)
 Các cửa này chính là lối ra vào thành, có vọng gác, chốt chặn để kiểm soát, thu thuế và bảo vệ cuộc sống trong thành.
Thời Nguyễn, theo một số sách cũ để lại có đến 16 cửa ô được xây dựng vào đời Lê Hiển Tông (1740 - 1786) và phần lớn đều được xây bằng gạch rất chắc. Hầu hết các cửa ô đều thông ra sông Hồng và sông Tô Lịch: ở phía tây có 2 cửa, phía nam có 3 cửa, ra sông Hồng có 11 cửa.
Vào thời đó đường giao thông nối Thăng Long với các vùng khác chủ yếu là đường sông, vì thế dọc theo sông Hồng có nhiều bến bãi, phố xá đông đúc, buôn bán sầm uất. Các cửa ô được thay đổi tên gọi cũng như vị trí hoặc có khi hủy bỏ cho phù hợp với hoàn cảnh thực tế của từng thời kỳ phát triển của đất nước. Cho đến sau cách mạng Tháng Tám thì Hà Nội “còn lại” 5 cửa ô qua bài hát “Tiến về Hà Nội” của Văn Cao và bài “Người Hà Nội” của Nguyễn Đình Thi. Và cho đến bây giờ thì Hà Nội chỉ còn xót lại mỗi Ô Quan Chưởng là có dấu tích hình hài, còn lại chỉ là những địa danh: Cầu Dền, Cầu Giấy, Đống Mác, Chợ Dừa.
Sau khi lên ngôi vua, Lý Công Uẩn sáng lập vương triều Lý từ năm 1009. Tháng 7 năm 1010, nhà vua cho dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La và đổi tên là Thăng Long. Ngay sau đó, nhà vua đã khẩn trương cho xây dựng một số cung điện làm nơi ở và làm việc của vua, triều đình và hoàng gia, nên chỉ trong vòng vài tháng, đến cuối năm 1010 thì đã hoàn thành 8 điện 3 cung. Trong năm đầu tiên, một vòng thành bao quanh các cung điện cũng được xây đắp xong, gọi là Long Thành hay Phượng Thành và những năm sau, một số cung điện và chùa tháp cũng được xây dựng thêm.
Phía ngoài, cùng với một số cung điện và chùa tháp là khu vực cư trú, buôn bán, làm ăn của dân chúng gồm các bến chợ, phố phường và thôn trại nông nghiệp. Đó chính là Hoàng Thành (theo cách gọi phổ biến về sau này).
Qua các biến cố lịch sử, kinh thành có nhiều thay đổi và chuyển dời. Đến nửa cuối thế kỷ XIX, Pháp phá thành Hà Nội xây “khu phố Tây”, khu nhà binh Pháp, sân vận động Mangin (nay là Trung tâm Thể dục thể thao quân đội), nên hầu như tất cả khu vực hoàng thành đều bị phá hủy. Cho đến ngày nay thì đây cũng chính là thủ đô của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.
La thành là một phần không thể tách rời của hoàng thành Thăng Long, bởi La thành còn chính là vòng thành bảo vệ và cũng chính là con đê ngăn lũ cho hoàng thành.
Lần lại lịch sử, từ giữa thế kỷ V (454 - 456) nơi đây đã hình thành thị trấn huyện lị Tống Bình do đế quốc phương Bắc thời Lưu Tống đặt ra.
Tiến sĩ Nguyễn Việt - Giám đốc Trung tâm tiền sử Đông Nam Á có nói:
Sau khi đánh đuổi quân Lương vào thế kỷ thứ VI, Lý Bí xưng đế, lập nước Vạn Xuân, khẳng định một vương quốc tự chủ, cho xây thành bằng tre gỗ ở cửa sông Tô Lịch. Đây là lũy thành quân sự được Lý Nam Đế xây dựng từ trước. Và sau khi thất trận ở Chu Diên (vùng Hưng Yên, Hà Nam), quân đội nước Vạn Xuân đã rút về cố thủ tại đây. Chúng ta chưa có nhiều bằng chứng để khẳng định lũy thành này là kinh đô của nước Vạn Xuân đương thời. Thế nhưng, triều đình nước Vạn Xuân đã có hoạt động dày đặc ở vùng quanh Hà Nội ngày nay như Long Biên, Ô Diên, Dạ Trạch… 
Theo Đại Việt Sử ký ngoại kỷ toàn thư của Ngô Sỹ Liên Quyển IV, trang Kỷ nhà Tiền Lý (nguồn http://www.informatik.uni-ipzig.de/~duc/sach/dvsktt/dvsktt04.html):
Vua họ Lý, tên húy là Bí , người Thái Bình [phủ] Long Hưng. Tổ tiên là người Bắc, cuối thời Tây Hán khổ về việc đánh dẹp, mới tránh sang ở đất phương Nam, được 7 đời thì thành người Nam. Vua có tài văn võ, trước làm quan với nhà Lương, gặp loạn, trở về Thái Bình. Bấy giờ bọn thú lệnh tàn bạo hà khắc, Lâm Ấp cướp phá ngoài biên, vua dấy binh đánh đuổi được, xưng là Nam Đế, đặt quốc hiệu là Vạn Xuân, đóng đô ở Long Biên
Từ đây ta thấy Lý Nam Đế đã có tầm nhìn chiến lược về vị trí của Thăng Long thành từ giữa thế kỷ thứ VI.
Cũng theo Đại Việt ngoại kỷ toàn thư, quyển IV, kỷ nhà Tiền Lý: Quý Hợi, năm thứ 3 [543], (Lương Đại Đồng năm thứ 9). Mùa hạ, tháng 4, vua Lâm Ấp cướp quận Nhật Nam, vua sai tướng là Phạm Tu đánh tan ở Cửu Đức.
Sau khi chiến thắng quân Lâm Ấp, Phạm Tu đã bắt khoảng 5.000 tù binh Chiêm Thành (gồm cả dân thường) đem về Vạn Xuân. Và nhân lực để xây thành ở cửa sông Tô Lịch không thể nào không có công sức của tù binh Chiêm Thành thời ấy.
Xin nói thêm 1 chút về Vương quốc Champa xưa, còn gọi là Chiêm Thành gồm 2 bộ tộc chính là : Cau và Dừa. Bộ tộc Cau chiếm lĩnh phía Nam và Bộ tộc dừa chiếm lính phía Bắc. Vào giữa thế kỷ thứ II, Vương quốc Champa phát triển hùng mạnh, dưới sự lãnh đạo của Khu Liên, thuộc Bộ tộc Dừa, đã lập nên nhà nước mới với tên gọi là Lâm Ấp. Vì là bộ tộc Dừa, theo tín ngưỡng truyền thống, nên đi bất cứ nơi đâu, người Chăm luôn mang dừa theo để làm lễ vật thờ cúng trời đất, thần linh theo nghi thức của mình. Cụ thể là tại Yên Sở, sau khi đánh tan quân Lâm Ấp, võ tướng Phạm Tu - Lý Phục Man đã đưa rất nhiều tù binh Lâm Ấp (kể cả dân thường) về quê mình, nay cũng còn một số giếng Chăm và nơi đây cũng đã trồng rất nhiều dừa nên có thời gian làng Yên Sở được gọi là làng Dừa.
Và  đây là giả thiết thứ  nhất cho sự xuất hiện của cây dừa  ở Vạn Xuân để hình thành ngôi chợ dưới bóng dừa. Giả thiết này được củng cố bởi tại làng Yên Sở (còn được gọi là làng Giá), huyện Hoài Đức ngoại thành Hà Nội, nay vẫn còn đền thờ của vị tướng này và chính quyền địa phương cũng đang có ý định phục hồi lại cây dừa sau nhiều thăng trầm cùng cơ chế thị trường và sâu bệnh. Ngoài ra đây cũng là nơi có đặc sản bánh gai lá dừa nổi tiếng của Kinh Bắc. Hàng năm cứ vào ngày mùng 10 tháng Ba là có hội Làng Giá để tưởng nhớ công ơn vị tướng tài này. Đặc biệt Hội Giá có tích nghiềm quân, diễn tả cuộc chiến tranh nhân dân của Tướng công Lý Phục Man - Phạm Tu năm Nhâm Tuất (542).
 Xin trở về địa danh Ô Chợ Dừa.
Tư liệu đầu tiên được tìm thấy về Ô Chợ Dừa chính là:
1.     Ô Thịnh Quang, tên Nôm là Chợ Dừa, sau đổi là Thịnh Hào
2.     Tại cửa ô này có 1 ngôi chợ đươc họp dưới bóng dừa
Ngôi chợ dưới bóng dừa chính là cơ sở để có địa danh tiếng Nôm là Ô Chợ Dừa.
Hãy tiếp tục  lần giở lịch sử để có thêm cái nhìn tổng quan về địa danh này:
Thành Đại La đời Lý mở các cửa: Triều Đông (dốc Hòe Nhai), Tây Dương (Cầu Giấy), Trường Quảng (Ô Chợ Dừa), Cửa Nam (Ô Cầu Dền), Vạn Xuân (Ô Đống Mác). Thành Đại La được bao bọc mặt ngoài bởi ba con sông: sông Nhị, sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu và được tận dụng như những con hào tự nhiên…
Vậy, có thể hiểu 1 cách nôm na: thành Đại La được gia cố và xây dựng lại từ năm 1014 nghĩa là sau 14 năm, từ khi hoàng thành Thăng Long bắt đầu xây dựng và được mở ra 5 cửa. Cửa Trường Quảng chính là nơi có ngôi chợ dưới bóng dừa ấy (khi nhà Lê xây dựng lại Hoàng thành thì các cửa thành lúc ấy được gọi là cửa ô). Vì vậy, ngoài Hán danh là Ô Thịnh Quang, Thịnh Hào còn có 1 cái tên Nôm là Chợ Dừa, do Chợ Dừa đã tồn tại trước đó.
Theo Thượng Kinh ký sự, phần Đến Kinh Thành (đoạn gần cuối) của Hải Thượng Lãn Ông - Lê Hữu Trác viết khi ông được quan Chính Đường (Huy Quận Công Hoàng Đình Bảo) tiến cử lên kinh đô chữa bệnh cho Thế Tử Trịnh Cán (con chúa Trịnh Sâm và Tuyên Phi Đặng Thị Huệ) năm 1782 thì cửa Vũ Quan (Ô Chợ Dừa), được mô tả như sau:
cùng đi theo cửa Vũ Quan, nhắm cửa thành mà vào. Tôi thấy một cái thổ thành không cao lắm, kế bên có một dãy tường nhỏ, trên mặt tuờng ngựa đi được; phía ngoài là hàng rào tre dày đặc, dưới hàng rào có hào sâu, trong hào thả chông, thật là mười phần kiên cố. Ba tầng vọng canh được thiết lập nơi đây, tầng nào cũng có quân lính đứng thành hàng hai bên, đao thương xán lạn, hào quang như tuyết. Lính giữ cửa thấy bọn tôi đi có mang binh khí, xét hỏi thật nghiêm ngặt, đến khi biết rõ đầu mối, lại nhận thấy dấu hiệu áo lính trấn đất Nghệ An, mới để cho đi… 
Và theo nhà Hà Nội học Hoàng Đạo Thúy về quang cảnh ô Chợ Dừa:
…Có những hôm cửa ô Chợ Dừa tấp nập lạ thường. Đó là những ngày triều đình ra quân. Quan tướng nhận chiếu chỉ, lạy từ vua trước sân rồng rồi lên xe. Vua xuống bệ, đặt tay vào lưng xe, đẩy làm phép một cái, gọi là “đẩy xe” để tỏ lòng tin cho quan quân yên tâm đi đánh giặc. Cờ mở, trống dong, các bạn đồng liêu đi tiễn. Tướng ra cửa ô, kéo lá cờ to có chữ họ của mình lên, cửa ô đóng lại. Sau đó, tướng lại “vi hành” về nhà để thu xếp, hôm nào xong xuôi mới trẩy thật. Những hôm có quan đóng như vậy, dân quanh cửa ô đi lại rầm rập, hàng quán bán đắt như tôm tươi. Lại có những hôm quân hồi vô lệnh, giáo mác lỏng chỏng, quân lính mất tăm. Nhân dân rầm rập chen ra khỏi cửa ô.…
Qua những dữ liệu trên, xét về vị trí địa lý thì cửa Trường Quảng (Vũ Quan, Thịnh Quang, Thịnh Hào) Ô Chợ Dừa chiếm 1 vị trí quan trọng trong các cửa Ô, và Đàn Xã Tắc cũng nằm ngoài cửa Trường Quảng - Ô Chợ Dừa. Giáo sư Nguyễn Văn Hảo nguyên Phó viện trưởng Viện Khảo cổ học trả lời trên báo Thanh Niên như sau:
… Đàn xã tắc là một loại đàn tế. Đây là nơi mà hằng năm vua đến hành lễ, tế thần đất và thần ngũ cốc. Theo sách Bạch hổ thông - xã tắc của thời Hán: "Vua phải có đàn xã tắc để cầu phúc và báo công với thiên hạ. Con người không có đất không ở vào đâu được, không có lương thực thì không có cái để ăn. Đất đai lại quá sâu rộng, không thể đi tế lễ khắp nơi, ngũ cốc cũng quá nhiều, không thể tế lễ từng loại, do vậy phải chọn đất để lập xã tôn kính đất đai.
Tắc là tên gọi một loại nông sản lương thực (có sách gọi là cốc tử: túc - thóc) đứng đầu trong hàng trăm loại lương thực, phải lập tắc để tế lễ". Thời xưa người ta coi thần đất và những nơi tế lễ thần là xã. Xã tắc còn được dùng để gọi thay cho quốc gia. Đàn Xã Tắc lập ở chỗ nào có quy định rõ ràng. Theo sách Lễ ký, tế nghĩa thì đàn Xã Tắc phải lập ở bên hữu (phía tây thành), còn nơi thờ tổ tông của vua phải lập ở bên tả (phía đông thành).
Theo Đại Việt sử ký toàn thư thì đàn Xã Tắc thời Lý được lập "ở ngoài cửa Trường Quảng". Cửa Trường Quảng ở đâu thì đến nay chưa rõ! Còn theo Đại Nam nhất thống chí thì đàn Xã Tắc thời Lý được lập "ở địa phận huyện Vĩnh Thuận về phía tây nam tỉnh thành, đắp từ năm Lý Thiên Cảm, Thánh Vũ thứ 5 (1048) nay còn nền cũ ở Thịnh Hào" …
Từ đó ta thấy tầm quan trọng của cửa Trường Quảng (Ô Chợ Dừa) với kinh thành Thăng Long và tại sao Ô Thịnh Quang (Thịnh Hào) lại có tên Nôm là Ô Chợ Dừa.
Những hình ảnh về Hà Nội xưa được đăng rộng rãi trên mạng internet và các trang viết về về Hà Nội đã ghi lại quang cảnh Hà Nội vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, tuy không có bức ảnh nào ghi cụ thể là Ô Chợ Dừa, nhưng những hình ảnh quanh khu vực Hồ Tây, làng Yên Thái (khu vực bên trong thành Đại La) thì thấy dừa được trồng rất nhiều. Có phải chăng sau khi chiến thắng quân Lâm Ấp, ngoài số tù binh được tướng Phạm Tu Lý - Phục Man  đưa về quê mình ở làng Yên Sở thuộc huyện Hoài Đức, thì còn có số khác được đưa về để xây dựng lũy thành Tô Lịch? Và đây cũng là một minh chứng cho sự có mặt của bức Hứng Dừa trong tranh dân gian Đông Hồ khi nói về nét sinh hoạt của dân tộc ta cách nay hơn 500 năm.

Một khu dân cư ở quanh Hồ Tây
làng Yên Thái
và trên 1 số đường xá ở Hà nội xưa cũng thấy thấp thoáng bóng dừa

Một đoạn kè hồ Tây dang dở từ nhiều tháng nay (Ảnh: ANTĐ)
    
Hứng dừa ( tranh Đông Hồ)
Theo tiến sỹ Bá Trung Phụ, hiện đang công tác ở Bảo tàng LS VN tại TP HCM. Trong những di vật được phát hiện tại di chỉ khảo cổ của Hoàng thành Thăng Long có 2 viên ngói khắc chữ Phạn và 1 số di vật khác mang phong cách Chăm. Từ đó, ta có thể nhận định, trong số những nghệ nhân được chọn để  xây dựng Thăng Long thành có cả người Chăm.
Và đây có phải là giả thiết thứ hai về sự hiện diện của cây dừa về ngôi chợ dưới bóng dừa ở cửa Trường Quảng là: đã có một bộ phận người Chăm sinh sống nơi đây trong thời gian Hoàng thành được xây dựng.
Rất tiếc, ngoài Ô Quan Chưởng hiện nay còn hiện hữu, thì hình ảnh và tư liệu xưa về các cửa Ô cũng không có nhiều. Vì vậy, trong khuôn khổ hạn hẹp của 1 tham luận, chúng tôi không thể nói thêm được gì nhiều hơn.

Qua nhiều biến đổi thăng trầm của lịch sử, ngày nay Ô Chợ Dừa chỉ còn là cái tên cổ mà hầu hết moii người đều không biết đến lai lịch của nó. Nhưng với vai trò là một trong những cửa ngõ giao thông chính của thủ đô Hà Nội thì Ô Chợ Dừa vẫn giữ một vị trí quan trọng. Ngoài Đàn Xã Tắc, tại nơi đây hiện tập trung rất nhiều cơ quan nghiên cứu thuộc Bộ Văn hóa, có nhạc viện, có trường viết văn Nguyễn Du, có trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, có Gò Đống Đa, có đình Hào Nam, chùa Xã Đàn linh thiêng và rất nhiều trường đại học quanh đó. Ô Chợ Dừa còn có phố Khâm Thiên, đã từng nổi danh với ‘‘lối hát ả đào’’ và cũng chính là nơi mà đồng bào ta phải chịu nhiều hy sinh mất mát trong chiến dịch 12 ngày đêm mà Đế quốc Mỹ muốn san bằng Hà Nội. Quả thực Ô Chợ Dừa là mảnh đất địa linh nhân kiệt đã chứng kiến bao thăng trầm biến đổi của lịch sử .
Từ những tư liệu lịch sử, những bài viết, lời của các nhà khoa học xã hội có uy tín, chúng tôi hy vọng bài tham luận nhỏ này có thể cho ta ít nhiều hình dung được toàn cảnh ô Chợ Dừa qua những tên gọi khác nhau của từng giai đoạn như : cửa Trường Quảng, cửa Vũ Quan, Ô Thịnh Quang, Ô Thịnh Hào… và tầm quan trọng của cửa ô này trong suốt bề dày lịch sử của dân tộc./.