Trang

Thứ Tư, 18 tháng 7, 2012

MỘT CHUYẾN ĐI CHƠI (tt)



PHAN RANG - THÁP CHÀM
Khoảng 9:30, hai chị em ra bến xe sau khi chào từ biệt cụ Nô và hs Lê Vũ. Hỏi thăm xe đi Phan Rang. Họ nói đúng 10g xe chạy. Vào phòng vé cũng rứa. Không mua vé, quay ra. Là nghĩ, nếu mua vé, nhà xe sẽ mất thêm 1 khoản “hụi chết”. Hổng biết cách nghĩ này của mình đúng hay sai, nhưng thôi kệ, thời buổi khó khăn đỡ cho ai đồng nào hay đồng đó (tư duy đàn bà).
Bịn rịn dặn dò nhau đừng bỏ thêm buổi chợ.
Lên xe, 10:30 xe mới bắt đầu chuyển bánh. Bực mình vì họ nói chắc như bắp mà giây thun tới nửa giờ.
Cô con nuôi nhắn tin liên tục. 12:15 xe cũng tới bến. May mà đã thông báo giờ đến, vậy mà tới nơi, dõi mắt khắp nơi chả thấy nàng đâu. Gọi điện và đứng chờ gần 20ph. Bỏ qua, vì nàng thanh minh phải cắm hoa ở nhà thờ cho buổi lễ Tiếp sức của ngày chủ nhật.
Sau gần 5 tiếng ngồi bờ biển nhâm nhi món mực hấp cuốn bánh tráng, ốc đinh xào dừa và tâm sự, 2 mẹ con đi chợ (Shopping là thú mà mình nghiện từ bé, do mẹ hay cho đi cùng từ cái thuở mà xe ngựa còn lọc cọc trên đường phố Saigon. Tuổi thơ, ôi sao quá nhiều hoài niệm…) Mình thèm đi chợ quê, thèm nét hoang sơ dân dã, nhưng tiếc rằng chợ Phan Rang không phải chợ quê, bởi Phan Rang Tháp Chàm đã lên thành phố chứ không còn là thị trấn đầy nắng gió như mình tưởng tượng về vùng đất Ninh Thuận. Vì đã chiều muộn, nên chỉ vội vào khu chợ đồ khô để sưu tầm khô về cho xã xệ. Xã xệ nhà mình thích tất cả các loại cá khô. Cũng không có gì đặc biệt. Chợt nhớ món gỏi soài cá cơm ở quán Sáu Trình hôm qua. Thế là tìm khô cá cơm. Hỏi ra mới biết đó là cá cơm mờm. Nó nhỏ rí như con ruốc vậy. Mua luôn 1 ký. Phen này xã xệ sẽ được thưởng thức lại “tài” pha chế mà hơn 20 năm rùi được nhượng quyền cho cô giúp việc (nghĩ rứa và “sướng âm ỉ”)
Sau hơn tiếng nghỉ ngơi, lại tắm lần thứ 3 trong ngày để chuẩn bị ra xe về Saigon.  19:30  “bị gậy” đi tìm món bánh căng lót bụng. Mình thích món này, vì nó nhiều kỷ niệm. Đúng như 1 người bạn mình nói: “Bây giờ người ta thường ăn bằng hoài niệm”. Mình là người sống nhiều với hoài niệm, nên đôi khi bước ra đường là mênh mang nỗi nhớ về tuổi thơ, về ký ức… Mỗi góc phố, con đường Saigon, mọi khoảng thời gian trong ngày với mình đều là ký ức, là vui, là buồn, là trăn trở…
Cô con nuôi ăn còn ít hơn mình, nên 2 đĩa bánh căng cố mãi vẫn không hết, đành bỏ mứa. Tiếc, nhưng biết sao.
Ra bến xe, mẹ con lưu luyến…
Cuộc đời là thế, chỉ rất tình cờ mà mình có được nhiều, rất nhiều những cảm xúc, những chân tình, những ấm áp của những người “thân” từ thế giới ảo. Từ đó mới hiểu, hãy sống thật với cảm xúc và mở lòng, ta sẽ nhận được rất nhiều…

Thứ Hai, 2 tháng 7, 2012

MỘT CHUYẾN ĐI CHƠI (tt)



Vừa về tới nhà, “nó” đã mở nhạc. Sao mà giống vậy, người bạn học của mình. Âm nhạc không thể thiếu trong cuộc sống của họ.
4g30, theo hẹn thì có mặt, nhưng phải chăm sóc chút dung nhan “tàn tạ” nên 2 chị em đến quán 6 Trình hơi trễ. Quán 6 Trình nằm bên giòng sông khá thơ mộng (cụ Nô thiệt khéo chọn địa điểm). Các đại gia: hs Lê Vũ (đại diện cho “O”), AQ, Cụ Nô cùng cây đàn ghita đã có mặt tự bao giờ, điều ni khiến mình hết sức cảm động. Rứa nên sau màn chào hỏi, mình gần như “tắt đài”. Lát sau thì đại ca Hotle có mặt với cái áo thun đen mới cáu. Rồi “ẩn sĩ” Cuồng Từ cũng tới. Đại thi hào Phù Vân - Đặng Cước  đến  với một tâm trạng vô cùng thỏa mãn, do trời thương chỉ mưa có mỗi khúc gần nhà, nên không phải đón cháu, lại được duyệt chơi tới mãn chầu. Sau đó thì người đẹp Chanh Rhum (Lan Phương) có mặt.  Bác Trường Linh Giang bận tiếp bạn nên tới sau cùng.
Trước đây, do có dự tính hợp tác với hs Phượng Hồng, thi thoảng anh có kể chuyện về nhóm bạn của  mình. Và họ là đây, nhóm bạn cực kỳ uyên bác với những lứa tuổi, công việc khác nhau, nhưng họ đều có những góc nhìn cuộc đời hết sức thú vị. Nếu không có yahoo blog, tất cả chỉ dừng lại ở chuyện kể của hs Phương Hồng chứ không thể có nổi cuộc gặp mặt này.  Tiếc rằng hôm đó không gặp được đại ca Yên Hồng và anh Hồng Ngọc, vì kẻ Đà Lạt, người Thailand xa tít…
Không khí nóng lên khi “nó” cất tiếng hát bài Buồn. Có bia nên chất giọng càng thêm não nuột: …”Buồn như ly rượu cạn, không còn rượu để say”… Khi đó thì các món ăn cũng từ từ được dọn lên. Mình có tâm hồn ăn uống, nên món gỏi soài cá cơm và món giông xúc bánh tráng được mình quan tâm triệt để. Cụ Nô đàn, nó hát thêm nhiều bài khác. Tuy nhiên, dù gì thì ca hát là căn bệnh cực kỳ dễ lây. Thế là mình “làm” bài Đôi bờ và thêm một số bài hát theo yêu cầu: Cô gái vót chông, Tiếng đàn Ta Lư. Đại thi hào Phù Vân - Đặng Cước thì diễn ngâm mấy bài thơ,… Đến 7 giờ cụ Nô xin cáo lui, do đã có chương trình từ trước, nhưng nào ai dễ dàng từ bỏ cuộc chơi, khi đang lúc cao trào. Hơn nữa, nhạc công mà về rồi thì còn ai đàn cho các ca sĩ này hát? Thế là lần lữa mãi, cũng khoảng gần nửa tiếng sau cụ mới dời nổi gót ngọc trong sự quyến luyến của mọi người. Cuộc vui có lắng lại một chút, sau đó thì Chanh Rhum vừa đàn vừa hát bài chi đó mà mình quên mất (tuổi già là thế đó). Cụ Nô đi rồi ẩn sỹ Cuồng Từ thế chỗ  ngồi cạnh “nó” để gom tụ. Lát sau thì Chanh cũng phải ra về, vì con trai ở nhà đang đói bụng.
“Nó” vẫn làm chủ “sân khấu” với những bài hát rất tâm trạng. Riêng đại ca Hotle thì sướng “âm ỉ” mỗi khi nhìn “nó” hát. Và hình như từ bữa nớ tới nay, đại ca cũng vui hơn, ấm áp hơn thì phải (?!)
Hs Lê Vũ và AQ rất kiệm lời. Ẩn sỹ Cuồng Từ cũng không kém, anh tỏ ý tiếc rằng: ba mình đã sai lầm khi cho mình đi bộ đội, nếu không thì có lẽ con đường học vấn của mình sẽ hanh thông. Mình cũng có nhắc lại, do ba biết các con gái của ba khi lớn không thể không lấy chồng sỹ quan, trong khi các anh trai của mình lại còn đang ở miền Bắc. Mà ba mẹ là biệt động thành, nên không thể nào khác được. Chiến tranh mà!
Sau đó thì AQ hỏi mình 1 câu về quan niệm sống hiện tại: Theo trường phái tự do chủ nghĩa, nên mình chỉ làm những điều mình thích, ấy là làm sao để cống hiến cho đời nhiều hơn. Và mình đang làm điều đó cho dừa. Đang cố để mọi người hiểu hơn về dừa, để cây dừa được vinh danh. Dù rằng để làm được điều đó chẳng dễ chút nào…
Đêm đó “nó” bị đau bụng, còn mình thì ngủ như chết. Sáng ra biết chuyện thì bụng “nó” đã yên. Mình thật đáng tội! Chuẩn bị ra khỏi nhà, nó lại hỏi: chị muốn ăn gì?
-          Bún sứa đi em.
Sở dĩ mình thích món sứa là do hồi nhỏ, một lần duy nhất mẹ làm gỏi sứa cho cả nhà ăn. Mình nhớ hoài cảm giác sần sật của miếng sứa trong veo thêm vị chua ngọt rất ngon (vì có tâm hồn ăn uống, nên ngày nhỏ, mình luôn giữ lại được cảm giác khi ăn những món ăn đặc biệt). Món bún chả cá và sứa này quá tuyệt vời về chất lượng và giá cả. Chỉ có 40.000đ cho 2 tô bún và 2 chén sứa ăn thêm. Món ni mà ở Saigon, rẻ nhất cũng phải 30.000đ/tô.
Không chỉ có cuộc vui tối hôm đó. Sáng hôm sau, mình và “nó” còn được café với hs Lê Vũ, với  cụ Nô tới hơn 9g mới chia tay.
Cuộc gặp mặt không nhiều lời, không tán tụng nhau, nhưng thật vui, thật ấm áp.
Thương nhất là “nó”. Thời buổi gạo châu củi quế, mà “nó” phải bỏ gần 2 buổi chợ.
“O” thì trước khi đi Trà Cổ còn giao nhiệm vụ cho ông xã phải cầm tập thơ văn “Ghé lại trần gian” của mọi người để trao cho mình.
Cụ Nô thì hết sức nhiệt thành với nụ cười thường trực trên môi.
Hs Lê Vũ cũng có mặt trên từng cây số và chỉ im lặng.
Đại ca Hotle thì muốn nói nhiều lắm, nhưng do hạn chế về sức khỏe, dù sao cũng đã rất vui khi được “nó” rót bia và chăm sóc tận tình.
AQ thì “welcome” Phù thủy bằng cách đòi cho trả hết cho bữa gặp mặt, nhưng không được duyệt, nên hẹn sáng mời café Bốn mùa. Theo “nó” thì AQ chỉ “sung” khi nhậu “đã đã”, còn bình thường thì rất “hãi” phụ nữ. Vì thế, chầu café sáng mình không được diện kiến AQ. Tiếc ghê!
Các đại ca khác thì có lẽ buổi sáng bận rộn nên không café.
Nha Trang thật đẹp, thật êm đềm. Mình đã đến Nha Trang không chỉ một lần và lần này các đại ca và “nó” đã để lại trong lòng mình cảm xúc thật lớn…
Không lời nào có thể nói được hết cảm xúc của mình. Và đó chính là lý do tại sao bữa nay cuộc gặp mặt mới được tiếp tục “tường thuật”…
Cám ơn tất cả mọi người đã cho KT những phút giây ấm áp đầy nghĩa tình…

Thứ Ba, 26 tháng 6, 2012

MỘT CHUYẾN ĐI CHƠI (tt)


7g30 xe tới bến.
      Cái tật già chuyện với cu cậu kế bên, chưa kịp bước xuống xe thì “nó” gọi.
      -         Chị đang xuống đây!
      Hai chị em ôm nhau cuống quýt. Tại sao phải đi khách sạn khi mình đã từng có những năm tháng bụi bờ trong chiến tranh? Thế là “đèo” nhau về nhà “nó”.
      “Nó” hỏi mình muốn gặp ai? Chô cha, ai cũng muốn gặp ráo, nhưng hổng biết mọi người răng hè? Mặc dù bữa trước cũng đã đánh tiếng rùi, nhưng trong lòng cũng thấy ngài ngại (dzụ ni mới à nghe, hồi trẻ luôn tự tin, chừ già bỗng thấy nhột nhạt. Hic hic!)
      Tắm, thay đồ xong thì “nó” hỏi mình muốn ăn gì?
      -         Coi chỗ café, có chi ăn nấy em à.
      Nâu là quán café hai chị em ghé đến. Hồi hộp theo “nó” lên lầu… Cụ Nô đã có mặt tự bao giờ. Hổng biết có bắt tay chào nhau không, sao ta hổng nhớ nổi dzị cà? (cảm xúc lần đầu gặp mặt hình như là vô cùng bối rối). Sau khi an tọa, mình chọn món miến cua, “nó” bánh cuốn không chả.
      Nhà bếp phải đi chợ, nên hơi lâu. Khi đem món ăn lên thì … cả hai đều không hài lòng về món mình đã chọn, nên làm phép giao hoán và cuối cùng đều thất vọng, bởi chất lượng và khẩu vị quá tệ.
      Mùm xong thì cà phê đem tới. Cụ Nô hết sức “vô lăng” đã khuấy sữa và gắp đá bỏ café cho hai chị em.
      Ngồi chút, “nó” gọi điện mời đại ca Cuồng Từ, hăm dọa AQ sẽ leo cây, nếu buổi chiều AQ hổng ghé quán Sáu Trình (may mà AQ nhận lời, chớ không là "nó" hăm mặc váy leo cây đó nghe). Cụ Nô gọi điện cho bác Tường, cho hs Lê Vũ (đại diện, vì “o” mắc đi chơi Trà Cú) hẹn chiều gặp mặt. Gọi tiếp cho đại ca Phù Vân - Đặng Cước mãi tới lần thứ 3 mới được. Còn bác Hotle thì mình alo. Khoảng 10ph sau đại ca có mặt. Mình cũng gọi điện cho Lan Phương bên KTV, hẹn hò. Được biết ba của em đã mất được 6 tuần. Vậy mà mình chẳng biết chi. Thiệt quá vô tình!
      Câu chuyện sơ giao của bốn “đương sự” cùng vài câu chuyện tiếu lâm được chấm dứt khoảng gần 10g,  để hai đại ca Hotle và Nô tranh thủ đi mần.
      Hai chị em tranh thủ viếng Chợ Đầm, thấy sản phẩm gáo dừa được bày bán khá nhiều trong các gian hàng lưu niệm. Tranh thủ chụp mấy pô ảnh. Dạo quanh kiếm chi bỏ bụng buổi trưa.
      Cầu được ước thấy, món bánh căng mình thích kia rùi. Tắp lợi, hai chị em làm 1 bụng no căng.
      Ghé hàng khô, mua mực cơm hấp, khô kèo biển, khô cá khoai (loại ni xã xệ mê nhứt) và món mà mình đặc biệt thích, ấy là sứa muối.
      Xong chuyện tham quan mua sắm, hai chị em karaoke luyện giọng
      Bất ngờ khi “nó” cất giọng, sao hai chị em lại có chất giọng giống nhau thế! Và bất ngờ hơn khi nó chọn và cháy cảm xúc cùng những bài hát trùng với người bạn của mình. Hai chị em thay nhau nghêu ngao hết 3 tiếng đồng giờ thì go home.
                                                                                        (chưa hết)

Chủ Nhật, 24 tháng 6, 2012

MỘT CHUYẾN ĐI CHƠI


      Cô con gái nuôi gọi điện, nhắn tin: mẹ ra con chơi nhé, con sắp đi rồi.  Con muốn đưa mẹ đi thăm Phan Rang – Tháp Chàm.
      Hẹn hò mãi, và rồi cuối cùng quyết định. Sáng thứ sáu sẽ ra Nha Trang thăm nhóm bạn, sáng thứ bảy lên xe trở vào Phan Rang.
      Trưa thứ năm gọi điện khắp nơi. Nào là Trà Lan Viên, Phương Nam, Phương Trang, Mai Linh, Cúc Tùng,… Hết vé đêm nay rồi chị. Ui cha là hoảng, khi đã fix  tất cả. Gọi cho hãng xe Liên Hưng, may quá, còn vé chuyến cuối 22g30. Thế là an tâm 9g30 sẽ có mặt tại Bến xe Miền Đông.
     Chiều xẩm tối, đang chọn mấy cái quần đùi cho xã xệ và con trai thì điện thoại reo.
      -         Em đang ở đâu?
      -         Dạ, ở chợ.
      -         Em đi Nha rang hả?
      -         Dạ. (im lặng…) Chợ ồn quá, chút em về sẽ gọi lại.
Chô cha, mất hồn! sao “xã xệ” biết mình đi Nha Trang rứa hè? Gọi điện cho con gái Út: “Dạ ba không gọi cho con”. Rứa là chàng gọi về nhà rùi! Thôi kệ, đi thăm cháu nội trước đã rồi tính. Đến nhà xui gia. Con dâu đi Mộc Bài chưa về. Hun cháu nội Coca, Pepsi chưa kịp đón, vì con trai đi đá banh chưa về. Tặng xui gia đôi giày, gửi cho con dâu đôi xăng đan. Dăm điều ba chuyện, tới 8g. Mở điện thoại thấy lời nhắn của xã xệ: “Chúc em đi chơi với bạn vui vẻ, Su đang sốt ở nhà”. Cuống cuồng gọi về nhà.
      -         Em sao rồi con?
      -         Dạ, nó mới bị sốt và ói hồi chiều.
      -         Uh, để mẹ mua thuốc.
      Thế là ba chân bốn cẳng ra xe về. Bụng rối rắm, trời mưa. Sao khéo thế hổng biết!
      May quá, về tới nhà thì trời ngớt mưa, cháu nội cũng hết sốt, đang chơi với em. Gọi điện cho xã xệ lấy điểm.
      -         Dạ, em đây. Su nói chuyện với ông nội nè.( đưa máy cho cháu nội)
      -         Su sao rồi?
      -         Dạ, con hết sốt rồi “ngội”. Con đang chơi với Cà Rốt….

      Xe đến Phan Rang thì trời vừa sáng tỏ. Bình minh thật đẹp. Thấp thoáng những ngôi nhà dưới những hàng dừa… làm ta xao động…
      Cam Ranh. Một vườn dừa trồng như vườn cao su thẳng hàng ngay lối… bao suy nghĩ cho cây dừa…
                                                                                                                                (vẫn còn)

Thứ Bảy, 23 tháng 6, 2012

BÀI VIẾT TỪ MỘT NGƯỜI BẠN CÙNG TUỔI BÍNH THÂN


BÀI VIẾT TỪ MỘT NGƯỜI BẠN
CÙNG TUỔI BÍNH THÂN

Lục tìm lại những bài viết từ những người bạn. Đây không nhằm mục đích gì ngoài sự lưu giữ ân tình và kỷ niệm với cuộc đời.
Anh là bloggser Hồng Đăng.

Chị Kim Thanh là người không cần phải giới thiệu. Các báo đã viết về chị khá nhiều, về tài năng, niềm say mê, về những trăn trở hoài bão, cả về những phần thưởng và danh hiệu chị đạt được trong những năm tháng "lăn lộn" bên cây dừa và trái dừa. Phải trải qua biết bao nhọc nhằn và gian nan, để nay vững danh là “Phù thủy gáo dừa” - một cái tên độc nhất vô nhị! Bạn chỉ cần bỏ ra vài giây để search cụm từ “Phù thủy gáo dừa” trên Google là có ngay nhiều thông tin về chị. Bạn cũng có thể chỉ đơn giản click vô dòng tên Kim Thanh là đến ngay được blog của chị.
Tôi may mắn quen biết chị hơn một năm nay, thông qua blogging. Ngoài đời chị cởi mở, dễ gần và duyên dáng hơn trên báo chí rất nhiều. Một nữ doanh nhân nhỏ nhắn, nhanh nhẹn và đầy nữ tính. Tôi không thấy hình ảnh nào của chị mà thiếu được cái laptop, một con người làm việc luôn tay, và cả luôn mồm nữa
!
Thực ra, tôi không viết mấy dòng này để ca ngợi Kim Thanh, vì tôi biết điều đó là thừa đối với chị. Tôi là một người bạn của chị, vì cùng tuổi và hợp tính, nên chúng tôi giao tiếp thoải mái như bạn lâu năm, lâu lâu hú nhau đi uống cà phê tán dóc. Ngay từ những lần gặp đầu tiên, tôi đã phàn nàn cái tên gọi đã gắn với người bạn nhỏ nhắn này: Phù thủy gáo dừa!
Vẫn biết “phù thủy” nghĩa là là tài năng, là sự biến hóa bất ngờ, là điều gì đó phi thường – vì qua bàn tay chị, các mảnh gáo dừa vô hồn bỗng trở nên những vật dụng thiết thực, đẹp và bền, và thần kỳ hơn nữa, chúng trở nên những tác phẩm mỹ nghệ độc đáo như tranh, bình, vật trang trí nội thất… Gọi là “phù thủy” đáng lắm chứ! Nhưng tôi vẫn tức, tức vì trong dân gian, Việt Nam cũng như phương Tây, khái niệm “phù thủy” hàm chứa nội dung là ác độc, là ăn thịt người, là biến các em bé thành chim thành cừu, với hình tượng một bà già xấu xí cưỡi trên cây chổi
! Huhu. Bất công quá đi. Nhưng có từ nào thay thế được từ “phù thủy”? Tôi đã từng nghĩ đến “bà tiên gáo dừa”, “chúa gáo dừa” rồi “công chúa gáo dừa”, mà chưa ổn, vì chúng vừa gượng ép vừa “chưa tới” khi dùng nói về chị.
Nói với Kim Thanh điều này, chị chỉ cười trừ, nhưng tôi đoán, chắc rằng cũng đã có lúc chị từng “lăn tăn” với cái tên “Phù thủy gáo dừa”, một cái tên nghe sắc lạnh nhưng thật chính xác khi nói về cái nghiệp chị đang theo đuổi. Đơn giản, danh hiệu phải do người đời mến tặng, đâu phải để tùy tiện “tự phong”!
Biết vậy, nhưng tôi vẫn ấm ức.

Thứ Năm, 21 tháng 6, 2012

MỘT THOÁNG NGẨN NGƠ


     chùm thơ
 MỘT THOÁNG NGẨN NGƠ


 
I.        chiếc răng khểnh nhỏ xíu
       biết đùa khi em cười
       hay thẹn thùng lấp ló
       để lòng tôi chơi vơi


II.       một thoáng thôi
          ngẩn ngơ
          trước đồng tiền má lúm
          đôi mắt cười nhắm tít
          cũng nên thoáng ngẩn ngơ


III.      hoa tigon nhỏ
          màu hồng
          nở rộ bên rào nhà ai
          cô bé có bím tóc dài
          đang nhón chân
          lén hái
          vô tình anh nhìn thấy
          để rồi
          ngẩn ngơ hoài...

Thứ Ba, 19 tháng 6, 2012

NHỮNG ĐIỀU RẤT THẬT TỪ THẾ GIỚI ẢO (2)

VỀ MỘT NGƯỜI CHỊ

       Chị có nick mame là chieuchieu. Chị đã như bà tiên, cho em chiếc gậy để em thực hiện đam mê, nhưng em vẫn chưa làm được điều đó.
      Em nợ chị niềm tin, bởi em chưa làm được điều chị mong muốn, ấy là phát triển ổn định cho Dừa Việt.
      Và hôm nay, em tìm lại được bài viết của chị về em...
      Đọc lại, em buồn và ray rứt quá.
      Chị.
      Chị ơi, cho em hẹn lại vài năm nữa chị nhé. Em đang phải tạm dừng sản xuất vì xưởng em đang nằm trong diện di dời để chường chỗ cho khu đô thị mới. Em xin post lại bài của chị viết cho em ngày xưa, cùng đường link. Tất cả từ tấm lòng và sự biết ơn của em…
      Và bài viết đó là đây

http://vn.360plus.yahoo.com/chieuchieu0602/article?mid=26&fid=-1

Tôi được Kim Thanh đưa đi thăm xưởng Dừa Việt ở Củ chi .
Tôi vốn yêu thích công việc thủ công, rất mến mộ cái đam mê đánh thức Gáo dừa VN của Thanh, càng nể phục cái ý chí thực hiện đam mê ấy.
Gặp Thanh lần đầu, hỏi thăm “lý lịch”, tôi lý giải được tại sao Thanh lại có được cái ý chí ấy – Gương mặt nhỏ nhắn, bướng bỉnh; Vóc người rắn giỏi, mạnh mẽ. Có phải đấy là những tố chất trời cho ? ? ? hay là cả kết quả của quá trình tôi rèn từ cuộc sống ! ! ! Đặc biệt, cái lý lịch “Biệt động thành” từ khi còn niên thiếu - Chính là chìa khóa giúp tôi giải mã về Thanh.
Người ấy đây: với nụ cười “tới bến”, luôn trong tư thế sẵn sàng cho những chuyến đi.

  Tôi đã được bước vào ngôi nhà làm toàn bằng dừa của Thanh. Từ ngôi nhà đến bàn ghế, vật trang trí . . . đều từ dừa.
 
Qua tấm gương có khung bằng vật liệu Gáo dừa, các bạn có thể thấy một phần của Ngôi nhà Dừa. Từ nền nhà lên đến mái, cột nhà cao chót vót, loáng bóng . . .
Ngôi nhà DỪA với giá thành khá cao so với các vật liệu khác, đủ nói lên sự đam mê của chủ nhân đối với cây dừa Việt.
Bữa nhậu đơn giản và vui vẻ trên bộ bàn ghế bằng dừa. Cả những đôi đũa cũng từ thân dừa đấy.
 
Tiếc là tôi chưa được xem những công đoạn sản xuất. Vì đến vào buổi trưa nên chỉ kịp ăn rồi về , nhưng tôi cũng hiểu được 1 phần khó khăn của Thanh.
Theo cảm nhận của tôi, cái khó lớn nhất của Thanh lúc này là Con người.
Thanh chưa gặp được người có cùng chí hướng trong niềm đam mê Gáo dừa. Hầu hết đều chỉ quan tâm đến phần xác. Riêng Thanh, Thanh quan tâm cả phần hồn. Cái phần hồn đã làm Thanh mê đắm, đến mức chịu đơn lẻ trên con đường trần mà bồng bềnh, huyền ảo.
Với tôi , vốn là người thực dụng, tôi cũng mới chỉ thấy ở Gáo dừa cái phần xác của 1 thứ vật liệu cho công việc thủ công mà tôi vốn yêu thích. Nhưng tôi khâm phục ý chí và nghị lực ma quái của em Phù-thủy-gáo-dừa này .

Thứ Bảy, 16 tháng 6, 2012

CHÚT LÃNG MẠN



CHÚT LÃNG MẠN


Một thoáng cô đơn
Hòa trong gió
Nhớ bóng vai gầy
Ai có hay
Chiều nay
Thoảng nhẹ
Hồn thương nhớ
Man mác tình anh
Theo gió bay ....

Thị Nghè 1983

________________

   Một điều lạ, là tôi thường làm thơ tình từ cảm xúc của đàn ông.
   Chị bạn cùng học tôi nói: em có cá tính của 1 thằng con trai.
   Một đồng nghiệp nói: chị không biết yêu.
   Một họa sỹ nói: chị yêu bằng cảm xúc của người khác.
   Có lẽ người họa sỹ này nói đúng nhất.

   Tôi có 2 chị gái đều đã lớn và có 3 cậu em trai nhỏ. Xóm không có con gái, nên tuổi thơ của tôi suốt ngày nghịch phá, đánh nhau với lũ con trai cùng trang lứa. 13 tuổi, đi bộ đội. Đơn vị huấn luyện, có 2 chị nữ: chị "nuôi" (nấu cơm) và chị y tá, tôi học cả ngày với các anh. Còn nhỏ không phân biệt giới tính, lúc ngủ với mấy chị, khi sang nhà mấy anh, thích ngủ đâu cũng được. Đùa giỡn nghịch ngợm chẳng khác gì con trai, nên có anh nói: phải gọi mày là đực Phương chứ không thể gọi cái Phương được. Mày phá quá!
   Ra Bắc, tôi cũng luôn được các anh chị trong lớp cưng chiều. Khi trở thành thiếu nữ, vẫn cứ hồn nhiên mà chẳng biết e thẹn ngượng ngùng. Lớn lên chút nữa, đôi khi bất chợt cảm nhận được tình cảm của mọi người và đã ghi lại những cảm xúc đó bằng những bài thơ tình mang tâm trạng của họ.
  Bây giờ cũng vậy, bạn trai và bạn gái như nhau, không xấu hổ và cũng chẳng quan tâm đến những lời trêu ghẹo của mọi người. Bằng tấm chân tình, tôi sống và vẫn hồn nhiên như thuở nào…
  Và có phải đây là 1 dạng bệnh lý?

Thứ Tư, 13 tháng 6, 2012

VỀ NHỮNG NGƯỜI BẠN HỌC (07)


   NGUYỄN THỊ SONG AN 

     
     Năm lớp 6, mình và bạn cùng đạt giải nhất đơn ca, với phần thưởng là 10 cuốn tập. Bạn có giọng trong và thánh thót, còn mình thì chất nữ trung của giọng mũi nên được nhạc sỹ Huỳnh Thơ ráp thành đôi song ca và dạy cho những bài hát mới, đi "bè", để phát trên đài Phát thanh Giải phóng. Lên lớp 7 thì mình mới học chung lớp.
      Nhớ lần giao lưu văn nghệ với trường 2 Tết năm 1972,  bài hát “Chú giải phóng quân ơi!” của nhạc sỹ Huỳnh Thơ đã khiến chúng ta suýt sặc trên sân khấu khi cả 2 cùng nghĩ tới đoạn cuối của bài hát bị xuyên tạc: “các má nấu bánh tét, các cô các dì chiên chả giò. Còn chúng cháu, chúng cháu tha hồ ăn no, chúng cháu tha hồ ăn no”. Sau đó thì mình bị "bis" khi hát bài Hàng cây ơn Bác (có lẽ do hiệu ứng vì nụ cười "híp mí" từ bài song ca ban nãy của chúng mình).
      Bạn cần cù chịu khó, còn mình thì suốt ngày chỉ vẽ vời, thêu thùa may vá, khuya khuya thì ôm cây đàn ra bờ giếng độc tấu, nên Thanh Tú có nói: hổng thấy mày ở không để học bài (mình có thói quen giơ tay phát biểu, làm bài tập ứng dụng nên thường là thuộc bài tại lớp). Do chúng ta học khác tổ,  không cùng ở 1 phòng, nên ít chơi với nhau, nhưng rất quý mến nhau, vì bạn và mình có cùng sở thích ra bờ giếng để đàn vào những đêm trăng sáng và vẽ vu vơ…
      Khi con bạn lớn, nhân buổi họp mặt, bạn nói với mình: con gái tao giống mày, thích vẽ và vẽ rất đẹp. Hồi đó thấy mày vẽ đẹp, đàn hay, tao thích nên bắt chước học theo…
      Ui chà, cái vụ ni khi nớ mới biết. Mà cũng nhiều bạn nữ khối mình chơi đàn ghita  lắm à (và cũng đã có bạn nói như Song An vậy). Mình thầm nghĩ mà trong lòng "ngất ngây". Nhân vụ này, “nót” ra mới hiểu tại sao các bạn trường 2 mỗi khi vào trường 8 phải hỏi thăm và cố nhìn mặt TP là rứa (lời Phượng B nói).
      Té ra, mình cũng 1 thời được ngưỡng mộ chớ bộ! Còn té “dzô” thì ui thui là chán, bởi cái sự lười biếng ham chơi, nên chỉ làng nhàng học sinh tiên tiến cùng những trò nghịch phá hết sức tào lao.
       Nhớ vụ hồi hè lớp 7 (1973), khi mình sơ tán ở Đồng Bả, bạn đã tiu nghỉu ra bờ suối báo rằng: “cờ đỏ” hổng thèm quan tâm tới chuyện mình và Thị Bình giả “ếch cặp”. Thế là vở kịch tình nhân của chúng mình công toi với bao công sức mượn đồ các bạn nam để thử, rồi xin thuốc lá cho Thị Bình tập "phì phèo". Muốn “kế quỷ, kề ma” mà hổng ai chứng nhận. Tiếc thiệt!
      Khi về Saigon, qua nhiều buổi họp mặt chuyện trò, chúng ta biết mình còn có mối thân tình khác, ấy là bên gia đình “xã xệ” mình và gia đình bạn rất thân thiết.
      Bạn vừa giảng dạy bên Đại học Kinh tế, vừa phụ trách việc quản lý cho công ty in ấn bao bì của gia đình (nếu không vì chuyện của Phước, bạn đã làm xong tiến sỹ ở Hà Lan). Công việc vất vả, bạn mỏng tang, nhưng xinh hơn hồi nhỏ rất nhiều. Nay lại thêm chuyện không vui, nên càng mỏng hơn...
      Bạn bè, ai cũng thương quý bạn.
      Song An, cố lên, cố lên, cố lên!

Thứ Hai, 11 tháng 6, 2012

XIN ĐƯỢC CHIA SẺ CÙNG ANH


XIN ĐƯỢC CHIA SẺ CÙNG ANH

 
         Mỗi lần say, anh lại thấy cô đơn và gọi điện cho tôi. Biết động viên anh thế nào khi tôi là kẻ thứ 3 vô tình. Động viên anh, chia sẻ cùng anh cũng chỉ là những câu hỏi thăm sức khỏe, gia đình, công việc và sự im lặng lắng nghe.

        Tôi quý trọng anh ở sự hồn hậu chân tình. Anh quý mến tôi bởi lòng nhiệt thành với công việc. Người ấy của anh thì sợ anh yêu tôi nên đã làm nhiều điều tổn thương đến anh. Cô ra sức tỏ ra rằng mình là người hấp dẫn, có thể làm xiêu lòng bất cứ đấng mày râu, dù trong lòng luôn nặng nỗi đau của sự ghen tuông mất mát. Còn tôi thì vào blog của anh để buông lời khinh bỉ ám chỉ cô. Thế là họ cãi nhau...

        Chỉ biết im lặng mỗi khi online thấy nick anh sáng đèn mà trong tôi là sự khắc khoải khôn nguôi khi bên tai luôn văng vẳng lời trách móc của anh: Công lớn nhất của em là đã phá nát bét tình yêu của anh!

       Lòng tự trọng và sự kiêu hãnh của một người đàn ông không cho phép anh quay lại mối tình ấy, nhưng tôi biết anh đang hết sức cô đơn. Nỗi cô đơn ấy vẫn luôn trở về và anh vẫn gọi cho tôi mỗi khi say, để kể chuyện về người ấy của anh. Cô đã nhận ra rằng không ai có thể thay thế anh trong con tim đang rớm máu bởi sự hờn ghen của cô. Anh đã cảm ơn cô đã cho anh những phút giây hạnh phúc, nhưng tất cả nay đã là quá khứ. Và tôi hiểu, mảng trống trong lòng anh hiện hữu như mảnh vá của đời.

      Hết sức chia sẻ cùng anh nỗi trống vắng này bằng sự im lặng lắng nghe và cầu mong anh sớm bình yên.
__________________________

      Bài này được viết từ 22:35 -19/03/2010 bên vnweblogs, hôm nay "cọp" về đây.
      Cũng như ngày xưa, hôm qua, anh lại gọi cho tôi khi đang say để hỏi thăm các con của tôi, nhắc đến những bài viết cảm động của tôi về gia đình tôi ngày xưa và nhắc lại lần đầu thấy ảnh của tôi, cứ ngỡ tôi là phụ nữ Huế, bởi nét mô phạm thể hiện trên gương mặt, bởi nụ cười mỉm ẩn chứa nhiều ngạo nghễ, và hơn hết là mấy câu thơ tôi tự trào về mình:
     "Có mụ điên làn thang góc chợ
     Mụ mẫm nhìn chiếc gáo dừa khô
     Và nhặt lấy nâng niu, trăn trở
     Để thổi vào ngọn lửa hồi sinh..."

     Và anh là nhà văn Hồ Tĩnh Tâm.

Chủ Nhật, 10 tháng 6, 2012

VỀ NHỮNG NGƯỜI BẠN HỌC (06)


LÝ HỮU PHƯỚC

          Trong nhóm Út ít của lớp, bạn là người học giỏi nhất. Bạn có 3 xoáy, có lẽ vì thế, nên bạn thông minh hơn mọi người. Bạn tên Lý Hữu Phước, việt kiều Campuchia, mồ côi cha. Bạn có đôi mắt to, đẹp, không thua gì Minh Trí. Ẩn trong mắt bạn là  nỗi buồn xa xăm. Có một lần, trong giờ giải lao ở lớp, nói bạn ngồi yên, tôi hồn nhiên vẽ đôi mắt bạn để so sánh với mắt của Minh Trí. Rốt cuộc tôi rút ra một kết luận: "mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười…hì hì..."
          Ngày ra đón bạn trai học nước ngoài về (1980), tình cờ tôi gặp Song An đem hoa ra sân bay đón bạn. Sau đó thì hai bạn cưới nhau. Bạn học ngành in ở Kiev, khi về nước làm giám đốc Công ty Tem thành phố HCM. Sự thật thà đã khiến bạn bị khách hàng lừa nhiều tỷ đồng, nên bị cách chức. Song An đang làm luận văn tiến sỹ ở Hà Lan phải bỏ về, đề giải quyết việc gia đình.
          Chúng ta cùng học một lớp, nên thi thoảng họp mặt đột xuất khi có thầy cô ở Hà Nội vào chơi. Lần ấy, chúng ta ngồi đối diện nhau, bạn nhắc tôi: “TP, xem lại bàn tay. Tuổi già thể hiện rõ nhất nơi bàn tay và cổ”. Tôi cười mà rằng: “Già hung rồi Phước ơi, tay chân có nghĩa lý gì!”. Bạn hết sức nghiêm túc: “TP nhìn Song An nè! Nói vậy, chớ phụ nữ rất cần chăm sóc bản thân, nhớ mua kem dưỡng da đi!”
          Tôi cười thầm “Thằng ni, bữa nay ra chiều quan tâm tới bạn dữ ha!”, nhưng trong bụng cũng nhột và phải nhìn lại đôi tay nhăn nheo như bà già 80 của mình. Ừ, bạn nhắc vậy, mình cũng nên chăm sóc bản thân 1 chút.
          Hay tin bạn đi Mỹ. Cứ ngỡ, bạn sang thăm con. Nghe nói bạn đi theo tiếng gọi của con tim cùng cô thư ký. Tôi không nghĩ vậy, bởi chúng ta cùng học với nhau từ bé, bạn lại hiền lành thật thà…
          Hai bạn ly dị. Song An mảnh mai nay lại càng mảnh mai hơn, Phước có biết không?

Thứ Hai, 4 tháng 6, 2012

NGÀY XƯA


      NGÀY XƯA...
      Nhân cuộc họp bạn, ông hỏi thăm được số điện thoại và gọi cho bà.
      Nhiều năm không gặp, không tin tức, cuộc điện thoại như cánh cửa mở ra miền ký ức...
      Rằng ngày xưa, ngày xưa, bà luôn hồn nhiên trong sáng... Rằng ngày xưa, ngày xưa, không vì ghét những ánh mắt soi mói mỗi khi sang thăm bà... Rằng ngày xưa, ngày xưa, cái thời trẻ trai ông quá nhiều tự ái... Rằng ngày xưa, ngày xưa…
      Giờ đã 2 thứ tóc, ông vẫn còn ám ảnh mãi ngày xưa…
     

      Nhân chuyến đi công tác, bà thông báo, nhóm bạn cùng trường tổ chức họp mặt. Bà nói vị trí và giờ xe đến, ông thổn thức mong chờ. Mắt nhòe đi khi thấy bà bước xuống xe..., để bà đi gần trăm mét ông mới hoàn hồn và cho xe nổ máy.
      -    Em à? Giọng run run ông hỏi.
      -    Dạ?
      Giật mình bà quay lại. Họ bối rối nhìn nhau… Bà dịu dàng trong chiếc áo bà ba, ông thêm hàng râu con kiến với nét phong trần lãng tử thuở nào…
      33 năm. Hơn nửa cuộc đời lạc mất nhau, giờ đối mặt, họ muốn nói nhiều lắm, nhiều lắm những ẩn chứa trong lòng.
      Nhưng.
      Hoàn cảnh không cho phép.

Thứ Bảy, 2 tháng 6, 2012

CON THI TÚ TÀI



Út cưng của mẹ

Con yêu, hôm nay cả nước rộn ràng ngày thi tú tài. 
Lẽ ra con của mẹ đã thi từ 2 năm trước, nếu không mắc bệnh nan y. Đã qua rồi những ngày tháng kinh hoàng phải không con yêu? Con đã và sẽ vượt qua tất cả và đứng vững trên đôi chân của mình. Mẹ luôn tin nơi con Út cưng của mẹ!
Trên đường đưa con đến trường, lòng mẹ nôn nao. Nhớ lại ngày đưa anh Hai con đi thi cấp 1, thấy anh Hai tung tăng chạy vào cùng các bạn, mắt mẹ nhòe đi. Lúc ấy mẹ nhớ lại ngày đầu tiên thi vào đệ thất của mẹ. Mẹ Phú đưa mẹ đi thi. Trước đó 1 ngày, mẹ Phú đã đến trường để xem sơ đồ phòng thi. Về thủ tục thì chế độ cũ không cầu kỳ như ta bây giờ. Thí sinh tự động đến phòng thi chờ điểm danh chứ không có buổi tập trung làm lễ…
Hôm nay, đưa con vào trường thi, con cũng dáo dác tìm bạn. Hôn và mong con thi tốt,mẹ gọi điện cho ba, báo tin con đã vào trường. Nhìn con tíu tít cùng bạn bè, mẹ lại nhớ lần thi tốt nghiệp cấp 3 của mẹ (1985). Lúc ấy, mẹ đang mang thai anh Ba con. Bụng khệ nệ vào tập trung trong ánh nhìn thương cảm của mọi người. 
Kỳ thi ấy với mẹ thật ngoạn mục. Vừa chép đề thi môn văn xong, mẹ không thể nào cưỡng lại được cơn buồn ngủ. Thế là gục đầu xuống bàn “phê”. Không biết được bao lâu thì thầy giám thị đến gõ vào vai bảo mẹ thức dậy làm bài. Và tất nhiên, mẹ đã làm ngon lành, vì sở trường của mẹ là phân tích thơ.
Buổi chiều thi môn Hóa. Ok, không có gì phải suy nghĩ, vì mẹ đã từng là cán sự Hóa mà.
Sáng hôm sau thi môn Vật lý. Làm xong hết phần bài tập và 1 câu lý thuyết về điện, mẹ ngồi ngắm mây lãng đãng bay ngoài trời. Thầy giám thị đến cầm bài thi của mẹ lên xem. 
-    Chữ đẹp, làm bài tốt. Còn câu này sao không làm nốt?
-    Dạ không thuộc thầy ạ!
Nhìn lên bàn trên, thầy giám thị nói với 1 bạn trai:
-    Này, anh này làm xong rồi, đọc cho chị ấy chép đi!
Thế là mẹ được 1 bài thi hoàn chỉnh. 
Chiều hôm đó thi toán. Môn toán với mẹ cũng không đáng bận tâm. 
Tháng 10, lễ mễ bụng gần tới ngày sanh, tiếp tục vào thi đại học. Và khi anh Ba con mới hơn tháng tuổi, mẹ đã bế vào dự buổi lễ khai giảng.
Khi con được 10 tháng tuổi(1992), lúc ấy đã gần 40 tuổi, mẹ lại tiếp tục trở lại giảng đường đại học để học văn bằng 2, ngành Châu Á học đầu tiên của đại học Tổng hợp.
Và cách đây đúng 2 tuần, mẹ cũng đã trở lại trường thi. Đầu vào sau đại học.
Con ạ, học để có cái nhìn rộng hơn với cuộc đời, học để được cống hiến nhiều hơn. Đó là suy nghĩ của mẹ. Bởi mẹ hiểu kiến thức là vô tận, là sự cóp nhặt không mệt mỏi. Và mẹ đang làm điều đó…
Trước khi viết những dòng này, mẹ cũng đã kịp nhắn thêm cho con những lời yêu thương.
Và lại 1 lần nữa mẹ mong con thi tốt! Mẹ yêu con, Út cưng của mẹ.

Thứ Hai, 28 tháng 5, 2012

CUỘC ĐỜI THẬT ĐẸP


CUỘC ĐỜI THẬT ĐẸP
  
      

          Có những thứ không nên chung thủy với nó. Vậy mà mình lại cứ mãi thủy chung. Ấy là nằm viện. Mỗi năm ít nhất cũng phải 1 lần vào để chen chúc 2 bà già chung nhau 1 gường cho "ấm cúng". Hưu trí thế cũng đã tốt lắm rồi, bởi chỉ đóng 10% gọi là đồng chi trả.
         Bệnh viện nào cũng quá tải, nhưng cũng có suất cho "dân tộc ít người" với thênh thang máy lạnh phòng đôi. Tất nhiên ta không thuộc dạng ni (dù rằng cũng đã cố chen chân. Hic hic!) .
          3 ngày nằm viện để "dưỡng sức" sau những ngày mệt mỏi. Không dám cho các anh chị biết, vì sợ bị "ăn" mắng. Lại càng không dám báo tin cho "xã xệ", sợ chàng phân tâm khi đang thay người giúp việc (đang nằm viện) chăm sóc cha mẹ già dưới quê. Nhắn tin cho 1 người bạn, thế là gần 12g đêm, các bạn cũng đến đón và đèo nhau vào bệnh viện xem mình thế nào. Thật cảm động biết bao!
          Những người bạn của mình thật tuyệt vời. Vậy mà mình thì chẳng ra trò trống gì. Càng nghĩ, càng thấy
mình nợ cuộc đời nhiều quá. Các bạn chính là cuộc đời mình đang sống, các bạn đã làm cho cuộc đời này đẹp hơn bởi hai chữ nghĩa nhân. Bằng  tấm chân tình, các bạn đã làm mờ nhạt tất cả những ái ố hỉ nộ của cuộc đời .
          Ly ạ, chị em mình mới biết và quen nhau trong những ngày ôn thi thôi, mà sao hơn cả ruột thịt. Em đã vỗ về an ủi chị những lúc đắng lòng. Khi chị ốm đau, em chẳng ngại đường khuya,... Cử chỉ ân cần của em đã khắc sâu trong chị. Cảm ơn em rất nhiều Ly ơi...!

Thứ Ba, 22 tháng 5, 2012

MẸ ƠI!


MẸ ƠI!
      Trước giỗ 2 hôm, cả nhà vào chùa làm lễ cầu siêu cho mẹ. Đã 1 năm rồi, mẹ xa các con. Từ trường, con vội chạy về thắp nén hương trên bàn thờ ba mẹ, không cả ăn cơm con lại chạy ngay lên trường để ôn thi. Mấy hôm rồi, vừa bận cho việc thi cử, lại vừa nhiều chuyện không vui, nên lòng con luôn nặng trĩu.
      Hôm giỗ chính của mẹ, con cháu về đông đủ. Có em Mạnh, con dì Hai Chồn cũng về thắp hương cho mẹ. Con gặp lại Mạnh thật tình cờ, do người bạn giới thiệu. Qua vài ba câu hỏi thăm, 2 chị em nhận ra nhau sau 37 năm.
      37 năm, hơn nửa đời người. Mạnh kể rằng trước giải phóng Mạnh cùng mẹ là dì Hai Chồn thường xuyên ghé nhà mình để lấy tin (Dì Hai Chồn là liên lạc của đơn vị với gia đình mình ở Saigon. Họ là những chiến sỹ thầm lặng đứng đằng sau Nguyễn Xuân Ẩn, Tư Chu, Tư Tăng,… nhưng không bao giờ được nhắc đến. Họ là những chiến sỹ vô danh không được lịch sử b
iết đến và luôn chịu nhiều thiệt thòi.) Còn nhớ, sau giải phóng, con và dì Hai Chồn, dì Năm Anh cùng ở 1 phòng trong Bộ Tổng tham mưu. Mạnh vẫn thường chạy qua thăm mẹ. Lúc ấy em 16 tuổi, tuy đã 5 tuổi quân, nhưng vẫn còn là cậu bé, nay tóc đã bạc màu. Dì Hai Chồn cũng đã mất rồi mẹ ạ. Trước khi gặp lại Mạnh, bạn con có kể về em. Rằng nay đã ngoài 50 nhưng em vẫn chưa 1 lần gặp và cũng không biết cha mình là ai...
      Chiến tranh là thế đó. Bao mất mát, thương đau. Gia đình ta cũng một thời gian dài ly tán. Chúng con không được sống trong vòng tay nâng niu của mẹ. 13 tuổi con đã xa nhà tham gia kháng chiến, các chị con thì lớn hơn con 1 chút, cũng rời xa Saigon đô hội để vào chốn đạn bom. Điều gì thôi thúc ba con như vậy? Vì lòng yêu nước, vì sợ cảnh xáo thịt nồi da, khi những đứa con gái xinh xắn của ba không thể không lấy chồng sỹ quan cộng hòa, khi các anh con đang ở ngoài miền Bắc? Ngày ấy, ba nào hiểu được mẹ Cả và các anh chị con vất vả khổ sở và uất hận thế nào khi cánh cửa tương lai bị khóa chặt.
      Năm 1971, con được đưa ra miền Bắc học. Về quê, thăm họ hàng, ra chính quyền xã trình diện, nhưng họ cố tình không tin mà còn cho rằng anh con lừa dối, mượn người về đóng giả em gái từ trong miền Nam ra, cùng bao lời đồn đãi khác…

      Mẹ ơi, chiến tranh đã đi qua, nhưng đất nước mình vẫn còn loạn lạc. Dân tộc ta đang đối mặt với kẻ thù vô cùng nguy hiểm, ấy là nạn tham nhũng. Cuộc chiến này biết đến bao giờ mới xong? Con chỉ biết làm tốt công việc của mình và hi vọng bằng nhiệt huyết sẽ làm được điều gì đó cho cộng đồng dừa ở nước ta.
      Hãy tin con mẹ nhé!

Chủ Nhật, 20 tháng 5, 2012

QUÁ KHÌN!


     QUÁ KHÌN!!!

    Buổi sáng. Tỉnh táo, nhưng môn Triết Mark- Lenin không ngon lành.

    Buổi chiều. Môn Cơ sở văn hóa Việt Nam. Hăm hở viết về thực trạng lễ hội dân gian Việt Nam, khoảng 5 phút, thì cơn buồn ngủ ập về. Cứ thế, không cưỡng lại được, định gục xuống để ngủ, nhưng không hiểu sao không thể gục được. Thế là trong trạng thái mơ hồ vừa ngủ vừa làm bài. Còn khoảng hơn tiếng, thấy không ổn, bèn giơ tay xin ra ngoài. Giám thị từ chối.
    Khoảng 15ph sau, giám thị  “buồn vệ sinh”, thế là gọi mình cùng đi. Giải quyết “mâu thuẫn nội bộ” xong, làm một việc lớn hơn, ấy là rửa mặt cho tỉnh táo. Vậy mà khi trở vào phòng thi lại tiếp tục buồn ngủ. Đành chịu vậy. Lại vừa ngủ vừa làm bài. Còn khoảng 15 trong 180ph thì cạn ý. Vẫn chưa tỉnh ngủ. Đọc lại trong cảm giác lơ mơ và nộp bài để ra rửa mặt.

    Tất nhiên câu cú và chữ viết không ra gì, nhưng ý tứ thì ok.
    Ngày xưa, đã rất nhiều lần kiểm tra 1 tiết, thi học kỳ, rồi khi thi tốt nghiệp cấp ba, và hôm qua là thi đầu vào sau đại học, không ngờ điệp khúc ngủ gục lại trở về. Thật điên khùng!

Thứ Tư, 9 tháng 5, 2012

YAHOO QUÁ KHÌN!!!


khìn, khìn,  khìn…
bữa ni ta mới thấy Yahoo nuốt bài.
dán vào
hăm hở sửa
post lên
thấy đó
rồi biến mất

hổng vết tích
chẳng hơi hám
để lần theo...

kệ!
nuốt đi
dấu đi
rồi phải trả
cuộc đời này
đâu chỉ thế mất vui...

cuối cùng
lại tìm thấy
nó nằm trong nháp
lại sửa
lại post
và đã được
KHÔNG TÍNH CỦA DỪA

khà khà khà
nhớ nhé
Yahoo
chớ
khìn khìn!!!

KHÔNG TÍNH CỦA DỪA???


KHÔNG TÍNH CỦA DỪA???

          Khi nói đến dừa, chúng ta nghĩ ngay đến vị ngọt thanh mát của nước dừa, vị béo thơm của cùi dừa, chiếc gáo múc nước đẹp bền theo năm tháng, những căn nhà lợp lá dừa và những chòm dừa, những rặng dừa xanh quê hương...
          Tùy theo từng hoàn cảnh, ngữ cảnh mà dừa hiện diện trong ta với những hình ảnh khác nhau. Song bất kỳ hoàn cảnh, ngữ cảnh nào, dừa cũng luôn mang đến cho ta những ấn tượng tốt đẹp.

          Dừa thật đặc biệt vì đã hàm chứa nhiều ý nghĩa trong đời sống chúng ta qua sự cống hiến của nó, qua tính phồn thực của nó và cũng qua tính không của nó.
          Với vị ngọt lành, giàu chất khoáng, dừa làm cho ta sảng khoái nhẹ nhàng hơn sau khi giải khát, trong ly chè Nam bộ, nếu không có vị béo thơm của nước cốt dừa , ta sẽ thấy thiếu vắng và vô vị biết bao. Với dáng hình tròn trịa của dừa, hẳn trong chúng ta ai cũng hiểu sự ví von rất cụ thể về một bộ phận hết sức gợi cảm của người phụ nữ. Tính phồn thực của dừa là đấy. Vậy không tính của dừa là thế nào?
        
          KHÔNG TÍNH là gì?
          Nói một cách nôm na: Không tính là tính không, không là gì cả, nhưng lại là tất cả.
           Tại sao không là gì cả mà lại là tất cả?
          Trịnh Công Sơn đã làm nhạc, ca từ và âm điệu của ông thật dung dị, không mỹ từ, không cao đạo, nhưng hàm chứa nhiều triết lý sâu xa: "em hồn nhiên, rồi e sẽ bình minh"/  "đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt..."... Giai điệu, ca từ của Trịnh trầm tĩnh, tự tại như hơi thở của mỗi chúng ta, nhưng đó lại là âm nhạc. Ta hát bài hát của ông như chính mình nói với mình, với đời. Có phải đó là tính không trong nhạc Trịnh?
          Còn dừa thì sao? Ở những vùng quê có dừa, dừa chín rụng xuống, tự nẩy mầm, tự phát triển và tự hiến dâng cho đời mà không cần ai biết đến sự tồn tại của mình. Dừa cống hiến cho đời từ chiếc lá, sợi xơ cho đến vị ngọt lành thơm béo. Gáo dừa sau khi đốt còn lại chút than cũng là vị thuốc chữa bệnh cho người.
          Từng phút từng giờ, dừa miệt mài hút nước trong không khí, trong đất để tạo quả theo chù kỳ mỗi tháng 1 lần. Nước dừa đủ khoáng như 1 loại huyết thanh có thể truyền vào máu cho người. Vị béo của nước cốt dừa làm cho món ăn thêm phần hấp dẫn. Dừa tạo nên bóng dáng quê hương và gần gũi như mẹ hiền “Dừa ru tôi giấc ngủ trẻ thơ” (thơ của Lê Anh Xuân). Dừa cho ta chiếc gáo để múc nước mãi không hỏng hư. Dừa cặm cụi chịu khó chịu thương trong vai trò chiếc chổi chà quét sân đầy sỏi đá. Lá dừa giảm bớt nộ cuồng của gió để ngăn chặn bão giông…
          Dừa đã cống hiến mà như không hề cống hiến, bởi sự cống hiến đó quá đời thường đến nỗi trong ta dường như ít ai nhận thấy. Dừa không đòi hỏi chi cho mình, không cần bón chăm săn sóc, không héo úa khi nắng hạn, không ngập úng khi mưa sa không gãy nhánh lìa cành trong mưa giông bão giật. Để đến khi không còn dừa nữa, những người dân xứ dừa mới chợt nhận ra rằng họ cần nó biết bao...

           Dừa là thế đó. Không tính của dừa chính là tất cả những lợi ích mà dừa đem lại cho cuộc đời mà như không, mà như mình không hề tồn tại.

(Thưa các anh chị, các bạn và các em, đây là bài viết cũ của KT. Có phải vì quá yêu dừa nên KT đã dám mạo muội đem 1 triết lý sâu xa của đạo học Phương Đông ấy là KHÔNG TÍNH để tôn vinh dừa một cách thái quá không? Có phải KT quá chủ quan không? Mong đón nhận những suy nghĩ và nhận xét chân tình từ các anh chị và các bạn để PT trở về thực tại. Phiêu diêu kiểu này hoài chắc có ngày sẽ “lộn cổ xuống ao”?!)

Thứ Bảy, 5 tháng 5, 2012

THỔN THỨC (tt)


Tiếp xúc với ông, nàng dần nhận ra được nhiều điều nơi con người đầy cá tính nhưng rất mong manh này, đó là sự khúc chiết trong cách dùng ngôn từ, đó là cách áp chế đối phương, đó là cái tôi rất to trong ông. Từ đó nàng cũng nhận ra rằng hầu như những người bạn đầy cá tính của nàng, ai cũng rất mong manh. Họ cố che đậy cái mong manh đó bằng sự ngang tàng bất chấp, bằng giọng điệu anh chị, bằng cả lạnh lùng..., nhưng khi đến với nàng, họ đều bộc bạch rất nhiều về cuộc đời mình.
Tiếp xúc với ông, nàng thấy mình thật ngây ngô. Ông mở ra cho nàng góc nhìn mới, về góc khuất, về sự chiếu xạ của cuộc đời từ sự từng trải, sự trăn trở và nỗi đau rất đời của ông qua câu nói:
"Đôi khi người ta chỉ nhận ra nét đẹp của mình từ ánh nhìn của người khác!".
Và ông chính là một trong những góc khuất và sự chiếu xạ ấy…

                                               HẾT

Hì hì, lần đầu tiên viết truyện hơi nhiều chữ. Lúc tưởng tượng, khi chắp ghép, lúc bí rị...Và rồi cũng kết được . Mừng húm ! "Túm lợi", để viết được một câu chuyện cho ra hồn, khác xa với việc "phọt cóc". Chả thế mà truyện luôn dễ "tiêu hóa" hơn thơ.
Kiểu ni, có khi mình sẽ làm một đợt kiểm kê, lôi hết bạn bè, giòng họ ra để "râu ông nọ, cặm cằm bà kia" quá... . Mong sao mọi người chỉ thấy có gì quen quen, để mình khỏi bị ăn đạn...

Thứ Sáu, 4 tháng 5, 2012

THỔN THỨC (tt)


Ngày giỗ lần thứ 28 của mẹ, ông quyết định “hồi sinh”, sau hơn nửa thập niên tự giam mình trong im lặng. Ba ông mừng rỡ, các em ông mừng rỡ, các con ông mừng rỡ, vợ ông vẫn mãi xa. Cô đã kết hôn và đang nuôi mộng xuất ngoại.
Bạn bè nghe tin ông “hồi sinh” đến thăm và gợi ý ông về sự nghiệp. Ông từ chối tất cả. Cả ngày quanh quẩn với những gốc cây và những trò lắp ghép để tiêu sầu.
Những tưởng như thế mà ông bình an(?!) Ông đang cố gắng để quên đi những ám ảnh đời thường trước trách nhiệm cơm áo gạo tiền khi nguồn thu nhập chỉ giới hạn từ tiền cho thuê tầng trệt căn nhà hơn 20m2. Các con ông được mẹ nó cho về thăm ông và yêu cầu ông chu cấp tiền ăn học. Nhận lấy trách nhiệm ấy, ông sung sướng vì mình được gặp con mỗi ngày với nhiệm vụ đưa đón và bữa ăn trưa. Còn thằng lớn thì mỗi khi ghé đến cha mình là chỉ vì nhu cầu nào đó của bản thân. Yêu con mụ mị, ông chấp nhận tất cả. Ông nhịn ăn sáng để có thể mua cho con chai nước ngọt, hoặc cho nó vài ngàn lẻ quà vặt. Ông chỉ ăn những gì còn sót lại sau khi cha và con ông đã no bụng. Khi chỉ là gắp rau luộc, khi vài mẩu thịt cá vụn, chút lắng của canh, đôi khi chỉ còn chút nước mắm cặn,… Ông không có bữa ăn nào chính thức. Một kg đậu nành được ông rang giòn thay thế cho những bữa ăn và cứ như thế, ông đã sống.
Bù vào sự nhẫn nhịn yêu chiều các con, với mọi người, ông luôn tỏ ra ngang tàng bất chấp. Tuy ra chiều kẻ cả, nhưng ông dễ dàng vỡ tan khi gặp lại bạn bè với những ký ức ngày xưa. Ông vẫn thường khóc một mình khi xem TV, không bi lụy, mà là thương cho cuộc đời, thương những người cùng khổ mà ông đã từng biết đến và đôi khi thương cho cả bản thân mình.
Ông đang xếp đặt một sự bứt phá cho cuộc đời mình cùng nàng…
                                                                                                                                                                                      (chưa cạn)