Trang

Thứ Tư, 9 tháng 5, 2012

KHÔNG TÍNH CỦA DỪA???


KHÔNG TÍNH CỦA DỪA???

          Khi nói đến dừa, chúng ta nghĩ ngay đến vị ngọt thanh mát của nước dừa, vị béo thơm của cùi dừa, chiếc gáo múc nước đẹp bền theo năm tháng, những căn nhà lợp lá dừa và những chòm dừa, những rặng dừa xanh quê hương...
          Tùy theo từng hoàn cảnh, ngữ cảnh mà dừa hiện diện trong ta với những hình ảnh khác nhau. Song bất kỳ hoàn cảnh, ngữ cảnh nào, dừa cũng luôn mang đến cho ta những ấn tượng tốt đẹp.

          Dừa thật đặc biệt vì đã hàm chứa nhiều ý nghĩa trong đời sống chúng ta qua sự cống hiến của nó, qua tính phồn thực của nó và cũng qua tính không của nó.
          Với vị ngọt lành, giàu chất khoáng, dừa làm cho ta sảng khoái nhẹ nhàng hơn sau khi giải khát, trong ly chè Nam bộ, nếu không có vị béo thơm của nước cốt dừa , ta sẽ thấy thiếu vắng và vô vị biết bao. Với dáng hình tròn trịa của dừa, hẳn trong chúng ta ai cũng hiểu sự ví von rất cụ thể về một bộ phận hết sức gợi cảm của người phụ nữ. Tính phồn thực của dừa là đấy. Vậy không tính của dừa là thế nào?
        
          KHÔNG TÍNH là gì?
          Nói một cách nôm na: Không tính là tính không, không là gì cả, nhưng lại là tất cả.
           Tại sao không là gì cả mà lại là tất cả?
          Trịnh Công Sơn đã làm nhạc, ca từ và âm điệu của ông thật dung dị, không mỹ từ, không cao đạo, nhưng hàm chứa nhiều triết lý sâu xa: "em hồn nhiên, rồi e sẽ bình minh"/  "đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt..."... Giai điệu, ca từ của Trịnh trầm tĩnh, tự tại như hơi thở của mỗi chúng ta, nhưng đó lại là âm nhạc. Ta hát bài hát của ông như chính mình nói với mình, với đời. Có phải đó là tính không trong nhạc Trịnh?
          Còn dừa thì sao? Ở những vùng quê có dừa, dừa chín rụng xuống, tự nẩy mầm, tự phát triển và tự hiến dâng cho đời mà không cần ai biết đến sự tồn tại của mình. Dừa cống hiến cho đời từ chiếc lá, sợi xơ cho đến vị ngọt lành thơm béo. Gáo dừa sau khi đốt còn lại chút than cũng là vị thuốc chữa bệnh cho người.
          Từng phút từng giờ, dừa miệt mài hút nước trong không khí, trong đất để tạo quả theo chù kỳ mỗi tháng 1 lần. Nước dừa đủ khoáng như 1 loại huyết thanh có thể truyền vào máu cho người. Vị béo của nước cốt dừa làm cho món ăn thêm phần hấp dẫn. Dừa tạo nên bóng dáng quê hương và gần gũi như mẹ hiền “Dừa ru tôi giấc ngủ trẻ thơ” (thơ của Lê Anh Xuân). Dừa cho ta chiếc gáo để múc nước mãi không hỏng hư. Dừa cặm cụi chịu khó chịu thương trong vai trò chiếc chổi chà quét sân đầy sỏi đá. Lá dừa giảm bớt nộ cuồng của gió để ngăn chặn bão giông…
          Dừa đã cống hiến mà như không hề cống hiến, bởi sự cống hiến đó quá đời thường đến nỗi trong ta dường như ít ai nhận thấy. Dừa không đòi hỏi chi cho mình, không cần bón chăm săn sóc, không héo úa khi nắng hạn, không ngập úng khi mưa sa không gãy nhánh lìa cành trong mưa giông bão giật. Để đến khi không còn dừa nữa, những người dân xứ dừa mới chợt nhận ra rằng họ cần nó biết bao...

           Dừa là thế đó. Không tính của dừa chính là tất cả những lợi ích mà dừa đem lại cho cuộc đời mà như không, mà như mình không hề tồn tại.

(Thưa các anh chị, các bạn và các em, đây là bài viết cũ của KT. Có phải vì quá yêu dừa nên KT đã dám mạo muội đem 1 triết lý sâu xa của đạo học Phương Đông ấy là KHÔNG TÍNH để tôn vinh dừa một cách thái quá không? Có phải KT quá chủ quan không? Mong đón nhận những suy nghĩ và nhận xét chân tình từ các anh chị và các bạn để PT trở về thực tại. Phiêu diêu kiểu này hoài chắc có ngày sẽ “lộn cổ xuống ao”?!)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có thể dùng thẻ sau để:
- Post hình : [img] link hình [/img]
- Post video: [youtube] link youtube [/youtube]