Trang

Chủ Nhật, 22 tháng 7, 2012

QUẢNG BÌNH TỪ GÓC NHÌN ĐỊA VĂN HÓA (Phần Hai)


         2.        NHỮNG CÂU CHUYỆN ÍT NGƯỜI BIẾT ĐẾN
Đồng Hới là thủ phủ của Quảng Bình, nguồn nước ngọt cung cấp cho cư dân  ở đây được lấy từ Bàu Tró. Ngoài tầm quan trọng ấy ra, hồ Bàu Tró còn là niềm tự hào của người dân Quảng Bình bởi giá trị về khảo cổ học. Sau khi khai quật các hiện vật có niên đại khoảng 5.000 năm tuổi tại hồ này, các nhà khảo cổ Pháp đã lấy tên của di chỉ này để đặt cho nền văn hoá hậu kỳ đá mới phân bố ở vùng ven biển Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên là văn hoá Bàu Tró. Các hiện vật Bàu Tró là những di vật quan trọng cho việc nghiên cứu dấu tích của người Việt tại khu vực Trung Bộ.
 

  Một góc của Bàu Tró
 Hiện nay, Bàu Tró đang được đề nghị một chế độ bảo vệ nghiêm ngặt vì nó chẳng những là nguồn nước phục vụ sinh hoạt cho một vùng cư dân trù phú mà còn là một di chỉ khảo cổ học, một thắng cảnh nổi tiếng.
Di chỉ khảo cổ học Bàu Tró ở vào 106 độ 37’13" kinh độ Đông, 17 độ 29’30" vĩ độ Bắc. Cuối mùa hè năm 1923, nhà  địa chất kiêm khảo cổ học Páttơ (Etinen Patte) đã tổ chức khai quật Di chỉ Bàu Tró. Hiện vật thu được còn lưu giữ tại Viện bảo tàng lịch sử việt Nam gồm công cụ lao động và những mảnh gốm vỡ, xương cá, vỏ sò,…
-         Công cụ săn bắt, trồng trọt: rìu bôn, cuốc là những công cụ sản xuất quan trọng nhất đều được mài toàn thân và rìu bôn có vai là công cụ đá tiêu biểu nhất của văn hoá Bàu Tró;

Công cụ lao động được khai quật

-         Công cụ chế biến thức ăn: Hòn đá bằng thạch anh (Páttơ gọi là hòn ghè: Perueteur) và bàn nghiền hạt;
-         Công cụ chế tác đồ gốm: dụng cụ đá dùng để tu chỉnh ép (Reto-uchoir), 1 số thổ hoàng (đá son) cùng những mảnh gốm vỡ khá phong phú và đa dạng, bao gồm 3 loại khác nhau: gốm đáy nhọn văn chải 2 mặt, gốm đáy tròn văn thừng, gốm đáy tròn hoặc có chân đế trang trí văn khắc vạch trên nền thừng kết hợp với tô màu đỏ;
-         Công cụ đánh bắt cá: chì lưới và đốt xương sống cá, vỏ sò,…
Với những di vật được khai quật, ta thấy được cư dân tại đây đã đạt đến trình độ chế tác công cụ lao động cao và khẳng định tư duy lao động thời ấy đã có nhiều tiến bộ. Nhất là những hoa văn trang trí trên những mảnh gốm vỡ cũng đã thể hiện được khả năng thẩm mỹ của người xưa. Những điều này chính là nét đặc trưng quan trọng phân biệt giữa văn hoá Bàu Tró với các văn hoá đá mới khác.

Mảnh gốm vỡ

Cùng với Bàu Tró, một số hang động thuộc khu vực vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng cũng đã được khai quật và được khẳng định là văn hóa Hòa Bình từ một nữ khảo cổ người Pháp tên Cô-la-ni (Madeleine Colani) vào năm 1926.  Sau khi phát hiện nhiều di vật ở các hang động phía tây Quảng Bình, bà kết luận: có sự hiện diện của văn hóa Hòa Bình ở khu vực này.
Chủ nhân của văn hoá Hoà Bình trên đất Quảng Bình thời tiền sử đã sống trong các hang động, các mái đá. Họ thường chọn những nơi nhiều ánh sáng và gần nguồn nước nên những di vật còn sót lại cho thấy thức ăn chủ yếu có được là do kết quả từ việc đánh bắt cá và hái lượm. Dần dần, theo mực nước thuỷ triều rút xuống, họ đã lần theo các triền sông có đất đai màu mỡ di cư xuống đồng bằng ven biển, chinh phục thiên nhiên, xây dựng làng bản. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy những di chỉ làng ven các dòng sông như: di chỉ Cồn Nền nằm ở bờ Bắc sông Gianh chừng 200m, di chỉ Lệ Kỳ nằm sát một dòng sông cổ bị vùi lấp v.v... đều thuộc hậu kỳ đồ đá mới của Bàu Tró kéo dài sang đầu thời đại kim khí.
Từ đó, có thể nói rằng văn hóa Bàu Tró cũng chính là sự nối tiếp của nền văn hóa Hòa Bình được lan rộng bởi những cuộc di dân của người tiền sử trên lãnh thổ Việt Nam.


Giếng cổ Chăm hơn 2.500 tuổi tại di chỉ Cồn Nền

Ngoài những phát hiện trên, các nhà khảo cổ còn tìm thấy những dấu vết Chăm  ở Phong Nha trên những bức tượng đá và bàn thờ xây bằng gạch đỏ của người Chăm vào thế kỷ IX-X. Cho thấy hang động này là nơi lưu giữ những dấu tích của người Chăm cổ từ miền Bắc vào miền Nam. Đặc biệt, hiện nay ở Phong Nha vẫn còn 97 ký tự cổ khắc trên đá tại hang Bi ký.
Chữ Chăm trong hang Bi Ký
 Viện Khảo cổ học Việt Nam năm 1995 đã nhận định: động Phong Nha là một di tích khảo cổ học vô cùng quan trọng. Những dấu tích ở hang Bi Ký trong động có thể là một thánh đường Chăm Pa từ thế kỷ IX đến thế kỷ XI. Nơi đây, cũng đã phát hiện nhiều mảnh vỡ các bình gốm tráng men Chàm cùng các mảnh gốm thô sơ có lõi đen.
Nổi tiếng và được sắp vào di sản thiên nhiên thế giới, Phong Nha Kẻ Bàng không chỉ là thắng cảnh thiên nhiên lưu giữ và chứa đựng nhiều di vật tiền sử mà Phong Nha - Kẻ Bàng còn có những cộng đồng thiểu số với những phong tục tập quán đa dạng và độc đáo

-               NGƯỜI VÂN KIỀU (còn gọi là người Bru)
Vốn là cư dân nông nghiệp có trình độ tương đối phát triển, tập trung sinh sống tại vùng trung Lào, sau những biến động của lịch sử diễn ra nhiều thế kỷ, họ phải di cư đi các nơi. Một số đi theo hướng tây bắc sang Thái Lan, một số đi theo hướng đông tụ lại vùng miền núi phía tây Quảng Bình, họ dựng làng xung quanh hòn núi Vân Kiều (núi Viên Kiều), về sau người Việt lấy tên của hòn núi đặt cho một tổng của người Bru, và từ đó họ còn được gọi là Bru - Vân Kiều

Lễ hội đâm trâu
Ngôn ngữ của họ thuộc nhóm ngữ hệ Môn- Khơ Me, bên cạnh những nét văn hóa truyền thống, họ có tư duy sống không khác mấy so với người kinh.
Trước kia y phục che thân chủ yếu từ vỏ cây rừng đập dập lấy xơ. Theo phong tục, nam đóng khố, nữ mặc váy, áo chui đầu, không có tay. Ðồ trang sức thường đeo là các loại vòng ở cổ, tay, khuyên tai. Xưa đàn ông, đàn bà đều búi tóc, riêng thanh nữ búi lệch tóc về phía bên trái, khi đã có chồng tóc được búi trên đỉnh đầu. Dấu hiệu này là sự khẳng định nhân thân của mỗi người. Ở một góc độ nào đó, thì đây là một tập quán rất nhân văn.
Tập tục trong cưới hỏi của người Vân Kiều không khác gì người Kinh. Nhưng trong ma chay thì  người Vân Kiều quan niệm, sống chết là quy luật của thiên nhiên, của tạo hóa (đây là một cách nghĩ rất sáng). Con người cũng như cái cây, con thú trên rừng vậy, có sinh ra lớn lên rồi sẽ chết đi. Sống được rừng che chở, được rừng cho cái ăn, cái mặc, ngôi nhà để ở, con nước để uống nên khi chết phải trở lại với rừng, tiếp tục sống gắn bó với rừng ở một thế giới khác. Người Vân Kiều thường chôn người thân dưới những gốc cây to, tượng trưng cho những lời khẩn cầu, mong thần rừng che chở cho linh hồn của người đã khuất và họ luôn coi chốn ấy là cõi thiêng bất khả xâm phạm. Thế giới tâm linh với người Vân Kiều là đặc biệt quan trọng, nơi những khu rừng được chọn cho cõi vĩnh hằng được bảo vệ rất nghiêm túc. Đây không chỉ là bảo vệ thế giới tâm linh của dân làng mà còn là gìn giữ những gì thuộc về nét đẹp trong phong tục tập quán của mình. 

-         NGƯỜI AREM (nằm trong nhóm tộc người: Arem, Chứt, Mày, Rục, Sách, Mã Liềng, Xá lá vàng)

Ngôn ngữ Arem thuộc nhóm ngôn ngữ Việt – Mường. Các nhà khoa học khẳng định, người Arem có gia tài văn hoá rất đặc biệt. Họ có ngôn ngữ, có phong tục với những bí ẩn lạ lẫm, chưa khám phá hết.
Năm 1956 khi lần đầu tiên người Arem được phát hiện ở Quảng Bình, họ chỉ có chưa đến 100 người. Cuộc sống người Arem nguyên thuỷ trong những hang đá hoặc dưới rèm đá ở rừng già Phong Nha - Kẻ Bàng (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình). Thời điểm đó, người ta cho rằng người Arem ngoài cuộc sống “ăn lông ở lỗ” ra họ không có bất cứ tài sản nào về tinh thần. Thế nhưng mới đây, người Arem đã làm cho mọi người phải ngạc nhiên. Nếu ta gặp bất cứ một người Arem nào và hỏi: Anh thuộc tộc người nào? Người Arem sẽ không ngần ngại nói: “Chăm rău Arem”- nghĩa là “tôi là người Arem”.
Cách thể hiện này đã gây sự chú ý mạnh với các nhà ngôn ngữ học ngôn ngữ và văn hoá người Arem hấp dẫn giới ngôn ngữ đến kỳ lạ. Theo nhà ngôn ngữ học Trần Trí Dõi thì đó là hình ảnh của tiếng Việt thời cổ xưa, như một nhà bảo tàng lưu giữ các giai đoạn phát triển của tiếng Việt, là di chỉ cần “khảo cổ” để tìm hiểu lịch sử tiếng Việt.
Cũng theo nhà ngôn ngữ học Trần Trí Dõi: “Trước đây, giới ngôn ngữ học rất khó khăn trong việc chứng minh tiếng Việt xưa kia là song tiết (hai tiếng), qua quá trình vận động nó đã chuyển hẳn sang thứ ngôn ngữ đơn tiết (một tiếng). Khi tìm hiểu tiếng Arem và nhiều ngôn ngữ khác tương tự người ta đã giải thích được quá trình này. Dạng thức hai âm tiết rất phổ biến trong tiếng Arem, nếu người Việt nói gió, đất, là một tiếng thì người Arem gọi gió là kaja, đất là atăk. Ngoài ra, căn cứ vào âm tiết, các nhà ngôn ngữ còn nghiên cứu tiếng Arem về mặt thanh điệu (dấu) để chứng minh tiếng Việt xưa kia là ngôn ngữ chưa có dấu. Rất đáng tiếc, hiện nay ngôn ngữ Arem chỉ còn mỗi tiếng nói, vẫn chưa tìm được gia tài chữ viết của họ ở đâu. Tiếng nói người Arem chỉ dùng trong cộng đồng của mình. Những tộc người láng giềng như Ma Coong, Rục, Mày, Sách, Kinh... ít người nói được tiếng Arem. Nhưng hầu như người Arem nào cũng nói được tiếng của những tộc láng giềng, gặp người Khùa họ nói tiếng Khùa, gặp Ma Coong họ dùng tiếng Ma Coong để giao tiếp.
Với người Arem, con gái là tài sản quý của dòng họ, mỗi dịp ai sinh con gái họ liền mở rượu ăn mừng. Con gái đến tuổi lấy chồng, con trai phải làm lễ bỏ của theo yêu cầu của nhà gái. Lễ bỏ của phải có rượu, bạc, gà trống và tiền mặt. Lễ bỏ của bên nhà gái do cậu ruột quyết định và được hưởng trọn vẹn, bố mẹ của cô gái không được gì. Cưới xong cô gái đi làm dâu, nếu bên chồng làm việc gì để cô gái bỏ về thì chồng phải chuẩn bị 3 hũ rượu, 3 con gà trống và cả tiền mặt nữa qua nhà gái gặp cậu làm lễ xin lại vợ. Cậu đồng ý mới được mang vợ về, nếu để vợ bỏ về lần nữa thì lễ xin vợ tăng lên gấp đôi.
Trong thăm thẳm của mênh mông núi rừng, người Arem như hiện thân của nhiều bí ẩn nguyên sơ mà các nhà nghiên cứu cần quan tâm...

                                                                                                                 ( vẫn còn  )                        

Thứ Bảy, 21 tháng 7, 2012

QUẢNG BÌNH TỪ GÓC NHÌN ĐỊA VĂN HÓA (Phần Một)


        Sau hơn tháng trời đầu tư toàn sâm thục linh (một loại sâm quý của Việt Nam nổi tiếng toàn thế giới) và của ngon quý hiếm, cuối cùng KT cũng có được một đứa con mang tên “QUẢNG BÌNH TỪ GÓC NHÌN ĐỊA VĂN HÓA” để đem đến “khoe” với các bậc trưởng lão đầu ngành và các vị cao thủ về văn hóa tại bữa tiệc "Hội thảo khoa học quốc gia về Danh nhân Quảng Bình" (ngày 30/7/2012). Ngoài ban tổ chức ra, các bạn là người đầu tiên được diện kiến nó. Hãy xăm soi cho kỹ nhé. Tuy được đầu tư toàn của ngon vật lạ và quý hiếm, nhưng chưa chắc đã ngon lành như “mẹ” nó nghĩ.
        Mời các bạn nè! 
QUẢNG BÌNH TỪ GÓC NHÌN
ĐỊA VĂN HÓA
                       1.        KHÁI QUÁT VỀ VÙNG ĐẤT QUẢNG BÌNH
Quảng Bình là vùng đất nằm trải dài từ 18°05’ xuống 17°05’ vĩ bắc và từ 105°37’ đến 107°00’ kinh đông. Phía bắc giáp Hà Tĩnh, phía nam giáp Quảng Trị, phía tây giáp Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào với đường biên giới là 201,87 km, phía đông là bờ biển dài hơn 116km.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Quảng Bình thuộc bộ Việt Thường của nhà nước Văn Lang, nhưng theo các tài liệu nghiên cứu sau này, Việt Thường là tên của 1 quốc gia cổ đại hình thành trên cơ sở của các bộ lạc sau khi xã hội nguyên thủy tan rã, bước vào ngưỡng của xã hội văn minh đầu tiên – tức xã hội nô lệ gia trưởng. Nhà nước Việt Thường Thị xuất hiện vào đầu thiên niên kỷ thứ II trước công nguyên.
Thời Bắc thuộc, Quảng Bình khi thuộc quận Tượng Lâm, khi thuộc quận Nhật Nam. Năm 192, Quảng Bình lại thuộc lãnh thổ Lâm Ấp. Đến năm 758 Lâm Ấp đổi tên là Chiêm Thành, Quảng Bình nằm trong 2 châu: Châu Bố Chính và Châu Địa Lý. Năm 1069, Lý Thường Kiệt là người đem Quảng Bình về trọn vẹn trong lãnh thổ Đại Việt sau cuộc chiến tranh Việt Chiêm.
Là đoạn cuối của dãy Trường Sơn trùng điệp, Quảng Bình không chỉ nổi tiếng về những tấm lòng quả cảm, về sự hy sinh mất mát của vùng đất tuyến đầu tổ quốc trong những năm chiến tranh chống Mỹ mà còn nổi tiếng bởi những hang động được xếp vào di sản thiên nhiên của thế giới chứa đựng nhiều dấu ấn lịch sử của sự phát triển loài người, của những điều mà ít người biết đến. Ấy là câu chuyện của di chỉ văn hóa Bàu Tró, ấy là câu chuyên về vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng ẩn chứa rất nhiều điều thú vị về văn hóa của các cộng đồng thiểu số. Những vết chân in trên những dải cát mênh mông kia cũng là những câu chuyện dài chưa nói hết…


Đồi cát Quảng Bình

Dòng sông Son chuyển màu từ xanh sang vàng đoạn rẽ vào động Phong Nha.


Dòng sông Son chuyển màu từ xanh sang vàng đoạn rẽ vào động Phong Nha.

Quảng Bình còn là vùng đất địa linh nhân kiệt, bởi sự giao thoa của các nền văn hóa cổ đại cùng những lễ hội dân gian truyền thống: lễ hội đua thuyền, cầu ngư, cầu mùa, tưởng niệm thành hoàng,.. Với những nghi lễ hết sức đa dạng, phong phú theo từng địa phương.

Với tôi, Quảng Bình hết sức hấp dẫn. Quảng Bình như một chiếc bánh đa, nếu được nướng khéo, cảm giác giòn tan trong vòm họng, vị bùi của gạo, vị thơm của vừng sẽ làm ta không thể không tiếp tục thưởng thức, ngược lại, nếu bị nướng cẩu thả, chiếc bánh đa sẽ bị chai cứng, chẳng còn hấp dẫn...

Quảng Bình là thế, rất mộc, rất đời, rất thú vị nhưng rất tiếc là quá ít người hiểu được giá trị vô hình này để khai thác và cảm nhận.
                                                    
                                          Hết phần một (phần hai hơi bị dài nhé )

TỔN THƯƠNG


Tại sao họ trêu ghẹo nhau để rồi lại bị tổn thương?
Có những điều lẽ ra không nên có, nhưng chỉ một chút thôi của sự quá trớn, họ tự làm đau mình. Vì họ chợt hiểu, rồi mình sẽ là 1 chút đùa vui của người khác, cũng như người ta cũng đã từng đùa vui với bao người.
Sự mong manh của tâm hồn là đây. Là khi chợt nhận ra rằng nếu không tỉnh táo, ta cũng sẽ chỉ là trò đùa.

Thứ Sáu, 20 tháng 7, 2012

BÊN LỀ TRẬN HOÀNG ANH - GIA LAI

 
BÊN LỀ TRẬN HOÀNG ANH - GIA LAI
                                                                 20 March, 2011


(ảnh từ internet)

Vừa làm việc vừa “nghe” đá bóng, trận HAGL và ĐTLA. Tiếng kèn vang lên bản nhạc KHỎE VÌ NƯỚC, khiến tôi lẩm nhẩm hát theo và thấm thía vô cùng ca từ của bài hát này:

....DÂN SINH YẾU NHƯỢC MANG THEO MỐI NHỤC VONG QUỐC
DÂN SINH DŨNG CƯỜNG ĐƯA TA TỚI ĐẠI VINH QUỐC. ...

(Giờ dân ta có yếu không mà sao bị bọn tàu khựa đe dọa đủ điều dzậy ta?! Nghĩ mà điên máu, nhưng đành bất lực .)


Bài hát này từ khi là học sinh cấp Một, dưới chế độ Saigon cũ, bọn học trò chúng tôi đã thuộc nằm lòng cùng bài hát "BẠCH ĐẰNG GIANG" . Thuở ấy, tôi không thể hiểu hết được nội dung bài hát. Rồi 13 tuổi, vào chiến khu, học lớp điện báo viên để trở về Saigon hoạt động nội thành. Do hoàn cảnh đưa đẩy, năm 1971, tôi được chọn là hạt giống đỏ miền Nam đưa ra miền Bắc học. Và rồi tất cả chìm sâu trong ký ức...

Ngày xưa ấy, chỉ hát như những con sáo, để giờ đây, ngấp nghé tuổi 60, bất chợt nhận ra giá trị của những ca từ trong bài hát này từ một trận đá bóng. Từ đó mới thấy rằng người xưa đã sâu sắc hơn chúng ta rất nhiều. Dù các cụ chưa chắc đã có bằng thạc sỹ, tiến sỹ xã hội nhân văn như lớp trẻ của chúng ta ngày nay.

Vào ngay google gõ tên bài hát, thế là tôi có được lời của bài hát này. Xin đăng lên đây để chúng ta cùng ngẫm nghĩ.

KHỎE VÌ NƯỚC 

Sáng tác: Hùng Lân & Nguyễn Huy Khôi (1943)

Khỏe vì nước, kiến thiết Quốc Gia.
Đoàn thanh niên ta góp tài ba.
Tạo nguồn dân sinh mới hùng mạnh trong năm giới.
Hợp lực xây hưng thịnh chung nước Nam.

Khỏe vì nước, chí khí cương kiên.
Giống Lạc Hồng uy hùng vô biên.
Trong khốn nguy can trường sống thác ta coi thường.
Việt Nam thanh niên anh dũng muôn năm.

Thanh niên ơi, hồn thiêng núi sông đợi chờ !
Nơi tay ta toàn dân ngóng trông từng giờ.
Mang máu anh hùng ta đừng làm nhơ máu anh hùng.
Trai đất Việt phải nêu đèn sáng thế giới soi chung.

Dân sinh yếu nhược lôi ta đến đường vong quốc.
Dân sinh dũng cường đưa ta tới đài vinh quốc.
Mau gây lấy phong trào khỏe khắp nơi xa gần.
Cho dân trí quật cường và hưng phấn.
Nghìn đời không mờ ánh Duy Tân

(Có thể nghe bài hát bằng cách nhấp chuột vào link sau đây: http://www.youtube.com/watch?v=cylEtWfsiOM, và có thể xem thêm thông tin của bài hát này qua link sau: http://www.tapchithethao.vn/home/detail.asp?iData=2185&nChannel=News)

Xin cám ơn ông Nguyễn Huy Khôi & nhạc sỹ Hùng Lân đã để lại cho đời bài hát vô cùng sâu sắc và mang tính giáo dục rất cao. Tiếc rằng ngày nay bài hát này không được phổ biến rộng rãi trong trường học và không được đưa vào chương trình khoa giáo. (Cũng có khi vì không biết bài hát này nên các bác ngành giáo dục nhà ta không đưa vào trường học đấy thôi. Tiếc thật!)

Và sau đây là bài hát BẠCH ĐẰNG GIANG http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=Souyz947ql

Nhạc:  Lưu Hữu Phước
Lời: Mai Văn Bộ, Lưu Hữu Phước

Đây Bạch Đằng Giang sông hùng dũng
Của nòi giống Tiên Rồng
Giống Lạc Hồng, giống anh hùng, Nam Bắc Trung
Trên trời xanh muôn sắc đua chen bóng ô
Dưới đáy dòng nước ánh sáng vởn vơ nhấp nhô
Hàng cây cao soi bóng, gió cuốn muôn ngàn lau
Hồn ai đang phảng phất trong gió cảm xiết bao

Mây nước thiêng liêng còn ghi nhớ rành
Thời liệt oanh của bao người xưa trung chánh
Vì yêu nước Nam vui lòng hiến thân
Liều mình ra tay tuốt gươm bao lần

Dòng nước vẫn sáng dưới trời quang đãng
Từ xưa nêu cao tấm gương anh hùng
Dù có sấm sét bão bùng mưa nắng
Đằng Giang vẫn sáng.. để cho nòi giống soi chung

Đây Bạch Đằng Giang
Sông hùng dũng của nòi giống Tiên Rồng
Giống Lạc Hồng, giống anh hùng, Nam Bắc Trung.
Trên dòng sông một muôn bóng cờ trong chí ta
Biết mấy thành tích, biết mấy chiến công đã qua
Kìa quân Ngô Tiên Trú, giết hết quân sài lang
Kìa quân Trần Quốc Tuấn, đánh thắng quân Thoát Hoan

Nay đã bao lâu còn đâu nữa rồi
Thời gian qua đã bôi mờ trong đêm tối
Người nay có hay: Đã vì chúng ta,
Người hùng anh xưa, giữ nước non nhà


Hồn nước vẫn sống với trời non nước
Ngày nay ta noi khắp gương anh hùng
Dù khó thấy mấy quyết cùng nhau bước
Làm cho gió biết cháu con nòi giống tiên long

Thứ Tư, 18 tháng 7, 2012

MỘT CHUYẾN ĐI CHƠI (tt)



PHAN RANG - THÁP CHÀM
Khoảng 9:30, hai chị em ra bến xe sau khi chào từ biệt cụ Nô và hs Lê Vũ. Hỏi thăm xe đi Phan Rang. Họ nói đúng 10g xe chạy. Vào phòng vé cũng rứa. Không mua vé, quay ra. Là nghĩ, nếu mua vé, nhà xe sẽ mất thêm 1 khoản “hụi chết”. Hổng biết cách nghĩ này của mình đúng hay sai, nhưng thôi kệ, thời buổi khó khăn đỡ cho ai đồng nào hay đồng đó (tư duy đàn bà).
Bịn rịn dặn dò nhau đừng bỏ thêm buổi chợ.
Lên xe, 10:30 xe mới bắt đầu chuyển bánh. Bực mình vì họ nói chắc như bắp mà giây thun tới nửa giờ.
Cô con nuôi nhắn tin liên tục. 12:15 xe cũng tới bến. May mà đã thông báo giờ đến, vậy mà tới nơi, dõi mắt khắp nơi chả thấy nàng đâu. Gọi điện và đứng chờ gần 20ph. Bỏ qua, vì nàng thanh minh phải cắm hoa ở nhà thờ cho buổi lễ Tiếp sức của ngày chủ nhật.
Sau gần 5 tiếng ngồi bờ biển nhâm nhi món mực hấp cuốn bánh tráng, ốc đinh xào dừa và tâm sự, 2 mẹ con đi chợ (Shopping là thú mà mình nghiện từ bé, do mẹ hay cho đi cùng từ cái thuở mà xe ngựa còn lọc cọc trên đường phố Saigon. Tuổi thơ, ôi sao quá nhiều hoài niệm…) Mình thèm đi chợ quê, thèm nét hoang sơ dân dã, nhưng tiếc rằng chợ Phan Rang không phải chợ quê, bởi Phan Rang Tháp Chàm đã lên thành phố chứ không còn là thị trấn đầy nắng gió như mình tưởng tượng về vùng đất Ninh Thuận. Vì đã chiều muộn, nên chỉ vội vào khu chợ đồ khô để sưu tầm khô về cho xã xệ. Xã xệ nhà mình thích tất cả các loại cá khô. Cũng không có gì đặc biệt. Chợt nhớ món gỏi soài cá cơm ở quán Sáu Trình hôm qua. Thế là tìm khô cá cơm. Hỏi ra mới biết đó là cá cơm mờm. Nó nhỏ rí như con ruốc vậy. Mua luôn 1 ký. Phen này xã xệ sẽ được thưởng thức lại “tài” pha chế mà hơn 20 năm rùi được nhượng quyền cho cô giúp việc (nghĩ rứa và “sướng âm ỉ”)
Sau hơn tiếng nghỉ ngơi, lại tắm lần thứ 3 trong ngày để chuẩn bị ra xe về Saigon.  19:30  “bị gậy” đi tìm món bánh căng lót bụng. Mình thích món này, vì nó nhiều kỷ niệm. Đúng như 1 người bạn mình nói: “Bây giờ người ta thường ăn bằng hoài niệm”. Mình là người sống nhiều với hoài niệm, nên đôi khi bước ra đường là mênh mang nỗi nhớ về tuổi thơ, về ký ức… Mỗi góc phố, con đường Saigon, mọi khoảng thời gian trong ngày với mình đều là ký ức, là vui, là buồn, là trăn trở…
Cô con nuôi ăn còn ít hơn mình, nên 2 đĩa bánh căng cố mãi vẫn không hết, đành bỏ mứa. Tiếc, nhưng biết sao.
Ra bến xe, mẹ con lưu luyến…
Cuộc đời là thế, chỉ rất tình cờ mà mình có được nhiều, rất nhiều những cảm xúc, những chân tình, những ấm áp của những người “thân” từ thế giới ảo. Từ đó mới hiểu, hãy sống thật với cảm xúc và mở lòng, ta sẽ nhận được rất nhiều…

Thứ Hai, 2 tháng 7, 2012

MỘT CHUYẾN ĐI CHƠI (tt)



Vừa về tới nhà, “nó” đã mở nhạc. Sao mà giống vậy, người bạn học của mình. Âm nhạc không thể thiếu trong cuộc sống của họ.
4g30, theo hẹn thì có mặt, nhưng phải chăm sóc chút dung nhan “tàn tạ” nên 2 chị em đến quán 6 Trình hơi trễ. Quán 6 Trình nằm bên giòng sông khá thơ mộng (cụ Nô thiệt khéo chọn địa điểm). Các đại gia: hs Lê Vũ (đại diện cho “O”), AQ, Cụ Nô cùng cây đàn ghita đã có mặt tự bao giờ, điều ni khiến mình hết sức cảm động. Rứa nên sau màn chào hỏi, mình gần như “tắt đài”. Lát sau thì đại ca Hotle có mặt với cái áo thun đen mới cáu. Rồi “ẩn sĩ” Cuồng Từ cũng tới. Đại thi hào Phù Vân - Đặng Cước  đến  với một tâm trạng vô cùng thỏa mãn, do trời thương chỉ mưa có mỗi khúc gần nhà, nên không phải đón cháu, lại được duyệt chơi tới mãn chầu. Sau đó thì người đẹp Chanh Rhum (Lan Phương) có mặt.  Bác Trường Linh Giang bận tiếp bạn nên tới sau cùng.
Trước đây, do có dự tính hợp tác với hs Phượng Hồng, thi thoảng anh có kể chuyện về nhóm bạn của  mình. Và họ là đây, nhóm bạn cực kỳ uyên bác với những lứa tuổi, công việc khác nhau, nhưng họ đều có những góc nhìn cuộc đời hết sức thú vị. Nếu không có yahoo blog, tất cả chỉ dừng lại ở chuyện kể của hs Phương Hồng chứ không thể có nổi cuộc gặp mặt này.  Tiếc rằng hôm đó không gặp được đại ca Yên Hồng và anh Hồng Ngọc, vì kẻ Đà Lạt, người Thailand xa tít…
Không khí nóng lên khi “nó” cất tiếng hát bài Buồn. Có bia nên chất giọng càng thêm não nuột: …”Buồn như ly rượu cạn, không còn rượu để say”… Khi đó thì các món ăn cũng từ từ được dọn lên. Mình có tâm hồn ăn uống, nên món gỏi soài cá cơm và món giông xúc bánh tráng được mình quan tâm triệt để. Cụ Nô đàn, nó hát thêm nhiều bài khác. Tuy nhiên, dù gì thì ca hát là căn bệnh cực kỳ dễ lây. Thế là mình “làm” bài Đôi bờ và thêm một số bài hát theo yêu cầu: Cô gái vót chông, Tiếng đàn Ta Lư. Đại thi hào Phù Vân - Đặng Cước thì diễn ngâm mấy bài thơ,… Đến 7 giờ cụ Nô xin cáo lui, do đã có chương trình từ trước, nhưng nào ai dễ dàng từ bỏ cuộc chơi, khi đang lúc cao trào. Hơn nữa, nhạc công mà về rồi thì còn ai đàn cho các ca sĩ này hát? Thế là lần lữa mãi, cũng khoảng gần nửa tiếng sau cụ mới dời nổi gót ngọc trong sự quyến luyến của mọi người. Cuộc vui có lắng lại một chút, sau đó thì Chanh Rhum vừa đàn vừa hát bài chi đó mà mình quên mất (tuổi già là thế đó). Cụ Nô đi rồi ẩn sỹ Cuồng Từ thế chỗ  ngồi cạnh “nó” để gom tụ. Lát sau thì Chanh cũng phải ra về, vì con trai ở nhà đang đói bụng.
“Nó” vẫn làm chủ “sân khấu” với những bài hát rất tâm trạng. Riêng đại ca Hotle thì sướng “âm ỉ” mỗi khi nhìn “nó” hát. Và hình như từ bữa nớ tới nay, đại ca cũng vui hơn, ấm áp hơn thì phải (?!)
Hs Lê Vũ và AQ rất kiệm lời. Ẩn sỹ Cuồng Từ cũng không kém, anh tỏ ý tiếc rằng: ba mình đã sai lầm khi cho mình đi bộ đội, nếu không thì có lẽ con đường học vấn của mình sẽ hanh thông. Mình cũng có nhắc lại, do ba biết các con gái của ba khi lớn không thể không lấy chồng sỹ quan, trong khi các anh trai của mình lại còn đang ở miền Bắc. Mà ba mẹ là biệt động thành, nên không thể nào khác được. Chiến tranh mà!
Sau đó thì AQ hỏi mình 1 câu về quan niệm sống hiện tại: Theo trường phái tự do chủ nghĩa, nên mình chỉ làm những điều mình thích, ấy là làm sao để cống hiến cho đời nhiều hơn. Và mình đang làm điều đó cho dừa. Đang cố để mọi người hiểu hơn về dừa, để cây dừa được vinh danh. Dù rằng để làm được điều đó chẳng dễ chút nào…
Đêm đó “nó” bị đau bụng, còn mình thì ngủ như chết. Sáng ra biết chuyện thì bụng “nó” đã yên. Mình thật đáng tội! Chuẩn bị ra khỏi nhà, nó lại hỏi: chị muốn ăn gì?
-          Bún sứa đi em.
Sở dĩ mình thích món sứa là do hồi nhỏ, một lần duy nhất mẹ làm gỏi sứa cho cả nhà ăn. Mình nhớ hoài cảm giác sần sật của miếng sứa trong veo thêm vị chua ngọt rất ngon (vì có tâm hồn ăn uống, nên ngày nhỏ, mình luôn giữ lại được cảm giác khi ăn những món ăn đặc biệt). Món bún chả cá và sứa này quá tuyệt vời về chất lượng và giá cả. Chỉ có 40.000đ cho 2 tô bún và 2 chén sứa ăn thêm. Món ni mà ở Saigon, rẻ nhất cũng phải 30.000đ/tô.
Không chỉ có cuộc vui tối hôm đó. Sáng hôm sau, mình và “nó” còn được café với hs Lê Vũ, với  cụ Nô tới hơn 9g mới chia tay.
Cuộc gặp mặt không nhiều lời, không tán tụng nhau, nhưng thật vui, thật ấm áp.
Thương nhất là “nó”. Thời buổi gạo châu củi quế, mà “nó” phải bỏ gần 2 buổi chợ.
“O” thì trước khi đi Trà Cổ còn giao nhiệm vụ cho ông xã phải cầm tập thơ văn “Ghé lại trần gian” của mọi người để trao cho mình.
Cụ Nô thì hết sức nhiệt thành với nụ cười thường trực trên môi.
Hs Lê Vũ cũng có mặt trên từng cây số và chỉ im lặng.
Đại ca Hotle thì muốn nói nhiều lắm, nhưng do hạn chế về sức khỏe, dù sao cũng đã rất vui khi được “nó” rót bia và chăm sóc tận tình.
AQ thì “welcome” Phù thủy bằng cách đòi cho trả hết cho bữa gặp mặt, nhưng không được duyệt, nên hẹn sáng mời café Bốn mùa. Theo “nó” thì AQ chỉ “sung” khi nhậu “đã đã”, còn bình thường thì rất “hãi” phụ nữ. Vì thế, chầu café sáng mình không được diện kiến AQ. Tiếc ghê!
Các đại ca khác thì có lẽ buổi sáng bận rộn nên không café.
Nha Trang thật đẹp, thật êm đềm. Mình đã đến Nha Trang không chỉ một lần và lần này các đại ca và “nó” đã để lại trong lòng mình cảm xúc thật lớn…
Không lời nào có thể nói được hết cảm xúc của mình. Và đó chính là lý do tại sao bữa nay cuộc gặp mặt mới được tiếp tục “tường thuật”…
Cám ơn tất cả mọi người đã cho KT những phút giây ấm áp đầy nghĩa tình…

Thứ Ba, 26 tháng 6, 2012

MỘT CHUYẾN ĐI CHƠI (tt)


7g30 xe tới bến.
      Cái tật già chuyện với cu cậu kế bên, chưa kịp bước xuống xe thì “nó” gọi.
      -         Chị đang xuống đây!
      Hai chị em ôm nhau cuống quýt. Tại sao phải đi khách sạn khi mình đã từng có những năm tháng bụi bờ trong chiến tranh? Thế là “đèo” nhau về nhà “nó”.
      “Nó” hỏi mình muốn gặp ai? Chô cha, ai cũng muốn gặp ráo, nhưng hổng biết mọi người răng hè? Mặc dù bữa trước cũng đã đánh tiếng rùi, nhưng trong lòng cũng thấy ngài ngại (dzụ ni mới à nghe, hồi trẻ luôn tự tin, chừ già bỗng thấy nhột nhạt. Hic hic!)
      Tắm, thay đồ xong thì “nó” hỏi mình muốn ăn gì?
      -         Coi chỗ café, có chi ăn nấy em à.
      Nâu là quán café hai chị em ghé đến. Hồi hộp theo “nó” lên lầu… Cụ Nô đã có mặt tự bao giờ. Hổng biết có bắt tay chào nhau không, sao ta hổng nhớ nổi dzị cà? (cảm xúc lần đầu gặp mặt hình như là vô cùng bối rối). Sau khi an tọa, mình chọn món miến cua, “nó” bánh cuốn không chả.
      Nhà bếp phải đi chợ, nên hơi lâu. Khi đem món ăn lên thì … cả hai đều không hài lòng về món mình đã chọn, nên làm phép giao hoán và cuối cùng đều thất vọng, bởi chất lượng và khẩu vị quá tệ.
      Mùm xong thì cà phê đem tới. Cụ Nô hết sức “vô lăng” đã khuấy sữa và gắp đá bỏ café cho hai chị em.
      Ngồi chút, “nó” gọi điện mời đại ca Cuồng Từ, hăm dọa AQ sẽ leo cây, nếu buổi chiều AQ hổng ghé quán Sáu Trình (may mà AQ nhận lời, chớ không là "nó" hăm mặc váy leo cây đó nghe). Cụ Nô gọi điện cho bác Tường, cho hs Lê Vũ (đại diện, vì “o” mắc đi chơi Trà Cú) hẹn chiều gặp mặt. Gọi tiếp cho đại ca Phù Vân - Đặng Cước mãi tới lần thứ 3 mới được. Còn bác Hotle thì mình alo. Khoảng 10ph sau đại ca có mặt. Mình cũng gọi điện cho Lan Phương bên KTV, hẹn hò. Được biết ba của em đã mất được 6 tuần. Vậy mà mình chẳng biết chi. Thiệt quá vô tình!
      Câu chuyện sơ giao của bốn “đương sự” cùng vài câu chuyện tiếu lâm được chấm dứt khoảng gần 10g,  để hai đại ca Hotle và Nô tranh thủ đi mần.
      Hai chị em tranh thủ viếng Chợ Đầm, thấy sản phẩm gáo dừa được bày bán khá nhiều trong các gian hàng lưu niệm. Tranh thủ chụp mấy pô ảnh. Dạo quanh kiếm chi bỏ bụng buổi trưa.
      Cầu được ước thấy, món bánh căng mình thích kia rùi. Tắp lợi, hai chị em làm 1 bụng no căng.
      Ghé hàng khô, mua mực cơm hấp, khô kèo biển, khô cá khoai (loại ni xã xệ mê nhứt) và món mà mình đặc biệt thích, ấy là sứa muối.
      Xong chuyện tham quan mua sắm, hai chị em karaoke luyện giọng
      Bất ngờ khi “nó” cất giọng, sao hai chị em lại có chất giọng giống nhau thế! Và bất ngờ hơn khi nó chọn và cháy cảm xúc cùng những bài hát trùng với người bạn của mình. Hai chị em thay nhau nghêu ngao hết 3 tiếng đồng giờ thì go home.
                                                                                        (chưa hết)

Chủ Nhật, 24 tháng 6, 2012

MỘT CHUYẾN ĐI CHƠI


      Cô con gái nuôi gọi điện, nhắn tin: mẹ ra con chơi nhé, con sắp đi rồi.  Con muốn đưa mẹ đi thăm Phan Rang – Tháp Chàm.
      Hẹn hò mãi, và rồi cuối cùng quyết định. Sáng thứ sáu sẽ ra Nha Trang thăm nhóm bạn, sáng thứ bảy lên xe trở vào Phan Rang.
      Trưa thứ năm gọi điện khắp nơi. Nào là Trà Lan Viên, Phương Nam, Phương Trang, Mai Linh, Cúc Tùng,… Hết vé đêm nay rồi chị. Ui cha là hoảng, khi đã fix  tất cả. Gọi cho hãng xe Liên Hưng, may quá, còn vé chuyến cuối 22g30. Thế là an tâm 9g30 sẽ có mặt tại Bến xe Miền Đông.
     Chiều xẩm tối, đang chọn mấy cái quần đùi cho xã xệ và con trai thì điện thoại reo.
      -         Em đang ở đâu?
      -         Dạ, ở chợ.
      -         Em đi Nha rang hả?
      -         Dạ. (im lặng…) Chợ ồn quá, chút em về sẽ gọi lại.
Chô cha, mất hồn! sao “xã xệ” biết mình đi Nha Trang rứa hè? Gọi điện cho con gái Út: “Dạ ba không gọi cho con”. Rứa là chàng gọi về nhà rùi! Thôi kệ, đi thăm cháu nội trước đã rồi tính. Đến nhà xui gia. Con dâu đi Mộc Bài chưa về. Hun cháu nội Coca, Pepsi chưa kịp đón, vì con trai đi đá banh chưa về. Tặng xui gia đôi giày, gửi cho con dâu đôi xăng đan. Dăm điều ba chuyện, tới 8g. Mở điện thoại thấy lời nhắn của xã xệ: “Chúc em đi chơi với bạn vui vẻ, Su đang sốt ở nhà”. Cuống cuồng gọi về nhà.
      -         Em sao rồi con?
      -         Dạ, nó mới bị sốt và ói hồi chiều.
      -         Uh, để mẹ mua thuốc.
      Thế là ba chân bốn cẳng ra xe về. Bụng rối rắm, trời mưa. Sao khéo thế hổng biết!
      May quá, về tới nhà thì trời ngớt mưa, cháu nội cũng hết sốt, đang chơi với em. Gọi điện cho xã xệ lấy điểm.
      -         Dạ, em đây. Su nói chuyện với ông nội nè.( đưa máy cho cháu nội)
      -         Su sao rồi?
      -         Dạ, con hết sốt rồi “ngội”. Con đang chơi với Cà Rốt….

      Xe đến Phan Rang thì trời vừa sáng tỏ. Bình minh thật đẹp. Thấp thoáng những ngôi nhà dưới những hàng dừa… làm ta xao động…
      Cam Ranh. Một vườn dừa trồng như vườn cao su thẳng hàng ngay lối… bao suy nghĩ cho cây dừa…
                                                                                                                                (vẫn còn)

Thứ Bảy, 23 tháng 6, 2012

BÀI VIẾT TỪ MỘT NGƯỜI BẠN CÙNG TUỔI BÍNH THÂN


BÀI VIẾT TỪ MỘT NGƯỜI BẠN
CÙNG TUỔI BÍNH THÂN

Lục tìm lại những bài viết từ những người bạn. Đây không nhằm mục đích gì ngoài sự lưu giữ ân tình và kỷ niệm với cuộc đời.
Anh là bloggser Hồng Đăng.

Chị Kim Thanh là người không cần phải giới thiệu. Các báo đã viết về chị khá nhiều, về tài năng, niềm say mê, về những trăn trở hoài bão, cả về những phần thưởng và danh hiệu chị đạt được trong những năm tháng "lăn lộn" bên cây dừa và trái dừa. Phải trải qua biết bao nhọc nhằn và gian nan, để nay vững danh là “Phù thủy gáo dừa” - một cái tên độc nhất vô nhị! Bạn chỉ cần bỏ ra vài giây để search cụm từ “Phù thủy gáo dừa” trên Google là có ngay nhiều thông tin về chị. Bạn cũng có thể chỉ đơn giản click vô dòng tên Kim Thanh là đến ngay được blog của chị.
Tôi may mắn quen biết chị hơn một năm nay, thông qua blogging. Ngoài đời chị cởi mở, dễ gần và duyên dáng hơn trên báo chí rất nhiều. Một nữ doanh nhân nhỏ nhắn, nhanh nhẹn và đầy nữ tính. Tôi không thấy hình ảnh nào của chị mà thiếu được cái laptop, một con người làm việc luôn tay, và cả luôn mồm nữa
!
Thực ra, tôi không viết mấy dòng này để ca ngợi Kim Thanh, vì tôi biết điều đó là thừa đối với chị. Tôi là một người bạn của chị, vì cùng tuổi và hợp tính, nên chúng tôi giao tiếp thoải mái như bạn lâu năm, lâu lâu hú nhau đi uống cà phê tán dóc. Ngay từ những lần gặp đầu tiên, tôi đã phàn nàn cái tên gọi đã gắn với người bạn nhỏ nhắn này: Phù thủy gáo dừa!
Vẫn biết “phù thủy” nghĩa là là tài năng, là sự biến hóa bất ngờ, là điều gì đó phi thường – vì qua bàn tay chị, các mảnh gáo dừa vô hồn bỗng trở nên những vật dụng thiết thực, đẹp và bền, và thần kỳ hơn nữa, chúng trở nên những tác phẩm mỹ nghệ độc đáo như tranh, bình, vật trang trí nội thất… Gọi là “phù thủy” đáng lắm chứ! Nhưng tôi vẫn tức, tức vì trong dân gian, Việt Nam cũng như phương Tây, khái niệm “phù thủy” hàm chứa nội dung là ác độc, là ăn thịt người, là biến các em bé thành chim thành cừu, với hình tượng một bà già xấu xí cưỡi trên cây chổi
! Huhu. Bất công quá đi. Nhưng có từ nào thay thế được từ “phù thủy”? Tôi đã từng nghĩ đến “bà tiên gáo dừa”, “chúa gáo dừa” rồi “công chúa gáo dừa”, mà chưa ổn, vì chúng vừa gượng ép vừa “chưa tới” khi dùng nói về chị.
Nói với Kim Thanh điều này, chị chỉ cười trừ, nhưng tôi đoán, chắc rằng cũng đã có lúc chị từng “lăn tăn” với cái tên “Phù thủy gáo dừa”, một cái tên nghe sắc lạnh nhưng thật chính xác khi nói về cái nghiệp chị đang theo đuổi. Đơn giản, danh hiệu phải do người đời mến tặng, đâu phải để tùy tiện “tự phong”!
Biết vậy, nhưng tôi vẫn ấm ức.

Thứ Năm, 21 tháng 6, 2012

MỘT THOÁNG NGẨN NGƠ


     chùm thơ
 MỘT THOÁNG NGẨN NGƠ


 
I.        chiếc răng khểnh nhỏ xíu
       biết đùa khi em cười
       hay thẹn thùng lấp ló
       để lòng tôi chơi vơi


II.       một thoáng thôi
          ngẩn ngơ
          trước đồng tiền má lúm
          đôi mắt cười nhắm tít
          cũng nên thoáng ngẩn ngơ


III.      hoa tigon nhỏ
          màu hồng
          nở rộ bên rào nhà ai
          cô bé có bím tóc dài
          đang nhón chân
          lén hái
          vô tình anh nhìn thấy
          để rồi
          ngẩn ngơ hoài...

Thứ Ba, 19 tháng 6, 2012

NHỮNG ĐIỀU RẤT THẬT TỪ THẾ GIỚI ẢO (2)

VỀ MỘT NGƯỜI CHỊ

       Chị có nick mame là chieuchieu. Chị đã như bà tiên, cho em chiếc gậy để em thực hiện đam mê, nhưng em vẫn chưa làm được điều đó.
      Em nợ chị niềm tin, bởi em chưa làm được điều chị mong muốn, ấy là phát triển ổn định cho Dừa Việt.
      Và hôm nay, em tìm lại được bài viết của chị về em...
      Đọc lại, em buồn và ray rứt quá.
      Chị.
      Chị ơi, cho em hẹn lại vài năm nữa chị nhé. Em đang phải tạm dừng sản xuất vì xưởng em đang nằm trong diện di dời để chường chỗ cho khu đô thị mới. Em xin post lại bài của chị viết cho em ngày xưa, cùng đường link. Tất cả từ tấm lòng và sự biết ơn của em…
      Và bài viết đó là đây

http://vn.360plus.yahoo.com/chieuchieu0602/article?mid=26&fid=-1

Tôi được Kim Thanh đưa đi thăm xưởng Dừa Việt ở Củ chi .
Tôi vốn yêu thích công việc thủ công, rất mến mộ cái đam mê đánh thức Gáo dừa VN của Thanh, càng nể phục cái ý chí thực hiện đam mê ấy.
Gặp Thanh lần đầu, hỏi thăm “lý lịch”, tôi lý giải được tại sao Thanh lại có được cái ý chí ấy – Gương mặt nhỏ nhắn, bướng bỉnh; Vóc người rắn giỏi, mạnh mẽ. Có phải đấy là những tố chất trời cho ? ? ? hay là cả kết quả của quá trình tôi rèn từ cuộc sống ! ! ! Đặc biệt, cái lý lịch “Biệt động thành” từ khi còn niên thiếu - Chính là chìa khóa giúp tôi giải mã về Thanh.
Người ấy đây: với nụ cười “tới bến”, luôn trong tư thế sẵn sàng cho những chuyến đi.

  Tôi đã được bước vào ngôi nhà làm toàn bằng dừa của Thanh. Từ ngôi nhà đến bàn ghế, vật trang trí . . . đều từ dừa.
 
Qua tấm gương có khung bằng vật liệu Gáo dừa, các bạn có thể thấy một phần của Ngôi nhà Dừa. Từ nền nhà lên đến mái, cột nhà cao chót vót, loáng bóng . . .
Ngôi nhà DỪA với giá thành khá cao so với các vật liệu khác, đủ nói lên sự đam mê của chủ nhân đối với cây dừa Việt.
Bữa nhậu đơn giản và vui vẻ trên bộ bàn ghế bằng dừa. Cả những đôi đũa cũng từ thân dừa đấy.
 
Tiếc là tôi chưa được xem những công đoạn sản xuất. Vì đến vào buổi trưa nên chỉ kịp ăn rồi về , nhưng tôi cũng hiểu được 1 phần khó khăn của Thanh.
Theo cảm nhận của tôi, cái khó lớn nhất của Thanh lúc này là Con người.
Thanh chưa gặp được người có cùng chí hướng trong niềm đam mê Gáo dừa. Hầu hết đều chỉ quan tâm đến phần xác. Riêng Thanh, Thanh quan tâm cả phần hồn. Cái phần hồn đã làm Thanh mê đắm, đến mức chịu đơn lẻ trên con đường trần mà bồng bềnh, huyền ảo.
Với tôi , vốn là người thực dụng, tôi cũng mới chỉ thấy ở Gáo dừa cái phần xác của 1 thứ vật liệu cho công việc thủ công mà tôi vốn yêu thích. Nhưng tôi khâm phục ý chí và nghị lực ma quái của em Phù-thủy-gáo-dừa này .

Thứ Bảy, 16 tháng 6, 2012

CHÚT LÃNG MẠN



CHÚT LÃNG MẠN


Một thoáng cô đơn
Hòa trong gió
Nhớ bóng vai gầy
Ai có hay
Chiều nay
Thoảng nhẹ
Hồn thương nhớ
Man mác tình anh
Theo gió bay ....

Thị Nghè 1983

________________

   Một điều lạ, là tôi thường làm thơ tình từ cảm xúc của đàn ông.
   Chị bạn cùng học tôi nói: em có cá tính của 1 thằng con trai.
   Một đồng nghiệp nói: chị không biết yêu.
   Một họa sỹ nói: chị yêu bằng cảm xúc của người khác.
   Có lẽ người họa sỹ này nói đúng nhất.

   Tôi có 2 chị gái đều đã lớn và có 3 cậu em trai nhỏ. Xóm không có con gái, nên tuổi thơ của tôi suốt ngày nghịch phá, đánh nhau với lũ con trai cùng trang lứa. 13 tuổi, đi bộ đội. Đơn vị huấn luyện, có 2 chị nữ: chị "nuôi" (nấu cơm) và chị y tá, tôi học cả ngày với các anh. Còn nhỏ không phân biệt giới tính, lúc ngủ với mấy chị, khi sang nhà mấy anh, thích ngủ đâu cũng được. Đùa giỡn nghịch ngợm chẳng khác gì con trai, nên có anh nói: phải gọi mày là đực Phương chứ không thể gọi cái Phương được. Mày phá quá!
   Ra Bắc, tôi cũng luôn được các anh chị trong lớp cưng chiều. Khi trở thành thiếu nữ, vẫn cứ hồn nhiên mà chẳng biết e thẹn ngượng ngùng. Lớn lên chút nữa, đôi khi bất chợt cảm nhận được tình cảm của mọi người và đã ghi lại những cảm xúc đó bằng những bài thơ tình mang tâm trạng của họ.
  Bây giờ cũng vậy, bạn trai và bạn gái như nhau, không xấu hổ và cũng chẳng quan tâm đến những lời trêu ghẹo của mọi người. Bằng tấm chân tình, tôi sống và vẫn hồn nhiên như thuở nào…
  Và có phải đây là 1 dạng bệnh lý?

Thứ Tư, 13 tháng 6, 2012

VỀ NHỮNG NGƯỜI BẠN HỌC (07)


   NGUYỄN THỊ SONG AN 

     
     Năm lớp 6, mình và bạn cùng đạt giải nhất đơn ca, với phần thưởng là 10 cuốn tập. Bạn có giọng trong và thánh thót, còn mình thì chất nữ trung của giọng mũi nên được nhạc sỹ Huỳnh Thơ ráp thành đôi song ca và dạy cho những bài hát mới, đi "bè", để phát trên đài Phát thanh Giải phóng. Lên lớp 7 thì mình mới học chung lớp.
      Nhớ lần giao lưu văn nghệ với trường 2 Tết năm 1972,  bài hát “Chú giải phóng quân ơi!” của nhạc sỹ Huỳnh Thơ đã khiến chúng ta suýt sặc trên sân khấu khi cả 2 cùng nghĩ tới đoạn cuối của bài hát bị xuyên tạc: “các má nấu bánh tét, các cô các dì chiên chả giò. Còn chúng cháu, chúng cháu tha hồ ăn no, chúng cháu tha hồ ăn no”. Sau đó thì mình bị "bis" khi hát bài Hàng cây ơn Bác (có lẽ do hiệu ứng vì nụ cười "híp mí" từ bài song ca ban nãy của chúng mình).
      Bạn cần cù chịu khó, còn mình thì suốt ngày chỉ vẽ vời, thêu thùa may vá, khuya khuya thì ôm cây đàn ra bờ giếng độc tấu, nên Thanh Tú có nói: hổng thấy mày ở không để học bài (mình có thói quen giơ tay phát biểu, làm bài tập ứng dụng nên thường là thuộc bài tại lớp). Do chúng ta học khác tổ,  không cùng ở 1 phòng, nên ít chơi với nhau, nhưng rất quý mến nhau, vì bạn và mình có cùng sở thích ra bờ giếng để đàn vào những đêm trăng sáng và vẽ vu vơ…
      Khi con bạn lớn, nhân buổi họp mặt, bạn nói với mình: con gái tao giống mày, thích vẽ và vẽ rất đẹp. Hồi đó thấy mày vẽ đẹp, đàn hay, tao thích nên bắt chước học theo…
      Ui chà, cái vụ ni khi nớ mới biết. Mà cũng nhiều bạn nữ khối mình chơi đàn ghita  lắm à (và cũng đã có bạn nói như Song An vậy). Mình thầm nghĩ mà trong lòng "ngất ngây". Nhân vụ này, “nót” ra mới hiểu tại sao các bạn trường 2 mỗi khi vào trường 8 phải hỏi thăm và cố nhìn mặt TP là rứa (lời Phượng B nói).
      Té ra, mình cũng 1 thời được ngưỡng mộ chớ bộ! Còn té “dzô” thì ui thui là chán, bởi cái sự lười biếng ham chơi, nên chỉ làng nhàng học sinh tiên tiến cùng những trò nghịch phá hết sức tào lao.
       Nhớ vụ hồi hè lớp 7 (1973), khi mình sơ tán ở Đồng Bả, bạn đã tiu nghỉu ra bờ suối báo rằng: “cờ đỏ” hổng thèm quan tâm tới chuyện mình và Thị Bình giả “ếch cặp”. Thế là vở kịch tình nhân của chúng mình công toi với bao công sức mượn đồ các bạn nam để thử, rồi xin thuốc lá cho Thị Bình tập "phì phèo". Muốn “kế quỷ, kề ma” mà hổng ai chứng nhận. Tiếc thiệt!
      Khi về Saigon, qua nhiều buổi họp mặt chuyện trò, chúng ta biết mình còn có mối thân tình khác, ấy là bên gia đình “xã xệ” mình và gia đình bạn rất thân thiết.
      Bạn vừa giảng dạy bên Đại học Kinh tế, vừa phụ trách việc quản lý cho công ty in ấn bao bì của gia đình (nếu không vì chuyện của Phước, bạn đã làm xong tiến sỹ ở Hà Lan). Công việc vất vả, bạn mỏng tang, nhưng xinh hơn hồi nhỏ rất nhiều. Nay lại thêm chuyện không vui, nên càng mỏng hơn...
      Bạn bè, ai cũng thương quý bạn.
      Song An, cố lên, cố lên, cố lên!

Thứ Hai, 11 tháng 6, 2012

XIN ĐƯỢC CHIA SẺ CÙNG ANH


XIN ĐƯỢC CHIA SẺ CÙNG ANH

 
         Mỗi lần say, anh lại thấy cô đơn và gọi điện cho tôi. Biết động viên anh thế nào khi tôi là kẻ thứ 3 vô tình. Động viên anh, chia sẻ cùng anh cũng chỉ là những câu hỏi thăm sức khỏe, gia đình, công việc và sự im lặng lắng nghe.

        Tôi quý trọng anh ở sự hồn hậu chân tình. Anh quý mến tôi bởi lòng nhiệt thành với công việc. Người ấy của anh thì sợ anh yêu tôi nên đã làm nhiều điều tổn thương đến anh. Cô ra sức tỏ ra rằng mình là người hấp dẫn, có thể làm xiêu lòng bất cứ đấng mày râu, dù trong lòng luôn nặng nỗi đau của sự ghen tuông mất mát. Còn tôi thì vào blog của anh để buông lời khinh bỉ ám chỉ cô. Thế là họ cãi nhau...

        Chỉ biết im lặng mỗi khi online thấy nick anh sáng đèn mà trong tôi là sự khắc khoải khôn nguôi khi bên tai luôn văng vẳng lời trách móc của anh: Công lớn nhất của em là đã phá nát bét tình yêu của anh!

       Lòng tự trọng và sự kiêu hãnh của một người đàn ông không cho phép anh quay lại mối tình ấy, nhưng tôi biết anh đang hết sức cô đơn. Nỗi cô đơn ấy vẫn luôn trở về và anh vẫn gọi cho tôi mỗi khi say, để kể chuyện về người ấy của anh. Cô đã nhận ra rằng không ai có thể thay thế anh trong con tim đang rớm máu bởi sự hờn ghen của cô. Anh đã cảm ơn cô đã cho anh những phút giây hạnh phúc, nhưng tất cả nay đã là quá khứ. Và tôi hiểu, mảng trống trong lòng anh hiện hữu như mảnh vá của đời.

      Hết sức chia sẻ cùng anh nỗi trống vắng này bằng sự im lặng lắng nghe và cầu mong anh sớm bình yên.
__________________________

      Bài này được viết từ 22:35 -19/03/2010 bên vnweblogs, hôm nay "cọp" về đây.
      Cũng như ngày xưa, hôm qua, anh lại gọi cho tôi khi đang say để hỏi thăm các con của tôi, nhắc đến những bài viết cảm động của tôi về gia đình tôi ngày xưa và nhắc lại lần đầu thấy ảnh của tôi, cứ ngỡ tôi là phụ nữ Huế, bởi nét mô phạm thể hiện trên gương mặt, bởi nụ cười mỉm ẩn chứa nhiều ngạo nghễ, và hơn hết là mấy câu thơ tôi tự trào về mình:
     "Có mụ điên làn thang góc chợ
     Mụ mẫm nhìn chiếc gáo dừa khô
     Và nhặt lấy nâng niu, trăn trở
     Để thổi vào ngọn lửa hồi sinh..."

     Và anh là nhà văn Hồ Tĩnh Tâm.

Chủ Nhật, 10 tháng 6, 2012

VỀ NHỮNG NGƯỜI BẠN HỌC (06)


LÝ HỮU PHƯỚC

          Trong nhóm Út ít của lớp, bạn là người học giỏi nhất. Bạn có 3 xoáy, có lẽ vì thế, nên bạn thông minh hơn mọi người. Bạn tên Lý Hữu Phước, việt kiều Campuchia, mồ côi cha. Bạn có đôi mắt to, đẹp, không thua gì Minh Trí. Ẩn trong mắt bạn là  nỗi buồn xa xăm. Có một lần, trong giờ giải lao ở lớp, nói bạn ngồi yên, tôi hồn nhiên vẽ đôi mắt bạn để so sánh với mắt của Minh Trí. Rốt cuộc tôi rút ra một kết luận: "mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười…hì hì..."
          Ngày ra đón bạn trai học nước ngoài về (1980), tình cờ tôi gặp Song An đem hoa ra sân bay đón bạn. Sau đó thì hai bạn cưới nhau. Bạn học ngành in ở Kiev, khi về nước làm giám đốc Công ty Tem thành phố HCM. Sự thật thà đã khiến bạn bị khách hàng lừa nhiều tỷ đồng, nên bị cách chức. Song An đang làm luận văn tiến sỹ ở Hà Lan phải bỏ về, đề giải quyết việc gia đình.
          Chúng ta cùng học một lớp, nên thi thoảng họp mặt đột xuất khi có thầy cô ở Hà Nội vào chơi. Lần ấy, chúng ta ngồi đối diện nhau, bạn nhắc tôi: “TP, xem lại bàn tay. Tuổi già thể hiện rõ nhất nơi bàn tay và cổ”. Tôi cười mà rằng: “Già hung rồi Phước ơi, tay chân có nghĩa lý gì!”. Bạn hết sức nghiêm túc: “TP nhìn Song An nè! Nói vậy, chớ phụ nữ rất cần chăm sóc bản thân, nhớ mua kem dưỡng da đi!”
          Tôi cười thầm “Thằng ni, bữa nay ra chiều quan tâm tới bạn dữ ha!”, nhưng trong bụng cũng nhột và phải nhìn lại đôi tay nhăn nheo như bà già 80 của mình. Ừ, bạn nhắc vậy, mình cũng nên chăm sóc bản thân 1 chút.
          Hay tin bạn đi Mỹ. Cứ ngỡ, bạn sang thăm con. Nghe nói bạn đi theo tiếng gọi của con tim cùng cô thư ký. Tôi không nghĩ vậy, bởi chúng ta cùng học với nhau từ bé, bạn lại hiền lành thật thà…
          Hai bạn ly dị. Song An mảnh mai nay lại càng mảnh mai hơn, Phước có biết không?