Trang

Thứ Bảy, 21 tháng 7, 2012

QUẢNG BÌNH TỪ GÓC NHÌN ĐỊA VĂN HÓA (Phần Một)


        Sau hơn tháng trời đầu tư toàn sâm thục linh (một loại sâm quý của Việt Nam nổi tiếng toàn thế giới) và của ngon quý hiếm, cuối cùng KT cũng có được một đứa con mang tên “QUẢNG BÌNH TỪ GÓC NHÌN ĐỊA VĂN HÓA” để đem đến “khoe” với các bậc trưởng lão đầu ngành và các vị cao thủ về văn hóa tại bữa tiệc "Hội thảo khoa học quốc gia về Danh nhân Quảng Bình" (ngày 30/7/2012). Ngoài ban tổ chức ra, các bạn là người đầu tiên được diện kiến nó. Hãy xăm soi cho kỹ nhé. Tuy được đầu tư toàn của ngon vật lạ và quý hiếm, nhưng chưa chắc đã ngon lành như “mẹ” nó nghĩ.
        Mời các bạn nè! 
QUẢNG BÌNH TỪ GÓC NHÌN
ĐỊA VĂN HÓA
                       1.        KHÁI QUÁT VỀ VÙNG ĐẤT QUẢNG BÌNH
Quảng Bình là vùng đất nằm trải dài từ 18°05’ xuống 17°05’ vĩ bắc và từ 105°37’ đến 107°00’ kinh đông. Phía bắc giáp Hà Tĩnh, phía nam giáp Quảng Trị, phía tây giáp Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào với đường biên giới là 201,87 km, phía đông là bờ biển dài hơn 116km.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Quảng Bình thuộc bộ Việt Thường của nhà nước Văn Lang, nhưng theo các tài liệu nghiên cứu sau này, Việt Thường là tên của 1 quốc gia cổ đại hình thành trên cơ sở của các bộ lạc sau khi xã hội nguyên thủy tan rã, bước vào ngưỡng của xã hội văn minh đầu tiên – tức xã hội nô lệ gia trưởng. Nhà nước Việt Thường Thị xuất hiện vào đầu thiên niên kỷ thứ II trước công nguyên.
Thời Bắc thuộc, Quảng Bình khi thuộc quận Tượng Lâm, khi thuộc quận Nhật Nam. Năm 192, Quảng Bình lại thuộc lãnh thổ Lâm Ấp. Đến năm 758 Lâm Ấp đổi tên là Chiêm Thành, Quảng Bình nằm trong 2 châu: Châu Bố Chính và Châu Địa Lý. Năm 1069, Lý Thường Kiệt là người đem Quảng Bình về trọn vẹn trong lãnh thổ Đại Việt sau cuộc chiến tranh Việt Chiêm.
Là đoạn cuối của dãy Trường Sơn trùng điệp, Quảng Bình không chỉ nổi tiếng về những tấm lòng quả cảm, về sự hy sinh mất mát của vùng đất tuyến đầu tổ quốc trong những năm chiến tranh chống Mỹ mà còn nổi tiếng bởi những hang động được xếp vào di sản thiên nhiên của thế giới chứa đựng nhiều dấu ấn lịch sử của sự phát triển loài người, của những điều mà ít người biết đến. Ấy là câu chuyện của di chỉ văn hóa Bàu Tró, ấy là câu chuyên về vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng ẩn chứa rất nhiều điều thú vị về văn hóa của các cộng đồng thiểu số. Những vết chân in trên những dải cát mênh mông kia cũng là những câu chuyện dài chưa nói hết…


Đồi cát Quảng Bình

Dòng sông Son chuyển màu từ xanh sang vàng đoạn rẽ vào động Phong Nha.


Dòng sông Son chuyển màu từ xanh sang vàng đoạn rẽ vào động Phong Nha.

Quảng Bình còn là vùng đất địa linh nhân kiệt, bởi sự giao thoa của các nền văn hóa cổ đại cùng những lễ hội dân gian truyền thống: lễ hội đua thuyền, cầu ngư, cầu mùa, tưởng niệm thành hoàng,.. Với những nghi lễ hết sức đa dạng, phong phú theo từng địa phương.

Với tôi, Quảng Bình hết sức hấp dẫn. Quảng Bình như một chiếc bánh đa, nếu được nướng khéo, cảm giác giòn tan trong vòm họng, vị bùi của gạo, vị thơm của vừng sẽ làm ta không thể không tiếp tục thưởng thức, ngược lại, nếu bị nướng cẩu thả, chiếc bánh đa sẽ bị chai cứng, chẳng còn hấp dẫn...

Quảng Bình là thế, rất mộc, rất đời, rất thú vị nhưng rất tiếc là quá ít người hiểu được giá trị vô hình này để khai thác và cảm nhận.
                                                    
                                          Hết phần một (phần hai hơi bị dài nhé )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có thể dùng thẻ sau để:
- Post hình : [img] link hình [/img]
- Post video: [youtube] link youtube [/youtube]