BÀI VIẾT TỪ MỘT NGƯỜI BẠN
CÙNG TUỔI BÍNH THÂN
Lục tìm lại những bài viết từ những người
bạn. Đây không nhằm mục đích gì ngoài sự lưu giữ ân tình và kỷ niệm với cuộc
đời.
Anh là bloggser Hồng Đăng.
Chị Kim Thanh là người không cần phải giới thiệu. Các báo đã
viết về chị khá nhiều, về tài năng, niềm say mê, về những trăn trở hoài bão, cả
về những phần thưởng và danh hiệu chị đạt được trong những năm tháng "lăn lộn"
bên cây dừa và trái dừa. Phải trải qua biết bao nhọc nhằn và gian nan, để nay
vững danh là “Phù thủy gáo dừa” - một cái tên độc nhất vô nhị! Bạn chỉ cần bỏ ra
vài giây để search cụm từ “Phù thủy gáo dừa” trên Google là có ngay nhiều thông
tin về chị. Bạn cũng có thể chỉ đơn giản click vô dòng tên Kim
Thanh là đến ngay được blog của
chị.
Tôi may mắn quen biết chị hơn một năm nay,
thông qua blogging. Ngoài đời chị cởi mở, dễ gần và duyên dáng hơn trên báo chí
rất nhiều. Một nữ doanh nhân nhỏ nhắn, nhanh nhẹn và đầy nữ tính. Tôi không thấy
hình ảnh nào của chị mà thiếu được cái laptop, một con người làm việc luôn tay,
và cả luôn mồm nữa
Thực ra, tôi không viết mấy dòng này để ca ngợi Kim Thanh, vì
tôi biết điều đó là thừa đối với chị. Tôi là một người bạn của chị, vì cùng tuổi
và hợp tính, nên chúng tôi giao tiếp thoải mái như bạn lâu năm, lâu lâu hú nhau
đi uống cà phê tán dóc. Ngay từ những lần gặp đầu tiên, tôi đã phàn nàn cái tên
gọi đã gắn với người bạn nhỏ nhắn này: Phù thủy gáo dừa!
Vẫn biết “phù thủy” nghĩa là là tài năng, là sự biến hóa bất
ngờ, là điều gì đó phi thường – vì qua bàn tay chị, các mảnh gáo dừa vô hồn bỗng
trở nên những vật dụng thiết thực, đẹp và bền, và thần kỳ hơn nữa, chúng trở nên
những tác phẩm mỹ nghệ độc đáo như tranh, bình, vật trang trí nội thất… Gọi là
“phù thủy” đáng lắm chứ! Nhưng tôi vẫn tức, tức vì trong dân gian, Việt Nam cũng
như phương Tây, khái niệm “phù thủy” hàm chứa nội dung là ác độc, là ăn thịt
người, là biến các em bé thành chim thành cừu, với hình tượng một bà già xấu xí
cưỡi trên cây chổi
! Huhu. Bất
công quá đi. Nhưng có từ nào thay thế được từ “phù thủy”? Tôi đã từng nghĩ đến
“bà tiên gáo dừa”, “chúa gáo dừa” rồi “công chúa gáo dừa”, mà chưa ổn, vì chúng
vừa gượng ép vừa “chưa tới” khi dùng nói về chị.
Nói với Kim Thanh điều này, chị chỉ cười trừ, nhưng tôi
đoán, chắc rằng cũng đã có lúc chị từng “lăn tăn” với cái tên “Phù thủy gáo
dừa”, một cái tên nghe sắc lạnh nhưng thật chính xác khi nói về cái nghiệp chị
đang theo đuổi. Đơn giản, danh hiệu phải do người đời mến tặng, đâu phải để tùy
tiện “tự phong”!
Biết vậy, nhưng tôi vẫn ấm ức.