Trang

Thứ Hai, 4 tháng 6, 2012

NGÀY XƯA


      NGÀY XƯA...
      Nhân cuộc họp bạn, ông hỏi thăm được số điện thoại và gọi cho bà.
      Nhiều năm không gặp, không tin tức, cuộc điện thoại như cánh cửa mở ra miền ký ức...
      Rằng ngày xưa, ngày xưa, bà luôn hồn nhiên trong sáng... Rằng ngày xưa, ngày xưa, không vì ghét những ánh mắt soi mói mỗi khi sang thăm bà... Rằng ngày xưa, ngày xưa, cái thời trẻ trai ông quá nhiều tự ái... Rằng ngày xưa, ngày xưa…
      Giờ đã 2 thứ tóc, ông vẫn còn ám ảnh mãi ngày xưa…
     

      Nhân chuyến đi công tác, bà thông báo, nhóm bạn cùng trường tổ chức họp mặt. Bà nói vị trí và giờ xe đến, ông thổn thức mong chờ. Mắt nhòe đi khi thấy bà bước xuống xe..., để bà đi gần trăm mét ông mới hoàn hồn và cho xe nổ máy.
      -    Em à? Giọng run run ông hỏi.
      -    Dạ?
      Giật mình bà quay lại. Họ bối rối nhìn nhau… Bà dịu dàng trong chiếc áo bà ba, ông thêm hàng râu con kiến với nét phong trần lãng tử thuở nào…
      33 năm. Hơn nửa cuộc đời lạc mất nhau, giờ đối mặt, họ muốn nói nhiều lắm, nhiều lắm những ẩn chứa trong lòng.
      Nhưng.
      Hoàn cảnh không cho phép.

Thứ Bảy, 2 tháng 6, 2012

CON THI TÚ TÀI



Út cưng của mẹ

Con yêu, hôm nay cả nước rộn ràng ngày thi tú tài. 
Lẽ ra con của mẹ đã thi từ 2 năm trước, nếu không mắc bệnh nan y. Đã qua rồi những ngày tháng kinh hoàng phải không con yêu? Con đã và sẽ vượt qua tất cả và đứng vững trên đôi chân của mình. Mẹ luôn tin nơi con Út cưng của mẹ!
Trên đường đưa con đến trường, lòng mẹ nôn nao. Nhớ lại ngày đưa anh Hai con đi thi cấp 1, thấy anh Hai tung tăng chạy vào cùng các bạn, mắt mẹ nhòe đi. Lúc ấy mẹ nhớ lại ngày đầu tiên thi vào đệ thất của mẹ. Mẹ Phú đưa mẹ đi thi. Trước đó 1 ngày, mẹ Phú đã đến trường để xem sơ đồ phòng thi. Về thủ tục thì chế độ cũ không cầu kỳ như ta bây giờ. Thí sinh tự động đến phòng thi chờ điểm danh chứ không có buổi tập trung làm lễ…
Hôm nay, đưa con vào trường thi, con cũng dáo dác tìm bạn. Hôn và mong con thi tốt,mẹ gọi điện cho ba, báo tin con đã vào trường. Nhìn con tíu tít cùng bạn bè, mẹ lại nhớ lần thi tốt nghiệp cấp 3 của mẹ (1985). Lúc ấy, mẹ đang mang thai anh Ba con. Bụng khệ nệ vào tập trung trong ánh nhìn thương cảm của mọi người. 
Kỳ thi ấy với mẹ thật ngoạn mục. Vừa chép đề thi môn văn xong, mẹ không thể nào cưỡng lại được cơn buồn ngủ. Thế là gục đầu xuống bàn “phê”. Không biết được bao lâu thì thầy giám thị đến gõ vào vai bảo mẹ thức dậy làm bài. Và tất nhiên, mẹ đã làm ngon lành, vì sở trường của mẹ là phân tích thơ.
Buổi chiều thi môn Hóa. Ok, không có gì phải suy nghĩ, vì mẹ đã từng là cán sự Hóa mà.
Sáng hôm sau thi môn Vật lý. Làm xong hết phần bài tập và 1 câu lý thuyết về điện, mẹ ngồi ngắm mây lãng đãng bay ngoài trời. Thầy giám thị đến cầm bài thi của mẹ lên xem. 
-    Chữ đẹp, làm bài tốt. Còn câu này sao không làm nốt?
-    Dạ không thuộc thầy ạ!
Nhìn lên bàn trên, thầy giám thị nói với 1 bạn trai:
-    Này, anh này làm xong rồi, đọc cho chị ấy chép đi!
Thế là mẹ được 1 bài thi hoàn chỉnh. 
Chiều hôm đó thi toán. Môn toán với mẹ cũng không đáng bận tâm. 
Tháng 10, lễ mễ bụng gần tới ngày sanh, tiếp tục vào thi đại học. Và khi anh Ba con mới hơn tháng tuổi, mẹ đã bế vào dự buổi lễ khai giảng.
Khi con được 10 tháng tuổi(1992), lúc ấy đã gần 40 tuổi, mẹ lại tiếp tục trở lại giảng đường đại học để học văn bằng 2, ngành Châu Á học đầu tiên của đại học Tổng hợp.
Và cách đây đúng 2 tuần, mẹ cũng đã trở lại trường thi. Đầu vào sau đại học.
Con ạ, học để có cái nhìn rộng hơn với cuộc đời, học để được cống hiến nhiều hơn. Đó là suy nghĩ của mẹ. Bởi mẹ hiểu kiến thức là vô tận, là sự cóp nhặt không mệt mỏi. Và mẹ đang làm điều đó…
Trước khi viết những dòng này, mẹ cũng đã kịp nhắn thêm cho con những lời yêu thương.
Và lại 1 lần nữa mẹ mong con thi tốt! Mẹ yêu con, Út cưng của mẹ.

Thứ Hai, 28 tháng 5, 2012

CUỘC ĐỜI THẬT ĐẸP


CUỘC ĐỜI THẬT ĐẸP
  
      

          Có những thứ không nên chung thủy với nó. Vậy mà mình lại cứ mãi thủy chung. Ấy là nằm viện. Mỗi năm ít nhất cũng phải 1 lần vào để chen chúc 2 bà già chung nhau 1 gường cho "ấm cúng". Hưu trí thế cũng đã tốt lắm rồi, bởi chỉ đóng 10% gọi là đồng chi trả.
         Bệnh viện nào cũng quá tải, nhưng cũng có suất cho "dân tộc ít người" với thênh thang máy lạnh phòng đôi. Tất nhiên ta không thuộc dạng ni (dù rằng cũng đã cố chen chân. Hic hic!) .
          3 ngày nằm viện để "dưỡng sức" sau những ngày mệt mỏi. Không dám cho các anh chị biết, vì sợ bị "ăn" mắng. Lại càng không dám báo tin cho "xã xệ", sợ chàng phân tâm khi đang thay người giúp việc (đang nằm viện) chăm sóc cha mẹ già dưới quê. Nhắn tin cho 1 người bạn, thế là gần 12g đêm, các bạn cũng đến đón và đèo nhau vào bệnh viện xem mình thế nào. Thật cảm động biết bao!
          Những người bạn của mình thật tuyệt vời. Vậy mà mình thì chẳng ra trò trống gì. Càng nghĩ, càng thấy
mình nợ cuộc đời nhiều quá. Các bạn chính là cuộc đời mình đang sống, các bạn đã làm cho cuộc đời này đẹp hơn bởi hai chữ nghĩa nhân. Bằng  tấm chân tình, các bạn đã làm mờ nhạt tất cả những ái ố hỉ nộ của cuộc đời .
          Ly ạ, chị em mình mới biết và quen nhau trong những ngày ôn thi thôi, mà sao hơn cả ruột thịt. Em đã vỗ về an ủi chị những lúc đắng lòng. Khi chị ốm đau, em chẳng ngại đường khuya,... Cử chỉ ân cần của em đã khắc sâu trong chị. Cảm ơn em rất nhiều Ly ơi...!

Thứ Ba, 22 tháng 5, 2012

MẸ ƠI!


MẸ ƠI!
      Trước giỗ 2 hôm, cả nhà vào chùa làm lễ cầu siêu cho mẹ. Đã 1 năm rồi, mẹ xa các con. Từ trường, con vội chạy về thắp nén hương trên bàn thờ ba mẹ, không cả ăn cơm con lại chạy ngay lên trường để ôn thi. Mấy hôm rồi, vừa bận cho việc thi cử, lại vừa nhiều chuyện không vui, nên lòng con luôn nặng trĩu.
      Hôm giỗ chính của mẹ, con cháu về đông đủ. Có em Mạnh, con dì Hai Chồn cũng về thắp hương cho mẹ. Con gặp lại Mạnh thật tình cờ, do người bạn giới thiệu. Qua vài ba câu hỏi thăm, 2 chị em nhận ra nhau sau 37 năm.
      37 năm, hơn nửa đời người. Mạnh kể rằng trước giải phóng Mạnh cùng mẹ là dì Hai Chồn thường xuyên ghé nhà mình để lấy tin (Dì Hai Chồn là liên lạc của đơn vị với gia đình mình ở Saigon. Họ là những chiến sỹ thầm lặng đứng đằng sau Nguyễn Xuân Ẩn, Tư Chu, Tư Tăng,… nhưng không bao giờ được nhắc đến. Họ là những chiến sỹ vô danh không được lịch sử b
iết đến và luôn chịu nhiều thiệt thòi.) Còn nhớ, sau giải phóng, con và dì Hai Chồn, dì Năm Anh cùng ở 1 phòng trong Bộ Tổng tham mưu. Mạnh vẫn thường chạy qua thăm mẹ. Lúc ấy em 16 tuổi, tuy đã 5 tuổi quân, nhưng vẫn còn là cậu bé, nay tóc đã bạc màu. Dì Hai Chồn cũng đã mất rồi mẹ ạ. Trước khi gặp lại Mạnh, bạn con có kể về em. Rằng nay đã ngoài 50 nhưng em vẫn chưa 1 lần gặp và cũng không biết cha mình là ai...
      Chiến tranh là thế đó. Bao mất mát, thương đau. Gia đình ta cũng một thời gian dài ly tán. Chúng con không được sống trong vòng tay nâng niu của mẹ. 13 tuổi con đã xa nhà tham gia kháng chiến, các chị con thì lớn hơn con 1 chút, cũng rời xa Saigon đô hội để vào chốn đạn bom. Điều gì thôi thúc ba con như vậy? Vì lòng yêu nước, vì sợ cảnh xáo thịt nồi da, khi những đứa con gái xinh xắn của ba không thể không lấy chồng sỹ quan cộng hòa, khi các anh con đang ở ngoài miền Bắc? Ngày ấy, ba nào hiểu được mẹ Cả và các anh chị con vất vả khổ sở và uất hận thế nào khi cánh cửa tương lai bị khóa chặt.
      Năm 1971, con được đưa ra miền Bắc học. Về quê, thăm họ hàng, ra chính quyền xã trình diện, nhưng họ cố tình không tin mà còn cho rằng anh con lừa dối, mượn người về đóng giả em gái từ trong miền Nam ra, cùng bao lời đồn đãi khác…

      Mẹ ơi, chiến tranh đã đi qua, nhưng đất nước mình vẫn còn loạn lạc. Dân tộc ta đang đối mặt với kẻ thù vô cùng nguy hiểm, ấy là nạn tham nhũng. Cuộc chiến này biết đến bao giờ mới xong? Con chỉ biết làm tốt công việc của mình và hi vọng bằng nhiệt huyết sẽ làm được điều gì đó cho cộng đồng dừa ở nước ta.
      Hãy tin con mẹ nhé!

Chủ Nhật, 20 tháng 5, 2012

QUÁ KHÌN!


     QUÁ KHÌN!!!

    Buổi sáng. Tỉnh táo, nhưng môn Triết Mark- Lenin không ngon lành.

    Buổi chiều. Môn Cơ sở văn hóa Việt Nam. Hăm hở viết về thực trạng lễ hội dân gian Việt Nam, khoảng 5 phút, thì cơn buồn ngủ ập về. Cứ thế, không cưỡng lại được, định gục xuống để ngủ, nhưng không hiểu sao không thể gục được. Thế là trong trạng thái mơ hồ vừa ngủ vừa làm bài. Còn khoảng hơn tiếng, thấy không ổn, bèn giơ tay xin ra ngoài. Giám thị từ chối.
    Khoảng 15ph sau, giám thị  “buồn vệ sinh”, thế là gọi mình cùng đi. Giải quyết “mâu thuẫn nội bộ” xong, làm một việc lớn hơn, ấy là rửa mặt cho tỉnh táo. Vậy mà khi trở vào phòng thi lại tiếp tục buồn ngủ. Đành chịu vậy. Lại vừa ngủ vừa làm bài. Còn khoảng 15 trong 180ph thì cạn ý. Vẫn chưa tỉnh ngủ. Đọc lại trong cảm giác lơ mơ và nộp bài để ra rửa mặt.

    Tất nhiên câu cú và chữ viết không ra gì, nhưng ý tứ thì ok.
    Ngày xưa, đã rất nhiều lần kiểm tra 1 tiết, thi học kỳ, rồi khi thi tốt nghiệp cấp ba, và hôm qua là thi đầu vào sau đại học, không ngờ điệp khúc ngủ gục lại trở về. Thật điên khùng!

Thứ Tư, 9 tháng 5, 2012

YAHOO QUÁ KHÌN!!!


khìn, khìn,  khìn…
bữa ni ta mới thấy Yahoo nuốt bài.
dán vào
hăm hở sửa
post lên
thấy đó
rồi biến mất

hổng vết tích
chẳng hơi hám
để lần theo...

kệ!
nuốt đi
dấu đi
rồi phải trả
cuộc đời này
đâu chỉ thế mất vui...

cuối cùng
lại tìm thấy
nó nằm trong nháp
lại sửa
lại post
và đã được
KHÔNG TÍNH CỦA DỪA

khà khà khà
nhớ nhé
Yahoo
chớ
khìn khìn!!!

KHÔNG TÍNH CỦA DỪA???


KHÔNG TÍNH CỦA DỪA???

          Khi nói đến dừa, chúng ta nghĩ ngay đến vị ngọt thanh mát của nước dừa, vị béo thơm của cùi dừa, chiếc gáo múc nước đẹp bền theo năm tháng, những căn nhà lợp lá dừa và những chòm dừa, những rặng dừa xanh quê hương...
          Tùy theo từng hoàn cảnh, ngữ cảnh mà dừa hiện diện trong ta với những hình ảnh khác nhau. Song bất kỳ hoàn cảnh, ngữ cảnh nào, dừa cũng luôn mang đến cho ta những ấn tượng tốt đẹp.

          Dừa thật đặc biệt vì đã hàm chứa nhiều ý nghĩa trong đời sống chúng ta qua sự cống hiến của nó, qua tính phồn thực của nó và cũng qua tính không của nó.
          Với vị ngọt lành, giàu chất khoáng, dừa làm cho ta sảng khoái nhẹ nhàng hơn sau khi giải khát, trong ly chè Nam bộ, nếu không có vị béo thơm của nước cốt dừa , ta sẽ thấy thiếu vắng và vô vị biết bao. Với dáng hình tròn trịa của dừa, hẳn trong chúng ta ai cũng hiểu sự ví von rất cụ thể về một bộ phận hết sức gợi cảm của người phụ nữ. Tính phồn thực của dừa là đấy. Vậy không tính của dừa là thế nào?
        
          KHÔNG TÍNH là gì?
          Nói một cách nôm na: Không tính là tính không, không là gì cả, nhưng lại là tất cả.
           Tại sao không là gì cả mà lại là tất cả?
          Trịnh Công Sơn đã làm nhạc, ca từ và âm điệu của ông thật dung dị, không mỹ từ, không cao đạo, nhưng hàm chứa nhiều triết lý sâu xa: "em hồn nhiên, rồi e sẽ bình minh"/  "đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt..."... Giai điệu, ca từ của Trịnh trầm tĩnh, tự tại như hơi thở của mỗi chúng ta, nhưng đó lại là âm nhạc. Ta hát bài hát của ông như chính mình nói với mình, với đời. Có phải đó là tính không trong nhạc Trịnh?
          Còn dừa thì sao? Ở những vùng quê có dừa, dừa chín rụng xuống, tự nẩy mầm, tự phát triển và tự hiến dâng cho đời mà không cần ai biết đến sự tồn tại của mình. Dừa cống hiến cho đời từ chiếc lá, sợi xơ cho đến vị ngọt lành thơm béo. Gáo dừa sau khi đốt còn lại chút than cũng là vị thuốc chữa bệnh cho người.
          Từng phút từng giờ, dừa miệt mài hút nước trong không khí, trong đất để tạo quả theo chù kỳ mỗi tháng 1 lần. Nước dừa đủ khoáng như 1 loại huyết thanh có thể truyền vào máu cho người. Vị béo của nước cốt dừa làm cho món ăn thêm phần hấp dẫn. Dừa tạo nên bóng dáng quê hương và gần gũi như mẹ hiền “Dừa ru tôi giấc ngủ trẻ thơ” (thơ của Lê Anh Xuân). Dừa cho ta chiếc gáo để múc nước mãi không hỏng hư. Dừa cặm cụi chịu khó chịu thương trong vai trò chiếc chổi chà quét sân đầy sỏi đá. Lá dừa giảm bớt nộ cuồng của gió để ngăn chặn bão giông…
          Dừa đã cống hiến mà như không hề cống hiến, bởi sự cống hiến đó quá đời thường đến nỗi trong ta dường như ít ai nhận thấy. Dừa không đòi hỏi chi cho mình, không cần bón chăm săn sóc, không héo úa khi nắng hạn, không ngập úng khi mưa sa không gãy nhánh lìa cành trong mưa giông bão giật. Để đến khi không còn dừa nữa, những người dân xứ dừa mới chợt nhận ra rằng họ cần nó biết bao...

           Dừa là thế đó. Không tính của dừa chính là tất cả những lợi ích mà dừa đem lại cho cuộc đời mà như không, mà như mình không hề tồn tại.

(Thưa các anh chị, các bạn và các em, đây là bài viết cũ của KT. Có phải vì quá yêu dừa nên KT đã dám mạo muội đem 1 triết lý sâu xa của đạo học Phương Đông ấy là KHÔNG TÍNH để tôn vinh dừa một cách thái quá không? Có phải KT quá chủ quan không? Mong đón nhận những suy nghĩ và nhận xét chân tình từ các anh chị và các bạn để PT trở về thực tại. Phiêu diêu kiểu này hoài chắc có ngày sẽ “lộn cổ xuống ao”?!)

Thứ Bảy, 5 tháng 5, 2012

THỔN THỨC (tt)


Tiếp xúc với ông, nàng dần nhận ra được nhiều điều nơi con người đầy cá tính nhưng rất mong manh này, đó là sự khúc chiết trong cách dùng ngôn từ, đó là cách áp chế đối phương, đó là cái tôi rất to trong ông. Từ đó nàng cũng nhận ra rằng hầu như những người bạn đầy cá tính của nàng, ai cũng rất mong manh. Họ cố che đậy cái mong manh đó bằng sự ngang tàng bất chấp, bằng giọng điệu anh chị, bằng cả lạnh lùng..., nhưng khi đến với nàng, họ đều bộc bạch rất nhiều về cuộc đời mình.
Tiếp xúc với ông, nàng thấy mình thật ngây ngô. Ông mở ra cho nàng góc nhìn mới, về góc khuất, về sự chiếu xạ của cuộc đời từ sự từng trải, sự trăn trở và nỗi đau rất đời của ông qua câu nói:
"Đôi khi người ta chỉ nhận ra nét đẹp của mình từ ánh nhìn của người khác!".
Và ông chính là một trong những góc khuất và sự chiếu xạ ấy…

                                               HẾT

Hì hì, lần đầu tiên viết truyện hơi nhiều chữ. Lúc tưởng tượng, khi chắp ghép, lúc bí rị...Và rồi cũng kết được . Mừng húm ! "Túm lợi", để viết được một câu chuyện cho ra hồn, khác xa với việc "phọt cóc". Chả thế mà truyện luôn dễ "tiêu hóa" hơn thơ.
Kiểu ni, có khi mình sẽ làm một đợt kiểm kê, lôi hết bạn bè, giòng họ ra để "râu ông nọ, cặm cằm bà kia" quá... . Mong sao mọi người chỉ thấy có gì quen quen, để mình khỏi bị ăn đạn...

Thứ Sáu, 4 tháng 5, 2012

THỔN THỨC (tt)


Ngày giỗ lần thứ 28 của mẹ, ông quyết định “hồi sinh”, sau hơn nửa thập niên tự giam mình trong im lặng. Ba ông mừng rỡ, các em ông mừng rỡ, các con ông mừng rỡ, vợ ông vẫn mãi xa. Cô đã kết hôn và đang nuôi mộng xuất ngoại.
Bạn bè nghe tin ông “hồi sinh” đến thăm và gợi ý ông về sự nghiệp. Ông từ chối tất cả. Cả ngày quanh quẩn với những gốc cây và những trò lắp ghép để tiêu sầu.
Những tưởng như thế mà ông bình an(?!) Ông đang cố gắng để quên đi những ám ảnh đời thường trước trách nhiệm cơm áo gạo tiền khi nguồn thu nhập chỉ giới hạn từ tiền cho thuê tầng trệt căn nhà hơn 20m2. Các con ông được mẹ nó cho về thăm ông và yêu cầu ông chu cấp tiền ăn học. Nhận lấy trách nhiệm ấy, ông sung sướng vì mình được gặp con mỗi ngày với nhiệm vụ đưa đón và bữa ăn trưa. Còn thằng lớn thì mỗi khi ghé đến cha mình là chỉ vì nhu cầu nào đó của bản thân. Yêu con mụ mị, ông chấp nhận tất cả. Ông nhịn ăn sáng để có thể mua cho con chai nước ngọt, hoặc cho nó vài ngàn lẻ quà vặt. Ông chỉ ăn những gì còn sót lại sau khi cha và con ông đã no bụng. Khi chỉ là gắp rau luộc, khi vài mẩu thịt cá vụn, chút lắng của canh, đôi khi chỉ còn chút nước mắm cặn,… Ông không có bữa ăn nào chính thức. Một kg đậu nành được ông rang giòn thay thế cho những bữa ăn và cứ như thế, ông đã sống.
Bù vào sự nhẫn nhịn yêu chiều các con, với mọi người, ông luôn tỏ ra ngang tàng bất chấp. Tuy ra chiều kẻ cả, nhưng ông dễ dàng vỡ tan khi gặp lại bạn bè với những ký ức ngày xưa. Ông vẫn thường khóc một mình khi xem TV, không bi lụy, mà là thương cho cuộc đời, thương những người cùng khổ mà ông đã từng biết đến và đôi khi thương cho cả bản thân mình.
Ông đang xếp đặt một sự bứt phá cho cuộc đời mình cùng nàng…
                                                                                                                                                                                      (chưa cạn)   

Thứ Năm, 3 tháng 5, 2012

THỔN THỨC (tt)


         Họ gặp nhau thật tình cờ, nghe nhau hát và rung động bởi giọng hát của nhau. Ông kể về biến cố của cuộc đời mình. Nàng lắng nghe, im lặng. Sự lắng nghe trong im lặng đã làm ông xúc động, bởi ông chỉ cần có thế. Nắm bàn tay ông bóp nhẹ, nàng đã làm mắt ông nhòe đi trong thổn thức.
         Nàng cũng đã từng đau đớn, nỗi đau của sự mất mát niềm tin, nỗi đau từ sự nhỏ nhen tỵ hiềm và hơn hết là nỗi đau của sự phản bội.
         Ông đã từng một thời oanh liệt bởi trí tuệ, tài năng và sự ngang tàng bất chấp. Giờ đây trong giới chuyên môn, nhắc đến tên ông, đàn em đều nể phục. Ông đã để lại nhiều dấu ấn hết sức nhân văn về cuộc đời. Ông đã để lại tình người ở những nơi ông đã đi qua, bởi ông biết đau nỗi đau của sự nghèo khó, bởi ông biết đau nỗi đau của sự bị lãng quên và chính vì thế mà ông bị đào thải. Người ta sợ sự đồng cảm của ông trước nỗi đau đồng loại và sợ sự quyết liệt, sợ tiếng nói của ông làm lung lay vị trí của họ. Họ đã từng muốn ông điên loạn, họ đã từng muốn ông biến khỏi cuộc đời. Và ông hiểu được điều đó…
        Trở về trong trống rỗng của niềm tin và… bỗng dưng tổ ấm của mình biến mất. Ông trơ trọi trong cùng cực của đớn đau. Muốn gào thét, muốn đập phá tất cả, nhưng không làm được điều đó, bởi ông đã kiệt sức.
         Trong một ngày, ông bỗng mất tất cả…
                                                                                                                                                                                                                             (chưa hết)

Thứ Tư, 2 tháng 5, 2012

Thứ Hai, 30 tháng 4, 2012

THỔN THỨC


         
     Chỉ đơn giản là đẹp, trang phục giản dị, không trang sức, nét kiêu sa của nàng toát ra từ phong thái. Sự nguyên khôi của tâm hồn tạo nên nét thánh thiện, khiến không ít người nghĩ nàng từng là nữ tu. Ánh mắt xa vắng nhưng lại nồng nàn khi cười, đủ để đàn ông cảm nhận sự quyến rũ từ nàng.
      Bằng nét mặt vô cảm khi nghe những lời tán tỉnh, dùng công việc để quên đi trống vắng, bởi chỉ có nàng mới hiểu sự mong manh của tâm hồn mình sau đổ vỡ của mối tình đầu …
      Biến cố của cuộc đời ông đã kéo nàng trở về với chính con người thật của mình. Con tim nàng thổn thức trong sự cô độc và kềm nén của ông. Họ đến với nhau bằng sự sẻ chia thông cảm và có lẽ tự trong tiền kiếp họ đã là của nhau…


(còn nữa)

Thứ Bảy, 28 tháng 4, 2012

LUNG LINH ĐỜI


                                                                                             

Những đóa hoa trà lả chả rơi khi cơn gió thổi qua.
Mặt đất ráp thô được che phủ phần n
ào bởi những cánh hoa trắng tinh khôi, bỗng trở nên huyền ảo dưới ánh nắng lung linh .
Dẫu đã lìa cành, những cánh hoa vẫn lung linh, vẫn đẹp dưới nắng và gió, bởi nó biết che đi sự
thô ráp  của mặt đất.
Chợt ngộ ra rằng, nếu biết  làm đẹp cho đời, dẫu có tàn, hoa vẫn cứ lung linh. Và mặt đất dẫu có ráp thô, nếu biết đón nhận những cánh hoa tàn,
dưới nắng và gió nó cũng trở nên lấp lánh …

Thứ Ba, 24 tháng 4, 2012

VỀ NHỮNG NGƯỜI BẠN HỌC (05)


LÊ THANH TÚ
Sau khi được phân vai vế trong lớp, nhóm Út của chúng tôi gồm 3 nữ (bạn, tôi và Minh Trí - được viết ở bài trước), 2 nam (Phước, Hùng), nhóm Út này học nổi nhất lớp.
Tuy cùng tuổi các bạn, nhưng 2 bạn đã là thiếu nữ, còn tôi thì vẫn “nhi đồng thối tai”. Đúng như tên của mình “Thanh Tú”, cao ráo và rất duyên dáng. Tuy thuộc nhóm Út, nhưng nhiều anh trong lớp "xiêu vẹo" vì bạn. Tôi hồn nhiên trở thành bồ câu và chứng kiến bao cuộc giận hờn cãi vã giữa bạn với người ấy của bạn. Xinh đẹp, nên bạn “bị” nhiều ong bướm, thị phi.
Bạn chỉ cho tôi cách đi sao cho đẹp, bạn xoa má tôi cho hồng khi trời buốt giá, chăm chút cho tôi như người chị chăm sóc đứa em của mình. Có chị du học ở Đức, thường gửi quà về nên bạn được 1 số bạn khác săn đón và bạn chẳng giữ lại gì. Bạn luôn nghĩ đến mọi người trước khi nghĩ cho mình.
Miền Nam giải phóng, bỗng bạn mất hút. Té ra, bạn được về Saigon trước chúng tôi, do ba của bạn làm “to”.
Gặp nhau, bạn rủ tôi về thăm nhà. Trong ngôi biệt thự to kềnh, bạn có hẳn 1 gian phòng riêng rộng rãi, tiện nghi. Còn tôi thì trở về đơn vị trong Bộ tổng tham mưu chính quyền cũ, với phòng ở tập thể. Thi thoảng chúng ta gặp nhau, bạn kể về việc học và những lời thị phi từ sự ghen tức của 1 số bạn bè. Tôi chỉ im lặng chia sẻ và sau đó thì đi học nước ngoài.
Du học trở về, mình tình cờ gặp nhau ở cung Văn hóa lao động (bạn đi bơi). Tôi khuyên bạn hãy cố để tâm hồn tĩnh lại, sau khi nghe bạn kể về những mối tình đắng cay. Bạn tròn mắt nhìn tôi nói: “Mày đó hả Trúc Phương?! Tao không ngờ giờ mày lại chững vậy!”. Tôi chỉ cười.
Bạn tốt nghiệp đại học tài chính kế toán. Năng lực giỏi nên nhanh chóng giữ chức vụ kế toán trưởng, rồi phó giám đốc, giám đốc của 1 số khách sạn lớn của hệ thống Saigontourist. Nhiều nơi mời bạn về làm. Trước khi về hưu, bạn là phó tổng của tập đoàn Golf Vietnam. Thuộc cấp của bạn, có người trước đây từng là lính của ba bạn. Họ thường "khoe" rằng đã làm lính cho 2 đời nhà bạn. Bạn thật suất sắc!
Bạn có hiếu với mẹ cha và có nghĩa với anh chị em. Nhưng không phải gia đình nào cũng trọn vẹn. Bạn luôn trăn trở với lối sống mackeno của các anh chị trong nhà…
-  Mình coffee nhé!
Bạn đã hẹn tôi vào ngày mốt, để hàn huyên về cuộc đời…

Thứ Bảy, 21 tháng 4, 2012

VỀ NHỮNG NGƯỜI BẠN HỌC (04)


ĐỖ MINH TRÍ
Bạn mồ côi, nhỏ hơn tôi 1 tuổi, có cái tên rất con trai: Đỗ Minh Trí.  Bạn thông minh và ngang ngạnh. Bạn có đôi mắt đẹp, miệng móm duyên, nhưng gương mặt lại không ấn tượng bởi sự thô mộc của chiếc cằm vuông hơi dài.
Chúng tôi đều là những hạt giống đỏ miền Nam, học cùng lớp, nằm sát nhau, ngồi chung bàn, nhưng không chung nhóm học tập. Chơi thân với nhau, hay chăm sóc cho tôi và cũng hay bắt nạt tôi, nên bạn bị các anh chị trong lớp có ác cảm.
Bạn thuộc tất cả những đặc điểm có trên gương mặt tôi, thuộc cả vị trí đồng tiền của tôi trên má.
Bạn mê giọng hát của tôi, nên hay bắt tôi luyện giọng cho bạn.
Bạn thích chữ viết của tôi, nên ra sức luyện, đến mọi người nhầm tưởng chữ bạn là chữ tôi.
Bạn học đều các môn, đặc biệt là môn văn. Bạn được cô giáo chỉ định làm cán sự văn. Văn của bạn khúc chiết và nhiều ý lạ, nên thường được điểm cao.
Làm gì bạn cũng rủ tôi. Đi hái sim, đi tắm, thậm chỉ cả đi vệ sinh, bạn cũng kéo tôi cho bằng được.
Bạn bày trò nghịch ngợm làm tổn thương đến người khác. Trò này của bạn lôi kéo cả tôi và 1 bạn nữa tham gia một cách hồn nhiên, vô ý thức. Do chúng tôi hồn nhiên, nên chỉ bị kiểm điểm qua loa và chóng quên, còn bạn thì đã sống khép kín sau khi bị kiểm điểm vì trò ấy.
Lên lớp trên, chúng tôi không còn học chung nên ở riêng, ít gặp và ít chơi với nhau hơn.
Tuổi nhỏ, ít sâu sắc, nên chúng tôi đều mau có bạn thân mới.
Giải phóng, chúng tôi về Nam, mỗi người một nơi. Tôi trở về đơn vị và được đi học nước ngoài. Bạn học khoa Sinh, trường Đại học tổng hợp. Khi tôi về nước, bạn hay tin và đến thăm. Chúng tôi cả ngày bên nhau ôn lại những kỷ niệm vui buồn của những ngày sống trên đất Bắc. Lúc rúc rích cười, khi lắng sâu thổn thức... Bạn thổ lộ, do giận mẹ có cha dượng, nên xem như mẹ không còn nữa. Bạn kể về sự thiếu thốn khó khăn, không đủ điều kiện làm luận văn tốt nghiệp, nên đành phải thi. Tôi rủ bạn thường xuyên đến nhà tôi chơi, để được ăn no. Bạn còn đến vài lần nữa thì tốt nghiệp ra trường.
Bạn làm biên tập viên khoa giáo cho đài Tiếng nói nhân dân tp HCM, sau đó chuyển về làm cho báo Khoa học phổ thông. Bạn là phóng viên giỏi, đầy cá tính.
Thi thoảng chúng tôi gặp nhau chia sẻ những câu chuyện về bạn, về tôi, về bạn bè cùng học...
Bẵng đi một thời gian không gặp nhau, do bạn thường đi công tác tỉnh. Sau đó tôi được tin bạn ra đi...Hầu như bạn bè không ai biết để đến tiễn biệt bạn.
Bạn chủ động từ bỏ cuộc đời trong sự cô độc khi tuổi ngoài 30.

Thứ Năm, 19 tháng 4, 2012

VỀ NHỮNG NGƯỜI BẠN HỌC (03)


     Ông đang nhặt nhạnh lại cuộc đời từ những mảnh vỡ tình cảm sau những năm tháng tự cầm tù mình.
     Không cho giáp mặt, qua điện thoại, vợ ông đã đồng ý chia sẻ việc chăm sóc con cái cho ông, ấy là việc đưa đón con đi học mỗi ngày và lo cho nó bữa ăn trưa. Ông đã làm việc đó trong niềm hạnh phúc vô bờ, bởi từ nay ông sẽ được gặp con và viết vào nó những trang đời, không giáo điều, không áp đặt... Ông muốn mở ra cho con mình một góc nhìn cuộc đời không phù phiếm để nó trưởng thành và có trách nhiệm với cuộc đời như một thời ông đã từng sống.
     Trí tuệ, tài năng, tạo cho ông tính kiêu ngạo. Sự hèn hạ của người đời làm ông trở nên ngang tàng, bất chấp, đôi khi pha chút lưu manh. Và rồi, thất bại trong sự nghiệp, thất bại trong hôn nhân, đã khiến ông co mình trong 6 năm để thổn thức, để chiêm nghiệm…
     Giờ đây, khi trở về với đời thường, ông ngạo mạn hơn, "anh chị" hơn, nhưng lại cô độc hơn trong ngôi nhà nhỏ của mình. Không dám ngồi yên, vì sợ những toan tính đời thường làm đau đớn, ông liền tay, liền chân cho cuộc chơi của mình, ấy là gom nhặt và chắp vá những gì người đời bị đánh rơi hoặc bỏ đi để tạo ra những không gian cho riêng mình. Mỗi một vật dụng nhặt được trên đường đi, ông đều đặt cho nó một câu chuyện của sự mất mát, lãng quên cần được chia sẻ. Và ông đang làm điều đó…

Thứ Tư, 11 tháng 4, 2012

NGƯỜI TÔI QUÝ TRỌNG


     Ông là người tôi qúy trọng, bởi sự hiểu biết và cả sự cố chấp hiện hữu.
     Ông luôn hoài niệm về quá khứ với những bài viết mang nặng niềm u uất. Nghĩ về ông, tôi luôn mang trong lòng tâm trạng trở trăn. Giá mà…., vâng, giá mà có cách nhìn thoáng hơn, tích cực hơn, biết đâu ông sẽ là một nhà nghiên cứu xã hội có tiếng.
     Ai cũng có quá khứ, ai cũng có hoài bão. Và ông cũng thế, nhưng tiếc rằng hoài bão của ông thiếu tính hồn nhiên và sự hiến dâng. Ông cũ kỹ dần theo sự phát triển của xã hội, bởi vì ông muốn thế. Góc nhìn của ông với cuộc đời quá khắc khe. Ông đã cố tình không nhìn thấy sự lao động miệt mài của giới thượng lưu, mà chỉ nhìn thấy những cuộc chơi của họ. Ông nào biết ngoài công việc, họ còn phải vật lộn với cả tâm thức, nếu giàu có vô lương thì họ còn phải trả giá cho cuộc đời mình bằng sự hư hỏng của con cái. Cuộc đời rất công bằng. Nếu bạn tích cực lao động, chịu khó học hỏi tìm tòi, năng động, sáng tạo và biết phải trái với đời, bạn sẽ thành công về mọi mặt, từ tiền tài đến công danh sự nghiệp. Chẳng ai ngồi không mà có tất cả. Những cô nàng chân dài móng đỏ, muốn moi được tiền của đại gia, họ cũng phải lao động để bán cả danh dự thể xác đấy chứ.
     Ông nhìn thấy những cuộc “khiếu kiện vượt cấp” bởi những trò gian dối, tham lam của quan chức sở tại. Điều đó không phải là nỗi đau của riêng ai, của tất cả những người có lương tâm mà còn là nỗi đau của cả dân tộc. Lịch sử sẽ được chép lại thật trung thực qua những tư liệu từ báo chí, từ những bài viết rất thật từ tấm lòng của các bloggers.
     Tôi rất quý trọng ông và hết sức chia sẻ khi ông không thể thoát được ra khỏi quá khứ một thời vàng son của ông. Và trân trọng cả những méo mó của cuộc đời ông.
     Bàn tay ta có mặt phải và mặt trái, có ngón ngắn, ngón dài. Bàn tay chính là biểu hiện của thực thể con người và xã hội. Ta có dám khẳng định rằng ta không bao giờ lưu manh không? Ta có dám khẳng định rằng ta luôn luôn làm điều tốt và vừa ý mọi người không? Ta có dám khẳng định rằng không bao giờ ta tự mâu thuẫn với chính mình không? Ta dám khẳng định rằng ta luôn hết lòng vì dân tộc này không?
     Hiểu mặt trắng mặt đen, ngón dài ngón ngắn của bàn tay, chính là ta hiểu được cuộc đời.
     Trong bài hát “Tôi ơi đừng tuyệt vọng” của TCS có câu: ... “em hồn nhiên rồi em sẽ bình minh”…
     Mong sự hồn nhiên trở về với ông, để ông được an lành.

Thứ Năm, 5 tháng 4, 2012

EM


Cũng lạ, thời nay nhiều thứ không có khái niệm của thời gian, trong đó có cả tuổi tác.
Em hồn nhiên vô tư, dù tuổi ngày xưa theo các cụ đã thuộc hàng “tri thiên mệnh”.
Làm quen với em vì tên của em được gộp cả tên tôi (trong kháng chiến) và cô cháu gái con chị Hai, và em cũng có cái nick giống tôi là “phù thủy….” (nhưng mấy cái chấm sau thì hổng giống). Trong đời em có nhiều phụ nữ rất đẹp, họ để lại trong tôi một ấn tượng sâu sắc, qua sự mô tả của em. Điều đó chứng tỏ bên trong sự hồn nhiên vô tư ấy, em còn có một tấm lòng.
May mắn hơn một số người, em có một cô con gái, biết yêu thương và chia sẻ cùng mẹ những khó khăn trong cuộc sống.
Cuộc đời không phải lúc nào cũng mỉm cười với em, nên sự hồn nhiên, vô tư ấy cũng là một cách để em vượt lên chính mình. Dù không nói, nhưng tôi hiểu, em có nhiều đêm trắng đẫm nước mắt trong cuộc đời mình, bởi người đàn ông em chọn không phải là của em. Đó là một sự thật nghiệt ngã.
Ai cũng cần được yêu thương, ai cũng cần được chia sẻ. Và em cũng thế…

Thứ Tư, 4 tháng 4, 2012

VỀ NHỮNG NGƯỜI BẠN HỌC (02)


        Là nghệ sỹ, ông kiêu ngạo, phóng đãng nhưng lại yêu màu tím.
        Ông uống rượu thay nước.

Đến đâu ông cũng là kẻ cả, bởi ông ngang tàng và biết cách đặt người khác dưới tầm mình.
Cha mẹ cho ông hình hài, trí tuệ.
Tài năng cho ông phong cách.
Cuộc đời cho ông khổ đau.
Ông có một tình yêu và sống với nó bằng cách của riêng mình.

Thứ Ba, 3 tháng 4, 2012

THƠ HAI KƯ


CUỘC ĐỜI

tole bay
cổ thụ bật gốc
tơi bời
bão giông


trống vắng
một mình
nước mắt rơi
rơi


đếm bước
âm thầm
ta
đơn côi