Trang

Thứ Ba, 6 tháng 3, 2012

NGÀY ĐẦU TIÊN...ÔN TẬP


Chiều qua đang họp thì nhận được tin nhắn: lịch ôn tập cho môn Triết vào các ngày 3,5,7.
Thưa ba, khi ba mẹ còn sinh thời, con chẳng được ở gần để chăm sóc. Vì thế, con đã luôn cố làm những việc để ba mẹ luôn tự hào khi nghĩ đến con. Tuy nhiên, những việc làm ấy, đôi khi cũng là nỗi lo của mẹ cha trước sự thành công, thất bại của một đời người. Và ba mẹ luôn là người động viên và theo sát từng bước đi của con bằng sự hỏi han chia sẻ.
Sáng nay con trở lại giảng đường để chuẩn bị cho chương trình sau đại học. Con đường mà con sẽ tiếp tục cho cuộc đời mình. Ngành con sẽ thi vào ấy là Việt Nam học. Và con luận văn của con sẽ là DỪA. Một đề tài còn bỏ ngỏ, chưa ai nghiên cứu.
Cháu Đoan Trang (con chị Phú con) đã là đứa đầu tiên trong nhà thực hiện điều ba mong muốn. Cháu đã là thạc sỹ quản trị kinh doanh tại Mỹ và sẽ tiếp tục lấy bằng tiến sỹ sau 3 năm làm việc ở bên đó.
Và hôm nay là ngày bắt đầu ôn thi của con.
Con tin rằng với sự quyết tâm, con sẽ làm được điều ba mong muốn: nhà ta sẽ có 1 đứa con tiến sỹ.

Thứ Sáu, 2 tháng 3, 2012

YÊU ĐỂ CHẾT

YÊU ĐỂ CHẾT
Bạn bè tôn anh
"Hoàng đế của Tình yêu"
Và họ nói:
"Anh yêu là để chết!"
Em thầm hỏi
yêu chi để chết?
Và nghĩ rằng
ấy chuyện
bạn bè vui

Em đã thấy
Tình yêu cuồng dại
Anh đã yêu
Quên cả  chính mình
Anh đã yêu
Hơn cả thế gian yêu
Tim ứa máu
Ái oan tình tuyệt vọng

Khi anh yêu
Đêm thường hóa trắng
Bởi nhớ thương
Đau đớn
Ghen hờn

Khi anh yêu
Chiều luôn tím xẫm
Gió nộ cuồng
Xao xác bóng chim côi

Anh đã yêu
Bằng con tim bổi hổi
Như chưa một lần yêu
Yêu để chết
Vì yêu

Thứ Hai, 27 tháng 2, 2012

TỰ THƯỞNG

Mấy ngày qua bận quá, tối cả mắt mũi. Đọc lại, khá hài lòng với những nhận định và đề xuất ý kiến cho cây dừa. Gửi đi và tự thưởng cho mình khoảng thời gian cho một ẻn mới mà ta có thể gọi đó là thư giãn.
Viết gì? Viết linh tinh để giải stress.
Hôm thứ 6, đi Bến Tre, theo lời mời của một thày giáo già (thầy Ngô Ngọc Xuân) để dự buổi lễ tuyên dương những gia đình hiếu học xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm.
6g sáng bắt đầu rời khỏi cửa, sau hơn 2 tiếng đồng hồ thì 2 cô cháu ( tôi và cô bé sinh viên thực tập) đến nơi an toàn và vừa kịp khai mạc buổi lễ.
Thật cảm động với những chia sẻ từ bà mẹ nghèo góa bụa khi đứa con Út vừa mới sanh, đứa lớn 6 tuổi, đứa nhỏ  bốn tuổi. Một mình nuôi 3 đứa con tốt nghiệp đại học.
Rồi 1 mạnh thường quân, hàng năm gửi về cho quê nhà 8 chiếc xe đạp và sẽ tăng gấp đôi vào năm tới, để tiếp sức tới trường cho học sinh nghèo hiếu học. Cậu trai gần 40 tuổi thành đạt này hiểu giá trị của chiếc xe đạp với học sinh nghèo ra sao, bởi cậu cũng 1 thời khốn khó. Đã có một thời cậu phải đi học “lụi” và không ít lần bị đuổi khỏi lớp ngoại ngữ. Bởi cậu hiểu, chiếc cầu bắc đến sự thành công của cậu chính là ngoại ngữ. Và cậu đã thành công.
Mỹ Thạnh không chỉ có những gia đình hiếu học mà còn có cả những dòng hiếu học với nhiều người thành danh. Quỹ khuyến học còn vân động được 2 suất học bổng từ cộng đồng người Việt tại Pháp cho 2 em sinh viên của Mỹ Thạnh đang du học tại Pháp với mỗi suất là 5.000 Euro và tìm việc làm thêm cho 2 em này vào những ngày nghỉ.
Sau buổi lễ là bữa cơm thân mật. Thật ngạc nhiên khi chủ tịch xã là 1 cô gái mới ngoài 20 tuổi, phó chủ tịch xã phụ trách văn xã là 1 thiếu phụ tròn 30 tuổi. Các cô đều xinh đẹp, duyên dáng và thông minh. Họ là chị chồng em dâu.
Buổi cơm thân mật cũng kết thúc, chúng tôi về nhà thầy giáo Xuân để trao đổi 1 số công việc. Được nghe những lời tâm huyết về sự nghiệp giáo dục của ông cùng những thăng trầm của cuộc sống, chúng tôi vỡ ra được nhiều điều. Và câu nói thú vị nhất tôi được nghe từ thầy ấy là: “So le kiến thức” (thực chất câu nói này là của bác sỹ Lương Phán, cựu giám đốc bệnh viện Nguyễn Trãi – TP HCM).
Chính sự “so le kiến thức” này mà một số bác sỹ Bến Tre không được ra nước ngoài tu nghiệp và đoàn bác sỹ Pháp trước khi trở về chính quốc đã lắc đầu ngán ngẩm.
Hệ quả của sự “so le” này, là rất nhiều nhân tài Bến Tre lần lượt cuốn gói ra đi.
Không dám bình luận điều chi, tôi chỉ lắng nghe và thầm rút cho mình bài học kinh nghiệm. Ấy chính là hãy biết lắng nghe và chọn đúng thời điểm để nói lên suy nghĩ của mình một cách chừng mực, nếu muốn làm được việc.

Thứ Năm, 23 tháng 2, 2012

HƯỚNG ĐI NÀO CHO DU LỊCH PHÚ YÊN ( Phần hai)

KT rất xin lỗi vì post thiếu phần hai của Du lịch Phú Yên (xin mời ai quan tâm có thể đọc phần 1 ở mục tham luận) Cám ơn anh HN đã nhắc nhở.
ây là 1 tham luận, nhưng không được duyệt anh ạ)

DỪA PHÚ YÊN, TIỀM NĂNG VÀ THÁCH THỨC
Nhắc đến Phú Yên mà không nói đến dừa thì quả là 1 thiếu sót lớn. Vì thế, với Hiệp hội Dừa Việt Nam, câu chuyện về cây dừa Phú Yên là điều vô cùng hấp dẫn. Bởi Phú Yên là tỉnh lớn thứ hai có diện tích trồng dừa của khu vực miền Trung sau Bình Định. Ngoài ra, Phú Yên có những nghệ nhân đã từng lập nhiều kỷ lục về mỹ nghệ dừa và tạo ra những sản phẩm từ dừa đa dạng nhưng hết sức độc đáo. Rồi những món ăn đặc sản nổi tiếng về dừa của Phú Yên như: Chuột dừa, tôm hấp nước dừa, cháo dừa, bánh su sê, … Đây cũng chính là một trong những thành tố tạo nên nét đặc thù cho du lịch Phú Yên, nếu biết đầu tư khai thác. Và dừa dùng cho giải khát là thức uống không thể thiếu trong ngành du lịch. Hiệp hội Dừa Việt Nam đang xây dựng sản phẩm Du lịch Dừa, mô hình du lịch lịch sử văn hóa mang tính cộng đồng. Tại sao du lịch dừa lại mang tính lịch sử văn hóa cộng đồng? Bởi đã từ ngàn đời nay, đời sống văn hóa và tập tục của dân tộc Việt Nam đã gắn bó với cây dừa.
 Từ tục nhuộm răng đen của người Việt xưa cũng dùng than gáo dừa cho đến các loại bánh dân gian truyền thống như bánh đa, bánh đúc, cũng đều có dừa, lễ vật dâng lên tổ tiên ông bà vào những ngày lễ tết cũng có dừa như xôi chè, bánh gai, bánh cốm, bánh su sê. Cổng chào ngày cưới, ngày hội cũng từ dừa, rồi chiếc gáo múc nước từ thuở xa xưa mà nhà nhà đều có, ấy chính từ gáo dừa và chiếc chổi chà  như người phụ nữ Việt Nam lam lũ sớm hôm cũng từ dừa …Thiêng liêng hơn là vào thời khắc giao thừa tiễn đưa năm cũ, trái dừa tươi tượng trưng tấm lòng thanh bạch của loài người của con cháu dâng lên cho trời đất, tổ tiên… Ấy là chưa nói đến những câu ngạn ngữ mà ông cha ta truyền dạy cho cháu cháu hãy biết sống làm người qua câu: “Lành làm gáo, vỡ làm muôi”, rồi dừa trong thơ ca, hò vè, trong điện ảnh sân khấu, cảnh hứng dừa cũng đã 2 lần được đưa vào dòng tranh dân gian Đông Hồ.
Và hẳn trong chúng ta, ít tai nghĩ rằng cây dừa đã hóa giải được nộ cuồng của gió. Cấu tạo của lá dừa ở dạng thùy lông chim, vì thế trước bão giông, dừa không hề gãy đổ. Và sau khi bão tố đi qua rừng dừa, gió sẽ ít hung hãn hơn. Dừa cho ta bóng mát cùng bao kỷ niệm tuổi thơ trong lời ru của mẹ trên chiếc võng xơ dừa, những trò cút bắt, bắn bi,… Dừa còn cho ta những bài thuốc trị giun sán, giải cảm, nước dừa tơ đã thay huyết thanh truyền vào máu cho bao thương binh ngoài mặt trận. Và dây thừng dừa cũng là vật dụng không thể thiếu với những ngư dân giăng buồm ra khơi. Những cô gái muốn có mái tóc dài đen mượt cũng cần đến dầu dừa, và sau khi từ giã cuộc đời, ngọn đèn dầu dừa chính là biểu tượng của sự mong manh của đời người như là một triết lý sống. Dừa luôn bên ta như người mẹ hiền. dừa còn điểm tô cho quê hương nét đẹp của sự duyên dáng thướt tha,…Câu chuyện về dừa, nếu kế hết sẽ có biết bao điều trở thành huyền thoại. Đặc biệt hơn là sự góp sức của cây dừa trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ thật là to lớn.
Du lịch dừa, chính là đưa chúng ta về lại với cội nguồn dân tộc, cũng chính là cách ta tôn vinh sự cống hiến của dừa cho cuộc sống, đồng thời giới thiệu cho du khách hiểu được nét đẹp truyền thống trong tập quán của dân tộc ta. Ngoài ra, đến với du lịch dừa, du khách còn hiểu thêm được sự thông minh sáng tạo của nghệ nhân Việt Nam thông qua những sản phẩm độc đáo mà không phải nơi nào cũng có. Bên cạnh đó, ẩm thực từ dừa cũng là điều vô cùng hấp dẫn với du khách gần xa.
Và ấy chính là câu trả lời: Tại sao mô hình du lịch dừa lại là du lịch cộng đồng?
Bởi song hành cùng sự phát triển du lịch cộng đồng, ấy chính là khôi phục, bảo tồn để phát huy những tập quán tốt đẹp từ ngàn đời của tổ tiên ta. Để mọi người biết trân quý hơn giá trị nhân văn của tình nghĩa xóm làng, để tất cả mọi người đều có thể cùng tham gia chuỗi giá trị gia tăng dưới bóng dừa này, từ cụ già cho đến em nhỏ, ai cũng đều có thể là người dẫn chuyện, là hướng dẫn viên, là người bạn thân thiết của du khách.
Phú Yên có sẵn sàng cho Du lịch Dừa phát triển không?
Tiềm lực về dừa đã có, chỉ cần Phú Yên có dám đi đầu để thực hiện hay không mà thôi.
Câu trả lời này thuộc về chủ trương phát triển du lịch của tỉnh.
Chúng tôi, những người yêu dừa, đang tiếp tục tìm hiểu để tôn vinh những giá trị thực của dừa trong văn hóa Việt Nam, sẵn sàng đồng hành cùng Phú Yên kể chuyện về dừa để thu hút các nhà đầu tư và khách du lịch đến với Phú Yên nói riêng và các tỉnh có dừa nói chung, để mọi người cùng hiểu hơn về CÂY DỪA VIỆT NAM.

Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2012

ANH HIỂU


Và để tiếp thêm câu chuyện cho nỗi khắc khoải, thì

 ANH HIỂU
Nhìn ánh mắt em cười
Tim anh như ngừng đập
Phải chăng mất cả rồi
Tình yêu anh vun đắp
Nhưng em ơi, anh đã thấy lại rồi
Và anh hiểu vì sao đôi mắt ấy
Lại ánh cười trong hoang vắng xa xôi
Lại thoáng buồn đau khi đón nhận những lời
Anh sắp nói từ con tim tha thiết
Vì anh hiểu, lòng em đang tiễn biệt
Mối tình đầu trong khắc khoải đau thương
Một tình yêu từ thuở đến trường
E đã nhận,
                  yêu thương
                                     xây mộng
Song cuộc sống, nào phải đâu chỉ tưởng
Chỉ ước mơ, chỉ mơ ước đạt thành
Mà đường đời cũng lắm lúc chênh vênh
Lúc hụt hẫng
Lúc âm thầm đau khổ

Anh đã hiểu, yêu ở em điều đó
Ở ước mơ, ở  tấm lòng thành
Và cả nụ cười hoang vắng trao anh
Anh đã hiểu
yêu em
và yêu mãi
...

Thứ Ba, 14 tháng 2, 2012

KHẮC KHOẢI

Khắc khoải
Hoàng hôn dn buông
Ráng chiu dn tt
Anh vn âm thm
đếm bước chân hoang
Lòng khc khoi âm thm ch đợi
 Mt tình yêu
anh chưa dám ng li
Dù vn hiu phi có gì để li
Cho lòng em
ch mt chút thôi
Nhưng anh đây
ch có bi hi
Ch im lng bên em
lòng bi ri
Em có hiu tình anh mun nói
Vi em yêu bao vn ln ri
Trong lòng anh thương nh đầy vơi
Em có hiu
Em ơi
Em có hiu . . .

Thứ Tư, 8 tháng 2, 2012

SINH NHẬT ĐẢNG NGHĨ VỀ MẸ (tt)

Còn đồng đội của chúng con thì nói: Không gia đình nào như gia đình em, trong chiến tranh mấy chị em đều ở tuyến đầu (chị Hai con là sỹ quan quân y chiến trường, Chị Ba con là trinh sát kỹ thuật, còn con thì điện báo viên). Hòa bình lập lại, khi mọi người còn đeo bám nhà nước thì mấy đứa đều bỏ ra ngoài làm kinh tế. Lúc nào cũng là những người lính xung kích.
Con nghe và cười rằng: Bọn em giống ba, khẳng khái và luôn tự tin vào bản thân, nên biết mình cần phải làm gì.
Và chúng con còn giống mẹ ở nết chịu thương, chịu khó, luôn biết đứng sau chồng. Nhưng con giống ba nhiều hơn ở sự “liều mạng” và tiêu hoang. Có lần ba đã bênh con và nói với mẹ rằng: “Nó làm ra tiền phải cho nó tiêu. Bà thấy nó tiêu cho ai nào?” . Khi báo đài viết nhiều về con, các chị con mắng con ham nổi tiếng, vì thực chất hiệu quả kinh tế đem lại so với tiền con bỏ ra cho nghiên cứu chẳng thấm vào đâu. Nhưng ba mẹ đã động viên, khích lệ và tin rằng con sẽ thành công, bởi con biết đam mê và cháy với đam mê đó, dù rằng con luôn đơn độc. Con vẫn luôn cố gắng quyết tâm biến đam mê thành sự nghiệp để nơi suối vàng ba mẹ có thể mãn nguyện. Và bắt đầu từ năm nay, con cố gắng để mong ước của ba là có 1 đứa con tiến sỹ là sự thật.
Con nhớ, ngày bé, có lần con đánh em. Ba bắt con cúi xuống đánh đòn và dạy: "Con như thế thì sau này sao có thể là người mẹ hiền được!" Và 1 lần, con to tiếng với ông xã con, thì ba vội mắng ngay: "Ơ, cái con này! mày mắng chồng mày đấy à? Xấu chàng thì hổ ai?!"
Những điều ba mẹ dạy, chúng con luôn khắc ghi.
Khi các con trưởng thành thì cũng là lúc mắt mẹ mất dần ánh sáng. Mẹ không thể nhìn thấy những đứa cháu yêu của bà xinh xắn ra sao, nhưng mẹ luôn tự hào: “Chỉ có cháu bà Kiệu (tên ba con) là đẹp nhất xóm Long Vân Tự!”. Các con của chúng con luôn sung sướng khi ở bên cạnh mẹ. Chúng luôn được nghe bà kể chuyện cổ tích, kể chuyện về cha mẹ chúng ngày còn thơ, và luôn cười vui thích thú, khi nghe mẹ mắng  yêu “Tiên sư bố mày nhé!” mỗi khi hôn vào tai mẹ với tiếng kêu thật to và bất ngờ khiến mẹ giật mình.
Giờ đây mẹ đã mãi đi xa, nhưng sao con vẫn cứ muốn nhắc đến mẹ, dù mỗi lần nhắc đến mẹ, là mắt con lại nhòe đi. Con đã lạc mất mẹ rồi mẹ ơi…

Thứ Bảy, 4 tháng 2, 2012

SINH NHẬT ĐẢNG NGHĨ VỀ MẸ

Nhân ngày sinh nhật đảng, nghĩ nhiều đến mẹ.
Sống tại Saigon mà 4 lần mẹ tiễn các con vào lửa đạn . May mà sau ngày giải phóng, chúng con đều trở về, chỉ mỗi chị Hai con là mang trong mình dấu tich chiến tranh.  Những tưởng gia đình mình sẽ đoàn tụ đầy đủ sau cuộc chiến, nào ngờ, con là đứa trở về sau cùng, nên không dự được đám tang của em Bình con vào ngày thứ 20 sau giải phóng. Một cái chết oan nghiệt giữa những ngày tranh tối tranh sáng sau chiến tranh vì sự lộng quyền của một tên cơ hội. Mẹ đã nghẹn ngào mà rằng: Một mình mẹ đau cũng đã đủ, em các con đã bất hạnh rồi, mẹ không muốn người mẹ khác lại mất đi 1 đứa con yêu, dẫu rằng nó không xứng đáng được sống.
Ngồi im và lắng lại, sau khi mẹ trả lời câu hỏi của con: rồi ban quân quản xử sao hả mẹ?
Câu nói của mẹ nhẹ nhàng là thế, nhưng đã là bài học sâu sắc cho con về nỗi đau trần thế. Nỗi đau mà trong đó mẹ đã âm thầm chịu đựng trong 10 năm cuối cùng của cuộc chiến, ấy là lần lượt tiễn những đứa con thơ vào chốn đạn bom, chỉ vì ba sợ các con gái của ba lớn lên sẽ lấy chồng sỹ quan (vì chúng con đều xinh xắn), mà các anh con lại đang còn ở ngoài Bắc. Ấy là cảnh nồi da xáo thịt. Lòng yêu nước của ba cùng những suy nghĩ sâu xa của ba đã đưa đến hệ quả là sau khi con đi được 2 năm ba mẹ đều bị bắt giam, mà đau đớn hơn hết là cứ mỗi lần thấy những đoàn xe nhà binh chở lính đi ngang nhà mình, nghe tiếng bom từ xa vọng lại là mẹ con đứt cả ruột gan. Rồi ba mẹ được thả và ba con lại bị bắt khi trên đường đưa em Bình con vào chiến khu,… Năm 1978, lại 1 lần nữa mẹ đứt ruột tiễn em Định con tham gia bảo vệ biên giới Tây Nam. Con hiểu lòng mẹ với non sông đất nước mình…
Còn các con thì chỉ biết hết sức nỗ lực, để không làm hổ danh cha mẹ. Vì thế mà mỗi khi nhắc đến mấy chị em con, đồng đội ai cũng đều yêu quý và trân trọng. Ba đã không dạy chúng con vì lợi danh, mà hãy sống để đừng làm cha mẹ xấu hổ. Và chúng con đều đã làm được điều này.
Chú Chín Lộc, Chính ủy phòng quân báo trong 1 lần họp mặt đã nói với con rằng: Lực lượng biệt động thành, gia đình ta là 1 gia đình tiêu biểu về sự cống hiến.
                                                                                                                                                                                                                                              (vẫn còn)

Thứ Năm, 2 tháng 2, 2012

SINH NHẬT ĐẢNG

Oh yeah!
Mai là ngày 3 tháng 2, thế là Đảng Cộng Sản Việt Nam đã được bát thập nhị niên, nếu tính luôn tuổi mụ thì bát thập tam. Mà các cụ xưa thì có câu “nhân sinh thất thập cổ lai hy” (khì khì…). Cầu mong đảng khỏe mạnh, minh mẫn để lo cho dân ta ấm no, hạnh phúc (!?)

Mẹ mình sinh năm 1929 và mất năm 2011. Vậy là sau khi ngoại sinh mẹ được 1 năm thì đảng ra đời, và mẹ đã không được chứng kiến sự kiện này, bởi lúc đó đảng ra đời trong bí mật. Mà có chứng kiến thì đứa trẻ mới được 1 tuổi cũng không thể nhớ nổi. Tuổi 17, mẹ tham gia kháng chiến, còn ba thì dạy lớp y tá (trong đó có mẹ). Đến năm 19 tuổi, mẹ về quê ba ở Vĩnh Bảo để sinh chị Hai và sau đó thì mở nhà buôn thuốc tây trong vùng tự do. Mẹ đã kể rất nhiều chuyện trong những ngày mẹ tham gia kháng chiến và những nhọc nhằn vất vả trong những ngày chạy tản cư với 1 nách 2 con nhỏ, cha mẹ già và đàn em thơ 6 đứa cùng cậu cả con chồng (thời đấy, vẫn còn chế độ đa thê). Còn ba thì vẫn miệt mài kháng chiến. Nhưng lạ là chưa bao giờ nghe mẹ nói gì đến ngày 3 tháng 2 cả (có lẽ vì mẹ không làm cán bộ văn xã). Rồi đến năm 1954, để tránh bị đấu tố (bởi ông cố và ông nội mình đều là quan và ba đã từng là y tá trưởng trong một bệnh viện của Pháp), ba đã đưa mẹ và gia đình nhỏ của mình vào Saigon lập nghiệp.
Còn mình lại nhớ rằng từ  năm 16 tuổi (cuối năm 1971, mình được đưa ra Bắc theo diện “Hạt giống đỏ miền Nam”, sau 2 năm lăn lóc nơi rừng xanh núi đỏ ở đơn vị quân báo Miền với nghề “điếc tai chai đít, công ít tội nhiều” và những trận sốt rét rừng đến đi không nổi), đã rất nhiều lần, nhân sự kiện này, mình dạy cho lớp, cho chi đoàn hát  bài “Đảng đã cho ta một mùa xuân” và làm rất nhiều thơ ca ngợi đảng vì mình luôn phụ trách văn thể mỹ của lớp và của chi đoàn. 1 thời phấn đấu hết mình để mong được kết nạp đảng và nguyện trọn đời cống hiến. Vậy mà rồi mình đã 2 lần từ chối làm lý lịch kết nạp đảng (1992, 1993), trong giai đoạn nghị quyết của đảng có chủ trương “cần làm trong sạch hàng ngũ của đảng”. Và mình vẫn đang tiếp tục cống hiến cho dừa, để mong tạo ra những sản phẩm giá trị từ gáo dừa, một loại vật liệu được xếp ở dạng: chất thải rắn. Mình hiểu và muốn tôn vinh cây dừa, bởi những cống hiến của dừa cho cuộc đời này mà không hề đòi hỏi được chăm sóc nâng niu như những loài cây khác. Nào mấy ai hiểu, mỗi tháng dừa vẫn âm thầm cho người trồng nó 1 quầy (buồng) trái ngọt  và luôn quanh quẩn bên ta để cho bóng mát cùng những triết lý nhân sinh...
 Giờ đây, đang ngồi trước màn  hình TV nghe ông Vũ Quang Phúc phát biểu ca ngợi “ĐƯỜNG LỐI LÃNH ĐẠO ĐÚNG ĐẮN” của Đảng qua các thời kỳ. Và bài hát mở đầu cho chương trình ca nhạc chào mừng 82 năm ngày thành lập Đảng cũng bắt đầu là bài hát “Đảng đã cho ta một mùa xuân”.
Chợt nhớ tới “mùa xuân” của gia đình anh Đoàn Văn Vươn (may mà thủ tướng chính phủ đã kịp thời yêu cầu lập đoàn thanh tra cho vụ việc này). Và cũng chính vụ việc này mà 1 vị tướng đã nói: ...Đây là 1 tổn thất chính trị lớn...
Huyện Tiên Lãng sát ngay huyện Vĩnh Bảo nhà mình và cũng đều nổi tiếng đặc sản thuốc lào. Vậy mà mình chẳng hiểu chi về thuốc lào mà lại trở thành “Phù Thủy Gáo Dừa” mới kinh!
Dù rằng trước khi đến với dừa (trước năm 2.000), mình chưa 1 ngày sống ở Bến Tre và cũng chả biết chi về dừa. Có thế mới hiểu “THÀNH SỰ TẠI THIÊN”!
Lan man chút từ cái sự truyền hình trực tiếp ca nhạc mừng sinh nhật lần thứ 82  của đảng khi nghe lại bài hát "Đảng đã cho ta một mùa xuân" mà đắng lòng (thường người đời cái chi tốt thì hay quên, mà cái chi xấu thì cứ găm hoài, mình cũng không ngoại lệ. hic hic)
Lại nhớ chuyện xảy ra cách nay gần 30 năm. Trái tai khi nghe lời miệt thị của ông dượng chồng (lúc đó đang là phó chủ tịch huyện) về tiếng kèn đám ma từ xa vọng lại. Mình có nói: “Con người ta sống phải có đức tin. Dượng tin ở đảng, còn dân thì tin ở Trời Phật. Đảng mình tự do tín ngưỡng mà dượng!”. Ông lập tức bỏ đi sau khi thả câu: “Tao không thèm nói chuyện với mày!”. Và chiều hôm sau, khi đang nấu cơm dưới bếp thì dượng gọi giật ngược: “Thanh! Mày lên đây tao biểu!”. Con bé vội chạy lên tưởng có chuyện chi. “Đêm hôm tao không ngủ được. Tao là thằng hồi nào giờ không thua ai, hổng lẽ giờ thua mày! Nếu không có đảng thì mày chết cha rồi nghe con!”. Tôi liền thưa: “Dạ, chuyện hôm qua, nếu dượng không đồng ý thì con xin lỗi dượng chớ có gì đâu”. Ông dượng có vẻ hài lòng, tôi lặng lẽ xuống bếp mà cười thầm. Chẳng lẽ mình lại nói: “Dạ, nếu không có dân thì đảng đâu tồn tại!”. Lúc đó chắc ổng đứt mạch máu não mất.
Oh yeah!  hu hu ...

Chủ Nhật, 29 tháng 1, 2012

Tết 2012

Chiều 28 Tết, chúng con ra thăm mộ bamẹ. Vậy là mẹ đã xa chúng con 7 tháng 24 ngày. Mỗi lần ra thăm mộ bamẹ, con lại se sắt trong lòng. Tuy nỗi đau đã dần nguôi, nhưng …

Lại nhói lòng khi năm nay con không về đón giao thừa cùng mẹ. Mẹ ơi, năm nay là năm đầu tiên sau gần 30 năm chúng con không đón giao thừa cùng mẹ. Từ khi em Út con có nhà riêng, năm nào gia đình con cũng về đón giao thừa cùng ba mẹ, bởi chúng con không thể cam lòng khi thấy ba mẹ lặng lẽ vào lúc giao thời giữa năm cũ và năm mới. Và năm nay, chúng con đã không còn mẹ để về, mẹ ơi…
Sau khi thắp hương cúng giao thừa ở nhà, con đã ngồi đó mà đầu óc trỗng rỗng…
Sáng mùng một, vợ chồng con đi đón Cô-ca và Pép-si. Ở nhà Su su và Cà Rốt được ba mẹ và cô Út chúng “tự xử”. Quy định sao đến 10 giờ cả nhà phải có mặt bên ngoại thắp hương bàn thờ tổ tiên và bamẹ.Để sau đó còn sang nhà chị Phú (chị Ba) cùng đại gia đình đón năm mới, vì năm nay có suôi gia của chị từ nước ngoài về ra mắt họ nhà gái. Cứ ngỡ những nước có truyền thống văn hóa theo Nho giáo thì mới ham con trai, nào ngờ Đông Âu cũng mê con trai phết. Cháu nội trai là niềm ước ao và tự hào của ông bà nội, vì thế cháu ngoại trai của bà chị được mang tên họ tên ông nội. 

Và ông nội rưng rung nước mắt cám ơn gia đình suôi gia đã cho ông bà nội 1 thằng cháu “tây lai mũi tẹt” bụ bẫm hay cười, khiến bà nội cứ mê mẩn.
Sau buổi tiệc ra mắt suôi gia nhà chị Ba thì 2 giờ chiều cả nhà lên xe về Đất đỏ (quê nội sắp nhỏ) ăn Tết như mọi năm. Năm nay ba má đã gần 90 rồi. Trí nhớ đã suy giảm nhiều, mọi sinh hoạt cũng đã chậm chạp hơn năm ngoái. Nhìn cử chỉ chậm chạp và sự lo lắng thái quá của ba má cho con cháu mà con xót cả ruột gan. Dẫu rằng rồi ai cũng đến ngưỡng này, nhưng khi nhìn thấy ba má như thế, chúng con nào yên lòng.
Tối mùng 2, cháu con tập họp đông đủ, để mừng tuổi ba má.
Cười vui mừng tuổi ba má mạnh khỏe, con cháu xum vầy. Nhưng trong lòng hết sức  xót xa khi thấy ba má mới Tết năm ngoái còn dặn dò con cháu hết sức minh mẫn, năm nay đã quên trước quên sau… Không biết thủ tục này, chúng con còn được làm mấy lần nữa.
Cầu mong ba má mạnh khỏe để con cháu đều được mỗi năm mừng tuổi ba má.
Tết năm rồi, mẹ con cũng vui vầy cùng con cháu, nhưng năm nay thì mẹ con đã mãi mãi đi xa…
Và hôm nay đã là mùng 7 tết rồi, chúng con phải về Saigon để chuẩn bị cho cho 1 năm mới với dự đoán của các chuyên gia kinh tế thì thật là khó khăn.
Con cũng đã cho xưởng mở máy vào sáng thứ bảy (mùng 6 tết) để chuẩn bị làm hàng mẫu cho khách hàng. Hi vọng năm nay công việc của con được thuận lợi.
Cầu mong một năm an lành, thuận lợi đến với tất cả mọi người.

Thứ Hai, 23 tháng 1, 2012

Thứ Năm, 12 tháng 1, 2012

Ừa hé!

 
Uh, Tết cũng đã gần kề rồi đấy nhỉ!
Bao vệc muốn làm mà không biết bắt đầu từ đâu?
Thôi thì tổng soát dữ liệu vậy.
Rà soát hết tất cả những văn bản đã làm, và lưu khi trong quá trình chỉnh sửa, xóa hết cho nhẹ máy. Đồng thời cũng xem lại những ghi chép vặt vãnh để hệ thống lại tư liệu cho kế hoạch học hành .
Mà mình cũng tham thật, cái gì cũng muốn. Nhưng lại bị cái tật ham chơi, nên cà chập cà chờn,  có những cái làm hoài hổng rồi.
Rút kinh nghiệm và phải sửa ngay bằng cách lập thời gian biểu thui. Và tất nhiên trong đó phải có 4 tiếng đồng hồ thư  giãn. Ok!
Thế nhé! Bắt tay vào việc đi bồ tèo!

"NÓ"


Trở lại 360 từ một sự tình cờ, sau khi đọc bài của một ông anh chưa quen.
Từ đó, lần mò sang những láng giềng thân hữu của anh. Đọc, thấy toàn "cao thủ đầu mưng mủ", nên quyết định mở cửa nhà mình trở lại.
Ấn tượng nhất là ""
"" đã luôn làm mình lắng lại.
Sự lắng lại của một thân phận.
"nó" và mình có sự tương đồng về cá tính, nhưng do "hoàn cảnh" mà sự thể hiện có khác nhau.
Đọc "nó", nói chuyện với "nó", có những lúc mình thao thức gần trọn đêm... 
Hiểu. Sự cô đơn trong "nó", nhất là những ngày này đây, những ngày cuối năm...
Hiểu. Tâm hồn nhạy cảm của "nó" luôn đau đáu thèm một bờ vai...
Hiểu. "nó" phải cố thể hiện sự bất cần của mình để tồn tại.
Và "nó" cùng chia sẻ với mọi người những nỗi buồn, niềm vui, để khẳng định sự tồn tại của mình.
"nó" thông minh, sắc xảo, có lối viết tưng tửng và luôn kết bằng nỗi đau "trần thế", khiến ai cũng phải đắng lòng...
Mình đang cố gắng lên "chương trình", qua Tết gặp "nó" và các "cao thủ đầu mưng mủ" để được học hỏi thêm.
(1 thói cực xấu của mình là hễ thấy ai tài giỏi, hay hay là lăm le làm quen để được "hưởng sái")

Thứ Sáu, 6 tháng 1, 2012

HOA MẮC CỠ

HOA MẮC CỠ

phuthuygaodua | 30 March, 2010 19:40


Giữa trời nắng gió
Chẳng mùi hương
Chẳng đẹp chẳng say
Bướm lượn cùng
Mắc cỡ nở hoa
Tròn viên mãn
Rực hồng hoang dại
Giữa mông lung

Thứ Năm, 5 tháng 1, 2012

BÀN TAY

BÀN TAY
Bàn tay
Hai mặt
Bên trắng
Một màu ấm áp
Những đường chỉ ngoằn ngoèo
Sẵn sàng sẻ chia

Bên đen
Được gắn lên những trang sức cầu kỳ
Được tô vẽ bởi móng ngắn dài xanh đỏ
Thay đổi vô chừng
Ấy cũng chỉ bàn tay...
                                                                              SG - 25.08.2009

Thứ Ba, 3 tháng 1, 2012

GIA TÀI CỦA MẸ

Hôm nay 3 Tháng 1, sinh nhật Út cưng của mẹ, cũng là những ngày đầu năm mới.
Đêm qua mẹ không ngủ được, mở TV lúc hơn 1giờ sáng. Chương trình “Người đương thời” của VTV1 nói về chủ quyền Hoàng Sa với góc nhìn của 1 sử gia. Sáng nay, lại 1 lần nữa VTV1 phát lại chương trình này, khiến mẹ nhiều suy nghĩ và muốn nói chuyện với con, dù biết con còn quá trong trẻo để có thể hiểu hết những điều mẹ nói.
Tròn 20 tuổi rồi con yêu. Ngày bằng tuổi con (1976), mẹ hăm hở với bao ước mơ được cống hiến.
Ngày ấy, đất nước mình vừa trải qua chiến tranh.  Những năm tháng đi qua chiến tranh đã cho mẹ hiểu sâu sắc nỗi đau của dân tộc. Nỗi đau của sự mất mát hi sinh. Ngày ấy, trong mẹ không có ranh giới của người chiến thắng và kẻ bại vong. Với mẹ, dân tộc Việt Nam là 1, tất cả đều là nạn nhân của sự tranh quyền đoạt lợi.
3 năm ở nước ngoài, đã làm dày hơn tình yêu quê hương đất nước của mẹ. Và môi trường học công nhân kỹ thuật đã giúp cho mẹ hiểu thêm thế thái nhân tình, hiểu lợi danh, thực ảo từ sự tham lam, tỵ hiềm, vị kỷ và thủ đoạn của 1 số bạn bè. Cụ thể nhất là buổi họp xét đối tượng đảng cho mẹ, vì tính thẳng thắn, bộc trực, mẹ đã là mối lo cho mọi người. Không thể chối bỏ những cống hiến của mẹ, nên chỉ còn 1 cách tốt nhất là áp đặt tính giai cấp vào mẹ, đó là: sinh hoạt, đầu tóc và ăn mặc mang tính cách tiểu tư sản. Nghe được điều này, mẹ hồn nhiên nghĩ rằng họ đã nói đúng, bởi mẹ luôn nổi bật nhờ tài cắt may và gu thẩm mỹ của mình. Nhưng đến khi về nước, mẹ mới chợt ngộ ra mình là ai và đang ở đâu.
Từ đó, mẹ đã chọn con đường riêng cho mình. Ấy là học hỏi, tích lũy kiến thức để sống theo cách của mình. Sau khi sinh con, mẹ đã 2 lần từ chối đề nghị làm lý lịch kết nạp đảng. Ba con cũng đã nói nhiều với mẹ về vấn đề này, nhưng mẹ vẫn giữ nguyên lập trường của mình. Tình cảm và lòng tin của mẹ đã bị tổn thương bởi những điều mẹ đã chứng kiến … Đảng đã dung chứa quá nhiều phần tử cơ hội, để đến lúc bội thực và cần phải làm trong sạch.
Khi China tuyên bố thành lập đơn vị hành chính Tam Sa, mẹ đã cùng nhiều bloggers tham gia biểu tình, 1 mặt thể hiện tinh thần yêu nước của mình, mặt khác xác minh xem có phải cuộc biểu tình này được tổ chức dưới sự giật dây của thế lực phản động nước ngoài? Thật hết sức ngạc nhiên là những người hô hào rất to trên mạng kêu gọi mọi người tham gia biểu tình đều không có mặt. Họ đã đứng ngoài cuộc để “rút kinh nghiệm” cho cuộc biểu tình lần thứ 2 (?!)Hôm sau, để đính chính thông tin ông N.T. Tài (phó ct UBND TP HCM) đăng trên 1 blog khác rằng: không có chuyện cho phép tổ chức cuộc biểu tình lớn hơn. Mẹ bị các bloggers quá khích mạt sát thậm tệ. Sau đó, mọi người cũng kịp hiểu ra rằng mẹ đã đúng. Và rồi lời hứa của ông NTT rằng: sẽ có 1 cuộc meeting lớn hơn (chữ meeting này đã bị đánh lận con đen thành chữ biểu tình) để sinh viên học sinh và mọi người được bày tỏ bức xúc trước vân mệnh của đất nước đã không được thực hiện được vì áp lực từ phía trên. Và khi cuộc biểu tình lần thứ 2 không thực hiện được thì từ đó mẹ nhận thức được vấn đề sâu sắc hơn.
Con yêu, đề nghị của ông Bùi Văn Tiếng (chủ tịch hội sử học Đà Nẵng) mang tính đột phá là: kiến nghị để mọi người đều có thể đăng ký làm công dân danh dự của huyện đảo Hoàng Sa. Chừng nào có chủ trương thực hiện điều đó, cả nhà mình cùng tham gia con nhé.
Viết cho con những dòng chữ này để con hiểu rằng, giờ đây các con quá vô tư với vận mệnh của đất nước. Các con đã không có được ý thức về tình yêu quê hương đất nước từ lời ru của mẹ với những cánh cò, những dòng sông, điệu hát, câu hò, như ngày xưa mẹ đã từng rất yêu những lời bà ru.
Áp lực của cơm áo gạo tiền quá lớn, khiến mẹ không có thời gian dành cho gia đình kể từ ngày ba con công tác ở Vũng Tàu. Khi con mới tròn 10 tháng, mẹ phải vừa đi làm thuê cho 1 công ty tư nhân, vừa học văn bằng 2 đại học, nhằm tìm cho mình 1 hướng đi mới trong công việc.
Các con có thể tự hào khi thấy báo đài nói về mẹ, nhưng mẹ lại đau lòng khi đã lao quá sâu vào cuộc mưu sinh, danh lợi mà ít có thời gian gần gũi chăm sóc các con.
Cái gì cũng có giá của nó và không ai có được tất cả. Mẹ đã đánh đổi quá nhiều để thực hiện đam mê, vì đã làm cho ông bà luôn đau đáu, các con thiếu sự quan tâm, ba con thì chỉ biết thở dài sau mỗi lần khuyên mẹ không xong.
 Mẹ có quá ích kỷ không? Mẹ có điên rồ khi lúc nào cũng nghĩ đến dừa không? Mẹ đã đến với dừa từ con số không của kiến thức, kinh nghiệm và cả không được sự ủng hộ của gia đình.
Mẹ không để lại tiền của cho các con, nhưng mẹ sẽ để lại cho các con những công trình nghiên cứu mang tính đột phá từ dừa mà mẹ đã ngày đêm ấp ủ cùng triết lý: bằng đam mê, từ con số không ta có thể làm nên tất cả.
Đấy chính là gia tài của mẹ.

Thứ Hai, 26 tháng 12, 2011

KHÔNG ĐỀ 2

Không đề 2

Đã sắp hết năm
Một con Zéro thật to
Tất cả đều vô nghĩa
khi không còn mẹ trên đời
Bão hòa trong đau đớn
bão hòa với đam mê
thực hư danh lợi
Vẫn phải làm
vẫn phải tồn tại

Dừa khô lên giá
Thuyền buôn China
tấp nập.
Người chế biến đau đầu
Không còn nguyên liệu
Nhà vườn hăm hở
xuống giống đầu tư

Khi đoàn liên ngành kiểm tra
Khệnh khạng ông chủ lớn,
thương lái China
tuyên bố giảm giá dừa

Dừa khô tụt giá
Hoang mang
Nhà vườn hụt hẫng
Lo ngày mai
sao trả hết nợ nần

Xót xa
phận dừa
Phải làm
Không vì lợi danh
mà vì
trăn trở với dừa
khôn nguôi…

Thứ Ba, 1 tháng 11, 2011

KHÔNG ĐỀ 1

KHÔNG ĐỀ

phuthuygaodua | 23 October, 2011 22:48
KHÔNG ĐỀ 1

Em
Như bông hoa dại
Giữa cuộc đời
Âm thầm
Điểm tô.
Cớ sao
Trốn chạy
Lời nồng nàn.
Sợ soi vào
Đôi mắt ai
Đắm đuối…

Và ta hiểu
Em
Con tim mong manh
Sẽ vỡ tan
Thành mảnh vụn
Nếu chạm vào
Tình yêu…

Thứ Hai, 24 tháng 10, 2011

CUỘC SỐNG

Mấy hôm nay Susu sốt siêu vi, Carot chảy mũi,  me Thủy thì viêm họng , còn bà nội thì mồm đắng nghét và không nói ra lời. Ba Trung và Út Nhi cũng khụt khà khụt khịt.
Cả nhà đều bệnh, chỉ có Susu là được nghỉ học. Carot thì lúc nào cũng cười. Mẹ Thủy, bà nội ba Trung và Út Nhi thì việc ai nấy làm.
Té ra cái sự nghỉ ngơi bi chừ thực xa xỉ. Tối nào bà nội cũng phải đi học, nên ban ngày dù có bệnh, cũng phải ráng học bài. Bảng chữ cái Arap chữ thì dễ, mà đọc thì khó ơi là khó. Có những âm gần nhau đến khó phân biêt. Nên cứ phải căng tai ra mà nhận biết. Út Nhi thì vào 12, lại học thêm Anh văn, nên cũng bận rộn.  
Ba Trung thì lo đi cày để lấy tiền nuôi con. Giám sát an toàn lao động là công việc đòi hỏi trách nhiệm cao, nên Ba Trung dẫu bệnh, cũng không dám nghỉ ngày nào.
Chủ nhật, như thường lệ, ông nội từ Vũng Tàu về. Thấy cháu bệnh sốt ruột nhắc đưa đi khám bệnh. Đã khám rồi đấy chứ, nhưng sốt siêu vi thì chỉ uống hạ nhiệt và C  chứ đâu còn gì nữa. Mà cái con siêu vi này cứng đầu thật. Cả tuần rồi, dứt được 2 ngày lại sốt lại.
Ông bà nội tranh thủ đi thăm cặp Coca – Pepsi. Hai đứa nay cũng kháu phết. Nhìn bọn trẻ lại nhớ lời bà cố: Chỉ có cháu bà Kiệu là đẹp nhất Long Vân Tự.
Mẹ ơi, mỗi lần nhớ đến mẹ là tim con lại bồi hồi đau thắt. Các chị và em con đã làm tròn hiểu nghĩa. Chỉ mỗi mình con là đau đáu vì chưa làm được gì cho mẹ. Những khó khăn nhọc nhằn trong công việc của con, luôn làm mẹ lo lắng trở trăn. Giá mà con đừng cố chấp, giá mà con đừng quá đam mê,…
Cuốc sống xoay vòng với những công việc lặp đi lặp lại và những biến động đôi khi làm ta mệt mỏi. Mệt mỏi thôi chứ đừng ngã gục nhé!

Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2011

ĐOẢN KHÚC MỘT CUỘC TÌNH


                                   ĐOẢN KHÚC MỘT CUỘC TÌNH



 Anh đã nhiều lần nói với cô: E là người anh đã chọn cho cuộc đời mình.

Anh đã yêu cô bằng con tim cuồng nhiệt và chỉ mong có được cô sớm nhất.

Những ngày cuối tuần họ thường cùng nhau ra ngoại ô, cà phê cùng nhau, cùng nhau lang thang trên những con đường ngập nắng vàng với những câu chuyện buồn vui của cuộc đời, hoặc cùng dầm mưa bên nhau run rẩy. Và trong các buổi đi chơi ấy, xen lẫn nụ cười luôn là nước mắt. Bởi anh luôn xót xa cho tuổi thơ của cô bị chiến tranh đánh cắp. Anh đau đớn khi cô kể về những khốn khó trong đời. Vì những điều đó mà anh luôn điên cuồng phỉ báng những gì làm cho cô đớn đau và cả những gì cô trân trọng. Cô trân trọng những năm tháng chiến tranh mà cô từng đi qua. Cô trân trọng sự cống hiến không vụ lợi của mình cho đời. Và cũng như anh, cô cũng đã nhiều lần rơi nước mắt vì những bất hạnh mà anh đã trải qua và nguyện cùng chia sẻ với anh suốt cuộc đời này. Vì quá yêu cô, anh nguyện sẽ làm tất cả để cô vơi bớt nhọc nhằn. Cô đã tin điều đó, bởi cô nhìn thấy sự đau đớn dày vò trong nhung nhớ của  anh hằng đêm vì họ không được ở bên nhau, cùng những lời thơ không tròn vần nhưng đầy ắp yêu thương. Họ cũng đã từng nói với nhau rất nhiều cho tương lai, nơi có một túp lều tranh với hai tâm hồn trong trẻo luôn yêu thương cuộc đời.

Tưởng mọi việc sẽ có một kết quả tốt đẹp, nhưng…

Liên tục mấy ngày, cứ khoảng 6g30 sáng và 9g30 tối, cô không thể nào gọi được cho anh, vì đầu bên kia liên tục “tút tút tút…”. Linh tính cho cô biết có những điều không bình thường. Và rồi, chỉ trong hơn nửa tháng đi công tác, anh đã vội quên những lời tưởng chừng đã vắt từ trong máu hứa hẹn cùng cô mà thản nhiên tuyên bố đã yêu người khác. Vì đó mới chính là anh!

Trong nước mắt, cô đã cay đắng nhắn tin: Em sẽ thông báo cho gia đình anh biết tất cả mọi sự việc.

Vội rút lại lời tuyên bố hùng hồn của mình, anh viện lý do công việc để lẩn tránh cô, không nghe điện thoại của cô.

Còn cô, đau đớn đến điên cuồng và không tiếc lời cay đắng với anh. Cô tự phỉ báng cười cợt bản thân để nuốt nước mắt vào trong. Dù vậy, cô vẫn dõi theo anh. Lòng quặn thắt khi nghe anh bị xua đuổi. Vẫn luôn bồi hồi mỗi khi đi trên những con đường họ đã từng qua. Tim cô vẫn thổn thức khi nghe báo đài nhắc đến quê anh. Bởi trong cô, anh vẫn còn hiện hữu, dù đang méo mó dần vì tính cách của anh.