Trang

Thứ Ba, 14 tháng 2, 2012

KHẮC KHOẢI

Khắc khoải
Hoàng hôn dn buông
Ráng chiu dn tt
Anh vn âm thm
đếm bước chân hoang
Lòng khc khoi âm thm ch đợi
 Mt tình yêu
anh chưa dám ng li
Dù vn hiu phi có gì để li
Cho lòng em
ch mt chút thôi
Nhưng anh đây
ch có bi hi
Ch im lng bên em
lòng bi ri
Em có hiu tình anh mun nói
Vi em yêu bao vn ln ri
Trong lòng anh thương nh đầy vơi
Em có hiu
Em ơi
Em có hiu . . .

Thứ Tư, 8 tháng 2, 2012

SINH NHẬT ĐẢNG NGHĨ VỀ MẸ (tt)

Còn đồng đội của chúng con thì nói: Không gia đình nào như gia đình em, trong chiến tranh mấy chị em đều ở tuyến đầu (chị Hai con là sỹ quan quân y chiến trường, Chị Ba con là trinh sát kỹ thuật, còn con thì điện báo viên). Hòa bình lập lại, khi mọi người còn đeo bám nhà nước thì mấy đứa đều bỏ ra ngoài làm kinh tế. Lúc nào cũng là những người lính xung kích.
Con nghe và cười rằng: Bọn em giống ba, khẳng khái và luôn tự tin vào bản thân, nên biết mình cần phải làm gì.
Và chúng con còn giống mẹ ở nết chịu thương, chịu khó, luôn biết đứng sau chồng. Nhưng con giống ba nhiều hơn ở sự “liều mạng” và tiêu hoang. Có lần ba đã bênh con và nói với mẹ rằng: “Nó làm ra tiền phải cho nó tiêu. Bà thấy nó tiêu cho ai nào?” . Khi báo đài viết nhiều về con, các chị con mắng con ham nổi tiếng, vì thực chất hiệu quả kinh tế đem lại so với tiền con bỏ ra cho nghiên cứu chẳng thấm vào đâu. Nhưng ba mẹ đã động viên, khích lệ và tin rằng con sẽ thành công, bởi con biết đam mê và cháy với đam mê đó, dù rằng con luôn đơn độc. Con vẫn luôn cố gắng quyết tâm biến đam mê thành sự nghiệp để nơi suối vàng ba mẹ có thể mãn nguyện. Và bắt đầu từ năm nay, con cố gắng để mong ước của ba là có 1 đứa con tiến sỹ là sự thật.
Con nhớ, ngày bé, có lần con đánh em. Ba bắt con cúi xuống đánh đòn và dạy: "Con như thế thì sau này sao có thể là người mẹ hiền được!" Và 1 lần, con to tiếng với ông xã con, thì ba vội mắng ngay: "Ơ, cái con này! mày mắng chồng mày đấy à? Xấu chàng thì hổ ai?!"
Những điều ba mẹ dạy, chúng con luôn khắc ghi.
Khi các con trưởng thành thì cũng là lúc mắt mẹ mất dần ánh sáng. Mẹ không thể nhìn thấy những đứa cháu yêu của bà xinh xắn ra sao, nhưng mẹ luôn tự hào: “Chỉ có cháu bà Kiệu (tên ba con) là đẹp nhất xóm Long Vân Tự!”. Các con của chúng con luôn sung sướng khi ở bên cạnh mẹ. Chúng luôn được nghe bà kể chuyện cổ tích, kể chuyện về cha mẹ chúng ngày còn thơ, và luôn cười vui thích thú, khi nghe mẹ mắng  yêu “Tiên sư bố mày nhé!” mỗi khi hôn vào tai mẹ với tiếng kêu thật to và bất ngờ khiến mẹ giật mình.
Giờ đây mẹ đã mãi đi xa, nhưng sao con vẫn cứ muốn nhắc đến mẹ, dù mỗi lần nhắc đến mẹ, là mắt con lại nhòe đi. Con đã lạc mất mẹ rồi mẹ ơi…

Thứ Bảy, 4 tháng 2, 2012

SINH NHẬT ĐẢNG NGHĨ VỀ MẸ

Nhân ngày sinh nhật đảng, nghĩ nhiều đến mẹ.
Sống tại Saigon mà 4 lần mẹ tiễn các con vào lửa đạn . May mà sau ngày giải phóng, chúng con đều trở về, chỉ mỗi chị Hai con là mang trong mình dấu tich chiến tranh.  Những tưởng gia đình mình sẽ đoàn tụ đầy đủ sau cuộc chiến, nào ngờ, con là đứa trở về sau cùng, nên không dự được đám tang của em Bình con vào ngày thứ 20 sau giải phóng. Một cái chết oan nghiệt giữa những ngày tranh tối tranh sáng sau chiến tranh vì sự lộng quyền của một tên cơ hội. Mẹ đã nghẹn ngào mà rằng: Một mình mẹ đau cũng đã đủ, em các con đã bất hạnh rồi, mẹ không muốn người mẹ khác lại mất đi 1 đứa con yêu, dẫu rằng nó không xứng đáng được sống.
Ngồi im và lắng lại, sau khi mẹ trả lời câu hỏi của con: rồi ban quân quản xử sao hả mẹ?
Câu nói của mẹ nhẹ nhàng là thế, nhưng đã là bài học sâu sắc cho con về nỗi đau trần thế. Nỗi đau mà trong đó mẹ đã âm thầm chịu đựng trong 10 năm cuối cùng của cuộc chiến, ấy là lần lượt tiễn những đứa con thơ vào chốn đạn bom, chỉ vì ba sợ các con gái của ba lớn lên sẽ lấy chồng sỹ quan (vì chúng con đều xinh xắn), mà các anh con lại đang còn ở ngoài Bắc. Ấy là cảnh nồi da xáo thịt. Lòng yêu nước của ba cùng những suy nghĩ sâu xa của ba đã đưa đến hệ quả là sau khi con đi được 2 năm ba mẹ đều bị bắt giam, mà đau đớn hơn hết là cứ mỗi lần thấy những đoàn xe nhà binh chở lính đi ngang nhà mình, nghe tiếng bom từ xa vọng lại là mẹ con đứt cả ruột gan. Rồi ba mẹ được thả và ba con lại bị bắt khi trên đường đưa em Bình con vào chiến khu,… Năm 1978, lại 1 lần nữa mẹ đứt ruột tiễn em Định con tham gia bảo vệ biên giới Tây Nam. Con hiểu lòng mẹ với non sông đất nước mình…
Còn các con thì chỉ biết hết sức nỗ lực, để không làm hổ danh cha mẹ. Vì thế mà mỗi khi nhắc đến mấy chị em con, đồng đội ai cũng đều yêu quý và trân trọng. Ba đã không dạy chúng con vì lợi danh, mà hãy sống để đừng làm cha mẹ xấu hổ. Và chúng con đều đã làm được điều này.
Chú Chín Lộc, Chính ủy phòng quân báo trong 1 lần họp mặt đã nói với con rằng: Lực lượng biệt động thành, gia đình ta là 1 gia đình tiêu biểu về sự cống hiến.
                                                                                                                                                                                                                                              (vẫn còn)

Thứ Năm, 2 tháng 2, 2012

SINH NHẬT ĐẢNG

Oh yeah!
Mai là ngày 3 tháng 2, thế là Đảng Cộng Sản Việt Nam đã được bát thập nhị niên, nếu tính luôn tuổi mụ thì bát thập tam. Mà các cụ xưa thì có câu “nhân sinh thất thập cổ lai hy” (khì khì…). Cầu mong đảng khỏe mạnh, minh mẫn để lo cho dân ta ấm no, hạnh phúc (!?)

Mẹ mình sinh năm 1929 và mất năm 2011. Vậy là sau khi ngoại sinh mẹ được 1 năm thì đảng ra đời, và mẹ đã không được chứng kiến sự kiện này, bởi lúc đó đảng ra đời trong bí mật. Mà có chứng kiến thì đứa trẻ mới được 1 tuổi cũng không thể nhớ nổi. Tuổi 17, mẹ tham gia kháng chiến, còn ba thì dạy lớp y tá (trong đó có mẹ). Đến năm 19 tuổi, mẹ về quê ba ở Vĩnh Bảo để sinh chị Hai và sau đó thì mở nhà buôn thuốc tây trong vùng tự do. Mẹ đã kể rất nhiều chuyện trong những ngày mẹ tham gia kháng chiến và những nhọc nhằn vất vả trong những ngày chạy tản cư với 1 nách 2 con nhỏ, cha mẹ già và đàn em thơ 6 đứa cùng cậu cả con chồng (thời đấy, vẫn còn chế độ đa thê). Còn ba thì vẫn miệt mài kháng chiến. Nhưng lạ là chưa bao giờ nghe mẹ nói gì đến ngày 3 tháng 2 cả (có lẽ vì mẹ không làm cán bộ văn xã). Rồi đến năm 1954, để tránh bị đấu tố (bởi ông cố và ông nội mình đều là quan và ba đã từng là y tá trưởng trong một bệnh viện của Pháp), ba đã đưa mẹ và gia đình nhỏ của mình vào Saigon lập nghiệp.
Còn mình lại nhớ rằng từ  năm 16 tuổi (cuối năm 1971, mình được đưa ra Bắc theo diện “Hạt giống đỏ miền Nam”, sau 2 năm lăn lóc nơi rừng xanh núi đỏ ở đơn vị quân báo Miền với nghề “điếc tai chai đít, công ít tội nhiều” và những trận sốt rét rừng đến đi không nổi), đã rất nhiều lần, nhân sự kiện này, mình dạy cho lớp, cho chi đoàn hát  bài “Đảng đã cho ta một mùa xuân” và làm rất nhiều thơ ca ngợi đảng vì mình luôn phụ trách văn thể mỹ của lớp và của chi đoàn. 1 thời phấn đấu hết mình để mong được kết nạp đảng và nguyện trọn đời cống hiến. Vậy mà rồi mình đã 2 lần từ chối làm lý lịch kết nạp đảng (1992, 1993), trong giai đoạn nghị quyết của đảng có chủ trương “cần làm trong sạch hàng ngũ của đảng”. Và mình vẫn đang tiếp tục cống hiến cho dừa, để mong tạo ra những sản phẩm giá trị từ gáo dừa, một loại vật liệu được xếp ở dạng: chất thải rắn. Mình hiểu và muốn tôn vinh cây dừa, bởi những cống hiến của dừa cho cuộc đời này mà không hề đòi hỏi được chăm sóc nâng niu như những loài cây khác. Nào mấy ai hiểu, mỗi tháng dừa vẫn âm thầm cho người trồng nó 1 quầy (buồng) trái ngọt  và luôn quanh quẩn bên ta để cho bóng mát cùng những triết lý nhân sinh...
 Giờ đây, đang ngồi trước màn  hình TV nghe ông Vũ Quang Phúc phát biểu ca ngợi “ĐƯỜNG LỐI LÃNH ĐẠO ĐÚNG ĐẮN” của Đảng qua các thời kỳ. Và bài hát mở đầu cho chương trình ca nhạc chào mừng 82 năm ngày thành lập Đảng cũng bắt đầu là bài hát “Đảng đã cho ta một mùa xuân”.
Chợt nhớ tới “mùa xuân” của gia đình anh Đoàn Văn Vươn (may mà thủ tướng chính phủ đã kịp thời yêu cầu lập đoàn thanh tra cho vụ việc này). Và cũng chính vụ việc này mà 1 vị tướng đã nói: ...Đây là 1 tổn thất chính trị lớn...
Huyện Tiên Lãng sát ngay huyện Vĩnh Bảo nhà mình và cũng đều nổi tiếng đặc sản thuốc lào. Vậy mà mình chẳng hiểu chi về thuốc lào mà lại trở thành “Phù Thủy Gáo Dừa” mới kinh!
Dù rằng trước khi đến với dừa (trước năm 2.000), mình chưa 1 ngày sống ở Bến Tre và cũng chả biết chi về dừa. Có thế mới hiểu “THÀNH SỰ TẠI THIÊN”!
Lan man chút từ cái sự truyền hình trực tiếp ca nhạc mừng sinh nhật lần thứ 82  của đảng khi nghe lại bài hát "Đảng đã cho ta một mùa xuân" mà đắng lòng (thường người đời cái chi tốt thì hay quên, mà cái chi xấu thì cứ găm hoài, mình cũng không ngoại lệ. hic hic)
Lại nhớ chuyện xảy ra cách nay gần 30 năm. Trái tai khi nghe lời miệt thị của ông dượng chồng (lúc đó đang là phó chủ tịch huyện) về tiếng kèn đám ma từ xa vọng lại. Mình có nói: “Con người ta sống phải có đức tin. Dượng tin ở đảng, còn dân thì tin ở Trời Phật. Đảng mình tự do tín ngưỡng mà dượng!”. Ông lập tức bỏ đi sau khi thả câu: “Tao không thèm nói chuyện với mày!”. Và chiều hôm sau, khi đang nấu cơm dưới bếp thì dượng gọi giật ngược: “Thanh! Mày lên đây tao biểu!”. Con bé vội chạy lên tưởng có chuyện chi. “Đêm hôm tao không ngủ được. Tao là thằng hồi nào giờ không thua ai, hổng lẽ giờ thua mày! Nếu không có đảng thì mày chết cha rồi nghe con!”. Tôi liền thưa: “Dạ, chuyện hôm qua, nếu dượng không đồng ý thì con xin lỗi dượng chớ có gì đâu”. Ông dượng có vẻ hài lòng, tôi lặng lẽ xuống bếp mà cười thầm. Chẳng lẽ mình lại nói: “Dạ, nếu không có dân thì đảng đâu tồn tại!”. Lúc đó chắc ổng đứt mạch máu não mất.
Oh yeah!  hu hu ...

Chủ Nhật, 29 tháng 1, 2012

Tết 2012

Chiều 28 Tết, chúng con ra thăm mộ bamẹ. Vậy là mẹ đã xa chúng con 7 tháng 24 ngày. Mỗi lần ra thăm mộ bamẹ, con lại se sắt trong lòng. Tuy nỗi đau đã dần nguôi, nhưng …

Lại nhói lòng khi năm nay con không về đón giao thừa cùng mẹ. Mẹ ơi, năm nay là năm đầu tiên sau gần 30 năm chúng con không đón giao thừa cùng mẹ. Từ khi em Út con có nhà riêng, năm nào gia đình con cũng về đón giao thừa cùng ba mẹ, bởi chúng con không thể cam lòng khi thấy ba mẹ lặng lẽ vào lúc giao thời giữa năm cũ và năm mới. Và năm nay, chúng con đã không còn mẹ để về, mẹ ơi…
Sau khi thắp hương cúng giao thừa ở nhà, con đã ngồi đó mà đầu óc trỗng rỗng…
Sáng mùng một, vợ chồng con đi đón Cô-ca và Pép-si. Ở nhà Su su và Cà Rốt được ba mẹ và cô Út chúng “tự xử”. Quy định sao đến 10 giờ cả nhà phải có mặt bên ngoại thắp hương bàn thờ tổ tiên và bamẹ.Để sau đó còn sang nhà chị Phú (chị Ba) cùng đại gia đình đón năm mới, vì năm nay có suôi gia của chị từ nước ngoài về ra mắt họ nhà gái. Cứ ngỡ những nước có truyền thống văn hóa theo Nho giáo thì mới ham con trai, nào ngờ Đông Âu cũng mê con trai phết. Cháu nội trai là niềm ước ao và tự hào của ông bà nội, vì thế cháu ngoại trai của bà chị được mang tên họ tên ông nội. 

Và ông nội rưng rung nước mắt cám ơn gia đình suôi gia đã cho ông bà nội 1 thằng cháu “tây lai mũi tẹt” bụ bẫm hay cười, khiến bà nội cứ mê mẩn.
Sau buổi tiệc ra mắt suôi gia nhà chị Ba thì 2 giờ chiều cả nhà lên xe về Đất đỏ (quê nội sắp nhỏ) ăn Tết như mọi năm. Năm nay ba má đã gần 90 rồi. Trí nhớ đã suy giảm nhiều, mọi sinh hoạt cũng đã chậm chạp hơn năm ngoái. Nhìn cử chỉ chậm chạp và sự lo lắng thái quá của ba má cho con cháu mà con xót cả ruột gan. Dẫu rằng rồi ai cũng đến ngưỡng này, nhưng khi nhìn thấy ba má như thế, chúng con nào yên lòng.
Tối mùng 2, cháu con tập họp đông đủ, để mừng tuổi ba má.
Cười vui mừng tuổi ba má mạnh khỏe, con cháu xum vầy. Nhưng trong lòng hết sức  xót xa khi thấy ba má mới Tết năm ngoái còn dặn dò con cháu hết sức minh mẫn, năm nay đã quên trước quên sau… Không biết thủ tục này, chúng con còn được làm mấy lần nữa.
Cầu mong ba má mạnh khỏe để con cháu đều được mỗi năm mừng tuổi ba má.
Tết năm rồi, mẹ con cũng vui vầy cùng con cháu, nhưng năm nay thì mẹ con đã mãi mãi đi xa…
Và hôm nay đã là mùng 7 tết rồi, chúng con phải về Saigon để chuẩn bị cho cho 1 năm mới với dự đoán của các chuyên gia kinh tế thì thật là khó khăn.
Con cũng đã cho xưởng mở máy vào sáng thứ bảy (mùng 6 tết) để chuẩn bị làm hàng mẫu cho khách hàng. Hi vọng năm nay công việc của con được thuận lợi.
Cầu mong một năm an lành, thuận lợi đến với tất cả mọi người.

Thứ Hai, 23 tháng 1, 2012

Thứ Năm, 12 tháng 1, 2012

Ừa hé!

 
Uh, Tết cũng đã gần kề rồi đấy nhỉ!
Bao vệc muốn làm mà không biết bắt đầu từ đâu?
Thôi thì tổng soát dữ liệu vậy.
Rà soát hết tất cả những văn bản đã làm, và lưu khi trong quá trình chỉnh sửa, xóa hết cho nhẹ máy. Đồng thời cũng xem lại những ghi chép vặt vãnh để hệ thống lại tư liệu cho kế hoạch học hành .
Mà mình cũng tham thật, cái gì cũng muốn. Nhưng lại bị cái tật ham chơi, nên cà chập cà chờn,  có những cái làm hoài hổng rồi.
Rút kinh nghiệm và phải sửa ngay bằng cách lập thời gian biểu thui. Và tất nhiên trong đó phải có 4 tiếng đồng hồ thư  giãn. Ok!
Thế nhé! Bắt tay vào việc đi bồ tèo!

"NÓ"


Trở lại 360 từ một sự tình cờ, sau khi đọc bài của một ông anh chưa quen.
Từ đó, lần mò sang những láng giềng thân hữu của anh. Đọc, thấy toàn "cao thủ đầu mưng mủ", nên quyết định mở cửa nhà mình trở lại.
Ấn tượng nhất là ""
"" đã luôn làm mình lắng lại.
Sự lắng lại của một thân phận.
"nó" và mình có sự tương đồng về cá tính, nhưng do "hoàn cảnh" mà sự thể hiện có khác nhau.
Đọc "nó", nói chuyện với "nó", có những lúc mình thao thức gần trọn đêm... 
Hiểu. Sự cô đơn trong "nó", nhất là những ngày này đây, những ngày cuối năm...
Hiểu. Tâm hồn nhạy cảm của "nó" luôn đau đáu thèm một bờ vai...
Hiểu. "nó" phải cố thể hiện sự bất cần của mình để tồn tại.
Và "nó" cùng chia sẻ với mọi người những nỗi buồn, niềm vui, để khẳng định sự tồn tại của mình.
"nó" thông minh, sắc xảo, có lối viết tưng tửng và luôn kết bằng nỗi đau "trần thế", khiến ai cũng phải đắng lòng...
Mình đang cố gắng lên "chương trình", qua Tết gặp "nó" và các "cao thủ đầu mưng mủ" để được học hỏi thêm.
(1 thói cực xấu của mình là hễ thấy ai tài giỏi, hay hay là lăm le làm quen để được "hưởng sái")

Thứ Sáu, 6 tháng 1, 2012

HOA MẮC CỠ

HOA MẮC CỠ

phuthuygaodua | 30 March, 2010 19:40


Giữa trời nắng gió
Chẳng mùi hương
Chẳng đẹp chẳng say
Bướm lượn cùng
Mắc cỡ nở hoa
Tròn viên mãn
Rực hồng hoang dại
Giữa mông lung

Thứ Năm, 5 tháng 1, 2012

BÀN TAY

BÀN TAY
Bàn tay
Hai mặt
Bên trắng
Một màu ấm áp
Những đường chỉ ngoằn ngoèo
Sẵn sàng sẻ chia

Bên đen
Được gắn lên những trang sức cầu kỳ
Được tô vẽ bởi móng ngắn dài xanh đỏ
Thay đổi vô chừng
Ấy cũng chỉ bàn tay...
                                                                              SG - 25.08.2009

Thứ Ba, 3 tháng 1, 2012

GIA TÀI CỦA MẸ

Hôm nay 3 Tháng 1, sinh nhật Út cưng của mẹ, cũng là những ngày đầu năm mới.
Đêm qua mẹ không ngủ được, mở TV lúc hơn 1giờ sáng. Chương trình “Người đương thời” của VTV1 nói về chủ quyền Hoàng Sa với góc nhìn của 1 sử gia. Sáng nay, lại 1 lần nữa VTV1 phát lại chương trình này, khiến mẹ nhiều suy nghĩ và muốn nói chuyện với con, dù biết con còn quá trong trẻo để có thể hiểu hết những điều mẹ nói.
Tròn 20 tuổi rồi con yêu. Ngày bằng tuổi con (1976), mẹ hăm hở với bao ước mơ được cống hiến.
Ngày ấy, đất nước mình vừa trải qua chiến tranh.  Những năm tháng đi qua chiến tranh đã cho mẹ hiểu sâu sắc nỗi đau của dân tộc. Nỗi đau của sự mất mát hi sinh. Ngày ấy, trong mẹ không có ranh giới của người chiến thắng và kẻ bại vong. Với mẹ, dân tộc Việt Nam là 1, tất cả đều là nạn nhân của sự tranh quyền đoạt lợi.
3 năm ở nước ngoài, đã làm dày hơn tình yêu quê hương đất nước của mẹ. Và môi trường học công nhân kỹ thuật đã giúp cho mẹ hiểu thêm thế thái nhân tình, hiểu lợi danh, thực ảo từ sự tham lam, tỵ hiềm, vị kỷ và thủ đoạn của 1 số bạn bè. Cụ thể nhất là buổi họp xét đối tượng đảng cho mẹ, vì tính thẳng thắn, bộc trực, mẹ đã là mối lo cho mọi người. Không thể chối bỏ những cống hiến của mẹ, nên chỉ còn 1 cách tốt nhất là áp đặt tính giai cấp vào mẹ, đó là: sinh hoạt, đầu tóc và ăn mặc mang tính cách tiểu tư sản. Nghe được điều này, mẹ hồn nhiên nghĩ rằng họ đã nói đúng, bởi mẹ luôn nổi bật nhờ tài cắt may và gu thẩm mỹ của mình. Nhưng đến khi về nước, mẹ mới chợt ngộ ra mình là ai và đang ở đâu.
Từ đó, mẹ đã chọn con đường riêng cho mình. Ấy là học hỏi, tích lũy kiến thức để sống theo cách của mình. Sau khi sinh con, mẹ đã 2 lần từ chối đề nghị làm lý lịch kết nạp đảng. Ba con cũng đã nói nhiều với mẹ về vấn đề này, nhưng mẹ vẫn giữ nguyên lập trường của mình. Tình cảm và lòng tin của mẹ đã bị tổn thương bởi những điều mẹ đã chứng kiến … Đảng đã dung chứa quá nhiều phần tử cơ hội, để đến lúc bội thực và cần phải làm trong sạch.
Khi China tuyên bố thành lập đơn vị hành chính Tam Sa, mẹ đã cùng nhiều bloggers tham gia biểu tình, 1 mặt thể hiện tinh thần yêu nước của mình, mặt khác xác minh xem có phải cuộc biểu tình này được tổ chức dưới sự giật dây của thế lực phản động nước ngoài? Thật hết sức ngạc nhiên là những người hô hào rất to trên mạng kêu gọi mọi người tham gia biểu tình đều không có mặt. Họ đã đứng ngoài cuộc để “rút kinh nghiệm” cho cuộc biểu tình lần thứ 2 (?!)Hôm sau, để đính chính thông tin ông N.T. Tài (phó ct UBND TP HCM) đăng trên 1 blog khác rằng: không có chuyện cho phép tổ chức cuộc biểu tình lớn hơn. Mẹ bị các bloggers quá khích mạt sát thậm tệ. Sau đó, mọi người cũng kịp hiểu ra rằng mẹ đã đúng. Và rồi lời hứa của ông NTT rằng: sẽ có 1 cuộc meeting lớn hơn (chữ meeting này đã bị đánh lận con đen thành chữ biểu tình) để sinh viên học sinh và mọi người được bày tỏ bức xúc trước vân mệnh của đất nước đã không được thực hiện được vì áp lực từ phía trên. Và khi cuộc biểu tình lần thứ 2 không thực hiện được thì từ đó mẹ nhận thức được vấn đề sâu sắc hơn.
Con yêu, đề nghị của ông Bùi Văn Tiếng (chủ tịch hội sử học Đà Nẵng) mang tính đột phá là: kiến nghị để mọi người đều có thể đăng ký làm công dân danh dự của huyện đảo Hoàng Sa. Chừng nào có chủ trương thực hiện điều đó, cả nhà mình cùng tham gia con nhé.
Viết cho con những dòng chữ này để con hiểu rằng, giờ đây các con quá vô tư với vận mệnh của đất nước. Các con đã không có được ý thức về tình yêu quê hương đất nước từ lời ru của mẹ với những cánh cò, những dòng sông, điệu hát, câu hò, như ngày xưa mẹ đã từng rất yêu những lời bà ru.
Áp lực của cơm áo gạo tiền quá lớn, khiến mẹ không có thời gian dành cho gia đình kể từ ngày ba con công tác ở Vũng Tàu. Khi con mới tròn 10 tháng, mẹ phải vừa đi làm thuê cho 1 công ty tư nhân, vừa học văn bằng 2 đại học, nhằm tìm cho mình 1 hướng đi mới trong công việc.
Các con có thể tự hào khi thấy báo đài nói về mẹ, nhưng mẹ lại đau lòng khi đã lao quá sâu vào cuộc mưu sinh, danh lợi mà ít có thời gian gần gũi chăm sóc các con.
Cái gì cũng có giá của nó và không ai có được tất cả. Mẹ đã đánh đổi quá nhiều để thực hiện đam mê, vì đã làm cho ông bà luôn đau đáu, các con thiếu sự quan tâm, ba con thì chỉ biết thở dài sau mỗi lần khuyên mẹ không xong.
 Mẹ có quá ích kỷ không? Mẹ có điên rồ khi lúc nào cũng nghĩ đến dừa không? Mẹ đã đến với dừa từ con số không của kiến thức, kinh nghiệm và cả không được sự ủng hộ của gia đình.
Mẹ không để lại tiền của cho các con, nhưng mẹ sẽ để lại cho các con những công trình nghiên cứu mang tính đột phá từ dừa mà mẹ đã ngày đêm ấp ủ cùng triết lý: bằng đam mê, từ con số không ta có thể làm nên tất cả.
Đấy chính là gia tài của mẹ.

Thứ Hai, 26 tháng 12, 2011

KHÔNG ĐỀ 2

Không đề 2

Đã sắp hết năm
Một con Zéro thật to
Tất cả đều vô nghĩa
khi không còn mẹ trên đời
Bão hòa trong đau đớn
bão hòa với đam mê
thực hư danh lợi
Vẫn phải làm
vẫn phải tồn tại

Dừa khô lên giá
Thuyền buôn China
tấp nập.
Người chế biến đau đầu
Không còn nguyên liệu
Nhà vườn hăm hở
xuống giống đầu tư

Khi đoàn liên ngành kiểm tra
Khệnh khạng ông chủ lớn,
thương lái China
tuyên bố giảm giá dừa

Dừa khô tụt giá
Hoang mang
Nhà vườn hụt hẫng
Lo ngày mai
sao trả hết nợ nần

Xót xa
phận dừa
Phải làm
Không vì lợi danh
mà vì
trăn trở với dừa
khôn nguôi…

Thứ Ba, 1 tháng 11, 2011

KHÔNG ĐỀ 1

KHÔNG ĐỀ

phuthuygaodua | 23 October, 2011 22:48
KHÔNG ĐỀ 1

Em
Như bông hoa dại
Giữa cuộc đời
Âm thầm
Điểm tô.
Cớ sao
Trốn chạy
Lời nồng nàn.
Sợ soi vào
Đôi mắt ai
Đắm đuối…

Và ta hiểu
Em
Con tim mong manh
Sẽ vỡ tan
Thành mảnh vụn
Nếu chạm vào
Tình yêu…

Thứ Hai, 24 tháng 10, 2011

CUỘC SỐNG

Mấy hôm nay Susu sốt siêu vi, Carot chảy mũi,  me Thủy thì viêm họng , còn bà nội thì mồm đắng nghét và không nói ra lời. Ba Trung và Út Nhi cũng khụt khà khụt khịt.
Cả nhà đều bệnh, chỉ có Susu là được nghỉ học. Carot thì lúc nào cũng cười. Mẹ Thủy, bà nội ba Trung và Út Nhi thì việc ai nấy làm.
Té ra cái sự nghỉ ngơi bi chừ thực xa xỉ. Tối nào bà nội cũng phải đi học, nên ban ngày dù có bệnh, cũng phải ráng học bài. Bảng chữ cái Arap chữ thì dễ, mà đọc thì khó ơi là khó. Có những âm gần nhau đến khó phân biêt. Nên cứ phải căng tai ra mà nhận biết. Út Nhi thì vào 12, lại học thêm Anh văn, nên cũng bận rộn.  
Ba Trung thì lo đi cày để lấy tiền nuôi con. Giám sát an toàn lao động là công việc đòi hỏi trách nhiệm cao, nên Ba Trung dẫu bệnh, cũng không dám nghỉ ngày nào.
Chủ nhật, như thường lệ, ông nội từ Vũng Tàu về. Thấy cháu bệnh sốt ruột nhắc đưa đi khám bệnh. Đã khám rồi đấy chứ, nhưng sốt siêu vi thì chỉ uống hạ nhiệt và C  chứ đâu còn gì nữa. Mà cái con siêu vi này cứng đầu thật. Cả tuần rồi, dứt được 2 ngày lại sốt lại.
Ông bà nội tranh thủ đi thăm cặp Coca – Pepsi. Hai đứa nay cũng kháu phết. Nhìn bọn trẻ lại nhớ lời bà cố: Chỉ có cháu bà Kiệu là đẹp nhất Long Vân Tự.
Mẹ ơi, mỗi lần nhớ đến mẹ là tim con lại bồi hồi đau thắt. Các chị và em con đã làm tròn hiểu nghĩa. Chỉ mỗi mình con là đau đáu vì chưa làm được gì cho mẹ. Những khó khăn nhọc nhằn trong công việc của con, luôn làm mẹ lo lắng trở trăn. Giá mà con đừng cố chấp, giá mà con đừng quá đam mê,…
Cuốc sống xoay vòng với những công việc lặp đi lặp lại và những biến động đôi khi làm ta mệt mỏi. Mệt mỏi thôi chứ đừng ngã gục nhé!

Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2011

ĐOẢN KHÚC MỘT CUỘC TÌNH


                                   ĐOẢN KHÚC MỘT CUỘC TÌNH



 Anh đã nhiều lần nói với cô: E là người anh đã chọn cho cuộc đời mình.

Anh đã yêu cô bằng con tim cuồng nhiệt và chỉ mong có được cô sớm nhất.

Những ngày cuối tuần họ thường cùng nhau ra ngoại ô, cà phê cùng nhau, cùng nhau lang thang trên những con đường ngập nắng vàng với những câu chuyện buồn vui của cuộc đời, hoặc cùng dầm mưa bên nhau run rẩy. Và trong các buổi đi chơi ấy, xen lẫn nụ cười luôn là nước mắt. Bởi anh luôn xót xa cho tuổi thơ của cô bị chiến tranh đánh cắp. Anh đau đớn khi cô kể về những khốn khó trong đời. Vì những điều đó mà anh luôn điên cuồng phỉ báng những gì làm cho cô đớn đau và cả những gì cô trân trọng. Cô trân trọng những năm tháng chiến tranh mà cô từng đi qua. Cô trân trọng sự cống hiến không vụ lợi của mình cho đời. Và cũng như anh, cô cũng đã nhiều lần rơi nước mắt vì những bất hạnh mà anh đã trải qua và nguyện cùng chia sẻ với anh suốt cuộc đời này. Vì quá yêu cô, anh nguyện sẽ làm tất cả để cô vơi bớt nhọc nhằn. Cô đã tin điều đó, bởi cô nhìn thấy sự đau đớn dày vò trong nhung nhớ của  anh hằng đêm vì họ không được ở bên nhau, cùng những lời thơ không tròn vần nhưng đầy ắp yêu thương. Họ cũng đã từng nói với nhau rất nhiều cho tương lai, nơi có một túp lều tranh với hai tâm hồn trong trẻo luôn yêu thương cuộc đời.

Tưởng mọi việc sẽ có một kết quả tốt đẹp, nhưng…

Liên tục mấy ngày, cứ khoảng 6g30 sáng và 9g30 tối, cô không thể nào gọi được cho anh, vì đầu bên kia liên tục “tút tút tút…”. Linh tính cho cô biết có những điều không bình thường. Và rồi, chỉ trong hơn nửa tháng đi công tác, anh đã vội quên những lời tưởng chừng đã vắt từ trong máu hứa hẹn cùng cô mà thản nhiên tuyên bố đã yêu người khác. Vì đó mới chính là anh!

Trong nước mắt, cô đã cay đắng nhắn tin: Em sẽ thông báo cho gia đình anh biết tất cả mọi sự việc.

Vội rút lại lời tuyên bố hùng hồn của mình, anh viện lý do công việc để lẩn tránh cô, không nghe điện thoại của cô.

Còn cô, đau đớn đến điên cuồng và không tiếc lời cay đắng với anh. Cô tự phỉ báng cười cợt bản thân để nuốt nước mắt vào trong. Dù vậy, cô vẫn dõi theo anh. Lòng quặn thắt khi nghe anh bị xua đuổi. Vẫn luôn bồi hồi mỗi khi đi trên những con đường họ đã từng qua. Tim cô vẫn thổn thức khi nghe báo đài nhắc đến quê anh. Bởi trong cô, anh vẫn còn hiện hữu, dù đang méo mó dần vì tính cách của anh.

Thứ Ba, 18 tháng 10, 2011

Nhàn đàm về hai chữ "VĂN HÓA"

NHÀN ĐÀM HAI CHỮ “VĂN HÓA”
 
Hình ảnh từ báo mạng
Có lẽ không có đất nước nào khi ra khỏi nhà lại thấy nhiều chữ văn hóa như ở nước ta. Nào là thôn Văn Hóa, Ấp Văn Hóa, Xã Văn Hóa, Tổ Dân Phố Văn Hóa, Khu Phố Văn Hóa và bây giờ trên đường phố lại thấy thêm những băng rôn có từ “Văn Hóa Giao Thông”. Trên các phương tiện thông tin đại chúng thì có: “Văn Hóa Vỉa Hè”, “Văn Hóa Từ Chức”, “Văn Hóa Xe Bus”, “Văn Hóa Công Sở”, “Văn Hóa Công Chức”, “Văn Hóa Công Quyền”,… Và thực sự, tôi cũng đã từng bối rối trước bản kê khai lý lịch ở mục: Trình độ văn hóa (?!)
Không định nghĩa hay giải nghĩa, mà tôi chỉ dám “trộm” nghĩ về hai chữ “VĂN HÓA”. Phàm là người được sinh ra để sống, đi học và làm việc. Muốn sống tốt, học tốt và làm việc tốt, điều đầu tiên cần nhất, ấy chính là ý thức. Ý thức quyết định hành vi đạo đức và sự trưởng thành của mỗi người. Những hành vi ấy được lập đi lập lại nhiều lần tạo thành tập quán, phong tục và chuẩn mực của hành vi được thiết lập để cấu thành văn hóa.
Ý thức là gì? Nói một cách nôm na, ý thức chính là hệ quả của sự hiểu biết. Khi hiểu biết rõ bản chất vấn đề, người ta khắc có ý thức. Ý thức giúp con người ta thực thi một cách tốt nhất sự hiểu biết ấy. Sự thực thi ấy chính là hành vi ứng xử. Ý thức ban đầu, chính là sự hiểu biết về bản thân. Có nghĩa, ta phải biết ta là ai, ta đang ở đâu và ta làm gì. Khi hiểu được điều đó, khắc ta sẽ biết mình cần phải ứng xử như thế nào.
Ví dụ: Một người có địa vị trong xã hội, đứng trước ông bà cha mẹ, hoặc trong lớp học, người ấy phải hiểu mình là ai và đang làm gì, thì ắt sẽ có những hành vi ứng xử đúng mực, bằng ngược lại thì người ấy sẽ không được đón nhận và còn bị coi là hỗn láo, vô văn hóa.
Xã hội băng hoại chính là ý thức của mỗi cá nhân không cao. Vì thế, trước khi nói đến hai chữ “văn hóa”, chúng ta hãy xem lại mình đã có đủ ý thức về bản thân hay chưa.  Và điều đó không chỉ thuộc trách nhiệm giáo dục từ gia đình, nhà trường, xã hội mà ngay chính bản thân mỗi người phải hiểu được mình là ai, đang ở đâu và đang làm gì, để có cách ứng xử đúng mực. Và khi mọi người đều có ý thức thì hai chữ VĂN HÓA không cần phải “phô trương rầm rộ” như bây giờ.

Thứ Tư, 21 tháng 9, 2011

GÓC NHÌN KHÁC VỀ DỪA

GÓC NHÌN KHÁC VỀ DỪA
07:52 21 thg 9 2011Công khai9 Lượt xem 3
GÓC NHÌN KHÁC VỀ TRÁI DỪA VỚI TRIẾT LÝ NHÂN SINH
Trong quá trình nghiên cứu vật liệu gáo dừa, chúng tôi đã tìm ra được nguyên lý phát triển của gáo dừa trong quá trình sừng hóa ở dạng vết đầu loang. Từ đó rút ra được triết lý của gáo dừa:
Hãy tự khám phá bản thân, bạn sẽ biết được mình có được khả năng gì.
Hay nói cách khác: Hãy tự đánh thức bản thân, bạn sẽ biết mình thức dậy như thế nào.
Vì sao chúng tôi lại có được triết lý đó?
Từ chiếc gáo dừa thô mộc, khi được sự đầu tư nghiêm túc về ý tưởng, chúng tôi đã làm ra nhiều sản phẩm khác nhau. Trên bề mặt của từng sản phẩm, chúng tôi có thể tạo ra nhiều dạng bề mặt khác nhau mà theo ngôn ngữ hội họa đó là ma-che.
Ví dụ: Trên một mặt bàn, với kết cấu đồng nhất, muốn tạo nên ấn tượng cho người tiêu dùng ở sự đa dạng hóa, chúng tôi có thể tạo ra ít nhất là hai ma-che khác nhau: sần và bóng. Cách thể hiện này hoàn toàn đơn giản, chỉ cần sử dụng dụng cụ, hay nói cách khác là đồ nghề khác nhau, ta có thể tạo ra được sự đa dạng phong phú của bề mặt sản phẩm.
Đó chính là cách thể hiện bản thân của một con người. Trong cùng một hoàn cảnh, và ngữ cảnh, ta có nhiều cách thể hiện bản thân để tạo nên sự khác biệt về tính cách. Mỗi tính cách thể hiện một khả năng tư duy sáng tạo của con người ấy.
Muốn có được tư duy sáng tạo, mỗi chúng ta đều phải hết sức chăm chỉ lao động và luôn cố gắng làm sao để kết quả đạt được tốt nhất, từ đó hình thành tư duy sáng tạo. Tư duy sáng tạo đó được hình thành theo nguyên lý vết dầu loang để cuối cùng có thể đạt được đó là nền tảng của kiến thức. Hay nói xa hơn, đó chính là bản lĩnh của mỗi con người.
Từ những đúc kết đó, chúng tôi đã định hướng thêm cho ý tưởng nghiên cứu của mình ngoài nghiên cứu ứng dụng cho ra đời những sản phẩm với những giá trị khác nhau, chúng tôi còn hướng đến lĩnh vực xã hội nhân văn và giáo dục nhân cách. Do gáo dừa từ xưa tới nay, bị xem như 1 loại vật liệu vứt đi, không được trọng dụng, nên khi muốn đưa khả năng ứng dụng phong phú của gáo dừa vào giáo dục nhân cách một cách chính thống, sẽ có nhiều ý kiến cho đó là khiên cưỡng và áp đặt, thậm chí còn bị cho là lố bịch. Để thay đổi 1 suy nghĩ ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người, chúng ta cần phải có những lý luận sắc bén và thực tế cụ thể sinh động có sức thuyết phục. Chúng tôi tin rằng vấn đề được nêu ra trên đây sẽ được chấp nhận, dù rằng từ ngàn xưa ông cha ta đã dùng chiếc gáo dừa để dạy bảo con cháu rằng dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, làm người phải có ích cho xã hội. Tuy rằng cách nhìn của cha ông ta ngày xưa chỉ bằng trực quan mà chưa quan tâm tới quá trình sừng hóa của gáo dừa
Sau khi phân tích tỷ mỷ từng ý, từng lời của câu ngạn ngữ “lành làm gáo , vỡ làm muôi” mà ông bà ta đã dạy cho con cháu, chúng tôi đã đặt ra nhiều giả thiết và câu hỏi: Tại sao ông cha ta không dùng loại vật liệu nào khác để dạy dỗ cháu con rằng hãy sống cho xứng đáng. Từ đó chúng tôi đã xem xét kỹ cấu trúc của trái dừa bằng trực quan và nhận thấy có sự tương quan đặc biệt độc đáo và lý thú giữa con người và trái dừa với hệ thống triết lý Âm dương – Ngũ hành của triết học Phương Đông.
Và đề tài nghiên cứu này của chúng tôi cũng nhằm vào 2 lĩnh vực: Khoa học ứng dụng và Khoa học xã hội
Qua những đúc kết và suy luận trên, chúng tôi có được một góc nhìn khác về trái dừa liên quan tới âm dương ngũ hành và triết lý nhân sinh.
Theo hệ thống triết lý âm dương tam tài, ngũ hành thì: Thái cực sinh tam tài, sinh ngũ hành, nghĩa là vũ trụ sinh ra trời đất và con người ( thiên - địa - nhân) để tồn tại và phát triển ngũ hành ( kim, mộc , thủy , hỏa, thổ) chính là năm dạng vật chất được vận hành của vũ trụ. Giữa chúng còn có một quy luật tương sinh, tương khắc tuần hoàn không dứt.
a. Luật tương sinh trong trái dừa
Trái dừa cũng chính là một tiểu vũ trụ, khi nhìn vào trái dừa đã bóc hết lớp vỏ và sơ, ta thấy dừa có 3 mắt.
Nếu không có 3 mắt này thì trái dừa không thể phát triển, vì nó chính là bộ phận duy trì sự sinh trưởng và phát triển duy trì nòi giống của trái dừa. Và đó chính là hệ thống triết lý tam tài, ngũ hành ứng với trái dừa. Hai mắt được xem là “thiên” và “địa”, có nhiệm vụ hút nước và chất dinh dưỡng vào trái dừa thông qua hai ống dẫn nằm dọc theo hai mắt dừa và mắt còn lại ứng với “nhân” làm nhiệm vụ tổng hợp, sinh trưởng và phát triển trái dừa.
Bằng trực giác cảm quan, quan sát trái dừa, ta thấy trái dừa có 5 lớp và thể hiện luật tương sinh của ngũ hành rất rõ:
a.1. Nước dừa  Thủy: có tính chất tàng chứa
Nước được hút từ thân dừa lên cuống dừa để vào sơ dừa. Vỏ dừa có nhiệm vụ quang hợp để tổng hợp dinh dưỡng cho nước dừa qua sơ dừa, nước sẽ được hút vào bên trong gáo dừa bằng hai ống dẫn nằm dưới hai mắt dừa (kim sinh thủy)
a.2. Cơm dừa  Mộc: có tính chất động, khởi đầu
Cơm dừa được hình thành trong quá trình nhũ hóa của nước dừa. Khi mới hình thành, cơm dừa mềm, sau đó cứng dần lên đến khi già và từ đó lên mộng để nảy mầm (thủy sinh mộc)
a.3. Gáo dừa  Hỏa: có tính chất nhiệt, phát triển
Gáo dừa phát triển song hành với cơm dừa từ dạng bột, chuyển hóa sang dạng sừng nên gáo dừa cứng dần để trở thành chất liệu quý mà không một loại gỗ nào sánh được. Khi gáo dừa hình thành có tác dụng cho cơm dừa bám vào thì nó lại tiếp tục nhận phần dầu từ cơm dừa để hóa sừng (mộc sinh hỏa)
a.4. Sơ dừa  Thổ: có tính chất nuôi dưỡng, sinh sản
Khi trái dừa hình thành, nó chỉ có phần vỏ và sơ và phôi dừa. Sơ dừa có nhiệm vụ hút nước và nhựa để nuôi cho phôi dừa phát triển thành gáo (hỏa sinh thổ)
a.5. Vỏ dừa  Kim: có tính chất thu lại
Vỏ dừa giữ cho trái dừa có 1 sự ổn định về hình dáng và có nhiệm vụ bảo vệ cho nước trong sơ dừa không bị thoát ra ngoài và chính lượng nước của xơ cũng đã nuôi cho vỏ dừa có màu xanh bóng (thổ sinh kim)
Như đã được trình bày khái quát ở phần cấu trúc của trái dừa, ta thấy có năm phần, tương ứng với ngũ hành bởi nó thể hiện sự tương sinh tương khắc của học thuyết này qua sự hỗ trợ, áp chế và cân bằng lẫn nhau để trái dừa tồn tại và phát triển. Mối tương khắc trong trái dừa chính là sự áp chế để cân bằng lẫn nhau và để tồn tại.
b. Luật tương khắc trong trái dừa
Trái dừa phát triển theo quy luật tự nhiên cũng không nằm ngoài luật tương khắc. Ta hãy xem sự tương khắc của nó sau đây:
b.1. Thủy (nước dừa) khắc hỏa (gáo dừa): Nước dừa được nhũ hóa để tạo thành cơm dừa, nhưng không tiếp xúc trực tiếp tới gáo dừa vì đã có lớp vỏ lụa ngăn cách và là nơi để cơm dừa bám vào trong quá trình nhũ hóa. Nếu không có lớp vỏ lụa này, quá trình nhũ hóa sẽ không thể xảy ra hoàn toàn. Gáo dừa khi còn non, cấu trúc rất mềm, nước dừa thấm vào, sẽ làm cho gáo dừa bị hỏng làm trái dừa bị thối.
b.2. Hỏa (gáo dừa) khắc kim (vỏ dừa): Khi gáo dừa bắt dầu chuyển sang giai đoạn sừng hóa, thì vỏ dừa cũng bắt đầu khô đi và mất dần sự bóng láng
b.3. Kim (vỏ dừa) khắc mộc (cơm dừa): Khi vỏ dừa khô đi là khả năng hút nước từ cuống dừa không còn nữa, nên lúc đó cơm dừa không còn phát triển mà bắt đầu ổn định để tích lũy dầu
b.4. Mộc (cơm dừa) khắc thổ (sơ dừa): Khi cơm dừa tích lũy dầu cũng là lúc sơ dừa khô dần, vì lúc đó trái dừa đã ngưng hoàn toàn quá trình hút nước.
b.5. Thổ (sơ dừa) khắc thủy (nước dừa): Sơ dừa khô đi là khả năng cung cấp nước cho trái dừa không còn xảy ra nữa, nước dừa lúc đó sẽ được tích vào cơm dừa để tích lũy dầu và chuẩn bị cho sự lên mầm, để tiếp tục cho 1 vòng sinh trưởng mới.