Trang

Thứ Năm, 2 tháng 6, 2011

MẸ ĐÂU?

MẸ ĐÂU?

phuthuygaodua | 02 June, 2011 08:33

Súng 001.JPG
Ba ngày hậu sự của mẹ là 3 ngày chúng con đón tất cả láng giềng, suôi gia các bên, bạn bè và bà con thân quyến đến chia sẻ nỗi đau lớn này.
Láng giềng ai cũng tiếc thương và kể nhiều về mẹ. Lúc sinh thời, khi mắt còn sáng, mẹ là thầy thuốc giỏi có tiếng trong vùng, nhờ mát tay và hiền lành nhân hậu. Mỗi khi bệnh đau, trẻ nhỏ đều được cha mẹ hoặc ông bà dắt qua bà Kiệu (tên ba con) để chích (tiêm) hoặc mua thuốc. Mẹ luôn ân cần với mọi người. Ai nghèo thì mẹ biếu thuốc, ai thiếu tiền mẹ cho nợ, người không đi được thì mẹ đến tận nhà,… Qua chữa bệnh, mẹ có rất nhiều chị em kết nghĩa, để hôm nay, khi mẹ mất rồi, mọi người đều  khóc thương và có người xin được để tang cho mẹ. Những câu chuyện về mẹ qua láng giềng kể lại không xa lạ gì với tụi con, và đó chính là niềm tự hào và là tấm gương lớn cho chúng con noi theo.
Hôm trước Têt, mẹ nói cô giúp việc dắt mẹ đi thăm và cho tiền những gia đình nghèo cố cụ trong xóm và ra cả xóm cũ nhà mình ở ngoài đường. Chị Mai con bác Tích (nhà ngoài đường) vào viếng mẹ cũng đã kể trong nước mắt: Tội nghiệp, mẹ không thấy đường mà cũng ráng ra thăm và cho tiền má chị ăn Tết.
Trước hôm mẹ mất 1 ngày, chú Năm Nông (em kết nghĩa của ba con) từ Phan Thiết gọi vào cho con để hỏi thăm sức khỏe của mẹ. Chú nói, nhớ mẹ, sẽ đến thăm mẹ khi chú vào Saigon khám bệnh. Vợ chồng anh Khanh (con của bạn ba) lâu ngày cũng ghé thăm mẹ, hứa rằng sẽ thường xuyên thăm mẹ hơn. Rồi dì Hai Anh từ Trảng Bàng (Tây Ninh) về thăm mẹ và cũng là người cuối cùng chuyện trò cùng mẹ.
Mẹ ơi, có phải trước lúc mẹ đi xa, nhiều người có linh cảm và hướng về mẹ không? Và hôm 30/4 mẹ cũng đã kịp đọc cho bé Nhi nhà con ghi lại những ngày giỗ chạp của gia đình để khi mẹ mất các con còn biết mà làm (đó là lời của mẹ)
Các dì và các cháu từ  Quảng Ninh, Hải Phòng, Hòa Bình, đã bay vào, ngay sau khi được tin mẹ mất. Từ Daklak, La Ngà, Biên Hòa, Nhơn trạch, Tây Ninh, Bình Dương, Long An,  con cháu đều tụ về. Họ hàng nội ngoại, xa gần không thiếu ai, bởi mẹ là “trưởng lão” của cả giòng họ. Thương nhất là Du và Mai, con  rể cả và con gái thứ của anh Cả từ Vĩnh Bảo - Hải Phòng, vì không đủ điều kiện nên phải ngồi xe gần 2 ngày mới vào được đến nơi.
Anh Thừa, con bác Quyết bên Thị Nghè qua, nhìn ảnh mẹ hỏi:
-          Hình thím chụp  hồi nào?
-          Da, mới chụp mấy năm nay.
-          Trong anh, thím luôn rất đẹp, anh không nghĩ rằng hình này của thím.
Vâng, ngày xưa mẹ nổi tiếng hiền thục và xinh đẹp. Chúng con luôn tự hào về điều đó.
Nhà thơ Trụ Vũ đến chia buồn cùng gia đình đã nói: Tôi đến để chia buồn, và cũng là để chia vui cùng gia đình, vì không phải ai cũng được ra đi trong tâm trạng vui vẻ như cụ nhà.
Ngày di quan của mẹ, xóm chợ ai cũng nghẹn ngào, đoàn người tiễn đưa mẹ dài gần trăm mét. Bạn con từ Hà Nội bay vào đưa mẹ, đã phải thốt lên: Chị ơi, bác thật may mắn! Các anh chị phải hết sức tự hào. Em ít thấy nhà ai có được diễm phúc thế này!
Con muốn khóc thật to, nhưng không thể. Tim thắt chặt, người lơ lửng. Cố gắng cho đến lúc lên xe, con mới òa lên được. Sự vỡ òa ấy đã cân bằng được con. Sau khi làm lễ ở nghĩa trang, mẹ được đưa ra huyệt, cảm giác lạc mất mẹ khiến con ngây dại. Mẹ đâu? Mẹ đâu? Con cố tìm mẹ trong đám đông giữa mọi người. Mẹ ơi, mẹ ơi, mẹ đâu rồi? Qua khỏi góc khuất, con đã lại được nhìn thấy mẹ, rồi mẹ lại mất. Mẹ đã được đưa vào lòng đất.
-          Cho em ra với mẹ, cho em ra với mẹ, mẹ ơi, mẹ ơi…! Con lạc giọng trong thất thanh để xin được đến gần mẹ. Nhưng khi đến được gần mẹ thì con chỉ còn nghe được tiếng gọi mẹ của mình…

14 tuổi, con đã xa mẹ. Hòa bình lập lại, ở nhà với mẹ chưa giáp năm, con đã lại phải đi học xa. Khi về nước, công tác tận Long Bình, rồi đi học, lập gia đình, ra riêng. Thời gian ở bên mẹ không được là bao, so với các chị và các em. Vậy mà điều duy nhất con nguyện trong lòng: mỗi ngày sang thăm mẹ, nghe mẹ nói chuyện, con vẫn chưa làm được.
Con đã lạc mẹ mất rồi, mẹ ơi …

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có thể dùng thẻ sau để:
- Post hình : [img] link hình [/img]
- Post video: [youtube] link youtube [/youtube]