Trang

Thứ Tư, 23 tháng 1, 2013

EM

Em có cái tên nghe thảm, nhưng vào thăm nhà cũng như khi em ghé thăm ai đó, em đều tếu táo, trêu chọc mọi người thiệt là vui.
Ngày xưa, thấy tên em và tính cách em chẳng có gì giống nhau, tôi chán không muốn vào, vì tính tôi vốn dĩ ghét điều giả dối.
Tuy nhiên, khi ghé thăm các nhà, thấy em tếu, hóm hỉnh, dễ thương, hết trêu ghẹo người này đến người khác, tôi bắt đầu có cảm tình với em. Vì thế, cái tên và sự thể hiện tính cách của em không còn là điều tôi quan tâm nữa. 
Nghe tôi ra NT, từ phương xa em gọi điện về, nói hoài không hết chuyện. Tôi cảm động lắm.
Công việc lu bù, tôi ít có thời gian vào blog để viết lách và thăm ai. Qua điện thoại vẫn thấy mail báo có tin của em, không vào blog, tôi đọc tin nhắn của em qua mail. Em chăm chỉ thăm hỏi tôi, lo lắng khi tôi gặp tai nạn, nhưng do bận rộn, tôi vẫn không thể vào blog để cám ơn em.
Sự chân tình và tính liến lắc của em làm tôi có cảm giác cứ mắc nợ em hoài lời cám ơn, cái ôm thiệt chặt cùng nụ hôn trìu mến

Chủ Nhật, 20 tháng 1, 2013

BẠN TÔI

Bạn mình thật đa đoan. Sự đa đoan này xuất phát từ tình yêu thương và chân tình đến với mọi người.
Mình không được như bạn, không siêng năng như bạn, không rông lượng như bạn, không tân tụy như bạn, nên mình hết sức nề phục tính cách của bạn.
Bạn hồn nhiên trong mọi cuộc chơi và luôn đùa vui tếu táo. Mình thì phần lớn chỉ lắng nghe và ngắm nhìn  bạn. Bạn có rất nhiều, nhưng không phải tất cả. Bạn có những gì người khác ao ước, ấy là xinh đẹp, ấy là tài năng, ấy là nhiệt thành, ấy là nhà cửa khang trang, ấy là những đứa con trai tuy chưa thật hoàn hảo, nhưng rất yêu mẹ và ngoan ngoãn, và hơn hết là đức hi sinh và sự thẳng thắn của bạn.
Mình yêu quý và nể phục bạn lắm, bạn có hiểu?

Thứ Năm, 17 tháng 1, 2013


Mỗi lần vào nhà "nó" là tim mình lại nhói lên. Chỉ có nơi đây, "nó" mới bộc lộ mình, chỉ có nơi đây "nó" mới nói lên được khát khao bị nỗi cô đơn giằng xé.
Viết ra được là tốt, nói ra được là tốt, để nhẹ lòng "nó" nghe!
Thương em lắm!

TÌM VỀ NGUỒN GỐC TÊN GỌI Ô CHỢ DỪA NHÂN ĐẠI LỄ NGÀN NĂM


TÌM VỀ NGUỒN GỐC TÊN GỌI Ô CHỢ DỪA
NHÂN ĐẠI LỄ NGÀN NĂM
                                                                                              
Đồng hành cùng cả nước đón mừng đại lễ Ngàn năm Thăng Long, thủ đô Hà Nội đang gấp rút hoàn thành những công trình văn hoá, lịch sử.....trong đó có việc lập lại 5 cửa Ô. Ban Văn hóa - Du lịch của Hiệp hội dừa Việt Nam xin góp thêm phần tư liệu về địa danh Ô Chợ Dừa nhân Đại lễ Ngàn NămThăng Long.
Lần theo lịch sử, khảo cứu, được biết và hiểu thêm bao điều về  Hà Nội xưa với những biến đổi thăng trầm của La Thành, Hoàng thành Thăng Long , 5 cửa Ô . Đặc biệt tên  Ô Chợ Dừa, một cái tên rất dân dã nhưng cũng đầy kỳ thú. 
Theo Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ Toàn Thư Quyển II, Kỷ Nhà Lý, trước khi có 2 chữ cửa ô thì Thăng Long thành (hoàng thành) được xây dựng và mở ra 4 cửa theo 4 hướng:
1.     Đông là cửa Tường Phù
2.     Tây là cửa Quảng Phúc
3.     Nam là cửa Đại Hưng
4.     Bắc là cửa Diệu Đức.
    Tư liệu của bộ Văn Hóa, Thể Thao và Du lịch, từ nguồn   http://www.cinet.gov.vn/sukienVH/hoangthanh/hoangthanh.htm#coinguon, ngoài hoàng thành còn có lớp thành khác ấy là thành Đại La vừa là đê bao ngăn lũ, vừa để bảo vệ cho Hoàng thành, thành Đại La có 5 cửa:
1.     Triều Đông (dốc Hòe Nhai)
2.     Tây Dương (Cầu Giấy)
3.     Trường Quảng (Ô Chợ Dừa)
4.     Cửa Nam (Ô Cầu Dền)
5.     Vạn Xuân (Ô Đống Mác)
 Các cửa này chính là lối ra vào thành, có vọng gác, chốt chặn để kiểm soát, thu thuế và bảo vệ cuộc sống trong thành.
Thời Nguyễn, theo một số sách cũ để lại có đến 16 cửa ô được xây dựng vào đời Lê Hiển Tông (1740 - 1786) và phần lớn đều được xây bằng gạch rất chắc. Hầu hết các cửa ô đều thông ra sông Hồng và sông Tô Lịch: ở phía tây có 2 cửa, phía nam có 3 cửa, ra sông Hồng có 11 cửa.
Vào thời đó đường giao thông nối Thăng Long với các vùng khác chủ yếu là đường sông, vì thế dọc theo sông Hồng có nhiều bến bãi, phố xá đông đúc, buôn bán sầm uất. Các cửa ô được thay đổi tên gọi cũng như vị trí hoặc có khi hủy bỏ cho phù hợp với hoàn cảnh thực tế của từng thời kỳ phát triển của đất nước. Cho đến sau cách mạng Tháng Tám thì Hà Nội “còn lại” 5 cửa ô qua bài hát “Tiến về Hà Nội” của Văn Cao và bài “Người Hà Nội” của Nguyễn Đình Thi. Và cho đến bây giờ thì Hà Nội chỉ còn xót lại mỗi Ô Quan Chưởng là có dấu tích hình hài, còn lại chỉ là những địa danh: Cầu Dền, Cầu Giấy, Đống Mác, Chợ Dừa.
Sau khi lên ngôi vua, Lý Công Uẩn sáng lập vương triều Lý từ năm 1009. Tháng 7 năm 1010, nhà vua cho dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La và đổi tên là Thăng Long. Ngay sau đó, nhà vua đã khẩn trương cho xây dựng một số cung điện làm nơi ở và làm việc của vua, triều đình và hoàng gia, nên chỉ trong vòng vài tháng, đến cuối năm 1010 thì đã hoàn thành 8 điện 3 cung. Trong năm đầu tiên, một vòng thành bao quanh các cung điện cũng được xây đắp xong, gọi là Long Thành hay Phượng Thành và những năm sau, một số cung điện và chùa tháp cũng được xây dựng thêm.
Phía ngoài, cùng với một số cung điện và chùa tháp là khu vực cư trú, buôn bán, làm ăn của dân chúng gồm các bến chợ, phố phường và thôn trại nông nghiệp. Đó chính là Hoàng Thành (theo cách gọi phổ biến về sau này).
Qua các biến cố lịch sử, kinh thành có nhiều thay đổi và chuyển dời. Đến nửa cuối thế kỷ XIX, Pháp phá thành Hà Nội xây “khu phố Tây”, khu nhà binh Pháp, sân vận động Mangin (nay là Trung tâm Thể dục thể thao quân đội), nên hầu như tất cả khu vực hoàng thành đều bị phá hủy. Cho đến ngày nay thì đây cũng chính là thủ đô của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.
La thành là một phần không thể tách rời của hoàng thành Thăng Long, bởi La thành còn chính là vòng thành bảo vệ và cũng chính là con đê ngăn lũ cho hoàng thành.
Lần lại lịch sử, từ giữa thế kỷ V (454 - 456) nơi đây đã hình thành thị trấn huyện lị Tống Bình do đế quốc phương Bắc thời Lưu Tống đặt ra.
Tiến sĩ Nguyễn Việt - Giám đốc Trung tâm tiền sử Đông Nam Á có nói:
Sau khi đánh đuổi quân Lương vào thế kỷ thứ VI, Lý Bí xưng đế, lập nước Vạn Xuân, khẳng định một vương quốc tự chủ, cho xây thành bằng tre gỗ ở cửa sông Tô Lịch. Đây là lũy thành quân sự được Lý Nam Đế xây dựng từ trước. Và sau khi thất trận ở Chu Diên (vùng Hưng Yên, Hà Nam), quân đội nước Vạn Xuân đã rút về cố thủ tại đây. Chúng ta chưa có nhiều bằng chứng để khẳng định lũy thành này là kinh đô của nước Vạn Xuân đương thời. Thế nhưng, triều đình nước Vạn Xuân đã có hoạt động dày đặc ở vùng quanh Hà Nội ngày nay như Long Biên, Ô Diên, Dạ Trạch… 
Theo Đại Việt Sử ký ngoại kỷ toàn thư của Ngô Sỹ Liên Quyển IV, trang Kỷ nhà Tiền Lý (nguồn http://www.informatik.uni-ipzig.de/~duc/sach/dvsktt/dvsktt04.html):
Vua họ Lý, tên húy là Bí , người Thái Bình [phủ] Long Hưng. Tổ tiên là người Bắc, cuối thời Tây Hán khổ về việc đánh dẹp, mới tránh sang ở đất phương Nam, được 7 đời thì thành người Nam. Vua có tài văn võ, trước làm quan với nhà Lương, gặp loạn, trở về Thái Bình. Bấy giờ bọn thú lệnh tàn bạo hà khắc, Lâm Ấp cướp phá ngoài biên, vua dấy binh đánh đuổi được, xưng là Nam Đế, đặt quốc hiệu là Vạn Xuân, đóng đô ở Long Biên
Từ đây ta thấy Lý Nam Đế đã có tầm nhìn chiến lược về vị trí của Thăng Long thành từ giữa thế kỷ thứ VI.
Cũng theo Đại Việt ngoại kỷ toàn thư, quyển IV, kỷ nhà Tiền Lý: Quý Hợi, năm thứ 3 [543], (Lương Đại Đồng năm thứ 9). Mùa hạ, tháng 4, vua Lâm Ấp cướp quận Nhật Nam, vua sai tướng là Phạm Tu đánh tan ở Cửu Đức.
Sau khi chiến thắng quân Lâm Ấp, Phạm Tu đã bắt khoảng 5.000 tù binh Chiêm Thành (gồm cả dân thường) đem về Vạn Xuân. Và nhân lực để xây thành ở cửa sông Tô Lịch không thể nào không có công sức của tù binh Chiêm Thành thời ấy.
Xin nói thêm 1 chút về Vương quốc Champa xưa, còn gọi là Chiêm Thành gồm 2 bộ tộc chính là : Cau và Dừa. Bộ tộc Cau chiếm lĩnh phía Nam và Bộ tộc dừa chiếm lính phía Bắc. Vào giữa thế kỷ thứ II, Vương quốc Champa phát triển hùng mạnh, dưới sự lãnh đạo của Khu Liên, thuộc Bộ tộc Dừa, đã lập nên nhà nước mới với tên gọi là Lâm Ấp. Vì là bộ tộc Dừa, theo tín ngưỡng truyền thống, nên đi bất cứ nơi đâu, người Chăm luôn mang dừa theo để làm lễ vật thờ cúng trời đất, thần linh theo nghi thức của mình. Cụ thể là tại Yên Sở, sau khi đánh tan quân Lâm Ấp, võ tướng Phạm Tu - Lý Phục Man đã đưa rất nhiều tù binh Lâm Ấp (kể cả dân thường) về quê mình, nay cũng còn một số giếng Chăm và nơi đây cũng đã trồng rất nhiều dừa nên có thời gian làng Yên Sở được gọi là làng Dừa.
Và  đây là giả thiết thứ  nhất cho sự xuất hiện của cây dừa  ở Vạn Xuân để hình thành ngôi chợ dưới bóng dừa. Giả thiết này được củng cố bởi tại làng Yên Sở (còn được gọi là làng Giá), huyện Hoài Đức ngoại thành Hà Nội, nay vẫn còn đền thờ của vị tướng này và chính quyền địa phương cũng đang có ý định phục hồi lại cây dừa sau nhiều thăng trầm cùng cơ chế thị trường và sâu bệnh. Ngoài ra đây cũng là nơi có đặc sản bánh gai lá dừa nổi tiếng của Kinh Bắc. Hàng năm cứ vào ngày mùng 10 tháng Ba là có hội Làng Giá để tưởng nhớ công ơn vị tướng tài này. Đặc biệt Hội Giá có tích nghiềm quân, diễn tả cuộc chiến tranh nhân dân của Tướng công Lý Phục Man - Phạm Tu năm Nhâm Tuất (542).
 Xin trở về địa danh Ô Chợ Dừa.
Tư liệu đầu tiên được tìm thấy về Ô Chợ Dừa chính là:
1.     Ô Thịnh Quang, tên Nôm là Chợ Dừa, sau đổi là Thịnh Hào
2.     Tại cửa ô này có 1 ngôi chợ đươc họp dưới bóng dừa
Ngôi chợ dưới bóng dừa chính là cơ sở để có địa danh tiếng Nôm là Ô Chợ Dừa.
Hãy tiếp tục  lần giở lịch sử để có thêm cái nhìn tổng quan về địa danh này:
Thành Đại La đời Lý mở các cửa: Triều Đông (dốc Hòe Nhai), Tây Dương (Cầu Giấy), Trường Quảng (Ô Chợ Dừa), Cửa Nam (Ô Cầu Dền), Vạn Xuân (Ô Đống Mác). Thành Đại La được bao bọc mặt ngoài bởi ba con sông: sông Nhị, sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu và được tận dụng như những con hào tự nhiên…
Vậy, có thể hiểu 1 cách nôm na: thành Đại La được gia cố và xây dựng lại từ năm 1014 nghĩa là sau 14 năm, từ khi hoàng thành Thăng Long bắt đầu xây dựng và được mở ra 5 cửa. Cửa Trường Quảng chính là nơi có ngôi chợ dưới bóng dừa ấy (khi nhà Lê xây dựng lại Hoàng thành thì các cửa thành lúc ấy được gọi là cửa ô). Vì vậy, ngoài Hán danh là Ô Thịnh Quang, Thịnh Hào còn có 1 cái tên Nôm là Chợ Dừa, do Chợ Dừa đã tồn tại trước đó.
Theo Thượng Kinh ký sự, phần Đến Kinh Thành (đoạn gần cuối) của Hải Thượng Lãn Ông - Lê Hữu Trác viết khi ông được quan Chính Đường (Huy Quận Công Hoàng Đình Bảo) tiến cử lên kinh đô chữa bệnh cho Thế Tử Trịnh Cán (con chúa Trịnh Sâm và Tuyên Phi Đặng Thị Huệ) năm 1782 thì cửa Vũ Quan (Ô Chợ Dừa), được mô tả như sau:
cùng đi theo cửa Vũ Quan, nhắm cửa thành mà vào. Tôi thấy một cái thổ thành không cao lắm, kế bên có một dãy tường nhỏ, trên mặt tuờng ngựa đi được; phía ngoài là hàng rào tre dày đặc, dưới hàng rào có hào sâu, trong hào thả chông, thật là mười phần kiên cố. Ba tầng vọng canh được thiết lập nơi đây, tầng nào cũng có quân lính đứng thành hàng hai bên, đao thương xán lạn, hào quang như tuyết. Lính giữ cửa thấy bọn tôi đi có mang binh khí, xét hỏi thật nghiêm ngặt, đến khi biết rõ đầu mối, lại nhận thấy dấu hiệu áo lính trấn đất Nghệ An, mới để cho đi… 
Và theo nhà Hà Nội học Hoàng Đạo Thúy về quang cảnh ô Chợ Dừa:
…Có những hôm cửa ô Chợ Dừa tấp nập lạ thường. Đó là những ngày triều đình ra quân. Quan tướng nhận chiếu chỉ, lạy từ vua trước sân rồng rồi lên xe. Vua xuống bệ, đặt tay vào lưng xe, đẩy làm phép một cái, gọi là “đẩy xe” để tỏ lòng tin cho quan quân yên tâm đi đánh giặc. Cờ mở, trống dong, các bạn đồng liêu đi tiễn. Tướng ra cửa ô, kéo lá cờ to có chữ họ của mình lên, cửa ô đóng lại. Sau đó, tướng lại “vi hành” về nhà để thu xếp, hôm nào xong xuôi mới trẩy thật. Những hôm có quan đóng như vậy, dân quanh cửa ô đi lại rầm rập, hàng quán bán đắt như tôm tươi. Lại có những hôm quân hồi vô lệnh, giáo mác lỏng chỏng, quân lính mất tăm. Nhân dân rầm rập chen ra khỏi cửa ô.…
Qua những dữ liệu trên, xét về vị trí địa lý thì cửa Trường Quảng (Vũ Quan, Thịnh Quang, Thịnh Hào) Ô Chợ Dừa chiếm 1 vị trí quan trọng trong các cửa Ô, và Đàn Xã Tắc cũng nằm ngoài cửa Trường Quảng - Ô Chợ Dừa. Giáo sư Nguyễn Văn Hảo nguyên Phó viện trưởng Viện Khảo cổ học trả lời trên báo Thanh Niên như sau:
… Đàn xã tắc là một loại đàn tế. Đây là nơi mà hằng năm vua đến hành lễ, tế thần đất và thần ngũ cốc. Theo sách Bạch hổ thông - xã tắc của thời Hán: "Vua phải có đàn xã tắc để cầu phúc và báo công với thiên hạ. Con người không có đất không ở vào đâu được, không có lương thực thì không có cái để ăn. Đất đai lại quá sâu rộng, không thể đi tế lễ khắp nơi, ngũ cốc cũng quá nhiều, không thể tế lễ từng loại, do vậy phải chọn đất để lập xã tôn kính đất đai.
Tắc là tên gọi một loại nông sản lương thực (có sách gọi là cốc tử: túc - thóc) đứng đầu trong hàng trăm loại lương thực, phải lập tắc để tế lễ". Thời xưa người ta coi thần đất và những nơi tế lễ thần là xã. Xã tắc còn được dùng để gọi thay cho quốc gia. Đàn Xã Tắc lập ở chỗ nào có quy định rõ ràng. Theo sách Lễ ký, tế nghĩa thì đàn Xã Tắc phải lập ở bên hữu (phía tây thành), còn nơi thờ tổ tông của vua phải lập ở bên tả (phía đông thành).
Theo Đại Việt sử ký toàn thư thì đàn Xã Tắc thời Lý được lập "ở ngoài cửa Trường Quảng". Cửa Trường Quảng ở đâu thì đến nay chưa rõ! Còn theo Đại Nam nhất thống chí thì đàn Xã Tắc thời Lý được lập "ở địa phận huyện Vĩnh Thuận về phía tây nam tỉnh thành, đắp từ năm Lý Thiên Cảm, Thánh Vũ thứ 5 (1048) nay còn nền cũ ở Thịnh Hào" …
Từ đó ta thấy tầm quan trọng của cửa Trường Quảng (Ô Chợ Dừa) với kinh thành Thăng Long và tại sao Ô Thịnh Quang (Thịnh Hào) lại có tên Nôm là Ô Chợ Dừa.
Những hình ảnh về Hà Nội xưa được đăng rộng rãi trên mạng internet và các trang viết về về Hà Nội đã ghi lại quang cảnh Hà Nội vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, tuy không có bức ảnh nào ghi cụ thể là Ô Chợ Dừa, nhưng những hình ảnh quanh khu vực Hồ Tây, làng Yên Thái (khu vực bên trong thành Đại La) thì thấy dừa được trồng rất nhiều. Có phải chăng sau khi chiến thắng quân Lâm Ấp, ngoài số tù binh được tướng Phạm Tu Lý - Phục Man  đưa về quê mình ở làng Yên Sở thuộc huyện Hoài Đức, thì còn có số khác được đưa về để xây dựng lũy thành Tô Lịch? Và đây cũng là một minh chứng cho sự có mặt của bức Hứng Dừa trong tranh dân gian Đông Hồ khi nói về nét sinh hoạt của dân tộc ta cách nay hơn 500 năm.

Một khu dân cư ở quanh Hồ Tây
làng Yên Thái
và trên 1 số đường xá ở Hà nội xưa cũng thấy thấp thoáng bóng dừa

Một đoạn kè hồ Tây dang dở từ nhiều tháng nay (Ảnh: ANTĐ)
    
Hứng dừa ( tranh Đông Hồ)
Theo tiến sỹ Bá Trung Phụ, hiện đang công tác ở Bảo tàng LS VN tại TP HCM. Trong những di vật được phát hiện tại di chỉ khảo cổ của Hoàng thành Thăng Long có 2 viên ngói khắc chữ Phạn và 1 số di vật khác mang phong cách Chăm. Từ đó, ta có thể nhận định, trong số những nghệ nhân được chọn để  xây dựng Thăng Long thành có cả người Chăm.
Và đây có phải là giả thiết thứ hai về sự hiện diện của cây dừa về ngôi chợ dưới bóng dừa ở cửa Trường Quảng là: đã có một bộ phận người Chăm sinh sống nơi đây trong thời gian Hoàng thành được xây dựng.
Rất tiếc, ngoài Ô Quan Chưởng hiện nay còn hiện hữu, thì hình ảnh và tư liệu xưa về các cửa Ô cũng không có nhiều. Vì vậy, trong khuôn khổ hạn hẹp của 1 tham luận, chúng tôi không thể nói thêm được gì nhiều hơn.

Qua nhiều biến đổi thăng trầm của lịch sử, ngày nay Ô Chợ Dừa chỉ còn là cái tên cổ mà hầu hết moii người đều không biết đến lai lịch của nó. Nhưng với vai trò là một trong những cửa ngõ giao thông chính của thủ đô Hà Nội thì Ô Chợ Dừa vẫn giữ một vị trí quan trọng. Ngoài Đàn Xã Tắc, tại nơi đây hiện tập trung rất nhiều cơ quan nghiên cứu thuộc Bộ Văn hóa, có nhạc viện, có trường viết văn Nguyễn Du, có trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, có Gò Đống Đa, có đình Hào Nam, chùa Xã Đàn linh thiêng và rất nhiều trường đại học quanh đó. Ô Chợ Dừa còn có phố Khâm Thiên, đã từng nổi danh với ‘‘lối hát ả đào’’ và cũng chính là nơi mà đồng bào ta phải chịu nhiều hy sinh mất mát trong chiến dịch 12 ngày đêm mà Đế quốc Mỹ muốn san bằng Hà Nội. Quả thực Ô Chợ Dừa là mảnh đất địa linh nhân kiệt đã chứng kiến bao thăng trầm biến đổi của lịch sử .
Từ những tư liệu lịch sử, những bài viết, lời của các nhà khoa học xã hội có uy tín, chúng tôi hy vọng bài tham luận nhỏ này có thể cho ta ít nhiều hình dung được toàn cảnh ô Chợ Dừa qua những tên gọi khác nhau của từng giai đoạn như : cửa Trường Quảng, cửa Vũ Quan, Ô Thịnh Quang, Ô Thịnh Hào… và tầm quan trọng của cửa ô này trong suốt bề dày lịch sử của dân tộc./.


Thứ Tư, 9 tháng 1, 2013

HỒI ỨNG




HỒI ỨNG BÀI THƠ VỀ DỪA

Bài thơ về dừa anh viết tặng em 
Là lời của tình yêu cháy bỏng
Dâng hiến cho dừa, cho nước non
Anh lắng nghe lời của gió
Xao xác rừng dừa buổi hoàng hôn
Bóng mẹ dài theo nắng quái chiều hôm
Môi em thắm ngọt ngào điệu lý
Anh lắng nghe
Đuốc lá dừa tí tách
Thầm thì
Câu chuyện đêm khuya
Rằng có ai chưa ngủ
Trăn trở về dừa sớm hôm …


GỌI DỪA DỪA SẼ HIỂU LÒNG TA
Hồ Tĩnh Tâm
Tặng Kim Thanh và Hiệp hội Dừa Việt Nam

Đất nước bốn ngàn năm xanh biếc dừa xanh
Duyên dáng dịu dàng yêu thương biết mấy
Đằm thắm ca dao ru ta từ dạo ấy
Cây cầu dừa nâng bước chân đi
Lu là ơi xao xuyến cái tình chi
Lý ngựa ô qua rừng dừa rợp mát
Sông Cầu sông Cầu đêm trăng ai hát
Lời võng đưa sóng biển thức mênh mông

Nghiêng hết về nhau như suối chảy về sông
Cổ tích Sọ Dừa chăn trâu thổi sáo
Đêm trăng sáng dáng em ngồi vá áo
Thương quê nhà đồng thấp đồng cao
Tóc dừa xanh che bao nỗi khát khao
Bống bống bang bang em hiền như cô Tấm
Chiều nắng Tam Quan giêng về chầm chậm
Hoa dừa thơm dìu dịu mối tơ duyên

Tổ quốc yêu thương biết mấy truân chuyên
Lửa đuốc lá dừa soi vào huyền thoại
Chân cứng đá mềm lối về quê ngoại
Bến nước con đò với rặng dừa xanh
Lu nước gáo dừa bên mái nhà tranh
Gà vỗ cánh gọi hoàng hôn trước cửa
Trái tim yêu thương bao lần cắt cứa
Trái dừa xiêm ngọt lại tấm tình nhau
Từ súng bập dừa tới chuyện trầu cau
Bánh lá dừa ơi tấm duyên quê đẹp lắm
Đường thiên lý dẫu rằng xa vạn dặm
Lá dừa reo trong gió gọi ta về
Biển rộng trời cao khát vọng đam mê
Vun vút dáng dừa xanh ngần xứ sở
Em yêu ơi trong tận cùng hơi thở
Ta gọi dừa dừa sẽ hiểu lòng ta

HTT

Thứ Năm, 3 tháng 1, 2013

Vẫn chưa quen. Vẫn chưa quen với ngôi nhà này. Vẫn thấy nó xa lạ thế nào ấy.

Thứ Tư, 2 tháng 1, 2013



SINH NHẬT ÚT CƯNG



Sáng nay của 21 năm về trước, có dấu hiệu bất thường. Ba nằm bệnh viện từ chiều 31/12, mẹ lên cơ quan gọi điện cho cô Tư, nói cô Tư về quê rước bà nội lên. Và mẹ ghé bệnh viện của mẹ Hạnh để xem lúc nào con ra đời. 
- Đã có dấu sanh.
Bụng chưa đau, nên mẹ tranh thủ đi gội đầu, cắt tóc, chuẩn bị cho 1 tháng dài nằm ổ. 1 giờ chiều, bụng bắt đầu lâm râm, mẹ vào bệnh viện. Giống anh Ba, 14 tiếng sau,
 con oa oa chào đời. Thế là cũng mất 2 ngày. Con chào đời lúc 3 giờ sáng. Rút kinh nghiệm lần sanh anh hai, mẹ chỉ nằm dưới phòng cấp cứu để mẹ Hạnh khỏi vất vả. Mẹ Hạnh vào với mẹ từ 10g đêm và tranh thủ ngủ đến khi mẹ sanh. Mang bầu con, ai cũng nói mẹ sanh đôi, vì bụng to quá cỡ, vậy mà sanh con ra có 2 ký 7 năm chục. Mới 2 ngày sau khi sanh, cổ tay con hiện vết đo đỏ. Theo kinh nghiệm, mẹ Hạnh nói ra tháng phải đưa con đi khám ngay. Chú Minh, em trai của Ba được gọi đến để khám cho con khi vết đỏ bắt đầu dày lên trên cổ tay con yêu của mẹ. Chú nói: đầy tháng cháu, anh chị cho cháu vào chỗ em để xạ trị. 
Và sau khi cúng đầy tháng xong, hôm sau mẹ đưa con đến Trung tâm Ung bứu. Con được chuyển ngay đến phòng xạ trị, cứ tuần 3 buổi, con gái phải đến đắp phóng xạ khoảng 20ph. Xạ được 3 tháng thì đến lễ 30 tháng 4. Mấy ngày nghỉ lễ, thấy tay con có hiện tượng bỏng phóng xạ. mẹ lo lắng. Chú Minh nói không sao cả. đây là chuyện bình thường. Và rồi con mẹ lớn lên với vết xẹo ngày càng to hơn ở cổ tay phải. Tuy không nhìn rõ, nhưng đó cũng là dấu ấn cho sự khó nuôi của con. 
Con èo uột, bỏ sữa mẹ từ khi mới 3 tháng tuổi, lại khó ăn, nên ốm tong teo. Con 5 tuổi mà như con mèo hen. Mẹ Hạnh sốt ruột phải đưa về nhà ép ăn, truyền dịch. Nhưng có kết quả chi đâu. Con bắt dầu vào lớp Một thì mẹ đưa về cho đi học. Trong trường con được mệnh danh là “nàng Út ống tre”, vì lên lớp 3, con vẫn chỉ bằng các em lớp 1. 5 năm liền con là học sinh xuất sắc, khi thi được 20 điểm, nên vào học Lê Quý Đôn. Rồi năm lớp 10 con mắc bệnh nan y. Những tháng ngày hóa trị của con, ba mẹ lòng đau như cắt. Con của mẹ bé bỏng như 1 đứa trẻ 13,…
Giờ sức khỏe của con đã ổn định. Con trưởng thành hơn so với các bạn cùng lứa tuổi, mặc dù sắc vóc chỉ như đứa trẻ 15. Ba mẹ tự hào khi con được thầy yêu bạn quý. Mọi người khi tiếp xúc với con đều yêu quý con bởi sự chu đáo con dành cho họ. Khi nhắc đến con, ai cũng ước ao có được đứa con gái dịu dàng đằm thắm như con. 
Con yêu của mẹ, cố lên nhé! Giờ đã vào học chuyên ngành rồi, phải nỗ lực hết mình nghe con! Dù các thầy cô, các bạn mến yêu, nhưng mẹ tin con không vì điều đó mà trở nên kiêu ngạo. Mẹ yêu con, con gái bé bỏng của mẹ.