Trang

Thứ Hai, 24 tháng 10, 2011

CUỘC SỐNG

Mấy hôm nay Susu sốt siêu vi, Carot chảy mũi,  me Thủy thì viêm họng , còn bà nội thì mồm đắng nghét và không nói ra lời. Ba Trung và Út Nhi cũng khụt khà khụt khịt.
Cả nhà đều bệnh, chỉ có Susu là được nghỉ học. Carot thì lúc nào cũng cười. Mẹ Thủy, bà nội ba Trung và Út Nhi thì việc ai nấy làm.
Té ra cái sự nghỉ ngơi bi chừ thực xa xỉ. Tối nào bà nội cũng phải đi học, nên ban ngày dù có bệnh, cũng phải ráng học bài. Bảng chữ cái Arap chữ thì dễ, mà đọc thì khó ơi là khó. Có những âm gần nhau đến khó phân biêt. Nên cứ phải căng tai ra mà nhận biết. Út Nhi thì vào 12, lại học thêm Anh văn, nên cũng bận rộn.  
Ba Trung thì lo đi cày để lấy tiền nuôi con. Giám sát an toàn lao động là công việc đòi hỏi trách nhiệm cao, nên Ba Trung dẫu bệnh, cũng không dám nghỉ ngày nào.
Chủ nhật, như thường lệ, ông nội từ Vũng Tàu về. Thấy cháu bệnh sốt ruột nhắc đưa đi khám bệnh. Đã khám rồi đấy chứ, nhưng sốt siêu vi thì chỉ uống hạ nhiệt và C  chứ đâu còn gì nữa. Mà cái con siêu vi này cứng đầu thật. Cả tuần rồi, dứt được 2 ngày lại sốt lại.
Ông bà nội tranh thủ đi thăm cặp Coca – Pepsi. Hai đứa nay cũng kháu phết. Nhìn bọn trẻ lại nhớ lời bà cố: Chỉ có cháu bà Kiệu là đẹp nhất Long Vân Tự.
Mẹ ơi, mỗi lần nhớ đến mẹ là tim con lại bồi hồi đau thắt. Các chị và em con đã làm tròn hiểu nghĩa. Chỉ mỗi mình con là đau đáu vì chưa làm được gì cho mẹ. Những khó khăn nhọc nhằn trong công việc của con, luôn làm mẹ lo lắng trở trăn. Giá mà con đừng cố chấp, giá mà con đừng quá đam mê,…
Cuốc sống xoay vòng với những công việc lặp đi lặp lại và những biến động đôi khi làm ta mệt mỏi. Mệt mỏi thôi chứ đừng ngã gục nhé!

Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2011

ĐOẢN KHÚC MỘT CUỘC TÌNH


                                   ĐOẢN KHÚC MỘT CUỘC TÌNH



 Anh đã nhiều lần nói với cô: E là người anh đã chọn cho cuộc đời mình.

Anh đã yêu cô bằng con tim cuồng nhiệt và chỉ mong có được cô sớm nhất.

Những ngày cuối tuần họ thường cùng nhau ra ngoại ô, cà phê cùng nhau, cùng nhau lang thang trên những con đường ngập nắng vàng với những câu chuyện buồn vui của cuộc đời, hoặc cùng dầm mưa bên nhau run rẩy. Và trong các buổi đi chơi ấy, xen lẫn nụ cười luôn là nước mắt. Bởi anh luôn xót xa cho tuổi thơ của cô bị chiến tranh đánh cắp. Anh đau đớn khi cô kể về những khốn khó trong đời. Vì những điều đó mà anh luôn điên cuồng phỉ báng những gì làm cho cô đớn đau và cả những gì cô trân trọng. Cô trân trọng những năm tháng chiến tranh mà cô từng đi qua. Cô trân trọng sự cống hiến không vụ lợi của mình cho đời. Và cũng như anh, cô cũng đã nhiều lần rơi nước mắt vì những bất hạnh mà anh đã trải qua và nguyện cùng chia sẻ với anh suốt cuộc đời này. Vì quá yêu cô, anh nguyện sẽ làm tất cả để cô vơi bớt nhọc nhằn. Cô đã tin điều đó, bởi cô nhìn thấy sự đau đớn dày vò trong nhung nhớ của  anh hằng đêm vì họ không được ở bên nhau, cùng những lời thơ không tròn vần nhưng đầy ắp yêu thương. Họ cũng đã từng nói với nhau rất nhiều cho tương lai, nơi có một túp lều tranh với hai tâm hồn trong trẻo luôn yêu thương cuộc đời.

Tưởng mọi việc sẽ có một kết quả tốt đẹp, nhưng…

Liên tục mấy ngày, cứ khoảng 6g30 sáng và 9g30 tối, cô không thể nào gọi được cho anh, vì đầu bên kia liên tục “tút tút tút…”. Linh tính cho cô biết có những điều không bình thường. Và rồi, chỉ trong hơn nửa tháng đi công tác, anh đã vội quên những lời tưởng chừng đã vắt từ trong máu hứa hẹn cùng cô mà thản nhiên tuyên bố đã yêu người khác. Vì đó mới chính là anh!

Trong nước mắt, cô đã cay đắng nhắn tin: Em sẽ thông báo cho gia đình anh biết tất cả mọi sự việc.

Vội rút lại lời tuyên bố hùng hồn của mình, anh viện lý do công việc để lẩn tránh cô, không nghe điện thoại của cô.

Còn cô, đau đớn đến điên cuồng và không tiếc lời cay đắng với anh. Cô tự phỉ báng cười cợt bản thân để nuốt nước mắt vào trong. Dù vậy, cô vẫn dõi theo anh. Lòng quặn thắt khi nghe anh bị xua đuổi. Vẫn luôn bồi hồi mỗi khi đi trên những con đường họ đã từng qua. Tim cô vẫn thổn thức khi nghe báo đài nhắc đến quê anh. Bởi trong cô, anh vẫn còn hiện hữu, dù đang méo mó dần vì tính cách của anh.

Thứ Ba, 18 tháng 10, 2011

Nhàn đàm về hai chữ "VĂN HÓA"

NHÀN ĐÀM HAI CHỮ “VĂN HÓA”
 
Hình ảnh từ báo mạng
Có lẽ không có đất nước nào khi ra khỏi nhà lại thấy nhiều chữ văn hóa như ở nước ta. Nào là thôn Văn Hóa, Ấp Văn Hóa, Xã Văn Hóa, Tổ Dân Phố Văn Hóa, Khu Phố Văn Hóa và bây giờ trên đường phố lại thấy thêm những băng rôn có từ “Văn Hóa Giao Thông”. Trên các phương tiện thông tin đại chúng thì có: “Văn Hóa Vỉa Hè”, “Văn Hóa Từ Chức”, “Văn Hóa Xe Bus”, “Văn Hóa Công Sở”, “Văn Hóa Công Chức”, “Văn Hóa Công Quyền”,… Và thực sự, tôi cũng đã từng bối rối trước bản kê khai lý lịch ở mục: Trình độ văn hóa (?!)
Không định nghĩa hay giải nghĩa, mà tôi chỉ dám “trộm” nghĩ về hai chữ “VĂN HÓA”. Phàm là người được sinh ra để sống, đi học và làm việc. Muốn sống tốt, học tốt và làm việc tốt, điều đầu tiên cần nhất, ấy chính là ý thức. Ý thức quyết định hành vi đạo đức và sự trưởng thành của mỗi người. Những hành vi ấy được lập đi lập lại nhiều lần tạo thành tập quán, phong tục và chuẩn mực của hành vi được thiết lập để cấu thành văn hóa.
Ý thức là gì? Nói một cách nôm na, ý thức chính là hệ quả của sự hiểu biết. Khi hiểu biết rõ bản chất vấn đề, người ta khắc có ý thức. Ý thức giúp con người ta thực thi một cách tốt nhất sự hiểu biết ấy. Sự thực thi ấy chính là hành vi ứng xử. Ý thức ban đầu, chính là sự hiểu biết về bản thân. Có nghĩa, ta phải biết ta là ai, ta đang ở đâu và ta làm gì. Khi hiểu được điều đó, khắc ta sẽ biết mình cần phải ứng xử như thế nào.
Ví dụ: Một người có địa vị trong xã hội, đứng trước ông bà cha mẹ, hoặc trong lớp học, người ấy phải hiểu mình là ai và đang làm gì, thì ắt sẽ có những hành vi ứng xử đúng mực, bằng ngược lại thì người ấy sẽ không được đón nhận và còn bị coi là hỗn láo, vô văn hóa.
Xã hội băng hoại chính là ý thức của mỗi cá nhân không cao. Vì thế, trước khi nói đến hai chữ “văn hóa”, chúng ta hãy xem lại mình đã có đủ ý thức về bản thân hay chưa.  Và điều đó không chỉ thuộc trách nhiệm giáo dục từ gia đình, nhà trường, xã hội mà ngay chính bản thân mỗi người phải hiểu được mình là ai, đang ở đâu và đang làm gì, để có cách ứng xử đúng mực. Và khi mọi người đều có ý thức thì hai chữ VĂN HÓA không cần phải “phô trương rầm rộ” như bây giờ.