Trang

Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2007

Nhà dừa


Nhà dừa
18/04/2007 (GMT+7)
Từ điển Wikipedia thống kê có đến vài chục sản phẩm của các phần trên cây dừa. Dừa làm thực phẩm, làm thuốc, làm vật liệu… Có lẽ các sản phẩm từ dừa không còn lạ. Nhưng gặp một người yêu dừa đến mê mẩn, bỏ ra nhiều năm tháng “theo đuổi”, tìm tòi cây dừa thì có lẽ ít người biết. Đó là câu chuyện của chị Nguyễn Thị Kim Thanh, người hiện sống trong một căn nhà dừa ở Củ Chi với rất nhiều vật dụng làm từ dừa. Suốt thời thơ ấu và cả tuổi trẻ bôn ba vào Nam ra Bắc, chị Thanh luôn có hoài niệm, ước mơ về một miền quê thanh bình. Miền quê trong tâm tưởng của chị không có địa danh, không phải là một khung cảnh cụ thể. Nó len lỏi ở đâu đó, rất sâu trong suy nghĩ của chị, khi có điều kiện, nó lại hiện ra.

Những vật dụng làm từ dừa: hộp đựng bánh mứt, giá để gia vị, tranh cẩn vỏ dừa
Tích cóp nhiều năm, đến khi có điều kiện, chị quyết định thực hiện ước mơ của mình. Chị tâm sự với bạn bè thân về cái vùng quê riêng của mình. Vùng quê mà chị mơ ước được một người bạn làm hoạ sĩ “cụ thể hoá” bằng những nét vẽ sinh động, trong đó không thể thiếu ngôi nhà vườn đặc trưng của vùng quê Nam bộ với vật liệu hoàn toàn được trưng dụng từ cây dừa.
Chị đã đi tìm nhiều nơi nhưng cuối cùng chọn mua 2.000m 2 đất ở Củ Chi để làm quê của mình.
Năm 1999, ngôi nhà được khởi công, người hoạ sĩ đứng ra làm thầu với một nhóm thợ chuyên nghiệp tuyển chọn từ Bến Tre.

Bộ bàn ăn kiểu dáng hiện đại làm từ gỗ dừa
Sau một năm, ngôi nhà mới chỉ dừng lại ở mức hoàn thiện được 36 cây cột dừa. Gia đình phản ứng vì thấy chẳng có ai lại bỏ số tiền lớn để mua dừa làm nhà. “Ông xã tôi ngay từ đầu khi nghe về ngôi nhà làm bằng dừa đã không đồng ý, nhưng tôi cứ lẳng lặng mà làm. Cũng có khó khăn nhưng đã làm thì chẳng thể bỏ nửa chừng”, chị kể về những ngày chị tự đứng ra tiếp tục hoàn thiện căn nhà.
Muốn sử dụng dừa làm nhà, ít nhất thân dừa cũng phải có độ tuổi từ 30 năm trở lên. Muốn dùng làm cột thì dừa phải có tuổi 60 - 70 năm mới đủ độ cứng và bền. Những lúc rảnh rỗi, chị theo chân nhóm thợ xuống Bến Tre săn lùng những cây dừa đủ tuổi. Ròng rã nhiều tháng trời chị mới tìm mua đủ số lượng dừa cần thiết. Tổng cộng chị đã phải mua 130 cây dừa để hoàn tất ngôi nhà trên 100m 2 . Trong quá trình tìm dừa đủ tuổi, chị đã đặt lòng tin vào nhóm thợ. “Kỹ năng đoán tuổi dừa phải dựa vào người nhiều kinh nghiệm”, chị Thanh kể.
Những người thợ phải lặn lội nhiều khu vực của Bến Tre. Họ phải xem từng chút những mắt dừa để tính tuổi cho cây. Rồi phải ngâm dừa vào nước ròng rã vài tháng để tránh những rủi ro sau khi cưa xẻ thành phẩm. Việc cưa xẻ thân dừa cũng không phải dễ. Để có được những thành phẩm đẹp, láng, cả nhóm phải ngồi tính, tuỳ theo “mặt dừa” mà họ quyết định xẻ thân theo chiều nào. Tất cả những công đoạn này đều phải thực hiện theo cách làm thủ công, những thiết bị cưa xẻ chuyên nghiệp ở đây trở nên mất công dụng.

Mặt trước của ngôi nhà và hệ thống cột, kèo bằng dừa
Xong được phần ván, đến cưa xẻ gỗ để thực hiện các vật dụng khác còn tỉ mỉ hơn nữa. Muốn hoàn thiện một chiếc ghế, ngoài các công đoạn tạo khung sườn, cái khó là tạo những hoa văn trên mặt ghế, lưng ghế tay nắm, những bức tranh treo vách… Vật liệu sử dụng chính của phần trang trí là gáo dừa, những miếng gáo dừa không đồng đều màu sắc được thợ ép ra cho phẳng, phối màu, dán kết lại với nhau, rồi mài giũa từng chút để tạo phẳng và độ láng chẳng khác gì công đoạn công phu của người làm tranh sơn mài.
Khi hoàn tất, ngôi nhà trở thành niềm tự hào của vợ chồng chị. Ngôi nhà kiểu nhà ngói ba gian dung dị bình thường như bao ngôi nhà thường gặp ở Nam Bộ. Bạn bè đến chơi ai cũng ngạc nhiên khi thấy toàn bộ ngôi nhà từ rường, cột, vách, bàn ghế… nhất nhất đều được làm từ dừa.
“Tôi đã có một chốn quê bình yên cho mình từ ngôi nhà này. Thật ra, trong lúc làm ngôi nhà, theo đuổi vật liệu bằng dừa như một ý thích, tôi đã bị dừa... đeo dính luôn vào, gỡ chẳng ra”, chị Thanh cười.
Đó là giải thích lý do cho việc lập công ty Trúc Phương, chuyên sản xuất, gia công những sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm từ dừa như tranh dừa, bàn ghế dừa, kệ dừa… Trụ sở công ty đặt ngay trong khoảng sân vườn ngôi nhà dừa của chị.
Việc kinh doanh còn hạn chế, chưa tìm được thị trường, nhưng chị vẫn không thể dứt ra được. Chị nói, “dừa nó như cái nghiệp gắn chặt vào tôi rồi”.
Bộ salon gỗ dừa đặt trên nền lót ván dừa ở trung tâm nhà, nằm giữa hai cây cột bằng dừa.
Mặt trước của ngôi nhà và hệ thống cột, kèo bằng dừa
theo Minh Triết - Ảnh Phan Quang (SGTT)
Căn nhà này đã đưa cuộc đời tôi vào 1 ngã rẽ mới, đó là ngã rẽ "gáo dừa"

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có thể dùng thẻ sau để:
- Post hình : [img] link hình [/img]
- Post video: [youtube] link youtube [/youtube]