Trang

Thứ Tư, 28 tháng 11, 2007

GÁO DỪA LIỆT TRUYỆN


Gốc Hải phòng, sinh ra ở Saigòn, tuổi thơ của tôi đã gắn liền với những địa danh theo lời kể mà mẹ đã từng chạy tản cư trong những ngày kháng Pháp như: Nho quan, Ninh bình, Đông triều, Thái nguyên, ……… Cho đến khi được đi học, tôi mới thực sự hiểu rằng quê hương không chỉ là đồi núi, làng mạc ngập tràn khói lửa loạn ly, mà còn có những dòng sông, điệu hát, câu hò với đồng lúa chín vàng thơm ngát,…….Như bước sang 1 thế giới khác với những thèm khát được về thăm quê, thăm ông bà, được chạy tung tăng trên những con đường rợp bóng dừa xanh uốn lượn theo những dòng kênh nhỏ, tôi thèm thuồng hỏi mẹ: Mẹ ơi, thế bao giờ mình được về quê hả mẹ? Một thoáng im lặng nhìn tôi, mẹ bảo: bao giờ đất nước thông nhất, mình mới được về quê. Thật hồn nhiên vô tư, tôi lại hỏi: thế đến bao giờ mơí thống nhất hả me? Giọng xa xôi mẹ nói: mẹ cũng không biết nữa! Và thế là tôi nuôi mãi trong lòng mình một khát khao cháy bỏng để có ngày được về quê.
Đến năm 13 tuổi, khi thoát ly gia đình tham gia cách mạng tôi mới chợt hiểu rằng, khi còn chiến tranh thì quê hương nào cũng ngập tràn khói lửa. Và tôi lại tiếp tuc ước ao có một làng quê thanh bình với khói lam chiều, với những hàng dừa xanh ngát mang đậm câu hò mênh mang, …….
Hoà bình lập lại, tôi được chuyển ngành đi học CNKT nước ngoài. Chúng tôi đi bằng chuyên xa qua những làng mạc xa xôi của những miền quê nghèo Trung quốc, trông thấy những em bé gầy còm quắt queo trên tay mang nặng băng tang Mao chủ tịch, đi qua thảo nguyên mênh mông của đất nước Mông cổ, tôi càng thấy yêu hơn đất nước mình qua những hình ảnh con sông, ruộng lúa, câu hò,….
Bay từ Moscow về, trung chuyến qua 1 số quốc gia như Kuwet, Bombay, Miến điện, Viên chăn và cuối cùng khi máy bay hạ độ cao ở Thủ đức, nhìn ra ngoài cửa sổ, đất nước mình rực rỡ sau cơn mưa với những hàng cau, những khói lam chiều, những cây rơm xũng nước, tim tôi thắt lại, đau nhói và tôi như ngừng thở. Quê hương tôi đây, quê hương của những ngày ấu thơ mà tôi thường ước ao được về là đây….Nhưng rồi những cảnh vật ấy nhanh chóng mất đi khi máy bay dần hạ độ cao để đáp xuống. Tôi như hụt hẫng …
Cuộc sống thời bao cấp với bao thiếu thốn lo toan, ngay cả khi cai sữa cho con cũng không có tiền mua nổi chiếc bình thuỷ, trong tôi chẳng còn 1 chút khái niệm gì về quê hương cả. Cho đến một hôm, tình cờ lên phòng nghiệp vụ (phòng kinh doanh gỗ), tôi chợt nhìn thấy 1 thanh ván sàn với hoa văn lạ mắt, tò mò hỏi, được biết, đây là gỗ dừa và tôi thầm nghĩ: sau này có tiền, mình sẽ cất 1 căn nhà bằng gỗ dừa.
Và rồi ước mơ trở thành sự thật khi cơ quan có nhiều thay đổi. Tôi xin đi học, vừa học, vừa tranh thủ làm thêm bên ngoài, có chút đỉnh tiền, tôi tìm người để hỏi ý kiến về một căn nhà dừa, nhưng ai cũng lắc đầu cho là vô tưởng, vì cây dừa mà ở Saigon, làm gì ai dùng để cất nhà. Hỏi thăm mãi, cuối cùng chị bạn cũng giới thiệu cho tôi 1 hoạ sỹ “dám cả gan” nhận làm 1 căn nhà 3 gian 2 chái bằng gỗ dừa cho tôi. Mừng còn hơn bắt được vàng, tôi đã nhanh chóng thoả thuận ký hợp đồng và về Bến tre để xem mẫu nhà mình muốn làm. Và cũng từ đó, cuộc đời tôi bắt đầu một lối rẽ.
Sau khi căn nhà được cất xong, tôi sung sướng và tìm về Bến tre để mua những vật dụng bằng dừa cho nhà mình, và thật bất ngờ khi tôi được nhìn thấy 1 con rùa được làm từ gáo dừa, trông rất sinh động, thoạt nhìn tôi cứ ngỡ mai của nó là thật. Và như số phận, tôi không thể nào không nghĩ về nó, và quyết định cho một cuộc chơi bắt đầu.
Khi nghe nói tôi mở xưởng, trong gia đình sợ tôi mua thêm vất vả đã không đồng ý. Nhưng với 1 quyết tâm tôi đã tự mở xưởng mà chưa có 1 ý niệm gì về chất liệu cả, và chính vì điều đó mà các bạn tôi đã cười và cho tôi là khùng điên, còn gia đình thì lắc đầu mà xót xa.
Và cũng chính vì sự không đồng ý đó của gia đình, mà lòng quyết tâm của tôi càng lớn hơn. Đã bao đêm gần như thức trắng chỉ để nhìn ngắm chiêc gáo dừa hoặc 1 sản phẩm mới được hình thành. Càng nhìn , tôi càng mụ mị đi vì nét đẹp tiềm ẩn của nó và quyết tâm càng cao hơn , 1 quyết tâm mà chưa có một điểm khởi đầu, nghĩa là tôi chưa biết mình sẽ làm gì với nó. Nói ra thì thật là mâu thuẫn. nhưng sự thật lại chính là đây
Với tôi, chiếc gáo dừa là 1 vật liệu rất xa lạ, chỉ thân quen vì nó là tên goị của 1 vật dụng dùng để múc nước mà bất kỳ vùng quê nào ở Viêt nam cũng sử dụng và sự lao động nghiêm túc nào cũng có kết quả nhất định của nó, khi ý tưởng đưa gáo dừa trở về mặt phẳng ra đời, tôi hăm hở, trở trăn để làm thế nào sản phẩm của mình phải được công nhận.
Những khó khăn bắt đầu từ đây, vì là 1 ý tưởng hoàn toàn mới, để nghĩ ra 1 loại sản phẩm ứng dụng được nó đã khó rồi, nay xác lập quy trình sản xuất hợp lý lại càng khó khăn gấp bội, khi tôi vừa phải đi làm kiếm tiền lo cho xưởng, vừa phải mày mò, nghiên cứu ứng dụng và xác lập quy trình hợp lý để hạ giá thành sản phẩm, trong khi xưởng sx cách nhà hơn 40 cây số. Đã vậy nhân sự lại không ổn định, những người tôi mời về hợp tác đều có trong đầu suy nghĩ: sẽ khống chế và chi phối tôi bằng nhiều hình thức, hòng quyết định sự sống còn của xưởng. Và họ đã không nghĩ rằng, nếu không có sự lao tâm khổ trí và tiền của tôi bỏ ra, thì họ là ai (?!) Vì thế kỹ thuật viên do tôi đào tạo đã lần lượt ra đi và tôi lại tiếp tục đào tạo người mới, cho đến hôm nay thì nhờ vào sự nỗ lực của mình, tôi đã truyền được niềm say mê vào cho đội ngũ kỹ thuật của mình và họ đã nhìn thấy tương lai của sản phẩm chứ không phải nhìn thấy quyền lực của một trưởng xưởng, 1 kỹ thuật viên.
Từ vẻ môc mạc, khô ráp của mình, gáo dừa đã hút tôi vào vòng xoáy của nó, như có 1 ma lực, tôi đã như con thiêu thân, quên cả không gian, thời gian, cũng như sức lực và tiền của để hăm hở, trở trăn và đôi khi muốn ngã quỵ, để tìm hiểu sắc độ, nguyên lý phát triển của nó để tìm ra 1 quy luật và hơn nữa, đó chính là 1 triết lý sống cho mình, khi tôi đã đánh thức được nó. Và đó chính là: hãy tự đánh thức chính mình
Những lúc đi về sớm khuya, tôi thèm mình được là 1 người đàn ông để không bị không gian và thời gian trở thành sự cản trở. Cũng thật may mắn cho tôi là ông xã đi làm xa, nên mỗi tuần vào ngày chủ nhật chúng tôi vẫn có 1 sinh hoạt bình thường như bao gia đình khác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có thể dùng thẻ sau để:
- Post hình : [img] link hình [/img]
- Post video: [youtube] link youtube [/youtube]