Trang

Thứ Năm, 4 tháng 8, 2011

CÓ PHẢI CON BỊ LẠC MẸ?

DSC03939.JPG
Có phải con bị lạc mẹ?
Hôm nay là đúng 65 ngày mẹ mất. Sáng hôm nay của 9 tuần trước đây mẹ hơi mệt. Tối con cùng cháu Bi qua thăm mẹ. Thấy mẹ đã khỏe và đang ăn cơm. Con tranh thủ sang nhà em Định trao đổi mấy việc. Khi về lại thì Bi đã đưa mẹ lên phòng, 2 bà cháu mỗi người 1 giường im lặng.
Con mở màn, xoa lên bụng mẹ hỏi: Sao mẹ lại phơi bụng ra thế này? Mẹ cười nói: phơi ra cho mát. Con đâu hiểu ấy là lần cuối cùng con nói chuyện với mẹ.
Chiều hôm sau thì mẹ đột ngột ra đi. Mẹ đi nhanh đến mức cho đến giờ con vẫn chưa thể quen với cảm giác mất mẹ. Nghĩ đến mẹ, cảm giác của con vẫn cứ thảng thốt như lần ba con bị đi lạc. Mẹ ơi, con vẫn đang bị lạc mẹ phải không?
Mẹ ơi, mẹ ơi!...

Thứ Sáu, 15 tháng 7, 2011

49 NGÀY CỦA MẸ



Mộ mẹ được làm xong sau 4 tuần mẹ mất bên cạnh mộ Ba
6g15 chiều, cách nay 49 ngày là ngày chúng con vĩnh viễn mất mẹ.
Giờ đây, mắt con vẫn nhòe đi và lồng ngực nghẹn lại.
Con vẫn chưa quen được cảm giác không còn mẹ.
Mẹ ơi, mẹ ơi….
Cảm giác lạc mẹ vẫn còn thảng thốt trong con.
Hôm qua cả nhà vào chùa làm lễ cầu siêu cho mẹ. Vậy mà con lại thui thủi 1 mình trong bệnh viện.
Thiếu máu cơ tim, hồng cầu nhược sắc - đó là lý do con phải nhập viện.
Thay mẹ, con cám ơn tất cả các anh chị, bạn bè trên thế giới ảo này đã ghé thăm và chia buồn cùng gia đình ta.
Em cám ơn anh chị CC đã có mặt ngay sau khi nghe em báo tin.
Chị đã luôn bên em khi em gặp khó khăn nhất. Tình nghĩa này em không biết phải đáp đền thế nào.
Chị ơi, em tin rằng chị hiểu và thông cảm cho sự chưa thuận lợi của em trong công việc….

Thứ Năm, 2 tháng 6, 2011

MẸ ĐÂU?

MẸ ĐÂU?

phuthuygaodua | 02 June, 2011 08:33

Súng 001.JPG
Ba ngày hậu sự của mẹ là 3 ngày chúng con đón tất cả láng giềng, suôi gia các bên, bạn bè và bà con thân quyến đến chia sẻ nỗi đau lớn này.
Láng giềng ai cũng tiếc thương và kể nhiều về mẹ. Lúc sinh thời, khi mắt còn sáng, mẹ là thầy thuốc giỏi có tiếng trong vùng, nhờ mát tay và hiền lành nhân hậu. Mỗi khi bệnh đau, trẻ nhỏ đều được cha mẹ hoặc ông bà dắt qua bà Kiệu (tên ba con) để chích (tiêm) hoặc mua thuốc. Mẹ luôn ân cần với mọi người. Ai nghèo thì mẹ biếu thuốc, ai thiếu tiền mẹ cho nợ, người không đi được thì mẹ đến tận nhà,… Qua chữa bệnh, mẹ có rất nhiều chị em kết nghĩa, để hôm nay, khi mẹ mất rồi, mọi người đều  khóc thương và có người xin được để tang cho mẹ. Những câu chuyện về mẹ qua láng giềng kể lại không xa lạ gì với tụi con, và đó chính là niềm tự hào và là tấm gương lớn cho chúng con noi theo.
Hôm trước Têt, mẹ nói cô giúp việc dắt mẹ đi thăm và cho tiền những gia đình nghèo cố cụ trong xóm và ra cả xóm cũ nhà mình ở ngoài đường. Chị Mai con bác Tích (nhà ngoài đường) vào viếng mẹ cũng đã kể trong nước mắt: Tội nghiệp, mẹ không thấy đường mà cũng ráng ra thăm và cho tiền má chị ăn Tết.
Trước hôm mẹ mất 1 ngày, chú Năm Nông (em kết nghĩa của ba con) từ Phan Thiết gọi vào cho con để hỏi thăm sức khỏe của mẹ. Chú nói, nhớ mẹ, sẽ đến thăm mẹ khi chú vào Saigon khám bệnh. Vợ chồng anh Khanh (con của bạn ba) lâu ngày cũng ghé thăm mẹ, hứa rằng sẽ thường xuyên thăm mẹ hơn. Rồi dì Hai Anh từ Trảng Bàng (Tây Ninh) về thăm mẹ và cũng là người cuối cùng chuyện trò cùng mẹ.
Mẹ ơi, có phải trước lúc mẹ đi xa, nhiều người có linh cảm và hướng về mẹ không? Và hôm 30/4 mẹ cũng đã kịp đọc cho bé Nhi nhà con ghi lại những ngày giỗ chạp của gia đình để khi mẹ mất các con còn biết mà làm (đó là lời của mẹ)
Các dì và các cháu từ  Quảng Ninh, Hải Phòng, Hòa Bình, đã bay vào, ngay sau khi được tin mẹ mất. Từ Daklak, La Ngà, Biên Hòa, Nhơn trạch, Tây Ninh, Bình Dương, Long An,  con cháu đều tụ về. Họ hàng nội ngoại, xa gần không thiếu ai, bởi mẹ là “trưởng lão” của cả giòng họ. Thương nhất là Du và Mai, con  rể cả và con gái thứ của anh Cả từ Vĩnh Bảo - Hải Phòng, vì không đủ điều kiện nên phải ngồi xe gần 2 ngày mới vào được đến nơi.
Anh Thừa, con bác Quyết bên Thị Nghè qua, nhìn ảnh mẹ hỏi:
-          Hình thím chụp  hồi nào?
-          Da, mới chụp mấy năm nay.
-          Trong anh, thím luôn rất đẹp, anh không nghĩ rằng hình này của thím.
Vâng, ngày xưa mẹ nổi tiếng hiền thục và xinh đẹp. Chúng con luôn tự hào về điều đó.
Nhà thơ Trụ Vũ đến chia buồn cùng gia đình đã nói: Tôi đến để chia buồn, và cũng là để chia vui cùng gia đình, vì không phải ai cũng được ra đi trong tâm trạng vui vẻ như cụ nhà.
Ngày di quan của mẹ, xóm chợ ai cũng nghẹn ngào, đoàn người tiễn đưa mẹ dài gần trăm mét. Bạn con từ Hà Nội bay vào đưa mẹ, đã phải thốt lên: Chị ơi, bác thật may mắn! Các anh chị phải hết sức tự hào. Em ít thấy nhà ai có được diễm phúc thế này!
Con muốn khóc thật to, nhưng không thể. Tim thắt chặt, người lơ lửng. Cố gắng cho đến lúc lên xe, con mới òa lên được. Sự vỡ òa ấy đã cân bằng được con. Sau khi làm lễ ở nghĩa trang, mẹ được đưa ra huyệt, cảm giác lạc mất mẹ khiến con ngây dại. Mẹ đâu? Mẹ đâu? Con cố tìm mẹ trong đám đông giữa mọi người. Mẹ ơi, mẹ ơi, mẹ đâu rồi? Qua khỏi góc khuất, con đã lại được nhìn thấy mẹ, rồi mẹ lại mất. Mẹ đã được đưa vào lòng đất.
-          Cho em ra với mẹ, cho em ra với mẹ, mẹ ơi, mẹ ơi…! Con lạc giọng trong thất thanh để xin được đến gần mẹ. Nhưng khi đến được gần mẹ thì con chỉ còn nghe được tiếng gọi mẹ của mình…

14 tuổi, con đã xa mẹ. Hòa bình lập lại, ở nhà với mẹ chưa giáp năm, con đã lại phải đi học xa. Khi về nước, công tác tận Long Bình, rồi đi học, lập gia đình, ra riêng. Thời gian ở bên mẹ không được là bao, so với các chị và các em. Vậy mà điều duy nhất con nguyện trong lòng: mỗi ngày sang thăm mẹ, nghe mẹ nói chuyện, con vẫn chưa làm được.
Con đã lạc mẹ mất rồi, mẹ ơi …

Thứ Tư, 1 tháng 6, 2011

BÀ NGOẠI MẤT RỒI!


Mẹ và gia đình con tết Tân Mão 2011
Vừa đi Đồng Nai về, mở máy chuẩn bị làm việc thì con dâu gọi điện
-          Mẹ đang ở đâu vậy mẹ?
-          Mẹ ở dưới nhà? Có chi không con?
-          Ngoại mất rồi mẹ ơi!
-          Ai nói? Thảng thốt, tôi hỏi lại.
-          Hướng (con trai cậu em kế) nói mẹ ơi!
-          Để mẹ hỏi mẹ Hạnh!
Dứt lời, tôi gọi ngay điện thoại cho chị Hai: “Mẹ sao rồi chị?”
-          Mẹ mất rồi! Chị nói trong nức nở.
-          Mẹ sao mất hả chị?
-          Về đi rồi biết!
Tôi gọi ngay cho ông xã trong nghẹn ngào: Anh ơi, mẹ mất rồi!
-          Sao? Anh thảng thốt hỏi lại.
-          E không biết, em về mẹ đây!
Tôi vội gọi cho con trai
-          Bi ơi! Đưa mẹ về ngoại, ngoại mất rồi!
Tôi không biết mình có khóc hay không, chỉ biết rằng tâm trạng hoảng loạn trong tận cùng đau đớn.
Về đến nhà, cô hàng xóm đã kịp mua cho mẹ nải chuối xanh. Chạy vội lên lầu. Mẹ đang nằm đó, bình yên như ngủ, da mẹ tái xanh, môi tím ngắt. Chị Hai và cháu gái đang soạn quần áo thay cho mẹ. Vừa cùng soạn quần áo cho mẹ, vừa nghe chị kể. Mẹ đi bất ngờ đến nỗi chị cũng còn bàng hoàng.
Ăn cơm xong, mẹ cùng dì Hai Anh (người liên lạc của ba mẹ với đơn vị trong thời gian ba mẹ công tác biệt động thành, nay đang ở Trảng Bàng) lên lầu nói chuyện, vì đã lâu dì Hai không ghé thăm nhà. Dì Hai muốn tắm, mẹ nói dì chờ mẹ đi tiểu chút. Hai chị em, người trong, kẻ ngoài vẫn đang trò chuyện. Thấy mẹ yên lặng, dì liền hỏi:
-          Ủa! Sao e hỏi mà chị Ba hổng trả lời? Miệng hỏi, chân bước, đến cửa nhà vệ sinh thì dì thấy mẹ đã nghoẹo đầu sang bên rồi.
Hốt hoảng dì ra balcon thất thanh: Bà ngoại bị gì rồi!
Đang đánh cờ dưới sân, anh Hai con cùng bạn và cả nhà chạy lên, khiêng mẹ sang giường. Mạch mẹ còn rất yếu. Xoa bóp và hô hấp nhân tạo cho mẹ một  lúc, thì tim mẹ ngừng đập hẳn. Mẹ đã ra đi nhẹ nhàng thanh thản như mẹ vẫn thường cầu xin trời Phật  để đừng làm khổ con cháu…
Cùng soạn quần áo cho mẹ, bé Thoa (con chị Hai) vừa khóc vừa nói: Chọn cho bà bộ đồ thật đẹp để bà đi gặp ông (ba con mất đã được gần 7 năm), bà sợ xấu khi gặp ông lắm!
Mẹ ơi, con đang chọn  những bộ đồ đẹp nhất để mẹ đi gặp ba đây mà.
Chúng con hiểu tình yêu  mẹ dành cho ba lớn thế nào. Lúc sinh thời, mẹ vẫn thường than rằng: Từ ngày ba đi, ba chẳng bao giờ cho mẹ gặp nữa!
Những lúc mẹ nói thế, chúng con chỉ biết lặng thinh chứ nào dám nói gì. Và bây giờ mẹ đã đoàn tụ cùng ba rồi phải không mẹ?
Thay quần áo cho mẹ xong, Thoa lại vừa khóc vừa hỏi: Chai dầu thơm của bà đâu? Sức cho bà! Bà lúc nào cũng muốn thơm tho.
Chị Hạnh con cản không cho xịt nước hóa vào người bà, sợ kiêng kị chi đó. Nhưng con vẫn xịt. Không có điều gì có thể cấm mẹ không được mặc đẹp và thơm tho khi đi gặp ba phải không mẹ?
Mắt mẹ khô ráo, môi mẹ đã được con thoa chút son để được thắm hồng.
Chú ba Linh (ba vợ của cầu em Út) nghe tin mẹ mất, liền ghé thăm và nói: Mẹ con mất tốt lắm, mặt mũi khô ráo, thanh thản thế này là không còn vướng bận gì.
6g15ph sáng hôm sau (29/5/2011), sau 12 tiếng mẹ ra đi, trước khi đội mai tang đến làm nhiệm vụ tẩn liệm, con sờ vào má mẹ, ngạc nhiên khi thấy má mẹ vẫn mềm. Con vội nắn tay nắn tay chân mẹ. Chỉ có cổ chân mẹ là cứng, còn tất cả vẫn mềm mại. Khi khiêng mẹ xuống nhà, người mẹ võng xuống. Nhưng lúc ấy, con không nghĩ được gì, chỉ biết nhìn người ta làm thủ tục nhập quan trong đau đớn.
Giờ đây ngồi nghĩ lại, con ray rứt quá! Biết đâu mẹ của con vẫn chưa thật sự ra đi?
Mẹ ơi, liệu chúng con có gì sai sót không?

Thứ Năm, 19 tháng 5, 2011

A...iii cháu nội đây!

A…iiii, cháu nội nào!
Xin thông báo với toàn thể anh chị em, PTGD đã có cháu nội “chai”.
Tên tục là Cà rốt, tên cúng cơm Mẫn Tuệ. Do cô Quý Khoa, bệnh viện Từ Dũ mổ lấy ra vào lúc 9g sáng, cân nặng: 2,8kg.
Bữa nay được 4 ngày, nhưng bệnh viện tính tiền 5 ngày
. Coi như lì xì cho bệnh viện 1 ngày
Niềm vui quá “bự” đến không thể nói lên lời. PT chỉ biết khoe “hàng” và tự sướng!
Mong "Pà kon niệm tình" tha thứ!
1 copy.JPG
Đám cưới
1. Đo điện tim cho Cà Rốt tước khi sanh.JPG
Đo điện tim cho Cà Rốt trước khi lên phòng sanh
2. Chuẩn bị lên phòng sanh.JPG
Chuẩn bị lên phòng sanh
3. 1g tuổi.JPG
Cà rốt 1 giờ tuổi
6.4.JPG
4. 6g tuổi.JPG
Cà rốt 6 giờ tuổi
5. 8g tuổi bắt đầu bú mẹ.JPG
Cà rốt 8 giờ tuổi bắt đầu bú mẹ
6. 12g tuổi.JPG
Cà rốt 12 giờ tuổi
DSC03905.JPG
Cà rốt 38 giờ tuổi

Chủ Nhật, 8 tháng 5, 2011

CON THÈM BÊN MẸ!

CON THÈM BÊN MẸ!


Hôm nay là ngày của Mẹ.
 Dù đã ra viện, nhưng miệng con vẫn còn đắng ngắt sau hơn 1 tuần bị ốm.
Con chợt nhớ. Hồi đó là năm con học lớp tư (lớp 2 bây giờ), không biết bao nhiêu ngày nữa, con đã sốt mê man không dứt, lúc tỉnh, lúc mê, lúc sảng với những ác mộng và ảo giác khiến con thường thất thanh la hét. Và tối hôm đó, bỗng nhiên bên tai con văng vẳng tiếng tụng kinh cùng ảo giác đang bị ai đó trút đầu xuống đất. Lại hét lên thất thanh trong sợ hãi. Cô người làm vội vã gọi mẹ. Mẹ đã xuống lấy khăn ướt đắp lên trán và lau khắp người con. Trong tiếng kinh, con hạ sốt, tỉnh dần và chợt hiểu ba mẹ đã mời sư về tụng kinh cầu an mong con lành bệnh. Dù là thầy thuốc giỏi trong vùng, nhưng lúc tuyệt vọng nhất, ba mẹ vẫn tin rằng có một thế giới tâm linh có thể cứu được con.
Ngày còn bé, chúng con được sống trong thế giới tâm linh với những ngày rằm, mùng một đi lễ chùa cùng ba mẹ, những ngày đầu năm thấy ba đội sớ cầu an cho gia đình, dòng họ. Ngày ấy, đất nước ta chiến tranh chưa khốc liệt, chúng con còn quá nhỏ cùng những bài học về non nước Việt Nam giàu đẹp, yên bình. Con yêu quê hương từ những bài tập đọc với những đồng lúa vàng, những điệu hò câu lý, con thèm được cầm chiếc gáo dừa để múc nước uống như những người bạn chân đất dưới quê. Con thèm những ngày hè như chúng bạn được ra bến xe Lục tỉnh, được qua bắc Mỹ Thuận như trong sách giáo khoa,… Con thèm tất cả, bởi gia đình mình phải di cư vào Nam để tránh bị đấu tố vì 3 đời làm quan.
Mồm vẫn đắng ngắt. Con nhớ mẹ và thèm được ăn bát cháo ngày xưa mẹ nấu. Thật bất ngờ, rồi hờn dỗi khi nhìn bát cháo trắng nghi ngút khói, mẹ vừa đặt xuống chiếc ghế cạnh giường. Chậm rãi mẹ đảo lên, bát cháo chợt đổi màu bởi nước tiết từ thịt bò tươi lan ra và thơm phức mùi hành, ngò, tiêu và nước mắm.  Và con đã háo hức chờ từng muổng cháo mẹ đút… Cảm giác đó bây giờ vẫn hiện hữu trong con, khiến con phải buộc miệng gọi, Mẹ ơi!
Cảm giác thèm mẹ đang trỗi dậy trong con…

Thứ Hai, 7 tháng 3, 2011

MÓN QUÀ NGÀY 8/3


MÓN QUÀ NGÀY 8/3

Nhân ngày Phụ nữ, Dzu Hồ đã có bài thơ tặng PT.


Cám ơn Dzu Hồ và tất cả các bạn đã gửi hoa và lời chúc đến với PT nhân ngày "QUÝ BÀ". Vì bận rộn với nhiều công việc, "chổi" lại cùn mất rùi, nên PT ít ghé thăm các anh chị, các bạn và các em được.

Mong hết sức thông cảm và cầu chúc mọi người luôn an vui, mạnh khỏe.

MÃI MÃI DỪA XANH
                      Tặng Kim Thanh

Có nơi đâu như đất nước này
Dừa đứng thẳng qua tháng ngày chiến trận
Thuở xưa ấy khi đời ta lận đận
Dừa bắc cầu ta dấn bước mà đi
Tóc dừa xanh những câu chuyện thầm thì
Người duyên nợ cũng vì dừa duyên nợ
Quan Họ hát “người ơi người ở”
Dừa nghiêng che dáng xứ sở thân thương
Tổ quốc ta yêu muôn vạn dặm đường
Bốn ngàn năm dừa vấn vương tình đất
Trao nước ngọt trao tin yêu rất thật
Võng dừa ru cổ tích Sọ Dừa
Đất nước dài qua bão tố nắng mưa
Những rừng dừa tổ tiên xưa để lại
Sẽ xanh mãi suốt bốn mùa ưu ái
Bởi ta yêu dừa mãi mãi dừa ơi!

HTT

Thứ Sáu, 18 tháng 2, 2011

Ngày này năm xưa



5 5 giờ sáng của ngày này, 55 năm trước
Có cô bé oa oa tiếng khóc chào đời
Và hôm nay trở thành Phù Thủy
Luôn thắm nụ cười, dẫu vất vả gian nan
      

     TẾT 2010 GIA ĐÌNH CON VỀ MỪNG TUỔI MẸ
Như mọi năm, hôm nay sinh nhật, con mua hoa quả về thắp hương cho ba và thăm mẹ. Vì trùng với ngày rằm, nên khi con về mẹ đã đi chùa.
Thay trái cây bàn thờ xong, vừa cắm hoa, con vừa tự trách mình.  Đã bao lần con tự hứa với lòng mình là sẽ về thăm mẹ mỗi ngày, nhưng mãi vẫn chưa thực hiện được. Biết đến bao giờ con mới thực hiện được, bởi năm nay con sẽ có đến 3 đứa cháu nội (con dâu lớn song thai), cùng bao công việc bộn bề sắp tới...
Con xin lỗi mẹ, mẹ ơi!
Tự trách mình, con nhớ lại những lời mẹ kể. Ngày này của 55 năm trước, khi ấy ba mẹ vừa chân ướt chân ráo vào Saigon để chạy trốn cuộc đấu tố cải cách ruộng đất vì nhà mình thuộc hàng quan quyền, địa chủ. Mẹ đã "vượt cạn" 1 mình trong bệnh viện khi ba con đi làm xa nhà, còn người giúp việc thì phải ở nhà trông 2 chị con còn bé. Sau khi cô mụ trao con cho mẹ, mẹ đã cột vào chân con sợi chỉ đỏ để làm dấu. Hôm sau, đem con đi tắm, cô mụ đã trả về cho mẹ đứa trẻ không có sợi chỉ đỏ ở cổ chân. Hốt hoảng, mẹ đã lần đi suốt dãy phòng sanh để tìm đứa trẻ có sợi chỉ đỏ ở chân. Nhờ thế mà con đã không bị lạc mẹ.
Khi cô giúp việc dắt 2 chị con vào thăm, mẹ bảo cô ấy ra đánh điện tín cho ba rằng mẹ sinh con trai. Hai hôm sau ba về, hớn hở vào thăm thằng con trai bé bỏng...
Lặng lẽ, không nói lời nào, ba đi luôn cho đến khi đầy tháng của con, ba mới trở về nhà.
Nhờ mẹ mát sữa, nên khi ra tháng con đã như con búp bê bầu bĩnh xinh xắn với mớ tóc tròn xoe trên đỉnh đầu như cái bánh bèo (theo lời mẹ nói). Và con đã níu được chân ba ở nhà, không đi làm xa nữa.
Con lớn nhanh, leo trèo nghịch ngợm như con trai, nên mẹ nhắc lại chuyện cũ.
Trước ngày sinh con, mẹ nói với ba rằng con có thể sinh vào ngày 30 tết. Sợ con bị oan 1 tuổi, ba bảo mẹ hãy cố "nhịn" cho qua hết ngày 30 hãy sinh. Vậy mà rồi đến sáng mùng 2 Tết con vẫn chẳng thèm chui ra, thế là ba đưa mẹ và 2 chị con đi chơi sở thú. Đến chuồng khỉ, sợ con sinh năm khỉ, giống khỉ, nên ba đã giục cả nhà đi nhanh, nhưng mẹ và 2 chị con mê mải với những chú khỉ con đùa nghịch nhau chí chóe mãi chẳng chịu rời. Và con đã lì lợm đến sáng mùng 5 Tết mới chịu "thòi đầu" ra.
Năm 1979, chiến tranh biên giới phía Bắc vào đúng ngày sinh nhật của con, 17 tháng hai. Vậy là hết sức ngẫu nhiên, con sinh vào đúng ngày Đại thắng quân Thanh và cũng là ngày ta "úynh nhau" với Trung Quốc.

      Có phải vì thế mà con gái của mẹ cứ "chinh chiến" hoài phải không mẹ?

Thứ Năm, 17 tháng 2, 2011

CON XIN LỖI MẸ, MẸ ƠI!


CON XIN LỖI MẸ, MẸ ƠI!



TẾT 2010 GIA ĐÌNH CON VỀ MỪNG TUỔI MẸ


Như mọi năm, hôm nay sinh nhật, con mua hoa quả về thắp hương cho ba và thăm mẹ. Vì trùng với ngày rằm, nên khi con về mẹ đã đi chùa.

Thay trái cây bàn thờ xong, vừa cắm hoa, con vừa tự trách mình.  Đã bao lần con tự hứa với lòng mình là sẽ về thăm mẹ mỗi ngày, nhưng mãi vẫn chưa thực hiện được. Biết đến bao giờ con mới thực hiện được, bởi năm nay con sẽ có đến 3 đứa cháu nội (con dâu lớn song thai), cùng bao công việc bộn bề sắp tới...

Con xin lỗi mẹ, mẹ ơi!

Tự trách mình, con nhớ lại những lời mẹ kể. Ngày này của 55 năm trước, khi ấy ba mẹ vừa chân ướt chân ráo vào Saigon để chạy trốn cuộc đấu tố cải cách ruộng đất vì nhà mình thuộc hàng quan quyền, địa chủ. Mẹ đã "vượt cạn" 1 mình trong bệnh viện khi ba con đi làm xa nhà, còn người giúp việc thì phải ở nhà trông 2 chị con còn bé. Sau khi cô mụ trao con cho mẹ, mẹ đã cột vào chân con sợi chỉ đỏ để làm dấu. Hôm sau, đem con đi tắm, cô mụ đã trả về cho mẹ đứa trẻ không có sợi chỉ đỏ ở cổ chân. Hốt hoảng, mẹ đã lần đi suốt dãy phòng sanh để tìm đứa trẻ có sợi chỉ đỏ ở chân. Nhờ thế mà con đã không bị lạc mẹ.

Khi cô giúp việc dắt 2 chị con vào thăm, mẹ bảo cô ấy ra đánh điện tín cho ba rằng mẹ sinh con trai. Hai hôm sau ba về, hớn hở vào thăm thằng con trai bé bỏng...

Lặng lẽ, không nói lời nào, ba đi luôn cho đến khi đầy tháng của con, ba mới trở về nhà.

Nhờ mẹ mát sữa, nên khi ra tháng con đã như con búp bê bầu bĩnh xinh xắn với mớ tóc tròn xoe trên đỉnh đầu như cái bánh bèo (theo lời mẹ nói). Và con đã níu được chân ba ở nhà, không đi làm xa nữa.

Con lớn nhanh, leo trèo nghịch ngợm như con trai, nên mẹ nhắc lại chuyện cũ.

Trước ngày sinh con, mẹ nói với ba rằng con có thể sinh vào ngày 30 tết. Sợ con bị oan 1 tuổi, ba bảo mẹ hãy cố "nhịn" cho qua hết ngày 30 hãy sinh. Vậy mà rồi đến sáng mùng 2 Tết con vẫn chẳng thèm chui ra, thế là ba đưa mẹ và 2 chị con đi chơi sở thú. Đến chuồng khỉ, sợ con sinh năm khỉ, giống khỉ, nên ba đã giục cả nhà đi nhanh, nhưng mẹ và 2 chị con mê mải với những chú khỉ con đùa nghịch nhau chí chóe mãi chẳng chịu rời. Và con đã lì lợm đến sáng mùng 5 Tết mới chịu "thòi đầu" ra.

Năm 1979, chiến tranh biên giới phía Bắc vào đúng ngày sinh nhật của con, 17 tháng hai. Vậy là hết sức ngẫu nhiên, con sinh vào đúng ngày Đại thắng quân Thanh và cũng là ngày ta "úynh nhau" với Trung Quốc.

      Có phải vì thế mà con gái của mẹ cứ "chinh chiến" hoài phải không mẹ?

Thứ Tư, 2 tháng 2, 2011

CHÚC MỪNG NĂM MỚI


CHÚC MỪNG NĂM MỚI
Feb 2, '11 1:44 PM
for everyone
CHÚC MỪNG NĂM MỚI


Khai bút đầu năm chúc mọi nhà
Ngày  xuân  vang mãi khúc hoan ca
Quanh năm rộn rã vui như hội
Tài lộc phúc phần luôn bên ta
_____________

Chủ Nhật, 14 tháng 11, 2010

HẠNH PHÚC BIẾT BAO

Hạnh phúc biết bao khi nguyện vọng lớn nhất của PT cho cây dừa sắp thành hiện thực.
Vâng, chiều nay, thật tình cờ khi gọi điện cho 1 người bạn cũ thì nghe chị nói rằng đang ở Bến Tre và có 1 anh tên Hữu Vinh đang chuẩn bị làm phim tài liệu về dừa. Thấy cái tên hổng gợi cho ta điều chi “nhung nhớ” cũng ừ ừ cho qua, nhưng  PT cũng trộm nghĩ: Bến Tre làm phim về dừa thì đó là điều cần thiết.
 Một lúc sau thì nhân vật có tên Hữu Vinh ấy gọi cho PT và rằng: Trước đây tôi làm ở Đài phát thanh truyền hình Bến Tre, nay được điều về Bộ truyền thông và chuẩn bị làm phim về VĂN HÓA DỪA để giới thiệu với bạn bè 5 châu về cây dừa Việt Nam. Sáng thứ hai, tôi sẽ làm việc với UBND tỉnh Bến Tre về bộ phim này. Tôi đã biết chị nhiều qua những thông tin trên mạng,…
Nghe thình lình quá, nên PT bị “choáng” và không biết nói sao, chỉ biết rằng lúc ấy PT xúc động thực sự. Vậy là điều mong ước của mình bấy lâu, nay sắp thành hiện thực. Sau đó PT nhắn tin chúc mừng và nói lên cái sự “choáng” của mình rằng: Bộ Truyền thông làm phim này là quá hay, trong khi điều này (Văn hóa dừa) mình đã đề cập với Bộ Văn hóa Thể Thao Du Lịch mấy lần rồi, nhưng không được quan tâm mà còn bị cười rằng mình quá “đam mê” nên đã lạm dụng từ văn hóa để nói về dừa.
Không cam chịu, nên sau khi bị cười cợt, PT đã đăng ký với Bộ VHTTDL đề tài nghiên cứu: “Dừa trong văn hóa dân gian Việt Nam”, nhưng cũng bị bác bỏ.
Lại “cố chấp”, PT làm “la phan” 2 tham luận về dừa trong 2 buổi hội thảo về Ngàn năm Thăng Long. Tại thành phố Hồ Chí Minh thì tham luận mang tên: “Tìm lại nguồn gốc địa danh Ô chợ Dừa nhân Đại lễ ngàn năm”, như 1 món quà mà thành phố Hồ Chí Minh gửi mừng đại lễ. Và tham luận thứ 2 ở Hải Dương: “ Bánh gai Làng Giá, sức lan tỏa của văn hóa ẩm thực” (bởi trong nhân của bánh gai có dừa). Và trong 2 đề tài ấy, PT đều nói rằng đó là nhiệm vụ của Ban văn hóa du lịch của HH Dừa VN phải có trách nhiệm phải “mần”.
Sau đó thì cố gần 2 giờ đồng hồ để ngồi nói chuyện với Phó Giáo sư Tiến sỹ Trần Lâm Biền (Hội đồng khoa học của Bộ VHTTDL) người bác bỏ ngay từ đầu đề tài nghiên cứu của mình và hỏi rằng: “ Dừa chẳng có gì để nói. Cô làm đề tài này với mục đích gì?”. Cố thuyết phục,  rồi vị Tiến sỹ này đã đồng ý nghe PT nói về dừa và cuối cùng đã nói:  “Cô là người nổ phát súng đầu tiên về dừa, hãy liên hệ với thầy Ái, hiệu trưởng trường ĐH Văn hóa TP HCM làm đề tài này”. Đó chính là niềm vui “bự” trong đợt công tác Hà Nội của mình vừa qua.
Quả thực để làm được điều mình mong muốn, nhằm phục vụ cho đất nước cũng không phải là dễ.  
Và hôm nay, khi được mời làm cố vấn cho bộ phim này thì PT hết sức vui mừng. Bởi nguyện vọng của PT nay sắp thành sự thật.
Các bạn ơi! PT thấy giờ đây mình là người hạnh phúc nhất trên đời! Hị hị…

Thứ Bảy, 8 tháng 5, 2010

Yêu quá gáo dừa ơi!



Yêu quá gáo dừa ơi!
May 8, '10 7:48 PM
for everyone
Một đêm sắp qua.
Công việc mới giải quyết được 1 nửa.
Thôi thì tạm gác nửa còn lại để thư giãn với sự yêu đời của nửa đêm về sáng.
Đây cũng là món quà tự thưởng cho mình.
Mấy ngày qua, bộn bề công việc với lấp lánh niềm vui sẽ có đơn đặt hàng xuất khẩu và gáo dừa sẽ có mặt trong 1 tổ hợp khách sạn hoành tráng tại thủ đô Hà Nội với vai trò trang trí nội thất.
Sau những những thắc mắc về chất lượng sản phẩm là thỏa thuận về điều kiện hậu mãi, giờ đây PT chỉ còn chờ việc thỏa thuận giá cả từ phía khách hàng với nhau và đơn đặt hàng chính thức từ nước ngoài. Một coffee-house network (chuỗi quán cà phê) sẽ được sử dụng mặt bàn được làm từ dừa.
Sau những trao đổi và gửi mẫu, PT sắp xếp thời gian để  gặp khách hàng, chuẩn bị đàm phán giá cả và chứng minh năng lực sản xuất với 1 tổ hợp khách sạn do nước ngoài đầu tư tại HN.
Không biết thế nào, nhưng ta cứ yêu đời và hy vọng.
Yêu đời ở đây chính là sản phẩm sau nhiều năm nghiên cứu của PT đã được thị trường quốc tế quan tâm.
Hy vọng đây là sẽ tạo được việc làm cho trẻ khuyết tật và cô nhi tỉnh Vĩnh Long, 1 cơ sở của người khuyết tật tại Kiên Giang và 1 số cơ sở gia công gáo dừa tại Bến Tre.
Tâm nguyện của PT cho ngành vật liệu gáo dừa tròn 10 năm nghiên cứu là được thị trường thế giới công nhận để tạo được công ăn việc làm cho trẻ mồi côi và người khuyết tật và khẳng định vị trí của cây dừa trong lịch sử phát triển của Việt Nam. Trong chiến tranh dừa đã luôn đồng hành cùng quân và dân ta chống giặc ngoại xâm, hòa bình lập lại, gáo dừa sẽ là 1 sản phẩm có giá trị xuất khẩu cao bởi sự quý giá của nó, đó là cellulose (bột gỗ) ở dạng sừng hóa.
Có phải gáo dừa lại là loại vật liệu quý mà bây giờ PT mới phát hiện ra?
Thưa không. Gáo dừa là loại vật liệu quý mà tự ngàn xưa ông bà mình đã hiểu được giá trị thực của nó, nên đã dùng gáo dừa để làm nên câu ngạn ngữ: “Lành làm gáo, vỡ làm muôi” để dạy dỗ con cháu hãy sống làm người có ích. Nghĩa là chiếc gáo dừa dù nguyên vẹn hay nứt vỡ cũng có thể sử dụng được. Quan trọng hơn, đó là càng sử dụng, gáo dừa càng bóng, càng đẹp. Có phải chăng ông cha ta đã muốn nhắc nhở con cháu rằng, chỉ có lao động cống hiến, con người mới trở nên hoàn mỹ và bất kỳ sự cống hiến nào nhỏ hay lớn tùy vào năng lực và trình độ của mỗi người cũng đều đưa ta tới vinh quang.
        ( Bức tranh "Điểm tựa" do PT phác thảo được bán với giá 2.500USD và tặng toàn bộ số tiền trên cho quỹ bảo trợ bệnh nhân nghèo TP HCM năm 2004)
Sẽ có 1 xưởng  dừa tại Nhơn Trạch, bởi nơi ấy chỉ cách nhà PT gần 20 km với diện tích rộng hơn xưởng Củ Chi và lực lượng công nhân tại chỗ thuận lợi hơn. Đó là những yếu tố cần và đủ cho 1 ngành vật liệu non trẻ trên thế giới.
Khi nói đây là ngành vật liệu non trẻ trên thế giới, hẳn các bạn sẽ cho rằng PT quá cao ngạo?
Xin thưa rằng không!
Bởi với ý tưởng điên rồ là đưa gáo dừa về mặt phẳng để phát huy được thế mạnh từ nguồn nguyên liệu vô tận của thiên nhiên đồng thời khẳng định giá trị bền vững và nhân văn của 1 loại vật liệu quý bị ngủ quên cần được đánh thức, PT đã dành biết bao công sức và tiền của cho nó. Hôm nay chiếc gáo dừa đã thức dậy thực sự bởi sự quan tâm cụ thể của người tiêu dùng trên thế giới khi hiểu được tác hại của sự tàn phá môi trường.

Thứ Hai, 2 tháng 3, 2009

MỘT GÓC NHÌN KHÁC VỀ TRÁI DỪA - Entry for March 02, 2009




GÓC NHÌN KHÁC VỀ TRÁI DỪA VỚI TRIẾT LÝ NHÂN SINH
Trong quá trình nghiên cứu vật liệu gáo dừa, chúng tôi đã tìm ra được nguyên lý phát triển của gáo dừa trong quá trình sừng hóa ở dạng vết đầu loang. Từ đó rút ra được triết lý của gáo dừa:
Hãy tự khám phá bản thân, bạn sẽ biết được mình có được khả năng gì.
Hay nói cách khác:
Hãy tự đánh thức bản thân, bạn sẽ biết mình thức dậy như thế nào.
Vì sao chúng tôi lại có được triết lý đó?
Từ chiếc gáo dừa thô mộc, khi được sự đầu tư nghiêm túc về ý tưởng, chúng tôi đã làm ra nhiều sản phẩm khác nhau. Trên bề mặt của từng sản phẩm, chúng tôi có thể tạo ra nhiều dạng bề mặt khác nhau mà theo ngôn ngữ hội họa đó là ma-che.
Ví dụ: Trên một mặt bàn, với kết cấu đồng nhất, muốn tạo nên ấn tượng cho người tiêu dùng ở sự đa dạng hóa, chúng tôi có thể tạo ra ít nhất là hai ma-che khác nhau: sần và bóng. Cách thể hiện này hoàn toàn đơn giản, chỉ cần sử dụng dụng cụ, hay nói cách khác là đồ nghề khác nhau, ta có thể tạo ra được sự đa dạng phong phú của bề mặt sản phẩm.
Đó chính là cách thể hiện bản thân của một con người. Trong cùng một hoàn cảnh, và ngữ cảnh, ta có nhiều cách thể hiện bản thân để tạo nên sự khác biệt về tính cách. Mỗi tính cách thể hiện một khả năng tư duy sáng tạo của con người ấy.
Muốn có được tư duy sáng tạo, mỗi chúng ta đều phải hết sức chăm chỉ lao động và luôn cố gắng làm sao để kết quả đạt được tốt nhất, từ đó hình thành tư duy sáng tạo. Tư duy sáng tạo đó được hình thành theo nguyên lý vết dầu loang để cuối cùng có thể đạt được đó là nền tảng của kiến thức. Hay nói xa hơn, đó chính là bản lĩnh của mỗi con người.
Từ những đúc kết đó, chúng tôi đã định hướng thêm cho ý tưởng nghiên cứu của mình ngoài nghiên cứu ứng dụng cho ra đời những sản phẩm với những giá trị khác nhau, chúng tôi còn hướng đến lĩnh vực xã hội nhân văn và giáo dục nhân cách. Do gáo dừa từ xưa tới nay, bị xem như 1 loại vật liệu vứt đi, không được trọng dụng, nên khi muốn đưa khả năng ứng dụng phong phú của gáo dừa vào giáo dục nhân cách một cách chính thống, sẽ có nhiều ý kiến cho đó là khiên cưỡng và áp đặt, thậm chí còn bị cho là lố bịch. Để thay đổi 1 suy nghĩ ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người, chúng ta cần phải có những lý luận sắc bén và thực tế cụ thể sinh động có sức thuyết phục. Chúng tôi tin rằng vấn đề được nêu ra trên đây sẽ được chấp nhận, dù rằng từ ngàn xưa ông cha ta đã dùng chiếc gáo dừa để dạy bảo con cháu rằng dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, làm người phải có ích cho xã hội. Tuy rằng cách nhìn của cha ông ta ngày xưa chỉ bằng trực quan mà chưa quan tâm tới quá trình sừng hóa của gáo dừa
Sau khi phân tích tỷ mỷ từng ý, từng lời của câu ngạn ngữ “lành làm gáo , vỡ làm muôi” mà ông bà ta đã dạy cho con cháu, chúng tôi đã đặt ra nhiều giả thiết và câu hỏi: Tại sao ông cha ta không dùng loại vật liệu nào khác để dạy dỗ cháu con rằng hãy sống cho xứng đáng. Từ đó chúng tôi đã xem xét kỹ cấu trúc của trái dừa bằng trực quan và nhận thấy có sự tương quan đặc biệt độc đáo và lý thú giữa con người và trái dừa với hệ thống triết lý Âm dương – Ngũ hành của triết học Phương Đông.
Và đề tài nghiên cứu này của chúng tôi cũng nhằm vào 2 lĩnh vực: Khoa học ứng dụng và Khoa học xã hội
Qua những đúc kết và suy luận trên, chúng tôi có được một góc nhìn khác về trái dừa liên quan tới âm dương ngũ hành và triết lý nhân sinh.
Theo hệ thống triết lý âm dương tam tài, ngũ hành thì: Thái cực sinh tam tài, sinh ngũ hành, nghĩa là vũ trụ sinh ra trời đất và con người ( thiên - địa - nhân) để tồn tại và phát triển và trong trời đất và con người thì có ngũ hành ( kim, mộc , thủy , hỏa, thổ). Giữa chúng còn có một quy luật tương sinh, tương khắc tuần hoàn không dứt.
a. Luật tương sinh trong trái dừa
Trái dừa cũng chính là một tiểu vũ trụ, khi nhìn vào trái dừa đã bóc hết lớp vỏ và sơ, ta thấy dừa có 3 mắt. Nếu không có 3 mắt này thì trái dừa không thể phát triển, vì nó chính là bộ phận duy trì sự sinh trưởng và phát triển duy trì nòi giống của trái dừa. Và đó chính là hệ thống triết lý tam tài, ngũ hành ứng với trái dừa. Hai mắt được xem là “thiên” và “địa”, có nhiệm vụ hút nước và chất dinh dưỡng vào trái dừa thông qua hai ống dẫn nằm dọc theo hai mắt dừa và mắt còn lại ứng với “nhân” làm nhiệm vụ tổng hợp, sinh trưởng và phát triển trái dừa.
Bằng trực giác cảm quan, quan sát trái dừa, ta thấy trái dừa có 5 lớp và thể hiện luật tương sinh của ngũ hành rất rõ:
a.1. Nước dừaThủy: có tính chất tàng chứa
Nước được hút từ thân dừa lên cuống dừa để vào sơ dừa. Vỏ dừa có nhiệm vụ quang hợp để tổng hợp dinh dưỡng cho nước dừa qua sơ dừa, nước sẽ được hút vào bên trong gáo dừa bằng hai ống dẫn nằm dưới hai mắt dừa (kim sinh thủy)
a.2. Cơm dừaMộc: có tính chất động, khởi đầu
Cơm dừa được hình thành trong quá trình nhũ hóa của nước dừa. Khi mới hình thành, cơm dừa mềm, sau đó cứng dần lên đến khi già và từ đó lên mộng để nảy mầm (thủy sinh mộc)
a.3. Gáo dừaHỏa: có tính chất nhiệt, phát triển
Gáo dừa phát triển song hành với cơm dừa từ dạng bột, chuyển hóa sang dạng sừng nên gáo dừa cứng dần để trở thành chất liệu quý mà không một loại gỗ nào sánh được. Khi gáo dừa hình thành có tác dụng cho cơm dừa bám vào thì nó lại tiếp tục nhận phần dầu từ cơm dừa để hóa sừng (mộc sinh hỏa)
a.4. Sơ dừaThổ: có tính chất nuôi dưỡng, sinh sản
Khi trái dừa hình thành, nó chỉ có phần vỏ và sơ và phôi dừa. Sơ dừa có nhiệm vụ hút nước và nhựa để nuôi cho phôi dừa phát triển thành gáo (hỏa sinh thổ)
a.5. Vỏ dừaKim: có tính chất thu lại
Vỏ dừa giữ cho trái dừa có 1 sự ổn định về hình dáng và có nhiệm vụ bảo vệ cho nước trong sơ dừa không bị thoát ra ngoài và chính lượng nước của xơ cũng đã nuôi cho vỏ dừa có màu xanh bóng (thổ sinh kim)
Như đã được trình bày khái quát ở phần cấu trúc của trái dừa, ta thấy có năm phần, tương ứng với ngũ hành bởi nó thể hiện sự tương sinh tương khắc của học thuyết này qua sự hỗ trợ, áp chế và cân bằng lẫn nhau để trái dừa tồn tại và phát triển. Mối tương khắc trong trái dừa chính là sự áp chế để cân bằng lẫn nhau và để tồn tại.
b. Luật tương khắc trong trái dừa
Trái dừa phát triển theo quy luật tự nhiên cũng không nằm ngoài luật tương khắc. Ta hãy xem sự tương khắc của nó sau đây:
b.1. Thủy (nước dừa) khắc hỏa (gáo dừa): Nước dừa được nhũ hóa để tạo thành cơm dừa, nhưng không tiếp xúc trực tiếp tới gáo dừa vì đã có lớp vỏ lụa ngăn cách và là nơi để cơm dừa bám vào trong quá trình nhũ hóa. Nếu không có lớp vỏ lụa này, quá trình nhũ hóa sẽ không thể xảy ra hoàn toàn. Gáo dừa khi còn non, cấu trúc rất mềm, nước dừa thấm vào, sẽ làm cho gáo dừa bị hỏng làm trái dừa bị thối.
b.2. Hỏa (gáo dừa) khắc kim (vỏ dừa): Khi gáo dừa bắt dầu chuyển sang giai đoạn sừng hóa, thì vỏ dừa cũng bắt đầu khô đi và mất dần sự bóng láng
b.3. Kim (vỏ dừa) khắc mộc (cơm dừa): Khi vỏ dừa khô đi là khả năng hút nước từ cuống dừa không còn nữa, nên lúc đó cơm dừa không còn phát triển mà bắt đầu ổn định để tích lũy dầu
b.4. Mộc (cơm dừa) khắc thổ (sơ dừa): Khi cơm dừa tích lũy dầu cũng là lúc sơ dừa khô dần, vì lúc đó trái dừa đã ngưng hoàn toàn quá trình hút nước.
b.5. Thổ (sơ dừa) khắc thủy (nước dừa): Sơ dừa khô đi là khả năng cung cấp nước cho trái dừa không còn xảy ra nữa, nước dừa lúc đó sẽ được tích vào cơm dừa để tích lũy dầu và chuẩn bị cho sự lên mầm, để tiếp tục cho 1 vòng sinh trưởng mới.

Thứ Ba, 24 tháng 2, 2009

Một vài chia sẻ với các bạn về dừa - Entry for February 24, 2009


SỰ TƯƠNG ĐỒNG ĐỘC ĐÁO GIỮA VÒNG SINH TRƯỞNG CỦA CON NGƯỜI VÀ TRÁI DỪA
Xét về quá trình phát triển của trái dừa, ta thấy có sự tương đồng khá độc đáo với con người. Ngay hoa dừa cũng là thể hiện sự gắn kết của một cộng đồng nguyên thủy gồm đực (nam) và cái (nữ) và tính thụ phấn chéo khiến ta liên tưởng tới mối quan hệ huyết thống của con người vậy.
Bào thai người phát triển tới tháng thứ sáu thì hoàn thiện và trái dừa khi tới tháng thứ sáu cũng hoàn chỉnh phần cơm dừa.
Đến tháng thứ chín, bào thai được sinh ra, thì tháng thứ chín gáo dừa bắt đầu sừng hóa nghĩa là cơm dừa bắt đầu cứng và tích lũy dầu.
Sang tháng thứ mười một, trái dừa có khả năng lên mầm để duy trì vòng sinh trưởng thì con người ở vào độ tuổi thứ 10 - 11 trở đi, sinh lý cũng đã bắt đầu hoàn thiện và có khả năng duy trì và phát triển nòi giống. Lúc bấy giờ gáo dừa đã sừng hóa hoàn toàn, có màu nâu xẫm và bền với thời gian.
Tại sao chúng tôi lại chia chu kỳ phát triển của trái dừa ra làm ba giai đoạn?
Vì đó chính là 3 cột mốc của sự phát triển của trái dừa cũng như sự trưởng thành của con người.
Với con người cũng vậy. Khi mới bước vào đời, với kiến thức non nớt, người ta dễ ngộ nhận khả năng của mình, nên thường có những việc làm nông nỗi dễ mắc sai lầm, dễ bị tổn thương và thậm chí có thể làm hại cả tương lai. Và đó cũng chính là cột mốc đầu tiên của trái dừa khi mới hoàn thiện phần cơm dừa, lúc đó cơm dừa còn đang mềm nhão, nước dừa chưa được ngọt, gáo dừa bắt đầu cứng, nhưng chưa chuyển hóa thành sừng, nên dễ bị móp méo và mục rữa trong môi trường thiên nhiên.
Cột mốc thứ hai của con người chính là ở lứa tuổi lập thân (khoảng trên 30 tuổi) với những tích lũy kiến thức từ nhà trường và cuộc sống, người ta đã vững vàng hơn, nhiệt tình cao hơn và khả năng cống hiến cũng nhiều hơn. Thì trái dừa ở giai đoạn này cũng đã cho ta nước ngọt hơn, cơm dừa béo mềm và gáo dừa trổ hoa trong quá trình sừng hóa. Vào giai đoạn này, gáo dừa đẹp nhất và bắt đầu có sự bền vững trong quá trình sừng hóa. Quá trình sừng hóa của gáo dừa theo nguyên tắc vết dầu loang, nên tạo ra những hoa văn hoàn toàn khác nhau. Cũng như con người khi tiếp thu kiến thức, kinh nghiệm, va chạm cuộc sống và trưởng thành về nhân cách cũng theo nguyên tắc của vết dầu loang này.
Cột mốc thứ ba chính là lúc con người trưởng thành. Bằng bề dày kinh nghiệm của cuộc sống và vốn kiến thức được tích lũy, người ta đã có thể tồn tại vững vàng dù cho cuộc sống có nhiều thay đổi do bản lĩnh được tôi luyện qua năm tháng. Và cũng ở thời điểm này thì nước dừa cũng đã có gas, cơm dừa có thể ép dầu được, còn chiếc gáo dừa thì đã sừng hóa hoàn toàn và có thể tồn tại theo thời gian.
Khả năng ứng dụng của chiếc gáo dừa từ lúc bắt đầu ra hoa (bắt đầu sừng hóa) cho đến khi sừng hóa hoàn toàn. Bắt đầu từ giai đoạn thứ hai của sự phát triển, chiếc gáo dừa có thể sử dụng được. Tuỳ vào khả năng tay nghề và ý tưởng sản phẩm, người thợ thủ công hoặc nghệ nhân có thể chế tác ra những sản phẩm khác nhau với sự tinh tế khác nhau. Cùng 1 sản phẩm, người ta có thể thể hiện những dạng ma-che khác nhau để tạo sự thô mộc hay bóng loáng tùy theo sở thích và cảm nhận của họ. Và mỗi sản phẩm ấy sẽ có một giá trị sử dụng khác nhau và giá trị vật chất khác nhau.
Đó chính là con người.
Mỗi sản phẩm được tạo ra chính là một con người thể hiện giá trị của mình ở những góc độ khác nhau. Với những người ít suy nghĩ, thiếu tính năng động chủ quan, khả năng sáng tạo sẽ thấp, họ thể hiện mình ở những sản phẩm đơn giản, những người năng động hơn, sẽ thể hiện mình ở những sản phẩm phức tạp hơn. Tùy theo từng tính cách, những sản phẩm đó thô mộc hay bóng bẩy, nhưng nó cũng chỉ thể hiện mình ở những đẳng cấp nhất định.
Quá trình phát triển sinh học của trái dừa và con người, ở một góc độ nhất định, ta thấy có sự tương đồng hết sức độc đáo và thú vị. Từ những nghiên cứu ứng dụng, khiến cho chúng tôi hiểu thêm được rất nhiều điều trong cuộc cuộc sống, đó là khả năng khám phá bản thân và cách thể hiện, cách ứng xử ở bản thân của mỗi con người, sẽ tạo cho mỗi người chúng ta một giá trị và vị trí khác nhau trong trong xã hội.
( Trích 1 phần trong đề tài nghiên cứu về Dừa của phù thủy)