Trang

Thứ Ba, 20 tháng 11, 2007

Bức tranh DỪA được chào bán khi chỉ là ý tưởng


Thật vinh dự khi được Ban tổ chức Sàn GD Ý tưởng VN đã tạo điều kiện cho tôi được lên sàn giao dịch Ý tưởng VN lần đầu tiên tổ chức tại Hà nội để giới thiệu ý tưởng và mời gọi đầu tư cho ý tưởng. Sản phẩm lên sàn của tôi hôm nay là bức tranh “Chân dung Bác Tôn và quê hương An Giang” đăng ký kỷ lục Việt nam: Bức tranh bằng gáo dừa về Bác Tôn đầu tiên và lớn nhất Việt Nam, nhân kỷ niêm 120 năm ngày sinh của Chủ tịch Tôn Đức Thắng.
Là người được sinh ra và lớn lên ở Saigon, chỉ biết đến cái gáo dừa qua tên gọi, nhưng khi được nhìn thấy và cầm chiếc gáo dừa đã được chế tác thành hàng mỹ nghệ trong tay, tôi như bị hút hồn vào nó như 1 kẻ si tình và đã gần 10 năm tôi lăn lóc miệt mài để cố gắng đánh thức nó dậy bằng nhiệt huyết của lòng mình và sự nỗ lực đó đựợc đánh dấu bằng 2 giải thưởng sáng tạo KHKT tp HCM 2 năm 2003 và 2004 cho đến hôm nay, chỉ xuất được những lô hàng nội thất trị giá hơn trăm triệu chứ chưa có những lô hàng lớn, và bước đầu đã được các thị trường: Mỹ, Singapore, Đức và Pháp chấp nhận. Trong quá trình nghiên cứu vật liệu phẳng từ gáo dừa, tôi đã tình cờ phát hiện ra sự lung linh huyền ảo và sống động của sự chuyển đổi sắc độ trong quá trình sừng hoá của chiếc gáo dừa và cũng từ đó tôi phát hiện ra rằng chiếc gáo dừa cũng có triết lý riêng của nó, một triết lý của sự sống và phát triển.Tuổi đời của trái dừa từ khi ra hoa cho đến khi chín già rụng xuống là 1 năm, trong 1 năm đó sự chuyển mình hoá sừng của nó không khác gì sự phát triển của 1 đời người cả. Vòng đời của trái dừa cũng như vòng đời của mỗi người chúng ta, cũng non tơ nhạt nhẽo, cũng đậm đà béo thơm, cũng nồng nàn men say, cũng lung linh huyền diệu và cuối cùng sẽ vững bền theo thời gian khi đã chín và hoá sừng hoàn toàn.
Gáo dừa là 1 loại gỗ đặc biệt ở dạng sừng hoá, không bị mối mọt, không bị mục ruỗng trong môi trường ẩm thấp mà các loại vật liệu khác (trừ đá) đều bị hư hại. Giai đoạn sừng hoá của chiếc gáo dừa ở từng thời kỳ chính là căn cứ để xác định độ tuổi của trái dừa, sự phân định màu sắc của chiếc gáo dừa từ màu trắng ngà cho đến nâu sậm cho thấy rằng sự chuyển đổi màu sắc của chiếc gáo dừa để thể hiện tranh hết sức mong manh, vì nó được chuyển hoá theo nhịp sinh học phát triển của trái dừa theo nguyên tắc vết dầu loang. Đó chính là yếu tố tạo nên sự huyền ảo đáng kinh ngạc của gáo dừa cho sự ứng dụng vào tranh nghệ thuật.
Và đây cũng chính là phần quan trọng nhất trong bộ ý tưởng “Đánh thức gáo dừa” của chúng tôi nhằm tôn vinh sự thức dậy của chiếc gáo dừa, qua những đôi tay tài hoa khéo léo của các nghệ nhân và hoạ sỹ VN. Một ý nghĩa lớn hơn đó là thông qua sự thức dậy này của chiếc gáo dừa, chúng tôi muốn đựơc giới thiệu với chúng ta một dòng tranh mới của Việtnam, đó là tranh gáo dừa, nét đắc sắc của một chất liệu mang tính văn hoá truyền thống và nhân văn sâu sắc của Dân tộc Việt nam. Tính nhân văn đây chính là sự nghiên cứu và sáng tạo không ngừng bởi đôi tay khéo léo của các nghệ nhân và sự bóc tách tìm sắc độ của hoạ sỹ cho loại chất liệu mộc mạc quý giá này. Bên cạnh đó, chúng tôi vô cùng mong muốn có được sự ủng hộ của quý vị cho sự đánh thức gáo dừa này của chúng tôi để sản phẩm gáo dừa trở thành sản phẩm đặc trưng cho văn hoá Việt mà đã từ lau rồi nó bị bỏ quên.
Thông thường để thực hiện 1 bức tranh, người hoạ sỹ dùng bút, dùng cọ và phần lớn không động đến máy móc. Nhưng để làm 1 bức tranh dừa ngoài việc dùng bút để phác thảo, phần còn lại phải sử dụng cưa, kềm và 1 số thiết bị khác. Khi tạo hồn cho bức tranh, đòi hỏi người hoạ sỹ phải sử dụng thành thạo những loại máy cầm tay và biết ứng dụng từng loại mũi phay, mũi khoan, . . .như thế nào để phù hợp với chi tiết cần thể hiện.
Tuy nhiên quan trọng hơn hết vẫn là sự xác định sắc độ chất liệu, bởi tranh gáo dừa không có sự can thiệp của bất cứ 1 loại màu sắc nhân tạo nào từ bên ngoài mà chỉ dùng màu sắc gáo dừa thiên nhiên ở từng độ tuổi khác nhau sẽ có những sắc độ, hoa văn khác nhau để chuyển tải nội dung tranh mà hoạ sỹ cần thể hiện.
Với hàng vạn mảnh gáo dừa đủ màu sắc độ tuổi qua bàn tay nghê thuật của các nghệ nhân, vùng quê thân yêu An Giang với thiên nhiên phóng khoáng, trù phú truyền thống lịch sử lâu đời, sự phát triển vững mạnh của công nghiệp hoá, hiện đại hoá đi lên hội nhập được tái hiện rõ nét. Đặc biệt hình ảnh chân thật bình dị nhưng cũng rất hào hùng của Cố Chủ tịch Tôn Đức Thắng chiếm một vị trí quan trọng trên toàn bộ tác phẩm, hình ảnh Người như một nguời cha, nguời Anh đang vẫy gọi, thúc giục, nhắc nhỡ lớp lớp con cháu : Hãy phát huy truyền thống cách mạng của cha anh, khắc phục khó khăn gian khó, phát huy truyền thống cách mạng quyết tâm xây dựng miền quê An Giang thành một vùng quê giàu đẹp, yên bình.

Thứ Năm, 25 tháng 10, 2007

KÝ ỨC TUỔI THƠ- Sau đêm mưa mùa Hạ


Sau đêm mưa mùa Hạ
Cho đến bây giờ, tôi vẫn không thể quên được cảm giác xốn xao ngày ấy, cái ngày mà lần đầu tiên tôi nhìn thấy buổi bình minh sau đêm mưa mùa hạ của miền đồi trung du Vĩnh Phú. Mặt trời đang lên, chiếu những tia nắng rực rỡ xuống dòng suối nhỏ ngập tràn hoa trẩu* trắng. Phải chăng đó là những rung động đầu tiên trong đời tôi trước cảnh thiên nhiên thơ mộng ấy.
Trường tôi học, ngôi trường dành riêng cho học sinh Miền Nam, với những dãy nhà đơn sơ đựơc lợp bằng giấy dầu nằm trải dài bên bờ suối nhỏ dưới chân núi Tam Đảo. Chúng tôi đã cùng nhau sống trong tình yêu thương của thày cô giáo và của nhau, những đứa trẻ xa quê hương vừa rời đất lửa để được sống trong những ngày êm ả giữa hậu phương Miền Bắc, nơi ươm mầm cho những “hạt giống đỏ Miền Nam”.
Sáng hôm đó, vâng, đó chính là lần đầu tiên trong đời tôi gần như choáng ngợp. Những hòn đá mới chiều hôm qua thôi, nó đen xỉn đến đáng thương, lặng lẽ nằm nhấp nhô trên dòng suối nhỏ. Vậy mà gìơ đây, chỉ qua một đêm, sau đêm mưa mùa hạ, nó bỗng lấp lánh, lấp lánh dưới ánh bình minh như những viên ngọc đính trên chiếc thảm trắng tinh được dệt nên từ những cánh hoa trẩu trắng lung linh.
Rồi cũng từ đó, từ đó tôi thấy mình như đang dần thay đổi. Chợt vui đó, chợt buồn đó, chợt bâng khuâng, bâng đến thẫn thờ với một cơn gió thoảng, một cánh hoa rơi, một buổi trưa hè lặng gió. . . Những ngịch ngợm, những vòi vĩnh và phụng phịu không đâu đối với các anh chị trong lớp cũng từ từ lắng xuống. Và tôi thường nghĩ nhiều hơn về những gì mình đã làm và những điều đã qua.
. . . . .
Là một cô bé được sinh ra và lớn lên giữa Saigon, một thành phố mà nơi này xa hoa tráng lệ, góc kia ổ chuột tối tăm, tôi đã sớm nhìn thấy những cảnh đời trái ngược. Đến khi quân viễn chinh Mỹ bắt đầu có mặt tại Saigon, như bao đứa trẻ khác, tôi cũng hoan hô, cũng thích thú nhấm nháp những viên kẹo Mỹ với những hương vị lạ ngon lành, những hộp phô ma béo ngậy. . . Song những chiếc kẹo kia, những hộp bánh nọ cũng sớm kém phần hấp dẫn bởi những cái đá đít dành cho những đứa trẻ đánh giày, những trò đùa thô bạo đối với các chị nữ sinh trên đường, những tai nạn giao thông do quân Mỹ để lại trên đường phố Saigon, . . . và trên mặt báo bắt đầu có từ “lính Mẽo”.
Mười ba tuổi, tôi xa nhà tham gia cách mạng. Rời vòng tay yêu thương của mẹ cha, rời nệm ấm chăn êm, tôi ra đi không một chút đắn đo. Bởi ngoài kia, nơi chiến trường khói lửa, tôi có người chị Hai yêu dấu chẳng quản hiểm nguy, chẳng nề gian khổ, bằng đôi tay và lòng nhân ái đang ngày đêm chăm sóc vết thương cho đồng đội và chị Ba luôn túc trực bên máy điện đàm để săn dò những tin tức, dịch những mật khẩu của quân Mỹ chuẩn bị cho những cuộc hành quân càn quét giết hại dân mình.
Lăn lóc nơi rừng xanh núi đỏ với những trận sốt rét rừng đến đi không nổi, cùng đồng đội san sẻ từng hạt muối, từng cánh rau rừng trong những trận càn ác liệt, chúng tôi đã sống và chiến đấu bên nhau bằng cả trái tim mình. Rồi những tin tức chẳng lành dồn dập đến. Chị Hai bị thương, cha mẹ bị bắt giam, các em thơ bơ vơ giữa chốn thị thành. Chưa kịp hoàn hồn với những hung tin đó, thì tôi được phân công ra Miền Bắc học tập. Thêm một lần chia tay, lần chia tay này trong tôi biết bao khắc khoải. Và tôi đã khóc, khóc rất nhiều trong vòng tay đồng đội.
Rồi những tháng ngày vượt Trường Sơn cùng bạn bè trang lứa đã trả lại cho tôi phần nào tính hồn nhiên của trẻ thơ, với những trò đùa, những trận cười nứt bụng vì những điều ngớ ngẩn hoặc những giận hờn vì một câu đùa, một lời trêu chọc không đâu.
. . . . .
Tuổi mười sáu đến với tôi là thế đó. Khi vui, khi buồn, khi nhớ gia đình, nhớ đồng đội và tự vấn mình. Từ đó mới hay rằng mình đã bắt đầu từ giã tuổi thơ. Tôi đã từ giã tuổi thơ với những khoảnh khắc vui buồn, vui buồn với chính mình, kể từ sau đêm mưa mùa hạ với dòng suối nhỏ ngập tràn hoa trẩu trắng trôi xuôi. . . .
-Hè 1994-
(6.07.1994)

________________
* Trẩu: là tên một loại cây công nghiệp, hạt dùng để ép dầu.

Thứ Ba, 9 tháng 10, 2007

CHO CÁC CON


CHO TÍ CÒ

Chỉ ước mơ nho nhỏ
Mẹ vẫn dành cho con
Bé thương yêu cuả mẹ
Giống ba nhiều con nhé
7.12.1981

CHO CU BI
(Lời Cu Bi)
Mưa rơi ướt tay mẹ
Mưa rơi ướt tóc con”
Lời bé yêu của mẹ
Là lời thơ vở lòng
-1988-

CHO Ý NHI

Con gái cưng của mẹ
Có đôi mắt tròn xoe
Đôi đồng tiền má lúm
Mỗi khi cười xinh ghê
-2.1993-
****


“Mẹ đâu rồi ?”
“Mẹ đâu rồi ?”
Bé mẹ đang tập nói
Khi chẳng thấy mẹ đâu
Và cả khi mẹ đó
Vẫn hỏi
“Mẹ đâu rồi?” -31.08.93-

Thứ Hai, 1 tháng 10, 2007

XÔN XAO


XÔN XAO

Nắng xôn xao
Theo tà áo trắng
Em đã vẽ cho đời
Bóng nắng xôn xao
Nắng xôn xao
Theo tà áo trắng
Bóng em làm
Lòng anh xôn xao
Nắng xôn xao
Lòng xôn xao
Xôn xao
xôn xao . . .
Saigon:10/91

Thứ Sáu, 28 tháng 9, 2007

DẤU ẤN ĐƯỜNG ĐỜI


Trên đường đời ngang dọc
Mang nặng bụi trần gian
Những dấu chân đậm nhạt
Vẫn ngược xuôi không dừng
*******
Cảm thán về vụ xập cầu Cần thơ với những dấu chân người thợ và nhà thầu.
Họ sẽ đi đâu về đâu khi cùng song hành trên đường đời ngang dọc?

Thứ Sáu, 21 tháng 9, 2007

Cảm tác chiều mưa


Mưa!
Mưa!
Mưa!
Mưa!
Mưa!
Mỗi giọt mưa rơi một giọt buồn
Ai ngồi lặng lẽ ngó mưa tuôn
Ai đang quạnh quẽ trong trời đất
Sẽ hiểu chiều mưa
Rơi!
Rơi!
Rơi!
Rơi!
************
Mưa buồn rơi nữa chi mưa
Để ai cứ mãi ngẩn ngơ đất trời

Thứ Tư, 19 tháng 9, 2007

Mưa


Em sẽ nhớ hoài
Đêm mưa
Chúng ta đi bên nhau
Dưới ô
Dìu em
Khi em trơn bước
Và em dỗi hờn
Trong vòng tay anh?
***
Em sẽ nhớ hoài
Đêm mưa
Chúng ta đi bên nhau
Dưới ô
Em thẹn thùng
Nghe tim anh rộn rã
Em ngại ngùng
Chờ a nói
Chữ YÊU
***
Em sẽ nhớ hoài
Đêm mưa
Chúng ta đi bên nhau
Dưới ô
Em sẽ nhớ hoài
Đêm mưa
Chúng ta đi bên nhau
Dưới ô . . .
Tashkent 4/1979
Mưa ngày ấy, em thẹn thùng e ấp
Mưa bây giờ nhuốm bụi thời gian . . .

Thứ Hai, 17 tháng 9, 2007

CUỘC ĐỜI VÀ DÒNG SÔNG


CUỘC ĐỜI VÀ DÒNG SÔNG
***
Một dòng sông,
Một kiếp người
Sông lặng lẽ trôi
Sông rú gầm
Khi qua ghềnh thác
Và rồi lại hiền hòa
Đổ về biển khơi.
Như cuộc đời tôi
Cũng bao sóng gió
Rồi lại dịu êm
Hiền hòa trôi
theo dòng đời
12.1988

Thứ Năm, 13 tháng 9, 2007

THỰC và ẢO


Cảm động biết bao cho thế giới ảo này
Tuy nói ảo nhưng đã là rất thật
Để mọi người cùng được sẻ chia
Để chúng ta ai cũng được vỗ về
Trong cay đắng giữa cuộc đời rất thật
****
Cám ơn các bạn thật nhiều khi tôi nhận được những lời động viên thăm hỏi rất chân tình trong lúc sức khỏe và tâm trạng bất ổn. Những sẻ chia từ các bạn đã làm cho lòng tôi ấm lại. Các bạn đã cho tôi hiểu rằng 2 thế giới thật ảo này đang hòa quyện cùng nhau và rất đời, rất người.

Thứ Hai, 10 tháng 9, 2007

Hụt hẫng


Giữa cuộc đời thật giả
Tôi một mình chơi vơi
Tìm nơi đâu điểm tựa
Tìm nơi đâu bến bờ . . .
***
Ai đứng trước bão giông cuộc sống
Mới hiểu hơn giá trị thực trên đời

Chủ Nhật, 9 tháng 9, 2007

Chiều, sau cơn mưa. . .


Ai lặng lẽ một mình xiêu vẹo
Trước bão giông của khoảnh khắc cuộc đời
***
Đôi lúc muốn trải lòng để cuộc sống nhẹ nhàng hơn, nhưng không phải lúc nào sự trải lòng cũng được sẻ chia.
Có người thông cảm, có người lên án, có người thương hại, có người cười cợt, thậm chí cũng có người cười khẩy, . . .
Thế mới hiểu được thế thái nhân tình.
Thế mới hiểu được cuộc sống này với 1 sự việc mà bao ý nghĩ trái ngược và bao ý nghĩ đồng cảm.
Đó là quan điểm và đó chính là "TẦM" của mỗi người bạn ạ.

Thứ Tư, 5 tháng 9, 2007

THU . . .


Bệnh viện
Lá vàng
Rơi
Cuộc đời tôi
Phải chăng cũng là chiếc
_____
Tashkent 1978

Thứ Ba, 4 tháng 9, 2007

HUYỀN DIỆU


Trăng sáng, trăng trong
Lung linh huyền diệu
Hãy soi rõ
Cuộc đời này
Bằng ánh sáng
Huyền diệu
Lung linh
. . . .
30.3.94

Thứ Hai, 3 tháng 9, 2007

Chùm thơ THIÊN NHIÊN


Bình minh hé nụ cười
Giọt nắng lung linh nhảy múa
Theo tiếng chích choè
Ngọn gió thoảng đùa vui
*
Chuồn chuồn nhỏ
Bay xuôi bờ ruộng nhỏ
Rượt bắt chuồn chuồn
Ngọn gió đuổi theo sau
*
Chiều gió mạnh
Ngọn sóng xô xao xác
Chiếc thuyền con
Bị sóng lắc chòng chành
*
Hoàng hôn xuống
Trên dòng sông phẳng lặng
Cô đơn chiều
Con sáo nhỏ lặng thinh

Chủ Nhật, 2 tháng 9, 2007

MÀU TÌNH YÊU?


Tình yêu có màu gì?
Trong đêm dài vô tận
Con tim có hình gì?
Trong tận cùng nỗi đau

Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2007

CHỚ VỘI





Con bò gặm cỏ
Thủng thỉnh từ từ
Rồi cũng no
*

Thời gian trôi đi
Từng giờ,
Từng giờ
Mà ta vẫn lớn
*

Trái đất quay tròn
Quay tròn
365 ngày
Cũng hết một vòng
*

Ta hãy đi
Từng bước,
Từng bước
Vững vàng
Rồi sẽ đến
Nhưng khi đã đến rồi
Xin chớ vội cười vang
30.3.94

Thứ Tư, 29 tháng 8, 2007

TRIẾT LÝ TÌNH YÊU

Một tình yêu
Tình yêu từ tâm hồn lãng mạn
Chỉ nhẹ nhàng như thoảng hương bay.

*
Một tình yêu
Tình yêu từ con người nông cạn
Chẳng là gì,
Chỉ đơn giản thấy yêu.
*
Một tình yêu
Tình yêu từ sâu thẳm
Là cả cuộc đời
ta dành trọn cho nhau.
11.12.91

Thứ Hai, 27 tháng 8, 2007

RAY RỨT


Con còn ray rứt băn khoăn
Vì chưa trọn đạo làm con với mẹ
Bởi con còn bươn trải
Với cuộc sống này
Với vợ dại
con thơ
30.3.94

Thứ Năm, 23 tháng 8, 2007

ĐÔI ĐIỀU MUỐN NÓI


Các bạn sinh viên thân thương,
Trở lại giảng đường Đại học, khi tôi sắp tuổi tứ tuần. Ở tuổi này thường mẹ và con cùng chung lớp học, và tôi vẫn cắp sách đến trường với bao điều trăn trở. Mong được học hành bù đắp những thiếu hụt đã qua.
Bởi ở tuổi mười ba, tôi đã xa nhà tham gia kháng chiến. Thấy bao cảnh tóc tang dưới bom đạn giặc thù. Các bạn giờ đây nào thấu hiểu, cảnh đứt ruột mẹ phải tự giết con mình vì lợi ích chung. Anh thương binh trên bàn mổ không một mũi thuốc tê, sau khi mổ xin cho mình một phút thôi, được khóc. Và các bạn nào thấu hiểu một người con, phải ngồi đó cắn răng xem cha mình bị giặc thù tra tấn, hòng khai ra kế hoạch của sư đoàn chuẩn bị vào trận đánh. Và mẹ tiễn con, vợ tiễn chồng vào chốn đạn bom ...
Có nỗi khổ đau nào hơn, nỗi ray rứt nào hơn khi non nước đang bị ngoại xâm dày xéo. Và vì thế mà biết bao người chỉ biết tiễn nhau đi, để không bao giờ lại được đón nhau về. . .
Ngày nay, các bạn ơi cuộc đời đã khác, hãy tự vươn lên bằng chính sức cuả mình. Để bù đắp lại những gì mà những người ngã xuống, đã chẳng kịp làm cho đất nước hôm nay.
26.10.93

Thứ Hai, 20 tháng 8, 2007

CŨNG LÀ MỘT TÌNH YÊU


Em đọc lại những vần thơ anh gửi
Tiếc nuối ngày xưa, khoảnh khắc diệu kỳ
Tiếc tình yêu, những nhung nhớ vơi đầy
Tiếc cảm giác mơ hồ nhưng rất thật
***
…..Em hụt hẫng bỗng hóa thành điên dại
Gào thét tìm trong đêm vắng cuồng hoang
Anh lạnh lẽo nhẫn tàn quay lưng lại
Vứt bỏ mặc em đau đớn dại khờ …..
***
Cũng từ đó, em cố mình tĩnh lại
Dù trong lòng luôn đau rát hờn ghen
Em vẫn lặng mình trong những đêm đen
Và sợ hãi khi trời chiều buông xuống