Trang

Chủ Nhật, 14 tháng 11, 2010

HẠNH PHÚC BIẾT BAO

Hạnh phúc biết bao khi nguyện vọng lớn nhất của PT cho cây dừa sắp thành hiện thực.
Vâng, chiều nay, thật tình cờ khi gọi điện cho 1 người bạn cũ thì nghe chị nói rằng đang ở Bến Tre và có 1 anh tên Hữu Vinh đang chuẩn bị làm phim tài liệu về dừa. Thấy cái tên hổng gợi cho ta điều chi “nhung nhớ” cũng ừ ừ cho qua, nhưng  PT cũng trộm nghĩ: Bến Tre làm phim về dừa thì đó là điều cần thiết.
 Một lúc sau thì nhân vật có tên Hữu Vinh ấy gọi cho PT và rằng: Trước đây tôi làm ở Đài phát thanh truyền hình Bến Tre, nay được điều về Bộ truyền thông và chuẩn bị làm phim về VĂN HÓA DỪA để giới thiệu với bạn bè 5 châu về cây dừa Việt Nam. Sáng thứ hai, tôi sẽ làm việc với UBND tỉnh Bến Tre về bộ phim này. Tôi đã biết chị nhiều qua những thông tin trên mạng,…
Nghe thình lình quá, nên PT bị “choáng” và không biết nói sao, chỉ biết rằng lúc ấy PT xúc động thực sự. Vậy là điều mong ước của mình bấy lâu, nay sắp thành hiện thực. Sau đó PT nhắn tin chúc mừng và nói lên cái sự “choáng” của mình rằng: Bộ Truyền thông làm phim này là quá hay, trong khi điều này (Văn hóa dừa) mình đã đề cập với Bộ Văn hóa Thể Thao Du Lịch mấy lần rồi, nhưng không được quan tâm mà còn bị cười rằng mình quá “đam mê” nên đã lạm dụng từ văn hóa để nói về dừa.
Không cam chịu, nên sau khi bị cười cợt, PT đã đăng ký với Bộ VHTTDL đề tài nghiên cứu: “Dừa trong văn hóa dân gian Việt Nam”, nhưng cũng bị bác bỏ.
Lại “cố chấp”, PT làm “la phan” 2 tham luận về dừa trong 2 buổi hội thảo về Ngàn năm Thăng Long. Tại thành phố Hồ Chí Minh thì tham luận mang tên: “Tìm lại nguồn gốc địa danh Ô chợ Dừa nhân Đại lễ ngàn năm”, như 1 món quà mà thành phố Hồ Chí Minh gửi mừng đại lễ. Và tham luận thứ 2 ở Hải Dương: “ Bánh gai Làng Giá, sức lan tỏa của văn hóa ẩm thực” (bởi trong nhân của bánh gai có dừa). Và trong 2 đề tài ấy, PT đều nói rằng đó là nhiệm vụ của Ban văn hóa du lịch của HH Dừa VN phải có trách nhiệm phải “mần”.
Sau đó thì cố gần 2 giờ đồng hồ để ngồi nói chuyện với Phó Giáo sư Tiến sỹ Trần Lâm Biền (Hội đồng khoa học của Bộ VHTTDL) người bác bỏ ngay từ đầu đề tài nghiên cứu của mình và hỏi rằng: “ Dừa chẳng có gì để nói. Cô làm đề tài này với mục đích gì?”. Cố thuyết phục,  rồi vị Tiến sỹ này đã đồng ý nghe PT nói về dừa và cuối cùng đã nói:  “Cô là người nổ phát súng đầu tiên về dừa, hãy liên hệ với thầy Ái, hiệu trưởng trường ĐH Văn hóa TP HCM làm đề tài này”. Đó chính là niềm vui “bự” trong đợt công tác Hà Nội của mình vừa qua.
Quả thực để làm được điều mình mong muốn, nhằm phục vụ cho đất nước cũng không phải là dễ.  
Và hôm nay, khi được mời làm cố vấn cho bộ phim này thì PT hết sức vui mừng. Bởi nguyện vọng của PT nay sắp thành sự thật.
Các bạn ơi! PT thấy giờ đây mình là người hạnh phúc nhất trên đời! Hị hị…

Thứ Bảy, 8 tháng 5, 2010

Yêu quá gáo dừa ơi!



Yêu quá gáo dừa ơi!
May 8, '10 7:48 PM
for everyone
Một đêm sắp qua.
Công việc mới giải quyết được 1 nửa.
Thôi thì tạm gác nửa còn lại để thư giãn với sự yêu đời của nửa đêm về sáng.
Đây cũng là món quà tự thưởng cho mình.
Mấy ngày qua, bộn bề công việc với lấp lánh niềm vui sẽ có đơn đặt hàng xuất khẩu và gáo dừa sẽ có mặt trong 1 tổ hợp khách sạn hoành tráng tại thủ đô Hà Nội với vai trò trang trí nội thất.
Sau những những thắc mắc về chất lượng sản phẩm là thỏa thuận về điều kiện hậu mãi, giờ đây PT chỉ còn chờ việc thỏa thuận giá cả từ phía khách hàng với nhau và đơn đặt hàng chính thức từ nước ngoài. Một coffee-house network (chuỗi quán cà phê) sẽ được sử dụng mặt bàn được làm từ dừa.
Sau những trao đổi và gửi mẫu, PT sắp xếp thời gian để  gặp khách hàng, chuẩn bị đàm phán giá cả và chứng minh năng lực sản xuất với 1 tổ hợp khách sạn do nước ngoài đầu tư tại HN.
Không biết thế nào, nhưng ta cứ yêu đời và hy vọng.
Yêu đời ở đây chính là sản phẩm sau nhiều năm nghiên cứu của PT đã được thị trường quốc tế quan tâm.
Hy vọng đây là sẽ tạo được việc làm cho trẻ khuyết tật và cô nhi tỉnh Vĩnh Long, 1 cơ sở của người khuyết tật tại Kiên Giang và 1 số cơ sở gia công gáo dừa tại Bến Tre.
Tâm nguyện của PT cho ngành vật liệu gáo dừa tròn 10 năm nghiên cứu là được thị trường thế giới công nhận để tạo được công ăn việc làm cho trẻ mồi côi và người khuyết tật và khẳng định vị trí của cây dừa trong lịch sử phát triển của Việt Nam. Trong chiến tranh dừa đã luôn đồng hành cùng quân và dân ta chống giặc ngoại xâm, hòa bình lập lại, gáo dừa sẽ là 1 sản phẩm có giá trị xuất khẩu cao bởi sự quý giá của nó, đó là cellulose (bột gỗ) ở dạng sừng hóa.
Có phải gáo dừa lại là loại vật liệu quý mà bây giờ PT mới phát hiện ra?
Thưa không. Gáo dừa là loại vật liệu quý mà tự ngàn xưa ông bà mình đã hiểu được giá trị thực của nó, nên đã dùng gáo dừa để làm nên câu ngạn ngữ: “Lành làm gáo, vỡ làm muôi” để dạy dỗ con cháu hãy sống làm người có ích. Nghĩa là chiếc gáo dừa dù nguyên vẹn hay nứt vỡ cũng có thể sử dụng được. Quan trọng hơn, đó là càng sử dụng, gáo dừa càng bóng, càng đẹp. Có phải chăng ông cha ta đã muốn nhắc nhở con cháu rằng, chỉ có lao động cống hiến, con người mới trở nên hoàn mỹ và bất kỳ sự cống hiến nào nhỏ hay lớn tùy vào năng lực và trình độ của mỗi người cũng đều đưa ta tới vinh quang.
        ( Bức tranh "Điểm tựa" do PT phác thảo được bán với giá 2.500USD và tặng toàn bộ số tiền trên cho quỹ bảo trợ bệnh nhân nghèo TP HCM năm 2004)
Sẽ có 1 xưởng  dừa tại Nhơn Trạch, bởi nơi ấy chỉ cách nhà PT gần 20 km với diện tích rộng hơn xưởng Củ Chi và lực lượng công nhân tại chỗ thuận lợi hơn. Đó là những yếu tố cần và đủ cho 1 ngành vật liệu non trẻ trên thế giới.
Khi nói đây là ngành vật liệu non trẻ trên thế giới, hẳn các bạn sẽ cho rằng PT quá cao ngạo?
Xin thưa rằng không!
Bởi với ý tưởng điên rồ là đưa gáo dừa về mặt phẳng để phát huy được thế mạnh từ nguồn nguyên liệu vô tận của thiên nhiên đồng thời khẳng định giá trị bền vững và nhân văn của 1 loại vật liệu quý bị ngủ quên cần được đánh thức, PT đã dành biết bao công sức và tiền của cho nó. Hôm nay chiếc gáo dừa đã thức dậy thực sự bởi sự quan tâm cụ thể của người tiêu dùng trên thế giới khi hiểu được tác hại của sự tàn phá môi trường.