Sau đêm mưa
mùa Hạ
Cho đến bây giờ,
tôi vẫn không thể quên được cảm giác xốn xao ngày ấy, cái ngày mà lần đầu tiên
tôi nhìn thấy buổi bình minh sau đêm mưa mùa hạ của miền đồi trung du Vĩnh Phú.
Mặt trời đang lên, chiếu những tia nắng rực rỡ xuống dòng suối nhỏ ngập tràn hoa
trẩu* trắng. Phải chăng đó là những rung động đầu tiên trong đời tôi trước cảnh
thiên nhiên thơ mộng ấy.
Trường tôi học, ngôi trường dành riêng cho học sinh Miền Nam, với những
dãy nhà đơn sơ đựơc lợp bằng giấy dầu nằm trải dài bên bờ suối nhỏ dưới chân núi
Tam Đảo. Chúng tôi đã cùng nhau sống trong tình yêu thương của thày cô giáo và
của nhau, những đứa trẻ xa quê hương vừa rời đất lửa để được sống trong những
ngày êm ả giữa hậu phương Miền Bắc, nơi ươm mầm cho những “hạt giống đỏ Miền
Nam”.
Sáng hôm đó, vâng,
đó chính là lần đầu tiên trong đời tôi gần như choáng ngợp. Những hòn đá mới
chiều hôm qua thôi, nó đen xỉn đến đáng thương, lặng lẽ nằm nhấp nhô trên dòng
suối nhỏ. Vậy mà gìơ đây, chỉ qua một đêm, sau đêm mưa mùa hạ, nó bỗng lấp lánh,
lấp lánh dưới ánh bình minh như những viên ngọc đính trên chiếc thảm trắng tinh
được dệt nên từ những cánh hoa trẩu trắng lung linh.Rồi cũng từ đó, từ đó tôi thấy mình như đang dần thay đổi. Chợt vui đó, chợt buồn đó, chợt bâng khuâng, bâng đến thẫn thờ với một cơn gió thoảng, một cánh hoa rơi, một buổi trưa hè lặng gió. . . Những ngịch ngợm, những vòi vĩnh và phụng phịu không đâu đối với các anh chị trong lớp cũng từ từ lắng xuống. Và tôi thường nghĩ nhiều hơn về những gì mình đã làm và những điều đã qua.
. . .
. .
Là một cô bé được sinh ra và lớn lên giữa Saigon, một thành phố mà nơi
này xa hoa tráng lệ, góc kia ổ chuột tối tăm, tôi đã sớm nhìn thấy những cảnh
đời trái ngược. Đến khi quân viễn chinh Mỹ bắt đầu có mặt tại Saigon, như bao
đứa trẻ khác, tôi cũng hoan hô, cũng thích thú nhấm nháp những viên kẹo Mỹ với
những hương vị lạ ngon lành, những hộp phô ma béo ngậy. . . Song những chiếc kẹo
kia, những hộp bánh nọ cũng sớm kém phần hấp dẫn bởi những cái đá đít dành cho
những đứa trẻ đánh giày, những trò đùa thô bạo đối với các chị nữ sinh trên
đường, những tai nạn giao thông do quân Mỹ để lại trên đường phố Saigon, . . .
và trên mặt báo bắt đầu có từ “lính Mẽo”.
Mười
ba tuổi, tôi xa nhà tham gia cách mạng. Rời vòng tay yêu thương của mẹ cha, rời
nệm ấm chăn êm, tôi ra đi không một chút đắn đo. Bởi ngoài kia, nơi chiến trường
khói lửa, tôi có người chị Hai yêu dấu chẳng quản hiểm nguy, chẳng nề gian khổ,
bằng đôi tay và lòng nhân ái đang ngày đêm chăm sóc vết thương cho đồng đội và
chị Ba luôn túc trực bên máy điện đàm để săn dò những tin tức, dịch những mật
khẩu của quân Mỹ chuẩn bị cho những cuộc hành quân càn quét giết hại dân
mình.Lăn lóc nơi rừng xanh núi đỏ với những trận sốt rét rừng đến đi không nổi, cùng đồng đội san sẻ từng hạt muối, từng cánh rau rừng trong những trận càn ác liệt, chúng tôi đã sống và chiến đấu bên nhau bằng cả trái tim mình. Rồi những tin tức chẳng lành dồn dập đến. Chị Hai bị thương, cha mẹ bị bắt giam, các em thơ bơ vơ giữa chốn thị thành. Chưa kịp hoàn hồn với những hung tin đó, thì tôi được phân công ra Miền Bắc học tập. Thêm một lần chia tay, lần chia tay này trong tôi biết bao khắc khoải. Và tôi đã khóc, khóc rất nhiều trong vòng tay đồng đội.
Rồi những tháng ngày vượt Trường Sơn cùng bạn bè trang lứa đã trả lại cho tôi phần nào tính hồn nhiên của trẻ thơ, với những trò đùa, những trận cười nứt bụng vì những điều ngớ ngẩn hoặc những giận hờn vì một câu đùa, một lời trêu chọc không đâu.
. . .
. .
Tuổi mười sáu đến
với tôi là thế đó. Khi vui, khi buồn, khi nhớ gia đình, nhớ đồng đội và tự vấn
mình. Từ đó mới hay rằng mình đã bắt đầu từ giã tuổi thơ. Tôi đã từ giã tuổi thơ
với những khoảnh khắc vui buồn, vui buồn với chính mình, kể từ sau đêm mưa mùa
hạ với dòng suối nhỏ ngập tràn hoa trẩu trắng trôi xuôi. . . .
-Hè 1994-
(6.07.1994)
________________
* Trẩu: là tên một loại
cây công nghiệp, hạt dùng để ép dầu.