Trang

Thứ Tư, 26 tháng 9, 2012

ỐM RÙI! huhu




Chả là mấy hôm vừa rồi sất bất sang bang vì chạy lo công việc, nên chân tay rã rời, tính tình cáu gắt. Lại thêm dầm mưa, nên cảm ho, khản cả tiếng.

Lại thêm ở quê, nên chỉ online bằng điện thoại, mà cái thằng này nó không cho viết bài, nên chỉ gõ được mỗi cái tựa là tắt ngóm.
Xin bá cáo các anh chị em được rõ ạ.

Chủ Nhật, 23 tháng 9, 2012

Hàng (TT)




Và đây là hàng đã xong. Chờ sơn để chuyển đi giao.
Vì to nên phải chia là 6  để dễ vận chuyển.

Thứ Ba, 18 tháng 9, 2012

"HÀNG"




Đây là sản phẩm sắp hoàn thành.

Sẽ giao hàng tại Nha Trang.
Show hàng để các bạn thấy chất liệu.
Gáo dừa là rứa đó!
Nhờ phát hiện ra cái đẹp của gáo dừa nên KT đã đạt được 2 giải Sáng tạo KH của TP HCM đó các bạn ạ.
________
Còn mang đó áo cơm ta nợ
con dại khờ,
nặng lắm
chưa thôi
Trời hiểu phận long đong, chia sẻ
hợp đồng
việc chẳng dễ
hụt hơi
Tối mắt mũi ngược xuôi bươm bả
để đêm về
rời rã
tả tơi...


Chủ Nhật, 16 tháng 9, 2012

Ngất ngư


NGẤT NGƯ

Mấy ngày nay

di chuyển liên tục
Củ Chi
rồi lại Bến Tre
đi về như con thoi
ngất ngư
rũ rượi
mệt phờ...
_____________

Chúc các bạn ngủ ngon. KT cũng đi ngủ đây. Mai lại tiếp tục chiến đấu.

Thứ Tư, 12 tháng 9, 2012

TỌC MẠCH


Nhân sang thăm nhà 1 ông anh, thấy có bài này   http://vietnamnet.vn/vn/doi-song/87482/thoi-quen-toc-mach-chu-yeu-co-o-nguoi-mien-bac.html, đọc mà buồn, nên cũng muốn nói vài câu.
Sau đây là 1 số đoạn trích khiến KT cảm thấy chưa thỏa
khi nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng được hỏi và trả lời:

" - Vậy thì ông nghĩ như thế nào về thói quen tọc mạch của người Việt?
  -
Trong nước, tính cách này chủ yếu có ở miền Bắc, ở miền Nam ít hơn. Người Nam ăn nhậu, vui vẻ, ít bới móc, nói xấu, có lẽ do được thoát ly đời sống bao cấp và làng xã thuần túy sớm."

Theo KT, không phải do được "thoát ly đời sống bao cấp" mà do lối sống phóng khoáng nên người miền Nam ghét tính tọc mạch. Thói tọc mạch này chỉ xuất hiện ở những người nhân cách bé, tầm nhìn vụn, và "rách việc".

" - Vậy thì ông đánh giá như thế nào về văn hóa ứng xử, văn hóa đạo đức của người Việt....?

- Nhiều người quan tâm đến sự xuống dốc của văn hóa đạo đức ngày nay, nhưng cần đặt mọi hoạt động xã hội ngày nay vào trong một hoàn cảnh kinh tế khác rất khốc liệt, buộc mọi quan hệ ứng xử thay đổi theo. Do đó muốn giải quyết văn hóa ứng xử không thế chỉ hô hào chung chung, mà cần giải quyết từ lao động và hành chính. Người ta quan tâm đến văn hóa đạo đức, nhưng lại không quan tâm đến văn hóa nghệ thuật, trong khi đó, chính đời sống văn hóa nghệ thuật nếu được nâng cao thì tự nhiên đạo đức xã hội sẽ được giải quyết."

KT sốc khi thấy nhà nghiên cứu này dùng từ "văn hóa" đi kèm với đạo đức. Tại sao lại là "văn hóa đạo đức?" Không dám phân tích, nhưng KT tui cảm thấy ...


Thứ Ba, 11 tháng 9, 2012

BẠN TÔI


                                                         Thương mến tặng X.u
Bạn tôi
lẻ loi giữa cuộc đời
đêm về
cô đơn

Bạn tôi
dạt dào yêu thương
luôn chia sẻ cùng tôi
buồn vui

Bạn tôi
xót xa
trước mảnh đời bất hạnh
lầm lũi
trong nỗi đau
mất mát
ẩn mình
đơn côi

Bạn tôi
xinh đẹp
nhiệt thành
biết mỉm cười
để quên...

Tôi yêu
bạn

tuyệt vời!

Thứ Hai, 10 tháng 9, 2012

THẤT THẦN


Thất thần
Sau bị cướp
Tiếc của
Tiếc công
Tiếc tất cả những gì đã mất...
*
Sau khi tỉnh hồn, kiểm lại, ngoài tiền, 1 số vật dụng k đáng và giấy tờ quan trọng, thì mất toàn những thứ mình cưng. Vật bất ly thân mà (huhu...)
- Samsung galaxy tab7, mới mua được hơn tháng

- Máy chụp hình Sony T200 mua đã 2 năm, nhưng còn mới lắm, vì mình cưng hơn trứng mỏng
 
 


- Điện thoại LG E400 (hổng cưng lắm, vì bị rớt hoài, trầy trụa hết ráo)


Thứ Năm, 6 tháng 9, 2012

MỆT RŨ



Công việc bộn bề
Chân không chạm đất

Đầu óc tưng tưng
Mệt rũ
_________________________

Chúc các bạn ngủ ngon! KT ngủ đây, mệt quá rùi, huhu

Thứ Tư, 5 tháng 9, 2012

Sự đời

Sự đời
22:10 5 thg 9 2012Công khai181 Lượt xem 14


Ngây ngô giữa chợ đời
Ta sợ
            những điều không thật

Ta buồn
            khi phải nghe những lời nói dối

Ta chẳng vui
            khi ai đó cợt đùa

Và đắng lòng
            khi mất niềm tin

Giảm xì - trét



Cả ngày bao công việc
Chừ mới về tới nhà
Tắm gội xong mở máy
Giảm stress
Vầy sao ta?

Thế giới này rất thật
Khi ta sống chân tình
Dẫu chẳng thấy bóng hình
Mà xiết bao tình nghĩa...

Vì thế giới vô hình
Nên cửa nhà toang mở
Vì thế giới vô hình
Nên chẳng màng hơn thua...
______________

Chúc các bạn ngủ ngon, KT đi ngủ đây, mai lại tiếp tục đi xưởng.

Thứ Hai, 3 tháng 9, 2012

ƯƠNG DỞ


ƯƠNG DỞ

Người xưa cho rằng
tuổi ngũ tuần
vào hàng tri thiên mệnh
Vậy mà ta
gần lục tuần
vẫn cứ ngu ngơ
gần lục tuần
vẫn cứ ngây ngô
ương ương dở
học trời
quên đất
ương ương dở
nói sau
quên trước
nên cuối cùng
dở dở ương ương

Thứ Năm, 30 tháng 8, 2012

Góc khuất


Hoa đẹp mùa xuân (Phần 3) - Tin180.com (Ảnh 13)
Bỗng thấy tiếc cái "sự cho" của mình, A bèn nhắn tin cho B về "cái giếng cạnsợi dây gàu". Vẫn ôm chặt cái "được cho" lang thang tìm về miền ký ức, nên khi nhận được tin nhắn, B đã cồn lên niềm hi vọng...

Cuộc đời là thế, người ta thường chỉ nuối tiếc những gì đã mất nên con thạch sùng vẫn luôn tắc lưỡi trong đêm...

Hoa đẹp mùa xuân (Phần 3) - Tin180.com (Ảnh 7)

Nhìn hoa súng và cái "bóng" (hổng biết nên gọi là ảnh hay bóng khi được chiếu xạ trên mặt nước???). Rõ ràng cái "bóng" sắc nét hơn, nó không bị chi phối bởi ánh sáng và background (hậu cảnh).

Qua hình ảnh này, ta hiểu thêm được một điều: mặt nước là gương soi hoàn hảo, nó biết xóa bỏ những gì không thực để có được cái thực...
Tại sao chỉ có nước mới làm được điều đó?
Vì: nước luôn có chiều sâu!
______________

(Viết rồi đọc lại, hổng hiểu mình viết gì mới đau. Đó là minh chứng cho sự thiếu đồng bộ giữa tư duy và ngôn ngữ. Học nữa, học nữa thôi!)

Thứ Tư, 29 tháng 8, 2012

MẸ


MẸ

Chỉ có lòng mẹ bao la là vô gía
Hiện hữu trên cõi đời này
Mẹ
Tuổi già đã đến
Bước chân run run
Sớm trưa quên nghỉ
Mẹ
Muốn san sẻ cùng con
Nỗi nhọc nhằn
Con đã bao lần xin mẹ
Mẹ ơi,
Hãy nghỉ!
Móm mém mẹ cười
Có chi!
Mẹ gìa
Kém ngủ, kém ăn
Con xin mẹ
Mẹ ơi,
Hãy cố!
Mẹ cười móm mém
Chớ lo.
. . . .
Con thương mẹ cả đời tần tảo
Dãi nắng dầm mưa,
Lặn lội thân cò
Một mình mẹ
Âm thầm chiếc bóng,
Nuôi dạy con
Đếm tháng, mong ngày
. . . .
Nay con lớn,
Cuộc đời tất bật
Phải ngược xuôi
Xuôi ngược giữa dòng . . .
Mẹ xót xa
Con mẹ khổ,
Nhưng sao bằng mẹ
Mẹ ơi . . . . .
________________
Vu lan về, đã hơn 1 năm rồi, mẹ rời xa chúng con. Sự ra đi đột ngột của mẹ, được mọi người khen tốt, nhưng riêng với con, đó là nỗi ray rứt không nguôi. Bởi con còn nhiều điều vẫn còn để mẹ lo lắng trở trăn. Mẹ lo cho công việc của con, mẹ lo cho hạnh phúc vợ chồng con vì mỗi đứa 1 nẻo, mẹ lo cho cu Bi chậm chạp hiền lành, mẹ lo cho bé Nhi mong manh nhỏ bé,...
Mẹ ơi, tháng 5 vừa rồi anh Thành mới về hưu, nhưng lại phải về quê để lo cho ba má con vì năm nay ông bà nội các cháu bắt đầu yếu rồi. Các cháu của mẹ cũng đã lớn khôn hơn 1 chút, công việc của con cũng đã bắt đầu khởi sắc (con tin như vậy).
Con đang cố hết sức để dồn sức cho công việc, để mẹ an lòng. Con hiểu, con hiểu lắm sự lo lắng ngày đêm mẹ đã dành cho con. Con đang hết sức cố gắng đây mẹ. Con đang hết sức cố gắng. Hãy tin con mẹ nhé!...

Chủ Nhật, 26 tháng 8, 2012

BÁN GÁO DỪA


3g45 đã đậy để chuẩn bị ra công trình.

Lâu lắm rồi, dễ cũng đã gần 4 năm mới có được cái sự nôn nả ra công trình như ri.
Chả là có hợp đồng cung cấp vật liệu gáo dừa làm phòng mẫu cho một dự án khá "bự" tại Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Ngay từ đầu (cách đây gần nửa năm), có 1 công ty sản xuất hàng nội thất đã liên hệ với mình về dự án ni, nhưng thiệt là buồn, vì sau khi tính kích thước module (đơn vị chi tiết sản phẩm), làm mẫu, chia sẻ với họ toàn bộ những giải pháp thực hiện, thì họ lại ký hợp đồng với đơn vị khác. Lý do: bên kia chào giá thấp hơn. Đau vì bị phản bội, nên tới nay, dù đã được gọi điện nhiều lần mình vẫn chưa đến để thanh toán tiền hàng mẫu. Và hôm qua cũng đã đến xem phòng mẫu họ đã làm tại công trình. Màu sắc tái xám, bợt bạt. Đơn vị gia công cung cấp vật liệu đã dùng nguyên liệu non quá nhiều, nên phải dùng đến thuốc tẩy để xử lý sắc độ.

Trước khi dắt mình sang thăm phòng mẫu của công ty nọ, nhà đầu tư đã xem xét rất kỹ vật liệu mình cung cấp, họ đã khen: đẹp, đa sắc và ấm áp (điều này đơn vị thi công cũng đã nói với mình).

Vâng, gáo dừa là thế. Nếu để tự nhiên, dù non hay già, gáo dừa cũng đều thể hiện sự mộc mạc ấm áp, nhưng khi đã bị buộc thoát khỏi bản chất vốn dĩ, gáo dừa ngay tức thì trở nên vô hồn lạnh lẽo. Và đó chính là lý do vì sao mình không bao giờ buộc gáo dừa thoát ra khỏi bản thân nó. Mình yêu gáo dừa bởi sự mộc mạc và ấm áp của sắc độ, bởi sự đanh cứng không bao giờ mục ruỗng, bởi sự mềm yếu mong manh khi còn non tơ. Các bạn thấy đó, dừa non, sau khi bị uống hết nước, người ta vứt đi, nó lập tức trở nên đen đúa, móp méo đến thảm hại. Khi đã chín, dừa vừa cho ta nước ngọt, vừa cho sự béo thơm của nước cốt, vừa cho ta chiếc gáo đã được sừng hóa bền bỉ với thời gian, với nhiều sắc độ lung linh ấm áp, nếu ta hiểubiết bóc tách nó.

Về dự án này, đầu tiên, mình phải cám ơn đến công ty thiết kế kiến trúc Saigon Green đã đưa vật liệu gáo dừa v
ào trang trí nội thất. Thứ hai là chủ đầu tư. Sau khi công ty nọ lắp đặt 6 phòng mẫu, nhà đầu từ đã liên hệ với mình để tìm hiểu thêm về vật liệu. Như với bao nhiêu khách hàng khác, mình cũng say sưa ca ngợi, tôn vinh gáo dừa và cuối cùng, sau khi cân nhắc, họ đã chỉ định những đơn vị thi công (công trình khá lớn, nên 1 đợn vị không thể thi công hết toàn bộ) gặp mình để được cung cấp vật liệu cho dự án.

Cảm động biết bao khi nghĩ đến luật nhân quả của đạo Phật. Ngày đêm trăn trở làm sao tôn vinh được cái đẹp, thông qua những sản phẩm ứng dụng cao cấp, để mọi người và biết nhiều hơn đến giá trị thực của g
áo dừa. Ngoài khả năng ứng dụng đa dạng, phong phú, gáo dừa còn cho ta hiểu hơn về triết lý nhân sinh thông qua bản thân nó trong quá trình sừng hóa. Từ bột cellulose (xen lu lô) được sừng hóa theo nguyên tắc vết dầu loang, gáo dừa dần trở trên đanh cứng để có đầy đủ tính chất của đá (không bị hủy hoại trong môi trường thiên nhiên và có độ cứng tương đương granite), nhưng lại mang tính ấm áp của gỗ. Trong quá trình sừng hóa, gáo dừa đã tạo nên những hoa văn rất đẹp, có thể ứng dụng vào nghệ thuật tạo hình để tạo nên những tác phẩm sống động lung linh. Cũng như mỗi người chúng ta, ai cũng phải trải qua những nông nỗi của thời non trẻ, để được trưởng thành từ những cống hiến cho cuộc đời này bằng trí tuệ và công sức. Sự cống hiến đó như những hoa văn rất đẹp trong quá trình sừng hóa của gáo dừa... 

Thứ Sáu, 24 tháng 8, 2012

TẢN MẠN



Tản mạn
May 5, '10 1:07 PM
for everyone
TẢN MẠN
 
Chưa bao giờ cảm lại kéo dài thế này.
Hơn 1 tuần lễ giọng khản đặc cổ họng rát đau bởi những buổi trưa rong ruổi lên xưởng với cái cổ họng khô quéo.
Lễ, không thể không về quê thăm ông bà nội sắp nhỏ, để rồi khi lên tới SG, say xe tới chẳng ngồi dậy nổi. Hôm qua lại lăn long lóc với bao công việc bộn bề.
Chiều qua sắp xếp gặp mấy công ty để trao đổi về vật tư và máy móc thiết bị cho công việc sắp tới, PT thấy như lửa đang được gắp bỏ tay mình.
Sáng nay dậy sớm, cố gắng lên mạng để check mail và chuyển thông tin cho pv báo Quê hương.
Cũng đã lâu lăm rồi, PT ít thăm viếng ai mà cũng chẳng viết được bài nào ra hồn.
Tự nhiên PT muốn viết về hoa, đặc biệt là hoa dại.

Thấy thương quá, những bông cỏ dại ven đường, chẳng hương, chẳng sắc màu, chẳng ai quan tâm nhòm ngó. Chúng đã tự mọc với sức sống mãnh liệt không cần bón chăm, nhằm góp chút phần nhỏ bé của mình giữ cho mặt đất đỡ khô hạn và lặng lẽ nở hoa. Bị phá bỏ rồi lại tiếp tục đâm chồi rồi lại ra hoa, những bông hoa chẳng làm lay động lòng người, nhưng lại lay động PT  bởi sự hồn nhiên mộc mạc của nó. Những bông cỏ này không trong suốt dưới nắng chiều, nhưng cũng làm ta có chút phiêu diêu…

Phải chăng PT nhận thấy một phần của mình trong những bông cỏ dại ấy?

Và đó chính là 1 trong cái chất điên của PT. Yêu những gì người đời lãng quên, thích những gì tầm thường dung dị và luôn bị thương hại bởi sự điên khùng của chính mình…
___________

A...iii, CHÁU NỘI ĐÂY!


Bài chuyển từ Multifly

A...iii, CHÁU NỘI ĐÂY! May 19, '11 12:17 PM
for everyone

A...iii cháu nội đây!


A…iiii, cháu nội nào!
Xin thông báo với toàn thể anh chị em, PTGD đã có cháu nội “chai”.
Tên tục là Cà rốt, tên cúng cơm Mẫn Tuệ. Do cô Quý Khoa, bệnh viện Từ Dũ mổ lấy ra vào lúc 9g sáng ngày 15 tháng 5 năm 2011, cân nặng: 2,8kg.
Bữa nay được 4 ngày, nhưng bệnh viện tính tiền 5 ngày . Coi như lì xì cho bệnh viện 1 ngày 
Niềm vui quá “bự” đến không thể nói lên lời. PT chỉ biết khoe “hàng” và tự sướng!
Mong "Pà kon niệm tình" tha thứ!
1 copy.JPG
Đám cưới
1. Đo điện tim cho Cà Rốt tước khi sanh.JPG
Đo điện tim cho Cà Rốt trước khi lên phòng sanh
2. Chuẩn bị lên phòng sanh.JPG
Chuẩn bị lên phòng sanh
3. 1g tuổi.JPG
Cà rốt 1 giờ tuổi
6.4.JPG
4. 6g tuổi.JPG
Cà rốt 6 giờ tuổi
5. 8g tuổi bắt đầu bú mẹ.JPG
Cà rốt 8 giờ tuổi bắt đầu bú mẹ
6. 12g tuổi.JPG
Cà rốt 12 giờ tuổi
DSC03905.JPG
Cà rốt 38 giờ tuổi

NGÔN NGỮ CỦA DỪA




NGÔN NGỮ CỦA DỪAlam dep bang qua dua Tác dụng từ dừa làm da đẹp eo thon và tốt cho người ăn kiêng  
Như bao loại cây trồng khác, dừa đươc trồng bởi lợi ích thiết thực của nó với cuộc sống của người trồng nó.
Ngày nay dừa được trồng với 1 giá trị mới, ấy là tạo cảnh quan cho những dự án phục vụ du lịch. Chưa ai trồng dừa với mục đích chống bão giông trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt hiện nay.
Là loại cây đơn trục với cấu trúc của lá theo thùy lông chim nên khi đối diện với những trận cuồng phong, như có phép thuật, những chiếc lá mềm mại như suối tóc  người phụ nữ của dừa đã xoay chuyển và hóa giải để sau khi vượt qua suối tóc ấy, gió trở nên bớt hung hãn cuồng nộ.
Những buổi trưa hè oi ả, nếu có được trái dừa  giải khát sẽ thú vị biết bao. Bởi nước dừa đã giúp cơ thể ta thanh nhiệt giảm bớt độc tố trong bài tiết.
Những ngày lễ Tết, trên bàn thờ nếu có được trái dừa ta cũng cảm thấy yên lòng bởi sự viên mãn, vừa đủ,  tinh khiết và an lành.
Riêng với tôi, dừa còn là đam mê với nhiều bí ẩn cần được khai phá bởi tính đa dạng trong văn hóa đời sống của cộng đồng người Việt.
Rất tiếc khi những nhà nghiên cứu Văn hóa Chăm chưa khai mở được hết những bí ẩn của bộ tộc Dừa trong đời sống văn hóa tâm linh của người Chiêm Thành xưa.
Trong kinh Thánh dừa là biểu tượng của sự cống hiến hy sinh không toan tính.
Trong đạo Phật, dừa được dùng trong hình tượng của sự chấp ngã và chàng Sọ dừa cũng là biểu thị của Phật tính trong văn học dân gian.
Trong tâm linh, dừa tượng trưng cho sự thanh bạch trong sáng và đầy đủ.
Trong ẩm thực dừa góp vào đó như sự viên mãn đủ đầy của vị béo thơm.
Và trong phép ứng xử, dừa biểu thị cho sự hồn hậu chân tình qua chiếc gáo múc nước bên hiên nhà, qua ngọn đuốc dừa trong đêm tối lỡ đường.
Chiếc chổi chà dừa biểu trưng cho sự cần mẫn không quản cực nhọc khó khăn của người phụ nữ.
Với những kẻ tha hương, khi nhìn thấy bóng dừa đâu đó, mấy ai thoát khỏi chạnh lòng.
Và điều khắc khoải hơn là làm thế nào để tôn vinh được cây dừa qua những giá trị văn hóa mà ít cây nào có được.
Hãy cùng tôi các bạn nhé, xin chúng ta mỗi người một câu chuyện cho dừa nhằm tôn vinh 1 loại cây chỉ biết cống hiến mà không có nhu cầu được bón chăm săn sóc nhưng vẫn đều đặn mỗi tháng cho ta 1 buồng (quầy) quả ngọt.
______________

Thứ Năm, 23 tháng 8, 2012

MẸ ƠI!



                                                                                          MẸ ƠI...!
                                                        Saigon 22/8/2010 - 5:00 AM
Bài được chuyển từ Mulitifly sau khi được biết bên nớ sắp cáo chung


  Mẹ cùng 2 trai, 3 rể Tết 2010
“Mỗi mùa xuân sang, mẹ tôi già thêm một tuổi. Mỗi mùa xuân sang, ngày tôi xa mẹ càng gần” …
Cứ mỗi lần nghe những ca từ này, con lại tự trách mình nhiều hơn và thấy lỗi với mẹ ngày càng dày hơn.
Lỗi của con là ít về thăm mẹ, bởi nhiều sự, nhưng cái sự lớn nhất ấy chính là sự lười biếng. Bởi sau 1 ngày mải mê với công việc, con lại tất tả về với tổ ấm của mình để được ngả lưng thư giãn. Áp lực công việc khiến con ít dành thời gian cho mẹ. Những hôm nào làm việc ở nhà thì thậm chí con cũng quên cả ăn cơm. Mải miết trên mạng tìm tư liệu để đọc, để viết, để gom nhặt kiến thức, hoặc đôi khi thăm thú bạn bè đến khi mệt quá thì trời cũng đã khuya rồi.
Cứ hẹn lần, hẹn lửa, đôi khi cả 10 ngày con không về thăm mẹ.
Chiều nay chủ nhật, trời mưa, nhưng con sẽ về thăm mẹ.
Mẹ lại sẽ hỏi khi nghe thấy tiếng con:
-           Đứa nào đó? Thanh hả con?
-           Dạ.
Và con lại xà vào hôn lên đôi mắt chỉ còn phân biết sáng tối của mẹ.
Đã hơn 20 năm rồi, sau hơn 10 lần giải phẫu, ghép giác mạc, lại giải phẫu, nhưng rồi y học phải chịu thua vì không thể nào cứu nổi.
Con còn nhớ lần mẹ mổ mắt đầu tiên vào năm 1968. Sau những ngày Tết đau đớn lăn lộn, ba cùng con đưa mẹ vào phòng mạch của Thạc sỹ Cát tại đường Bà Huyện Thanh Quan để khám. Con ở lại để chuẩn bị cho ca mổ của mẹ. Ba về nhà chuẩn bị mọi thứ.
Ngày ấy, một cô bé 12 tuổi vẫn còn mải chơi nào biết chi đến tai họa sắp giáng xuống gia đình mình. Sáng hôm sau, rất hồn nhiên, con đưa mẹ vào phòng mổ và ra ngoài ngồi chờ. Chờ mãi, không biết bao lâu nữa, con thấy số ruột, thế là lững thững ra ngoài phố tìm nhặt me rụng. Có trái me nào đâu vào những ngày sau Tết. Lầm lũi 1 lúc, con quay về phòng mổ. Lại ngồi chờ, ngồi chờ… Và rồi y tá cũng đã gọi con. Cùng y tá đưa mẹ về phòng, con nào biết việc gì đã xảy ra. 3 hôm sau mắt mẹ cắt băng. Chỉ thấy mẹ thầm thì với ba con điều gì đó, làm ba lặng người đi. Sau đó con được biết, lần mổ mắt ấy của mẹ bị thất bại, và có thể mẹ sẽ bị mù vĩnh viễn.
Mắt mẹ đã ổn, nhưng mẹ phải đeo thêm kính…
Rồi con đi bộ đội.
Sáu năm, sau ngày giải phóng, con từ miền Bắc trở về, thị lực của mẹ giảm đáng kể sau những đòn tra tấn của cảnh sát và khóc thương các em trong những ngày không có mẹ cha.
Năm 1972, ở tù ra, mắt mẹ đã hoàn toàn không thấy gì nữa. Bà con chòm xóm và khách hàng nghe tin mẹ về đã lần lượt đến thăm và thanh toán nợ nần để mẹ có tiền đi mổ mắt. Phải qua 4 lần phẫu thuật mắt mẹ mới bắt đầu trông thấy. Và mẹ lại tiếp tục chích thuốc, chữa bệnh cho bà con chòm xóm nhưng mắt mẹ luôn phải đeo kính và bên mẹ luôn phải có loại thuốc đặc trị dành cho mắt nhỏ mỗi ngày. Đầu mẹ luôn đau nhức bởi nhãn áp luôn tăng.
Năm 1986, ba mẹ cùng nhau ra Bắc để đăng ký ghép giác mạc cho mẹ. Sau gần 4 tháng chờ đợi và may mắn thay, mẹ trở về với đôi mắt đã có được ánh sáng. Nhưng rồi cứ ngày 1 tối dần đi, mẹ lại tiếp tục thêm những lần mổ mắt bởi những chuyên gia về mắt hàng đầu thế giới đến Việt Nam, cho đến lần cuối cùng là năm 1990. Mẹ lại tiếp tục chờ ca phẫu thuật mới từ 1 đoàn bác sỹ từ Mỹ. Họ khám mắt cho mẹ xong và hết sức ngạc nhiên vì sao mắt mẹ với từng ấy năm mà vẫn còn trong suốt, chỉ tiếc, gai thị đã teo mất rồi. Họ đâu biết mẹ đã liên tục trải qua hơn chục cuộc phẫu thuật hòng lấy lại ánh sáng cho đôi mắt với đau đớn hằng ngày do nhãn áp liên tục tăng.
Họ từ chối mổ, bởi không thể giúp gì được cho mẹ.
Và từa đó tới nay, mắt mẹ mờ dần cho đến nay, chỉ còn sáng tối mà thôi.
Ngày ba con mất, mẹ đã cố nuốt nước mắt vào trong để các con yên tâm lo cho ba. Mọi việc xong xuôi, mẹ gọi các con lại bảo: Ba đã mất rồi, nay chỉ còn có mẹ, mẹ phải cố sống để các con còn có chỗ đi về. Lời mẹ nhẹ nhàng đơn giản chỉ có thế, nhưng chúng con hiểu, từ trong tận sâu thẳm, với mẹ, ấy chính là mệnh lệnh của trái tim. Bởi tuổi kề 80 với căn bệnh tim mạch và tiểu đường, mẹ phải ngày đêm chống chọi.
Mẹ đã hằng ngày tập thể dục, đi lại hàng trăm vòng trong nhà, tập Dịch chân kinh để giảm đau nhức và tăng cường sức khỏe để chống chọi với bệnh tật. Mẹ không bỏ 1 cữ thuốc nào, mẹ cố ăn kiêng, mẹ không bỏ 1 buối tập thể dục nào và cũng không hề trách cứ khi các con muộn về thăm.
Bạn của mẹ nhiều bác bị tiểu đường sau mẹ đã lần lượt ra đi, bởi họ không bền bỉ như mẹ, bởi họ không sợ rằng: Nếu mẹ mất đi, các con sẽ không còn chỗ đi về.
Mẹ ơi, chiều nay con sẽ về thăm mẹ. Nhất định là thế!

Thứ Tư, 22 tháng 8, 2012

CHO CON


Bận rộn với công việc và nhìn con cháu đùa vui là hạnh phúc.
Vậy mà đâu phải lúc nào cũng có công việc để mình bận rộn, đâu phải các con lúc nào cũng đùa vui.
Mệt mỏi nhất là công việc bận rộn, hạnh phúc của con lại lung lay.

Con trai yêu của mẹ,
Để vượt qua được sức ì của bản thân thật là khó. Giờ đây hơn lúc nào hết, mẹ mong con yêu của mẹ hiểu được sự lo lắng của mẹ dành cho con. Con không còn bé thơ để mẹ sửa cho từng lời nói. Con không còn bé thơ để mẹ hôn lên vết đau khi con ngã té, nhưng hãy để mẹ hôn lên sự nông nỗi, để con bình tâm lại và hiểu mình cần phải làm gì để có thể ngẩng cao đầu trong cuộc sống.
Mẹ yêu và luôn lo lắng cho con.


Thứ Sáu, 17 tháng 8, 2012

DANH THẦN QUẢNG BÌNH (cuối cùng)


Tại Hà Nội ngày nay, ở chùa Liên Phái, trong nhà Tổ bên cạnh các tượng Phật còn có tượng Nguyễn Đăng Giai, một danh thần triều Nguyễn quê ở làng Phù Chánh, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Xuất thân từ gia đình quí tộc, Ông là con trai Hiệp biện đại học sĩ Nguyễn Đăng Tuân, là bố của tiến sỹ Nguyễn Đăng Hoành. Năm 1825, dưới thời Minh Mạng, năm Minh Mạng thứ nhất, Nguyễn Đăng Giai đỗ cử nhân, rồi làm quan, từng giữ chức Tổng đốc Hà Ninh (Hà Nội – Bắc Ninh), Thượng thư bộ Hình, Kinh lược sứ Bắc Kỳ… Ông làm quan dưới 3 đời vua: Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức, được vua Thiệu Trị và vua Tự Đức hết lời khen ngợi vì ở chức vụ nào, ông cũng hoàn thành sứ mạng một cách vẻ vang.
Dưới triều Minh Mạng, Nguyễn Đăng Giai được bổ vào làm ở Hàn lâm viện, rồi thăng Lang trung bộ Hộ, làm Tham hiệp trấn Nam Định, làm Hộ lý quan phòng cửa Tuần Phủ, Thanh Hóa. Với tài điều binh khiển tướng, nhiều mưu lược và vì an nguy xã hết lòng tắc, Đăng Giai được điều động đi khắp nơi từ Nam ra Bắc để bình định phiến loạn và chăm sóc đời sống dân lành.
Dưới triều Thiệu Trị, năm đầu Thiệu Trị (1841), Nguyễn Đăng Giai làm Tổng đốc Ninh Thái (tức Bắc Ninh và Thái Nguyên). Với tài thao lược, 3 năm sau ông làm Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên (Sơn Tây, Hưng Hóa, Tuyên Quang), rồi làm Tổng đốc Hà Ninh (Hà Nội và Ninh Bình).
Dưới triều Tự Đức, năm Tự Đức thứ nhất (1848), Nguyễn Đăng Giai làm thự Hiệp biện đại học sĩ, sau đó thì làm Thượng thư bộ Hình kiêm sung Quốc sử quán Tổng tài. Ông dâng sớ điều trần 10 khoản về việc hình, 13 khoản về các việc đúc tiền, tuyển lính, khẩn hoang, vỗ yên dân...Tất cả đều được nhà vua nghe theo.
Khi ấy, vì mới lên ngôi, nhà vua muốn sai sứ sang nhà Thanh cầu phong. Nguyễn Đăng Giai liền dâng sớ can ngăn, đồng thời đề xuất ý kiến là nên mời sứ thần nhà Thanh sang làm lễ bang giao tại kinh đô Huế, vừa giữ được lễ, vừa ít tốn kém. Sách Đại Nam chính biên liệt truyện chép:
...Vua cho lời nói (của ông) là phải, sai phát quốc thư đệ đạt đi. Đến khi sứ nước Thanh là Lao Sùng Quang đến Kinh, làm lễ bang giao, tình ý thỏa hợp, Vua cho Đăng Giai (là người) đầu tiên kiến nghị ra, giữ được quốc thể lắm, thưởng (cho ông) một đồng kim tiền có chữ “Long vân khế hội” và ba tấm nhiễu màu.
Tuy được nhà vua khen và tin cậy, nhưng Nguyễn Đăng Giai không được lòng các quan đồng triều. Cho nên khi khuyết chức Tổng đốc Nghệ An, nhiều người đã đồng đề cử ông đi, buộc ông phải dâng sớ xin từ chối. Mùa xuân năm Canh Tuất (1850), vùng Hữu Kỳ (gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh) mất mùa, nhà vua bèn chọn Nguyễn Đăng Giai làm Hữu Kỳ Kinh lược đại sứ lĩnh chức Tổng đốc An Tĩnh (Nghệ An và Hà Tĩnh), kiêm coi đạo Thanh Hóa. Đến nơi, ông gửi sớ về xin vua cho sắp đặt lại nhiều việc, trong đó có việc cho bãi lệnh cấm bán gạo, hoãn thu thuế, tha cho các khoản thiếu, mở các cửa quan và đình đặt đồn để cho dân tự do đi lại giao thương...Lời tâu của ông lại được vua khen, và sai đình thần chọn lấy để thi hành.
Mùa đông năm ấy, ông lại tâu xin truy phong các bề tôi tiết nghĩa ở cuối đời Hậu Lê, lại được vua nghe theo. Xét công, nhà vua thưởng cho ông một cái bài đeo bằng ngọc tốt chạm khắc hoa mai, một đồng tiền hạng lớn có chữ "Vạn thế vĩnh lại".
Năm Tân Hợi (1851), tàn dư của các cuộc nổi dậy chống Thanh nhưng đã biến chất, từ Quảng Tây (Trung Quốc) xiêu dạt tới cướp phá đất Cao Bằng. Nhà vua liền đổi Nguyễn Đăng Giai đi làm Tổng đốc Hà Ninh (Hà Nội và Ninh Bình) kiêm sung Kinh lược các tỉnh là: Ninh Thái (Bắc Ninh và Thái Nguyên) và Lạng Bằng (Lạng Sơn và Cao Bằng).
Sau khi đi xem xét các nơi, ông dâng sớ lên vua trình bày 5 điều về sự trù tính công việc ở biên giới. Được nhà vua chấp thuận, ông liền lệnh cho các tỉnh chọn lính (tuyển thổ binh, tuyển cả phạm nhân tội lưu), bãi chức lưu quan, đặt lại thổ quan...để cho cương giới được bền vững. Tiếp theo, ông gửi thư cho Tuần phủ Quảng Tây để nhờ yễm trợ, rồi đốc quân đến Lạng Sơn, đánh bắt được ba viên chỉ huy của đội quân xiêu dạt trên là Trần Trường, Hoàng Ngọc Quang, Đặc Kim Long. Hoảng sợ, Lý Văn Xương, thủ lĩnh quân Tam Đường (Lai Châu) bèn cử người đến xin hàng.
Năm 1854, khi là Kinh lược sứ Bắc Kỳ, giặc Tống sang quấy nhiễu, cướp bóc ở Cao Bằng, ông chỉ huy quân sĩ đánh dẹp. Đang ở trận địa, ông bị bệnh phải về Hà Nội điều trị, rồi mất vào mùa thu năm ấy.Nguyễn Đăng Giai lâm bệnh nặng rồi chết tại Hà Nội. Thương tiếc, vua Tự Đức sai truy tặng ông hàm Thiếu bảo, ban tên thụy là Văn Ý. Năm Mậu Ngọ (1858), nhà vua cho thờ ông trong đền Hiền Lương tại Huế.
Không như thần thoại Hy Lạp, không như các dạng tôn giáo, tín ngưỡng khác, danh thần Việt Nam là người thực, là những nhân vật lịch sử có công lớn với dân tộc trong chiến đấu bảo vệ và mở rộng biên cương bờ cõi, chăm lo đời sống nhân dân, được sử sách lưu danh, được nhân dân thờ cúng ghi ơn. Truyền thống uống nước nhớ nguồn được lưu truyền từ đời này sang đời khác cũng là một dạng tín ngưỡng dân gian, được gọi là tục thờ cúng ông bà không phải quốc gia nào cũng có. Đây là một nét văn hóa, một tập quán đẹp, rất đáng trân trọng, cần được bảo tồn và phát huy. Và đây cũng là một dạng thức của tâm linh, cũng rất dễ bị thần thánh hóa dẫn đến tình trạng mê tín dị đoan của những kẻ trục lợi từ thánh thần bằng những chiêu trò lừa mị.
Với bề dày lịch sử, chống giặc ngoại xâm, mở mang bờ cõi, Quảng Bình là vùng đất có nhiều danh thần nhất Việt Nam. Đây chính là niềm tự hào của người dân Quảng Bình. Dưới góc nhìn về lịch sử, văn hóa, Danh thần là khối tài sản mà Quảng Bình được sở hữu mà không phải ở đâu cũng có.
Khí hậu khắc nghiệt tạo nên những hoang mạc bỏng cát đầy nắng gió; núi non hiểm trở, với nhiều hang động nổi tiếng thế giới, cùng nhiều tộc người thiểu số vẫn còn giữ được nét hoang sơ trong đời sống cộng đồng cùng những tập tục mang bản sắc văn hóa huyền bí của núi rừng chính là lợi thế phát triển du lịch của Quảng Bình.
Những điều trên đã tạo nên sự khác biệt và sẽ tạo nên những sản phẩm độc đáo cho ngành Công nghiệp không khói Quảng Bình. Có được tầm nhìn chiến lược và định hướng phát triển tốt, Quảng Bình sẽ là nơi cực kỳ hấp dẫn với khách du lịch./.