Trang

Chủ Nhật, 14 tháng 11, 2010

HẠNH PHÚC BIẾT BAO

Hạnh phúc biết bao khi nguyện vọng lớn nhất của PT cho cây dừa sắp thành hiện thực.
Vâng, chiều nay, thật tình cờ khi gọi điện cho 1 người bạn cũ thì nghe chị nói rằng đang ở Bến Tre và có 1 anh tên Hữu Vinh đang chuẩn bị làm phim tài liệu về dừa. Thấy cái tên hổng gợi cho ta điều chi “nhung nhớ” cũng ừ ừ cho qua, nhưng  PT cũng trộm nghĩ: Bến Tre làm phim về dừa thì đó là điều cần thiết.
 Một lúc sau thì nhân vật có tên Hữu Vinh ấy gọi cho PT và rằng: Trước đây tôi làm ở Đài phát thanh truyền hình Bến Tre, nay được điều về Bộ truyền thông và chuẩn bị làm phim về VĂN HÓA DỪA để giới thiệu với bạn bè 5 châu về cây dừa Việt Nam. Sáng thứ hai, tôi sẽ làm việc với UBND tỉnh Bến Tre về bộ phim này. Tôi đã biết chị nhiều qua những thông tin trên mạng,…
Nghe thình lình quá, nên PT bị “choáng” và không biết nói sao, chỉ biết rằng lúc ấy PT xúc động thực sự. Vậy là điều mong ước của mình bấy lâu, nay sắp thành hiện thực. Sau đó PT nhắn tin chúc mừng và nói lên cái sự “choáng” của mình rằng: Bộ Truyền thông làm phim này là quá hay, trong khi điều này (Văn hóa dừa) mình đã đề cập với Bộ Văn hóa Thể Thao Du Lịch mấy lần rồi, nhưng không được quan tâm mà còn bị cười rằng mình quá “đam mê” nên đã lạm dụng từ văn hóa để nói về dừa.
Không cam chịu, nên sau khi bị cười cợt, PT đã đăng ký với Bộ VHTTDL đề tài nghiên cứu: “Dừa trong văn hóa dân gian Việt Nam”, nhưng cũng bị bác bỏ.
Lại “cố chấp”, PT làm “la phan” 2 tham luận về dừa trong 2 buổi hội thảo về Ngàn năm Thăng Long. Tại thành phố Hồ Chí Minh thì tham luận mang tên: “Tìm lại nguồn gốc địa danh Ô chợ Dừa nhân Đại lễ ngàn năm”, như 1 món quà mà thành phố Hồ Chí Minh gửi mừng đại lễ. Và tham luận thứ 2 ở Hải Dương: “ Bánh gai Làng Giá, sức lan tỏa của văn hóa ẩm thực” (bởi trong nhân của bánh gai có dừa). Và trong 2 đề tài ấy, PT đều nói rằng đó là nhiệm vụ của Ban văn hóa du lịch của HH Dừa VN phải có trách nhiệm phải “mần”.
Sau đó thì cố gần 2 giờ đồng hồ để ngồi nói chuyện với Phó Giáo sư Tiến sỹ Trần Lâm Biền (Hội đồng khoa học của Bộ VHTTDL) người bác bỏ ngay từ đầu đề tài nghiên cứu của mình và hỏi rằng: “ Dừa chẳng có gì để nói. Cô làm đề tài này với mục đích gì?”. Cố thuyết phục,  rồi vị Tiến sỹ này đã đồng ý nghe PT nói về dừa và cuối cùng đã nói:  “Cô là người nổ phát súng đầu tiên về dừa, hãy liên hệ với thầy Ái, hiệu trưởng trường ĐH Văn hóa TP HCM làm đề tài này”. Đó chính là niềm vui “bự” trong đợt công tác Hà Nội của mình vừa qua.
Quả thực để làm được điều mình mong muốn, nhằm phục vụ cho đất nước cũng không phải là dễ.  
Và hôm nay, khi được mời làm cố vấn cho bộ phim này thì PT hết sức vui mừng. Bởi nguyện vọng của PT nay sắp thành sự thật.
Các bạn ơi! PT thấy giờ đây mình là người hạnh phúc nhất trên đời! Hị hị…

Thứ Bảy, 8 tháng 5, 2010

Yêu quá gáo dừa ơi!



Yêu quá gáo dừa ơi!
May 8, '10 7:48 PM
for everyone
Một đêm sắp qua.
Công việc mới giải quyết được 1 nửa.
Thôi thì tạm gác nửa còn lại để thư giãn với sự yêu đời của nửa đêm về sáng.
Đây cũng là món quà tự thưởng cho mình.
Mấy ngày qua, bộn bề công việc với lấp lánh niềm vui sẽ có đơn đặt hàng xuất khẩu và gáo dừa sẽ có mặt trong 1 tổ hợp khách sạn hoành tráng tại thủ đô Hà Nội với vai trò trang trí nội thất.
Sau những những thắc mắc về chất lượng sản phẩm là thỏa thuận về điều kiện hậu mãi, giờ đây PT chỉ còn chờ việc thỏa thuận giá cả từ phía khách hàng với nhau và đơn đặt hàng chính thức từ nước ngoài. Một coffee-house network (chuỗi quán cà phê) sẽ được sử dụng mặt bàn được làm từ dừa.
Sau những trao đổi và gửi mẫu, PT sắp xếp thời gian để  gặp khách hàng, chuẩn bị đàm phán giá cả và chứng minh năng lực sản xuất với 1 tổ hợp khách sạn do nước ngoài đầu tư tại HN.
Không biết thế nào, nhưng ta cứ yêu đời và hy vọng.
Yêu đời ở đây chính là sản phẩm sau nhiều năm nghiên cứu của PT đã được thị trường quốc tế quan tâm.
Hy vọng đây là sẽ tạo được việc làm cho trẻ khuyết tật và cô nhi tỉnh Vĩnh Long, 1 cơ sở của người khuyết tật tại Kiên Giang và 1 số cơ sở gia công gáo dừa tại Bến Tre.
Tâm nguyện của PT cho ngành vật liệu gáo dừa tròn 10 năm nghiên cứu là được thị trường thế giới công nhận để tạo được công ăn việc làm cho trẻ mồi côi và người khuyết tật và khẳng định vị trí của cây dừa trong lịch sử phát triển của Việt Nam. Trong chiến tranh dừa đã luôn đồng hành cùng quân và dân ta chống giặc ngoại xâm, hòa bình lập lại, gáo dừa sẽ là 1 sản phẩm có giá trị xuất khẩu cao bởi sự quý giá của nó, đó là cellulose (bột gỗ) ở dạng sừng hóa.
Có phải gáo dừa lại là loại vật liệu quý mà bây giờ PT mới phát hiện ra?
Thưa không. Gáo dừa là loại vật liệu quý mà tự ngàn xưa ông bà mình đã hiểu được giá trị thực của nó, nên đã dùng gáo dừa để làm nên câu ngạn ngữ: “Lành làm gáo, vỡ làm muôi” để dạy dỗ con cháu hãy sống làm người có ích. Nghĩa là chiếc gáo dừa dù nguyên vẹn hay nứt vỡ cũng có thể sử dụng được. Quan trọng hơn, đó là càng sử dụng, gáo dừa càng bóng, càng đẹp. Có phải chăng ông cha ta đã muốn nhắc nhở con cháu rằng, chỉ có lao động cống hiến, con người mới trở nên hoàn mỹ và bất kỳ sự cống hiến nào nhỏ hay lớn tùy vào năng lực và trình độ của mỗi người cũng đều đưa ta tới vinh quang.
        ( Bức tranh "Điểm tựa" do PT phác thảo được bán với giá 2.500USD và tặng toàn bộ số tiền trên cho quỹ bảo trợ bệnh nhân nghèo TP HCM năm 2004)
Sẽ có 1 xưởng  dừa tại Nhơn Trạch, bởi nơi ấy chỉ cách nhà PT gần 20 km với diện tích rộng hơn xưởng Củ Chi và lực lượng công nhân tại chỗ thuận lợi hơn. Đó là những yếu tố cần và đủ cho 1 ngành vật liệu non trẻ trên thế giới.
Khi nói đây là ngành vật liệu non trẻ trên thế giới, hẳn các bạn sẽ cho rằng PT quá cao ngạo?
Xin thưa rằng không!
Bởi với ý tưởng điên rồ là đưa gáo dừa về mặt phẳng để phát huy được thế mạnh từ nguồn nguyên liệu vô tận của thiên nhiên đồng thời khẳng định giá trị bền vững và nhân văn của 1 loại vật liệu quý bị ngủ quên cần được đánh thức, PT đã dành biết bao công sức và tiền của cho nó. Hôm nay chiếc gáo dừa đã thức dậy thực sự bởi sự quan tâm cụ thể của người tiêu dùng trên thế giới khi hiểu được tác hại của sự tàn phá môi trường.

Thứ Hai, 2 tháng 3, 2009

MỘT GÓC NHÌN KHÁC VỀ TRÁI DỪA - Entry for March 02, 2009




GÓC NHÌN KHÁC VỀ TRÁI DỪA VỚI TRIẾT LÝ NHÂN SINH
Trong quá trình nghiên cứu vật liệu gáo dừa, chúng tôi đã tìm ra được nguyên lý phát triển của gáo dừa trong quá trình sừng hóa ở dạng vết đầu loang. Từ đó rút ra được triết lý của gáo dừa:
Hãy tự khám phá bản thân, bạn sẽ biết được mình có được khả năng gì.
Hay nói cách khác:
Hãy tự đánh thức bản thân, bạn sẽ biết mình thức dậy như thế nào.
Vì sao chúng tôi lại có được triết lý đó?
Từ chiếc gáo dừa thô mộc, khi được sự đầu tư nghiêm túc về ý tưởng, chúng tôi đã làm ra nhiều sản phẩm khác nhau. Trên bề mặt của từng sản phẩm, chúng tôi có thể tạo ra nhiều dạng bề mặt khác nhau mà theo ngôn ngữ hội họa đó là ma-che.
Ví dụ: Trên một mặt bàn, với kết cấu đồng nhất, muốn tạo nên ấn tượng cho người tiêu dùng ở sự đa dạng hóa, chúng tôi có thể tạo ra ít nhất là hai ma-che khác nhau: sần và bóng. Cách thể hiện này hoàn toàn đơn giản, chỉ cần sử dụng dụng cụ, hay nói cách khác là đồ nghề khác nhau, ta có thể tạo ra được sự đa dạng phong phú của bề mặt sản phẩm.
Đó chính là cách thể hiện bản thân của một con người. Trong cùng một hoàn cảnh, và ngữ cảnh, ta có nhiều cách thể hiện bản thân để tạo nên sự khác biệt về tính cách. Mỗi tính cách thể hiện một khả năng tư duy sáng tạo của con người ấy.
Muốn có được tư duy sáng tạo, mỗi chúng ta đều phải hết sức chăm chỉ lao động và luôn cố gắng làm sao để kết quả đạt được tốt nhất, từ đó hình thành tư duy sáng tạo. Tư duy sáng tạo đó được hình thành theo nguyên lý vết dầu loang để cuối cùng có thể đạt được đó là nền tảng của kiến thức. Hay nói xa hơn, đó chính là bản lĩnh của mỗi con người.
Từ những đúc kết đó, chúng tôi đã định hướng thêm cho ý tưởng nghiên cứu của mình ngoài nghiên cứu ứng dụng cho ra đời những sản phẩm với những giá trị khác nhau, chúng tôi còn hướng đến lĩnh vực xã hội nhân văn và giáo dục nhân cách. Do gáo dừa từ xưa tới nay, bị xem như 1 loại vật liệu vứt đi, không được trọng dụng, nên khi muốn đưa khả năng ứng dụng phong phú của gáo dừa vào giáo dục nhân cách một cách chính thống, sẽ có nhiều ý kiến cho đó là khiên cưỡng và áp đặt, thậm chí còn bị cho là lố bịch. Để thay đổi 1 suy nghĩ ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người, chúng ta cần phải có những lý luận sắc bén và thực tế cụ thể sinh động có sức thuyết phục. Chúng tôi tin rằng vấn đề được nêu ra trên đây sẽ được chấp nhận, dù rằng từ ngàn xưa ông cha ta đã dùng chiếc gáo dừa để dạy bảo con cháu rằng dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, làm người phải có ích cho xã hội. Tuy rằng cách nhìn của cha ông ta ngày xưa chỉ bằng trực quan mà chưa quan tâm tới quá trình sừng hóa của gáo dừa
Sau khi phân tích tỷ mỷ từng ý, từng lời của câu ngạn ngữ “lành làm gáo , vỡ làm muôi” mà ông bà ta đã dạy cho con cháu, chúng tôi đã đặt ra nhiều giả thiết và câu hỏi: Tại sao ông cha ta không dùng loại vật liệu nào khác để dạy dỗ cháu con rằng hãy sống cho xứng đáng. Từ đó chúng tôi đã xem xét kỹ cấu trúc của trái dừa bằng trực quan và nhận thấy có sự tương quan đặc biệt độc đáo và lý thú giữa con người và trái dừa với hệ thống triết lý Âm dương – Ngũ hành của triết học Phương Đông.
Và đề tài nghiên cứu này của chúng tôi cũng nhằm vào 2 lĩnh vực: Khoa học ứng dụng và Khoa học xã hội
Qua những đúc kết và suy luận trên, chúng tôi có được một góc nhìn khác về trái dừa liên quan tới âm dương ngũ hành và triết lý nhân sinh.
Theo hệ thống triết lý âm dương tam tài, ngũ hành thì: Thái cực sinh tam tài, sinh ngũ hành, nghĩa là vũ trụ sinh ra trời đất và con người ( thiên - địa - nhân) để tồn tại và phát triển và trong trời đất và con người thì có ngũ hành ( kim, mộc , thủy , hỏa, thổ). Giữa chúng còn có một quy luật tương sinh, tương khắc tuần hoàn không dứt.
a. Luật tương sinh trong trái dừa
Trái dừa cũng chính là một tiểu vũ trụ, khi nhìn vào trái dừa đã bóc hết lớp vỏ và sơ, ta thấy dừa có 3 mắt. Nếu không có 3 mắt này thì trái dừa không thể phát triển, vì nó chính là bộ phận duy trì sự sinh trưởng và phát triển duy trì nòi giống của trái dừa. Và đó chính là hệ thống triết lý tam tài, ngũ hành ứng với trái dừa. Hai mắt được xem là “thiên” và “địa”, có nhiệm vụ hút nước và chất dinh dưỡng vào trái dừa thông qua hai ống dẫn nằm dọc theo hai mắt dừa và mắt còn lại ứng với “nhân” làm nhiệm vụ tổng hợp, sinh trưởng và phát triển trái dừa.
Bằng trực giác cảm quan, quan sát trái dừa, ta thấy trái dừa có 5 lớp và thể hiện luật tương sinh của ngũ hành rất rõ:
a.1. Nước dừaThủy: có tính chất tàng chứa
Nước được hút từ thân dừa lên cuống dừa để vào sơ dừa. Vỏ dừa có nhiệm vụ quang hợp để tổng hợp dinh dưỡng cho nước dừa qua sơ dừa, nước sẽ được hút vào bên trong gáo dừa bằng hai ống dẫn nằm dưới hai mắt dừa (kim sinh thủy)
a.2. Cơm dừaMộc: có tính chất động, khởi đầu
Cơm dừa được hình thành trong quá trình nhũ hóa của nước dừa. Khi mới hình thành, cơm dừa mềm, sau đó cứng dần lên đến khi già và từ đó lên mộng để nảy mầm (thủy sinh mộc)
a.3. Gáo dừaHỏa: có tính chất nhiệt, phát triển
Gáo dừa phát triển song hành với cơm dừa từ dạng bột, chuyển hóa sang dạng sừng nên gáo dừa cứng dần để trở thành chất liệu quý mà không một loại gỗ nào sánh được. Khi gáo dừa hình thành có tác dụng cho cơm dừa bám vào thì nó lại tiếp tục nhận phần dầu từ cơm dừa để hóa sừng (mộc sinh hỏa)
a.4. Sơ dừaThổ: có tính chất nuôi dưỡng, sinh sản
Khi trái dừa hình thành, nó chỉ có phần vỏ và sơ và phôi dừa. Sơ dừa có nhiệm vụ hút nước và nhựa để nuôi cho phôi dừa phát triển thành gáo (hỏa sinh thổ)
a.5. Vỏ dừaKim: có tính chất thu lại
Vỏ dừa giữ cho trái dừa có 1 sự ổn định về hình dáng và có nhiệm vụ bảo vệ cho nước trong sơ dừa không bị thoát ra ngoài và chính lượng nước của xơ cũng đã nuôi cho vỏ dừa có màu xanh bóng (thổ sinh kim)
Như đã được trình bày khái quát ở phần cấu trúc của trái dừa, ta thấy có năm phần, tương ứng với ngũ hành bởi nó thể hiện sự tương sinh tương khắc của học thuyết này qua sự hỗ trợ, áp chế và cân bằng lẫn nhau để trái dừa tồn tại và phát triển. Mối tương khắc trong trái dừa chính là sự áp chế để cân bằng lẫn nhau và để tồn tại.
b. Luật tương khắc trong trái dừa
Trái dừa phát triển theo quy luật tự nhiên cũng không nằm ngoài luật tương khắc. Ta hãy xem sự tương khắc của nó sau đây:
b.1. Thủy (nước dừa) khắc hỏa (gáo dừa): Nước dừa được nhũ hóa để tạo thành cơm dừa, nhưng không tiếp xúc trực tiếp tới gáo dừa vì đã có lớp vỏ lụa ngăn cách và là nơi để cơm dừa bám vào trong quá trình nhũ hóa. Nếu không có lớp vỏ lụa này, quá trình nhũ hóa sẽ không thể xảy ra hoàn toàn. Gáo dừa khi còn non, cấu trúc rất mềm, nước dừa thấm vào, sẽ làm cho gáo dừa bị hỏng làm trái dừa bị thối.
b.2. Hỏa (gáo dừa) khắc kim (vỏ dừa): Khi gáo dừa bắt dầu chuyển sang giai đoạn sừng hóa, thì vỏ dừa cũng bắt đầu khô đi và mất dần sự bóng láng
b.3. Kim (vỏ dừa) khắc mộc (cơm dừa): Khi vỏ dừa khô đi là khả năng hút nước từ cuống dừa không còn nữa, nên lúc đó cơm dừa không còn phát triển mà bắt đầu ổn định để tích lũy dầu
b.4. Mộc (cơm dừa) khắc thổ (sơ dừa): Khi cơm dừa tích lũy dầu cũng là lúc sơ dừa khô dần, vì lúc đó trái dừa đã ngưng hoàn toàn quá trình hút nước.
b.5. Thổ (sơ dừa) khắc thủy (nước dừa): Sơ dừa khô đi là khả năng cung cấp nước cho trái dừa không còn xảy ra nữa, nước dừa lúc đó sẽ được tích vào cơm dừa để tích lũy dầu và chuẩn bị cho sự lên mầm, để tiếp tục cho 1 vòng sinh trưởng mới.

Thứ Ba, 24 tháng 2, 2009

Một vài chia sẻ với các bạn về dừa - Entry for February 24, 2009


SỰ TƯƠNG ĐỒNG ĐỘC ĐÁO GIỮA VÒNG SINH TRƯỞNG CỦA CON NGƯỜI VÀ TRÁI DỪA
Xét về quá trình phát triển của trái dừa, ta thấy có sự tương đồng khá độc đáo với con người. Ngay hoa dừa cũng là thể hiện sự gắn kết của một cộng đồng nguyên thủy gồm đực (nam) và cái (nữ) và tính thụ phấn chéo khiến ta liên tưởng tới mối quan hệ huyết thống của con người vậy.
Bào thai người phát triển tới tháng thứ sáu thì hoàn thiện và trái dừa khi tới tháng thứ sáu cũng hoàn chỉnh phần cơm dừa.
Đến tháng thứ chín, bào thai được sinh ra, thì tháng thứ chín gáo dừa bắt đầu sừng hóa nghĩa là cơm dừa bắt đầu cứng và tích lũy dầu.
Sang tháng thứ mười một, trái dừa có khả năng lên mầm để duy trì vòng sinh trưởng thì con người ở vào độ tuổi thứ 10 - 11 trở đi, sinh lý cũng đã bắt đầu hoàn thiện và có khả năng duy trì và phát triển nòi giống. Lúc bấy giờ gáo dừa đã sừng hóa hoàn toàn, có màu nâu xẫm và bền với thời gian.
Tại sao chúng tôi lại chia chu kỳ phát triển của trái dừa ra làm ba giai đoạn?
Vì đó chính là 3 cột mốc của sự phát triển của trái dừa cũng như sự trưởng thành của con người.
Với con người cũng vậy. Khi mới bước vào đời, với kiến thức non nớt, người ta dễ ngộ nhận khả năng của mình, nên thường có những việc làm nông nỗi dễ mắc sai lầm, dễ bị tổn thương và thậm chí có thể làm hại cả tương lai. Và đó cũng chính là cột mốc đầu tiên của trái dừa khi mới hoàn thiện phần cơm dừa, lúc đó cơm dừa còn đang mềm nhão, nước dừa chưa được ngọt, gáo dừa bắt đầu cứng, nhưng chưa chuyển hóa thành sừng, nên dễ bị móp méo và mục rữa trong môi trường thiên nhiên.
Cột mốc thứ hai của con người chính là ở lứa tuổi lập thân (khoảng trên 30 tuổi) với những tích lũy kiến thức từ nhà trường và cuộc sống, người ta đã vững vàng hơn, nhiệt tình cao hơn và khả năng cống hiến cũng nhiều hơn. Thì trái dừa ở giai đoạn này cũng đã cho ta nước ngọt hơn, cơm dừa béo mềm và gáo dừa trổ hoa trong quá trình sừng hóa. Vào giai đoạn này, gáo dừa đẹp nhất và bắt đầu có sự bền vững trong quá trình sừng hóa. Quá trình sừng hóa của gáo dừa theo nguyên tắc vết dầu loang, nên tạo ra những hoa văn hoàn toàn khác nhau. Cũng như con người khi tiếp thu kiến thức, kinh nghiệm, va chạm cuộc sống và trưởng thành về nhân cách cũng theo nguyên tắc của vết dầu loang này.
Cột mốc thứ ba chính là lúc con người trưởng thành. Bằng bề dày kinh nghiệm của cuộc sống và vốn kiến thức được tích lũy, người ta đã có thể tồn tại vững vàng dù cho cuộc sống có nhiều thay đổi do bản lĩnh được tôi luyện qua năm tháng. Và cũng ở thời điểm này thì nước dừa cũng đã có gas, cơm dừa có thể ép dầu được, còn chiếc gáo dừa thì đã sừng hóa hoàn toàn và có thể tồn tại theo thời gian.
Khả năng ứng dụng của chiếc gáo dừa từ lúc bắt đầu ra hoa (bắt đầu sừng hóa) cho đến khi sừng hóa hoàn toàn. Bắt đầu từ giai đoạn thứ hai của sự phát triển, chiếc gáo dừa có thể sử dụng được. Tuỳ vào khả năng tay nghề và ý tưởng sản phẩm, người thợ thủ công hoặc nghệ nhân có thể chế tác ra những sản phẩm khác nhau với sự tinh tế khác nhau. Cùng 1 sản phẩm, người ta có thể thể hiện những dạng ma-che khác nhau để tạo sự thô mộc hay bóng loáng tùy theo sở thích và cảm nhận của họ. Và mỗi sản phẩm ấy sẽ có một giá trị sử dụng khác nhau và giá trị vật chất khác nhau.
Đó chính là con người.
Mỗi sản phẩm được tạo ra chính là một con người thể hiện giá trị của mình ở những góc độ khác nhau. Với những người ít suy nghĩ, thiếu tính năng động chủ quan, khả năng sáng tạo sẽ thấp, họ thể hiện mình ở những sản phẩm đơn giản, những người năng động hơn, sẽ thể hiện mình ở những sản phẩm phức tạp hơn. Tùy theo từng tính cách, những sản phẩm đó thô mộc hay bóng bẩy, nhưng nó cũng chỉ thể hiện mình ở những đẳng cấp nhất định.
Quá trình phát triển sinh học của trái dừa và con người, ở một góc độ nhất định, ta thấy có sự tương đồng hết sức độc đáo và thú vị. Từ những nghiên cứu ứng dụng, khiến cho chúng tôi hiểu thêm được rất nhiều điều trong cuộc cuộc sống, đó là khả năng khám phá bản thân và cách thể hiện, cách ứng xử ở bản thân của mỗi con người, sẽ tạo cho mỗi người chúng ta một giá trị và vị trí khác nhau trong trong xã hội.
( Trích 1 phần trong đề tài nghiên cứu về Dừa của phù thủy)

Chủ Nhật, 23 tháng 11, 2008

DỪA VẪN LÀ DỪA - Entry for November 23, 2008


Dẫu muôn ngìn trăn trở
Vẫn là em ngây ngô
Bởi tầm nhìn hạn hẹp
Như chiếc gáo dừa khô
***
Gáo cũng chỉ là gáo
Dừa luôn vẫn là dừa
Dù mưa giông bão giật
Luôn cho đời nước trong
***
Em vẫn luôn là em
Vẫn dễ cười dễ khóc
Vẫn dễ hay xúc động
Bản chất thật khó dời
***
Ước mơ luôn như mới
Em hăm hở trở trăn
Nối tiếp những khó khăn
Em một mình lặng lẽ . . .

Thứ Hai, 13 tháng 10, 2008

VĂN HÓA DỪA - Entry for October 12, 2008

Hôm nay đi đám ma ba của 1 người bạn cùng là HSMN (Học sinh Miền Nam) gặp 1 số bạn cũ và mới. Biết được Phù thủy đang trăn trở về văn hóa dừa Việt Nam, nhiều người chia sẻ, trong đó có anh Huỳnh Minh, con nuôi cô Ba Định cũng rất quan tâm. Khi tôi chào mọi người ra về, anh bảo tôi đứng lại và dặn dò:
- Thấy em muốn làm điều tốt cho Bến Tre, anh rất vui. Khi làm việc với Bến Tre, có gì khó khăn, ngay cả tài chính, hãy gọi cho anh, anh sẽ hỗ trợ.
Không riêng gì anh Huỳnh Minh, những người con Bến Tre xa sứ, khi nghe nói về quê hương, ai cũng muốn làm 1 điều gì đó cho quê hương mình. Và tôi đã vinh dự là người được tin cậy để cùng Bến Tre thực hiện LỄ HỘI DỪA lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam.
Với tôi, niềm khát khao lớn nhất là sau Lễ hội Dừa có được điều kiện để nghiên cứu về Văn Hóa Dừa Việt Nam
Xin được chia sẻ cùng các bạn về những ý tưởng có được trong quá trình nghiên cứu “GÁO DỪA” của tôi. Có thể sẽ có người cho rằng tôi quá khiên cưỡng để nghiên cứu và phát triển văn hóa dừa Việt Nam.
Được đánh giá là 1 loại cây thân thiện với môi trường, cây dừa còn được Hiệp hội dừa Châu Á Thái Bình Dương và Ngân hàng phát triển Châu Á chọn làm cây xóa đói giảm nghèo để đầu tư tài chính giúp cho các nước đang phát triển nằm trong vùng xích đạo, trong đó có Bến tre.
Tại sao cây dừa lại được đánh giá là loại cây thân thiện với mội trường?
Thứ nhất: Cây dừa được trồng ở vùng nước lợ đất bồi mà ít công chăm sóc và các bộ phận của cây dừa ngoài cơm dừa đều có thể tạo ra đồng tiền: từ xơ dừa, lá dừa, cọng dừa, râu dừa, vỏ dừa, gáo dừa, …
Thứ hai: Sau khi chết đi, gốc dừa còn là một loại phân bón cho đất mà hầu như không có cây nào có được.
Cây dừa có ở nước ta từ bao giờ, cho đến nay cũng chưa ai nói được, chỉ biết rằng đã từ rất lâu và rất lâu, tục nhuôm răng đen của người Việt xưa đã biết dùng đến than gáo dừa, bởi tính năng đặc biệt của nó là cực đen và xốp mịn. Rồi trong nghệ thuật tạo hình cây dừa cũng dược khắc họa qua bức tranh Hứng dừa của loại hình tranh dân gian Việt nam nổi tiếng của làng Đông Hồ. Chưa hết, khi ông bà ta tổ tiên ta đã răn dạy con cháu cách làm người qua câu ngạn ngữ: “Lành làm gáo, vỡ làm muôi”. Và điều mà tôi muốn nói hơn, đó là chiếc gáo dừa luôn tồn tại trong mỗi gia đình dù giàu sang hay nghèo khó trong vai trò chiếc gáo múc nước. Rồi khi đi biển, không có 1 loại thừng chão nào có thể sánh kịp dây thừng được làm từ xơ dừa. Ngay cả khi rửa nồi chảo, miếng gáo dừa cũng là một loại vật dụng không thể thiếu trong tay của các bà nội trợ. Những bó đuốc lá dừa cũng là vật không thể thiếu được trong mỗi gia đình để dùng khi hữu sự, v.v… Trong ẩm thực cơm dừa và nước dừa là một loại thức ăn gần gũi thân thuộc, 1 loại gia vị không thể thiếu được trong các loại thức ăn, chè, bánh ngọt trong những bữa tiệc hoặc cúng kính treong những ngày giỗ chạp. Cây dừa cũng đã cùng nhân dân cả nước bước vào cuộc hiến chống ngoại xâm với công dụng che chở bộ đội bằng những căn hầm, những đọt dừa, những chiếc cầu dừa và cả những dấu tích chiến tranh đến giờ cũng vẫn còn đây đó. Nước dừa cũng là 1 trong những loại thần dược đã cứu sống biết bao chiến sỹ ngoài mặt trận khi thuốc men thiếu thốn, hoặc dùng để tôn tạo thêm sắc đẹp của người phụ nữ. Rồi trên bàn thờ tổ tiên ngày Tết, dù không phải xứ dừa, dân ta cũng đã có thêm trái dừa để cầu xin trong năm mới làm ăn thuận lợi để “vừa đủ sài”. Gáo dừa cũng đã đi âm nhạc dân gian bằng cây đàn gáo, đàn bầu, nhịp song lang, … Trong dân gian, đã có những cuộc thi hái dừa, trèo dừa, lột dừa, v.v…vào những ngày lễ, hội ở những vùng quê có dừa. Và điều quan trọng hơn là cây dừa đã tạo cho làng quê Nam Bộ có sắc thái quê hương mà đi đâu ai cũng trăn trở hướng về. . .
Và cho tới hôm nay, phù thủy đã đánh thức được chiếc gáo dừa, bằng những sản phẩm mang đậm tính nhân văn phục vụ cuộc sống như bàn ghế, tủ, giường, những tấm panel đầy ấn tượng cũng như khẳng định sự thức dậy thực sự của nó trong nghệ thuật tạo hình của Việt Nam với dòng tranh gáo dừa qua 2 bức tranh hoành tráng: Việt nam quê hương tôi được ghi vào kỷ lục Việt Nam là bức tranh đầu tiên bằng gáo dừa lớn nhất và bức tranh thứ hai mang tên “Bác TÔN và quê hương An Giang” đã được hội Liên hiệp văn học nghệ thuật tỉnh An Giang đánh giá là 1 trong những bức tranh lịch sử đẹp nhất Việt Nam, tuy chưa đăng ký kỷ lục nhưng cho tới nay là bức tranh này đang là bức tranh gáo dừa lớn nhất với kích thước: 3,4 x 4,2m. Cả hai bức này đều có giá trăm triệu. Và thú vị hơn, cả 2 bức tranh này đều được kêu gọi đầu tư khi chỉ mới là ý tưởng và chưa có phác thảo chính thức.

Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2007

Nhà dừa


Nhà dừa
18/04/2007 (GMT+7)
Từ điển Wikipedia thống kê có đến vài chục sản phẩm của các phần trên cây dừa. Dừa làm thực phẩm, làm thuốc, làm vật liệu… Có lẽ các sản phẩm từ dừa không còn lạ. Nhưng gặp một người yêu dừa đến mê mẩn, bỏ ra nhiều năm tháng “theo đuổi”, tìm tòi cây dừa thì có lẽ ít người biết. Đó là câu chuyện của chị Nguyễn Thị Kim Thanh, người hiện sống trong một căn nhà dừa ở Củ Chi với rất nhiều vật dụng làm từ dừa. Suốt thời thơ ấu và cả tuổi trẻ bôn ba vào Nam ra Bắc, chị Thanh luôn có hoài niệm, ước mơ về một miền quê thanh bình. Miền quê trong tâm tưởng của chị không có địa danh, không phải là một khung cảnh cụ thể. Nó len lỏi ở đâu đó, rất sâu trong suy nghĩ của chị, khi có điều kiện, nó lại hiện ra.

Những vật dụng làm từ dừa: hộp đựng bánh mứt, giá để gia vị, tranh cẩn vỏ dừa
Tích cóp nhiều năm, đến khi có điều kiện, chị quyết định thực hiện ước mơ của mình. Chị tâm sự với bạn bè thân về cái vùng quê riêng của mình. Vùng quê mà chị mơ ước được một người bạn làm hoạ sĩ “cụ thể hoá” bằng những nét vẽ sinh động, trong đó không thể thiếu ngôi nhà vườn đặc trưng của vùng quê Nam bộ với vật liệu hoàn toàn được trưng dụng từ cây dừa.
Chị đã đi tìm nhiều nơi nhưng cuối cùng chọn mua 2.000m 2 đất ở Củ Chi để làm quê của mình.
Năm 1999, ngôi nhà được khởi công, người hoạ sĩ đứng ra làm thầu với một nhóm thợ chuyên nghiệp tuyển chọn từ Bến Tre.

Bộ bàn ăn kiểu dáng hiện đại làm từ gỗ dừa
Sau một năm, ngôi nhà mới chỉ dừng lại ở mức hoàn thiện được 36 cây cột dừa. Gia đình phản ứng vì thấy chẳng có ai lại bỏ số tiền lớn để mua dừa làm nhà. “Ông xã tôi ngay từ đầu khi nghe về ngôi nhà làm bằng dừa đã không đồng ý, nhưng tôi cứ lẳng lặng mà làm. Cũng có khó khăn nhưng đã làm thì chẳng thể bỏ nửa chừng”, chị kể về những ngày chị tự đứng ra tiếp tục hoàn thiện căn nhà.
Muốn sử dụng dừa làm nhà, ít nhất thân dừa cũng phải có độ tuổi từ 30 năm trở lên. Muốn dùng làm cột thì dừa phải có tuổi 60 - 70 năm mới đủ độ cứng và bền. Những lúc rảnh rỗi, chị theo chân nhóm thợ xuống Bến Tre săn lùng những cây dừa đủ tuổi. Ròng rã nhiều tháng trời chị mới tìm mua đủ số lượng dừa cần thiết. Tổng cộng chị đã phải mua 130 cây dừa để hoàn tất ngôi nhà trên 100m 2 . Trong quá trình tìm dừa đủ tuổi, chị đã đặt lòng tin vào nhóm thợ. “Kỹ năng đoán tuổi dừa phải dựa vào người nhiều kinh nghiệm”, chị Thanh kể.
Những người thợ phải lặn lội nhiều khu vực của Bến Tre. Họ phải xem từng chút những mắt dừa để tính tuổi cho cây. Rồi phải ngâm dừa vào nước ròng rã vài tháng để tránh những rủi ro sau khi cưa xẻ thành phẩm. Việc cưa xẻ thân dừa cũng không phải dễ. Để có được những thành phẩm đẹp, láng, cả nhóm phải ngồi tính, tuỳ theo “mặt dừa” mà họ quyết định xẻ thân theo chiều nào. Tất cả những công đoạn này đều phải thực hiện theo cách làm thủ công, những thiết bị cưa xẻ chuyên nghiệp ở đây trở nên mất công dụng.

Mặt trước của ngôi nhà và hệ thống cột, kèo bằng dừa
Xong được phần ván, đến cưa xẻ gỗ để thực hiện các vật dụng khác còn tỉ mỉ hơn nữa. Muốn hoàn thiện một chiếc ghế, ngoài các công đoạn tạo khung sườn, cái khó là tạo những hoa văn trên mặt ghế, lưng ghế tay nắm, những bức tranh treo vách… Vật liệu sử dụng chính của phần trang trí là gáo dừa, những miếng gáo dừa không đồng đều màu sắc được thợ ép ra cho phẳng, phối màu, dán kết lại với nhau, rồi mài giũa từng chút để tạo phẳng và độ láng chẳng khác gì công đoạn công phu của người làm tranh sơn mài.
Khi hoàn tất, ngôi nhà trở thành niềm tự hào của vợ chồng chị. Ngôi nhà kiểu nhà ngói ba gian dung dị bình thường như bao ngôi nhà thường gặp ở Nam Bộ. Bạn bè đến chơi ai cũng ngạc nhiên khi thấy toàn bộ ngôi nhà từ rường, cột, vách, bàn ghế… nhất nhất đều được làm từ dừa.
“Tôi đã có một chốn quê bình yên cho mình từ ngôi nhà này. Thật ra, trong lúc làm ngôi nhà, theo đuổi vật liệu bằng dừa như một ý thích, tôi đã bị dừa... đeo dính luôn vào, gỡ chẳng ra”, chị Thanh cười.
Đó là giải thích lý do cho việc lập công ty Trúc Phương, chuyên sản xuất, gia công những sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm từ dừa như tranh dừa, bàn ghế dừa, kệ dừa… Trụ sở công ty đặt ngay trong khoảng sân vườn ngôi nhà dừa của chị.
Việc kinh doanh còn hạn chế, chưa tìm được thị trường, nhưng chị vẫn không thể dứt ra được. Chị nói, “dừa nó như cái nghiệp gắn chặt vào tôi rồi”.
Bộ salon gỗ dừa đặt trên nền lót ván dừa ở trung tâm nhà, nằm giữa hai cây cột bằng dừa.
Mặt trước của ngôi nhà và hệ thống cột, kèo bằng dừa
theo Minh Triết - Ảnh Phan Quang (SGTT)
Căn nhà này đã đưa cuộc đời tôi vào 1 ngã rẽ mới, đó là ngã rẽ "gáo dừa"

Thứ Tư, 28 tháng 11, 2007

GÁO DỪA LIỆT TRUYỆN


Gốc Hải phòng, sinh ra ở Saigòn, tuổi thơ của tôi đã gắn liền với những địa danh theo lời kể mà mẹ đã từng chạy tản cư trong những ngày kháng Pháp như: Nho quan, Ninh bình, Đông triều, Thái nguyên, ……… Cho đến khi được đi học, tôi mới thực sự hiểu rằng quê hương không chỉ là đồi núi, làng mạc ngập tràn khói lửa loạn ly, mà còn có những dòng sông, điệu hát, câu hò với đồng lúa chín vàng thơm ngát,…….Như bước sang 1 thế giới khác với những thèm khát được về thăm quê, thăm ông bà, được chạy tung tăng trên những con đường rợp bóng dừa xanh uốn lượn theo những dòng kênh nhỏ, tôi thèm thuồng hỏi mẹ: Mẹ ơi, thế bao giờ mình được về quê hả mẹ? Một thoáng im lặng nhìn tôi, mẹ bảo: bao giờ đất nước thông nhất, mình mới được về quê. Thật hồn nhiên vô tư, tôi lại hỏi: thế đến bao giờ mơí thống nhất hả me? Giọng xa xôi mẹ nói: mẹ cũng không biết nữa! Và thế là tôi nuôi mãi trong lòng mình một khát khao cháy bỏng để có ngày được về quê.
Đến năm 13 tuổi, khi thoát ly gia đình tham gia cách mạng tôi mới chợt hiểu rằng, khi còn chiến tranh thì quê hương nào cũng ngập tràn khói lửa. Và tôi lại tiếp tuc ước ao có một làng quê thanh bình với khói lam chiều, với những hàng dừa xanh ngát mang đậm câu hò mênh mang, …….
Hoà bình lập lại, tôi được chuyển ngành đi học CNKT nước ngoài. Chúng tôi đi bằng chuyên xa qua những làng mạc xa xôi của những miền quê nghèo Trung quốc, trông thấy những em bé gầy còm quắt queo trên tay mang nặng băng tang Mao chủ tịch, đi qua thảo nguyên mênh mông của đất nước Mông cổ, tôi càng thấy yêu hơn đất nước mình qua những hình ảnh con sông, ruộng lúa, câu hò,….
Bay từ Moscow về, trung chuyến qua 1 số quốc gia như Kuwet, Bombay, Miến điện, Viên chăn và cuối cùng khi máy bay hạ độ cao ở Thủ đức, nhìn ra ngoài cửa sổ, đất nước mình rực rỡ sau cơn mưa với những hàng cau, những khói lam chiều, những cây rơm xũng nước, tim tôi thắt lại, đau nhói và tôi như ngừng thở. Quê hương tôi đây, quê hương của những ngày ấu thơ mà tôi thường ước ao được về là đây….Nhưng rồi những cảnh vật ấy nhanh chóng mất đi khi máy bay dần hạ độ cao để đáp xuống. Tôi như hụt hẫng …
Cuộc sống thời bao cấp với bao thiếu thốn lo toan, ngay cả khi cai sữa cho con cũng không có tiền mua nổi chiếc bình thuỷ, trong tôi chẳng còn 1 chút khái niệm gì về quê hương cả. Cho đến một hôm, tình cờ lên phòng nghiệp vụ (phòng kinh doanh gỗ), tôi chợt nhìn thấy 1 thanh ván sàn với hoa văn lạ mắt, tò mò hỏi, được biết, đây là gỗ dừa và tôi thầm nghĩ: sau này có tiền, mình sẽ cất 1 căn nhà bằng gỗ dừa.
Và rồi ước mơ trở thành sự thật khi cơ quan có nhiều thay đổi. Tôi xin đi học, vừa học, vừa tranh thủ làm thêm bên ngoài, có chút đỉnh tiền, tôi tìm người để hỏi ý kiến về một căn nhà dừa, nhưng ai cũng lắc đầu cho là vô tưởng, vì cây dừa mà ở Saigon, làm gì ai dùng để cất nhà. Hỏi thăm mãi, cuối cùng chị bạn cũng giới thiệu cho tôi 1 hoạ sỹ “dám cả gan” nhận làm 1 căn nhà 3 gian 2 chái bằng gỗ dừa cho tôi. Mừng còn hơn bắt được vàng, tôi đã nhanh chóng thoả thuận ký hợp đồng và về Bến tre để xem mẫu nhà mình muốn làm. Và cũng từ đó, cuộc đời tôi bắt đầu một lối rẽ.
Sau khi căn nhà được cất xong, tôi sung sướng và tìm về Bến tre để mua những vật dụng bằng dừa cho nhà mình, và thật bất ngờ khi tôi được nhìn thấy 1 con rùa được làm từ gáo dừa, trông rất sinh động, thoạt nhìn tôi cứ ngỡ mai của nó là thật. Và như số phận, tôi không thể nào không nghĩ về nó, và quyết định cho một cuộc chơi bắt đầu.
Khi nghe nói tôi mở xưởng, trong gia đình sợ tôi mua thêm vất vả đã không đồng ý. Nhưng với 1 quyết tâm tôi đã tự mở xưởng mà chưa có 1 ý niệm gì về chất liệu cả, và chính vì điều đó mà các bạn tôi đã cười và cho tôi là khùng điên, còn gia đình thì lắc đầu mà xót xa.
Và cũng chính vì sự không đồng ý đó của gia đình, mà lòng quyết tâm của tôi càng lớn hơn. Đã bao đêm gần như thức trắng chỉ để nhìn ngắm chiêc gáo dừa hoặc 1 sản phẩm mới được hình thành. Càng nhìn , tôi càng mụ mị đi vì nét đẹp tiềm ẩn của nó và quyết tâm càng cao hơn , 1 quyết tâm mà chưa có một điểm khởi đầu, nghĩa là tôi chưa biết mình sẽ làm gì với nó. Nói ra thì thật là mâu thuẫn. nhưng sự thật lại chính là đây
Với tôi, chiếc gáo dừa là 1 vật liệu rất xa lạ, chỉ thân quen vì nó là tên goị của 1 vật dụng dùng để múc nước mà bất kỳ vùng quê nào ở Viêt nam cũng sử dụng và sự lao động nghiêm túc nào cũng có kết quả nhất định của nó, khi ý tưởng đưa gáo dừa trở về mặt phẳng ra đời, tôi hăm hở, trở trăn để làm thế nào sản phẩm của mình phải được công nhận.
Những khó khăn bắt đầu từ đây, vì là 1 ý tưởng hoàn toàn mới, để nghĩ ra 1 loại sản phẩm ứng dụng được nó đã khó rồi, nay xác lập quy trình sản xuất hợp lý lại càng khó khăn gấp bội, khi tôi vừa phải đi làm kiếm tiền lo cho xưởng, vừa phải mày mò, nghiên cứu ứng dụng và xác lập quy trình hợp lý để hạ giá thành sản phẩm, trong khi xưởng sx cách nhà hơn 40 cây số. Đã vậy nhân sự lại không ổn định, những người tôi mời về hợp tác đều có trong đầu suy nghĩ: sẽ khống chế và chi phối tôi bằng nhiều hình thức, hòng quyết định sự sống còn của xưởng. Và họ đã không nghĩ rằng, nếu không có sự lao tâm khổ trí và tiền của tôi bỏ ra, thì họ là ai (?!) Vì thế kỹ thuật viên do tôi đào tạo đã lần lượt ra đi và tôi lại tiếp tục đào tạo người mới, cho đến hôm nay thì nhờ vào sự nỗ lực của mình, tôi đã truyền được niềm say mê vào cho đội ngũ kỹ thuật của mình và họ đã nhìn thấy tương lai của sản phẩm chứ không phải nhìn thấy quyền lực của một trưởng xưởng, 1 kỹ thuật viên.
Từ vẻ môc mạc, khô ráp của mình, gáo dừa đã hút tôi vào vòng xoáy của nó, như có 1 ma lực, tôi đã như con thiêu thân, quên cả không gian, thời gian, cũng như sức lực và tiền của để hăm hở, trở trăn và đôi khi muốn ngã quỵ, để tìm hiểu sắc độ, nguyên lý phát triển của nó để tìm ra 1 quy luật và hơn nữa, đó chính là 1 triết lý sống cho mình, khi tôi đã đánh thức được nó. Và đó chính là: hãy tự đánh thức chính mình
Những lúc đi về sớm khuya, tôi thèm mình được là 1 người đàn ông để không bị không gian và thời gian trở thành sự cản trở. Cũng thật may mắn cho tôi là ông xã đi làm xa, nên mỗi tuần vào ngày chủ nhật chúng tôi vẫn có 1 sinh hoạt bình thường như bao gia đình khác.

Thứ Ba, 20 tháng 11, 2007

Bức tranh DỪA được chào bán khi chỉ là ý tưởng


Thật vinh dự khi được Ban tổ chức Sàn GD Ý tưởng VN đã tạo điều kiện cho tôi được lên sàn giao dịch Ý tưởng VN lần đầu tiên tổ chức tại Hà nội để giới thiệu ý tưởng và mời gọi đầu tư cho ý tưởng. Sản phẩm lên sàn của tôi hôm nay là bức tranh “Chân dung Bác Tôn và quê hương An Giang” đăng ký kỷ lục Việt nam: Bức tranh bằng gáo dừa về Bác Tôn đầu tiên và lớn nhất Việt Nam, nhân kỷ niêm 120 năm ngày sinh của Chủ tịch Tôn Đức Thắng.
Là người được sinh ra và lớn lên ở Saigon, chỉ biết đến cái gáo dừa qua tên gọi, nhưng khi được nhìn thấy và cầm chiếc gáo dừa đã được chế tác thành hàng mỹ nghệ trong tay, tôi như bị hút hồn vào nó như 1 kẻ si tình và đã gần 10 năm tôi lăn lóc miệt mài để cố gắng đánh thức nó dậy bằng nhiệt huyết của lòng mình và sự nỗ lực đó đựợc đánh dấu bằng 2 giải thưởng sáng tạo KHKT tp HCM 2 năm 2003 và 2004 cho đến hôm nay, chỉ xuất được những lô hàng nội thất trị giá hơn trăm triệu chứ chưa có những lô hàng lớn, và bước đầu đã được các thị trường: Mỹ, Singapore, Đức và Pháp chấp nhận. Trong quá trình nghiên cứu vật liệu phẳng từ gáo dừa, tôi đã tình cờ phát hiện ra sự lung linh huyền ảo và sống động của sự chuyển đổi sắc độ trong quá trình sừng hoá của chiếc gáo dừa và cũng từ đó tôi phát hiện ra rằng chiếc gáo dừa cũng có triết lý riêng của nó, một triết lý của sự sống và phát triển.Tuổi đời của trái dừa từ khi ra hoa cho đến khi chín già rụng xuống là 1 năm, trong 1 năm đó sự chuyển mình hoá sừng của nó không khác gì sự phát triển của 1 đời người cả. Vòng đời của trái dừa cũng như vòng đời của mỗi người chúng ta, cũng non tơ nhạt nhẽo, cũng đậm đà béo thơm, cũng nồng nàn men say, cũng lung linh huyền diệu và cuối cùng sẽ vững bền theo thời gian khi đã chín và hoá sừng hoàn toàn.
Gáo dừa là 1 loại gỗ đặc biệt ở dạng sừng hoá, không bị mối mọt, không bị mục ruỗng trong môi trường ẩm thấp mà các loại vật liệu khác (trừ đá) đều bị hư hại. Giai đoạn sừng hoá của chiếc gáo dừa ở từng thời kỳ chính là căn cứ để xác định độ tuổi của trái dừa, sự phân định màu sắc của chiếc gáo dừa từ màu trắng ngà cho đến nâu sậm cho thấy rằng sự chuyển đổi màu sắc của chiếc gáo dừa để thể hiện tranh hết sức mong manh, vì nó được chuyển hoá theo nhịp sinh học phát triển của trái dừa theo nguyên tắc vết dầu loang. Đó chính là yếu tố tạo nên sự huyền ảo đáng kinh ngạc của gáo dừa cho sự ứng dụng vào tranh nghệ thuật.
Và đây cũng chính là phần quan trọng nhất trong bộ ý tưởng “Đánh thức gáo dừa” của chúng tôi nhằm tôn vinh sự thức dậy của chiếc gáo dừa, qua những đôi tay tài hoa khéo léo của các nghệ nhân và hoạ sỹ VN. Một ý nghĩa lớn hơn đó là thông qua sự thức dậy này của chiếc gáo dừa, chúng tôi muốn đựơc giới thiệu với chúng ta một dòng tranh mới của Việtnam, đó là tranh gáo dừa, nét đắc sắc của một chất liệu mang tính văn hoá truyền thống và nhân văn sâu sắc của Dân tộc Việt nam. Tính nhân văn đây chính là sự nghiên cứu và sáng tạo không ngừng bởi đôi tay khéo léo của các nghệ nhân và sự bóc tách tìm sắc độ của hoạ sỹ cho loại chất liệu mộc mạc quý giá này. Bên cạnh đó, chúng tôi vô cùng mong muốn có được sự ủng hộ của quý vị cho sự đánh thức gáo dừa này của chúng tôi để sản phẩm gáo dừa trở thành sản phẩm đặc trưng cho văn hoá Việt mà đã từ lau rồi nó bị bỏ quên.
Thông thường để thực hiện 1 bức tranh, người hoạ sỹ dùng bút, dùng cọ và phần lớn không động đến máy móc. Nhưng để làm 1 bức tranh dừa ngoài việc dùng bút để phác thảo, phần còn lại phải sử dụng cưa, kềm và 1 số thiết bị khác. Khi tạo hồn cho bức tranh, đòi hỏi người hoạ sỹ phải sử dụng thành thạo những loại máy cầm tay và biết ứng dụng từng loại mũi phay, mũi khoan, . . .như thế nào để phù hợp với chi tiết cần thể hiện.
Tuy nhiên quan trọng hơn hết vẫn là sự xác định sắc độ chất liệu, bởi tranh gáo dừa không có sự can thiệp của bất cứ 1 loại màu sắc nhân tạo nào từ bên ngoài mà chỉ dùng màu sắc gáo dừa thiên nhiên ở từng độ tuổi khác nhau sẽ có những sắc độ, hoa văn khác nhau để chuyển tải nội dung tranh mà hoạ sỹ cần thể hiện.
Với hàng vạn mảnh gáo dừa đủ màu sắc độ tuổi qua bàn tay nghê thuật của các nghệ nhân, vùng quê thân yêu An Giang với thiên nhiên phóng khoáng, trù phú truyền thống lịch sử lâu đời, sự phát triển vững mạnh của công nghiệp hoá, hiện đại hoá đi lên hội nhập được tái hiện rõ nét. Đặc biệt hình ảnh chân thật bình dị nhưng cũng rất hào hùng của Cố Chủ tịch Tôn Đức Thắng chiếm một vị trí quan trọng trên toàn bộ tác phẩm, hình ảnh Người như một nguời cha, nguời Anh đang vẫy gọi, thúc giục, nhắc nhỡ lớp lớp con cháu : Hãy phát huy truyền thống cách mạng của cha anh, khắc phục khó khăn gian khó, phát huy truyền thống cách mạng quyết tâm xây dựng miền quê An Giang thành một vùng quê giàu đẹp, yên bình.

Thứ Năm, 25 tháng 10, 2007

KÝ ỨC TUỔI THƠ- Sau đêm mưa mùa Hạ


Sau đêm mưa mùa Hạ
Cho đến bây giờ, tôi vẫn không thể quên được cảm giác xốn xao ngày ấy, cái ngày mà lần đầu tiên tôi nhìn thấy buổi bình minh sau đêm mưa mùa hạ của miền đồi trung du Vĩnh Phú. Mặt trời đang lên, chiếu những tia nắng rực rỡ xuống dòng suối nhỏ ngập tràn hoa trẩu* trắng. Phải chăng đó là những rung động đầu tiên trong đời tôi trước cảnh thiên nhiên thơ mộng ấy.
Trường tôi học, ngôi trường dành riêng cho học sinh Miền Nam, với những dãy nhà đơn sơ đựơc lợp bằng giấy dầu nằm trải dài bên bờ suối nhỏ dưới chân núi Tam Đảo. Chúng tôi đã cùng nhau sống trong tình yêu thương của thày cô giáo và của nhau, những đứa trẻ xa quê hương vừa rời đất lửa để được sống trong những ngày êm ả giữa hậu phương Miền Bắc, nơi ươm mầm cho những “hạt giống đỏ Miền Nam”.
Sáng hôm đó, vâng, đó chính là lần đầu tiên trong đời tôi gần như choáng ngợp. Những hòn đá mới chiều hôm qua thôi, nó đen xỉn đến đáng thương, lặng lẽ nằm nhấp nhô trên dòng suối nhỏ. Vậy mà gìơ đây, chỉ qua một đêm, sau đêm mưa mùa hạ, nó bỗng lấp lánh, lấp lánh dưới ánh bình minh như những viên ngọc đính trên chiếc thảm trắng tinh được dệt nên từ những cánh hoa trẩu trắng lung linh.
Rồi cũng từ đó, từ đó tôi thấy mình như đang dần thay đổi. Chợt vui đó, chợt buồn đó, chợt bâng khuâng, bâng đến thẫn thờ với một cơn gió thoảng, một cánh hoa rơi, một buổi trưa hè lặng gió. . . Những ngịch ngợm, những vòi vĩnh và phụng phịu không đâu đối với các anh chị trong lớp cũng từ từ lắng xuống. Và tôi thường nghĩ nhiều hơn về những gì mình đã làm và những điều đã qua.
. . . . .
Là một cô bé được sinh ra và lớn lên giữa Saigon, một thành phố mà nơi này xa hoa tráng lệ, góc kia ổ chuột tối tăm, tôi đã sớm nhìn thấy những cảnh đời trái ngược. Đến khi quân viễn chinh Mỹ bắt đầu có mặt tại Saigon, như bao đứa trẻ khác, tôi cũng hoan hô, cũng thích thú nhấm nháp những viên kẹo Mỹ với những hương vị lạ ngon lành, những hộp phô ma béo ngậy. . . Song những chiếc kẹo kia, những hộp bánh nọ cũng sớm kém phần hấp dẫn bởi những cái đá đít dành cho những đứa trẻ đánh giày, những trò đùa thô bạo đối với các chị nữ sinh trên đường, những tai nạn giao thông do quân Mỹ để lại trên đường phố Saigon, . . . và trên mặt báo bắt đầu có từ “lính Mẽo”.
Mười ba tuổi, tôi xa nhà tham gia cách mạng. Rời vòng tay yêu thương của mẹ cha, rời nệm ấm chăn êm, tôi ra đi không một chút đắn đo. Bởi ngoài kia, nơi chiến trường khói lửa, tôi có người chị Hai yêu dấu chẳng quản hiểm nguy, chẳng nề gian khổ, bằng đôi tay và lòng nhân ái đang ngày đêm chăm sóc vết thương cho đồng đội và chị Ba luôn túc trực bên máy điện đàm để săn dò những tin tức, dịch những mật khẩu của quân Mỹ chuẩn bị cho những cuộc hành quân càn quét giết hại dân mình.
Lăn lóc nơi rừng xanh núi đỏ với những trận sốt rét rừng đến đi không nổi, cùng đồng đội san sẻ từng hạt muối, từng cánh rau rừng trong những trận càn ác liệt, chúng tôi đã sống và chiến đấu bên nhau bằng cả trái tim mình. Rồi những tin tức chẳng lành dồn dập đến. Chị Hai bị thương, cha mẹ bị bắt giam, các em thơ bơ vơ giữa chốn thị thành. Chưa kịp hoàn hồn với những hung tin đó, thì tôi được phân công ra Miền Bắc học tập. Thêm một lần chia tay, lần chia tay này trong tôi biết bao khắc khoải. Và tôi đã khóc, khóc rất nhiều trong vòng tay đồng đội.
Rồi những tháng ngày vượt Trường Sơn cùng bạn bè trang lứa đã trả lại cho tôi phần nào tính hồn nhiên của trẻ thơ, với những trò đùa, những trận cười nứt bụng vì những điều ngớ ngẩn hoặc những giận hờn vì một câu đùa, một lời trêu chọc không đâu.
. . . . .
Tuổi mười sáu đến với tôi là thế đó. Khi vui, khi buồn, khi nhớ gia đình, nhớ đồng đội và tự vấn mình. Từ đó mới hay rằng mình đã bắt đầu từ giã tuổi thơ. Tôi đã từ giã tuổi thơ với những khoảnh khắc vui buồn, vui buồn với chính mình, kể từ sau đêm mưa mùa hạ với dòng suối nhỏ ngập tràn hoa trẩu trắng trôi xuôi. . . .
-Hè 1994-
(6.07.1994)

________________
* Trẩu: là tên một loại cây công nghiệp, hạt dùng để ép dầu.

Thứ Ba, 9 tháng 10, 2007

CHO CÁC CON


CHO TÍ CÒ

Chỉ ước mơ nho nhỏ
Mẹ vẫn dành cho con
Bé thương yêu cuả mẹ
Giống ba nhiều con nhé
7.12.1981

CHO CU BI
(Lời Cu Bi)
Mưa rơi ướt tay mẹ
Mưa rơi ướt tóc con”
Lời bé yêu của mẹ
Là lời thơ vở lòng
-1988-

CHO Ý NHI

Con gái cưng của mẹ
Có đôi mắt tròn xoe
Đôi đồng tiền má lúm
Mỗi khi cười xinh ghê
-2.1993-
****


“Mẹ đâu rồi ?”
“Mẹ đâu rồi ?”
Bé mẹ đang tập nói
Khi chẳng thấy mẹ đâu
Và cả khi mẹ đó
Vẫn hỏi
“Mẹ đâu rồi?” -31.08.93-

Thứ Hai, 1 tháng 10, 2007

XÔN XAO


XÔN XAO

Nắng xôn xao
Theo tà áo trắng
Em đã vẽ cho đời
Bóng nắng xôn xao
Nắng xôn xao
Theo tà áo trắng
Bóng em làm
Lòng anh xôn xao
Nắng xôn xao
Lòng xôn xao
Xôn xao
xôn xao . . .
Saigon:10/91

Thứ Sáu, 28 tháng 9, 2007

DẤU ẤN ĐƯỜNG ĐỜI


Trên đường đời ngang dọc
Mang nặng bụi trần gian
Những dấu chân đậm nhạt
Vẫn ngược xuôi không dừng
*******
Cảm thán về vụ xập cầu Cần thơ với những dấu chân người thợ và nhà thầu.
Họ sẽ đi đâu về đâu khi cùng song hành trên đường đời ngang dọc?

Thứ Sáu, 21 tháng 9, 2007

Cảm tác chiều mưa


Mưa!
Mưa!
Mưa!
Mưa!
Mưa!
Mỗi giọt mưa rơi một giọt buồn
Ai ngồi lặng lẽ ngó mưa tuôn
Ai đang quạnh quẽ trong trời đất
Sẽ hiểu chiều mưa
Rơi!
Rơi!
Rơi!
Rơi!
************
Mưa buồn rơi nữa chi mưa
Để ai cứ mãi ngẩn ngơ đất trời

Thứ Tư, 19 tháng 9, 2007

Mưa


Em sẽ nhớ hoài
Đêm mưa
Chúng ta đi bên nhau
Dưới ô
Dìu em
Khi em trơn bước
Và em dỗi hờn
Trong vòng tay anh?
***
Em sẽ nhớ hoài
Đêm mưa
Chúng ta đi bên nhau
Dưới ô
Em thẹn thùng
Nghe tim anh rộn rã
Em ngại ngùng
Chờ a nói
Chữ YÊU
***
Em sẽ nhớ hoài
Đêm mưa
Chúng ta đi bên nhau
Dưới ô
Em sẽ nhớ hoài
Đêm mưa
Chúng ta đi bên nhau
Dưới ô . . .
Tashkent 4/1979
Mưa ngày ấy, em thẹn thùng e ấp
Mưa bây giờ nhuốm bụi thời gian . . .

Thứ Hai, 17 tháng 9, 2007

CUỘC ĐỜI VÀ DÒNG SÔNG


CUỘC ĐỜI VÀ DÒNG SÔNG
***
Một dòng sông,
Một kiếp người
Sông lặng lẽ trôi
Sông rú gầm
Khi qua ghềnh thác
Và rồi lại hiền hòa
Đổ về biển khơi.
Như cuộc đời tôi
Cũng bao sóng gió
Rồi lại dịu êm
Hiền hòa trôi
theo dòng đời
12.1988