Trang

Thứ Năm, 28 tháng 2, 2013

Mời xem VTV9

Mời các anh chị và các em mình trưa mai (thứ sáu: 11 giờ mở TV bắt đài VTV9, chương trình Tôi, người Việt Nam về "Người đánh thức gáo dừa".
Bạn mô giỏi vi tính, xin chép lại link "tặng" mình để lưu mần kỷ niệm.
Cám ơn nhiều nhiều.

Giỗ tổ NGHỀ TÓC


Vợ chồng cậu em Út đứng giữa
Mai (20 tháng Giêng), giỗ tổ Nghề tóc. E dâu Út mình là nhà tạo mẫu tóc nổi tiếng Mylien Mymy đồng chủ trò của ngày mai tại nhà hàng Sinh Đôi. Em vừa sáng tác ca khúc "Tôi và tóc", hôm qua ghé sang em để "tút" lại "nhơn séc", em hào hứng kể và cho mình nghe bài hát trên. Gia điệu vui, trẻ trung, nhí nhảnh, lời cũng tuyệt vời không kém.
Em nhỏ hơn mình 1 con giáp nên ở tuổi Mậu thân. Nhà mình có tới 1 bầy khỉ. còn 1 cô cháu tuổi Canh thân hiện là thạc sỹ quản trị bệnh viện đang làm việc tại Mỹ (khoe hàng) Thêm 2 con khỉ nhỏ cháu nội của ông anh và cháu ngoại của bà chị, năm nay được 9 tuổi, nghịch phá và lý sự kinh hồn (chắc giống mình, hihi)
Em về làm dâu nhà mình khi vừa tốt nghiệp 12 (em trai mình có tài cua "gớ" bằng ngón đờn và cái sự im im nhưng đầy hóm hỉnh). Nhập gia tùy tục, về nhà mình đc hơn tháng, ba mình bắt đầu dạy em chích thuốc, chữa bệnh (ba mẹ mình là y tá tư, nổi tiếng 1 vùng). Em cũng mát tay chẳng thua gì mình (cả nhà mình ai cũng có tay phục dược). Được hơn 2 năm thì ba mẹ và mấy chị em, mỗi người 1 ít, góp lại để mở tiệm làm tóc cho em. Lúc đó cơ quan mình đến ủng hộ em rất nhiều. Y như ba, em trai mình đứng đằng sau vợ, lo hết mọi việc về vật tư, thiết bị ngành tóc, em thì như mẹ mình, hồn nhiên, chỉ biết làm, gom tiền đưa chồng để lên kế hoạch tương lai.
Em trai mình được cái rất cẩn trọng trong đầu tư làm ăn, nên tính đâu thắng đó. Em dâu thì đạt ngay giải cây kéo vàng đầu tiên của Việt Nam, nên công việc ngày càng phát triển. Nay "tiệm" tóc của em được hãng L'oreal đầu tư độc quyền và là "tiệm" tóc đầu tiên của Việt nam đạt chuẩn quốc tế.


P/s: Ngày xưa, nghề tóc chỉ đủ sống. Nay ai có nghề giỏi cũng khá hơn nhiều. Vợ chồng em Út mình "trai tài, gái cũng tài luôn", nên đã đầu tư tài chính vào Mỹ. Em dâu và các cháu chuẩn bị qua Mỹ, nhưng không định cư, chủ yếu cho các cháu học hành, nên phải nhập quốc tịch Mỹ. Em trai thì kiểu mô cũng không đi, vì nó có quá nhiều cơ hội làm ăn ở Việt Nam với cái đầu lạnh ngắt.


Thứ Tư, 27 tháng 2, 2013

NGÀY THẦY THUỐC VIỆT NAM

Ba mẹ mình đều là y tá, nổi tiếng 1 thời khắp vùng nhờ mát tay và lòng nhân hậu.
Chị Hai mình là bác sỹ, đã có lần lên báo nhờ có chương trình cai nghiện tại gia, nhưng giờ thì khách khứa vắng òm, vì tối ngày đi khám từ thiện, chẳng màng tới lợi danh.
Chị Ba mình thì có nhà thuốc tây, nhìn vào khách lưa thưa, nhưng nhân viên không bao giờ được nghỉ, bởi cứ người này ra thì người khác vào, đủ để 3 nàng dược tá loay hoay cả ngày. Nhà thuốc của chị được các hãng dược phẩm cho vào danh sách "đỏ" và được chăm sóc thường xuyên (mình có bạn  làm trình dược viên nói thía). Bởi ngoài chức danh dược sỹ, chị còn là 1 bác sỹ thực thụ, bởi chị đã từng suốt thời con gái phụ mẹ chữa bệnh cho mọi người. Cái sự mát tay của chị cũng được mọi người hết sức tín nhiệm. Mọi người nói, chỉ cần ra nhà cô Phú (tên chị mình) là hết bịnh, khỏi đi bác sỹ. Cả nhà mình, ai cũng có tay phục dược. Nhớ ngày mới giải phóng, từ miền Bắc về, thấy mẹ không lúc nào ngơi tay, ba dạy mình chích thuốc và mình cũng đã phụ mẹ chích thuốc và chữa bệnh. Các em bé, chỉ đòi chị Thanh chích thuốc; có chàng, sau mấy ngày vào chích thuốc đã nói mẹ vào đặt vấn đề với mẹ mình để xin tìm hiểu. Mẹ mình thì vui tính lắm, nhưng chuyện này hổng đùa được, nên từ chối ngay, vì sợ mình dang dở chuyện học hành. Thế là từ đó, mẹ hạn chế, không để mình chích thuốc cho các chàng trai nữa.
Giờ có những lúc nằm bệnh viện, thấy mấy cô điều dưỡng chích thuốc cho mọi người, mình hiểu tại sao họ chích đau và vì sao khi mình chích thuốc lại được mọi người thích và khi mình bán thuốc, thì mọi người rất nhanh khỏi bệnh. Ấy là trước tiên, ba mình "giáo huấn" (chả gì ba cũng từng là y tá trưởng của bệnh viện thời Pháp): Trước khi tiêm thuốc cho người bệnh, phải nghĩ mình đang là bệnh nhân, mệt mỏi, đau đớn và con cần gì? Trước tiên là sự cảm thông và ân cần nơi người thầy thuốc, vì thế, khi cầm ống tiêm, con hãy để họ tập trung vào sự ân cần hỏi han của con mà quên rằng họ sắp phải bị tiêm và quan trong hơn là kỹ thuật tiêm. Con phải biết đưa kim vào đúng vị trí để tránh tai nạn nghề nghiệp là làm bệnh nhân bị thọt chân, và đưa kim thế nào để bệnh nhân không có cảm giác đau, hoặc sợ hãi. Khi tiêm thuốc phải tiêm rất chậm, nếu thuốc nào đau, phải biết cách để thuốc vào mà họ không cảm thấy đau đớn. Kỹ thuật tiêm rất quan trọng và quan trọng hơn chính là cái tâm của người thầy thuốc phải không các bạn? Ba mình đã dạy rất nhiều học trò và ai cũng thành đạt. Mình chỉ phụ để mẹ đỡ vất vả, nhưng với sự chỉ dạy của ba, mình hiểu rằng sự ân cần, tận tâm của người thầy thuốc cũng chính là 1 phương thuốc nhiệm màu. Và mình cũng đã làm được điều đó.
Hôm nay ngày Thầy thuốc Việt Nam. Nhớ ba mẹ, nghĩ đến 2 chị, mình viết bài này, để các bạn cùng chia sẻ với mình. Một thầy thuốc không chuyên trong 1 gia đình thầy thuốc chuyên nghiệp.

P/S: Ba dạy mình cả cách cầm ống cặp nhiệt cho vào nách bệnh nhân như thế nào, cả cách vẩy ống cặp nhiệt ra sao. Giờ thấy kỹ năng chuyên môn của các cô điều dưỡng kém quá, từ cách vẩy ống cặp nhiệt, nhất là kỹ thuật tiêm. Có lẽ họ không được dạy tính ân cần, tận tâm trong y đức... Buồn!

Thứ Ba, 26 tháng 2, 2013


HƯƠNG CÀ PHÊ – HƯƠNG ĐỜI

HƯƠNG CÀ PHÊ – HƯƠNG ĐỜI

    
      (Nhà thơ - nhà thư pháp Trụ Vũ rất uyên bác và lịch duyệt, PTGD đứng cạnh ông)

Cảm nhận đầu tiên của tôi khi được nhìn bản thảo tập thơ Hương Cà phê của bác Trụ Vũ, ấy là sự chăm chút hết sức cẩn thận về hình dáng bên ngoài qua gam màu mận chin thật dung dị với những vân màu đậm nhạt. Thong thả lât giở từng trang, bác đọc cho tôi nghe từng bài thơ một. Tôi thực sự choáng ngợp bởi những dòng thư pháp như hương cà phê đang tỏa lên thơm lựng từ những tách cà phê đậm nhạt vị đời. Bằng giọng đọc truyền cảm và lắng đọng, bác chầm chậm dắt tôi vào giữa cuộc đời thăng trầm, nhưng rất thú vị qua những bài thơ mà theo bác là “nhỏ” nhưng tròn đầy triết lý.
Từng giọt đen
Từng giọt đen
Đời mình
Với Trụ Vũ, “từng giọt đen” này là gì (?!), để khi rơi vào cuộc đời đã  “Vùng vẫy/ Biển hư vô”. Và rồi  kết tinh lại để thành:
Kim cương đen
Ngời ngời
Thơm chảo lửa
Có phải chăng chảo lửa của Trụ Vũ ở đây chính là cuộc đời mà trong  “Mọi cái có/ Đều không/ Và ngược lại” để qua chảo lửa ấy “Giọt cà phê/ Vô ngại”.
Nghe thơ Trụ Vũ, tôi không thể không ngừng suy ngẫm, bởi mỗi giọt cà phê của ông chính là mỗi giọt đời đọng lại “Giữa đôi bờ/ Không sắc” giọt cà phê biết “Đứng lại/ Giữa đường rơi” để “Kê vầng trán/Lên sợi cà phê/ Đắng”. Vị đắng của cà phê mà ông nói lên ở đây là gì? Có phải chăng đấy chính là hương vị cuộc đời của những người từng trải? Từ cái vị đắng ấy của cuộc đời, đã tạo nên sắc thái riêng của Trụ Vũ để rồi:
Giọt cà phê
Long lanh
Tròn nhật nguyệt
Và trong những “giọt” đời không ngừng suy ngẫm và trải nghiệm ấy, thì: “Tách cà phê/ San sẻ/ Vị thăng trầm”. Vâng, khi những giọt đời rơi vào cùng một chốn, chúng sẽ hòa quyện cùng nhau bằng sự chia sẻ cảm thông để cùng tỏa hương. Những “giọt” đời ấy, đâu chỉ là những thăng trầm của cuộc sống, mà nó còn có cả “Đợi em/ Từ bao kiếp/ Giọt tri âm”
“Giọt cà phê” của Trụ Vũ còn là “Sợi tóc/ Ngát hương em”.  Em của Trụ Vũ ở đây là ai? Có phải là một nửa thế giới đã làm điêu đứng bao tâm hồn “Em nồng nàn/ Tỏa đắng/ Giọt cà phê” hay Trụ Vũ xem “giọt cà phê” như người bạn tri kỷ, tri âm để “Em nằm đó/ Hiện thân đời/ Giọt đắng ơi”…
Qua 99 bài thơ “nhỏ”, tập thơ Hương cà phê với bút pháp tự do, ngôn từ mộc mạc, Trụ Vũ đã nhấn nhá từng câu chữ  như những lời trần tình với cuộc đời bằng chính sự thâm trầm của mình. Và tuy không hiểu nhiều về Phật pháp, nhưng từ tập thơ này, tôi cảm nhận được sự sâu xa của triết lý nhà Phật, của sự giải thoát bởi sự vô hình tướng “Giọt cà phê/ Vô tướng/ Đức Mầu ni” cùng  “ Giữa đôi bờ/Không sắc/ Giọt cà phê”. Và hơn hết, tôi có được bài học ở cuộc đời, chính là:
Giọt cà phê
Đứng lại
Giữa đường rơi…
Cảm ơn Bác Trụ Vũ, nhà thơ, nhà thư pháp đã để lại cho đời một tập thơ rất đẹp về cả nội dung lẫn hình thức mà khi đọc qua, không ai không khỏi lắng lại để thưởng thức, suy ngẫm và cảm nhận…

* Tập thơ được ra mắt tại nhà riêng của Giáo sư - Tiến sỹ Trần Văn Khê